Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

1984 (kỳ 4)

George Orwell

 

V.

Trong cái căng-tin thấp tè, nằm sâu dưới lòng đất, dòng người xếp hàng ăn trưa chầm chậm nhích dần từng bước. Phòng ăn đầy người và ồn ào kinh khủng. Mùi thịt hầm bốc ra từ cái bếp phía sau quầy cộng với mùi han đồng chua chua cũng không át nổi mùi rượu Gin Chiến Thắng. Ở phía cuối căn phòng có một quầy bán rượu, trông gần như một cái hốc xây lọt vào tường, có bán loại rượu này, mười xu một li.

“Đúng là người tôi đang cần”, có tiếng nói ngay phía sau Winston.

Anh quay lại. Đấy là Syme, bạn anh, đang làm trong Ban Nghiên Cứu. Có thể từ "bạn” không được chính xác lắm. Bây giờ không ai có bạn, bây giờ chỉ có đồng chí: nhưng tiếp xúc với một số đồng chí thấy dễ chịu hơn một số đồng chí khác. Syme là một nhà ngôn ngữ học, chuyên gia về Ngômo. Anh tham gia trong một nhóm rất đông chuyên gia biên tập Lần In Thứ Mười Một cuốn Từ Điển Ngômo. Anh là một người nhỏ bé, nhỏ hơn cả Winston, tóc đen, mắt vừa to vừa lồi, đượm buồn và đầy vẻ nhạo báng nên khi nói chuyện cứ như đang nhìn xoáy vào người ta vậy.

“Tớ muốn hỏi cậu có lưỡi dao cạo râu nào không?”, anh ta nói.

“Không!”, Winston vội đáp như người mắc lỗi. “Tớ đã tìm khắp. Không đâu có cả.”

Ai cũng hỏi dao cạo râu. Thực ra anh vẫn còn hai cái dự trữ. Đã mấy tháng nay không có dao cạo râu rồi. Trong các cửa hàng của Đảng lúc nào cũng thiếu hụt, không thứ này thì thứ kia. Khi thì cúc, khi thì chỉ, khi thì dây giày, còn bây giờ là dao cạo râu. Chỉ có thể mua một cách lén lút, đấy là nếu may mà gặp, ở thị trường "tự do".

“Tớ dùng có một cái đã sáu tuần nay rồi”, anh nói dối.

Hàng người chuyển dần lên phía trước. Mỗi người nhặt một chiếc mâm sắt dính đầy mỡ xếp chồng lên nhau ở phía cuối quầy hàng.

“Hôm qua cậu có đi xem treo cổ bọn tù binh không?”, Syme hỏi.

“Tớ phải làm”, Winston đáp. “Chắc là tớ sẽ xem trong rạp.”

“Phí của giời”, Syme nói.

Đôi mắt đầy vẻ nhạo báng của anh ta lướt qua mặt Winston. "Tôi biết" – ánh mắt dường như muốn nói - "Tôi đã đi guốc trong bụng anh rồi. Tôi biết rõ vì sao anh không đi xem treo cổ bọn tù binh rồi mà".

Syme là một người chính thống cực đoan nhất, theo kiểu trí thức. Anh có thể kể lại với giọng hể hả đầy phản cảm về những vụ oanh kích bằng máy bay trực thăng vào làng mạc của kẻ thù, những phiên toà xét xử và những lời thú tội của bọn tội phạm tư tưởng, những vụ hành quyết dưới tầng hầm Bộ Tình Yêu. Khi đàm đạo phải cố gắng tránh những đề tài này và nếu có thể được thì lái về chuyện Ngômo, lĩnh vực anh ta thông thạo và tỏ ra rất hào hứng. Winston khẽ quay đầu sang bên để tránh cặp mắt đen to đang chăm chú nhìn mình.

“Vụ hành quyết phải nói là đẹp”, Syme nói đầy vẻ mộng mơ. “Khi thấy họ trói chân chúng lại tớ đã nghĩ thế thì mất thú. Tớ thích xem chúng giẫy giụa cơ. Nhưng khoái nhất là đoạn cuối, lưỡi thè ra, màu xanh, xanh lè. Tớ thích cảnh đó nhất.”

“Tiếp theo, xin mời”, một mụ cu li mặc áo choàng trắng, tay cầm một cái thìa hét toáng lên.

Winston và Syme cùng đưa mâm ra. Cả hai được nhận ngay suất ăn trưa: một bát thịt hầm, một lát bánh mì, một miếng phó mát, một tách cà phê Chiến Thắng và một viên đường hoá học.

“Có cái bàn trống ở gần màn vô tuyến kìa.”, Syme nói. “Tiện thể lấy luôn li Gin.”

