Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Vẻ đẹp tiềm ẩn trong năm hạt cát

(Đọc Tuyển tập truyện ngắn song ngữ Việt-Anh “Giữa những điều bình dị” của Nguyễn Quang Thân)

Mai Quỳnh

Tôi mượn ý nhà văn Mỹ Steven Millhauser trong bài báo Tham vọng của truyện ngắn (The Ambition of the Short Story) để nói về cảm nghĩ của mình sau khi đọc tuyển tập truyện ngắn cuộc sống Giữa những điều bình dị (In and Among the simple things) của Nguyễn Quang Thân (NXB Văn hóa Sài Gòn và FIRST NEWS, 2007). Steven Millhauser không ngớt lời ca ngợi ưu thế của truyện ngắn so tiểu thuyết, cho dù ông là tác giả của bốn cuốn tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng danh giá ở Mỹ và Pháp. Ông cũng đã in bảy tập truyện ngắn rất nổi tiếng. Ông ví truyện ngắn như hạt cát mà tham vọng của hạt cát ấy là chứa đựng một phần của thế giới, hơn thế, nó muốn tạo ra hình hài cho cả thế giới này! (1)

Nguyễn Quang Thân (NQT) là cây truyện ngắn hiện đại. Từ truyện đầu tiên in năm 1957 đến nay, ngoài sáu cuốn tiểu thuyết và hai, ba kịch bản, ông đã in 4-5 chục truyện ngắn, phần nhiều trong số đó chưa bị bụi thời gian che mờ. Tôi chưa đủ điều kiện đưa ra một cái nhìn khái quát về truyện ngắn NQT. Ở đây, chỉ xin lạm bàn đôi điều về tuyển tập Giữa những điều bình dị (GNĐBD) của ông.

Tôi cứ nghĩ mãi về cái tựa đề truyện ngắn cuộc sốngnhững điều bình dị mà hai Nhà sách Văn hóa Sài Gòn và FIRST NEWS chọn lựa. Chắc rằng, NXB muốn đem đến cho bạn đọc trong và ngoài nước (sách song ngữ Việt-Anh) một góc nhìn soi vào những mảng đời thường, rất đỗi bình thường trong xã hội ta mà lâu nay cái mảng hoành tráng, ngợi ca đã che khuất đi. Nhưng những mảng cuộc sống NQT miêu tả trong năm truyện ngắn này lại hàm chứa nhiều điều lớn lao.

Ngòi bút tài hoa của NQT lôi cuốn người đọc qua câu chuyện diễn ra hằng ngày, những nhân vật từng gặp đâu đó, những khung cảnh thân thuộc hằn sâu trong trí nhớ. Và, lay động khôn nguôi lòng trắc ẩn. Truyện NQT không dành cho những ai muốn đọc nhanh, bởi cái bề dày tri thức và trải nghiệm của ông – rất tự nhiên và đúng chỗ – rơi trên trang sách khiến người đọc phải liên hệ hay lục lại trong trí nhớ những hiểu biết hay ẩn ức đã qua (Vườn Ghết-sê-ma-ni, đồi Sọ ở đâu? Thói A.Q là gì nhỉ?…). Tuy nhiên, cái tài của NQT là, cách dẫn chuyện trơn tru của ông khiến người đọc không cần tra tìm rạch ròi những chi tiết đó mà vẫn gật gù tán thưởng những ẩn ý của từng câu nói, hình dung rõ ràng từng hoàn cảnh. Năm truyện trong Tuyển tập, học theo Steven Millhauser, tôi xem đó như năm hạt cát. Năm hạt cát tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp!

