Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Xã hội - Nghệ thuật: Phân mảnh và xô lệch các thang giá trị

Nguyễn Quân

Ba tầng đổi mới. Những đảo lộn gốc rễ trong đời sống con người Việt Nam thời đổi mới (quy ước là từ 1986) chồng lấp ba tầng “điên đảo”. Từ chiến tranh sang hòa bình/hậu chiến với các sang chấn như giải phóng tình dục, bùng phát sinh đẻ, khủng hoảng tâm thần, hòa giải dân tộc, địch ta, nông thôn hoang vắng, bệnh công thần, kiêu binh về đô thị, khôi phục đời sống gia đình,… Từ bao cấp sang thị trường với khủng hoảng ý thức hệ, tôn giáo tâm linh, đô thị hóa ồ ạt, sự tha hóa bởi đồng tiền, quyền lực, làm giầu và bần cùng hóa, khủng hoảng đạo đức và niềm tin, bạo lực, tội phạm, tệ nạn... Từ đóng cửa, bị bao vây sang toàn cầu hóa với các giá trị đại chúng, nhân quyền, nữ quyền, khủng hoảng về giới, về tự do và dân chủ, về truyền thông và sự áp đảo của văn hóa đại chúng quốc tế… Ba cơn địa chấn nền tàng này chồng lấn, xô đẩy nhau với các thang giá trị khác nhau, nhiều khi đối nghịch nhau khiến việc nhìn nhận con người, xã hội, văn hóa nghệ thuật trở nên khó khăn phức tạp hơn bất kì nơi nào khác trên thế giới. Thường mỗi sự nhìn nhận nghiên cứu phân tích phản biện đều thiên lệch về một sự đảo lộn nào đó nên dễ phiến diện méo mó. Có điều chắc nhắn là mâu thuẫn và khủng hoảng bên ngoài kịch tính bao nhiêu thì mâu thuẫn, khủng hoảng trong nội giới mỗi người cũng kịch tính bấy nhiêu. Nghệ thuật vốn biểu hiện cả hai mặt bên ngoài xã hội và bên trong tâm hồn con người tất cũng mâu thuẫn và khủng hoảng. Đến lượt mình nó cũng thường bị tiếp nhận, đánh giá, ‘phát hiện’, giới thiệu một cách phiến diện theo một thang giá trị thiên lệch xuất phát từ chỉ một tầng ‘điên đảo’ nào đó.

Nghệ thuật - Lý Trần Quỳnh Giang

Tranh của Lý Trần Quỳnh Giang (Nỗi buồn)

Ba trào lưu trong một thế kỷ. Có thể dễ dàng phân kỳ tiến trình mỹ thuật Việt Nam từ đầu thề kỷ 20 tới nay thành ba đoạn dài: Mỹ thuật Đông Dương 1925-1945, Nghệ thuật kháng chiến dân tộc chủ nghĩa và hiện thực XHCN ở cả hai miền 1945-1986 và nghệ thuật đổi mới-đương đại từ 1986 tới nay. Tất nhiên những biến động chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng… tác động quyết định tới sự ra đời và phát triển, về nội dung và hình thức của ba dòng nghệ thuật ấy. Xã hội thực dân, văn hóa đô thị thuộc địa đã đẻ ra Mỹ thuật Đông Dương. Các tác giả này với các cô gái áo dài bên hoa hoặc không hoa của họ đã mang lại một vẻ đẹp ‘dân tộc’ đặc biệt và phổ thông giống như cái đẹp của chủ nghĩa Ấn tượng Pháp đối với người Pháp trước đó vài thập niên! Suốt các cuộc chiến dưới các ngọn cờ khác nhau, trên các chiến tuyến khác nhau, mỹ thuật hai miền Nam Bắc dùng bút pháp tả chân, trữ tình lưu truyền từ trường phái Đông Dương nhưng chú tâm vào các nhân vật thời sự khác: công-nông-binh (ôm súng hoặc không ôm súng) và lãnh tụ. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc bao trùm. Nghệ thuật giai đoạn này cũng có thể có tên là trường phái hiện thực yêu nước mà phần chính là hiện thực XHCN. Nghệ thuật đổi mới - ban đầu chủ yếu ở hội họa - bùng nổ từ giữa những năm 1980 là cái gì. Định nghĩa, định tính và định lượng nó như thế nào còn là việc phức tạp bởi bản thân nó chưa kết thúc, hỗn tạp, đa hướng và nhiều tầng giá trị. Chắc chắn không thể quy nó về một trường phái thuần nhất nào như hai giai đoạn trước.

