Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

TUYÊN TRUYỀN XUNG PHONG TRUNG ƯƠNG MỘT TỔ CHỨC BỊ TỪ CHỐI, LÃNG QUÊN

Thái Kế Toại

Trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp có nhiều tổ chức Tuyên truyền xung phong. Đặc điểm chung là Tổng bộ Việt Minh và các cấp Việt Minh các tỉnh thành phố đều thành lập các tổ chức Tuyên truyền xung phong ở những thời điểm khác nhau nhưng không có một hệ thống lãnh đạo quản lý chung. Điển hình có tổ chức Thanh niên TTXP thành Hoàng Diệu Hà Nội, TTXP Trung Bộ, Ban TTXP trung ương

Tổ chức Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu. Người sáng lập và lãnh đạo là ông Vũ Oanh. Trong một đoạn hồi ức ông cho biết thành lập Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (TNTTXPTHD) vào cuối năm 1944: Chỉ thị ngày 7-5-1944 của Tổng bộ Việt Minh “Sửa soạn khởi nghĩa” là cẩm nang cho chúng tôi hành động. Là Ủy viên Ban cán sự đảng Hà Nội, phụ trách công tác Thanh vận, tôi suy nghĩ, phải lấy lực lượng TNCQ làm xung kích, hoạt động tuyên truyền bán vũ trang. Tôi trình bày với anh Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy.

Cuối tháng 12-1944, bốn đội viên đầu tiên của Đội được chọn lựa, bắt đầu chọn địa bàn hoạt động tuyên truyền là ngoại thành rồi tiến dần vào nội thành. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Đội trở thành Đoàn TNTTXPTHD với trên 60 đội viên ở 3 Liên đội. Đêm 13-3-1945, Đội đã rải toàn bộ 5.000 tờ truyền đơn được giao khắp thành phố. Các hoạt động tuyên truyền có vũ trang được đẩy mạnh trong mùa hè sôi sục năm 1945 ở nhiều nơi: chợ Canh, Mễ Trì, Vườn Bách thảo, Nhà hát Lớn… Đặc biệt, trong cao trào tiền khởi nghĩa, đoàn viên của Đoàn TNTTXPTHD đã hết sức năng động, tích cực mua và sắm vũ khí, có hẳn kho súng ở Trôi - Sấu và ở Thịnh Liệt, góp phần tổ chức nhiều hoạt động táo bạo: làm nòng cốt cho nhân dân trong các cuộc phá kho thóc ở làng Mọc; diễn thuyết ở Trường Kỹ nghệ thực hành… hô hào nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật.

Từ ngày 17 đến 19-8-1945, Đoàn TNTTXPTHD có vũ trang cùng với lực lượng tự vệ, làm nòng cốt cho toàn dân vùng lên giành chính quyền.

Kể cả ông Vũ Oanh và các tài liệu tuyên truyền hiện có không cho biết Đội TNTTXP thành Hoàng Diệu giải tán vào lúc nào.

Sau này, Đoàn TNTTXPTHD được Thành ủy, UBND thành phố, Quân khu Thủ đô công nhận là các tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang Thủ đô.

Trong Văn kiện Đảng và báo Cứu quốc năm 1945 cho biết

Ngày 20-10-1945: Sáng, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ xuất phát của 500 đội viên tuyên truyền xung phong. Người khen ngợi tinh thần hăng hái của anh em và căn dặn những điều cần thiết mà tuyên truyền viên phải có:

1. Phải biết rõ mục đích tuyên truyền, phải đặt kế hoạch công tác;

2. Phải biết chịu kham khổ;

3. Phải biết nhẫn nại;

4. Chớ lên mặt “quan cách mạng”;

5. Chú ý cách diễn đạt ý tưởng. Phải hết sức phổ thông, cố đi sâu vào dân chúng. Tránh những danh từ khó hiểu. "Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ".

Lễ xuất phát của Đội tuyên truyền xung phong lần thứ nhất. 500 đội viên nhận tờ uỷ nhiệm thư và những huấn lệnh của Chính phủ để lên đường. Bài tường thuật còn cho biết có cả cố vấn Bảo Đại cùng dự buổi ra mắt này. Nội dung lời căn dặn của Hồ Chủ tịch sau trở thành nguyên tắc quan trọng để chỉ đạo hoạt động của công tác tuyên truyền xung phong cũng như công tác thông tin tuyên truyền khác.

