Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Lí luận văn học – khủng hoảng và lối thoát

Trần Đình Sử

Nhìn suốt thế kỉ XX, lí luận văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ đến năm 1945 phát triển đa dạng, nhiều chiều, song song với tiến trình nghiên cứu văn học dân tộc và phê bình văn học. Từ Đề cương văn hoá năm 1943, đáng chú ý từ cuộc “Tranh luận văn nghệ Việt Bắc” năm 1949 và đặc biệt từ cuối những năm 50 trở đi cho đến tận những năm 80, lí luận văn học thu về một mối thống nhất và trở thành một thứ lí luận có tính chất nhà nước, chỉ đạo nhất quán từ trên xuống dưới, là trụ cột của cuộc đấu tranh ý thức hệ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chưa bao giờ trong lịch sử nước nhà lí luận văn học được nâng tầm quan trọng lên cao như thế, quyền lực như thế, thống nhất như thế! Nó trở thành tiêu chí để phê bình, đánh giá mọi hiện tượng văn học trong nước và thế giới. Các khái niệm như chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tính Đảng, tính nhân dân, tính chân thực, thế giới quan mácxít, vốn sống, lập trường… được hiểu một cách đặc biệt, trở thành tiêu chí giá trị chung của những sáng tác được suy tôn là tiên tiến bậc nhất của thời đại. Nhưng rồi Thời Đổi mới đã đến, đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy xã hội và kinh tế, thì lí luận văn học uy phong lẫm liệt một thời tự tan rã. Các khái niệm có vai trò trụ cột, quy phạm của văn học một thời như phản ánh, chức năng, nguồn gốc văn nghệ, tính giai cấp, tính nhân dân, văn nghệ phục vụ chính trị, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, điển hình, tính chân thật, tính đơn nhĩa… bị hoài nghi, lí luận văn học bị làm rỗng nội dung và mất dần hiệu lực. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu tạo nên cái mà không ít người gọi là “khủng hoảng lí luận”. Khủng hoảng là gì? Là trạng thái quá độ nặng nề từ một hình thái lí luận này chuyển sang hình thái lí luận khác. Lí luận cũ với hệ giá trị cũ đã mất hiệu lực, nhưng chưa mất đi thật sự, lí luận mới đã được nối kết, nhưng chưa được hình thành hẳn. Trạng thái bây giờ là nửa nọ, nửa kia, cũ mới đan xen. Với trào lưu “Cởi trói”, sáng tác, phê bình văn học bùng lên như con ngựa được tháo cương, tung vó phi ra bốn phía, dường như viễn cảnh được mở rộng. Nhưng đối với không ít người thì lại lo thiếu vắng một thứ lí luận đủ sức trói buộc, định hướng chặt chẽ con ngựa ấy. Những câu hỏi lớn day dứt nhiều người: Văn học sẽ đi về đâu? Nhiều người mơ ước làm thế nào để có lại một lí luận văn học quyền uy như trước. Ai sẽ là người trọng tài văn học? Xuất phát từ những tiêu chí nào để nhìn nhận văn học hôm nay? Hầu hết tác phẩm đều có thể đánh giá trái ngược nhau. Đó là mặt thứ hai của cơn khủng hoảng lí luận.

