Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (282): Nguyễn Thị Hoàng (5)

Vòng Tay Học Trò

Chương 3

Khi Ngữ ra khỏi rạp chiếu bóng Hòa Bình, trời bắt đầu tối. Thành phố lên đèn sớm không xóa bớt sương mù. Những chuỗi dài ánh sáng vòng quanh các nhà hàng lớn, qua những dãy nhà nhấp nhô bên kia đồi, lan tỏa đến những bờ cỏ lấp lánh bên hồ như hàng trăm nghìn mảnh vỡ thủy tinh. Gió lạnh buốt. Hơi sương ẩm ướt và phảng phất mùi cỏ hoa lùa vào nhọn lịm người. Anh choáng váng đi trong vùng tranh tối tranh sáng của những hè phố vắng. Đột nhiên Ngữ dừng lại. Anh cảm tưởng mình vừa quên, vừa mất một cái gì ở đằng sau. Cho bàn tay lạnh ngắt vào túi quần rỗng anh lại cúi đầu đi xuống. Hàng cây bên đường tỏa bóng tối xuống lối đi thoai thoải dốc về phía Hồ Đàlạt. Những cặp tình nhân, vợ chồng khăn áo ấm áp, tay trong tay, thong thả và lặng lẽ đi ngược về phía Ngữ. Anh nhìn quanh và không tìm thấy một ai lẻ loi như mình. Ý tưởng cô đơn lại vùng lên quằn quại. Bao nhiêu năm anh từ bỏ, chạy trốn, xua đuổi hết để được kéo dài cuộc sống độc thân. Anh từng đến với tình yêu như một cuộc giải khuây ngắn ngủi, sợ hôn nhân như một nhà tù eo hẹp trói buộc cuộc đời mình. Thế mà bây giờ, bỗng nhiên niềm cô độc đè nặng xuống tâm tư, Ngữ cảm thấy cuộc đời trở nên trống rỗng hoang vắng lạ thường. Anh không thể chịu được. Nhưng anh cũng không thể làm gì hơn. Hay mình về Sàigòn, cưới Vân và đưa nàng lên đây với mình là xong… Băn khoăn mãi, Ngữ chợt nghĩ đến lối giải quyết giản dị đó. Không, anh sẽ hết cô đơn, nhưng niềm cô độc mênh mông sẽ còn lại, khắc khoải và thê thảm hơn hiện tại. Thà một mình còn hơn chung sống với người mình không yêu thương, trong khi tâm hồn đã mang lỡ một hình ảnh xa vời khác. Trâm. Ngữ gọi thầm tên người mình yêu và rưng rưng hờn tủi. Anh chợt buồn tiếc ngẩn ngơ như người chỉ sai một con số chót ở tấm vé nên đành mất lô độc đắc. Thế mà anh đã nhẩm tính, đã phác họa ra một chương trình tuyệt diệu cho tươngl ai trong đó có bóng dáng Trâm. Anh đã tưởng tượng ra cảnh một gia đình thật đầm ấm, thật lý tưởng cho Trâm, cho anh, cho những đứa con kháu khỉnh sau này. Nhưng cái bóng hạnh phúc mới thoáng hiện lên đã vội vàng xa khuất. Như một giễu cợt, một trêu đùa. Anh nghĩ Trâm cũng chỉ xem anh là trò vui giây phút. Hay chỉ là một cuộc thí nghiệm đối với nàng. Chỉ là một cái dấu cộng tầm thường vô nghĩa trong những bài toán tình cảm của Trâm. Con người như vậy ai ngờ tàn nhẫn! Nhiều khi Ngữ thầm oán trách Trâm. Nhưng anh hối hận vì thấy mình vô lý. Anh chỉ tiếc tình mình chân thành không được chấp nhận mà thôi. Mà anh cũng không hiểu được những diễn biến tâm trạng của Trâm nữa. Đầu tiên, nàng thật tử tế. Thật dịu dàng. Thật nhu mì thuần hậu. Và yếu đuối bé thơ như cần đến anh, như cầu xin một che chở, như chờ đợi một vòng tay ôm trọn đời nàng. Cho nên Ngữ đến với nàng. Ý niệm gia đình cũng nhóm lên cùng với những bước tình yêu. Muôn đời Ngữ không bao giờ quên mỗi buổi chiều anh đến thăm nàng và ngỏ ý xin cưới nàng làm vợ. Giọng anh, giọng nàng trong mẩu đối thoại ngắn ngủi và êm đềm đó còn như văng vẳng đâu đây. Với dáng Trâm thật dịu hiền bé bỏng thu hình trong chiếc ghế rộng, hai tay choàng chéo bờ vai, đôi mắt hươu nai qua làn tóc rủ rèm đêm che hờ nửa mặt.

- Trâm à, đã từ lâu, tôi muốn nói với Trâm…

- Thôi, tôi biết rồi và anh đừng nên nói. Không thể đâu! Anh biết qua lời đàm tiếu của thiên hạ về dĩ vãng của tôi rồi chứ? Anh không thể sung sướng với một người vợ tai tiếng đâu.

- Tôi đã nghĩ đến điều đau đớn đó. Nhưng yêu thương sẽ xóa lấp tất cả chuyện ấy. Mình nên nhận định một cách rộng rãi, và giúp nhau bắt đầu lại cuộc đời.

Những ngón tay nhỏ và mềm của Trâm bám nhẹ vào rèm tóc buông, giọng nàng thoang thoảng như hơi gió mặn nồng từ biển cả thổi về:

- Không được đâu anh. Một ngày anh thôi yêu thương, những tì vết của tôi lại hiện hình ám ảnh. Mình coi nhau như bạn, được rồi.

- Hay là Trâm chê tôi không bằng những tỉ phú, những phi công, những giáo sư đại học của Trâm?

Môi Trâm mím lại và mắt Trâm rực lên như ánh lửa cuối cùng:

- Đừng nói thế. Đừng nhắc lại. Anh không hiểu tôi đâu, đừng phán đoán. Tôi đã nói, tôi không cần gì cả. Đia. vị. Tiền bạc. Bề ngoài. Không. Tôi chỉ cần một thứ, một thứ tìm mãi không hề có, hoặc có mà không thể giữ mãi được với mình: tình thương.

- Trâm. Nếu chỉ có thế, sao Trâm từ chối tôi. Trâm biết, Trâm thấy tôi yêu Trâm chừng nào mà…

Trâm úp một bàn tay lên mặt:

- Yêu, ai cũng nói thế cả. Anh cũng như những người trước. Những kẻ sau anh. Như nhau hết. Anh thành thật. Nhưng tôi không tin. Tôi không còn tin ai, tin cái gì nữa. Vì vậy mà, dù không muốn, tôi vẫn sống một mình như thế này, bao nhiêu năm rồi, từ khi…

Trâm muốn chìm vào quá khứ để đau buồn, hối tiếc, nhưng Ngữ say mê hiện tại, say mê cái tương lai sắp sửa ngời lên như nụ cười, ánh mắt Trâm những buổi sáng mai gặp anh trên đường:

- Trâm. Trâm có sợ nghèo không?

Trâm nhìn anh không nói. Ngữ tiếp:

- Tôi còn gánh nặng gia đình nữa. Mẹ tôi và hai đứa em trai còn đi học, tôi phải lo… Trâm bằng lòng san sẻ cuộc đời đó với tôi không?

Trâm trả lời bằng câu hỏi khi Ngữ ra về:

- Anh có đến đây nữa không?

Như lời chấp thuận. Thế mà… thế mà, tại sao như vậy được, khi Ngữ đến, lần sau nữa, cửa đóng im lìm, rồi con bé ở của nàng ra bảo Cô đi vắng. Nhưng nhìn lên cửa sổ lầu cao, anh thấy nàng đứng đó nhìn ra rừng thông, thản nhiên hút thuốc, thản nhiên nhìn anh đau đớn đi qua. Vẻ dửng dưng của Trâm như một thách đố, xua đuổi anh. Nhưng Ngữ vẫn tới. Con người thay đổi luôn luôn như Trâm, nay chấp thuận, mai khước từ, thì cũng biết đâu có lúc nàng lại đợi chờ và tiếp đón anh. Cho nên Ngữ đến hai ba lần nữa. Rồi hàng chục lần. Khi chiều xuống, khi đêm khuya, khi một hai giờ sáng, trời lạnh như tuyết phủ bốn bề, bóng tối tràn lan như đáy vực sâu, anh đi lang thang trên con đường rừng qua nhà nàng tựa một oan hồn lủi thủi. Anh si mê. Anh điên dại mất rồi. Con bé ở, lũ trẻ con, bọn học trò cũng biết hết. Trông thấy anh qua đó, chúng nó chỉ chỏ, nói cười. Sự khinh bỉ, đùa cợt như hắt tạt vào mặt anh. Ngữ thấy mình kỳ quái như một sinh vật từ hành tinh nào rơi xuống cuộc đời này để chịu cực hình. Anh dừng lại. Cố quên đi. Nhưng mỗi khi trông thấy Trâm hiện ra trên dốc cao ở con đường đến nhà người bà con cạnh nhà anh, mỗi khi cái bóng dáng nhẹ nhàng, nhỏ nhắn và tươi thắm đó vờn qua khung cửa sổ phòng anh như một làn mây hờ hững, anh lại bàng hoàng xúc động. Rồi không kìm giữ nỗi. Lại đeo đuổi. Lại van nài. Để bị hất hủi, chối từ, khinh thị.