Nếu họa sĩ tiền chiến là lãng tử trữ tình, môn đồ tìm cái đẹp nên thơ, dễ thương, họa sĩ kháng chiến là chiến sĩ dùng nghệ thuật làm vũ khí đi tìm những ‘chân lý được giả định bởi hệ tư tưởng’ thì nghệ sĩ đổi mới có lẽ chỉ đi tìm cái tôi của riêng anh ta. Với câu hỏi ‘tôi là ai?’ họ hồi sinh vấn nạn đích thực, phổ quát của sáng tạo nghệ thuật. Tính tiên phong, tự cho mình trách nhiệm kiến tạo thẩm mỹ (chứ không đi tìm hoặc phản ánh một cái có sẵn trong tâm hồn hay thực tại nữa), tạo ra giá trị thẩm mỹ, phán xét và áp đặt gía trị nhân văn. Sự tự tin ngạo mạn ‘kiểu modernism’ này sau 2000 còn được bổ xung bằng sự phản biện, khiêu khích và thách thức thường trực về mọi thứ ‘kiểu conemporary art’!

Giữ những năm 1990 Thái Bá Vân nhận định: “Thế hệ thứ ba là thế hệ trưởng thành âm ỉ sau 1975 và xuất hiện ào ạt sau 1985. Đây là thế hệ đông đảo và sung sức nhất đang chiếm diễn đàn nghệ thuật ở Việt Nam… Không thể ghép họ vào một xu hường nào cố định như vài thập kỷ trước đây. Họ làm việc với tư cách cá nhân, nhưng chính họ đã hình thành một bản sắc mới với một hy vọng mới và tốt đẹp hơn trước.”

Nghệ thuật - Tran-trong-vu

Tranh của Trần Trọng Vũ

Ba bước nhảy trong ba mươi năm. Thế hệ vàng nhân cách cá tính nghệ thuật hội họa xuất hiện trong những năm 1985-2000. Từ Trần Trung Tín, Bửu Chỉ, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Đặng Thị Khuê, Vũ Dân Tân, Đỗ Thị Ninh, Đỗ Sơn, Thành Chương, Bảo Toàn, Lê Huy Tiếp, Nguyễn Quân, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Lý Trực Sơn, Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Xuân Tiệp, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Lê Quảng Hà, Trương Tân, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Minh Thành, Phan Cẩm Thượng, Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Phùng Quốc Chí… tới Văn Ngọc, Vũ Thăng, Đinh Ý Nhi, Thắm Poong, Ly Hoàng Ly, Châu Giang, Chinh Lê, Lý Trần Quỳnh Giang… và nhiều người khác. Với đủ mọi trường phái, hình thức biểu hiện chứa đủ mọi cung bậc tâm hồn nhất là các khao khát, bi kịch, khủng hoảng và mâu thuẫn, sự cô độc và hoang mang, không đẹp, không tốt theo lệ cũ họ đã truất ngôi ‘Cái đẹp dễ thương’ và nghệ thuật phản ánh, minh họa của hai giai đoạn trước. Hội họa của họ là tiên phong mới hoàn toàn, gây tranh cãi lớn ở trong nước và khi ‘mở cửa’, người am hiểu nghệ thuật, giới chuyên gia, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa nước ngoài bất ngờ phát hiện ra một nền hội họa không như họ mường tượng về nghệ thuật ‘sau bức màn sắt’, ở một đất nước nghèo đói, bị cô lập nhất thế giới chỉ được biết tới như tên một cuộc chiến tranh Vietnam War. Thứ hội họa này khác hẳn nghệ thuật xô-viết, nghệ thuật Trung Hoa Mới, cũng khác hẳn nghệ thuật các nước láng giềng trong khu vực, đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng đủ hiện đại với thế giới. Họ gọi nó là doimoi painting.

