Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Nguyễn Hữu Đang – người cộng sản bạn tôi

Ôm thằng đit-nhôm sốt siêu vi 6 ngày, đến lượt mình cũng phải trả cái giá sốt 6 ngày, hôm nay mới hết sốt. Bã cả người, cả đầu óc! Hôm nay mới nhóc nhách được, với cuốn sách ở đầu giường, tập hồi ký "Gương mặt những người cùng thế hệ". Lật một trang – trúng bài về cụ Nguyễn Hữu Đang. Hóa ra năm 2017 này là đúng 10 năm nhân vật lỗi lạc nhất... và cũng bi thảm nhất của Cách mạng tháng Tám đã từ giã "thiên đường cộng sản" – bể khổ thực sự đối với chính ông. Ông Đang là một trong số ít những người cộng sản mà cụ Hòe coi là bạn thanh khí. Bài hồi ký về ông, cha tôi "viết" cuối cùng: đã bước sang tuổi 100, mắt mờ, tay run, chân gần như liệt, cụ nằm trên ghế bố đọc cho tôi làm trên vi tính từng câu, sau mỗi đoạn tôi đọc cho cụ duyệt lại. Đến đúng giờ Ngọ 23 tháng Chạp Canh Dần, cụ bảo: "Tạm dừng. Ông Công Ông Táo về Trời báo cáo rồi, bố con mình có cố cũng chẳng ai ghi công. Ra Giêng mình tiếp tục...". Ba ngày sau, 26 tháng Chạp Canh Dần, cụ Hòe ra đi...
Trong một lần đến thăm tôi tại nhà riêng, anh TKT, một đại tá an ninh văn hóa, có nêu thắc mắc: theo hồ sơ "vụ Nhân Văn-Giai Phẩm" thì cụ Đang ít liên quan, không hiểu sao bị kết án nặng thế?
Những dòng cuối cùng của cụ Hòe về người bạn cộng sản thanh khí phần nào giải đáp thắc mắc đó chăng?

Vũ Thế Khôi

 

 

NGUYỄN HỮU ĐANG - NGƯỜI CỘNG SẢN BẠN TÔI

Vũ Khắc Hoè


Người đảng viên Cộng sản đầu tiên mà ngẫu nhiên tôi gặp, nhưng không ngẫu nhiên kết bạn là Nguyễn Hữu Đang.
Tôi gặp anh lần đầu tiên vào cuối năm 1943, tại một cuộc họp mở rộng của Ban trị sự Hội Truyền bá Quốc ngữ. Rồi cả một năm biết nhau mà cũng chẳng rõ anh là thanh niên Cộng sản. Và có rõ thì cũng chẳng để ý đến vấn đề đảng tịch đảng tính của bạn. Đã có tham gia viết báo Thanh Nghị, thì cứ như thế, bất kể xu hướng chính trị nào, miễn là yêu nước, yêu dân chủ thì đều là bạn mình. Kết bạn để cùng dắt nhau đi “săn chó sói”. Chỉ quý nhau, tin nhau ở chỗ ham và có mánh khoé săn, theo kiểu Thanh Nghị, bằng võ khí văn, sắc nhọn (mềm, trung tính), sao cho có hiệu quả là được.
Buổi họp Truyền bá Quốc ngữ tối hôm ấy tập trung bàn về vấn đề có nên mở thêm nhiều lớp ở thành phố hay củng cố là chính. Cụ Tố, Hội trưởng và số đông uỷ viên Trị sự chủ trương củng cố. Nguyễn Hữu Đang và mấy giáo viên trẻ (của Hội) đòi mở thêm, càng nhiều càng tốt, hơn thế, còn là yêu cầu cấp thiết của phong trào. Tranh luận nảy lửa, gần như quyết liệt, phân liệt. Bỗng cụ Hội trưởng đứng lên, dang tay ra phía cột, bấm nút, tất cả đèn tắt phụt, phòng tối om. Mọi người sờ soạng, bật cười. Không khí căng thẳng biến mất. Tôi ngồi tận xa nhưng vốn quen đường, chạy đến cái cột có công tắc điện, bật đèn lại, sáng choang. Đồng thời nhanh miệng nói luôn: “Anh Đang xưa nay vẫn có nhiều sáng kiến, lại tận lực mở lớp trong các hang cùng ngõ hẻm (tôi muốn nói đến các khu phố lao động). Ta không nên làm anh cụt hứng. Vậy tôi đề nghị Ban trị sự cứ cho phép anh thảo kế hoạch kỹ càng với số liệu học viên, giáo viên, phương tiện cụ thể, rồi chúng ta cử người đến từng nơi kiểm tra lại, thấy không gì cản trở thì mở, sợ gì? Tôi tưởng thế là hợp lý, hợp tình hơn cả…”. Hội nghị gật gù tán thành. Anh Đang vội bổ sung: “Tôi đề nghị Ban trị sự sẽ cử ông Hoè đi kiểm tra, được không?” Vậy là hai chúng tôi trở thành “bạn tri âm tri kỷ”…

