Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

MH 370

Truyện

Vũ Thành Sơn

Chín giờ kém mười. Tôi đã đến sớm mười phút so với những lần trước. Đường phố hôm nay bất chợt vắng vẻ, thông thoáng ra nhờ mấy ngày lễ nhiều người ở tỉnh xa kéo nhau về quê. Ngay cả con hẻm này, ngày thường quán cà phê, hủ tíu người ngồi choán hết cả lối đi, bữa nay cũng đã lấy lại cái không khí trầm mặc và nét đẹp kín đáo vốn có của nó.

Những cánh cửa hãy còn đóng kín, có lẽ không một ai nỡ phá vỡ sự yên tĩnh mong manh của một buổi sáng như thế này. Điều đó làm cho tôi đắn đo không muốn nhấn chuông, một hành động hiện thời có thể bị cho là quá đường đột, khiếm nhã. Tôi không muốn làm một kẻ phá bĩnh. Tôi đứng tần ngần trước nhà, phân vân không biết nên làm gì.

Sau cùng tôi quyết định chờ cho đến đúng chín giờ mới bấm chuông. Mười phút cũng trôi qua nhanh thôi, tôi có khá nhiều kinh nghiệm chờ đợi như thế này.

Một làn gió sớm thổi qua mát mẻ khẽ lay động mấy bông giấy đỏ và tiếng một con hoạ mi nhà ai lảnh lót. Ngó qua khe hở của cái cổng sắt đen, thấy cửa hẵng còn đóng, cũng chẳng có bóng dáng của Trang ở đâu. Thường thì vào giờ này cô ấy đã quanh quẩn trong sân quét dọn, sẵn sàng để mở cửa cho tôi vào mà chẳng phải đợi đến bấm chuông.

Trang có lẽ trạc tuổi tôi hoặc cũng có thể lớn hơn chút đỉnh gì đó, do cái điệu bộ chậm rãi, cẩn thận của cô cho tôi ý nghĩ như vậy, nhưng đúng hơn là do cái cách cô chủ động xưng chị với tôi ngay từ lần đầu mới gặp. Trang và tôi chẳng nói chuyện với nhau nhiều nhặn gì, ngoài mấy câu chào hỏi thông thường. Điều duy nhất tôi biết về Trang cho đến nay đó là cô là cháu ruột của ông Linh, gọi ông bằng cậu, và căn nhà chỉ có hai cậu cháu sống với nhau. Thế thôi. Tôi không biết thêm gì khác nữa và thật ra, tôi cũng không được phép biết. Mỗi lần nhìn cái dáng cần mẫn, đi lại âm thầm trong sân của Trang không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến hình ảnh một con cá bơi lượn lờ đơn độc trong cái lồng bằng bê tông khổng lồ.

Đúng chín giờ, cánh cửa mở hé, Trang đi ra với cái chổi trên tay như thường lệ. Sáng nay cô mặc một chiếc quần jean và áo sơ mi tay dài, như thể chuẩn bị để đi đâu đó. Nhìn thấy tôi, cô liền mở khoá cổng. Hoa đỏ rơi rải rác trên sân.

-Chào chị, tôi nói.

-Tới sớm hả? Sao em không bấm chuông?

Thay vì nói là tôi ngại thì tôi chỉ cười đáp lại.

Tôi đi thẳng vào nhà. Tôi nghe tiếng Trang khoá cổng sau lưng. Bên trong phòng khách vẫn một không khí u tịch quen thuộc: bộ sofa màu nâu bám một lớp bụi mỏng lãnh đạm, cái bàn gỗ đen mộc mạc, bức tranh tĩnh vật trên tường, mấy thứ vật dụng ít ỏi ấy được bày biện thờ ơ toát ra một vẻ trơ trọi mà qua bốn lần đến đây tôi có cảm tưởng hình như nó chưa hề bị xáo trộn bởi một sự viếng thăm nào.

Cầu thang nằm giữa phòng khách và nhà bếp. Tôi sẽ đi qua những bậc thang hẹp và mát lạnh để lên đến lầu hai trên cùng. Qua lầu một, đưa mắt về phía hai đầu hành lang, cửa hai phòng đều đóng. Có một chút ánh sáng sớm mai lọt qua khe cửa của căn phòng nằm cuối hành lang liếm lên nền gạch hoa. Tôi đứng lại một lúc. Cây đàn tranh treo giữa tường trông lạc lõng như một món đồ binh khí thời cổ đặt không đúng chỗ. Rồi tôi leo tiếp lên lầu trên, nơi tôi sẽ bắt đầu công việc nhàm chán nhất của mình trong ngày.