Một chiếc xe nhà binh ầm ầm chạy từ ngã ba bờ hồ tới. Ánh đèn lóe sáng một vùng đêm âm u. Tiếng la của một người lính trẻ vọng xuống:

- Ê, đi vào lề đường nghe bồ.

Ngữ nhìn lên. Chiếc xe đã chạy qua. Làn ánh sáng mất hút ở cuối đường, anh chợt mỉm cười buồn và mơ hồ thấy lại chiếc mũ đồng của người lính. Ngữ chợt nhớ lời thư của một người bạn mới vào quân ngũ gửi thư về, không có lý tưởng vì mục đích để tranh đấu, Ngữ à. Nhưng mình đến con đường này như chọn một giải pháp cuối cùng. Đời quân ngũ kỷ luật, thì giờ eo hẹp. Những cuộc tập trận bất ngờ, những chuyến hành quân thật xa. Mình đã quên đi những thắc mắc riêng tư, những dấu hỏi về thân phận người đời, những khoắc khoải cô đơn. Mình hoạt động nhiều để cảm thấy đang sống, dù rằng thật đáng buồn là không biết sống để làm gì, để đi tới đâu như thế này. Ngữ vẫn vò đầu với những Heiddeger, Nietzche, Kierkegaard. Hay cậu vào lính như mình cho xong đi…

Những ánh đèn ở trạm xăng và bến xe lóe sáng ngã tư đường. Ngữ đi mau về phía hồ, ngồi xuống một gốc thông viền xi-măng làm ghế đá. Hồ vào đêm. Những day néon bên bờ soi mình xuống mặt nước đen sóng sánh. Ngữ nghĩ đến những vành lược đính kim cương trên một mái tóc đêm chập chờn rung động của người con gái trong thần thoại cổ tích đã mất đi theo tuổi ấu thời. Bên kia hò, hàng thông đứng im lìm như những khối bóng lạnh lùng và bí mật của lũ đàn bà yêu ma xõa tóc chờ đợi người tình không bao giờ đến. Thỉnh thoảng một ánh đèn xe quét lên mặt đường vòng bên kia những giải vàng rực rỡ rồi im lịm tắt dần như ảo ảnh. Dưới chân Ngữ, cỏ đêm ngủ vùi trong tiếng ru não nùng, mơ hồ của dế dun. Anh kéo cao cổ áo, tựa vào gốc thông và chợt thèm một điếu thuốc, hay một ly rượu vừa nồng vừa đắng. Mình không hút, không uống, không chơi từ ngày đi làm việc. Hiền lành như chuẩn bị để lấy vợ. Hai chữ cuối trong tuyệt vọng của mình và lâng lâng đau khổ. Tự nhiên anh muốn bỏ đi, bỏ miền đồi phố sương mù lạnh lẽo này trở về Sàigòn, bê tha, phá phách, sống để quên, sống như thời mới lớn, mới yêu người con gái đầu tiên trong đời. Lương tháng bảy tám nghìn, tiêu cho hết, để làm quái gì.

Ngữ sắp đứng lên thì một bàn tay từ phía sau ấn vai anh xuống.

- Tưởng cậu đi ciné chứ.

Ngữ quay lại. Trong vùng tối lờ mờ của bóng cây, anh nhận ra Biên, người bạn cùng ở nhà trọ.

- Cũng vừa ở Hòa Bình ra.

- Phim hay?

- Xem nhưng không thấy gì cả.

Biên hiểu. Như Biên hiểu vì sao dao này bạn hay ngồi im lặng hàng giờ không làm gì, không nói, không đọc sách hoặc đang đêm, mở cửa ra đi, để mấy giờ sau trở về, áo quần ướt đẫm nước mưa và mắt đỏ hoe như vừa mới khóc. Với người khác, Biên có thể khuyên giải hoặc an ủi được. Nhưng Ngữ, anh không thể cản trở những bước phiêu lưu đau đớn đó. Ngữ vừa yếu đuối, dễ cảm xúc, lại vừa cuồng nhiệt đam mệ Lẽ ra, típ người như Ngữ phải sinh a từ mấy thế kỷ trước: lãng mạn, đa tình, bi lụy. Và chân thành yêu thương, chỉ có thể có một mà không hai, chỉ ràng buộc mà không thể thay thế một bóng dáng đàn bà khác trong tâm trí. Con người như vậy lại yêu Trâm. Người đàn bà đó, hiền dịu, bé thơ, nhưng những đớn đau, tủi hờn quá khứ đã biến tâm hồn nàng thành cái bầu thuốc độc của một mụ phù thủy. Người ngự trị được tâm hồn đó, không thể là Ngữ. Phải từng trải, rắn rỏi, cao thượng, sâu sắc, phức tạp vô cùng mới hiểu và chiếm được bầu độc dược phù thủy đó, cho nên nghe bạn hí hửng nói Trâm nhận lời lấy Ngữ, Biên không tin. Điều đó không thể xảy ra. Mà quả đúng như thế. Ngữ thất vọng, vì đã quá nhiều hy vọng. Bây giờ người thất vọng ngồi đó, tự đọa đày vào tiếc nhớ, hằn học, hờn yêu. Biên thấy bạn ngây thơ và mơ mộng quá chừng.

- Đi cậu.

- Đi đâu.

Biên chỉ con đường đầy bóng tối quanh bờ hồ:

- Một vòng rồi về ngủ.

Nhưng khi Ngữ ngồi lên yên sau của chiếc vespa cho bạn chở đi, tự nhiên Ngữ nói:

- Đến Trâm đi.

- Biết Trâm có nhà không?

Thật ra thì Biên nghĩ, biết Trâm có tiếp mình không?

- Có Biên đi cùng, thế nào cũng hên chứ.

Biên phóng xe về con đường đến viện Đại Học rồi rẽ vào một lối nhỏ quanh rặng đồi thấp.

- Lối này xa và tối quá.

Ngữ cười sau lưng bạn:

- Cậu sợ, còn mình quen bóng tối con đường này rồi.

Một tiếng còi xe hơi ngắn và khô phía sau, rồi chiếc Peugeot trắng lướt qua. Biên quay lại:

- Cậu biết hắn?

- Lưu, giáo sư. Nghe nói thân với Trâm lắm.

Biên cũng nghe nhiều người đồn đãi điều đó, định giấu bạn, không ngờ Ngữ đã biết trước. Tự nhiên anh so sánh Ngữ với Lưu, Ngữ thì hiền lành, chân thật, mềm yếu. Lưu thì trái lại. Lúc nào hắn cũng có vẻ ngang tàng gần như phách lối, kiêu ngạo, lại ranh mãnh, rắn rỏi. Có lẽ Trâm từ chối Ngữ chỉ vì Lưu. Trước kia, Trâm tử tế với Ngữ vì khi đó chưa quen biết Lưu. Giờ người thứ hai hiện đến lẽ tất nhiên Trâm so sánh và chọn lựa. Lưu đã thắng. Bài toán giản dị vô cùng. Nhưng Ngữ hình như không biết, hoặc không muốn hiểu rõ điều đó.

- Dạo này Trâm ít về thăm ông bà Thân nhỉ.

- Có lẽ Trâm nhiều việc.

