Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 22)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Khai minh và Lãng mạn (tiếp theo)

Hegel (1770-1831) sinh ở Stuttgart và học ở Tubingen cùng thời với Schelling. Ông kèm dạy ở tư gia một thời gian, sau đi Jena với Schelling vào 1801, ở đấy ông hoàn thành tác phẩm “Hiện tượng học về Tinh thần” (Phenomenology of Mind) 5 năm sau. Trước khi quân Pháp chiến thắng, ông rời Jena và trong vài năm làm biên tập, sau đứng đầu một trường dạy văn phạm ở Nuremberg và viết “Khoa học Lôgíc: (Science of Logic). Năm 1816, Hegel thành Giáo sư ở Heidelberg và hoàn thành “Bách khoa Khoa học Triết học” (Encyclopedia of the Philosophic Sciences) và hai năm sau, ông được phong Giáo sư Triết học ở Berlin, vị trí ông giữ từ đó. Ông khâm phục nước Phổ, và triết lý của ông sau trở thành học thuyết chính thống của quốc gia này.

clip_image002 Hegel

Trước tác của Hegel rất khó đọc trong toàn bộ văn chương triết học. Khó chẳng phải chỉ là những luận đề mà còn là vì phong cách viết lách vụng về của tác giả mà đôi khi dăm ba ẩn dụ tài tình dẫu có cũng không đủ để đẩy lùi những mảng tối khá phổ biến. Để hiểu Hegel, ta nhắc lại sự phân biệt của Kant giữa lý thuyết và thực dụng. Triết lý Hegel nhấn mạnh đến thực dụng ở nghĩa gốc của từ ngữ. Bởi lý do này, ông đặt trọng tâm lên lịch sử và tính cách con người qua lịch sử. Về tính biện chứng, cũng gợi hứng từ Kant, Fichte và Schelling, được minh xác qua những vận hành lịch sử tới lui theo kiểu kéo cưa. Đặc biệt, sự phát triển của triết học tiền-Socrates có vẻ có hình thái này. Nhưng Hegel nâng phương pháp này lên hàng nguyên tắc để giải trình lịch sử. Không chỉ đồng ý với phương pháp biện chứng nhằm tổng hợp những đối cực để đến một giải đáp, Hegel đi xa hơn khi cho rằng lịch sử phải chuyển hành theo qui luật cơ bản đó. Không cần nói nhiều, điều này khả dĩ có được là do ta đi bóp méo một số sự kiện. Nhận ra đường hướng của sự kiện lịch sử là một chuyện, nhưng bảo rằng ta có thể suy diễn ra lịch sử từ một nguyên tắc nào đó là chuyện khác. Ở đây, phê phán của Schelling có thể áp dụng, mặc dầu vấn đề không liên quan gì đến triết lý về tự nhiên.

Biện chứng pháp làm ta liên tưởng đến thế cách hướng Thiện theo Socrates. Mặt này, Hegel gọi đó là Ý thể Tuyệt đối (Absosute Idea). Giống như biện chứng của Socrates hủy triệt những giả định đặc thù để tiến tới điều Thiện, biện chứng Hegel vươn lên Ý thể Tuyệt đối. Quá trình này được giải thích trong trước tác về Lôgíc. Ta phải lưu ý rằng với Hegel, Lôgíc đồng nghĩa với siêu hình học. Dưới dạng ngữ này, những phạm trù quấy trộn với nhau trong vận hành biện chứng giữa chủ đề với phản đề, rồi tổng hợp, theo thế cách Kant đã dùng để thảo luận về những phạm trù phức hợp khởi đi từ những phạm trù đơn nhất. Nhưng từ đó, Hegel kiến tạo một chuỗi dài những phạm trù để tiến tới Ý thể Tuyệt đối, và rồi lại quay ngược lại đi về phạm trù đơn nhất. Hegel cho thế là phương pháp bảo đảm toàn cục những luận cứ có cơ sở. Ý thể Tuyệt đối cuối cùng là thí dụ tối cao của cái đơn nhất, ở đó mọi dị biệt đều biến mất.