Lầu hai là sân thượng, một phần phía trước dùng để trồng mấy chậu cây cảnh và phong lan, phần còn lại phía sau được ngăn vách làm nơi làm việc của ông Linh.

Tôi lấy chiếc áo khoác được treo sẵn trên vách mặc lên người, bắt chéo hai vạt áo lại, thắt dây trước bụng rồi đợi. Đó là một trong những yêu cầu của công việc mà tôi phải thực hiện. Chiếc áo bằng lụa màu xanh nhạt điểm những cái lá be bé, còn khá mới và đẹp, so với khổ người của tôi thì hơi rộng và dài chấm gót, Ngày đầu tiên khoác vào, tôi nghĩ mình chắc chẳng khác gì một con búp bê Nhật bằng gỗ bày bán ngoài chợ. Tôi giơ một cánh tay lên cao khỏi đầu rồi giơ tiếp một chân ra phía trước, quay một vòng, rồi cúi gập người chào, giống như con búp bê mà mình tưởng tượng. Giá lúc đó có một tấm gương ở trước mặt để ngắm xem bộ dạng của mình thế nào nhưng chẳng có tấm gương nào ở đây, mà nói cho cùng cũng chẳng có đồ đạc gì đáng chú ý trong căn phòng này, ngoài những bức tranh đã vẽ hoặc những tấm toan đóng khung sẵn xếp chất lên nhau cùng với những tuýp màu và giá dựng để bừa bộn.

Có nhiều thứ khó hiểu với tôi trong căn nhà này, mà vì đã thoả thuận từ đầu với ông Linh như một phần của công việc, tôi không được phép hỏi. Chẳng hạn như tại sao chỉ có hai cậu cháu sống với nhau ở đây thôi? Ông Linh có vợ hay không có vợ và vợ ông đâu? Tôi chưa một lần nghe thấy ông hay Trang nhắc thoáng qua dù là tình cờ, cũng chẳng có một tấm hình hay một vật gì đó để có thể nghĩ đến sự có mặt của một người phụ nữ thứ hai ở đây. Tại sao tôi thường có cảm giác buồn ngủ mỗi lần bước chân vào căn nhà này? Tại sao hai phòng ấy luôn đóng cửa hay ít nhất luôn đóng cửa mỗi lần tôi đến? Tại sao tôi phải mặc chiếc áo khoác này? Tại sao đã sang đến ngày thứ ba rồi mà khung vải trước mặt ông vẫn không hề có được một nét cọ nào? Ngày nào cũng diễn ra cùng một hoạt cảnh với chỉ ngần ấy diễn biến: tôi ngồi như tượng mặt hướng ra ngoài sân, còn ông Linh với bảng màu và mấy cây cọ trên tay, chăm chú nhìn tôi như thể đang đọc một tấm bản đồ chỉ đường. Tôi nghĩ chỉ cần qua một ngày thôi ông đã có thể nằm lòng từng đường nét trên khuôn mặt tôi hơn cả chính tôi và có thể mô tả nó rành rọt như người ta đếm tiền trong túi quần của mình. Thế nhưng ngày thứ ba đã trôi qua, tôi không biết ông còn tìm kiếm gì nữa và có thể hôm nay nữa cũng không chừng, khung vải ấy sẽ tiếp tục bị để trắng bởi cuộc tìm kiếm dường như chưa kết thúc.

Tôi đã từng gặp đâu đó trên đường phố một vài hoạ sĩ vẽ tranh phong cảnh nhưng cũng chẳng thấy ai có hành động kỳ dị như ông Linh và tôi cũng đoan chắc chẳng có một người mẫu nào rơi vào hoàn cảnh có một không hai như mình.

