Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Thriller Bờ Bên Kia

Lưu Thủy Hương

Chương 6: Phần độc

Moni là một người đàn bà cô độc, sắc sảo và kỳ dị.

Năm tôi mười bốn tuổi, cha nuôi tôi rời bỏ ngôi nhà màu tím bên bờ hồ, để theo một người đàn bà khác, trẻ hơn Moni hai mươi tuổi. Tôi đưa cha nuôi ra nhà ga, lặng lẽ ngồi bên người đàn ông chải chuốt, nặng mùi deodorant lẫn mùi aftershave. Ông ấy vừa xem đồng hồ vừa lắc đầu thương cảm:

"Robert, mày phải rời khỏi căn nhà đó, trước khi mụ ta biến mày thằng một thằng điên loạn."

Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông ấy. Tôi đứng nhìn theo đoàn tàu cho đến khi nó khuất bóng sau những hàng cây đoạn. Một thằng con trai mười bốn tuổi không có nhiều sự lựa chọn. Tôi không sợ căn nhà của Moni, tôi chỉ sợ nhà thương tâm thần, nơi Moni sẽ tống cổ tôi vào. Bà ấy có thừa khả năng, thừa quyền lực để làm chuyện đó. Tôi như con muỗi nằm giữa hai lòng bàn tay của Moni. Và tôi quyết định sẽ không để bàn tay ấy nghiền nát mình.

Tôi thường lẻn vào phòng làm việc của Moni, những khi bà ấy vắng nhà. Tôi tìm đọc hồ sơ bệnh án của mình, lần mò tìm về quá khứ và chui sâu vào thế giới nội tâm kỳ bí của một thằng người. Đó gần như là một cuốn nhật ký với những mốc thời gian đánh dấu cuộc đời tôi. Robert - ngày sinh nhật thứ bảy. Robert - những ngày nghỉ hè ở Na Uy. Robert - học bạ cuối năm… và kèm theo rất nhiều những câu hỏi kỳ dị. Moni để nó trong ngăn kéo thứ ba, góc bên phải bàn làm việc. Ngăn kéo này thường không khoá. Tôi đọc nó trong những buổi chiều lẻ loi, trong sự tò mò sợ hãi và trong nỗi đau đớn vô tận phải nhìn nhận tâm hồn thương tật của mình. Nhưng rồi cuốn tài liệu đột ngột biến mất, những cố gắng tìm kiếm của tôi đều vô ích. Có lẽ Moni đã giấu nó đi. Có lẽ bà ấy đã biết. Điều đó đẩy tôi vào chỗ hoảng sợ và cố tìm cách tự vệ. Tôi tập đối phó với Moni, tập giấu kín suy nghĩ của mình và tự hoàn thiện lớp vỏ bên ngoài. Một đứa trẻ mẫu mực, một học sinh xuất xắc của trường trung học Pháp Romain-Rolland, một đứa con ngoan ngoãn trong gia đình nề nếp, một cầu thủ đá banh chăm chỉ trong đội tuyển thiếu niên. Tôi xa lánh thằng Ahmed, xa lánh khu Wedding bẩn thỉu với những buổi chiều uể oải trôi đi trên con phố nồng nặc mùi thức ăn hành tỏi. Tôi thu mình lại, thận trọng dò dẫm né tránh những chiếc bẫy và những sợi dây trói vô hình của Moni. Sự cố gắng quá mức, cuộc sống dưới nhiều khuôn mặt làm tôi mệt mỏi và căng thẳng khủng khiếp. Nhưng nó như một trò chơi, đã bắt đầu rồi thì không dừng lại được.