Thanh minh là trong sáng (lời đề dẫn đầu truyện). Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ, hội là Đạm Thanh (Truyện Kiều). Thanh minh là cảnh trời dịu êm, là tâm hồn con người thuần khiết, vị tha. Nhưng rồi, trong ngày hôm ấy ở N. hiện tại và quá khứ đan chen nhau làm mất đi chân giá trị của nó. NQT đã chớp được khoảnh khắc đắt giá này để khắc họa lên đó những câu chuyện đau lòng về sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội, sự phân biệt chỗ ngồi khi sống và ranh giới mộ phần khi chết. Một bên là những người vào tù, ra tội, góp công cho cách mạng; một bên là những người làm ăn lương thiện nhưng chẳng may sống ở phía bên kia. Bên này là cán bộ, bên nọ là nhân dân. Sự phân chia quyền lợi hưởng thụ theo nấc thang địa vị, chức tước rạch ròi trên tất cả mọi mặt chi tiết đến từng tiêu chuẩn bằng văn bản, giấy tờ… (từ cán sự 4 trở lên mới được vào rạp xem phim Chiến tranh và Hòa bình, v.v. và v.v.). Không biết do đâu, sự phân biệt ấy đã có ngay từ khi toàn thể nhân dân (vĩ đại và trường cửu) vừa đánh bại xâm lược Pháp. Nó là nguyên do của những cuộc đấu đá trong hàng ngũ cán bộ (bố Kiểm và ông Hoàng); nó gây nên thói quen an phận trong nhân dân (bác Khiết); nó làm tan vỡ tình yêu chân chính (Kiểm và Hương). Nó là cái tường rào vô cùng chắc chắn giữ chặt Kiểm lại, không cho thoát ra; trong khi Hương đang tìm mọi cách nhảy vào, mong thoát khỏi cái danh phận nhân dân. Khái niệm nhân dân bao hàm rộng quá. Đúng ra, Hương mong muốn thoát khỏi cái tầng lớp “thường dân, phó thường dân” cơ khổ của gia đình mình! Steven M. viết: “Truyện ngắn cưu mang một điều ước”. Điều ước ấy trong Thanh minh, phải chăng là Bình đẳng, Tự do?

Viết Chân dung, NQT đã hóa thân vào vai họa sĩ, ông miêu tả có nghề và có hồn lao động sáng tạo tác phẩm hội họa. Nhưng điều ông muốn gửi gắm nằm ở tầng sâu. Một nghệ sĩ đích thực không múa may cây cọ, không uốn cong ngòi bút để cho ra đời những đứa con tinh thần trái với lương tâm. Và, muốn có một bức chân dung đẹp, một bản hồi ký hay thì trước hết, người được khắc họa, người được kể lại ấy phải sống tử tế. Ba người bạn thân cùng học một thầy, họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng Phát, nhiếp ảnh gia Chung cũng nổi tiếng không kém và người thứ ba, quan chức Huấn. Thời thế đã phân cực họ. Hai nghệ sĩ vẫn giữ được thiện tâm, còn Huấn thì không. Huấn tiến thân bằng mọi cách mà cái cách đáng tởm nhất là phản thầy. Bởi vậy, bức chân dung sơn dầu Huấn nhờ Phát vẽ, cũng như tấm hình Phát nhờ Chung chụp Huấn để lấy mẫu đều cùng hiện lên khuôn mặt Huấn “đáng sợ”. Khuôn mặt có “con mắt như vỡ ra, cái má thối rữa và vết đen không phải nước mắt mà là bóng tối âm u phủ lên một nửa khuôn mặt, một khuôn mặt tội đồ (2). Sống tội đồ thì làm sao có một chân dung (hay một hồi ký) thánh thiện? Có chăng, cũng chỉ là những bức vẽ vô hồn, những trang văn nhạt nhẽo mà thôi! Chân dung một tiếng nói nhắn nhủ người đời chân lý giản đơn: dù có tô son trát phấn khéo đến đâu thì thời gian cũng bóc trần những khuôn mặt tội đồ ra trước bàn dân thiên hạ! Và, trong nghệ thuật, không thể có mỹ (đích thực) nếu thiếu chânthiện!