Về vận hành của biện chứng pháp đi tới Ý thể Tuyệt đối, giải thích với ngôn ngữ đơn giản nằm ngoài khả năng của Hegel cũng như của nhiều người khác. Ông quay lại một cách thuyết minh về kẻ ngộ ra và người không hiểu Ý thể này qua ví dụ một ông già và một đứa bé cùng cầu kinh. Với đứa bé, kinh cầu chẳng khác tiếng động là mấy, nhưng với ông già thì nó gợi lại những kinh nghiệm suốt một đời.

clip_image004

Nơi sinh của Hegel ở Stuttgard

Biện chứng như vậy là quá trình tiến hành đến điểm cuối, tức Ý thể Tuyệt đối, như là hiện thực độc nhất. Ở điểm này, ta ghi nhận ảnh hưởng của Spinoza. Không có một mảng nào của cái tổng thể lại có một ý nghĩa hiện thực nào. Chỉ khi nó liên kết với tổng thể vũ trụ, nó mới mang ý nghĩa. Đề xuất cuối cùng, và độc nhất, là chỉ Ý thể Tuyệt đối mới có thực. Và chỉ cái tổng thể này mới chân xác (true). Cái gì cục bộ thì trái lại chỉ phản ánh một phần sự chân xác. Như ta thấy, định nghĩa về Ý thể Tuyệt đối như vậy của Hegel khá tối tăm và vô ích. Thật ra điều này đơn giản: Ý thể Tuyệt đối của Hegel là Ý thể có khả năng tự nó tư duy.

Điều vừa phát biểu là một quan điểm siêu hình tương hợp với Thượng Đế của Aristotle, một thực thể xa vời bất khả tri nằm ẩn trong tư duy của chính nó. Trong chừng mực nào đó, nó khiến ta liên tưởng đến Thượng Đế của Spinoza, là một với toàn vũ trụ. Giống Spinoza, Hegel bác bỏ mọi thể hình nhị nguyên. Theo chân Fichte, ông khởi đi từ trí tuệ, và từ đó đề cập đến Ý thể.

Lý thuyết tổng quát về Siêu hình học được Hegel áp dụng vào nghiên cứu lịch sử. Điều này không mấy bất ngờ, vì chính từ lịch sử mà Hegel đã suy ra biện chứng pháp của mình. Nhưng như ta đã bàn, chi tiết những sự kiện đặc thù không thể suy ra từ phương thức tiên nghiệm. Ngoài ra, sự vận hành tiến tới Ý thể Tuyệt đối tạo cơ hội cho những tuyên truyển về chủ nghĩa quốc gia dân tộc, làm như lịch sử đã tiếp cận giai đoạn cuối với Nhà Nước Phổ ở thời Hegel. Đó là kết luận của cuốn “Triết học Lịch sử” (Philosophy of History), nhưng ngày nay, ai cũng thấy nhà biện chứng vĩ đại của chúng ta hơi quá vội vã suy diễn ra như vậy.

Với những luận điểm nói trên, Hegel biện hộ cho một Nhà Nước được tổ chức trên cơ sở toàn trị (totalitarian). Theo ông, sự triển khai một ‘khí thế’ lịch sử là trách vụ của mọi công dân Đức. Tự do không phải là một khái niệm tiêu cực mà phải ràng buộc nó vào những qui cách Đạo đức, điều chúng ta có thể đồng thuận với ông. Nhưng không phải thế mà nơi nào có những qui cách đó thì nơi đó có tự do, như ông có vẻ tin như vậy. Bởi nếu thế, tự do rốt cuộc đồng nghĩa với “sự tuân thủ luật lệ” (‘obedience to law’), điều nghịch lý cho những người bình thường. Đồng thời, ta cũng nên tìm hiểu thêm khái niệm tự do của Hegel. Kẻ nào đâm đầu vào tường vì không muốn rằng gạch đá cứng hơn sọ người có thể coi như người có nhiệt tình nhưng không phải là người tự do. Tự do phải tương hợp với thế giới như nó là, chứ không phải thế giới ta mang ảo tưởng như nó phải là, một tư duy xưa cũ đã được Heraclitus đề cập. Khi tiếp cận những luật lệ đặc biệt của nước Phổ, không thấy chúng phát xuất từ một Lôgíc cần thiết nào. Để xiển dương chúng như Hegel đã làm, chỉ có cách là khuyến dụ những công dân hãy nhắm mắt tin vào mệnh lệnh của Nhà Nước. Trớ trêu, tự do của họ như vậy là sự tự do vâng lời.