Ở tuổi mười bốn, tôi bắt đầu đọc những loại sách nghiên cứu tâm lý của Moni. Bà ấy luôn để những cuốn sách đọc dở chừng trên bàn làm việc, như mời gọi. Nếu buổi sáng Moni đọc Sidmund Freud, buổi chiều tôi sẽ lần mò đọc Psychoanalyse. Nếu tuần này Moni đọc Jean Deley, tuần sau tôi sẽ vật vã với Les maladies de la mémoire. Tôi lần mò bước chân vào thế giới của bệnh tâm thần và bệnh ký ức, bị giam hãm trong chốn ngục tù tăm tối đó, chỉ điên loạn hơn chứ không thoát đi đâu được. Tôi đọc sách để đối phó với Moni. Bà ấy đọc sách để tìm cách xâm nhập vào phần vô thức của tôi. Hai kẻ sống âm thầm lặng lẽ dưới một mái nhà, chờn vờn, chạy trốn và đuổi bắt lẫn nhau. Đó là cuộc đối đầu không cân sức, giữa một đứa con trai mười bốn tuổi và một bác sĩ tâm thần đầy kinh nghiệm. Tôi vùng vẫy để thoát khỏi số mệnh nghiệt ngã của mình. Moni lặng lẽ thực hiện luận án nghiên cứu phân tâm học. Những sự kháng cự và đào thoát của tôi đều nằm trong tầm kiểm soát và chủ ý của bà ấy.

Chỉ có một điều mà Moni không ngờ đến, tôi trưởng thành và bà ấy già đi.

Tôi sống cùng Moni trong căn nhà màu tím bên bờ hồ Wannsee. Căn nhà có những bức tường vôi tím, mái nhà cũng bằng ngói tím. Vườn hoa quanh nhà cũng toàn những loài hoa màu tím. Moni nói, hoa tím mang hương thơm kỳ ảo hơn tất cả những loài hoa màu khác. Ngọt ngào mê muội như thanh vũ, hương thạch trúc. Hay mang chất độc mê cuồng như gia tử, dạ yên thảo? Tôi không rõ, cứ để mặc hồn mình trôi đi lãng đãng trong những buổi chiều sương tím mộng mị. Màu tím lẫn vào bóng tà dương trên mặt hồ buồn bã mông lung. Màu tím làm cho hồn người yếu đuối và những cảm xúc trở nên nhạt nhoà. Màu của hy vọng và thất vọng, của mơ hồ hiện hữu và thăm thẳm mất mát.

Phía sau nhà, cánh đồng tiểu thục quỳ hoang dại tím mênh mang đến tận bờ dốc. Tôi thường đi theo con đường mòn xuyên qua cánh đồng hoa tím. Cuối bờ dốc sụp lở, những bậc cầu thang bằng gỗ chênh vênh dẫn xuống hồ. Có hai mươi bốn bậc cầu thang cũ kỹ, gần như mục nát. Tấm gỗ cuối cùng bị nước xói mòn còn trơ hai dùi sắt nhọn. Moni không muốn kêu thợ tu sửa lại cầu thang xuống hồ, vì chẳng ai cần đến nó. Nhờ vậy mà xác của Moni còn có chỗ mắc vào, để không phải trôi đi lênh đênh trên mặt hồ thênh thang. Một ngày mùa thu, tấm áo khoác Moni bị mắc vào cây dùi sắt ở bậc thang cuối cùng.

Cửa sổ phòng ngủ của tôi thông ra mặt hồ bao la. Gió mang theo hơi nước, mang theo mùi bùn đọng lau sậy thối rữa, mùi động vật hoang dã. Gió mang tiếng kêu oàm oạp của đàn ễnh ương, tiếng những con vịt trời ngoang ngoác gọi bầy, tiếng đập cánh bay lên của những con thiên nga mạnh mẽ… Ở bên ngoài kia là một thế giới khác, đầy đam mê và bất trắc. Tôi thu người lại, khao khát được trốn vào một nơi bình yên nào đó, chỉ có riêng mình. Trong bóng đêm, tôi nằm thao thức, sợ hãi lắng nghe từng tiếng động nhỏ nhặt mơ hồ của căn phòng bên dưới. Tiếng trở mình của Moni, tiếng thở đứt quãng mệt nhọc, tiếng nghiến răng ken két… tiếng chân dọ dẫm đi trên hành lang, trong bóng tối. Cả tôi và bà ấy không bao giờ mở đèn trong đêm, ánh sáng bất chợt oà đến làm người ta rơi vào nỗi sợ hãi trần truồng. Cả tôi và bà ấy đều cần bóng đêm để náu mình vào trong đó, để thủ thế và rình rập nhau.