Nói thế, những Ngữ cũng biết Tâm không về thăm nhà người bà con cạnh nhà anh là vì Trâm muốn tránh không cho anh gặp mặt. Trước kia, chủ nhật nào nàng cũng về. Lũ trẻ con bên ấy tíu tít chạy ra reo mừng đón người chị họ. Tiếng reo của chúng cũng là tiếng reo trong lòng Ngữ. Nàng cúi xuống dịu dàng xoa đầu, vuốt má chúng rồi chia quà cho từng đứa. Mỗi lần nhìn sang bắt gặp anh ngồi sau khung cửa, nàng ân cần hỏi vọng sang: Chủ nhật anh Ngữ không đi chơi, Ngữ nói: Đi một mình buồn lắm. Trâm đùa: Gọi cô Vân về đi với. Là vì có lần Ngữ nói với Trâm về vị hôn thê không bao giờ anh muốn cưới đó. Những ngày vui ấy không còn nữa. Bây giờ thấy anh, nhiều khi nàng ngoảnh mặt làm lơ, không chào hỏi, như anh đã có trọng tội đối với nàng. Ngữ chỉ biết ngồi ở khung cửa đó nhìn sang nhà bên và nhớ đến hồi mới quen Trâm. Lúc đầu thoáng thấy Trâm, anh tưởng nàng từ xa về chơi ít bữa rôi đi. Nhưng hết mùa hè, nàng còn ở lại. Một buổi sáng, anh thấy nàng đi trước, lũ học trò nhỏ theo sau, trên con đường dốc về trường. Dò la, nhà bên kia cho biết Trâm dạy học. Anh qua lại, làm quen. Nàng tự nhiên, trong câu chuyện và cử chỉ, xem anh như một người thân trong nhà. Được một tháng, nàng bỗng dọn đi. Cái sân vuông có bể nước rộng, những giò lan mắc trên bức tường thấp, hàng dây thép phơi khăn mặt, mấy chiếc thau nhôm bóng loáng. Tất cả những thứ đó bỗng trở nên những di tích thần thánh đối với Ngữ từ ngày Trâm đi. Mỗi buổi sáng, anh nhìn sang đều thấy Trâm ra rửa mặt. Thân hình nhỏ nhắn và tươi mát của nàng vươn lên, nghiêng nghiêng bên thành bể nước. Nét mặt không phấn son trang điểm của người con gái sau giấc ngủ bình yên gây trong lòng Ngữ những cảm tình cao quí trong sạch. Nhưng khi nàng không còn đó nữa, vuông sân với những thước khối không khí giá buốt ban mai, với những búp phong lan chớm nở đón xuân về, với tiếng nước chảy róc rách từ vòi cao su xuống lòng bể sâu, tất cả biến thành một vũ trụ hoang vắng buồn tẻ thế nào. Ngữ cảm thấy trống trải thiếu thốn một thứ gì. Khoảng trống đó rộng dần dần mãi ra, trải dài như sa mạc hoang vu. Và trên cõi hoang vu đó, những tiếng vọng mơ hồ thầm kín vẳng lên như tiếng kèn nhớ quê của một kẻ bị lưu đày: anh nhớ. Vì anh yêu. Cho nên lòng anh như mở hội mỗi lần bà thím của Trâm bin kia nhờ anh đến nhắn hỏi hay đem dùm cho Trâm một cái gì. Anh có lý do chính đáng để đi thăm Trâm. Một tình yêu chân thật và tốt đẹp phải đưa tới hôn nhân. Anh ngỏ ý với Trâm. Nàng gần chấp thuận. Rồi nàng khước từ. Rất tàn nhẫn. Rất kiêu ngạo nữa. Nhưng anh không thể quên, không thể gỡ mình ra khỏi những mắc lưới vừa êm ái vừa đau đớn của cuộc tình đơn phương đó.

Ngữ hồi hộp nhìn lên những đốm đèn nhấp nhánh trên ngọn đồi trước mặt. Anh đập nhẹ vào lưng Biên:

- Hay thôi trở lại đi.

- Sao vậy?

- Chắc Trâm ngủ rồi.

- Còn sớm mà cậu.

- Vả lại, hình như lúc này có mấy đứa học trò ở trong nhà Trâm. Hôm trước nghe bà Thân bảo thế.

- Mặc bọn nó chứ. Sao có chúng nó thì không đến.

Con đường ven rừng dứt nẻo ở một vùng nhà cửa lưa thưa bên thung lũng. Tòa nhà trắng của Trâm lờ mờ yên lặng trong ánh trăng non bàng bạc đầu mùa. Ánh đèn le lói hắt qua khe cửa, chiếu lên mặt đường một tia sáng lờ mờ vàng vọt. Hai người dừng xe cách xa cửa ngõ và đi bộ xuống bậc thềm đá.

Nghe tiếng xe dừng, Trâm chạy ra chưa kịp xem ai thì Ngữ và Biên đã đứng sừng sững ở khung của phòng khách. Nếu không có tiếng Trâm gọi chị Ba trong phòng thì Tuân đã nói dối với họ, cô đi rồi như lời Trâm dặn, nhớ nói cô không có nhà khi nào ông Ngữ đến.

Lúc đó, Trâm đang ở phòng Minh. Ánh đèn màu hồng nhạt từ trên bàn học Minh hắt lên tường dáng Trâm ngồi nghiêng trên chiếc ghế nhỏ. Trên giường, Minh nằm thiêm thiếp, cả thân hình lấp dưới những lớp chăn dày, chỉ còn cánh tay trái vươn ra ngoài, buông thõng xuống đất. Đầu lún xuống làn gối êm, mái tóc đen mềm rối bời bồng bềnh viền quanh khuôn mặt trắng xanh nhợt nhạt. Đôi mắt Minh nhắm nghiền, nhưng làn mi còn nhẹ nhàng rung động như ngoài thoắt về gần, thoắt lùi xa trong trạng thái chập chờn mê tỉnh. Khoảng mền trên ngực Minh phập phồng lên xuống theo hơi thở mệt nhọc. Thỉnh thoảng đầu Minh nhỏm lên, như cố thoát ra khỏi một sức đè nén nặng nề nào, nhưng mệt và yếu, nửa thân hình trên của nó lả xuống. Trâm lo lắng nhìn cánh tay của người con trai mềm nhũn buông thõng xuống như không còn sự sống nữa.

Chị Ba ngồi thụp xuống đất, lọ dầu trong tay, hết nhìn cô chủ lại nghểnh cổ trông chừng người ốm. Rồi chị bật lên:

- Hay cô để em cạo anh ấy.

- Không. Có bị trúng gió đâu. Chị đi pha giùm ly sữa. Đưa lọ dầu đây tôi.

Chị Ba đi ra, Trâm trút dầu vào lòng bàn tay, gỡ nhẹ mền chặn trên ngực Minh và cúi xuống. Nàng mở hạt nút ở cổ áo chemise của Minh và luồn bàn tay tẩm dầu vào trong đó. Minh chợt mở mắt. Hai con ngươi sáng dịu ánh lên một thoáng rồi làn mi cong đen từ từ khép lại. Minh mấp máy môi muốn nói điều gì, nhưng rồi nó xoay người, quay mặt vào vách, dúi đầu vào mặt gối.

Trâm lần nhẹ bàn tay trên làn da ngực nóng rực của người con trai. Rồi Trâm nhìn thấy mơ hồ và kỳ lạ, từng ngón tay mình chậm chạp rời khỏi khuôn ngực áo trắng nõn đó. Rồi cũng bàn tay nàng mà trong phút đó Trâm tưởng như của một người thứ hai cài kín hột nút áo Minh và kéo chăn đắp lại như cũ. Trâm cúi xuống gọi nhỏ:

- Minh, em khoẻ chưa?

Không tiếng trả lời. Bàn tay của Trâm lại đặt lên vầng trán người con trai. Cả khuôn mặt Minh lạnh ngắt như bao nhiêu mạch máu dưới làn da đều đọng cứng và te cóng lại. Trâm chấm dầu vào ngón tay và xoa nhẹ hai bên thái dương Minh. Đúng lúc Biên với Ngữ đi vào.

Ngữ đứng lặng người một lúc trước cảnh tượng êm đềm đột ngột đó. Lâu lắm, anh mới lắp bắp:

- Sao thế chị Trâm?

Trâm gật đầu đáp lại cái chào của Biên nhưng không quay lại nhìn Ngữ, cười gượng:

- Nó… bị trúng gió lúc đi học về. Trời đổi mùa, gió máy thật độc địa.

Rồi nàng liếc nhanh về phía gậm bàn học của Minh, yên tâm: cái vỏ chai rượu với cái cốc khuất vào bóng tối, đứng phía cửa nhìn vào không trông thấy được. Nàng nói dối không phải e ngại gì, nhưng không muốn cho người ngoài biết rõ những chuyện xảy ra trong nhà mình. Với lại Ngữ sẽ đặt dấu hỏi nếu biết Minh vừa uống hết nửa chai rượu và lúc này chưa dứt cơn say. Nhưng mùi rượu nồng nồng còn phảng phất trong không khí. Trâm lại tìm câu nói dối:

- Gớm, cái ông lão khùng nhà bên cạnh cứ uống rượu ti tì rồi vác xác qua đây nói huyên thiên, làm nồng cả hơi rượu.

Thấy Ngữ tò mò ngắm quanh gian phòng, Trâm bực tức đặt mạnh chai dầu xuống bàn ngủ đầu giường và đứng lên:

- Mời các anh lên phòng khách, ở đây chật chội quá…

Ngữ thì tưởng Trâm ân cần mời mọc, thản nhiên đưa Biên lên lầu. Trâm gọi chị Ba lấy nước, bảo Tuân ngồi canh chừng Minh, rồi bất đắc dĩ lên theo hai người khách.

Ngữ ngồi xuống ghế và với tay xé tờ lịch treo trên vách gần đó. Trâm khó chịu ngoảnh mặt đi. Hắn làm như là người thân thiết trong nhà mình. Muốn làm "l'air" với Biên chắc. Mình phải tỏ cho Biên biết là Ngữ đối với mình không ra nghĩa lý cóc khô gì hết?

Cho nên bỏ cả phép xã giao, Trâm mặc Ngữ ngồi ngơ ngẩn nhìn quanh phòng, tò mò ngắm nghía những bức tranh treo trên tường, quay sang hỏi han chuyện trò với Biên. Nàng không thích Biên, hoặc không nghĩ rằng có thích được người như Biên không, nhưng dù sao Biên vẫn đứng đắn, lễ độ và biết phận hơn Ngữ. Lâu lắm Trâm mới hỏi Ngữ một câu:

- Lâu nay anh vẫn vừa đi làm vừa học thêm Triết?