Biện chứng pháp được khai triển từ sự tương tác những lực đối kháng nhau quan sát được trong lịch sử. Giống như Heraclitus, Hegel đánh giá cao những xung đột. Ông đi quá đà đến độ cho rằng chiến tranh về mặt đạo đức còn cao hơn hòa bình. Nếu một quốc gia không có kẻ thù, nó sẽ yếu đi và suy đồi. Có lẽ Hegel nhớ đến câu châm ngôn của Heraclitus rằng chiến tranh là cha đẻ tất cả. Ông bác bỏ chủ trương của Kant về tổ chức một Liên bang Quốc tế và chống lại Liên minh Thần thánh[1] (Holy Alliance) sau Đại Hội Vienna. Bởi cách nhìn một chiều về lịch sử chính trị, Hegel không nhận định với tầm bao quát như Vico về sự quan trọng của khoa học và nghệ thuật. Ông khá hẹp hòi khi đi đến kết luận rằng kẻ thù bên ngoài là điều kiện sinh tồn cho tinh thần quốc gia. Nếu ta có một cái nhìn thoáng đạt hơn, có nhiều điều khác cho phép những công dân thích bạo hành trong một xã hội có thể thoả mãn thú tính một cách ít tai hại hơn là chiến tranh. Mọi tranh chấp giữa những quốc gia chỉ giải quyết được bằng chiến tranh là hệ quả của giả thiết rằng công ước quốc tế bất khả, và cách độc nhất đi đến một giải pháp là qua quyền lực. Về điểm này, Kant có cái nhìn sâu sắc hơn Hegel. Ở thời đại chúng ta, sự tàn phá của chiến tranh khá khủng khiếp, và hy vọng rằng sự tàn bạo của nó đủ để cảnh báo những người mê muội biện chứng pháp Hegel.

Thật mà nói, học thuyết Hegel về chính trị và lịch sử không tương thích với Lôgíc của ông. Quá trình biện chứng ông đề xuất không đi đến cái Một bất khả chia cắt của Parmenides, hoặc là Thiên Nhiên hay Thượng Đế theo Spinoza, mà cá nhân hòa nhập vào và trở thành yếu tố đồng hóa. Trái lại, Hegel tư duy theo thế cách một tổng thể hữu cơ (organic whole), khái niệm về sau ảnh hưởng mạnh tới triết gia Dewey. Thực thể (being) là bộ phận hữu cơ của một tổng thể qua đó cá nhân thủ đắc được hiện thực của mình. Từ đó ta tuởng rằng Hegel đề xuất nhiều cơ quan chức năng trong một Nhà Nước, nhưng không, Nhà Nước thâu tóm mọi quyền hành. Như một tín đồ Tin Lành ngoan ngoãn, Hegel tuyên bố là Nhà Nước ở trên Giáo hội, và như vậy bảo đảm được tính quốc gia của tổ chức này. Đối với Giáo hội Roma, bỏ sang một bên mọi quan tâm khác, Hegel chống đối lại sự kiện tiến bộ nhất là thể chế liên quốc gia. Cũng như vậy, mặc dầu nhìn xã hội như một cơ cấu hữu cơ, Hegel không đả động gì đến sự truy tìm một cách độc lập những quyền lợi cá biệt có tổ chức. Còn về giải trí, ông không cho phép. Nhưng tại sao một người sưu tầm tem lại không có thể gia nhập một hội chơi tem để trao đổi với những người cùng sở thích? Và cũng đáng ghi nhận rằng học thuyết Mác-xít chính thống giữ lại khá nhiều quan điểm kiểu này của Hegel. Nếu một hội những người chơi tem không được coi như đang đóng góp vào vinh quang của cách mạng xã hội, những thành viên của hội sẽ bị tước đoạt thú vui này, không kể đến nhiều chuyện khác, chẳng hạn như tội phản cách mạng [2].