Điêu khắc đổi mới mạnh mẽ từ nửa sau thập niên 1990. Các thế hệ từ Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền, Bùi Hải Sơn, Nguyễn Hải Nguyễn tới Phan Phương Đông, Khổng Đỗ Tuyền, Trần Việt Hưng, Hoàng Tường Minh, Nguyễn Anh On, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Ngọc Lâm, Thái Nhật Minh … và nhiều người khác đã ‘khai sinh’ ra giai đoạn hiện/đương đại với các gía trị điêu khắc hoàn toàn mới so với ¾ thế kỉ mờ nhạt trước đó. Họ cũng đi hai chân ‘dân tộc và quốc tế’ như hội họa 15 năm trước. Gần đây điêu khắc đã hội nhập sâu rộng. Rất nhiều nhà điêu khắc quốc tế vào Việt Nam sáng tác. Các tác giả Việt Nam sáng tác, trưng bầy và được sưu tập ở nước ngoài ngày càng nhiều.

Nghệ thuật - Ly H Ly -  thuyen-nha-thuyen-1

Sắp đặt của Ly Hoàng Ly (Thuyền-Nhà-Thuyền)

Hội nhập toàn cầu và ‘nghệ thuật sứ quán’. Nghệ thuật đương đại với các môn trình diễn, xắp đặt, video, đa phương tiện, tương tác… của Trần Lương, Đ.Q. Lê, Trần Trọng Vũ, Trương Tân, Lê Thừa Tiến hay Bảo Toàn, Đặng Thị Khuê, Đào Anh Khánh,Võ Xuân Huy, Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh, Nguyễn Minh Phước, Minh Thành, Duy An… và thu hút ngày càng nhiều các nghệ sĩ thị giác trẻ hơn tạo nên làn sóng thứ ba, thổi luồng gió mới vào đời sống mỹ thuật Việt Nam từ đầu thập niên 2000. Hiện nay đây là bộ phận kết nối quốc tế sâu rộng nhất, hoạt động sôi nổi nhất. Có nickname ‘Nghệ thuật sứ quán’ bởi thời gian đầu nó được các đại sứ quán, nhà văn hóa, quỹ văn hóa, curators và nghệ sĩ nước ngoài hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần: mặt bằng, tài trợ, hỗ trợ truyền thông, quảng bá ra nước ngoài. Nhờ vậy cũng tránh được những phiền toái với kiểm duyện cấp phép hoạt động cho những thực hành nghệ thuật còn qua xa lạ mà lại hăng hái phản biện các ‘vấn đề nhạy cảm’ với chính quyền. Sau đó có thêm các không gian nghệ thuật đương đại của người Việt, Việt kiều về nước hay ngoại kiều sống ở Việt Nam quản trị và luôn có yếu tố ngoại: curators, tài trợ, kết nối hoạt động, nghệ sĩ lưu trú, dự án quốc tế… Đáng chú ý là các không gian nghệ thuật, kết nối nghệ thuật này thực hành nghệ thuật theo format quốc tế, giống như các format truyền hình thực tế phiên bản địa phương. Nó gần như một phép cộng phần ngoại vi của nghệ thuật Việt cộng với phần ngoại vi của nghệ thuật Mỹ, Pháp, Anh, Indonesia, Thái Lan… hay nước nào đó. Thực tế là gần mười năm nay các không gian và hoạt động đương đại này hầu như không giới thiệu được thêm tên tuổi mới nào đặc sắc ở tầm cỡ như những ngưới tiên phong lứa đầu tiên kể trên. Ngược lại cũng vậy. Nếu từ năm 2000 về trước giới nghệ thuật, curators, artists nước ngòai vào sâu ‘nội địa’ tìm những cái mới với Việt Nam và không có ở đâu khác thì từ đó trở đi có vẻ như họ chỉ dừng lại ờ đầu cầu ‘nghệ thuật có yếu tố ngoại, liên doanh’ này để tìm những gì song song, tương đồng, gần gũi với các giá trị, chủ đề, ngôn ngữ, concept, project… ‘toàn cầu’ đã được mặc định từ các ‘trung tâm của nghệ thuật thế giới’ mà các nghệ sĩ trẻ hăng hái thần phục. Săn tài trợ, học bổng, dự trại sáng tác, lọt vào các biennale, bộ sưu tập hoặc được giải thưởng nước ngoài trở thành một mục tiêu và thước đo thành công bất cần sự xuất hiện, được biết đến hay đánh giá ở trong nước. Từ lúc đó hình ảnh nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu ở nước ngoài cũng hạn hẹp vào khu vực ‘có yếu tố ngoại’ này và khó tránh khỏi định kiến, phiến diện.