Để hiểu thực chất cơn khủng hoảng lí luận văn học hiện tại và tìm ra lối thoát, cần nhìn rõ thực chất của hình thái lí luận văn học nhà nước. Đó là một hình thái lí luận đặc thù mà hệ thống lí luận chủ yếu lấy từ lí luận chính trị, triết học của một chủ thuyết, do một Đảng cầm quyền, nhà lãnh đạo Đảng ấy đề xuất, trong các văn kiện, nghị quyết đại hội, sau đó được một đội ngũ trí thức đứng ra thuyết minh, chứng minh về cơ sở khoa học, bảo vệ đồng thời chống lại và thậm chí huỷ diệt mọi quan điểm không phù hợp với các quan điểm lí luận kia. Các lí luận khác bị tuyên bố là thù địch, phản động, đi ngược lại đường lối. Số phận của những người có quan điểm kia cũng bị huỷ diệt cùng với quan điểm của mình. Trong hệ thống lí luận nhà nước ấy chỉ có các nhà kinh điển của chủ thuyết hoặc các nhà lãnh đạo là có quyền tác giả, còn những người diễn giải, trình bày lí luận văn học thì không được quyền có quan điểm riêng, không được nói khác. Họ chỉ được quyền lắng nghe, phát hiện trong các ý kiến chỉ đạo có khái niệm nào mới thì viết bài giải thích, trích dẫn, diễn giải. Chẳng hạn nếu nhà lãnh đạo nêu vấn đề tính Đảng, vấn đề điển hình thì một số cây bút ra sức viết bài bênh vực, làm sáng tỏ các khái niệm ấy. Nhiều công trình lí luận thường có nhan đề với lối diễn ngôn tương tự như “học tập”, “quán triệt”, “noi theo”, “tăng cường”, “trên con đường”, “dưới ánh sáng”, “đứng vững”: Học tập tư tưởng văn nghệ của Lênin, Quan điểm văn nghệ của Mác, Ăngghen, Lênin, Quán triệt quan điểm văn nghệ của Đảng, Noi theo đường lối văn nghệ của Đảng, Dưới ánh sáng của đường lối Đảng, Luyện thêm chất thép cho ngòi bút, Đứng vững trên lập trường văn nghệ của Đảng, Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào đời sống, Đường lối văn nghệ của Đảng – chân lí, trí tuệ, ánh sáng… hoặc: Đập tan các quan điểm văn nghệ tư sản, đồi truỵ, Phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại, Phê phán chủ nghĩa hiện sinh, Lột trần chân tướng của… Bất cứ một sự suy nghĩ nào khác như “phá vỡ lô gích đời sống”, “bàn về tính chân thực”, “vai trò của người đọc”… đều phải trả giá. Qua cách diễn đạt, từ ngữ như trên ai cũng thấy rõ tính chất độc tôn, khép kín, tính chất chính trị đậm đặc, ít màu sắc khoa học, hầu như không có đối thoại. Nhà nước hoá toàn thể hoạt động tinh thần, các tổ chức xã hội. Tất cả trở thành “bánh xe, đinh ốc” của bộ máy nhà nước, bộ máy hành chính. Các cơ quan văn học, văn hoá, nghiên cứu văn học, văn hoá tham gia vào vận hành, kiểm soát bộ máy ấy. Hình thái lí luận văn học ấy tồn tại trước hết ở Liên Xô, Đông Âu, ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Bắc Việt Nam. Kết quả là lí luận văn học ấy không nghiên cứu các vấn đề phức tạp của văn học như đặc trưng, cấu trúc, hình thức bên trong, cái kì ảo, cái tưởng tượng, tính kí hiệu, tính đa nghĩa, sự tiếp nhận, mà chỉ rút gọn văn học vào một điều là hình thái ý thức xã hội. Hệ thống lí luận nhà nước như thế chỉ có ích nhất định với thời chiến, khi toàn dân phải nhất trí để đối phó với lực lượng thù địch, góp phần thống nhất toàn dân, giành được thắng lợi, không thích hợp với thời bình, khi xã hội có nhu cầu phát triển toàn diện về văn học và văn hoá, lại càng không thích hợp với thời đại mở cửa giao lưu, đối thoại, toàn cầu hoá hôm nay. Như thế, sự khủng hoảng lí luận chỉ là sự cáo chung của một hình thái lí luận văn học một thời, một hiện tượng phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử.

Xét về tính chất, lí luận văn học là bộ môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn, là một hình thái lí luận thứ phát, vốn không phải là lí luận nguyên phát như khoa học, chính trị, triết học. Từ xa xưa lí luận văn học đều xây dựng trên cơ sở các lí luận nguyên phát. Lí luận thi pháp học của Aristote là con đẻ của triết học Hi Lạp cổ đại, mĩ học Hegel không tách rời với triết học duy tâm khách quan của ông. Lí luận chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên thế kỉ XIX gắn chặt với tiến hoá luận Darwin, khoa học thực chứng chủ nghĩa. Lí luận văn học cách mạng là sản phẩm của triết học Mác- Lênin, các lí luận văn học phương Tây thế kỉ XX không tách rời với các học thuyết của Nietzsche, Freud, Jung, Heidegger, Saussure, Gadamer, Foucault, Derrida… Là lí luận khoa học thứ phát, lí luận văn học luôn bị phụ thuộc vào tình trạng, địa vị của các lí luận nguyên phát mà nó dựa vào. Đó là lí do tại sao, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa thay đổi mô hình xã hội, lí luận mácxít phổ thông phải xem xét lại, thì lí luận văn học mácxít cũng trở nên bơ vơ, hầu như không nơi nương tựa.