Sau đó Đoàn TTXP lần thứ nhất này đi đâu, làm gì không thấy có tài liệu nào phản ánh.

Tổ chứcTuyên truyền xung phong Trung Bộ thành lập ở Huế tháng 9 năm1945, do ông Đào Duy Dếnh tức Đào Phan lãnh đạo.

Theo báo Tiền Phong Ông Nguyễn Phúc Ưng Ân kể lại những ngày hoạt động như sau :

“Tôi năm nay 68 tuổi đảng, 89 tuổi đời. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đại diện Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội TTXP Việt Minh Trung bộ do đồng chí Đào Duy Dếnh làm đội trưởng. Nhiệm vụ của đội là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu rõ về Mặt trận Việt Minh của Cụ Hồ; vạch trần âm mưu, tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật; kêu gọi Nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và cổ động cho cuộc Tổng tuyển cử nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Đối với những đội viên của Đội TTXP Việt Minh Trung bộ, đường sắt vừa là phương tiện, vừa là nơi tập trung đông người nên rất dễ để tuyên truyền. “Tôi còn nhớ, ngày thứ bảy, 5/1/1946, các tiểu đội tuyên truyền thuộc Đội TTXP Việt Minh Trung bộ đi tuyên truyền cho ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Phú Lộc, trở về Huế trong đêm bằng chuyến xe lửa chạy bằng củi để các anh, chị đủ tuổi trong đội sáng mai còn đi làm nghĩa vụ công dân. Trong tiếng tàu chạy xình xịch, chúng tôi bắt đầu tuyên truyền bằng một bài hát, tự giới thiệu, rồi thay nhau nói về chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... Bà con trên tàu chăm chú theo dõi, hưởng ứng bằng những tràng pháo tay vang dội”.

Bà Phan Thị Bội Hoàn phu nhân của ông Đào Phan, thành viên của ĐTTXPVMTB trong hồi ký Dâu họ Đào cho biết :’’ Không lâu, tháng 3 năm 1946 đội Tuyên truyền Xung phong giải tán. Đội viên chuyển dần sang cơ quan khác. Một số sáp nhập với cơ quan tuyên truyền của bộ đội, số khác sang ngành an ninh. Tôi được chuyển sang Hội Phụ nữ cứu quốc Thừa Thiên.’’

Còn tổ chức Ban tuyên truyền xung phong trung ương thành lập năm 1946 do ông Nguyễn Hữu Đang lãnh đạo thuộc Tổng bộ Việt Minh. Trong bản Lý lịch tự khai ông cho biết : Năm 1946-1948 phụ trách Ban tuyên truyền xung phong trung ương và báo Toàn dân kháng chiến của Tổng bộ Việt Minh Hội Liên Việt.

Để giải thích sự việc này chúng ta cần hiểu rõ hơn bối cảnh chính trị năm 1946. Chuẩn bị cho Tổng tuyển cử quốc dân cuối tháng 12-1945 Chính phủ Cách mạng lâm thời VNDCCH giải tán để thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời ngày 1-1-1946 có trách nhiệm tổ chức bầu cử quốc hội. Sau khi bầu cử Quốc hội khóa I Chínhphủ Liên hiệp lâm thời giải tán, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 2/3/1946 không còn cả hai bộ Thanh Niên và Tuyên truyền. Song đến tháng 11- 1946 Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tan vỡ vì nhiều thành viên thuộc các đảng phái ngoài ĐCSĐD bỏ đi Trung Quốc thì được cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 3/11/1946.