Gin được rót vào chiếc cốc sứ không có tay cầm. Hai người lách qua căn phòng chật cứng, họ xếp đồ ăn lên cái bàn sắt, ở một góc bàn có ít nước sốt đổ, trông bẩn như có người vừa nôn ra vậy. Winston cầm cốc rượu Gin lên, nhưng anh dừng lại vài giây để lấy đà và uống một hơi cạn hết cốc rượu ngầy ngậy mùi dầu thực vật. Anh lấy tay chùi nước mắt và bỗng nhận thấy là rất đói. Anh nuốt từng thìa đầy nước sốt, trong đó thỉnh thoảng cũng thấy những cục vuông vuông mềm nhũn, màu hồng, có thể là thịt. Không ai nói câu nào trước khi ăn hết bát thịt hầm. Phía sau, bên trái Winston, một người nào đó đang xổ từng tràng, không ngưng nghỉ, giọng như vịt kêu, át cả tiếng ồn xung quanh.

“Cuốn từ điển đến đâu rồi”, Winston phải nói to để át tiếng ồn.

“Hơi chậm”, Syme nói. “Tớ đang làm phần tính từ. Hấp dẫn lắm.”

Vừa nói đến Ngômo là anh sôi nổi lên ngay. Đẩy cái bát sang một bên, một tay cầm bánh mì một tay cầm miếng pho mát, anh nhoài người qua bàn để có thể nói mà không cần lên giọng.

“Lần in thứ mười một là lần cuối cùng đấy”, anh nói. “Chúng tớ sẽ tạo cho ngôn ngữ một hình thức hoàn hảo nhất, một hình thức mà sau đó không còn ai có thể nói gì được nữa. Khi chúng tớ hoàn thành thì những người như cậu sẽ phải học lại toàn bộ từ đầu. Các vị nghĩ rằng nhiệm vụ của chúng tớ là nghĩ ra từ mới chứ gì. Sai bét! Chúng tớ đang phá hủy từ ngữ, phá hủy rất nhiều, hàng trăm từ mỗi ngày. Chỉ để lại bộ khung thôi. Không có một từ nào trong lần xuất bản thứ mười một là bị lỗi thời trước năm 2050.”

Anh ta nhai nhồm nhoàm mẩu bánh mì rồi nuốt và lại tiếp tục câu chuyện một cách phô trương. Khuôn mặt xương xương của anh trở nên sống động, cặp mắt hết vẻ nhạo báng mà trở thành mơ màng.

“Phá hủy từ ngữ là một công việc tuyệt vời. Tất nhiên rác rưởi chủ yếu là ở động từ và tính từ, nhưng danh từ cũng thừa nhiều lắm, phải nói là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Không chỉ danh từ đồng nghĩa mà cả phản nghĩa cũng thừa. Đã có một từ rồi thì thử hỏi từ ngược nghĩa với nó còn dùng để làm gì? Một từ bản thân nó đã có nghĩa ngược lại rồi. Thí dụ từ "tốt". Nếu ta đã có từ "tốt" thì từ "xấu" dùng để làm gì? "Không tốt" cũng vậy thôi, mà lại còn hơn vì nó ngược nghĩa hoàn toàn, trong khi các từ khác đâu có được như thế. Nếu anh muốn nhấn mạnh "tốt" thì cần gì đến một dãy những từ mù mờ, vô ích như kiểu "tuyệt vời", "tuyệt hảo"? Từ "tốt cộng" bao hàm tất cả các nghĩa đó hoặc dùng từ "cặp tốt cộng" để nhấn thêm nữa. Tất nhiên, hiện nay chúng ta cũng đã sử dụng những hình thức này rồi, nhưng trong phương án mới của Ngômo thì các hình thức khác sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Cuối cùng, toàn bộ khái niệm tốt và xấu sẽ được thể hiện bằng sáu từ, nhưng thực chất là chỉ có một từ thôi. Winston, cậu có thấy như vậy là hoàn hảo không? Ý tưởng này là của Anh Cả đấy.” Anh ta vội vã nói thêm.

Vừa nghe nhắc đến tên Anh Cả là mặt Winston vội tỏ vẻ hào hứng một cách uể oải. Nhưng Syme đã nhận ra ngay sự thiếu nhiệt tình của anh.

“Winston, cậu đánh giá chưa đúng Ngômo đâu”, Syme nói vẻ hơi buồn. “Ngay lúc viết bằng Ngômo, cậu vẫn suy nghĩ bằng Ngôn Ngữ Cũ. Đôi khi tớ có đọc những bài cậu viết trên tờ Times. Hay thì có hay đấy, nhưng vẫn là những bản dịch. Trong thâm tâm, cậu vẫn bám vào Ngôn Ngữ Cũ với tất cả những sắc thái mù mờ và vô ích của nó. Cậu chưa nhận thấy cái đẹp trong việc phá huỷ ngôn từ đâu. Cậu có biết rằng Ngômo là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có số từ vựng giảm hàng năm không?”