Được dịp, Ngữ trút một hơi:

- Tôi thì làm chẳng ra làm, học chẳng ra học nữa. Cứ đi lang bang cho hết tháng ngày. Hôm nọ dạo quanh bờ hồ bị một mẻ vừa rắc rối vừa ly kỳ đó. Một cô học trò từ Sàigòn về Đàlạt, tự tử. Tôi đi ngang vừa lúc cô ta nhảy xuống, gần chỗ mấy chiết ho-bo đậu. Lúc đó khuya, lạnh ngắt mà phải nhảy tòm xuống nước kéo cô ta lên. Rồi phải đi gọi cảnh sát. Phải theo cô ta vào nhà thương, phải đến trình ở bót…

Trâm ngắt ngang:

- Cô ta sống nổi không, hay chết?

- Sống mới mệt chứ. Và cô ta đi tìm tôi tạ Ơn.

Rồi Ngữ kể tỉ mỉ những chi tiết về cuộc cải tử hoàn sanh cho người con gái lạ. Lúc bế cô ta lên xe. Lúc ngồi canh chờ cô ta tỉnh dậy. Lúc cô ta đi tìm gặp anh và hai người khai lý lịch cho nhau. Ngữ tưởng những điều đó làm Trâm chú ý và ganh tức, tưởng Trâm sẽ tiếc và níu anh lại với mình. Ngữ quên bẵng đi một sự thật giản dị và gần gũi nhất: Không yêu, người ta không bao giờ thèm ghen. Và trường hợp anh, càng tìm cách chắp nối, ràng buộc, càng làm cho Trâm cảm thấy xa cách muốn đẩy bật anh ra khỏi thế giới của mình.

Chị Ba bưng trà lên, Trâm hỏi:

- Minh nó uống sữa chưa?

- Thưa cô, anh ấy không dậy uống. Nói mê nói sảng gì đâu ấy.

Trâm đứng lên:

- Xin phép các anh, tôi xuống nhà một lát.

Ngữ tính ngồi yên chờ Trâm lên, nhưng Biên đã ra dấu cho Ngữ và cả hai theo Trâm xuống lầu rồi kiếu từ luôn. Khách vừa ra khỏi cửa, Trâm gọi Tuân:

- Sao cháu để họ vào?

- Cháu định nói cô đi vắng, nhưng họ nghe tiếng cô rồi mà.

Trâm lẩm bẩm:

- Người đâu mà lì thật.

Nàng khóa cửa trước rồi vội vàng vào phòng Minh, ngồi xuống chiếc ghế đầu giường:

- Tuân lấy vở xuống ngồi đó học bài. Chị Ba lấy cho tôi chén xúp đậu đây. Phiền quá, nó chẳng ăn uống gì thế này.

Trong gian phòng yên tĩnh về khuya, chỉ còn tiếng thở mệt nhọc không đều của Minh, và tiếng gió quật nhẹ nhàng trên những cánh cửa kính đóng kín. Trâm ngồi yên lặng ngắm Minh, băn khoăn về những chuyện xảy ra chiều nay.

Buổi họp văn nghệ ở trường kéo dài đến bảy giờ tối. Khi Trâm về đến con đường nhà, trời đã tối mịt. Không thấy Minh và Tuân ra đón như thường lệ mỗi lần đi dạy về muộn, Trâm đi nhanh như chạy xuống con đường dốc thoai thoải. Thằng Tuân đứng chờ nàng trước cửa nhà.

- Cô mau lên. Anh Minh bị…

- Chuyện gì vậy?

- Anh ấy uống rượu đang say trong nhà.

Trâm nhảy xuống những bậc thềm đá và tuôn vào như gió. Nàng ném mấy quyển sách và cái ví tay lên lò sưởi rồi thoăn thoắt vào phòng Minh. Phòng chưa bật đèn, ánh sáng ở thang lầu hiu hắt rọi vào, lờ mờ soi một cảnh tưởng bừa bãi. Trâm đứng sững lại. Rồi tiến tới vài bước cạnh bàn Minh đang ngồi. Yên lặng một lúc, rồi tiếng Trâm hắt lên xa lạ mơ hồ.

Trâm hỏi mãi, Minh chỉ lắc đầu không nói. Nó gục đầu xuống cánh tay duỗi trên mặt bàn. Tay kia còn cầm chai rượu. Bên cạnh nó, sách vở bừa bãi lẫn với những mẩu tàn thuốc, những cây viết, những mẩu giấy xé vụn và một cái cốc còn nồng nặc mùi rượu. Lúc đầu, Trâm còn cố giữ vẻ nghiêm trang của kẻ cả để hỏi tội Minh. Nhưng thấy vô hiệu, nàng đổi thái độ. Mà Trâm cũng thấy lòng mềm lại, không muốn đóng kịch với Minh, với chính mình nữa. Trâm đặt nhẹ bàn tay lạnh giá lên mái tóc rối bù của Minh. Nó ngửng lên nhìn nàng. Trong bóng tối lờ mờ, hai con mắt chợt ngời lên một tia sáng rồi vội vàng lịm tắt. Đôi môi dày và gọn như một nụ hôn, ướt át, nồng nàn hé ra, mấp máy.

Giọng Trâm khác đi:

- Tại sao em như thế Minh?

Bàn tay bé nhỏ của Trâm ngập ngừng đưa xuống bờ vai Minh. Hơi nóng từ da thịt người con trai như bốc lên tấm áo len dày. Trâm cảm thấy thân hình, cảm giác, đầu óc nó đang cháy lên, đang sôi bỏng, sắp sửa nổ tung lên thiêu hủy chính nó. Trâm nghĩ mãi, không hiểu vì sao nó đã uống gần nửa chai rượu. Vì sao nó muốn say, nó tự hành hạ như vậy ngay trong nhà này, nhà của một cô giáo. Có thể Minh buồn vì một chuyện riêng không liên hệ đến nàng. Nhưng vô lý. Tại sao mắt Minh nhìn Trâm kỳ lạ thế. Trong vẻ đau xót. Trâm hiểu cái nhìn đó. Vì đã bao nhiêu đôi mắt con trai, đàn ông nhìn nhàng như thế. Nhưng Minh chưa là đàn ông, cũng không còn là một đứa con trai. Dưới mắt Trâm, trong ý nghĩ Trâm, nó chỉ là một đứa bé khác thường, nghịch ngợm mà lãng mạn. Trâm vẫn nhìn và tưởng như thế từ khi nó đến xin ở trọ. Nhưng chiều nay, trước mắt Trâm, nó biến đổi vô cùng nhanh chóng. Chỉ vì một chai rượu. Và một cơn điên nào đó dày vò tâm trí. Nó ngồi rũ rượi, chán chường và cô độc như những gã ăn chơi sau cuộc vui, muốn phá đập cho tan tành cái trống rỗng rã rời trong cuộc đời và thể xác. Nó ngồi đó. Bóng tối u uất vây quanh. Và nó làm kẻ bệnh hoạn bị bỏ rơi không ai săn sóc thăm viếng nữa. Cơn đau khổ nào đó hành hạ cũng là cơn đau khổ đầu tiên trong đời Trâm, khi nàng bằng tuổi nó bây giờ. Ý nghĩ đó làm lòng trắc ẩn của người đàn bà trở mình thức giấc. Và lòng trắc ẩn bật lên, tiếng trách qua câu hỏi, kiên nhẫn dịu dàng:

- Tại sao em làm như vậy, Minh?

Minh ngẩng lên, nhìn Trâm lâu hơn và vai nó dưới bàn tay nàng đột nhiên rung động.

Trâm gọi chị Ba lấy diêm và đốt một cây nến hồng đặt lên bàn trước mặt Minh. Chai rượu đã cạn khô không một giọt, nhưng bàn tay Minh vẫn bám chặt lấy như muốn uống nữa. Uống thật nhiều và sợ có ai giành giựt phần còn lại. Cốc rượu còn một nửa. Trâm cầm cái cốc định hắt xuống nền nhà nhưng Minh thoắt một cái như mèo vồ chuột chụp cái cốc trong tay Trâm và đưa lên môi nốc cạn. Rồi cả cánh tay nó để rơi xuống bàn. Cái cốc bung ra, rơi xuống, tiếng thủy tinh vỡ vang lên ròn rã. Và nó tỉnh lại. Nó đứng lên, buông chai rượu, một tay đặt lên má, một tay quờ quạng lên bức tường trống sau lưng. Hai con mắt nó đỏ hoe nhìn Trâm vừa van lơn, vừa hoảng hốt. Da mặt tái xanh. Đôi môi run rảy. Mái tóc rũ xuống vầng trán bê bết mồ hôi.

Trâm dìu Minh lại giường, ấn nó nằm xuống. Nhưng Minh bật dậy ngay, lắp bắp:

- Cô tưởng em say à? Không đâu!

- Em mệt. Phải nằm xuống.

Nó lắc đầu:

- Cô đi ăn cơm chứ. Mặc em.

- Tôi lấy xúp cho em nhé!

- Không, em đi ăn cơm. Ăn cơm với cô.

- Thì lên lầu ăn.