Chỉ riêng làng Kẻ Đồng, một làng hẻo lánh dưới chân núi Thiên Nhãn có mười ba người vợ góa trẻ có chồng chết vì bệnh xơ gan (do nghiện rượu). Thêm một xơ Gian không góa mà thực là góa, anh Cu Ca góa vợ và một người đàn ông không góa vợ nhưng cũng thực là góa, Cha xứ. NQT đem tấm lòng nhân ái của mình nói giùm mười lăm con người, có thể đã bị bỏ quên trong cái thôn nửa lương, nửa giáo heo hút ấy những khát khao dồn nén trong tuyệt phẩm Gió heo may. Gió heo may ư? “Đó là ngày tháng Mười, trời đang mát mẻ bỗng se lạnh vào sáng sớm. Nhưng rồi nắng hừng lên. Bắt đầu là một giải vàng hoe trên ngọn cau và trong phút chốc tràn ngập đồng lúa sắp gặt, cây cỏ trong khu vườn. Sau đó một mùi thơm ngai ngái, lạ mà quen, không thể nói đó là mùi gì. Một chút gió đi qua khu vườn, lúc đầu len lén như hơi thở. Nhưng rồi mạnh dần lên và những cây chuối cây na thức dậy. Cơn gió heo may ấy đã thổi bùng lên những khát khao ân ái vợ chồng, làm rung lên sợi dây đàn yêu đương trong đáy lòng tất cả mười lăm con người lâu nay âm thầm, chịu đựng sống thiếu đàn ông mà thiếu đàn ông thì ai cũng khổ. Rồi mỗi người một cách khác nhau, họ phải tìm cách thỏa mãn cái nhu cầu rất đáng trân trọng ấy. Người tìm được, người không. Nhưng đã có nhà văn đứng về phía họ, đứng về phía những người thiệt thòi. Quan sát tinh tế, tấm lòng nhân hậu và cái tài dẫn chuyện đã làm nên một “hạt cát” lấp lánh sắc màu. Đây, cái cận cảnh tình tự giữa hai người góa vợ, góa chồng sau cơn ân ái dưới ngòi bút NQT: “Cu Ca đang nằm, ngực để trần, hai tay buông thõng và nét mặt mệt mỏi, nhàu úa nhưng đầy hoan hỉ đang nhai chem chép những miếng trứng gà lộn do Chắt Sang cầm cái thìa nhỏ bón cho. Chị va quỳ, phô tấm lưng trần ra phía cửa. Tôi lục tìm sách cũ và tìm thấy, cũng cận cảnh ấy qua ngòi bút Nam Cao: “Hắn [Chí Phèo] nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn… Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao!”. Sự đồng cảm của hai cây bút truyện ngắn thuộc hai thế hệ. Nhưng trong NQT, ngòi bút đã len lỏi vào nhiều thân phận cô đơn trong xã hội. Thưa các bạn, Gió heo may có lay động tâm can bạn? Bạn có nghiêng mình đôi chút lắng nghe tiếng thở dài từ những xóm quê xa lắc, xa lơ ấy vọng về?

Vì không kiếm được nhiều tiền mà người đàn ông bị vợ bỏ theo giai, anh thành tay trắng, nhưng lại mừng vì căn hộ mới của anh từ đó không có đàn bà. Người đàn bà có con với anh chàng Sở Khanh dùng tiền lừa lọc, bị mụ vợ cũ anh ta đuổi ra khỏi nhà cùng đứa con thơ, không thể nào xua đi nỗi sợ hãi lòng dạ đàn ông. NQT đã cho hai con người khốn khổ ấy tình cờ gặp nhau trong Người đàn bà đợi ở bến xe. Toản, người đàn ông, đã đón người đàn bà bất hạnh cùng đứa con mới lọt lòng về căn hộ đơn sơ của mình, tận tụy với chức phận người chồng, người cha. Người đàn bà, một cô giáo trẻ, khá xinh, người có học, tạm quên đi nỗi hãi đàn ông, tự nguyện làm chu đáo chức phận người vợ, người mẹ trẻ. Vì nỗi sợ hãi lòng dạ đàn ông hay vì lòng tự trọng, cô giáo bế con trở về quê, để lại nỗi cô đơn cho Toản. Nhưng, hơn mười ngày ngắn ngủi ấy đã hâm nóng lại tình yêu trong Toản. Về lại với anh, cái cảm nhận, đã lâu lắm, lần đầu tiên anh thấy thiếu một người đàn bà. Cả hai con người bất hạnh ấy đều không vì nỗi đau riêng của mình mà căm ghét người khác giới. Họ chỉ sợ hãi thôi, không thù hận. Sợ hãi thì có lúc sẽ quên đi. Chẳng qua, nỗi bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân đầu đời là do Trời xui khiến, họ đã vội vàng chọn lầm người! Đọc hết dòng cuối câu chuyện, tôi cứ ước ao, Toản sẽ cất công đi tìm và tìm được cô giáo trẻ ấy. Để trong căn hộ của Toản không thấy thiếu đàn bà nữa và cô giáo trẻ tươi tắn, vứt bỏ được nỗi sợ hãi lòng dạ đàn ông. NQT muốn gửi chúng ta lời nhắn: “Đừng tuyệt vọng, ai ơi, đừng tuyệt vọng”!