Dĩ nhiên là Winston không biết. Anh mỉm cười, cố tỏ vẻ đồng tình nhưng không dám mở miệng. Syme lại cắn một miếng bánh mì đen nữa, anh trệu trạo nhai rồi nói tiếp:

“Chả lẽ cậu không biết rằng nhiệm vụ của Ngômo là thu hẹp không gian tư duy lại hay sao? Cuối cùng, chúng ta sẽ tiêu diệt luôn tội tư tưởng vì không còn từ nào để thể hiện tội đó nữa. Mỗi một khái niệm cần thiết sẽ được thể hiện bởi một từ duy nhất, ý nghĩa của mỗi từ sẽ được qui định chặt chẽ, các nghĩa phụ, đi kèm sẽ bị huỷ bỏ và người ta sẽ quên. Chúng ta đã tiến gần đến mục đích này trong lần xuất bản thứ mười một tới đây. Nhưng tiến trình sẽ còn được tiếp tục sau khi tôi và anh đã chết lâu rồi. Mỗi năm lại giảm đi một ít từ và không gian tư duy vì thế cũng thu hẹp dần. Dĩ nhiên, lúc này thì không có lí do hay sự bào chữa nào cho tội tư tưởng cả. Đấy chỉ là vấn đề tự mình chấp hành kỉ luật và làm chủ hiện thực mà thôi. Nhưng cuối cùng thì ngay cả điều đó cũng không cần thiết nữa. Cách mạng sẽ hoàn thành khi ngôn ngữ đã hoàn thiện. Ngômo là Chuanh Chuanh là Ngômo”, anh nói thêm với một vẻ thoả mãn thần bí. “Winston, bạn có bao giờ nghĩ rằng muộn nhất là đến năm 2050 trên trái đất này sẽ không còn ai hiểu được câu chuyện chúng ta đang nói hôm nay không?”

“Trừ”, Winston nói đầy ngờ vực nhưng rồi lại thôi.

Chút nữa thì anh đã thốt ra: "Trừ bọn cu li" nhưng kịp dừng lại đúng lúc vì anh không biết nói như thế có phải là phi chính thống không. Nhưng Syme đã đoán được ý anh.

“Bọn cu li không phải là người”, anh nói vẻ ngạo mạn. “Trước năm 2050, có thể sớm hơn nữa, mọi kiến thức về Ngôn Ngữ Cũ sẽ bị xoá sạch. Toàn bộ nền văn chương cũ sẽ bị hủy bỏ. Tác phẩm của Chaucer[1] , của Shakespeare[2] , của Milton[3], của Byron[4] sẽ chỉ còn trong phiên bản của Ngômo mà thôi, không phải chúng được cải biến thành những phiên bản khác mà là thành những tác phẩm hoàn toàn ngược lại với những cái đã từng là. Ngay văn chương của Đảng cũng sẽ biến đổi. Khẩu hiệu cũng đổi. Làm gì còn khẩu hiệu "Tự do là nô lệ" khi khái niệm tự do đã bị bãi bỏ? Môi trường tư duy sẽ hoàn toàn khác. Tư duy, như chúng ta vẫn hiểu hiện nay sẽ không còn. Chính thống là không suy nghĩ, không cần suy nghĩ. Chính thống là vô thức.”

Một ngày nào đó, Winston bất chợt nghĩ, Syme sẽ bị bốc hơi. Anh ta thông minh quá. Anh ta hiểu rõ mọi việc và lại thẳng ruột ngựa nữa. Đảng không ưa mẫu người như vậy. Anh ta nhất định sẽ bị bốc hơi. Câu đó như được viết trên mặt anh ta.