Lý thuyết chính trị của Hegel còn bất nhất với Siêu hình học của ông trên một phuơng diện khác. Áp dụng triệt để biện chứng pháp buộc ông phải thấy không có gì cấm cản một tổ chức liên minh đa quốc gia theo như Kant chủ trương. Vì vậy mà Ý niệm Tuyệt đối của Hegel vó vẻ như là Vương quốc Phổ. Kết luận này là điều đáng xấu hổ. Nhiều người lương thiện tin vào chuyện này, điều khó thể chối cãi. Nếu như ai đó tin như vậy để an tâm là một chuyện, nhưng ngây thơ bảo rằng tin như thế chính vì do lý tính là chuyện khác. Với những phát ngôn tương tự, ta có thể biện hộ cho mọi thành kiến và mọi tàn bạo dưới ánh sáng mặt trời[3].

Nay ta quay về chính biện chứng, khái niệm trung tâm của hệ thống Hegel. Ta đã ghi nhận biện chứng gồm ba giai đoạn. Đầu tiên ta có một chủ đề, và ngược lại nó, là phản đề, rồi cuối cùng chúng cấu kết với nhau thành một tổng hợp. Hãy lấy một thí dụ đơn giản. Ta bảo vàng là quí. Phản để: vàng không quí. Tổng hợp có thể có là vàng lúc quí lúc không, tất cả tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu bạn cầm vàng đi trên đường phố Oxford, có người đưa bạn một miếng bánh đòi đổi, vàng tất nhiên quí, nhưng nếu bạn đang lạc trong sa mạc Sahara với một túi vàng trong khi bạn khát nước, vàng chẳng quí báu gì. Như vậy, phải xét đến hoàn cảnh, và dẫu Hegel bác bỏ thí dụ này, nó vẫn chỉ rõ sự tương đối của luận điểm biện chứng. Sau chủ đề và phản đề, tổng hợp có thể rút tỉa, và nó thành một chủ đề mới. Lại có phản đề, và rồi tổng hợp, cứ thế cho đến khi ta đến giới hạn của toàn thể vũ trụ. Điều này có thể hiểu như ý nghĩa toàn túc toàn hảo của sự vật, chỉ hiển lộ qua mọi liên hệ với nó khi sự vật được cấu kết ở toàn bộ, và chỉ khi đó nó mới trụ lại trong thế giới tổng thể.

Có nhiều bình luận đáng nêu ra, thứ nhất là nội hàm lịch sử của biện chứng. Đúng là có nhiều trường hợp mà những yêu cầu đối kháng được giải quyết qua thoả hiệp. Thí dụ, tôi nói tôi không muốn trả thuế. Sỡ thuế dĩ nhiên có yêu cầu ngược lại. Hai bên có thể tiến đến một thỏa hiệp mà mỗi bên đều có phần hài lòng, và thoả hiệp có khả năng đạt được vì những đòi hỏi không mâu thuẫn mà chỉ đối nghịch nhau. Điểm này cần được lý giải. Hai đề xuất mâu thuẫn nếu một cái đúng thì cái kia phải sai. Nhưng khi chúng chỉ đối nghịch, hai đề xuất có thể cùng sai nhưng không thể cùng đúng. Thoả hiệp trong thí dụ nói trên có được là vì người trả thuế và cơ quan thu thuế cùng sai, từ đó mới có giải pháp mỗi bên hưởng (chịu) một phần nào đó. Chính vì tính đối nghịch này mà biện chứng pháp có thể dùng được trong những trường hợp lịch sử có trong hiện thực để đi đến một giải pháp thỏa thuận. Nếu những đối tác không đủ kiên nhẫn, cuộc chơi ắt kịch liệt hơn, kẻ mạnh sẽ thắng và người thua phải chịu trận. Trong trường hợp này, những đòi hỏi đối nghịch có thể trở thành mâu thuẫn, nhưng đây là điều có thể tránh được. Dẫu nhìn nhận có đối nghịch trong thí dụ thuế má ở trên, những kẻ đối đầu không ở cái thế phải hủy triệt đối tác.