Xét riêng về lí luận mácxít, bản thân nó vốn là học thuyết khoa học, nhưng do dựa vào quyền lực nhà nước cho nên lí luận văn học mácxít ở các nước Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam không được ứng xử như khoa học, không có điều kiện để phát triển bình thường như mọi lí thuyết khoa học khác, mà bị thần thánh hóa, biến thành giáo điều. Mà đã không được ứng xử như khoa học thì nó không còn là khoa học nữa. Đã là khoa học thì trao đổi là bình thường, song ở các nước nói trên trao đổi học thuật trở thành cuộc đấu tranh quan điểm, đấu tranh tư tưởng, cho nên nó trở nên bất biến, xơ cứng, giáo điều trong một thời gian dài dưới dạng lí luận phổ thông và gây nhiều tổn thương cho văn học. Chẳng hạn, theo các giáo điều đó, bản chất của văn học được định nghĩa một cách phi mácxít là một hình thái ý thức xã hội thuộc một giai cấp xã hội nhất định, nếu không thuộc giai cấp này thì nhất định phải thuộc một giai cấp khác, không có hình thái ý thức phi giai cấp. Đó là một quan niệm về bản chất khép kín, chết cứng, trong khi đó Mác định nghĩa bản chất con người là tổng hoà của mọi quan hệ xã hội, một định nghĩa mở, đáp ứng sự biến đổi và phát triển. Con người như thế thì văn học cũng là tổng hòa mọi quan hệ xã hội, có đủ các tác động xã hội trong bản thân nó, không thuần nhất một giai cấp nào. Một người đã hiểu bản chất con người như thế ấy thì quyết không thể hiểu bản chất văn học như thế kia. Sự sơ lược hoá triết học mácxít một thời đã gieo mầm khủng hoảng cho lí luận văn học hôm nay. Sự kết hợp với quyền lực cũng làm cho lí luận phát triển phiến diện. Một thời gian dài chúng ta chỉ quan tâm lí luận sáng tác, hầu như bỏ qua, thậm chí thù địch với lí luận tiếp nhận. Điều này cho thấy hình thái lí luận văn học tôn tại dựa trên quyền lực là một hình thái không thể có tiền đồ.

Đi sâu vào lí luận văn học mácxít ta sẽ thấy nhiều quan điểm của Lenin không có giá trị khoa học. Một nhà nghiên cứu văn học Nga phân tích cho thấy, trong các bài báo của Lênin về Tolstoi chỉ là vận dụng tư tưởng văn hóa lịch sử của Hippolite Taine, nhưng đã bị giai cấp hóa. Theo đó, nhà văn vĩ đại Tolstoi biến thành “người biểu đạt tư tưởng và tâm trạng” của một giai cấp nào đó”, “Tolstoi vĩ đại vì ông là người biểu đạt tư tưởng và tâm trạng của hàng triệu nông dân Nga trong thời đại cách mạng tư sản ở nước Nga”, “Nghiên cứu tác phẩm của Tolstoi giai cấp công nhân Nga sẽ nhận ra tốt nhất các kẻ thù của mình”. Lối chính trị hóa như thế là đã đánh mất tác phẩm nghệ thuật của nhà văn vĩ đại. Thế mà một thời gian dài chúng ta coi đó là lí luận kinh điển. Ví dụ này cho thấy ngày nay chúng ta cần đọc lại các tác phẩm kinh điển bằng con mắt bình thường của đứa trẻ con trong ngụ ngôn Bộ áo mới của hoàng đế.