Winston đã ăn xong bánh mì và pho mát. Anh khẽ nghiêng người để lấy li cà phê. Ở bàn bên trái, người đàn ông nọ vẫn tiếp tục tuôn ra hàng tràng liên thanh bằng giọng chói tai như cũ. Một phụ nữ trẻ, có thể là thư kí của người đàn ông nọ, ngồi ngay sau Winston, chăm chú lắng nghe ông ta và có vẻ như sẵn sàng đồng ý với tất cả những gì ông ta nói. Chốc chốc Winston lại loáng thoáng nghe thấy một giọng phụ nữ trẻ, có vẻ đần, nói những câu đại loại như: "Đúng quá, tôi cũng nghĩ vậy". Nhưng người đàn ông vẫn nói, không ngừng nghỉ, ngay cả khi cô gái kia ngắt lời. Winston đã từng gặp ông ta, nhưng anh chỉ biết đại khái là ông ta giữ một chức vụ quan trọng trong Ban Sáng Tác. Ông ta khoảng ba mươi tuổi, cổ đầy bắp thịt, miệng rộng và không bao giờ yên. Đầu ông ta hơi ngả ra sau, cặp kính phản chiếu ánh sáng về phía Winston nên anh chỉ nhìn thấy hai vòng tròn trắng chứ không nhìn thấy mắt. Cái gây cho người ta cảm giác rờn rợn chính là không thể nghe rõ được một từ nào trong mớ âm thanh đang tuôn ra liên hồi kì trận từ cái miệng rộng của người đàn ông nọ. Chỉ có một lần Winston nghe thấy câu: "Tiêu diệt hết và hoàn toàn phái Goldstein", câu nói bắn ra nhanh gọn, như một hàng chữ bật ra từ máy in. Còn nói chung thì giống như một tiếng ồn liên tục, như tiếng đàn vịt kêu: cạc-cạc-cạc bất tận. Và tuy không nghe rõ, người ta vẫn có thể đoán được nội dung câu chuyện của người đàn ông. Dù ông ta có lên án Goldstein, dù ông ta có đòi phải áp dụng các biện pháp cứng rắn chống lại bọn tội phạm tư tưởng và bọn phá hoại, dù ông ta có tỏ ý bất bình với những hành động dã man của quân Eurasia; dù ông ta có ca ngợi Anh Cả hay các chiến sĩ trên mặt trận Malabar, thì cũng thế thôi. Dù nói gì thì đấy vẫn chỉ là tuyệt đối chính thống, tuyệt đối Chuanh. Nhìn cái miệng liên tục há ra ngậm vào trên khuôn mặt không có mắt của ông ta, Winston bỗng nghĩ hay đây không phải là người, mà chỉ là một manơcanh. Những câu nói không xuất phát từ óc não mà xuất phát từ thanh quản. Đúng là từ ngữ chui ra khỏi miệng, nhưng đấy không phải là nói, theo đúng nghĩa của từ này: đấy chỉ là âm thanh sinh ra trong vô thức, chả khác gì tiếng quạc quạc của bầy vịt.

Syme ngồi yên lặng, anh lấy cán thìa vẽ lên chỗ nước sốt đổ trên mặt bàn. Tiếng quạc-quạc ở bàn bên vẫn phun ra liên tục và nhanh như cũ, người ta dễ dàng phân biệt được nó với tiếng ồn ào xung quanh.

“Có một từ trong Ngômo”, Syme nói. “Không hiểu cậu đã biết chưa: vịtngữ, nghĩa là kêu quạc quạc như vịt. Đấy là một trong những từ thú vị, có hai nghĩa trái ngược nhau. Với địch thủ thì đấy là lời chửi rủa, nhưng với đồng chí thì lại là ngợi ca.”

Chắc chắn là Syme sẽ bốc hơi thôi, Winston lại nghĩ. Anh cảm thấy hơi buồn mặc dù biết rằng Syme coi thường mình, chẳng ưa gì mình và nếu phát giác ra thì sẽ tố cáo anh là tội phạm tư tưởng ngay. Syme có phần chưa thật hoàn hảo. Anh bị thiếu một cái gì đó: có thể là sự thận trọng hay sự lãnh đạm, mà cũng có thể là sự khù khờ để được thánh nhân đãi chăng. Không thể bảo là anh ta phi chính thống. Anh tin tưởng vào các nguyên lí của Chuanh, kính yêu Anh Cả, anh vui mừng với mỗi chiến thắng, anh căm thù bọn tội phạm tư tưởng, không những căm thù một cách chân thành mà còn với lòng nhiệt tình vô bờ bến nữa, lại còn nắm được những tin tức mới nhất mà không phải đảng viên nào cũng có quyền biết. Nhưng nhìn anh, người ta sẽ nghĩ ngay đây là một kẻ bất hảo. Anh nói những chuyện đáng lẽ không nên nói, anh đọc rất nhiều sách, lại hay ghé quán cà phê Cây Dẻ là chỗ tụ bạ của bọn nhạc sĩ và họa sĩ nữa. Không có điều luật thành văn hay bất thành văn nào cấm vào quán Cây Dẻ, nhưng chỗ đó như có điềm gở thế nào ấy. Trước đây các đảng viên già, thất sủng, thường tụ tập ở đó, cuối cùng họ đã bị thanh trừng. Nghe nói Goldstein cũng thường đến đây, lâu rồi, có thể cả chục năm rồi, dĩ nhiên. Số phận của Syme không phải là việc khó đoán. Nhưng có một điều chắc chắn là nếu Syme phát hiện được quan điểm của Winston thì anh ta sẽ báo cáo với Cảnh Sát Tư Tưởng ngay. Ai cũng sẽ làm thế: nhưng Syme làm nhanh hơn nhiều người khác. Lòng nhiệt tình không chưa đủ. Chính thống là trạng thái vô thức.