…Rồi năm mươi năm sau Cách mạng Tháng Tám, một sáng năm 1995, Câu lạc bộ chiến sĩ diệt dốt thuở xưa tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Bình dân học vụ tại trụ sở xưa của Hội truyền bá Quốc ngữ ở phố Hàng Quạt, nay trở thành Trường dạy nghề của Sở Giáo dục Hà Nội và nơi tá túc lâm thời cho Câu lạc bộ diệt dốt.
Mãi sát nút ngày kỷ niệm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, anh Nguyễn Văn Luân, 50 năm trước là Phó tổng giám đốc Bình dân học vụ (hồi tôi phụ trách Bộ Quốc gia Giáo dục), mới sực nhớ là Hoè còn sống, bèn thân hành đến nhà riêng mời tôi (mời miệng)… Tôi đến. Cũng sát nút giờ họp. Phòng họp đã đông nghịt. Tôi bước vào ngồi ghé xuống chỗ một bác trật tự viên nhường cho, trước mặt bàn chủ tịch đoàn. Ngước mắt nhìn lên: toàn các vị chức sắc lạ mặt. Chỉ có một gương mặt quen: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Ngài” có nhận ra tôi không? Tôi toan nở nụ cười chào, thì cụ Nguyễn Văn Luân đã trân trọng giới thiệu với hội nghị: “Đại tướng nguyên Tổng tư lệnh các lực lượng võ trang Việt Nam, trước đó là chỉ huy trưởng tối cao các lực lượng chiến sĩ diệt dốt” (vì: Đại tướng đã ký Sắc lệnh thành lập Bình dân học vụ)… Nhiều bài phát biểu, tham luận, rồi lời tuyên dương công trạng các kiện tướng Bình dân học vụ, kẻ khuất, người còn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi tất cả.
Cuối cùng Ban tổ chức mời cử toạ nghỉ giải lao đế sẽ vào dự liên hoan văn nghệ cùng với các cựu “chiến binh” chống nạn mù chữ.
Bỗng từ tận cuối phòng ai đó giơ tay cao xin một phút, phát biểu một câu thôi. Người ta thấy một ông già lụ khụ – người vừa giơ tay – bước vội, tiến lên phía Chủ tịch đoàn, tay ôm bó hoa hồng Đà Lạt: một cựu “chiến binh diệt dốt” lão thành mà ai cũng nhận ra ngay, đôi mắt sáng quắc, cái giọng nói oang oang, cái dáng đi thoăn thoắt, trộn đâu lẫn… Nguyễn Hữu Đang!.. Vị chuyên ăn cóc, nhái thay thức ăn bữa cơm hàng ngày, tả trong bài phỏng vấn của một nhà văn quân đội, khi “người” được trả tự do về quê (ở Thái Bình), tạm trú trong một gian kho hẹp của hợp tác xã.
Anh Đang, một tay vịn vào cái cần máy phóng thanh, cau mày nói to, dằn từng tiếng: “Lạ thật! Sao thiên hạ chóng quên thế!... Đây này! (anh chỉ vào mặt tôi). Đây mới đúng là ông trùm Bình dân học vụ – anh Vũ Đình Hoè! Phải không nào, Cụ Hoè?”. Rồi anh quay lại phân bua với cử toạ:
- Ngày ấy, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc Lập, trong phiên họp Chính phủ lâm thời (mở rộng cho tất cả mấy cán bộ đặc trách tham dự). Cụ Hồ tuyên chiến với ba thằng giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thế là ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hoè đây (anh lại chỉ vào mặt tôi), đứng lên trình Cụ hai dự thảo Sắc lệnh, một ra lệnh cho quốc dân sau một năm phải thanh toán xong nạn mù chữ, Sắc lệnh thứ hai thành lập Nha Bình dân học vụ trong Bộ Giáo dục. Cụ Chủ tịch hỏi Bộ đề cử ai phụ trách thì ông Bộ trưởng hích cánh tay vào mạng sườn tôi ngồi cạnh; ông toan nêu tên tôi, nhưng tôi vội thì thầm: “Mình được trên giao việc khác rồi, anh cứ nói tên Nguyễn Công Mỹ đi…”.