Một thực tế thú vị nữa của đời sống nghệ thuật là sự phân mảnh cực đoan, rời rạc của ‘cơ thể’ nghệ thuật. Ta thấy có ít nhất bốn mảnh với các thang giá trị vừa chồng chéo vửa đối nghịch nhau khiến việc đánh giá thẩm định không dễ và tình huống sáng tạo ở Việt Nam trở nên khó bao quát. Một là nghệ thuật quốc doanh cố thủ quyết liệt của các giá trị tuyên giáo, hệ tư tưởng và cực quyền. Nguồn lực khổng lồ dành cho tượng đài (có khi tới 20 triệu USD cho một tượng) vì thang giá trị xưa cũ kiểu Liên Xô và Trung Hoa từ những năm 1970 về trước. Bên cạnh đó là phong trào nghệ thuật quần chúng do các Bộ, Hội và Sở quản lý. Thang giá trị thẩm mỹ và nhân văn khá mị dân, trung dung và bảo thủ nhưng lại được lượng hóa cụ thể bằng các văn bằng, chức vụ, giải thưởng và sưu tập của chính quyền. Hai là nghệ thuật thương mại được điều tiết bời các gallery, người buôn bán môi giới (làm giả, nhái, chép nữa). Thang giá trị ở đây rất cụ thể là giá tiền và doanh số. Ba là mảng ‘nghệ thuật sứ quán’, nghệ thuật liên doanh có yếu tố ngoại với thang giá trị toàn cầu hóa ‘nhập ngoại’. Và cuối cùng là các nghệ sĩ độc lập lơ lửng khi hưởng lợi, khi bị lợi dụng bởi các mảnh nêu trên trong khi một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp chưa hình thành được.

Sự phân mảnh và xô lệch các thang giá trị chính là sự thú vị và hấp dẫn của nghệ thuật đượng đại Việt Nam bây giờ.

Sài Gòn 8-2016

N. Q.

Tài liệu tham khảo

-Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, NXB Văn Học, Hà Nội 2007

-J. F. Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, NXB Tri thức 2007

-Phan Cẩm Thượng, The Daily Arts, The Gioi Publishers, Hanoi 2014

-Phan Cẩm Thượng-Lương Xuân Đoàn, Họa sĩ trẻ Việt Nam-Young Artits of Vietnam, Hà nội 1996

-Uncorked Soul-Contemporary Art from Vietnam, Hongkong 1991

-Realism As An Attitude, 4th Asian Art Show Fukuoka 1994

-Modernity and beyond

Themes in Southeast Asian Art, National Heritage Board, Singapore 1996

- Thomas Yeo Southeast asian art A New Spirit, Singapore 1997

-A Winding River Contemporary Art in Vietnam, Meridian International Center, Whashington. DC 1995

-Nora Taylor, Painters in Hanoi, University of Hawai’i press, Honolulu 2004

-N.Kraevskaia, Từ hoài cổ hướng sang miền đất mới - From nostagia towards exploration, Hà Nội 2005

- Nhiều tác giả Post-doimoi Vietnamese Art after 1990, Singapore 2008

-Nhiều tác giả Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Viện mỹ thuật ĐHMTVN, NXB Mỹ Thuật 2005

-Collin J. , Sculpture today, Phaidon 2007, Bản dịch của Dr. Phạm Long

-Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, NXB Trí Thức 2010

-Nhiều tác giả, 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, NXB Mỹ thuật 2007

- Unversity of Sydney East Asian series

No.7 Modernity in Asian Art

No.15 Eye of the Beholder

-T. Smith, What is contemporary art? The Univrsity of Chicago Press

-Asean Modernism, Japan Foundation Asia Center 1995

- Arts Du Vietnam Nouvelles Approches, tài liệu hội nghị khoa học quốc tế Colleque scientificque international du 4 au 6 september 2014 Paris-Sorbonne, Paris.

-Đào Mai Trang, Nghệ thuật & Tài năng, NXB Phụ Nữ 2014

-Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, NXB Mỹ thuật 2009