Syme bỗng ngẩng đầu lên.

“Parsons đang tới kìa”, anh nói.

Giọng của anh như muốn thêm: "một thằng ngốc chán ngắt". Parsons, một người thấp và béo phệ, mặt như mặt ếch, hàng xóm cùng chung cư Chiến Thắng với Winston, đang lách qua căn phòng. Anh ta mới có ba mươi lăm tuổi nhưng cổ đã bự và bụng thì núc ních những mỡ; tuy thế, dáng đi lại dứt khoát và nhanh nhẹn không khác gì thanh niên. Anh ta có dáng của một đứa trẻ, cho nên, mặc dù anh ta mặc đồng phục nhưng vẫn có thể tưởng tượng như anh ta đang mặc quần soóc xanh, áo sơ mi xám, cổ đeo khăn quàng đỏ của đội viện đội Tình Báo. Nhắm mắt lại ta có thể tưởng tượng ra hai đầu gối xù xì và hai ống tay áo sắn đến tận khuỷu của anh ta. Thực ra Parsons luôn luôn vận quần soóc khi đi dã ngoại hay tham gia các hoạt động thể thao, nghĩa là mặc ngay khi hoàn cảnh cho phép. Anh ta nói : "Xin chào, xin chào" với cả hai người rồi ngồi xuống cạnh bàn, mùi mồ hôi nồng nặc lập tức bao trùm khắp nơi. Khuôn mặt anh bám đầy những giọt mồ hôi to bự. Khả năng ra mồ hôi của Parsons quả là vô địch. Ở câu lạc bộ, chỉ cần cầm vào vợt, thấy còn ướt, là có thể đoán Parsons đã chơi bóng bàn trước đó bao lâu. Syme lôi ra một mảnh giấy đầy chữ và đọc, tay cầm sẵn một chiếc bút chì hoá học.

“Xem này, ăn cũng không nghỉ”, vừa nói Parsons vừa thúc vào sườn Winston. “Say mê quá? Việc gì đấy, anh bạn? Tớ thì hiểu sao nổi, đúng không? Smith, có biết tại sao tớ phải tìm cậu không? Cậu quên đóng cho tôi.”

“Đóng gì?”, Winston vừa nói vừa đưa tay vào túi lấy tiền. Khoảng một phần tư tiền lương được dùng vào việc tự nguyện mua đủ thứ, nhiều thứ đến nỗi chẳng thể nhớ xuể.

“Tuần lễ Hận Thù. Cậu biết đấy, đóng theo khu dân cư mà. Tớ là thủ quỹ khu nhà mình. Chúng tớ đang cố hết sức để làm một buổi lễ cho ra trò. Nếu chung cư Chiến Thắng không treo được lá cờ to nhất khu phố thì cũng không phải lỗi của tớ đâu đấy. Cậu hứa nộp hai dollar mà.”

Winston lấy hai tờ tiền nhàu nát, nhớp mỡ đưa cho Parsons. Anh ta liền ghi bằng những nét chữ nắn nót của một người ít học tên Winston vào cuốn sổ tay.

“Tiện đây”, Parsons lại nói. “Tớ nghe nói thằng nhóc nhà này hôm qua đã bắn vào cậu. Tớ đã mắng cho một trận ra trò. Tớ còn dọa là nếu còn thế sẽ bị tịch thu súng cao su đấy”.

“Mình nghĩ cu cậu bực vì không được đưa đi xem hành quyết thôi”, Winston đáp.

“Vâng, tớ muốn nói thằng bé được lắm. Cả hai đứa đều nghịch khủng khiếp, nhưng say mê thì không chê vào đâu được! Chúng chỉ quan tâm tới đội Tình Báo và chiến tranh thôi. Các anh có biết con nhỏ nhà tôi đã làm được chuyện gì thứ bảy tuần rồi không? Chúng đi dã ngoại ở Berkhamsted, thế mà con bé kéo hai đứa con gái nữa theo dõi một người lạ mặt suốt một buổi chiều. Chúng theo dõi người này qua hết khu rừng, hai tiếng đồng hồ liền và khi đến Amershamsted thì giao cho đội tuần tra.”

“Vì sao chúng lại làm thế?”, Winston vội vã hỏi.

“Con bé ngờ rằng hắn ta là gián điệp, mới xâm nhập bằng cách nhảy dù chẳng hạn. Nhưng cái chính là thế này. Các anh thử nghĩ xem vì sao con bé lại nghi ngờ người đó? Hoá ra là tại đôi giày, con bé nói chưa thấy đôi giày như vậy bao giờ. Có nhiều khả năng hắn là người ngoại quốc. Mới bảy tuổi thôi đấy, nhanh trí không?”