Thú thư giãn duy nhất của tôi khi ngồi ở đây là nghe tiếng những con chim sẻ lích chích ngoài trời và nghĩ về những người bạn của mình. Liên, chị bạn cùng nhà trọ, nói cách tốt nhất để không bị stress là tập hít thở sâu và giữ cho đầu óc trống không. Nhưng đầu óc chứ phải đâu căn phòng mà người ta có thể dọn dẹp như ý mình mong muốn được, làm sao có thể hết bỏ ý nghĩ này rồi đến ý nghĩ khác một cách dễ dàng như người ta vứt bỏ đi cái ghế gẫy chân hay cái chổi cùn. Mà, nhìn xem, Liên đang phải vật lộn với những vấn đề của chính mình còn chưa xong nữa là. Mới cách đây mấy hôm thôi, đi làm về tôi đã nghe Liên và bạn trai cãi nhau to tiếng bên phòng rồi sau đó kết thúc bằng một cái sập cửa thật mạnh làm rung mấy tấm kiếng của phòng tôi. Những chuyện như thế vẫn xảy ra thường xuyên giữa họ và tôi luôn là khán giả bất đắc dĩ.

Nhưng tối đó, Liên sang gõ cửa phòng tôi:

-Đi làm mấy chai đi, bữa nay tao bao.

Chúng tôi kéo nhau ra bờ kè. Các bàn đã đầy kín người.

-Tao quyết định chia tay với nó rồi.

Tôi nghe một cách lơ đãng, một phần vì mải xem một anh chàng thổi sáo dạo đang đứng biểu diễn ở bàn nhậu trước mặt, phần khác phải thú nhận là tôi đã quá quen với mấy cái cảnh chia tay hôm trước rồi lại quấn quýt với nhau ngay ngày hôm sau của Liên. Nhưng trong con mắt của Liên, biết đâu tôi chỉ là một ả cả ngố, nhẹ dạ không hơn không kém.

Anh chàng thổi sáo đi ngang qua bàn chúng tôi, Liên liền mới anh ta một ly nhưng anh chỉ uống một ngụm cho có lệ.

Hai bữa sau Liên và bạn trai giảng hoà, tôi lại nghe họ cười nói ríu rít.

Một người bạn khác tên Hải Hà, tốt nghiệp đại học xong thì được nhận ngay vào làm cho một công ty thương mại danh giá của thành phố, công việc đang tiến triển với nhiều hứa hẹn thì bất ngờ cô bỏ ngang, xuống tóc xuất gia. Tất cả những người quen biết đều ngỡ ngàng, gia đình thì bị sốc nặng, không một ai biết lý do vì sao cô lại đi đến một quyết định khó hiểu như vậy. Mỗi người đưa ra một giả thuyết để giải thích theo cái cách mà mọi người vẫn hay làm sau một vụ tự vẫn. Nhưng cuộc sống đâu có cần người ta hiểu hay không hiểu nó; giống như nước, việc của nó là tuôn chảy và cứ thế nó tiến lên phía trước, bằng cách này hay cách khác, bất chấp người ta be bờ, ngăn đập.

Một hôm, đến sinh nhật của Hải Hà, tôi chợt nẩy ra ý nghĩ đi thăm, nhân tiện cũng tò mò coi xem bạn mình dạo này thế nào. Tôi mân mê trong tay cái hộp bằng sơn mài có hình cô gái Nhật che dù mà Hải Hà tặng tôi nhân chuyến công tác ở Nhật Bản mà phân vân không biết nên tặng quà sinh nhật gì. Sau cùng tôi nghĩ tốt nhất là chỉ mua bánh đem đến. Trên đường đi tôi ghé tiệm bánh mua một cái bánh nhỏ và mấy cây nến. Gặp lại nhau, Hải Hà rất vui và bất ngờ khi thấy tôi mang theo bánh sinh nhật, cô nói quên bẵng cả ngày sinh của mình. Sau đó chúng tôi thắp nến, ăn bánh, nhắc đến một vài người bạn và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm. Trông cô có vẻ gầy đi so với trước nhưng khoẻ mạnh và ẩn đằng sau cặp kính vẫn còn đó ánh mắt thông minh, tinh nghịch. Bây giờ cô đã có một cái tên khác là Bảo Tuệ.

Hôm đó trên đường về tôi tự hỏi có nên tiếp tục đến thăm cô, tiếp tục gọi cô bằng tục danh Hải Hà và xưng hô mày tao với nhau như trước đây nữa hay không. Hiện giờ cô đã bước đi trên một con đường khác, hoàn toàn khác với các bạn của cô, đã bỏ lại sau lưng đời sống cũ và những hệ luỵ của nó, có phải tôi đang tự bịt mắt mình trước thực tế đó và đã xử sự như thể mọi thứ chưa hề thay đổi?