Minh ngoan ngoãn theo Trâm lên thang lầu. Nhưng đến phòng ăn, mệt quá, nó ngồi phịch xuống ghế và Trâm chưa kịp làm gì, Minh đã ngã vật xuống sàn nhà, nằm dài, mềm nhũn. Trâm lấy gối kê xuống đầu Minh rồi đắp khăn nhúng nước lạnh lên vầng trán nóng ham hấp. Một lúc Minh tỉnh dậy đứng lên, lừ đừ, lảo đảo. Rồi như điên, nó chạy lao xuống than lầu, vào phòng nhào vào đống chăn bừa bãi.

Bây giờ, nó nằm đó và Trâm chờ Minh tỉnh dậy.

Bỗng nó ú ớ gọi. Trâm cúi xuống. Minh hé mắt nhìn lên:

- Sao sáng thế này cô?

- Đèn ấy mà.

- Không phải, cái gì thật sáng chung quanh người cô kìa.

Trâm ngơ ngác:

- Có gì đâu, em nhảm rồi.

Minh ngồi dậy, lắc đầu cho những ám ảnh rụng xuống:

- Đó, sáng quá. Nhưng em không thấy gì cả. Em sợ. Cô còn đây không? Phải cô đây không, cô?

Thằng Tuân, chị Ba đứng sau lưng Trâm lo lắng nhìn nhau.

Trâm thấy mình như bà Phước trong một dưỡng trí viện đang dỗ người điên tỉnh lại:

- Ừ, tôi đây. Em muốn gì nào?

- Em muốn nhiều lắm. Mà không thể được. Không được. Sao cô xa thế? Sao cô lớn như thế?

- Minh.

- Cô đừng đi, đừng bỏ đi nghe cô.

- Không. Tôi ở đây. Với em.

- Cô có đuổi em đi không?

- Không. Em ở đây. Với tôi.

- Em khát nước. Cô cho em uống.

Chị Ba bưng ly nước trà lại và Trâm kề vào môi người con trai. Bỗng nhiên Trâm thấy sợ. Hai con mắt Minh, qua ly nước óng ánh vàng, nhìn Trâm đăm đăm.

- - Bây giờ em nằm yên. Chị Ba dọn dẹp trên bàn. Tuân học bài đi.

Minh nằm xuống. Trâm kéo chăn đắp kín người Minh. Nó nằm yên lặng nhìn lên và thì thầm:

- Cô.

- Gì, em?

- Cái gì sáng thế cô?

- Có gì đâu em.

- Có, cái gì thật sáng xung quanh cô, như hào quang.

Trâm cúi xuống và tưởng như chưa bao giờ nàng cười dịu dàng đến thế:

- Em nói nhảm rồi.

- Thật mà. Sáng như hôm em thấy cô lần đầu tiên trên trường.

- Em thấy ở đâu nào?

- Ở gốc cây thông, lúc chào cờ. Cô đứng một mình, bao giờ cũng một mình, cũng chỗ đó. Áo kim tuyến lóng lánh mặt trời. Ai cũng nhìn cô…

- Nhưng bây giờ không có ai nhìn tôi nữa đâu. Còn mình em thấy tôi thôi mà.

- Ngày mai cô đến trường, tụi nó lại nhìn cô… Cả "thằng Lưu" nữa.

Trâm sửng sốt nghe tiếng "thằng" hằn học ở miệng Minh thốt ra. Nàng lờ mờ hiểu. Và sợ.

Nhưng Minh nói rất thản nhiên:

- Em làm phiền cô quá. Cô có mệt lắm không? Cô lên phòng nghỉ đi.

- Tôi không mệt, chỉ lo. Mong từ nay em không uống rượu trong nhà tôi như thế nữa. Và có gì cho tôi biết, nếu có thể tôi giúp được em.

Minh cười hóm hỉnh và bí mật:

- Chuyện này… cô không giúp em được đâu. Không bao giờ. Mà nếu biết, chắc cô đuổi em đi ngay. Em…

Minh bỏ dở câu nói và đột ngột xoay người vào trong, vùi mặt xuống gối. Tiếng người con trai ấp úng vọng lên:

- Cô cho em điếu thuốc được không?

Trâm gọi thằng Tuân lấy gói Salem và đưa cho Minh một điếu.

- Hút thuốc thì được. Nhưng uống rượu… dễ sợ lắm.

Khuôn mặt Minh qua làn khói thuốc trở nên buồn rầu và thơ dại:

- Buồn thì uống…

- Em sai rồi. Uống thì say, tỉnh ra nỗi buồn vẫn còn đó. Còn uống mà không say lại buồn hơn, không chịu được, như rượu đốt cháy nỗi buồn của mình, tôi nhiều khi cũng vậy.

- Cô uống rượu?

- Bây giờ thì hết. Không bao giờ say nữa. Em cũng đừng uống, nghe Minh!

- Còn tùy ở cô.

- Sao lại tùy tôi?

Minh mỉm cười, và lần đầu tiên từ khi nó đến nhà này, Trâm khám phá ra nó có một cái gì trong tận cùng tâm hồn, đồng điệu với nàng. Một cái gì khắc khoải âm thầm, vò xé ray rứt. Như một nỗi khát khao, một niềm mong đợi. Một cảm tưởng trống trải thiếu hụt nào đó trong cuộc đời, trong trái tim không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa già nua cằn cỗi. Cái gì đó là nụ cười buồn buồn khơi nguồn cho dòng nước mắt, là giọt nước mắt rưng rưng đón tiếp một niềm vui xao xuyến không ngờ.

Trước khi lên lầu, Trâm nói nhỏ, rất nhẹ với Minh.

- Thôi, ngủ đi em.

Ngủ đi em, Trâm nói như nói với chính mình. Thôi ngủ đi Trâm, ngủ đi những xao xuyến rộn ràng, những ước mơ thầm kín, những cảm giác mơ hồ vừa thức giấc thì thầm kêu gọi cho yên những ngày huyên náo cũ. Những cuộc tình đã dẫy chết. Ánh sáng đã lu mờ từ những đêm xưa. Ngủ yên cho quên cơn gió bão lại muốn bắt đầu.

Lên hết thang lầu, Trâm đứng lặng nhìn xuống vùng bóng tối dưới kia. Khuôn mặt Minh thoắt buồn thoắt vui hiện lên ở đó. Phiền rồi đây. Thật cây muốn lặng, gió chẳng dừng. Hay là mình nói Minh dọn đi. Vô lý, nó có làm gì, có lỗi gì đâu nào… Một thoáng Trâm vụt nghĩ đến gia đình, đến những người quen biết, đến công việc, đến những dự định tương lai, đến vòng vây tù đày eo hẹp khe khắt của cuộc đời. Rồi Trâm nhìn xuống những nấc thanh lầu đen thẫm trong khuya như một chiếc cầu giao nối địa ngục với thiên đường. Mình xuống hay lên. Bây giờ chiếc cầu vô tri ngủ yên đó. Và Trâm bỗng nghe vang vang tiếng giày thoăn thoắt của Minh qua từng nấc thang và tiếng reo của nó mỗi lần bãi học:

- Thưa cô em đi học về.

Và nàng cũng nhớ có lần đã suýt đùa với Minh:

- Thưa em cô đi dạy về.

Trâm nhìn xuống và bâng khuâng mỉm cười trong bóng tối.

- Thưa cô có khách.

Trâm ném cái lược xuống bàn trang điểm:

- Vừa ngủ dậy, mới mở một con mắt đã khách với khứa. Ai vậy chị Ba?

- Dạ. Ông gì già già mập mập bên trường.

- À, lại ông Dụ. Mời ông ấy ngồi phòng khách dưới, tôi sẽ xuống. Chị dọn ăn sáng cho Minh với Tuân chưa?

- Thưa cô, cậu Tuân uống sữa xong đi rồi. Anh Minh không ăn ở nhà. Bảo sang trường ăn bánh mì bò bía.

- Lần sau bảo chúng nó ăn uống đàng hoàng rồi mới đi học, nghe không? Dọn dẹp trong phòng ngủ tôi lại.

Nhưng nói xong Trâm quay lại nhìn căn phòng ngăn nắp sạch sẽ và chợt nhớ ra đêm qua nàng ngủ ở phòng khách bên kia, trước lò sưởi.

- Chị pha trà đi.

Trâm khoác thêm cái khăn quàng che bớt chiếc áo len đen cổ rộng bó sát thân hình, không kịp vấn tóc và ra khỏi phòng. Nàng đi ngang phòng khách sắp sửa đi xuống lầu thì giọng ông Du đã vang lên phía lò sưởi:

- Cô sáng nay không đi dạy?

Trâm nhìn vào phòng, bực tức thấy ông ta ngồi ở bàn ăn từ bao giờ, đang tò mò nhìn về phía lò sưởi, chỗ còn ngổn ngang ly tách, sách vở, những cây nến, những thanh củi cháy dở.

Trâm mỉm cười bất đắt dĩ:

- Thưa ông. Sáng nay tôi không có giờ. Chắc ông có điều gì "dạy bảo" nên đến sớm thế?

- Không. Qua thăm cô chơi vậy thôi, chẳng có chuyện gì.