Gói ghém trong gần hai mươi trang in, Vũ điệu cái bô dẫn tôi đi qua đủ mọi cung bậc tình cảm. Mỉm cười, cười rũ ra thành tiếng, buồn thương, chua chát, xót xa và căm giận. Người ta hay nói: cười ra nước mắt là thế! Số phận con người trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, cái thời “ngồi nhầm chỗ” trong xã hội. Một Phó tiến sĩ không việc làm, bị ngồi vào chân giữ trẻ; một giáo viên cấp II ngồi vào ghế chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh. Cái thời sản sinh những nhân vật lố lăng: một người đàn bà nhiều tiền, vô công rồi nghề, đi tìm một “anh bồ” vừa có học vừa có sức khỏe để thỏa mãn tối đa thói dâm đãng của thị; một anh tư sản mới nổi nhờ quan hệ, khoác lác, huênh hoang... một anh xe xích-lô “xứng đôi vừa lứa” với nhu cầu đêm đêm của bà chủ. Câu chuyện không lắt léo nhưng đầy chi tiết bi hài, NQT muốn cảnh báo và dự báo nhiều điều. Những cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền phi nghĩa, chất xám bị coi rẻ… Một xã hội như thế, có một lớp cha, anh như thế, thằng Cu-con bà chủ (và cả một lớp trẻ con như Cu) lớn lên sẽ ra sao?

*****

Thật là hữu lý, khi Rosemary Nguyễn và Mạnh Chương chọn dịch sang tiếng Anh năm truyện ngắn này. Năm trong số hàng chục truyện đã ấn hành của Nhà văn là quá ít. Nhưng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”; năm hạt cát đó đã lấp lánh phong cách nghệ thuật viết truyện của NQT. Dung lượng ngắn và vừa, đan chen hiện tại và quá khứ, mạch truyện chảy nhanh, mỗi truyện là một lát cắt phơi bày một mảng hiện thực đời sống xã hội; một mảng thôi mà đôi khi lại thấy cả một khoảng rộng. Điều tâm đắc là NQT không dừng ở bề nổi, ông đi đến tận cùng tâm trạng. Sự chuyển hóa tâm tưởng của Hương trong Thanh minh là thế. Thiếu nữ mới 14 tuổi đã say mê Giăng Van Giăng, đã tìm đọc Đỏ và Đen… tưởng như sẽ nhận biết chân giá trị của sự bình đẳng, tự do. Nhưng, sự an phận của người bố, sự tủi cực phải làm kiếp “nhân dân” của mẹ đã buộc cô tuân theo thời cuộc, tự hạ thấp mình. Không chỉ Kiểm, mà cả chúng ta không khỏi đau xót khi Hương nói với Kiểm: “Anh lo cho em một chỗ làm cơ quan. Chẳng lẽ em cứ nhân dân mãi thế này sao? Chi phí bao nhiêu em chịu. Hương nhìn tôi [Kiểm], nháy mắt, vê vê hai ngón tay rồi cười nịnh. Trong Vũ điệu cái bô lại là điều ngược lại. Tiền, sự chiều chuộng, nịnh hót và tất cả mánh lới của người đàn bà nhiều tiền, dâm đãng đã không ve vãn được Hảo, không lay đổ được cái chất hàn sĩ trong anh. Bởi vì, có rất nhiều hạng The Man - Người đàn ông. Không thể đánh đồng một The Man - Phó tiến sĩ với một The Man - xe xích lô!

Truyện ngắn nào của NQT cũng có nút thắt. Phải chăng, trong Thanh minh là ý nghĩ của Kiểm trong nước mắt “Lâu đài của mộng tưởng quá khứ và cả tương lai nữa đổ sụp (mộng tưởng tự do, bình đẳng). Trong Gió heo may là sự biến đi đột ngột của xơ Gian; xơ đi đâu, không ai biết. Xơ trốn ở một nơi không có cơn gió heo may kia thổi qua vào ngày tháng Mười hàng năm hay xơ tìm cách tự cứu? Gió thổi bay tờ đơn nặc danh Huấn dùng hạ bệ thầy cũ để leo lên trong Chân dung; cảm giác bàng hoàng của Toản trong căn phòng trống khi người mẹ trẻ cùng đứa con thơ anh cưu mang đột ngột bỏ đi trong Người đàn bà đợi ở bến xe; câu Hảo bảo bà giúp việc cho cô chủ: “Ơ-rê-ka! Cô chủ đã tìm thấy!” trong Vũ điệu cái bô. Nút thắt nào cũng ghim vào lòng người đọc dư vị đắng cay, đau xót, buồn thương hay mai mỉa!