Điều thứ nhì, ghi nhận rằng quá trình phát triển tri thức cũng có những điểm tương đồng như trên. Về phương diện này, biện chứng là biểu hiện của vấn và đáp trong những đối thoại của Plato. Đó là phương thức vận hành của trí năng khi phải đối mặt giải quyết một vấn đề nào đó. Đưa ra một đề xuất, nó có thể bị phủ định, và trong quá trình thảo luận đề xuất có thể được điều chỉnh để hoàn tất, hoặc có thể bị bác bỏ toàn bộ nếu lý do phản bác có cơ sở vững vàng. Ở đây, thoả nhượng có hay không là tùy theo những luận cứ thuộc thể loại mâu thuẫn hay đối nghịch. Khi Heraclitus cho rằng mọi sự vật vận hành trong khi Parmenides bảo chúng ù lì, hai đề xuất chỉ đối nghịch. Nhưng nếu ai đó phản bác Heraclitus và chỉ ra rằng thực sự có những vật thể không di chuyển thì hai đề xuất nói trên trở thành mâu thuẫn.

Những thảo luận trên đưa đến một khác biệt mà Hegel không chịu nhận biết. Mâu thuẫn là một cái gì đó có trong diễn ngôn. Một người có thể nói ngược người kia, hoặc một đề xuất mâu thuẫn với một đề xuất khác. Nhưng trong thế giới của những sự kiện, chẳng có gì gọi là mâu thuẫn mà thường là có những khác biệt. Nghèo hèn và sang giầu chẳng hạn. Chúng khác nhau, chứ không mâu thuẩn. Bởi Hegel gắn bó với cách nhìn tâm linh siêu hình, ông đã bỏ qua cách phân biệt ta vừa nói. Trong thế cách này, biện chứng pháp chẳng những là công cụ của lý thuyết tri thức mà còn là phương tiện mô tả thế giới. Nói cách khác, Hegel cho rằng biện chứng pháp chẳng phải chỉ là có chức năng trong tri thức luận mà cả bản thể luận. Từ đó, ông giải trình biện chứng về Thiên nhiên, điều mà Schelling phản bác. Thật quái gở, những cái chẳng có cơ sở như vậy lại được những nhà Mác-xít chấp nhận, ngoại trừ họ thay thế trí tuệ theo Hegel bằng nguyên tắc Duy vật của Lamettrie.

Một định kiến khác của Hegel là sự ưu ái số ba, vì phép biện chứng chia ba ra chủ đề, phản đề và tổng hợp. Vì thế, cái gì chia được, Hegel đều chia 3. Chẳng hạn như trong lịch sử, ông cho là có thế giới Á đông, Hy-La, và dĩ nhiên có Đức. Còn lại, ông bất kể. Điều ông làm, chẳng mấy thuyết phục trong sử học. Tương tự, ông cũng ghi nhận 3 giai đoạn của tinh thần, Đầu tiên, sự vật như nó là, yếu tố của Lôgíc. Sau, tinh thần đi qua giai đoạn tự ly gián (self-estrangement) để trở thành là-cái khác (being-other), giai đoạn được thảo luận trong Triết học về Tự nhiên. Cuối cùng, tinh thần hoàn tất cuộc du hành biện chứng và quay về chính nó, được đề cập trong Triết học Tinh thần. Cách ông đề nghị trái lẽ đến độ những người kính trọng ông cũng chẳng dám nói gì để bảo vệ.