- Dạ, mất thì giờ của ông quá.

Trâm nghĩ thầm: Chắc là lão vừa "nạo" học trò trước sân cờ xong tạt qua ngay đây "điều tra" mình. Trâm cũng biết ông ta dò xét chuyện gì rồi, nhưng vờ ngớ ngẩn để xem ông Giám Thị khởi đầu công tác ra sao. Trâm yên lặng chờ đợi những câu chất vấn ngang phè, như nàng đã quen nghe những lần hân hạnh được ông ta đến viếng vào giờ bất thường.

Nhưng lão chỉ ngồi một tay chống cằm, một tay nắm chặt đặt lên mặt bàn như giáng xuống một quả đấm, lơ đãng lên nhìn hàng sách ám khói trên lò sưởi. Rồi cặp mắt ông chiếu lần xuống chiếc nệm nhỏ lệch lạc giữa sàn nhà, dừng lại ở cái gạt tàn thuốc và gói Salem cạnh đó.

Không quay lại Trâm, ông ta cười mim mỉm, nửa châm biếm, nửa thích thú như kẻ tìm ra tang chứng hữu ích trong công việc điều tra:

- Ban đêm, cô ngủ đây?

Trâm căm tức nhưng cố nén bất mãn. Nếu câu hỏi ấy từ miệng một người lạ đồng trang lứa, thế nào Trâm cũng nện cho một câu "đáp lễ". Nhưng với ông Du, kẻ thường nhân danh là quen biết xưa nay với gia đình Trâm, lấy "tư cách" là kẻ bao bọc, chỉ vẽ cho Trâm những bước đầu vào nghề, cho nên Trâm im lìm chịu đựng. Vả lại, dù sao nàng cũng hiểu ông ta thẳng tính, ưa nói ngang và đắn đo lời nói. Câu đó chỉ là một nhận xét đột ngột, không hẳn có ẩn ý. Biết vậy nhưng Trâm vẫn tức: một người đàn ông, dù có là ông trời ông đất gì, cũng không nên hỏi một người đàn bà câu đó, nhất là khi đột nhập sào huyệt người ta vào sáng tinh sương, chưa ai kịp chuẩn bị đề phòng, đối phó.

Trâm chưa kịp phản ứng thì lão ta đã bổ túc phần nhận xét bằng lời bình luận:

- Kể cô cũng nghệ sĩ quá.

Trâm muốn đa tạ lời chửi rủa ngọt lịm đó bằng một câu xương xóc. Nhưng nàng chỉ nhã nhặn, bình tĩnh và lễ phép:

- Dạ, thưa ông, đêm qua mưa lớn, phòng ngủ của tôi dột ướt, phải di cư qua đây. Trời cũng lạnh quá, phải đốt lò sưởi lên mà ngủ.

Nói xong Trâm chợt tiếc là đã mất công phân trần như e ngại gì cái oai của ông ta. Mình có làm gì phạm pháp đâu. Lão ta chỉ có quyền kiểm soát ở trường thôi. Đây là thế giới mình. Nhà này là của mình. Đời sống này là của mình. Không có ai có quyền xâm lấn hay sửa chữa, can cớ gì đêm lão ta đâu mà xía vô. Tôi ngủ trong phòng, bên lò sưởi, dưới bếp, ở nhà xe, hay đâu mặc xác tôi chứ, miễn là tôi không ngủ gục trong khi giảng bài, không ngủ quên trong lớp khi tan học. Trong bản nội qui nhà trường không thấy buộc giáo sư phải ngủ trên giường, cấm giáo sư nằm giữa sàn nhà, trước lò sưởi. Cũng như pháp luật không cấm đoán đàn bà sống độc thân. Vậy thì tôi muốn sống như thế đó. Và tôi có quyền sống như thế. Có hại gì ai không? Có làm mất mát gì của ông đâu?

Trâm chìa bao Winston về phía khách:

- Mời ông.

- Cô cho xin điếu Salem kìa. Tôi cũng ít hút thuốc. Cô hút nhiều?

Trâm nói dối kiểu Nguyễn Duy Minh:

- Thuốc để mời khách thôi ạ.

Nhưng Trâm nhìn theo con mắt của lão còn dán ở cái gạt tàn thuốc bên lò sưởi, tiếp luôn:

- Thỉnh thoảng tôi cũng hút, khi nào ăn mắm nêm xong.

Khách vừa lơ mơ nhả khói vừa ngắm tranh ảnh treo trên tường:

- Cô sống như thế này, nghệ sĩ thật đấy. Hồi xưa mới lớn, tôi cũng mê đời độc thân, thích làm chuyện khác thường, ưa phiêu lưu, nguy hiểm. Nhưng người đời đâu có để cho mình yên mãi, mà cũng không ai có thể sống được một mình nhất là đàn bà… như cô.

- Thưa ông, ông muốn nói tôi một mình… trong đời hay một mình trong nhà này?

- Trong nhà hay trong đời cũng đều không nên một mình.

Tự nhiên Trâm thấy lão Du trở nên hiền lành chân thật và giọng nàng cũng bớt vẻ gay go:

- Tôi thích cô độc nhưng sợ cô đơn. Nhưng đã cô độc thì phải cô đơn rồi.

Không hiểu lão ta nghĩ gì, đột nhiên hỏi:

- - Thằng học trò của cô thế nào?

A! Vấn đề chính đây rồi, Trâm ngồi thẳng lên và sẵn sàng đương đầu:

- Dạ, thế nào là thế nào?

Ông Du dúi mạnh tàn thuốc xuống mép bàn, ném qua cửa sổ:

- Tôi cũng định tìm học trò đưa qua ở trọ nhà cô nhưng cô đã tìm ra thì thôi.

- Thưa ông, trước khi nó đến tôi cũng đã có hỏi qua ý kiến của ông và chính ông cũng bảo như vậy là phải, còn hơn chia bớt nhà cho một gia đình đông đảo.

- Cái thằng ấy… con cái nhà ai thế?

Lẽ ra Trâm phải hỏi ý kiến ông ta, phải cho ông ta rõ việc nầy việc nọ theo lời ở nhà dặn. Nhưng sự thật thì ông ta không có quyến gì đối với Trâm, và mọi việc thu xếp trong nhà này thuộc về Trâm. Vậy mà ông ta hỏi như một đốm lửa châm ngòi vào tràng pháo. Trâm tự nghĩ là từ nay sẽ không nói, không hỏi gì ông ta nữa. Như đã có phe phái rõ ràng giữa nàng với cuộc đời, giữa nàng với ông ta, giữa nàng với cái dư luận hẹp hòi và ác độc xung quanh. Trâm thản nhiên nói dối:

- Nó cũng bà con bên ngoại với tôi, bà con xa.

- À, à bà con bên ngoại.

Thấy câu chuyện kéo dài đã lâu, Trâm kiếm cớ đứng lên.

- Xin phép ông, tôi đi lấy nước.

Nhưng khi Trâm gọi chị người làm bưng nước lên, ông ta vẫn ngồi đó, tỉ mỉ quan sát căn phòng với dáng điệu và thái độ cũ.

Bên ngoài, trời bỗng rực nắng. Màu vàng mỏng và mát tươi như lụa chảy dài từ rặng đồi xuống thung lũng lấp lánh trên màu lục non óng ả của cỏ cây. Bầy chim sau đêm mưa chuyển mình đua hót cuối rặng thông sau vườn. Trâm vói tay mở cánh cửa sổ và chiếc khăn choàng rơi xuống. Ông Du giờ mới nhìn ra Trâm mặc áo len và quần jean. Lão hỏi vớ vẫn:

- Cô sắp đi?

- Dạ. Sáng nào nghĩ tôi cũng vào trong ấp xem người ta làm vườn.

Đến đó lão mới cáo từ. Trâm chờ tiếng giày của khách xa dần ngoài cửa, nghiêng người qua cửa sổ lầu cao hỏi vọng xuống vườn:

- Làm gì đó ông Bá?

Tiếng xới đất ngừng bặt và lão làm vườn già nua hất cái mũ rơm rách nát nhìn lên nheo mắt cười:

- Xới đất cho cô chứ làm gì.

Trâm hét lên:

- Đừng. Tôi có mượn ông đâu. Đã bảo để tự tay tôi làm lấy mà. Dặn ông xin đậu Hòa-lan mà không chịu xin, cứ cuốc với cào.

Lão già cười, cúi xuống tiếp tục xới đất. Trâm nốc cạn chén nước, tìm cái khăn đỏ khoác lên tóc, tháo đôi giày nhung đen và chạy thoăn thoắt xuống lầu. Nàng mở tung cánh cửa sổ, trèo lên và buông mình xuống vườn. Lão Bá chống cán cuốc vào cằm, kiễng chân nhìn Trâm nằm lăn dưới đất.

- Gãy giò đó cô giáo.

- Thì mọc giò khác.

Trâm lổm ngổm bò dậy phủi đất bám ở áo quần, giằng lấy cái cuốc:

- Đưa đây tôi, lão này lì.

- Hay chưa. Tôi làm giúp, không lấy tiền công mà.

- Nhưng tôi muốn tự tay làm lấy.