Bóng đêm là đồng loã. Khi tiếng ngáy của Moni kéo từng tràng dài trong phòng ngủ thì cái bóng khô cứng của bà ấy lượn lờ trong khu vườn hương thuỷ thảo. Mùi hương thuỷ thảo ngọt như vanille bay vật vờ, bay vào tận phòng ngủ làm tôi hoang mang. Cái gì là thật, cái gì là giả? Tiếng ngáy, cái bóng? Mùi tử đinh hương giữa mùa đông? Tất cả những thứ kỳ quái này đều là sản phẩm điên loạn của Moni.

Tôi sắp hoá điên. Có những lúc, tôi ngỡ mình sẽ phá tung tất cả những mối ràng buộc để được sống theo bản năng. Một buổi chiều đầu hè, tôi lấy con dao cắt cà chua trong bếp. Con dao thứ tám trong bộ dao bếp của Moni treo trên tường. Tôi gói nó bằng giấy bạc, lận vào túi quần và bơi ra hồ.

Nước trên hồ xanh như ngọc thạch và trong trẻo lạ thường. Tôi thấy những cái rễ cây dài ngoằng vươn ra kỳ dị trong lòng nước như những chiếc vòi bạch tuột. Những con cá nhỏ nấp trong khẽ lá mục gương mắt nghi ngại nhìn tôi. Những cánh đồng cỏ xanh mượt đong đưa dưới sóng nước. Khi tôi đặt bàn chân mình xuống đáy hồ, những ảo ảnh vụt biến mất, chỉ còn bùn đen tanh tưởi.

Đó là một cù lao nhỏ nổi giữa hồ, đang vào mùa ấp trứng của ngỗng trời và thiên nga. Tôi bám vào những nhành cây dại bò lên mặt đất. Không cần mất nhiều thời gian, tôi tìm được một ổ thiên nga làm bằng cành khô và cỏ sậy. Một đám bùi nhùi héo úa hiện lên giữa những lùm cây xanh như một túp lều cỏ thô vụng. Con thiên nga mẹ nằm ngủ gật trong đó. Nó trắng trẻo và xinh đẹp lạ lùng. Bộ ngực căng tròn ưỡn ra kiêu hãnh. Hình ảnh đẹp đẽ mềm mại đầy nữ tính đó làm tim tôi thắt lại. Tôi rút con dao nhọn ra khỏi túi, lần mò tiến về phía nó. Bàn chân tôi đạp lên những gốc sậy, những gò đất mấp mô. Một tiếng động nhỏ cũng làm tôi sợ hãi. Tôi đứng sững lại, cảm giác yếu mềm bỗng tràn ngập trong lòng, và tôi chỉ muốn quay lui. Bàn chân tôi đạp lên nhành cây khô, tiếng „rắc“ đanh gọn làm cả hai cùng giật mình. Cặp mắt đen của con thiên nga tròn xoe kinh ngạc. Tôi run rẩy hạ con dao xuống, đau đớn kêu lên một tiếng vô nghĩa. Hình như tiếng kêu đó đã tố cáo sự thật, nó làm con vật thức tỉnh và giận dữ. Con thiên nga nhảy bổ vào tấn công tôi. Trong một phút chốc kỳ lạ, con thiên nga xinh đẹp mềm mại đó đã biến thành một con quái vật hung ác và mạnh mẽ. Cặp mỏ cứng của nó như chiếc dùi sắt, mổ vào bắp chân tôi đau nhói. Tôi cuống cuồng bỏ chạy, con quái vật đuổi theo sau, mổ liên tục vào mông, vào lưng, vào bắp đùi tôi. Tôi đau đớn gào lên, nó cũng giận dữ rít lên. Nó đuổi tôi chạy vòng vòng trên cái cù lao nhỏ xíu. Chỉ cần tôi nhảy xuống nước là tôi sẽ trở thành nạn nhân của nó. Con vật độc ác sẽ chẳng chần chờ gì mà không mổ mù mắt đối thủ. Tôi tuyệt vọng xông vào tổ nó. Cái trứng tròn không tự vệ nằm trơ trọi trên đám cỏ khô. Tôi chụp lấy cái trứng. Con thiên nga rít lên thất thanh, nó phóng lên định mổ xuống đầu tôi. Không kịp suy nghĩ, tôi thảy luôn quả trứng còn nóng hổi xuống hồ. Con thiên nga mẹ cất lên tiếng kêu khàn khàn kinh hãi. Nó ngước mắt nhìn tôi lần cuối, đầy oán hận. Cái bóng trắng hớt hải phóng xuống hồ, chìm lỉm trong làn nước. Tôi cũng cuống cuồng nhảy xuống nước, tay chân tôi đập liên hồi. Tôi bơi trối chết vào bờ. Chỉ cần chậm trễ giây lát, tôi sẽ thành nạn nhân của con vật đang điên cuồng phẫn uất kia. Khi bàn tay tôi bám được vào thanh dùi sắt ở bậc cầu thang, một chiếc bóng đen hiện ra bên trên. Tôi ngước lên nhìn. Đó là Moni.