Thứ ba, xét về mặt chức năng, lí luận văn học từ xưa đã có mấy chức năng cơ bản. Một là chức năng lập pháp, quy phạm, tổ chức sáng tác, bảo vệ cho văn học tồn tại và phát triển, bảo vệ mọi sự tìm tòi, cách tân của văn học, và hai là chức năng lí giải, giải thích, thưởng ngoạn văn học. “Văn dĩ tải đạo” là tư tưởng lí luận chủ yếu của Nho gia suốt mấy nghìn năm lịch sử ở Trung Quốc vừa quy phạm văn học vừa chi phối cách lí giải, đánh giá văn học cho đến ngày nay. Ở phương Tây Platon từng đòi đuổỉ thơ ra khỏi vương quốc lí tưởng của ông. Lí luận “mimesis” của Aristote có ảnh hưởng hơn cả nghìn năm. Lí thuyết chủ nghĩa cổ điển Pháp từng quy phạm văn học chủ nghĩa cổ điển. Lí luận khoa học biện hộ cho sáng tác chủ nghĩa hiện thực của Stendhal, Flaubert, Zola… So với các lí luận khác, lí luận văn học mácxít ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam một thời là một hình thái lí luận văn học đặc biệt khác. Nó trước hết là một hệ thống lí luận diễn dịch từ nguyên lí triết học; thứ hai, nó không thuần tuý là lí luận khoa học, mà là một hình thái quy phạm quyền lực độc tôn; thứ ba, lí luận văn học ấy đồng thời cũng ràng buộc, quy phạm sáng tác theo quy luật nghiệt ngã của thời chiến. Thứ tư, dựa vào lí luận ấy, phê bình văn học được sử dụng như một công cụ để đưa đường chỉ lối văn nghệ đi theo đúng định hướng ý thức hệ.

Xét theo mặt chức năng giải thích ta thấy cuộc khủng hoảng lí luận văn học thời gian qua là một bước dừng để chuyển sang hình thái nhấn mạnh chức năng giải thích, lí giải các hiện tượng văn học. Đây sẽ là hình thái lí luận văn học chủ yếu của thời hiện đại. Theo quan điểm của nhiều nhà lí luận hiện đại, chức năng lí giải, giải thích văn học là chức năng chủ yếu của lí luận, tuy nhiên lí luận văn học của chúng ta trước đây đã không chú trọng đầy đủ đến phương diện này. Ta chỉ có một cách giải thích duy nhất là lấy “tồn tại xã hội” để giải thích “ý thức”, tồn tạo ấy là lịch sử đấu tranh giai cấp. Nói đúng hơn, chúng ta bằng lòng với những cách giải thích có tính vạn năng của lí luận của chúng ta. Đại để nếu một hiện tượng văn học không phù hợp với chúng ta thì sẽ giải thích đó là sản phẩm của xã hội phong kiến hay xã hội tư sản hoặc là sự suy đồi, là loại nấm độc… Nguồn gốc văn học ư? Đó là lao động, lao động sáng tạo con người. Sáng tác yếu kém ư? Đó là do thế giới quan chưa đúng hoặc do vốn sống còn nghèo nàn! Cần phải tăng cường đi sâu vào thực tế đời sống nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa! Và thế là còn biết bao cách giải thích khác, lí luận khác, khoa học hơn, cụ thể hơn đã bị chúng ta khước từ, loại bỏ, vì không đúng với quan điểm của chúng ta.