Trở lại câu chuyện ngày hôm nay, anh Đang lên cao giọng:
- Tôi xin phép được thay mặt tất cả các vị và anh chị em tặng anh Hoè bó Hoa này. Cái gì của César ta trả lại cho César: người lính già cầm quân diệt dốt trận mở đầu!
Rồi anh nói tiếp:
- Hồ Chủ tịch trao hai bản dự thảo Sắc lệnh cho Văn phòng để sửa sang lại, sáng hôm sau Cụ sẽ ký… Nhưng rồi Cụ bận nên Cụ uỷ quyền cho Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký thay…”

*

Đầu năm 1944… Tình thế biến chuyển mau lẹ, các nhóm trí thức yêu nước tìm gặp nhau để “hiệp lực” chuẩn bị đón vận hội mới của dân tộc. Nhóm Thanh Nghị và nhóm sinh viên Dương Đức Hiền gặp nhau ở vùng núi Sơn Cẩm, trong trang trại của kỹ sư canh nông Nghiêm Xuân Yêm, đã mấy năm bỏ công sở của nhà nước Bảo hộ, chấp nhận bồi hoàn học phí để được về tập làm nông dân. Chúng tôi tranh luận kịch liệt: người, như Dương Đức Hiền và Đỗ Đức Dục, đòi thống nhất tổ chức, thành lập đảng Dân chủ ngay; người, như Phan Anh và Vũ Văn Hiền, nói giờ G ở ta chưa đến, cần tiếp tục hoạt động công khai độc lập.
Để giảm bớt không khí căng thẳng giữa các bạn, tôi nói: Tôi xin kể một câu chuyện vui mà tôi đã bịa ra trước cuộc họp này vài tháng, khi phải trả lời anh Nguyễn Hữu Đang, cán bộ Cộng sản trong Hội Truyền bá Quốc ngữ. Ở một cuộc họp Ban Trị sự của Hội ra, anh Đang kéo tôi sang nhà một “chiến sĩ diệt dốt”, sát nách với trụ sở Hội. Anh thì thầm với tôi về vấn đề tương tự như ta đang bàn ở đây (mời tôi và nhóm Thanh Nghị theo Việt Minh). Cả câu chuyện ngụ ngôn lẫn việc anh Đang gặp tôi hồi đó, nay tôi cũng không còn nhớ nữa. Nhưng tình cờ năm kia, 1998, Ban liên lạc các chiến sĩ diệt dốt tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội, hai anh em chúng tôi nhìn thấy mặt nhau tại buổi lễ. Mừng quá, chạy ra sân ôm nhau hôn hít, hàn huyên đủ chuyện, thì anh Đang vui miệng nhắc lại cả sự tích “Con chó sói” hồi xưa tôi kể.
“Có một con chó sói “ác ôn” hay lẻn vào làng quấy rối. Trong làng có tốp thợ săn muốn lùng bắt nó mà lần nào nó cũng chạy thoát vì nó quen thuộc hết đường lối của các thôn xóm. Lần này các anh thợ săn bảo nhau đuổi dồn nó ra đồng, phía cánh rừng cạnh làng. Chó sói bí lối nhảy tót vào rừng rậm. Lập tức các anh thợ săn bỏ cách làm xưa nay là tất cả đuổi nó theo một hướng; lần này thì các anh bủa vây các hướng khác nhau, mỗi anh nấp ở một ngách cửa rừng, độc lập rình. Đêm khuya rồi, cu cậu sói đói mèm, tất phải mò ra. Ra theo lối nào thì cũng có người rình rồi. Có mà chạy đằng giời!”.
Hôm xưa ấy, anh Đang nghe tôi kể vừa hết thì cười vang:
- Hiểu ý anh rồi. Nhưng dặn hộ các chú thợ săn là phải tỉnh táo, đừng có ngủ gật đấy nhé!

