Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Không khóc ở Mỹ Sơn

Inrasara

     

    Nhà  thơ Kiều Maiy ở Mỹ Sơn

    Nhà thơ Kiều Maily ở Mỹ Sơn

    Tùy bút

    1. Trưa 24-2, Kiều Maily khởi hành từ Sài Gòn đi theo đường Đak Nông, lên Ban Mê để vòng xuống Hội An. Chụp ảnh miễn phí cho người bạn thơ Trần Hiếu cùng vị hôn thê cho lễ thành hôn sắp tới. Miễn phí, để có cơ hội một lần trong đời làm được một chuyến “Mỹ Sơn đường về”. Cũng đáng!

    Sáng hôm sau, xe từ từ lăn bánh trên con đường từ Hội An dẫn lên thánh địa.

    Biết rằng nữ thi sĩ từng nghe, từng đọc, từng nhìn ảnh, từng xem video clip nhưng chưa lần đặt chân đến miền thánh địa. Bồi hồi, xúc động với háo hức kể sao cho xiết.

    Nàng vận bộ áo dài Cham, dây lưng, tua tai với khan mưtham đủ bộ. Đến cổng Mỹ Sơn, nàng bị chặn lại. Không có vé thì không được vào. Không có ngoại lệ, hay biệt lệ.

    Nàng mở to mắt, đớ người ra. Và khi hiểu chuyện, nàng lăn đùng ra, khóc. Và khóc suốt nửa tiếng đồng hồ giữa trưa nắng tháng Hai Mỹ Sơn.

    Vé vào cửa cho công dân Việt Nam: 100.000đồng.

    Nàng khóc, không phải vì không có tiền, không phải bởi anh chàng gác cổng soát vé thiếu cái nhìn cảm thông [không thể trách], không do suy nghĩ đây là đất của tổ tiên tôi sao lại cấm tôi vào. Không vì cái gì cả. Mà khóc, bởi một hụt hẫng đột ngột ập đến. Như thể sợi dây kết liên đứa con của Đất với Đất - thiêng liêng và thẳm sâu đột ngột bị đứt.

    Một hụt hẫng tâm linh, một chấn động tinh thần, và gì nữa…

    Không thể hiểu, không ai hiểu, nếu sinh linh ấy không phải là Cham.

    Không phải là Cham từ Pangdurangga.

    2. Không thể hiểu, nếu không quay trở lại chuyện đoàn người gồm ba mươi sinh linh Cham trên chuyến xe đò từ Phan Rang ra Mỹ Sơn ngày xưa ấy…

    Trà Vigia, “Mỹ Sơn đường về”:

    “… Sau khi ghé tháp Khương Mỹ chúng tôi tiến thẳng về thánh địa Mỹ Sơn. Đến nơi trời đã chạng vạng tối, vầng trăng 14 như cảm thông với đoàn người khổ hạnh. Dưới ánh trăng huyền ảo, lũ người tay xách nách mang lầm lũi náo nức từng bước lê vào thung lũng thần linh. Trong nhóm có mấy cụ sức kém và phụ nữ chân yếu tay mềm tụt hậu nhưng trâu béo kéo trâu gầy rồi cũng tới đích. Từ xa xưa thiên nhiên không thể ngăn trở bước chân người, chỉ có lòng người chặn núi ngăn sông.

    Trời ơi đất hỡi! Tưởng rằng qua bao gian khó trên đèo sông suối đến nơi thì mọi chuyện an bài, lòng người thỏa nguyện. Ngờ đâu!? Có lệnh cấp trên không cho chúng tôi cư trú. Ngỡ rằng trời sập chúng tôi còn biết đi đâu khi đã vượt qua hơn 600 cây số đường đèo mong đến nơi đây cho một đời người một lần hiện diện thì nay người ta lại bảo chúng tôi không có quyền có mặt nơi đây, trên cõi đời này. Thương thay cho mấy ông cụ thấp khớp, tuổi đã gần đất xa trời, mấy bà phụ nữ đã hụt hơi khi đã guồng chân tới đích. Sau vài lần hiệp thương cũng còn may trời xanh có mắt, phụ nữ và ông già được ở lại còn chúng tôi bọn vô thừa nhận phải xuống núi ngủ bụi nằm bờ. Không hiểu quy định của chốn thần linh thế nào nhưng chúng tôi là người trần tục phải sống theo hiến pháp và pháp luật hiện hành. Nơi đây là chốn rừng thiêng cũng phải nép theo luật rừng. Không có gì phải than thở! Chúng tôi dằn lòng khăn gói ra đi tìm chốn nương thân, tìm nơi ẩn náu. Chúng tôi đã không ít tủi buồn, nhiều lần nhẫn nhục, triền miên đau đớn với người tục, thì tại sao lại không chịu được nơi chốn thần linh khi mà lòng người, hồn người đã tận cùng tê dại. Nhóm tôi năm người xăm xăm đi xuống, còn lại hai người già lủi thủi xuống sau...”.