Bà ta không hỏi tôi làm gì ngoài cù lao, nhưng ánh mắt sắc lạnh của bà ấy như xuyên qua đầu tôi, rạch ngang dọc những đường đi trong đó. Tôi sợ hãi ôm đầu chạy thẳng về nhà. Những vết thương phía sau do con thiên nga gây ra làm tôi đau đớn khôn tả. Tôi bỏ bữa ăn chiều, nằm xấp cả đêm trên giường, không sao ngủ được. Những tiếng kêu đau thương từ ngoài hồ vọng đến làm tôi khổ sở day dứt. Tôi nghĩ đến cái trứng thiên nga, cái trứng tròn trịa trắng trẻo chứa đựng một mầm sống. Khi tôi cầm nó trên tay, nó vẫn còn nóng hổi. Có lẽ, con chim nhỏ đã gần đến ngày chui ra khỏi trứng. Đáng lẽ, nó có quyền mở mắt nhìn thấy cuộc sống, có quyền lớn lên và trở thành một con thiên nga mạnh mẽ xinh đẹp. Tôi không hề có ý định giết hại ai, tôi chỉ muốn làm một thử nghiệm để phủ nhận bản năng thú vật của mình. Tôi sẽ không bao giờ có đủ can đảm đâm con dao vào con thiên nga trắng trẻo xinh đẹp đó. Nhưng nó đã đột ngột biến thành con quái vật, dồn ép tôi vào chỗ phải hành xử độc ác. Tại sao cuộc đời cứ dồn đẩy tôi vào chỗ không còn lối thoát. Tôi là con muỗi trong lòng bàn tay của số phận. Tôi úp mặt lên gối, cố nén tiếng khóc nức nở. Tiếng ngáy của Moni từ tầng dưới vọng lên, nhưng tôi không còn tin vào những âm thanh đó. Có khi, bà ấy đang đứng ngay trước cửa phòng tôi, rình rập trong bóng tối.

Tôi cố nhắm mắt lại, hình ảnh Moni lại hiện ra trên con đường hoang vắng. Chưa bao giờ tôi thấy Moni đi theo con đường nhỏ đó ra hồ. Bà ta tìm gì ở đó? Tôi bỗng rùng mình. Con dao cắt cà chua treo trên tường bếp đã bị tôi đánh mất ngoài cù lao.

Hai ngày sau, con dao răng cưa lại xuất hiện, nó nằm ngay ngắn ở vị trí thứ tám. Tôi cầm nó lên săm soi mãi mà không sao biết được, đó là con dao mới mua hay đó chính là con dao đã bị tôi đánh mất ngoài hồ.