Nhưng sau khi có những nhận định phê phán, ta chớ quên những gì có giá trị trong Triết lý Hegel. Đầu tiên, với biện chứng pháp, Hegel đã diễn giải sâu sắc cách vận hành của trí tuệ, và chỉ ra làm sao nó phát huy và tiến triển. Về mặt tâm lý học của phát triển trí năng, biện chứng cho phép đạt đến những quan sát sắc cạnh. Thứ nhì, Hegel xác nhận lại tầm quan trọng của lịch sử, điều Vico nêu lên trước đó một thế kỷ. Tuy nhiên, phong cách diễn đạt của ông thiếu chuẩn xác, có lẽ vì một khái niệm thơ ca nào đó dính líu với ngôn ngữ ông xử dụng. Khi ông bảo triết học là vấn đề nghiên cứu của lịch sử, ta phải hiểu qua nguyên tắc biện chứng. Ông muốn nói triết lý tăng trưởng theo một vận hành biện chứng, và vì thế nghiên cứu biện chứng đồng nhất với nghiên cứu về lịch sử triết học. Cách diễn ngôn vòng vo này có thể được hiểu đơn giản, là muốn nắm bắt triết học ta phải biết những gì liên quan đến lịch sử triết học. Dẫu có thể bất đồng, nhưng phát biểu như thế không phải là vô nghĩa. Cho rằng ngôn ngữ có một sự thông tuệ riêng có thể còn hơn kẻ sử dụng nó, Hegel dùng sự uyển chuyển của ngôn từ quá nhiều. Quan điểm về ngôn ngữ của ông, thật lạ, cũng gần như quan điểm của những triết gia về ngôn ngữ học ngày nay ở Oxford. Với lịch sử, Hegel cảm thấy Ý thể Tuyệt đối nằm trong tầm tay. Vì thế, ta phải có một hệ thống triết lý được xây dựng sau những biến cố lịch sử. Trong “Triết học Pháp quyền”, ông viết về điều này như “con cú Minerva [4] chỉ cất cánh bay khi bóng tối phủ xuống’’.

Triết lý của Hegel khởi động từ một nguyên lý tổng quát trong lịch sử triết học theo đó không có gì của thế giới có thể nhận định được mà không đặt nó vào những tương quan trong vũ trụ như một tổng thể. Hệ quả tất yếu, tổng thể đó chính là thực tại độc nhất. Quan điểm này đã có từ thời tiền-Socrates. Khi Parmenides phát biểu rằng vũ trụ là một khối cầu bất động, ông hẳn nói điều đó. Tương tự, những triết gia trường phái Pythagoras cũng gợi lên ý này khi cho rằng mọi sự đều là những con số. Gần nhất, Spinoza là đại diện cho cách thế nhìn chỉ tổng thể mới là thực tại tối hậu (ultimate real). Khi những nhà Toán vật lý mày mò đi tìm công thức giải thích toàn bộ vũ trụ theo truyền thống Pythagoras, họ có cùng một quan niệm về tổng thể. Và những tiến bộ vượt bực của Vật lý Newton, kết hợp với công trình của Laplace, cũng cho thêm một thí dụ diển hình về điều này. Tuy nhiên, chằng mấy khó khăn khi ta chứng minh rằng quan niệm Lý Tưởng của một hệ thống phổ quát là khó đứng vững. Nhưng đồng thời, cũng rất nguy hiểm khi ta bài bác mà không hiểu mục đích của hệ thống này là gì.