Thực ra lí luận văn học thế kỉ XX đã trải qua một cuộc chuyển đổi hình thái. Chức năng khống chế, quy phạm văn học vẫn còn đây đó, và đó chủ yếu là lí luận về sáng tác, song nổi lên hàng đầu là chức năng giải thích, lí giải văn học. Các lí thuyết như phân tâm học, tâm phân học, chủ nghĩa hình thức Nga, phê bình mới Anh Mĩ, cấu trúc luận, xã hội học, tiếp nhận văn học, kí hiệu học văn học, thi pháp học, văn học so sánh, tự sự học, giải cấu trúc luận, tâm lí học nghệ thuật, nhân học văn học, văn hoá học văn học… đều hướng về phía lí giải, giải thích các hiện tượng văn học từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau. Chúng được đề xuất ra không nhằm để khống chế hay quy phạm văn học. Sở dĩ như vậy là vì trong thời đại phát triển của xã hội dân chủ, kinh tế thị trường, giao lưu, hội nhập, văn hoá đại chúng và các phương tiện truyền thông hiện đại như hôm nay, sự quy phạm, khống chế văn học là điều khó có thể làm được. Có thể tác động đến nó, song khống chế là hầu như không được. Hình thái lí luận văn học lí giải, giải thích văn học đòi hỏi một sự chuyên sâu có tính nghề nghiệp. Sự xuất hiện thi pháp học, phân tâm học, văn học so sánh, lí luân tiếp nhận, lí luận cấu trúc, giả cấu trúc, lí luận về tác phẩm ở nước ta thời gian qua đánh dấu bước chuyển hướng của hình thái lí luận đi về phía hình thái lí giải, giải thích văn học. Muốn theo phân tâm học phải học phân tích tâm lí vô thức, phải học phân tích mẫu gốc, muốn theo thi pháp học phải tinh thông kĩ thuật phân tích hình thức, muốn theo nhân học văn học phải khảo sát vô vàn hiện tượng văn hoá hữu quan. Thực hiện chức năng của lí luận giải thích đòi hỏi phải có đội ngũ nghiên cứu văn học chuyên nghiêp tinh thông ngoại ngữ. Đội ngũ này đã và đang xuất hiện, nhưng còn nhỏ, yếu, chúng ta chỉ có thể hi vọng trong tương lai nó được quan tâm và sẽ góp phần soi sáng nhiều hiện tượng văn học độc đáo đa dạng của văn học dân tộc cùng thế giới.

Đánh giá cuộc khủng hoảng lí luận chúng ta cần làm sáng tỏ mấy vấn đề: Trong thế giới hiện nay liệu có thể tồn tại một hình thái lí luận khép kín, độc tôn được không? Liệu có thể tồn tại một hình thái lí luận chỉ dựa vào quyền lực mà tự duy trì được các nguyên lí không? Liệu có nền lí luận văn học mà chỉ có một thứ lí luận phát triển trên cơ sở một học thuyết được tồn tại hay không? Liệu có một thứ lí luận văn học mà chỉ do các nhà lãnh đạo bao biện làm thay, không có tác giả lí luận văn học bình thường nào khác được không? Trả lời các câu hỏi ấy chúng ta sẽ thấy cuộc khủng hoảng lí luận văn học vừa qua là một dấu hiệu của sự tiến bộ rất đáng khích lệ.

Chúng ta sẽ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng lí luận văn học này như thế nào? Thiết nghĩ trước hết phải xem xét lại phương pháp luận lí luận văn học độc tôn cũ, nhìn ra các hạn chế của nó. Tiếp theo cần xác lập căn bản phương pháp luận lí luận văn học mới. Lúc này, hơn lúc nào hết sự phát triển lí luận văn học của nước nhà không thể tách rời với các khuynh hướng chung của lí luận văn học thế giới. Dù có thiết tha với một nền lí luận văn học Việt Nam, thì nền ấy trước hết cũng phải tiếp cận với các thành tựu lí luận văn học thế giới cả một thế kỉ mà chúng ta đã quay lưng xa lánh. Chúng ta phải trả món nợ lí luận trăm năm ấy bằng hàng loạt công trình dịch thuật các trước tác giá trị nhất, có ảnh hưởng nhất của thế giới. Ngay một nước có truyền thống lí luận văn học dân tộc hàng nghìn năm như Trung Quốc mà đã quyết định quay lưng với truyền thống mácxít Nga cũ, chuyển hướng sang phương Tây. Vậy đối với chúng ta, nếu coi thường lí luận phương Tây thì lí luận văn học làm sao phát triển được?