Ở tuổi mười sáu, tôi không phát triển thành một người đàn ông. Tôi biến thành con sói đực tinh ranh núp dưới lốt vỏ hoàn hảo. Ánh mắt kỳ dị của Moni lùng sục bám theo tôi, từng giây, từng lúc, làm tôi nghẹn thở. Bọn con gái trong trường hoá điên vì tôi. Thằng con trai cao lớn đẹp đẽ hiện ra trong gương, nhưng cặp mắt gã làm tôi sợ hãi. Cặp mắt trong suốt như thuỷ tinh, lạnh lẽo vô hồn. Tôi lôi những đứa con gái ngu ngốc lên giường, chà đạp rồi bỏ rơi chúng. Tôi lao vào những cuộc tình ngắn ngủi để giải thoát phần bản năng bị ức chế. Sự tàn nhẫn thô bỉ đó càng làm cho vòng hào quang vây quanh tôi thêm sáng lạng. Tôi có hàng tá nhân tình, bạn học và mẹ của bạn học.

Mùa hè tuổi mười sáu nóng bức lạ kỳ. Tôi thường cởi bỏ hết áo quần chạy băng băng qua đồng tiểu thục quỳ, lao mình xuống dòng nước mát. Trong những phút giây ngắn ngủi đó, tôi đào thoát khỏi thế giới điên loạn để trở về với con người hoang sơ nguyên thuỷ của mình. Cảm giác trần truồng giữa thiên nhiên đôi lúc thoát tục và siêu thực đến độ tôi tưởng mình sắp biến thành loài cây cỏ hiền lành. Tôi thường nằm dài trên bờ hồ, để nguyên thân hình đẫm ướt bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời, rồi lững thững đi về nhà. Những lúc như vậy, tôi chỉ là một đứa trẻ không tự vệ. Và, Moni biết điều đó, bà ấy biết tất cả.

Moni đứng đợi tôi bên con đường hoang vắng. Tấm áo tím mềm mại lẫn vào những cụm hoa tím. Tôi thanh thản đi vào vòng tay bà ấy, để cho bàn tay gầy guộc run rẩy vuốt ve thân thể mình. Moni lau tóc cho tôi, phủi những hạt cát bám trên lưng tôi. Khi ấy tôi chỉ muốn làm một đứa trẻ, nhưng con người tàn nhẫn đó lại muốn huỷ diệt sự bình an cuối cùng trong tâm hồn tôi. Hơi thở nóng rẫy của bà ấy phả dọc trên lưng làm tôi ghê tởm. Phòng tuyến cuối cùng của tôi sụp đổ, tôi không đủ sức kháng cự, và tôi cắm đầu bỏ chạy. Suốt mấy tháng liền tôi bỏ nhà ra đi, đi như chạy trốn. Tôi lại tìm đến với thằng Ahmed, chia với nó những buổi chiều trụy lạc say sưa trong khu phố nghèo của người ngoại quốc. Tôi lang thang qua đêm ở mọi nơi, mọi chốn và đến khi trở về, tôi mang bộ mặt bất tri của một con sói hoang què quặt. Tôi đánh mất thế giới hiện tại, chìm ngập vào những ảo ảnh man di thời trung cổ. Thời gian trong căn nhà u muội quay ngược về hơn một ngàn năm đen tối. Chẳng còn gì để giấu giếm và kiềm chế nhau. Moni là kẻ thua cuộc và tôi là kẻ chiến bại. Chúng tôi cùng kéo nhau tuột dốc, cùng rơi vào hố thẳm của tự ngã tối tăm. Bóng đêm là kẻ đồng loã đồi bại, nó chôn giấu bí mật nhơ nhớp của hai kẻ điên loạn trong căn nhà màu tím. Mưa thu mịt mùng. Lá dương thụ vàng rơi lả tả trên mặt hồ. Tan nát, lênh đênh.

Tiếng đàn của Moni khắc khoải tuyệt vọng trôi đi trong những đêm lầm lạc tội lỗi. Tschaikowsky và cái chết. Hồ thiên nga và những lầm lẫn ngộ nhận. Cả bà ấy cũng chối bỏ thế giới này và chạy trốn. Bà ấy trốn vào trong những giấc mơ hồ thiên nga u buồn diễm tuyệt, không lối thoát.