Một điểm sáng của hệ thống Lý Tưởng nói trên là nó mô tả những khát vọng của khoa học nhằm tìm hiểu ngày một sâu rộng nhận thức về Thiên nhiên. Chương trình khoa học mở ra một tầm bao quát ngày càng rộng nhằm tìm hiểu, liên kết những quan hệ mới được đưa ra ánh sáng nhận thức trong một hệ thống lý thuyết, và trên nguyên tắc không có gì có thể kết thúc sự triển khai này. Hơn thế, lý thuyết không có ngoại lệ, phải phổ quát, đúng sai là hoặc tất cả, hoặc chẳng là gì. Hệ thống theo những triết gia của truyền thống Lý tưởng này là tư duy kiểu Plato về một nền khoa học toàn diện, một thể loại siêu việt như Liebniz từng xiển dương. Đúng là mọi sự liên đới với nhau trong nhiều trường hợp, nhưng bảo vì thế chúng vận hành chuyển đổi thì không. Trên điểm này, ta đã gặp những lầm lẫn. Và cũng sai khi ta cho rằng cái tổng thể nói trên là một sản phẩm hoàn chỉnh, trong khi tính cách đặc thù của nghiên cứu khoa học là không có một giới hạn nào khiến nó cáo chung được. Thế cách của Hegel không tương hợp với sự lạc quan quá lố của khoa học ở thế kỷ 19, thời mọi người tin rằng câu trả lời cho mọi sự việc đã ở ngay khúc quanh trước mặt, một ảo tưởng lẽ ra ta phải được cảnh báo.

Bất cứ gì ta phát biểu trên nền khoa học siêu đẳng, thế giới thuộc nó không là thế giới của chúng ta, và những thế giới khác chẳng có tác động gì lên chúng ta được. Vì thế hệ thống Lý tưởng là một khái niệm giả tạo có thể minh họa qua một thí dụ. Tôi là người có nhiều tín điều, chẳng hạn Cột Nelson cao hơn Điện Buckinghan. Một người môn đồ triết Hegel không tin như vậy và bảo “anh không biết điều anh nói. Muốn nói thế anh phải biết những công trình đó xây dựng bằng vật liệu gì, ai xây chúng, tại sao xây, và cứ những câu hỏi như thế đến vô cùng tận, thậm chí là kết cục anh buộc phải hiểu hết vũ trụ để có thể nói rằng cái Cột Nelson cao hơn Điện Buckingham”. Nhưng như thế tôi phải biết mọi sự trước khi tôi biết một sự, lòng vòng không biết bắt đầu thế nào. Không một ai khiêm nhường bảo mình ngu si đến độ óc rỗng không có gì. Vả lại, điều đó đon giản là nó sai. Và tôi biết Cột Nelson cao hơn Điện Buckingham, nhưng không đòi đó là một thực thể tri thức siêu việt. Sự kiện là ta biết một vài điều nhưng không biết hết mọi sự; hệt như ta biết vài chữ mà không biết tất cả một cuốn từ điển. Với Hegel khác, ông buộc ta biết hết trước khi biết được một vài điều. Người theo phái Duy Nghiệm thì ngược lại, chỉ biết một vài điều, và khi nó không có ý nghĩa thực tế gì thì không cần đi tìm để biết thêm.

Phê phán học thuyết Lôgíc của hệ thống Lý tưởng có hệ quả quan trọng trong Đạo đức. Nếu Lôgic đúng, lý thuyết Đạo đức dựa trên cơ sở Lôgic tất đúng. Ở đây, ta lại mở ra một vấn đề. Về tự do, Hegel và Locke ở hai thái cực đối nghịch. Với Hegel, chủ nghĩa Lý tưởng cho rằng Nhà Nước là tốt, là tất cả, và công dân chẳng là gì khi họ không đóng góp vào sự vinh quang của tổng thể. Với Locke, chủ nghĩa tự do coi Nhà Nước có trách vụ điều hành theo quyền lợi của mọi công dân. Một bên, dễ thấy là Nhà Nước có thể không khoan hoà, thô bạo và chuyên chế. Bên kia thì ngược lại.