    [Tagalau 2, NXB Văn hóa Dân tộc, 2001]

    Ở đó, vài người đã bật khóc, không ít người muốn bỏ về. Họ không ngờ bức tường tối đen bỗng đâu ập tới sập xuống trước mặt họ. Cũng bức tường ấy, hôm nay sập xuống nữ thi sĩ bé nhỏ. Nàng không thể không khóc.

    Một hụt hẫng sâu như vực thẳm chưa có tên gọi.

    Như một người nghèo trúng số độc đắc chiều, cả đêm nhấp nhổm thức trắng, để sáng sớm hôm sau qua Trung tâm lĩnh tiền, bị báo đó là vé số của kì trước. Còn hơn thế.

    Như cô dâu phấp phỏng chờ đợi suốt mùa cưới, để rồi đêm động phòng, vừa bước chân vào đã đụng ngay chàng rể đang ôm một cô gái khác. Còn hơn thế.

    Như bà mẹ lạc mất con hơn nửa đời đi tìm, được báo cho biết đứa con yêu đang trong trại tế bần, khi đến nơi thì khoa học AND cho hay ấy là con của ai khác. Và còn hơn thế.

    Bởi đây là một hụt hẫng tâm linh, một chấn thương tinh thần. Của niềm nhớ và nỗi đợi cả đời người dồn nén ở thẳm sâu tiềm thức, bật ra – không thể níu lại.

    Như tôi xưa…

    Nhà thơ Kiều Maily trước cổng vào thánh địa Mỹ Sơn

    3. Mùa Hè 1981, làm lang thang ra Đà Nẵng, tôi quyết một mình lên Mỹ Sơn.

    Lần đầu tiên trong đời, tôi đặt hết tiền mang từ quê vào bàn tay anh xe ôm nghiệp dư. Sáng sớm, hai chúng tôi trên chiếc Honda 67 cà tang theo đường mòn đi lên. Đến bên này sông, tôi bỏ lại bạn đường, và lao đi và bay đi…

    Tôi không nhớ tôi lội qua con sông cạn nước hay vượt cây cầu nhỏ như thế nào nữa. Tôi không nhớ tôi băng qua bao nhiêu cây số lối mòn nữa. Toàn thân tôi run bấn lên. Tôi giạt nhánh cây rừng, đạp bừa lên nhành cỏ dại mà lao đi và bay đi…

    Đến giữa khu trung tâm Mỹ Sơn, tôi thả mình nằm dài trên nệm cỏ. Rồi tôi đi như một Ma Hời hổng chân quanh quất thánh địa. Không biết bao nhiêu vòng và bao lâu nữa. Thời gian như ngưng lại. Cả thế giới im bặt dưới bầu trời Mỹ Sơn. Chỉ có tôi và cỏ cây và muông chim và Mỹ Sơn tồn tại.

    Mãi khi nghe tiếng anh xe ôm lên tìm gọi trời sắp tối rồi, về thôi cậu ơi. Trên đường rời khu thánh địa tôi mới nhận thức được lối đi vào khó khăn và hiểm trở thế nào.

    Sau đó tôi còn vài lần lên Mỹ Sơn, cho đến khi xảy ra sự cố “Mỹ Sơn đường về” vào năm 2001 – Kỷ niệm một năm UNESCO công nhận Di tích Văn hóa Lịch sử nhân loại. Thế nên ở đó tôi bình tĩnh hơn trong xử lý chấn thương, dù không phải tôi không khỏi bị chấn động. Như tâm hồn bao nghệ sĩ đầy nhạy cảm chấn động.

    Dẫu sao ở buổi ban đầu ấy, tôi may mắn hơn những sinh linh Cham từ miền đất Pangdurangga tìm đến Mỹ Sơn sau đó, và cả hôm nay. Bởi thuở ấy, tôi được chứng kiến tận mắt một Mỹ Sơn âm u và hoang phế, chưa có dấu vết của trùng tu, tôn tạo với văn hóa du lịch hiện đại can thiệp; nhất là khi ấy – dù lối đi nhiêu khê trắc trở trăm lần hơn hơn, tôi đã không bị bức tường nào chặn lại.

    4. Hành hương, Cham mới biết từ nay vài năm nay. Chứ trước đó, họ làm và chẳng biết kêu nó là gì. Nau ngap Yang Đi cúng Thần, vậy thôi. Như cuộc hành hương Mỹ Sơn năm xưa ấy. Đầy hứng thú, bồi hồi dù không thiếu bấp bênh, bất trắc.