Năm tôi mười tám tuổi, một buổi sáng mùa thu, con chó săn của người câu cá tìm thấy xác của Moni bên bờ hồ. Tấm áo khoác giữ Moni lại bên bậc cầu thang bị nước xói mòn. Con dao cắt cà chua đâm qua ngực trái. Bác sĩ pháp y giám định, thời khắc tử vong vào khoảng hai mươi ba giờ đêm đến một giờ sáng. Tôi có bằng chứng ngoại phạm của Night Club. Thằng Ahmed và hơn hai mươi người Ả Rập khác sẵn sàng làm chứng cho tôi. Đêm đó bọn tôi đều say bét nhè và ngủ lại trong Club.

Cảnh sát đưa tôi đến nhà xác nhận mặt Moni. Con đường hành lang trắng xoá thê lương. Tiếng kéo phermatur trên bao liệm xác ngọt như tiếng dao đâm. Khuôn mặt khắc nghiệt, lạnh lẽo, vô hồn hiện ra giữa lớp vải trắng. Tôi không nhìn vào khuôn mặt chết chóc của người đàn bà, tôi nhìn sững vào khoảng ngực khuất dưới lần vải liệm. Hình ảnh con dao răng cưa cắm giữa vùng ngực trái bỗng hiện ra rõ mồn một làm tôi choáng váng. Bộ ngực lớn, trắng nhão. Tôi thấy cả những vệt máu chảy dài đã khô cứng. Khoảng da quanh mép dao tím bầm, từ đó máu vẫn chậm rãi rỉ ra. Tôi thấy rõ những gì nằm bên dưới lần vải. Điều đó làm tôi kinh hãi. Dường như bà ấy mỉm cười. Tại sao lại cười? Lẽ nào bà ấy không đau đớn? Hay bà ấy vui mừng vì tôi đã đến thăm? Nước mắt tôi trào ra, khuôn mặt Moni chìm giữa sương mù. Căn phòng lạnh lẽo sặc mùi thuốc khử, thuốc xác trùng bỗng chao đảo bồng bềnh. Mùi hương hoa thủy thảo từ đâu lênh đênh tràn vào phòng. Những ngày hè êm ái của tuổi thơ, bàn tay Moni đẩy chiếc đu cho tôi bay lên trời cao. Ngày khai trường đầu tiên, Moni dắt tôi đi trên con đường xao xác lá vàng. Bàn tay tôi nằm trong bàn tay gân guốc của bà ấy. Những buổi tối ngồi bên bàn học với những bài toán cộng trừ, chiếc bóng to lớn của Moni âm thầm phủ kín... Tôi nức nở gục đầu vào vai của một nhân viên cảnh sát nào đó, gần như không còn tự mình đứng vững được. Tôi nghe tiếng mình thì thầm nghẹn ngào. "Vâng, bà ấy là Moni." Người ta dìu tôi ra khỏi căn phòng lạnh toát ghê rợn. Tôi phải trả lời hàng đống câu hỏi của cảnh sát. Những câu hỏi chỉ làm tôi kinh hoảng và đau đớn hơn. Không ai rõ, Moni làm gì ở bờ hồ lúc nửa đêm. Tôi cũng không rõ. Bà ấy tự tìm đến cái chết? Vì sao? Vì tuyệt vọng? Chết để chạy trốn tội lỗi? Chết để tự giải thoát khỏi sự khủng hoảng? Chết vì trượt chân ngã? Chết một cách bí hiểm như Tschaikowski? Chết vì một thí nghiệm điên loạn đi vào vào vô thức? Chết để chứng minh một điều mà cả cuộc đời bà ấy thắc mắc? "Robert, người ta có thể giết người trong giấc mơ."

Không.

Moni không để lại bức thư tuyệt mệnh nào ngoài bản di chúc được ký vào năm tôi mười bốn tuổi. Bà ấy để lại toàn bộ tài sản cho tôi.

Lần đầu tiên, trong căn nhà ma ám, tôi tiến hành cuộc lục xoát quy mô để tìm lại hồ sơ bệnh án của mình. Vô ích. Cảnh sát đã lấy đi tất cả những thứ quan trọng. Nhưng có lẽ, Moni đã tiêu huỷ bộ hồ sơ của tôi trước ngày xảy ra án mạng. Bà ấy là người luôn biết trước mọi chuyện. Nhưng tại sao bà ấy làm như vậy? Để bảo vệ tôi hay để huỷ diệt phần quá khứ của tôi?