Do Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến VNDCCH bị phân liệt chia rẽ vì mất đoàn kết giữa các đảng phái nên Việt Minh đề nghị thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam ngày 29-5-1946 một mặt trận rộng rãi đoàn kết nhân sĩ, trí thức, các đảng phái, các tầng lớp nhân dân để kháng chiến chống Pháp, gọi tắt là Liên Việt. Cụ Hồ Chí Minh được bầu là Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng và cụ Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng.. Các tổ chức tham gia ban đầu gồm có:

• Việt minh

• Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx- Lenin (thành lập tháng 11.1945)

• Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (thành lập tháng 20.7.1946)

• Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thành lập ngày 20.10.1945)

• Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (thành lập năm 1946)

• Đảng Dân chủ Việt Nam (thành lập năm 1944),

• Đảng Xã hội Việt Nam (được thành lập vào tháng 7 năm 1946)

• Việt Nam Quốc dân Đảng

• Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội

Do Chính phủ mới không còn hai Bộ Thanh Niên và Tuyên truyền mà ông Đang từng là Thứ trưởng ở hai bộ này ông được đưa về Liên Việt để phụ trách công tác tuyên truyền của tổ chức này, phù hợp với khả năng và uy tín của ông.

Sau khi trổ hết bài vở tìm kiếm trên mạng, trong các tài liệu bách khoa lịch sử Việt Nam hiện đại mà không thấy tăm tích cái đội tuyên truyền xung phong của ông Đang tôi bèn đùa đặt tên cho nó là một cái lỗ đen trong lịch sử kháng chiến chống Pháp. Không ngờ trong một lần nói chuyện với nhà giáo Phạm Toàn người chủ trì nhóm biên soạn sách giáo khoa cải cách Cánh Buồm anh vỗ vai tôi: Tôi biết nhiều người ở Hà Nội tham gia Tuyên truyền xung phong với ông Đang. Bà chị tôi cũng là đội viên Tuyên truyền xung phong trung ương.

Bà Phạm Thị Khang 87 tuổi chị ruột nhà giáo Phạm Toàn cho biết như sau:

Bà và bạn bè học ở trường Đồng Khánh bỏ học khi cách mạng xảy ra thường tụ tập ca hát nói chuyện về cách mạng cho vui. ” Vào khoảng giữa năm 1946 không khí giữa ta và Pháp đã rất căng thẳng, một hôm chị Khánh ( Thuận) người làng Hạ Đình rủ tôi đi công tác tuyên truyền xung phong.”

“Chúng tôi đi học một lớp sơ cấp của Tổng bộ Việt Minh mở khoảng 1 tháng ở chùa Sở, giờ gọi là chùa Sùng Khánh. Toàn là thanh niên học sinh trẻ măng, rất hăng hái. Tôi còn nhớ người giảng là các anh Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Hữu Đang, chị K lúc đó gọi là Hồng. Nội dung gồm tình hình 4 mâu thuẫn, 3 giai đoạn và phương pháp tuyên truyền. Nhiệm vụ ban đầu là vận động nhân dân đi sơ tán khỏi Hà Nội. Đang học thì có những cuộc đụng độ ở Khâm Thiên, Hàng Bún, chúng tôi phải đi thực tập diễn thuyết.

Tôi thấy anh Đang là người có đầu óc tổ chức rất giỏi và có lòng tin vào thanh niên Hà Nội chúng tôi. Vì thế số đội viên chúng tôi ngày càng đông thêm. Nhân dân Hà Nội tin chúng tôi, nhiều gia đình bỏ cả nhà cửa, công việc làm ăn, buôn bán đi tản cư.

Sau ngày 19-12- 1946 anh Đang và chị Hồng cho chúng tôi rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng, hướng căn cứ là Chúc Sơn, Chùa Thầy. Vừa đi, vừa tránh địch nhưng vẫn phải làm nhiệm vụ tuyên truyền chính sách kháng chiến cho bà con.

Bản doanh thì lưu động. Mỗi tốp có từ 3 đến 5 người có người biết biểu diễn văn nghệ, do một người làm đội trưởng. Cứ đi làm thì mới được nhân dân cho ăn. Tiền thì mỗi người được 5 đồng nhưng không được tiêu. Mỗi đội đi một tỉnh, sau một tháng về lại đổi hướng, và đổi người phù hợp.

Bước sang năm 1948, kháng chiến quá lâu, không thể làm theo cách này mãi, ông Đang đã giao từng người, từng đội về các Ty Tuyên truyền của tỉnh, về Sở Thông tin Liên khu 10, 12.”