*

Tháng 8 - 1956, Ban Tuyên huấn mở cho văn nghệ sĩ một đợt học tập chính trị để chuẩn bị cho việc họp Đại hội Văn nghệ lần thứ II. Ý đồ là để tẩy não nhóm chủ trương Trăm hoa đua nở. “Nhưng kết quả lại ngược hẳn lại”, – lời Trần Duy, Thư ký toà soạn báo Nhân Văn – khi Hội nghị học tập bàn về vấn đề lãnh đạo và đường lối văn nghệ. Đúng vào lúc đó, bản thân hoạt động xã hội, cải cách ruộng đất, tổ chức hộ khẩu, hoạt động của mậu dịch, v.v. đã thúc đẩy các nhà trí thức lên tiếng phê phán toàn bộ sự lãnh đạo và tự nâng cao nhận thức của họ về trách nhiệm của Kẻ sĩ đối với đất nước là phải liên hiệp với dân chúng...” .
Đại hội Văn nghệ tiến hành trong không khí sục sôi của cuộc giao tranh giữa hai nhóm với hai quan điểm ngược nhau về vấn đề lãnh đạo. Phái chính thống bảo vệ Lãnh đạo, trong đó có Hoài Thanh. Phái đòi dân chủ do Nguyễn Hữu Đang cầm đầu. Phái sau được đa số đại biểu ủng hộ. Hôm tổng kết có bài kết luận của Nguyễn Đình Thi và bản kiểm thảo sơ bộ của Tố Hữu được trình bày, nói lên phần nào những sai lầm lớn của Trung ương và ý định của Trung ương sẽ sửa chữa. Thế là 18 ngày học tập tẩy não đã thất bại. Cuối tháng 8 - 1956, Giai phẩm mùa thu được tung ra, và cuối tháng 9 báo Nhân Văn xuất hiện, số đầu. Cũng vào ngày đó (20 tháng 9) Hoài Thanh viết bài tự phê bình, tuy vẫn giữ lập trường trước đây, nhưng anh thú thực đã bắt đầu tự đặt những vấn đề suy nghĩ thêm sau 18 ngày học tập chính trị.

Trong thời gian báo Độc Lập phát biểu về vấn đề Sai và Sửa sai, cũng như Trung ương Dân chủ nêu quan điểm của mình trong các cuộc họp Mặt trận, đòi sửa sai đến tận gốc rễ tư tưởng và đòi dân chủ hoá tổ chức và lề lối lãnh đạo, thì anh Nguyễn Hữu Đang, vốn quen biết các anh Đỗ Đức Dục và Hoàng Văn Đức (tôi thì cũng có quan hệ công tác trước đây với anh trong Hội Truyền bá Quốc ngữ), đến gặp gỡ chúng tôi nhiều lần. Hai lần đầu tôi có mặt, một lần ở Trụ sở Trung ương Dân chủ, một lần ở trên lầu một nhà tư của bạn anh ở phố Phan Bội Châu. Trong hai cuộc họp anh Đang có ý muốn dò ý kiến chúng tôi về một vấn đề rất quan trọng do anh đặt ra.
Đại khái anh nói:
Để sửa sai đến tận gốc, để dân chủ hoá triệt để đời sống xã hội, phải chăng nên từ bỏ chế độ độc đảng. Nếu chỉ có một đảng toàn quyền, độc quyền làm mưa làm gió, thì làm sao bảo đảm cho những sai lầm nghiêm trọng, gây tác hại khủng khiếp cho nhân dân như hiện nay, không có thể xảy ra lần thứ hai, lần thứ ba… Nên chăng cần có hai đảng mác xít cả, cùng theo đường lối đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, để giám sát lẫn nhau, đấu tranh và hợp tác lẫn nhau; có phải hơn không?
Theo anh, trong hoàn cảnh nước ta, có điều kiện thuận lợi là sẵn có hai đảng Dân chủ và Xã hội bên cạnh đảng Cộng sản rồi. Hai đảng Dân chủ và Xã hội có thể thống nhất làm một rồi đấu tranh đòi vị trí bình đẳng, thật thà bình đẳng chứ không phải chỉ nói đầu lưỡi để cùng lãnh đạo Mặt trận và đất nước. Như thế có tốt hơn không?
Anh đề nghị Trung ương Dân chủ nên suy nghĩ bàn bạc rồi trao đổi thêm ý kiến với nhóm đảng viên Cộng sản chân chính mà anh đại diện.
Câu chuyện mới đến đấy, ít nhất là đối với tôi. Có điều chắc chắn là chưa bao giờ vấn đề được đặt ra trong Trung ương Dân chủ.
Ít lâu sau, được biết, anh và các bạn thân anh bị Công An bắt và đưa đi đâu không biết, những người khác trong nhóm bị khai trừ khỏi Đảng, hoặc cách ly, hoặc bãi chức.
<…>

(Bài chưa hoàn thành: Cụ Hòe dừng đọc 23 tháng Chạp Canh Dần (26 - 01 - 2011), nói ra Giêng tiếp tục kể về những lần gặp lại sau khi cụ Đang được trở về cư trú tại Hà Nội, được khôi phục các quyền lợi của cán bộ cách mạng lão thành, nhưng 3 ngày sau, 26 tháng Chạp cụ Hòe mất. – VTK ghi chú)

Gặp lại bạn thanh khí tại Lễ kỷ niệm 60 năm Hội truyền bá Quốc ngữ - Bảo tàng lịch sử 1998. Ảnh: VTK

Nguồn: FB Vũ Thế Khôi