Trong một ngăn tủ bí mật ở góc tường, nơi tôi đã ngồi suốt buổi chiều để trốn Moni, tôi tìm thấy lá thư của John Gellert. Lá thư vẫn còn mới, nó được gửi đi từ Freiburg hai tuần trước khi Moni chết. Tôi ngồi đó, lặng lẽ run rẩy trong bóng tối, như bốn năm về trước. Moni giấu bức thư vào đây vì bà ấy biết tôi sẽ mò vào ngách hầm này. Bức thư này Moni dành riêng cho tôi. Để làm gì chứ? Con quái vật nguy hiểm đó còn có một sự thật nào khác nữa? Gã đàn ông độc ác tìm cách gặp lại tôi để làm gì? Cái hẹn đó đã không thể xảy ra, vì Moni chết một tuần trước đó, vì Moni biết rõ sự nguy hiểm khi phải đương đầu với John. Tôi ngồi một mình trong góc tầng hầm, sợ hãi đọc đi đọc lại bức thư ngắn ngủi cộc cằn của John.

Tôi là kẻ bị lãnh án tù cách đây mười ba năm. Bây giờ tôi được thả ra, nhưng tôi mất hết. Thật là bất công. Thằng nhỏ đó đã đến tuổi trưởng thành, nó cần biết sự thật. Đúng không? Hoặc là tôi nói với nó. Hoặc là tôi nói với bà. Hãy lựa chọn đi. Giữa tháng 11 tôi sẽ lên Berlin gặp nó. Tiền vé xe lửa cũng phải tính luôn vô hóa đơn.

Freiburg, 25 tháng 10 1993

GJ

Hình ảnh người đàn ông thô lỗ say sưa lại hiện về trong tâm trí tôi. Gã đàn ông có cú đấm rất mạnh. Cú đấm thường trúng ngay gò má đứa bé năm tuổi, làm nó té nhủi vô góc tường. Hơi thở nồng nặc mùi men rượu của gã thật là tởm lợm khi gã cúi xuống thì thào vào tai tôi. "Thomas. Chính mày đã giết chết mẹ mày. Nhớ chưa? Chính mày."

Tôi ngồi bệt trong góc tối, lặng lẽ khóc.

Gió lùa qua cánh cửa sổ trên cầu thang. Tiếng bản lề sét khô ken két rên rỉ. Tôi nhắm mắt lại, ngỡ như tiếng giày cao gót của Moni đang gõ chậm rãi trên những bậc cầu thang bằng đá. Không gian bỗng mênh mang mùi hương thủy thảo. Gió từ khu vườn hoa tím tràn qua cánh cửa sổ cũ kỹ.

Tôi gục xuống, gọi tên Moni.

Tôi bán căn nhà màu tím của Moni, rời khỏi Berlin. Đi biền biệt. Đi như chạy trốn. Một năm, ba năm, năm năm, mười năm… Paris, Boston, Oslo, Kairo… Mười hai năm sau. Tôi về lại Berlin. Trên con đường mưa phùn mờ mịt từ sân bay Tegel về khách sạn ở Tiergarten, tim tôi thắt lại nghẹn ngào. Vẫn những cánh rừng u buồn thăm thẳm. Dòng sông Spree lặng lẽ trôi dài. Mưa tím ngậm ngùi giăng giăng qua những tháp chuông cũ kỹ. Berlin, ôi Berlin. Tôi yêu thành phố này hơn bất cứ nơi nào tôi đã đi qua. Berlin. Tôi trở về đây để bắt đầu lại cuộc đời đổ vỡ của mình. Một thằng người không quá khứ, không hiện tại, không tương lai và không đàn bà. Tôi căm ghét bọn đàn bà và sợ hãi bộ ngực của họ. Hai khối thịt đó là hình ảnh ghê tởm của cái chết.

Cho đến ngày tôi gặp Vi và yêu cô ấy, quá khứ kinh hoàng bỗng quay ngược về trong những giấc mơ.

Vi và Berlin, nỗi niềm yêu thương của tôi.