“Thế rồi sao?”, Winston lại hỏi.

“Tớ không biết. Nhưng tớ sẽ không ngạc nhiên nếu…”, vừa nói Parsons vừa làm điệu bộ ngắm súng và bật lưỡi, giả làm tiếng bóp cò.

“Tuyệt vời”, Syme nói một cách lơ đễnh, mắt vẫn không rời tờ giấy.

“Tất nhiên không được mất cảnh giác rồi”, Winston đế thêm.

“Thời chiến mà”, Parsons nói.

Dường như để phụ hoạ với điều Parsons vừa nói, chiếc màn vô tuyến treo ngay trên đầu ba người bỗng gióng lên hồi kèn xung trận. Nhưng đây không phải là tin chiến thắng mà chỉ là thông báo của Bộ Ấm No.

“Thưa các đồng chí”, một giọng trẻ trung và mạnh mẽ vang lên. “Các đồng chí chú ý! Chúng tôi xin thông báo một tin vui. Chúng ta vừa thu được một chiến công to lớn trên mặt trận sản xuất! Số liệu về tổng sản phẩm các mặt hàng tiêu dùng chứng tỏ rằng mức sống đã được nâng lên ít nhất là 20 phần trăm so với năm ngoái. Sáng nay trên khắp cả nước Oceania đều có những cuộc diễu hành quần chúng tự phát, công nhân các nhà máy và công sở đã đổ ra đường với cờ, hoa, khẩu hiệu, biểu ngữ để tỏ lòng tri ân Anh Cả, tri ân sự lãnh đạo sáng suốt của Anh, nhờ Anh chúng ta có cuộc sống mới ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Đây là một vài con số tổng kết. Về mặt thực phẩm…”

Câu "cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thời gian gần đây Bộ Ấm No rất hay nói câu này. Parsons, lúc nãy đã giật mình vì tiếng kèn, chăm chú lắng nghe, miệng há hốc vừa như long trọng vừa như chán nản. Anh không thể nhớ hết các con số, nhưng anh biết rằng đấy là lí do để vui. Anh lấy từ trong túi ra một cái tẩu to, sặc mùi, thuốc đã cháy đen lèn chặt một nửa phễu. Với khẩu phần là 100 gram thuốc lá một tuần thì hiếm ai dám lèn đầy. Winston hút Chiến Thắng, anh phải chú ý giữ cho điếu thuốc luôn nằm ngang. Ngày mai mới được lĩnh tiêu chuẩn cho tuần sau, mà anh chỉ còn có bốn điếu nữa thôi. Lúc này anh đang lắng nghe màn vô tuyến, cố không để ý tiếng ồn xung quanh. Hóa ra còn có cả các cuộc tuần hành để tỏ lòng biết ơn Anh Cả vì đã nâng khẩu phần chocolate lên hai mươi gram một tuần nữa. Thế mà hôm qua, anh tự nhủ, người ta vừa tuyên bố giảm khẩu phần xuống còn hai mươi gram đấy. Chả lẽ mới có hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà họ đã tin sao? Đúng thế, họ tin. Parsons tin liền, tin như một con vật ngu si. Cái thằng không mắt ngồi bên cạnh cũng tin, tin một cách cuồng tín, một cách nồng nhiệt, sẵn sàng phát hiện, tố cáo và làm cho bốc hơi bất kì người nào nói rằng tuần trước khẩu phần là ba mươi gram. Syme cũng tin, tuy rắc rối hơn, phải nhờ nước đôi. Hoá ra chỉ mỗi một mình anh còn trí nhớ thôi ư?