Văn phong NQT hài hước, trào lộng, đôi khi rất dữ dội. Cái chi tiết anh Cu Sang trong cơn say vừa chửi vừa chặt phăng ngón tay út của mình quẳng vào nồi (cháo), sau đó bắt vợ ăn bằng hết hai bát cháo và miếng thịt trong Gió heo may quả là đáng sợ. Có thể lọc ra nhiều chi tiết như thế. Nhưng xen vào những đoạn dữ dội là những trang lãng mạn, trữ tình. Ví như, chị Cu Sang, “chính đêm trước hôm anh chồng [say rượu] súc miệng làm văng chiếc răng sâu, chị đã dùng lưỡi mình lung lay cái răng vốn đã như cóc gặm và thường làm anh chồng mất ăn mất ngủ hàng tuần trăng liền. Anh bỗng trở nên dịu dàng hơn trong cơn ân ái, cái lưỡi chị làm anh đã ngứa và hết nhức răng, anh thừ ra như con trâu được kỳ cọ bằng thứ con cúi rơm lúc tắm dưới suối. Trong cả năm truyện, truyện nào người đọc cũng bắt gặp những trang làm nao lòng người, làm dịu đi cơn bức bối. Những sắc màu tương phản đến lạ lùng. Sau bữa trưa no nê bà chủ đãi người tình và Hảo, “Hảo trở về cái đi văng. Thằng Cu đã ngủ, cạnh nó là một cái bô đầy. Anh múa tiếp điệu vũ của mình rồi nằm xuống cạnh nó. Tiếng nhạc êm dịu lọt qua bức trần xuống tai anh. Đó là những bài hát tiền chiến rất quen thuộc. Anh nhớ mẹ lạ lùng… Anh nhớ mẹ cũng giàu, cũng sang trọng, sang trọng cả lúc không còn giàu nữa. Cả trong những ngày chiến tranh liên miên… Miếng vườn cả nhà vỡ hoang ven bờ suối dưới sự chỉ huy của mẹ, tiếng vo gạo buổi sáng, nước gạo chảy men bờ như sữa. Chim họa mi hót sau mấy cây ổi mẹ trồng, con rắn mai gầm lâu lâu lại xuất hiện, chạy qua sân rồi biến mất trong đám hương nhu, làm thành một sự kiện trọng đại. (Vũ điệu cái bô). Rất nhiều trang văn đẹp như thế. Để làm nên phong cách đa dạng, phong cách Nguyễn Quang Thân, trào lộng - trữ tình - lắng sâu.

Tôi gửi tặng hai người bạn thân, một Việt, một Úc Tuyển tập truyện ngắn NQT. Người bạn Việt gọi về, phán một câu ngắn: Cuốn sách đáng đọc! Anh bạn Úc, biết tiếng Việt, khen nức nở tài chuyển ngữ. Tôi thầm cám ơn Nguyễn Quang Thân, Rosemary Nguyễn, Mạnh Chương, hai Nhà Xuất bản. Vì lẽ, tôi đã có cớ để nói với những người ngoài ấy rằng, dòng văn chương Việt đích thực vẫn đang chảy, nhất là những dòng chảy ngầm! Và, mong sao hai Nhà Xuất bản Văn hóa Sài Gòn, FIRST NEWS tái bản Tập truyện ngắn này, đồng thời chọn dịch thêm nhiều tác phẩm của NQT và một số nhà văn khác, những tác phẩm đáng đọc!

Sài Gòn, tháng 8/2011

Ghi chú:

(1) Tham vọng của truyện ngắn (The Ambition of the Short Story) - Hoàng Ngọc Tuấn dịch, http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=9202 

(2) Những chữ in nghiêng rút từ nguyên bản GNĐBD.