Phương hướng phát triển lí luận văn học của chúng ta như thế nào? Theo chúng tôi, trước hết phải đặt nó trong bối cảnh lí luận văn học thế giới. Mọi người đều biết, lí luận văn học trên thế giới từ thế kỉ XIX sang thế kỉ XX đã và đang thay đổi lớn. Trào lưu lí luận văn học cổ điển thế kỉ XVIII - giữa thế kỉ XIX lấy các học thuyết triết học về bản thể thế giới (tự nhiên, tinh thần, vật chất) làm nền tảng, sang đầu thế kỉ XX đã bị thay thế bởi các trào lưu lí luận văn học nhân bản chủ nghĩa dựa vào các triết học nhân bản lấy con người làm nền tảng, như các lí luận chủ nghĩa biểu hiện, phê bình phân tâm học, lí luận hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh, lí luận mĩ học mácxít phương Tây, lí thuyết tiếp nhận, lí luận phê bình phản ứng người đọc, lí thuyết đối thoại của Bakhtin… Song hành với trào lưu lí luận văn học nhân bản chủ nghĩa là trào lưu lí luận văn học khoa học chủ nghĩa, dựa vào tiêu chí khoa học khách quan, thực chứng. Đó là chủ nghĩa hình thức Nga, Phê bình mới Anh - Mĩ, chủ nghĩa cấu trúc, kí hiệu học, lí thuyết tự sự học, giải cấu trúc. Đến lượt mình các trào lưu lí luận văn học trên lại đang bị thay thế dần bằng một trào lưu mới: lí luận văn học văn hoá học mang tính chất liên ngành, bao gồm nhân học văn học, sinh thái học văn học, tân lịch sử chủ nghĩa… Tất nhiên, theo quy luật kế thừa, sự thay thế lí luận không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn mọi cái cũ, mà hấp thu chúng vào hệ thống mới một cách tương thích. Về lí luận mácxít, cần được nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, khai thác lí luận chủ thể của nó; mặt khác, có một truyền thống lí luận văn học mácxít phương Tây vẫn kiên trì dựa vào những nguyên lí của chủ nghĩa Mác để phát triển lí luận văn học. Ngày nay có thể coi đó là một nguồn tham khảo có giá trị cho lí luận văn học mới của chúng ta.

Trong bối cảnh lí luận như vừa trình bày trên, lí luận văn học mácxít của ta thuộc dòng lí luận cổ điển thế kỉ XIX trở về trước, chủ yếu quan tâm các vấn đề vĩ mô mà hầu như không quan tâm các phương diện vi mô như ngôn ngữ, văn bản, tiếp nhận… Theo chúng tôi, sự khủng hoảng của nó đánh dấu lí luận văn học hình thái cũ đã lỗi thời, một hình thái lí luận văn học mới, bao hàm cả phương diện vĩ mô lẫn vi mô, phù hợp thời đại mới và trình độ tư duy mới sẽ phải được xây dựng mới.

Để xây dựng một nền lí luận văn học theo hình thái mới và để cho lí luận văn học Việt Nam tiến kịp bước tiến chung của thời đại, có tác dụng thúc đẩy văn học và phê bình văn học dân tộc tiến bộ, hơn lúc nào hết chúng ta cần tạo điều kiện giao lưu rộng rãi về lí luận văn học, tạo điều kiện cho những người làm nghề lí luận được học tập, sáng tạo lí luận theo thiên hướng của mình, được phát biểu ý kiến của mình mà không lo ngại về các cuộc “tranh luận” trá hình mà thực chất là sự thi hành quyền lực một cách tinh vi. Lí luận văn học phải do những nhà chuyên môn tìm tòi nghiên cứu. Cần đào tạo và tôn trọng các chuyên gia. Chúng tôi luôn nhớ đến các chính sách nông nghiệp đã từng biến nước ta từ một nước thiếu ăn thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Lí luận văn học sẽ có những quy luật khác với sản xuất nông nghiệp, song vẫn khát khao những điều kiện giúp phát huy tiềm năng vốn có, thúc đẩy chúng ta sớm bước ra khỏi cuộc khủng hoảng lí luận văn học hiện tại, mà một trong những đòi hỏi hàng đầu là xuất bản và giới thiệu những cái mới, cùng với nó là những tranh luận tự do, xây dựng những nhân cách độc lập trong giới nghiên cứu lí luận, xoá bỏ những nô lệ về tư tưởng.