    Hơn tám thế kỉ xây dựng, bảo vệ và vun đắp, cả khu vực Đông Nam Á không đâu có thánh địa mà sức thu hút mãnh liệt, trường kì và kì lạ đến thế, sống dai dẳng trong tâm thức dân tộc lâu bền như thế. Không đâu cả! Bỗng chốc từ thế kỉ mười lăm, nó bị đứt mạch trong kí ức con dân Cham Pangdurangga, đến không còn bất cứ dấu vết nào lưa lại trong bất kì dòng thơ văn, câu ca lời hát dân dã nào. Cuộc hành hương như cách thế nối lại kí ức đứt gãy hun hút đó, đánh thức lần nữa cuộc sống tâm linh dân tộc đang ngủ vùi đáy thẳm tâm thức.

    Một quần thể di tích hơn bảy mươi cái tháp lớn nhỏ nằm sâu trong lũng núi, qua chiến tranh, cả khu thánh địa nát bét. Chỉ nhờ mồ hôi và trí óc của Kazik, nó mới gượng dậy cho người đời nhìn ngó được mặt mày, không thì chỉ biết sơ sài qua ảnh chụp đâu từ thời Pháp thuộc. Vụ này ta tố cáo là giặc lái B52 Mỹ đem bom ném miền Bắc thừa đổ xuống.

    Khởi từ Chakleng, chuyến đi dự tính đầy cả xe năm mươi tư chỗ ngồi. Tuy nhiên khi nghe tin bị trù, gần một nửa chùn lại. Xe gập ghềnh qua Tháp Po Inư Nưgar, Tháp Nhạn, Bánh Ít và Cánh Tiên, Dương Long, rồi Mỹ Sơn là điểm hẹn cuối cùng. Người làm thơ, họa sĩ, trí thức, thân hào nhân sĩ, nông dân đủ cả. Để rồi, tất cả không được vào đất thánh.

    Có một ông quan chủ động, - bà con nói. Nhớ là vị quan này cả chục năm ăn cơm làng Cham. Họ quen biết ông và, ông cũng chẳng xa lạ gì họ. Không ít bà con dỗi, toan bỏ về. Một thất thố và hụt hẫng đột ngột vụt lớn dậy trong tâm hồn khiến họ như sụp đổ. Cuối cùng, tất cả đành qua đêm ở ngoài xa. Thảm!

    Tôi và Hani từ Sài Gòn lên tàu lửa đến nơi vào sáng hôm sau. Tôi nói:

    - Huỡn đã, bà con cứ hưởng cho trọn cuộc hành hương lần đầu trong đời. Hãy đợi đấy!

    Chúng tôi quyết chờ đợi. Hai giờ chiều, kết thúc cuộc lễ chính thống do chính quyền tổ chức, hơn ba mươi đứa con của Đất tìm bóng cây cao, vắng, bày bánh trái ew Yang cúng Thần. Chục người đi lẻ và cả nhóm nghệ sĩ trong Đoàn Văn nghệ dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận vừa trình diễn xong, cũng tách đoàn, nhập cuộc. Múa, hát, cầu nguyện. Đơn giản, tín thành. 

    Họ là đoàn hành hương cuối cùng

    ra đi từ đêm của thế kỉ cũ

    ra đi - dù không ngọn gió nào xua đuổi

    dọc theo đường biên bóng tối. Ra đi

    Bao nỗ lực đã xóa trắng – họ chậm chạp bước đi

    lầm lũi như thế. Dọc thế kỉ cuối cùng của thiên kỉ

    tiếng nói bã nát giấu vào túi

    đội trên đầu cái thúng rỗng, họ đi

    biết mình là kẻ cuối cùng

                                                                    (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

    Làm lễ dưới gốc cây ở Mỹ Sơn (năm 2001)

    5. Cham cúng tế, hoặc vào cuộc tiệc lớn nhỏ ở ngày thường, trước khi uống thường thực hiện thủ tục rót vài giọt rượu [bia] xuống đất. Tôi hỏi Jaka, khi làm thao tác đó, con nghĩ đến điều gì? Jaka: không gì cả. Tôi thì khác. Hiện ra trong tâm trí tôi ngay lúc đó là cái bóng cao lớn của Glơng Anak, khi ông từ cồn cát giữa biển khơi quay trở ngược vào bờ.

    Trích Status “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahier-Awal 04. Tại sao Ông Glơng Anak không vượt biên?”:

    “Tại sao ông Glơng Anak không vượt biên?” chỉ là cách nói. Đúng hơn: Tại sao ông Glơng Anak không đi, mà trở về? Câu 63 trong trường ca Ariya Glơng Anak:

    Dauk sa drei sa nưgơr di krưh hanrai

    Di krưh tathik cwah hajai, halei nưgơr drei xathuw

    Ngồi một mình một vùng giữa cồn xa

    Giữa biển cát bồi, biết đâu xứ sở ta [đi]!

