Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Con cừu đen

Italo Calvino

Võ Hoàng Minh dịch từ bản tiếng Anh

Italo-CalvinoItalo Calvino, sinh ngày 15 tháng 20 năm 1923 ở Cuba, mất ngày 19 tháng 9 năm 1985 ở Ý. Nhà văn và triết gia Ý, một trong số nhà văn lớn nhất TK 20 của nước Ý. Ông nổi tiếng về bút pháp ngụ ngôn và u-mua. Dịch giả cho biết ông đã gửi truyện ngắn này đến hầu hết các tờ báo văn nghệ trung ương và địa phương nhưng đều bị từ chối. Văn Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm đậm chất “hài đen” này, và mời các bạn đoán xem vì sao nó bị từ chối?

Văn Việt

Có một xứ sở mà tất cả mọi người đều là kẻ trộm.

Ban đêm mọi người rời khỏi nhà với chùm chìa khóa vạn năng và những ngọn đèn có chụp, đi ăn trộm nhà hàng xóm. Trở về lúc bình minh, đẩy cửa vào nhà, họ thấy chính nhà mình đã bị trộm.

Thế là mọi người vui vẻ sống với nhau, không ai mất mát cả, vì người này lấy cắp của người kia, và người kia lại lấy cắp của người khác nữa, cứ thế cho tới lúc người cuối cùng lấy cắp của người thứ nhất. Việc mua bán trong xứ sở này chắc chắn là có liên quan đến sự gian lận về cả phần người mua lẫn người bán. Chính phủ là một tổ chức tội phạm lấy cắp từ các thần dân của nó, và về phần các thần dân thì chỉ quan tâm đến việc lừa gạt chính phủ. Do đó cuộc đời cứ diễn ra suôn sẻ, không ai giàu mà cũng không ai nghèo.

Một hôm, bằng cách nào chúng ta không biết, có một người lương thiện đến sống ở đó. Vào ban đêm, thay vì ra đi với một cái bao và ngọn đèn chao, anh ta lại ở nhà hút thuốc và đọc tiểu thuyết.

Những tên trộm đến, thấy đèn sáng bèn không vào.

Cứ thế tiếp tục một thời gian: rồi họ buộc phải nói với anh ta rằng cho dù anh ta muốn sống mà không làm gì hết, thì đó cũng không phải là lý do để ngăn những người khác làm các việc của họ. Mỗi một đêm anh ở nhà nghĩa là có một gia đình không có gì để ăn ngày hôm sau.

Người lương thiện khó mà phản đối lý do đó. Anh bèn rời nhà vào buổi tối và trở về vào buổi sáng cũng như họ, nhưng anh không ăn trộm. Anh lương thiện, chẳng ai có thể làm gì anh về chuyện đó. Anh đi đến tận cầu và ngắm nước chảy bên dưới. Khi về nhà anh thấy rằng anh đã bị trộm.

Trong không đầy một tuần người lương thiện thấy mình không còn một xu, anh không có gì để ăn và nhà anh trống tuếch. Nhưng sự việc này không phải là vấn đề, vì đó là lỗi của anh; không, vấn đề là hành vi của anh làm rối loạn mọi chuyện khác. Vì anh để cho những người khác lấy trộm mọi thứ anh có mà không trộm gì của bất cứ ai; vì thế luôn luôn có người trở về nhà vào buổi sáng và thấy nhà họ không bị đụng đến: ngôi nhà đáng ra anh sẽ trộm. Dù sao sau một thời gian những người không bị trộm thấy họ giàu hơn những người khác và không muốn ăn trộm nữa. Chuyện còn trở nên tệ hơn nữa: những người đến để ăn trộm nhà của người lương thiện thấy rằng nhà luôn luôn trống tuếch, thế là họ trở nên nghèo. 

Đồng thời, những người đã trở nên giàu lại nhiễm thói quen đi ra cầu hàng đêm để ngắm nước bên dưới. Việc này làm tăng thêm sự lộn xộn vì rằng nhiều người trở nên giàu và nhiều người trở nên nghèo.

Bây giờ, những người giàu thấy rằng nếu họ ra cầu hàng đêm họ sẽ sớm trở nên nghèo. Và họ nghĩ: “Hãy chi tiền cho những người nghèo để họ đi trộm cho mình”. Họ đã ký những hợp đồng, trả lương cố định, trả theo phần trăm: dĩ nhiên họ vẫn là những tên trộm, và họ cố lừa đảo lẫn nhau. Nhưng, khuynh hướng xảy ra là, người giàu thì giàu thêm và người nghèo thì ngày càng nghèo.

Một số người giàu đã giàu đến mức họ không cần ăn trộm hay thuê người khác ăn trộm cho họ để duy trì sự giàu có. Nhưng nếu họ thôi ăn trộm họ sẽ trở nên nghèo vì những người nghèo ăn trộm của họ. Thế là họ chi tiền cho người nghèo nhất trong số người nghèo để bảo vệ tài sản của họ khỏi bị trộm bởi những người nghèo khác, và như thế có nghĩa là cần tổ chức lực lượng cảnh sát và xây dựng những nhà tù.

Vậy là chỉ có vài năm sau khi người lương thiện xuất hiện, người ta không còn nói về sự trộm cắp và bị trộm cắp, mà chỉ nói về người giàu và người nghèo, nhưng tất cả bọn họ vẫn là kẻ trộm.

Người lương thiện duy nhất là người lương thiện từ đầu, và anh đã chết rất sớm, vì đói.

Bản tiếng Anh: https://poetsandpoetry.wordpress.com/2011/08/23/black-sheep-by-italo-calvino/