Các số liệu tưởng tượng vẫn tiếp tục tuôn ra từ màn vô tuyến. So với năm ngoái thì năm nay có nhiều lương thực hơn, nhiều quần áo hơn, nhiều nhà mới hơn, nhiều đồ gỗ hơn, nhiều chảo hơn, nhiều nhiên liệu hơn, nhiều tàu thủy hơn, nhiều máy bay hơn, nhiều sách vở hơn, nhiều trẻ em hơn, mọi thứ đều nhiều hơn; chỉ có bệnh tật, tội ác và người điên là ít hơn mà thôi. Từng năm, thậm chí từng phút, mọi người, mọi vật, mọi hiện tượng đều phát triển, đều vươn lên tầm cao mới. Bắt chước Syme, Winston cũng lấy cán thìa nhúng vào chỗ nước sốt đổ trên mặt bàn và kéo dần, kéo dần nó từ một vệt dài ngoằng thành ra có hình thù cân đối. Vừa làm thế, anh vừa nghĩ về cuộc sống của mình, về điều kiện sống nói chung, tâm trạng vô cùng bức xúc. Chả lẽ ngày xưa cũng như thế này ư? Lúc nào thức ăn cũng có mùi, có vị như thế này ư? Anh đảo mắt nhìn quanh căng tin. Trần thì thấp, người thì đông, tường thì bẩn, bàn ghế mòn vẹt lại để gần nhau, khuỷu tay người nọ chạm người kia, thìa dĩa thì cong vênh, mâm thì thủng, bát đĩa thô kệch, chỗ nào cũng nhớp mỡ, bụi bám đầy các khe hở, rồi mùi chua chua, cái mùi hỗn hợp của rượu rởm, cà phê rởm, nước sốt han đồng và quần áo bẩn nồng nặc khắp nơi. Lúc nào ruột gan, da thịt cũng có cảm giác khó chịu, cảm giác bị lừa bịp. Thật tình, suốt đời anh chưa từng biết cảm giác nào khác. Chưa bao giờ có thức ăn dư dả, chưa bao giờ tất và quần áo lót không đầy lỗ thủng, bàn ghế thì bao giờ cũng mòn vẹt và ọp ẹp như sắp đổ đến nơi, phòng thì lạnh, tầu điện ngầm chật ních người, tường nhà lở loét, chỉ độc một loại bánh mì đen, chè là của hiếm, cà phê đắng nghét, thuốc lá không đủ hút – ngoài rượu Gin tổng hợp ra thì cái gì cũng thiếu, cũng đắt. Tất nhiên là cơ thể ngày một già đi, nặng nề, chậm chạp thêm; nhưng nếu ta luôn cảm thấy khó chịu vì thiếu thốn, vì bẩn thỉu và lộn xộn, vì mùa đông kéo dài vô tận, vì những chiếc tất nhớp nhúa, vì thang máy chẳng bao giờ chạy, vì nước lạnh, vì xà phòng cứng, vì thuốc lá không chặt, vì mùi vị thức ăn khủng khiếp thì đấy có phải dấu hiệu là nếp sống đang có vấn đề không? Nếu ta thấy cuộc sống này là không chấp nhận được thì có phải trí nhớ được truyền lại từ bao đời trước đã mách bảo ta rằng trước đây mọi sự đã khác hay không?

Anh lại nhìn quanh căng tin một lần nữa. Người nào trông cũng xấu, dù họ có thay bộ đồng phục màu xanh đang mặc bằng những bộ khác thì cũng thế thôi. Ở phía cuối căn phòng có một người đàn ông thấp bé đang uống cà phê, trông ông ta không khác gì một con cánh cam, mắt láo liên, không ngừng ngó ngược ngó xuôi. Nếu không quan sát, Winston nghĩ, thì người ta dễ tin rằng dường như mẫu người lí tưởng do Đảng vẽ ra: thanh niên thì to khoẻ, phụ nữ thì ngực đầy, tóc sáng, vô tư, năng động, da sạm nắng đã và đang tồn tại, thậm trí chiếm ưu thế. Nhưng theo anh thì đa số cư dân Đường Bay I là những người nhỏ bé, đen đủi và thiếu hấp dẫn. Không hiểu sao trong các Bộ lại có lắm loại người-cánh-cam: thấp tè, chân ngắn, bụng phệ sớm, dáng điệu vội vàng hấp tấp, mặt dày vô cảm, thế nhỉ? Dưới sự lãnh đạo của Đảng loại người này đặc biệt đông.

Bản thông báo của Bộ Ấm No kết thúc trong tiếng kèn đồng rộn rã và sau đó là bản nhạc vui. Parsons, cảm thấy phấn chấn vì các số liệu, đưa tay lên rút tẩu thuốc.

“Năm nay Bộ Ấm No làm khá lắm”, vừa nói anh ta vừa gật đầu tỏ vẻ thành thạo.

“Này, Smith, cậu có cái dao cạo dự trữ nào không?”

“Không”, Winston đáp. “Tháng rưỡi nay tớ vẫn dùng có một cái”

“Ừ, thì...mình cũng hỏi thế”

“Xin lỗi”, Winston lại nói.

Tiếng quạc quạc ở bàn bên đã tạm ngưng khi nghe thông báo của Bộ, nay lại tiếp tục vang lên, to như cũ. Không hiểu sao tự nhiên Winston lại nghĩ đến bà Parsons, nghĩ đến mớ tóc ướt lòa xòa và những nếp nhăn dính bụi của bà ta. Chỉ hai năm nữa thôi, con bà sẽ tố cáo bà với Cảnh Sát Tư Tưởng. Bà Parsons sẽ bốc hơi. Syme sẽ bốc hơi. O’Brien sẽ bốc hơi. Nhưng Parsons sẽ không bao giờ bốc hơi. Thằng không mắt đang kêu quạc quạc kia sẽ không bao giờ bốc hơi. Những thằng lùn, những thằng người-cánh-cam, suốt ngày chạy trong những hành lang rắc rối như mê cung của các Bộ cũng không bao giờ bốc hơi. Và cái cô gái tóc đen ở Ban Sáng Tác cũng không bao giờ bốc hơi. Anh có thể đoán được ai sẽ sống và ai sẽ diệt vong, mặc dù không thể nói tại sao.