- Cô vỡ xong miếng vườn này, trồng mấy cây đậu cho có trái thì tôi sẽ đi đầu lộn xuống đất.

Rồi lão cười hì hì móc túi lấy ra gói đậu quẳng xuống đất:

- Đó, bà chủ làm lấy.

Lão lầm lì, chậm chạp như một con bò già leo lên gò đất cao bên nhà Trâm, nàng thấy cái đầu đội mũ lác của lão lắc lư theo nhịp đi, chìm dần rồi khuất hẳn sau bờ lau trắng.

Nối tiếp, công việc của lão làm vườn, Trâm xới hết mấy luống đất và gieo đậu mỗi nơi hai hạt, cách nhau khoảng một gang taỵ Hạt giống cuối cùng nằm yên trong đất, Trâm mỏi mệt rã rời, ngồi tựa lưng vào gốc thông nhìn lên đồi cao. Lớp nắng vàng hạnh đột nhiên dịu xuống, và cả vòm trời chập chờn xao động trong cơn gió lạnh như dìu ký ức trôi về quá khứ mịt mù và đưa cơn mơ mộng về thế giới nào bao la không bờ bến. Trâm thấy tâm hồn mình đột nhiên xao xuyến và rung động, nở dần như một búp hoa quỳnh nõn trắng trong bóng khuya. Bóng tối cuộc đời sâu hút xung quanh chìm xuống tan biến. Chỉ còn lại những ý tưởng trong sáng và tốt đẹp, những tin tưởng mới mẻ quyết liệt, vươn lên như những mầm cây xanh tốt giữa mùa xuân. Mùi thơm ướt và nồng của đất, ẩm và lạnh của cỏ cây, êm mát và sắt se của gió dìu ẩm và lạnh của cỏ cây, êm mát và sắt se của gió dìu Trâm qua những mơ tưởng chập chùng. Hạnh phúc ở đời trở nên giản dị và gần gũi quá. Thế mà Trâm đã lăn lóc, đã khát khao, đã điên cuồng tìm kiếm ở những nơi nào xa tít. Niềm vui mênh mông tự trong lòng mình, đâu phải ở những hội hè náo nhiệt, những yến tiệc linh đình, những đám đông huyên náo. Một đời phóng khoáng, mê thích những công việc giản dị, tầm thường và khoác vào mỗi tĩnh vật đơn sơ này một linh hồn, một nghĩa lý. Như nắm đất. Như hòn đá. Như lá cỏ. Như thân cây. Trơ lì, phẳng lặng. Vẻ đẹp yên lành và chịu đựng, nhẫn nại như những kiếp người không bao giờ biết phiêu lưu tàn phá. Không suy nghĩ. Không ưu tư. Như thiên nhiên và tình yêu của chúngn ó đối với nhau, dịu dàng, câm lặng. Cái đầu dịu dàng của mộ bông lau âu yếm cúi xuống cánh tay êm đềm của lá cỏ. Miệng cười hồng thắm của bông hoa dại ghé hôn mái tóc buồn của cành thông non. Cuộc đời lướt trôi đi, mơ hồ và êm ái theo từng cơn gió, từng bóng nắng tự trời cao chảy xuống. Có lúc, trong thiên nhiên quen thuộc này, Trâm thấy những ý nghĩ của mình như thì thầm đối thoại, và từng niềm vui trong sạch lớn lên như bắp, như lau trong đêm sương. Biết bao nhiêu hờn tủi đau buồn đã dày xéo lòng này. Hôm nay mùa xuân sắp sửa. Những tháng ngày tuần tự nối tiếp theo nhau. Trâm dạy thất sớm, mặc phong phanh một chiếc áo, đi trong sương mù ra đến con đường rừng. Tiếng chim đêm còn vọng lên những bụi mờ đâu đó. Chuyến xe lửa sắp xa thành phố gửi lại một lời còi thanh thản. Bốn vó nhịp đều của một con ngựa già chở rau cải trên đường ra chợ.

Rồi những tia nắng đầu tiên thắp sáng núi rừng, vỡ vụn tung tóe trên những cửa kính lầu Trâm như pháo bông pháo cải thời thơ ấu. Và tiếng Minh vang dội như một âm thânh từ thời niên thiếu của Trâm vọng về. Cô… cô, em đi học. Cô cô. Lâu dần rồi Minh quen gọi nàng bằng cô cô. Mình là trái dừa sao? Và Trâm cười một mình, bao giờ cũng một mình.

Trời bỗng dịu nắng và từng loạt mưa bụi nhỏ lờ mờ tới tấp bay xuống như những bông hoa tuyết mong manh. Thế này là khỏi tưới nước cho đậu rồi Trâm vốc một nắm đất hồng mềm mại trong tay và tưởng như thấy rõ cái mầm trắng xanh nhú lên giữa hai mảnh đậu đã héo quằn. Biết đâu rồi hạnh phúc mình đi tìm một ngày kia cũng sẽ nẩy mầm từ đau buồn quá khứ…

- Cô cô, em đi học về.

Trâm ngơ ngác nhìn lên. Minh đứng ở khung cửa sổ phòng nó, sắp sửa đánh đu ra ngoài vườn. Chiếc áo len xanh ngắn rướn lên để hở một khoảng da bụng trắng muốt.

- Cô cô ơi, em đứng đầu lớp tháng này.

- Vậy thì trời gần sập rồi. Em mà đứng đầu.

- Thật mà. Giấy tờ đây này. Cô làm… phụ huynh học sinh, ký cho em đi, mai nộp phiếu điểm lại.

Trâm chạy lại dưới cửa sổ Minh. Anh chàng nhảy thót xuống vườn, tờ giấy phơ phất trong tay. Trâm kêu lên:

- Thôi cất đi, mưa lấm hết. Tay tôi bẩn đây này.

Minh xếp gọn tờ giấy vào túi quần rồi nhìn chăm chăm hai bàn tay búp măng bám đầy đất ướt của Trâm.

- Mưa rồi, cô vào đi.

- Còn hai luống đất đàng kia, tôi xới cho xong, chiều kịp trồng tiếp.

- Em xới đất cho. Cô vào nghỉ đi.

Trâm nhìn hai bàn tay học trò trắng trẻo dính mấy vết mực xanh:

- Tay chân vậy mà làm quái gì. Đi học bài đi.

- Thì… tay chân cô cũng vậy. Cô làm được, em cũng làm được.

- Thì làm. Em tháo giùm tôi cái đồng hồ, lấm hết rồi.

Trâm đưa cánh tay bám đất từ cườm đêm ngón cho Minh. Minh đứng yên một thoáng rồi dịu nhẹ, ngại ngần vòng hai ngón tay qua cườm tay Trâm, thong thả mở dây đồng hồ. Một cảm giác không tên chuyển từ ngón tay Minh lên làn da Trâm. Hai chéo khăn quàng đỏ thắm từ cổ Trâm rung động phập phồng vờn lên mặt Minh theo làn gió. Trâm quên cả tay bẩn, gỡ cái khăn ra đưa cho Minh, giọng nàng lạ đi như có gì vướng trong cổ:

- Em vào nhà cất giùm đi, cả đồng hồ nữa.

Minh chùi cái đồng hồ bám đất vào quần blue jean và nghịch ngợm quấn cái khăn của Trâm vào cổ, leo lên cửa sổ, nhảy vào phòng. Khi trở ra, Minh thấy Trâm đứng lặng im trong mưa, mái tóc lấm tấm những hạt bụi nước lấp lánh rũ xuống, che khuất nửa khuôn mặt, con mắt còn lại buồn buồn nhìn qua rặng đồi thoai thoải bên kia thung lũng:

- Tóc cô ướt hết rồi. Cô vào đi.

- Không. Phải làm cho xong.

Rồi Trâm cầm cái chĩa ba, nhấn xuống lượt đất phẳng. Bỗng Trâm buông tay, kêu lên:

- Cái gì vậy cô?

- Con trùn! Ghê quá, mình nó đứt đôi, hai khúc quằn quại. Thôi không làm nữa…

Nàng đến ngồi ở thân cây thông bị bão đánh gãy ngang bờ cỏ. Minh đứng dựa gốc cây thông, hai chân tréo, một tạy thọc túi quần.

- À, sao sáng nay em về sớm vậy?

- Em nghỉ giờ chót.

- Sáng thứ tư, thời khóa biểu không thấy trống giờ chót?

Minh lúng túng:

- Dạ, giáo sư nghỉ.

- Giờ ai vậy?

- Ông địa.

Trâm mỉm cười và Minh biết đã nói dối thoát. Thực ra thì lúc nãy còn năm phút chuông reo đổi sang giờ thứ tư, Minh đã ném cho tên trưởng lớp mẫu giấy nhỏ: Tao chuồn giờ chót, ông địa có bắt điểm danh, đừng ghi tao. Hậu tạ. Và giáo sư vừa ra cửa, Minh đã thót ra theo. Bọn Hải, Lộc níu áo Minh lại, nhớ nhà hả mày? Minh búng tay cái tróc trước mặt cả lớp, ôm sách vở, chạy như bay qua sân chơi, xuống đồi.