Ý nghĩ ấy làm cho tôi cảm thấy nhói lên trong tim.

***

Quán nhìn xuống mé sông. Buổi chiều, con nước ròng phơi ra một bãi bùn rác, gió mang mùi bùn tanh nồng đi khắp nơi. Người ở mấy xóm trong, người lớn lẫn trẻ nhỏ, kéo nhau ra mò tìm ốc hến, cá, tôm, vỏ lon bia do khách ở các nhà hàng ném xuống hay bất cứ thứ gì có thể bán được; một số ít, phần lớn là thanh niên, mang cả vó, vợt lưới đi sục vớt cá tôm ở mấy vũng nước sâu còn sót lại.

Con sông ngày càng bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ các nhà máy quanh khu vực, tôm cá vì vậy, mỗi lúc trở nên hiếm dần; bên cạnh đó, thỉnh thoảng, lại có thêm mấy gia đình ở những tỉnh xa đến gia nhập, việc mò lặn kiếm cái ăn khó khăn và kéo dài hơn trước. Họ làm việc cần mẫn trước khi nước triều lên và cuộc mưu sinh lam lũ chỉ kết thúc khi mặt trời bắt đầu lặn.

Ngồi bên trong quán, sau lớp kính, người ta không nghe được tiếng họ nói chuyện hay gọi nhau í ới ngoài bãi. Toàn bộ cảnh tượng đó tưởng như đang diễn ra ở một thế giới khác được trực tiếp truyền hình trên màn ảnh rộng.

Ông Linh là một trong số ít khách thường ngồi đến tận chiều muộn. Ông hay chọn góc ngồi đối diện và chếch về phía tay phải của quầy pha chế, sát cửa kính, nơi nhìn xuống bãi sông rõ nhất. Trong trường hợp đến mà thấy đã có người ngồi đó buộc ông phải kiếm một chỗ khác, ông thường bỏ ra về sớm hơn thường lệ. Ông chỉ ngồi một mình, lặng lẽ, chăm chú nhìn ra ngoài bãi sông như không hề chú ý đến mọi tiếng động hay diễn biến ở chung quanh. Những người đến quán như ông Linh không phải là số đông nhưng sự có mặt của họ có thể thấy ở khắp nơi; họ như những tấm biển báo giảm tốc độ vẫn hay xuất hiện ở những đoạn đường đông người qua lại.

Tôi chỉ bắt đầu để ý đến ông khi một lần đang đứng nói chuyện với nhân viên phục vụ của quán, thấy ông tiến đến rồi bất thình lình đứng khựng lại trước mặt. Sự sửng sốt trên gương mặt ông làm cho tôi ngạc nhiên lẫn lúng túng. Có vẻ như ông vừa bất ngờ phát hiện ra một điều gì đó hết sức lạ lùng. Tôi ngoái ra sau lưng, không thấy có gì đặc biệt khác thường. Rõ ràng là tôi, chứ không phải cái gì khác, mới chính là đối tượng mà ông đang không rời mắt. Có lẽ ông nhận nhầm tôi với một người nào đó, tôi nghĩ. Sự nhầm lẫn đó của ông Linh ngay tức thì đem đến cho tôi cảm giác hoang mang, lạ lẫm, cái cảm giác mình đang là một con người khác, một chị X,Y hay Z xa lạ, chứ không phải là chính tôi nữa. Nhưng cảm giác đó chỉ vụt thoáng qua, nó nhanh chóng biến mất khi ông Linh trở lại chỗ ngồi của mình.

Ngày hôm sau và hôm sau nữa, tôi không ra quán. Lúc trở lại làm việc, các bạn đồng nghiệp cho biết trong hai ngày đó ông Linh đều đến hỏi xin gặp tôi. Và bây giờ thì ông đã có mặt ở đó và đợi.

Ông giới thiệu mình là hoạ sĩ. Ông thật sự kinh ngạc khi nhìn thấy tôi lần đầu bởi tôi trông giống như hai giọt nước (chữ của ông dùng) với một người thân của ông đã bị mất tích từ lâu. Việc biến mất đột ngột đó cho đến nay vẫn còn là một nỗi đau chưa hề nguôi ngoai không ngừng gặm nhấm những tháng ngày còn lại của ông.