    Đó là chuyện xảy ra ở đầu thế kỉ XIX. Đại biến động ập tới. Cả dân tộc chạy tìm thoát thân. Biến sâu vào rừng núi, qua Cambodia, Thái Lan, hay vượt biển sang tận Malaysia. Như muôn sinh linh Cham khác, tác giả Ariya Glơng Anak cũng đã đi, theo đường biển, như ta biết. Nửa chừng, ông khựng lại.

    Giữa biển cả cát bồi, ông dừng lại, và đứng đó – suy tư về thân phận ông, về sinh phận dân tộc ông. Rồi đột ngột, ông có cái quyết định chết người: ta phải trở lại. Tác giả Ariya Glơng Anak đã trở lại, và ở lại trong bóng tối vô danh và ô nhục, để rồi trở thành một trí thức lớn nhất của thời đại ông. Ông chịu nhận mọi buồn tủi của con dân mất nước, để được sống giữa lòng dân tộc. Chính giây phút ông đưa ra quyết định ấy đã cứu sống sinh mạng chính trị ông, qua đó – cứu chuộc cả một dân tộc: Giữa bóng tối đen mò của lịch sử, một sinh lộ vừa hé mở cho con dân Cham.

    Rót vài giọt rượu [bia] xuống đất, là rót cho Đất, để mỗi sinh linh Cham giữ mối tương liên thiêng liêng với Mặt đất.

    “Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Cham thì khác, ông bà nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk padauk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.

    Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng nên trên Đất đó.

    Bimong Tháp Gạch là biểu tượng tâm linh Cham. Ở đâu có Cham là ở đó có tháp, ngược lại ở đâu có tháp, đó là đất Cham. Tháp, để người Cham thờ phụng. Tháp chiếm vị trí tối thượng trong đời sống tâm linh Cham.

    Tháp có mặt từ Quảng Bình cho đến tận Vũng Tàu. Còn ở Tây Nguyên, tại sao tháp Yang Prong mọc trên ấy? Cham xâm lược Tây Nguyên, như vài nhà nghiên cứu viết thế chăng? Đây là nhầm lẫn tại hại, do không phân biệt hai khái niệm Cham với Champa. Hiện nay chúng ta quen gọi là tháp Chàm, tháp Chăm chứ bia kí viết tháp do ‘người Champa Orang Champa’ tạo lập, chớ riêng gì Cham đâu!

    Ở đâu Cham không đặt viên gạch (padauk kiak), thì đó không phải đất Cham, Cham không ở. Có cho họ cũng không màng. Bởi mảnh đất muốn thành Đất cần đến các cuộc tẩy rửa bền và lâu. Thời hưng thịnh Champa đã từng chiếm đất Khmer, chiếm để thị uy thôi (ra oai ngap padaup) chứ không có ý đồ “thực dân” vào vùng đất chiếm đóng. Hay khi suy yếu, bị đẩy vào thế buộc, Cham chạy loạn đến ở nhưng họ không coi đó là Đất thuộc về mình [cho dù nó là của mình với những Sổ Đỏ] mà chỉ là miền tạm dung. Tạm dung, để còn chờ đợi ngày trở về với Đất”.

    [Minh triết Cham, 2016, NXB Tri Thức]

    Mất mối tương liên kia, là đứt mạch nuôi sống tâm linh đứa con của Đất với Đất. Đất thiêng như thỏi nam châm khổng lồ cuồng nộ hút thanh sắt đứa con của Đất về với mình. Khoảng cách càng gần, sức hút càng tăng cường độ: gấp gáp hơn, mãnh liệt man dại hơn.

    Đụng phải bức tường ngăn bất ngờ – dù bất kì dưới hình thức hay lí lẽ nào – đứa con của Đất bị bật lại. Và bật khóc. Bởi hụt hẫng. Bởi chấn động đột ngột.

    Hụt hẫng ấy, chấn thương tâm linh ấy tôi từng trải, và tôi hiểu. Tôi hiểu tôi, và hiểu bà con, anh chị em trong chuyến đi định mệnh ở đầu thiên kỉ thứ ba kia hơn bao giờ. Như hôm nay, hơn bao giờ - tôi hiểu nữ thi sĩ Cham.

    Bao giờ sinh linh Cham thôi khóc ở cửa thánh địa Mỹ Sơn?

    Bao giờ…

    Sài Gòn, 26-2-2017

    Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/khong-khoc-o-my-son