- Minh, áo quần em sao lấm cả vậy? Lại úynh lộn rồi. Phiền quá…

Minh lại nói dối:

- Đâu có úynh. Té ở sân basket-ball đó.

Gần đến nhà, dưới chân đồi, Minh bị một bọn choai choai chận đường. Một thằng trong bọn nghênh chiến trước:

- Ê, Minh, mày bao nhiêu tuổi?

Minh ném sách vở xuống bãi cỏ, tóm lấy ngực thằng kia:

- Bằng tuổi cha mày.

Minh tát thằng kia một bạt tai và rút cái khóa xe bằng sắt quay một vòng vù vù:

- Tao làm gì thấy kệ tao, mắc gì đến tụi bây? Đồ chó săn.

Rồi Minh bỏ đi. Nhưng thằng kia gàng chân Minh lại. Cuộc vật lộn xảy ra. Hai đứa ôm nhau quật túi bụi giữa sườn đồi đầy rác thông và cỏ ướt cho đến khi có bóng giáo sư trực thấp thoáng ở sân cỏ. Chúng nó buông nhau ra, làm ra vẻ tỉnh bơ và mỗi đứa đi về một phía.

Minh không muốn giấu Trâm những điều đó. Muốn nói hết cho Trâm nghe nữa là khác. Nhưng Minh thấy những việc "lẩm cẩm" đó chưa đến lúc nên cho Trâm biết. Minh muốn đương đầu, đối phó một mình. Vả lại nếu biết, Trâm cũng sẽ không làm sao hơn được, dù nguyên nhân và đầu đề mọi chuyện chính là nàng. Bọn học trò trêu chọc Minh. Các giáo sư cũng bắt đầu "truy" Minh kỹ hơn từ ngày nó đến nhà Trâm ở. Minh bị "truy" và "trù mạt" đủ mọi cách, về những việc nhỏ nhặt, ti tiện đến việc học, những hành vi của Minh, như Minh là một kẻ có trọng tội giữa một hàng rào cảnh binh bao vây. Đến nỗi nhiều khi minh tưởng như người ta đang tìm một tội nào đó gán cho nó và buộc nó nhận chịu để dễ truy tố, hành hạ. Minh tức tối, nói với bọn Lộc, Hải, tao có làm gì đâu? Có làm gì bọn họ đâu? Bọn họ tức tao cái gì vậy? Hải cười: Thì tại họ xin chia nhà cô Trâm không được, mà mầy lại được.

Đang tức, Minh nói liều, tức vì không được ở trong nhà cô Trâm, hay không được ở với cô ấy?

Trâm nhìn chăm chú những bệt đất đỏ ngầu bám ở quần Minh, cố hỏi:

- Tại sao đánh lộn?

Minh cúi đầu, xoắn hai bàn tay vào nhau bứt rứt:

- Tại bọn nó chọc tức em.

- Về chuyện gì?

Minh muốn nói, vì cô nhưng lại quanh quẩn.

- Không, không có gì cả.

Trâm cau mặt ngồi bứt từng cọng cỏ vò nát trong tay. Nàng nhớ lại những tiếng thì thầm của bọn thằng Hải, Lộc với Minh mấy hôm trước: "Mầy tính sao?" Minh hỏi "Tụi nó có dao à?" "Chắc, hay là mình kéo cả băng số bốn về…" Rồi bọn họ bàn tính kế hoạch gì với nhau, nàng không nghe rõ. Trâm nghĩ đến một vụ thanh toán để tranh giành "đào", một cuộc "phục hận" nào đó. Nàng không hỏi, vì hỏi cũng không ai chịu khai rõ sự thật. Điều Trâm muốn biết là Minh đã có chuyện gì trước khi đến ở nhà nàng, và bây giờ còn rắc rối nữa không. Tự nhiên nàng có ý muốn thật sôi nổi là "sửa chữa" cuộc đời Minh lại và kéo Minh về với nếp sống bình thường như nàng đang tập tễnh bước vào khuôn khổ. Chuyện ấy không phải dễ, cho Minh cũng như cho nàng, nhất là nàng không biết rõ gì về Minh hơn là căn phòng bừa bãi đầy những di tích tố cáo tâm trạng của kẻ liều lĩnh, bất chấp, vừa bê tha vừa chán nản. Nhưng rồi Trâm chợt nghi ngờ "thiện ý" của mình. "Có chắc mình tò mò về Minh để sửa đổi Minh không, hay là…" Bây giờ Minh ngồi đó, hai tay buông thõng trên đầu gối. Mái tóc rũ rượi lấm tấm nước mưa. Khói thuốc vờn lên nét mặt buồn buồn. Trâm muốn khám khá ra niềm u uẩn nào đang vò xé tâm hồn đó. Một mong ước không thành tựu. Hay một thất bại của cuộc đua tranh. Hay niềm ưu tư đời đời hằn đọng. Hay một khát khao sôi nổi vò xé không tên nào đó. Hay tiếng la tiếng thét não nùng và tuyệt vọng trong im lặng.

- Em sao vậy, Minh?

Minh nhìn lên bằng con mắt say rượu đêm nào, lẳng lặng lắc đầu. Rồi nó búng cái tàn thuốc ra thật xa, và gục đầu yên lặng. Một lúc lâu, rồi Minh đột ngột hỏi:

- Cô cô cho em con tem.

"À, đúng là một chuyện gì đó".

Trâm nghĩ đến xấp giấy viết thư màu xanh phảng phất thơm ở bàn học Minh. Những tấm hình Minh cất kỹ trong hộp, thỉnh thoảng mở ra nhìn. Những mẩu giấy viết xóa vò nát vất bừa bãi ở góc phòng. Và những phút Minh ngồi im lìm trên thành cửa sổ nhìn ra thật xa. Những hôm Minh đi học về để nguyên cả giày áo nằm nhoài xuống giường, vùi đầu trong gối không ăn uống. Dòng thư viết dở cho một thằng bạn xa, Trâm vô tình đọc thấy "… mày chuẩn bị xong chưa? Tao sẽ cùng với mày, đi thật xa, thật xa, chỉ còn có một cách đó…"

Tại sao. Có thể vì một vụ gì đó. Một ai đó. Mà cũng có thể không vì gì, vì ai cả. Muốn đi. Tự giải thoát, thế thôi, như những ngày còn đi học, mỗi khi nhìn mặt biển nối tiếp chân trời, Trâm cũng khao khát phiêu du, cũng ước mơ những chân trời vô định rộng lớn. Để từ khước những tháng năm đều đặn, nếp sống lầm lì, khung cảnh quen thuộc, công thức sáo hủ của cuộc đời. Lớn lên, ai cũng một lần mơ ước thoát ly. Nhưng con đường sống là một vòng tròn mà tận cùng cũng là khởi điểm. Không thể làm thế nào khác. Cho nên con người đành ở lại trong khuôn khổ nhỏ bé của mình, nhận chịu giới hạn cuộc đời phi lý và mơ tưởng, nhớ nhung hoài một quê hương mù mịt xa vời không bao giờ tìm đến.

Tiếng Minh đột nhiên vui vẻ như một lời reo dìu Trâm về thực tại:

- Cô cô dành luống đất này trồng hoa. Sao cô cô không trồng hoa.

- Có chứ. Nhưng tìm chưa ra hoa gì đẹp để trồng.

- Em tìm đem về cho cô.

- Ừ, vườn này phải có hoa.

Trồng đậu trồng rau thôi đâu có đủ. Còn phải có hoa. Đâu phải đầy đủ những điều kiện vật chất là cuộc đời trọn vẹn. Giảng bài, chấm bài, ăn ngủ, nghỉ ngơi, ngày này qua ngày khác, điệp khúc đó đều đều nản bắt đầu, chấm dứt để bắt lại như tiếng bánh xe rời rạc lăn mãi trên đường. Âm thầm. Cằn cỗi. Và an phận. Đời này vốn trống trải như quán trọ Y Pha Nho, con người làm lữ khách sống buồn vui tùy ở hành trang mình mang theo về đó. Không thể sống mà không yêu một cái gì, một người nào. Tình yêu, Trâm đã sợ hãi, đã chán chường, đã từ khước, đã lánh xa. Nhưng bao giờ còn nhịp đập của trái tim, bao giờ còn nhìn thấy mặt trời mọc, mặt trời lặn bên kia đồi, bao giờ còn khoảng cách mênh mông của hai vì tinh tú trên xa kia, Trâm còn phải yêu để sống.

Minh yên lặng nhìn "cô giáo" ngồi mơ mộng trong mưa bay, đột ngột hỏi:

- Cô cô, đoạn kết trong phim "Thé et Sympathie" thế nào, em quên rồi?

- Bà giáo đó bỏ đi, mãi sau người học trò một mình trở về chỗ cũ, hồi tưởng lại hình ảnh người mình yêu xưa thấp thoáng trong vườn rực rỡ màu hoa và sắc nắng…

- Sao lại bỏ đi?

- Có lẽ bà ta… chạy trốn lòng mình.

Minh mỉm cười ngẫm nghĩ rồi hỏi:

- Cô thích hoa gì?

- Hoa gì em sẽ đem về trong vườn này.