Tôi an ủi ông rằng chỉ trừ phi đã chết, chứ mất tích thì còn hy vọng may ra còn tìm thấy được một ngày nào đó. Ông thở dài, nói chết hay mất tích chỉ khác nhau về tên gọi, chứ về bản chất chúng là một; chết chẳng qua cũng là một sự mất tích khỏi đời sống. Tôi sực liên tưởng đến vụ mất tích kỳ lạ gần đây của chiếc máy bay MH 370 của Hãng Hàng Không Malaysia. Gần hai năm trời đã trôi qua, người ta nỗ lực kiên trì tìm kiếm, quần thảo khắp các đại dương một cách gần như tuyệt vọng, thế nhưng sự mất tích của nó vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp. Thi thoảng trục vớt được ở đâu đó một vài mảnh vỡ kim loại, hy vọng một lần nữa lại được tiếp tục nhen nhóm. Tôi nghĩ có lẽ ông Linh sẽ không đến nỗi bi quan như hiện giờ nếu ông may mắn cũng tìm thấy một chút tung tích nào đó cho dù nhỏ nhoi.

Nói xong, ông im lặng, mắt đăm đăm ngó ra ngoài bãi sông, nơi một người đàn ông đi chân đất, hai ống quần xăn lên tận đầu gối, lom khom tát nước vào bờ rồi cúi xuống nhặt lấy mấy con ốc dưới cái nắng như thiêu đốt da thịt. Tôi để ý từ đầu đến giờ ông luôn nhìn thẳng vào mắt tôi trong khi nói chuyện, đây là lần đầu ông mới hướng ánh mắt ra quang cảnh bên ngoài. Gương mặt ông lúc đó trầm mặc như đá tảng. Trong đầu tôi vẫn cứ lảng vảng một câu hỏi người thân của ông là ai mà sau bao nhiêu năm ông vẫn còn đau đớn dằn vặt đến vậy, nhưng vì tế nhị và một phần cũng vì vẻ trầm mặc đó mà ngần ngại không nêu ra.

Sau đó ông Linh đi thẳng vào vấn đề, nói mục đích của việc ông gặp tôi là muốn nhờ tôi giúp đỡ cho một việc. Ông nói muốn được vẽ chân dung tôi, giải thích đó là một cách hữu hiệu để khiến cho một đời sống không hoàn toàn bị biến mất vào trong hư vô. Ông đề nghị tôi hợp tác khoảng một tuần lễ, mỗi buổi làm mẫu hai tiếng đồng hồ với mức thù lao cho mỗi buổi khá hậu hĩnh. Giọng ông khẩn khoản, chân thành, như chỉ sợ tôi từ chối.

Tôi nghĩ thầm, À đây rồi, tôi chính là mảnh kim loại từ chiếc MH 370 mà ông Linh đã tìm thấy đây. Suy cho cùng cái vượt quá sức chịu đựng của con người trong một vụ mất tích không phải chỉ là việc mất đi đột ngột người thân yêu của mình mà còn là sự bất lực không thể giải thích nổi cái bí ẩn đằng sau nó.

Người đàn ông đã đi khỏi, trên bãi sông bây giờ chỉ còn nắng chói chang. Chỉ một lúc nữa thôi, người ở trong xóm sẽ đổ ra và cảnh mò lặn hì hụp bên con nước sẽ lại tiếp diễn như mọi ngày.

***

Tôi đã phải đưa Liên vào bệnh viện cấp cứu đêm qua. Cô đau bụng từng cơn quặn thắt suốt cả buổi tối. Từ bên phòng mình Liên gọi điện thoại cho tôi, nói không ra hơi, Mày làm ơn qua bên này với tao một chút, tao đau chết đi được.

Tôi sang, đã thấy Liên nằm co quắp trên giường, ôm chặt trước bụng miếng vải dù cuộn tròn mà Liên vẫn dùng làm chăn đắp. Người cô hâm hấp nóng. Tôi ở bên cạnh Liên, bôi dầu, cạo gió nhưng cơn đau bụng không thuyên giảm mà càng lúc càng dồn dập, người cô ướt đẫm mồ hôi. Khoảng hơn mười giờ, tôi đưa Liên đi cấp cứu.