Theo giới thiệu của bà Khang tôi đã đến gặp ông Nguyễn Trọng Hoàn trước từng làm Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục, người được ông Đang yêu quý, tín nhiệm. Ông Hoàn được ông Đang cử lên Chiến khu Việt Bắc lĩnh tiền cho Ban TTXP TƯ. “Ông Đang giao cho tôi chiếc xe đạp Xtec linh mới tinh do nhà tư sản in Xuân Thu cho. Tôi đạp xe lên Bắc Cạn thì đúng thời điểm Chiến dịch Thu Đông Việt Bắc của Pháp. Tôi bị mất xe đạp, chạy trốn quân Pháp nhiều ngày cuối cùng vẫn mang được ba lô tiền về cho ông Đang để nuôi anh em.”

Ông Hoàn cho biết các đội viên TTXPTƯ sau hòa bình đã về Hà Nội gặp lại nhau. “Thỉnh thoảng hàng năm có tổ chức gặp nhau. Sau khi ông Nguyễn Hữu Đang và bà Hồng mất thì mọi người đã quá già nên không gặp nữa. Trong số anh em có nhiều người thành văn nghệ sĩ nổi tiếng, có chức vụ công tác ở các cơ quan như họa sĩ Mai Văn Hiến, nhạc sĩ Hoàng Giác, ca sĩ Trần Thụ, nhà văn Nguyệt Tú, anh Chí Thứ trưởng Bộ Y tế, chị Khang Thẩm phán tòa án tối cao, anh Phú Cục trưởng Cục bá âm, chị Hợp vợ anh Đào Tùng…

Khi ông Đang chuyển lên sống ở Hà Nội có bàn với anh em tôi làm đơn lên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin được công nhận TTXPTƯ là một tổ chức tiền thân trong Mặt trận nhưng người đứng đầu MTTQ lúc đó là anh Lê Quang Đạo từ chối giải quyết dù chị Nguyệt Tú vợ anh Đạo cũng là đội viên TTXPTƯ.”

Các ông bà, các cụ đội viên TTXPTW vẫn không quên, không thôi tự hào về những năm tháng tuổi trẻ hoạt động đẹp đẽ, hào hùng đó. Nhưng do hệ lụy của vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm mà ngưởi thủ trưởng kính yêu của họ Nguyễn Hữu Đang làm thủ lĩnh họ đã chịu phân biệt đối xử trong quá trình công tác, còn tổ chức của họ thì cho đến giờ vẫn chưa được công nhận, chưa có một cơ quan chủ quản để có chỗ gặp mặt.

Tôi đã rất cố gắng nhưng mới chỉ có ngần ấy tư liệu.

Về tờ báo Toàn dân kháng chiến thì không thấy dấu vết trong các cuốn Kỷ yếu báo chí cách mạng Việt Nam.

Về Ban Tuyên truyền xung phong trung ương cũng không có tên trong lịch sử những tổ chức hiện nay kế thừa chức năng hoặc vai trò của nó như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ Thông tin truyền thông mà chỉ được nhắc đến như là một biện pháp công tác quan trọng trong thời gian đầu kháng chiến chống Pháp. Trong khi đó hai tổ chức TTXP ở trên thì được thành lập Ban liên lạc, được in sách kỷ yếu, được báo chí tuyên truyền, được viết vào Lịch sử kháng chiến của hai thành phố này.

Đặc biệt trên hệ thống thông tin cũng không có một bài viết nào, hồi ức nào của các đội viên TTXPTW.

Mong rằng sau khi đọc bài này, các bạn Fb có người nhà đã từng là đội viên TTXPTW, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có điều kiện tìm kiếm tư liệu sẽ góp thêm tư liệu về những con người này, tổ chức này.

Cũng mong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân sửa chữa sự vô cảm của ông Lê Quang Đạo trước đây xem xét lại lá đơn của ông Nguyễn Hữu Đang cùng các đội viên TTXPTW và công nhận nguyện vọng của họ.

Tôi nghĩ những dòng này như là một nén hương thắp cho linh hồn ông Nguyễn Hữu Đang và những đội viên TTXPTW đã mất, đã hy sinh vì lý tưởng độc lập của đất nứơc, dân tộc.

Đầu năm Đinh Dậu 2017

Hai ảnh Ban TTXPTW gặp mặt. Có ông Nguyễn Hữu Đang chắp tay đứng giữa hàng đầu.

clip_image002

clip_image004

Nguồn: https://www.facebook.com/thai.k.toai/posts/10207664523523924