Winston bỗng giật nảy mình. Người con gái ở bàn bên cạnh vừa xoay lại và nhìn thẳng vào anh. Đấy chính là cô gái tóc đen. Cô ta nhìn nghiêng, nhưng rất chăm chú. Nhưng khi mắt họ vừa gặp nhau thì cô vội quay đi.

Mồ hôi túa ra dọc sống lưng Winston. Anh phát run lên vì sợ. Nỗi kinh hoàng ập đến rất nhanh và qua cũng nhanh, chỉ còn lại cảm giác bứt rứt không yên. Tại sao cô ta lại theo dõi mình? Đáng tiếc là anh không thể nhớ khi mình vào thì cô ta đã ngồi ở đấy hay sau này mới tới. Nhưng hôm qua, lúc Hai Phút Hận Thù, thì rõ ràng là cô ta ngồi ngay đằng sau anh, mặc dù chẳng có lí do gì để làm như thế cả. Có nhiều khả năng là cô ta định nghe và kiểm tra xem anh có nói đủ to không.

Anh lại nghĩ như trước: có thể cô ta không phải là nhân viên của Cảnh Sát Tư Tưởng, nhưng chính bọn nghiệp dư còn đáng sợ hơn. Anh không biết cô ta đã theo dõi bao lâu, có thể khoảng năm phút, anh cũng không biết vừa rồi mình có giữ đúng tư thế hay không. Ở nơi công cộng hay trong vùng quan sát của màn vô tuyến mà tỏ ra đăm chiêu là nguy to. Chỉ một chút vô tình là coi như xong. Chỉ cần một cái máy mắt, một biểu hiện lo lắng, thói quen lẩm bẩm một mình, hay bất kì biểu hiện bất bình thường hay ý định che giấu một cái gì đó là xong. Chỉ cần nét mặt không phù hợp (thí dụ tỏ vẻ không tin khi nghe thông báo thành tích) cũng bị trừng trị rồi. Ngômo gọi đấy là: mặtội, tội lỗi thể hiện trên nét mặt.

Cô gái đã quay lưng lại. Có thể là cô ta không theo dõi anh, có thể vô tình cô đã ngồi gần anh hai ngày liền mà thôi. Điếu thuốc đã tắt hẳn, anh cẩn thận đặt nó bên mép bàn. Anh sẽ hút sau khi xong việc, đấy là nói nếu anh còn giữ được. Có thể người ở bàn bên cạnh chính là chỉ điểm của Cảnh Sát Tư Tưởng, có thể chỉ ba ngày nữa anh sẽ bị đưa vào tầng hầm của Bộ Tình Yêu, nhưng không được để rơi chỗ thuốc lá hút dở. Syme gập tờ giấy và nhét vào túi. Parsons lại lên tiếng.

“Mình đã kể cho cậu nghe”, anh ta nói trong khi vẫn ngậm tẩu, “chuyện hai đứa nhóc nhà mình đốt váy một con mẹ bán hàng ngoài chợ khi chúng trông thấy mụ ta lấy tờ biểu ngữ có ảnh Anh Cả để gói lạp xưởng chưa nhỉ? Chúng lẻn từ phía sau tới và dùng cả một bao diêm đang cháy để đốt. Chắc là bỏng phải biết. Bọn nhóc quậy ha? Nhưng nhạy bén đấy chứ! Đấy là những bài học đầu tiên của đội Tình Báo, phải nói là tốt hơn thời của tôi. Các vị có biết gần đây chúng được trang bị gì không? Trang bị cả ống nghe, có thể nghe lén qua lỗ khoá nhé! Hôm qua con nhóc mang về nghe thử, nó bảo rõ gấp hai tai không. Dĩ nhiên đấy chỉ là đồ chơi thôi. Nhưng ý tưởng thì không chê vào đâu được, đúng không?”

Màn hình bỗng phát ra tiếng huýt chói tai. Đấy là tín hiệu báo giờ làm việc bắt đầu. Cả ba cùng đứng dậy, trước thang máy là một đám đông chen chúc, Winston không thể giữ được chỗ thuốc lá hút dở.


[1] Geoffrey Chaucer – Nhà thơ lớn người Anh (1343-1400)

[2] William Shakespeare – Nhà thơ, nhà soạn kịch vĩ đại người Anh (1564-1616)

[3] John Milton – Nhà thơ lớn người Anh (1608-1674)

[4] Lord Byron – Nhà thơ lớn người Anh (1788-1824)