Liên được đưa đi mổ ngay vì viêm ruột thừa. Tôi hỏi Liên có muốn gọi điện báo cho bạn trai của cô không, cô xua tay, gạt phắt đi. Liên nằm trên chiếc xe đẩy, dưới ánh đèn trông cô có phần bạc nhược, mệt mỏi. Tôi đứng đó cho đến khi người ta đẩy cô đi khuất sau cánh cửa khu vực giải phẫu thì mới về.

Tôi đã không thể ở lại với Liên vì sáng nay là buổi làm việc cuối cùng của tôi với ông Linh. Ý nghĩ sắp sửa chấm dứt hợp đồng với ông cho tôi cảm giác như được trút bỏ một gánh nặng. Bốn buổi ngồi mẫu đã đi qua, trên khung vải chân dung tôi vẫn chưa có được môt nét phác hoạ. Có lẽ chính điều đó, chứ không phải bản thân việc ngồi mẫu, mới là nguyên nhân làm cho toàn bộ việc làm của tôi trở nên nhàm chán, nặng nhọc.

Như thường lệ, đúng chín giờ Trang ra mở cổng cho tôi vào. Cô đưa cho tôi một phong bì và nói:

-Hôm nay cậu không làm việc, dặn tôi đưa cái này cho em.

Bất ngờ vì không được báo trước, tôi buộc miệng hỏi:

-Ông Linh bị bệnh hay có việc gì sao?

-Bệnh thì không. Cậu ra khỏi nhà lúc rạng sáng, cũng không thấy dặn dò gì khác nữa.

Về đến nhà, tôi lại nhận được thư của Hải Hà. Tôi nhét cả hai vào trong túi xách, đi vào phòng. Cửa phòng của Liên vẫn để mở he hé. Có lẽ đêm qua lúc vội vàng đưa cô đi cấp cứu, tôi đã sơ ý không đóng lại.

Tôi mở thư của Hải Hà xem trước. Cô báo tin đã ra tỉnh H. để tu học, thời gian tương đối dài, chừng hai ba năm. Nếu tôi có dịp ra đó thì ghé chơi. Cô cho tôi địa chỉ của tự viện mới, một trung tâm tu học, còn cẩn thận hướng dẫn cả đường đi, vì, theo lời cô, nó toạ lạc ở một địa điểm khá xa thành phố.

Sau đó tôi bóc thư của ông Linh. Trong phong bì, ngoài mảnh giấy nhỏ viết tay còn kèm theo một số tiền. Tôi đếm, số tiền đó bằng với tiền thù lao của mỗi buổi ngồi mẫu. Có lẽ ông Linh có nhã ý trả công cho tôi buổi sáng hôm nay, dù trên thực tế sáng nay không làm việc. Rồi tôi mở thư của ông ra đọc.

Chào cô,

Cuối cùng thì bức chân dung tôi muốn vẽ đã có. Thì ra nó vẫn hiện hữu từ bao lâu nay trong trái tim tôi, ở một vị trí đẹp đẽ và xứng đáng nhất.

Mấy ngày qua, nhờ có sự hiện diện của cô mà tôi nhận ra điều đó, tôi biết mình là từ giờ trở đi tôi không cần phải hoài công đi tìm kiếm tận đâu đâu, bởi một lý do là tất cả những bức họa cho dù có được thực hiện cách khéo léo đến đâu cũng chỉ là những bản sao vô giá trị.

Tôi vô cùng biết ơn cô.

Tôi xin cô thứ lỗi đã không báo trước việc huỷ bỏ buổi làm việc sáng nay. Cũng nhân tiện, tôi báo cô biết hợp đồng làm việc giữa cô với tôi đến đây là kết thúc.

Vậy là từ hôm nay tôi có thể ra đi.

Cầu chúc cô bằng an.

Linh

Đọc đi đọc lại hai lần, tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của bức thư. Nội dung rõ ràng nhất là ông Linh không cần vẽ bức tranh nữa và công việc của tôi với ông chấm dứt từ hôm nay.

Có lẽ cái bí ẩn về chiếc máy bay đã được khám phá và bây giờ ông mang nó đi theo với mình. Còn với tôi, chuyến du hành ngắn ngày và đầy bí hiểm ấy cũng kết thúc.

Tôi gấp lá thư lại, đặt lên bàn rồi trở qua đóng lại cửa phòng của Liên.