clip_image006

Cột Nelson ở Quảng trường Trafalgar, Luân Đôn

Triết thuyết Lý tưởng của Hegel coi thế giới là một hệ thống như đã nói. Mặc dầu đặt trọng tâm lên tinh thần, thế cách tư duy ở ông rất chủ quan và duy ý chí. Hệ thống dựa trên biện chứng sau bị Schelling phê phán. Về mặt triết học, đó là điểm tựa để triết gia Đan Mạch là Soren Kierkegaard phản bác kịch liệt học thuật Hegel. Công trình vị này hoàn thành ít người biết nhưng 50 năm sau thì trở thành gốc cội của Triết lý Hiện Sinh.

Kierkegaard (1813-18555) sinh ở Copenhagen, vào đại học năm 17 tuổi. Cha ông đến thủ đô khi trẻ, chuyển từ nông gia thành thương gia, và rất thành công nên ông không phải lo mưu sinh. Giống cha, ông nhạy cảm, thông minh, và luôn trầm tư suy nghĩ. Năm 1841, ông xong cao học về Thần học. Trong thời gian đó, ông gắn bó với một thiếu nữ nhưng cô nàng không đánh giá cao như ông muốn về sự quan tâm đến Thần học mà ông coi là trách vụ của mình. Ông chia tay sau khi tốt nghiệp, và đi Berlin nơi Schelling giảng dạy. Từ đấy, ông bỏ thời gian vào tư biện Thần học và Triết học, trong khi người yêu xưa đi lấy chồng.

clip_image008

Søren Kierkegaard

Quay về phản bác của Schelling với triết lý Hegel, vị này phân biệt Triết học tích cực và tiêu cực. Triết học tiêu cực quan tâm đến khái niệm, hoặc cái phổ quát, hay tinh yếu theo cách gọi của phái Kinh Viện, và tìm hiểu sự vật là cái gì. Triết học tích cực thì quan tâm sự hiện hữu thường hằng, tức sự vật như chúng là, và cho rằng khởi đi từ những câu hỏi tiêu cực, điểm đến của Triết học là nhận thức những gì tích cực. Nguyên tắc lưỡng cực trong tư duy của Schelling thể hiện một Schelling ‘tiêu cực’ ban đầu, rồi chuyển sang ‘tích cực’ về sau trong công trình học thuật của ông. Phản bác quan trọng của Schelling đối với tư duy Hegel là dẫu bị bế tắc lúng túng trong phần ‘ tiêu cực’, ta vẫn cố suy diễn từ đó thế giới sự kiện. Bắt nguồn từ phản bác này, triết học Hiện sinh sẽ được triển khai sau này.

Phản bác vừa nói thuần Lôgíc. Cũng quan trọng không kém là phản bác dựa trên cảm thức của Kierkegaard. Triết lý Hegel thường khô khan, lý thuyết, rất ít chỗ để cho đam mê và tâm hồn. Điều này thật ra đúng cho cả trào lưu triết lý ở Đức, kể cả trong trước tác của Schelling. Thế cách thời Khai Minh nói chung luôn nhìn xuống và nghi ngại đam mê như nguồn gốc của sai lạc. Kirerkegaard muốn đem cảm quan trở lại một vị thế Triết học xứng đáng. Đi cùng đường với những nhà thơ theo khuynh hướng lãng mạn, ông chống quan điểm nối sự Thiện vào tri thức, và cái Tà (evil) đến từ bất minh. Cắt đứt nguyện vọng (will) khỏi lý tính, trường phái Hiện sinh thể hiện nhu cầu con người hành xử và chọn lựa phát khởi từ ước vọng chứ chẳng phải là chung cục của một tư duy triết lý nào. Điều này cho phép Kirerkegaard nói về niềm tin (faith) một cách giản đơn.

Đôi khi nói về Hiện sinh, người ta bảo hiện tồn có trước, yếu tính đến sau (existence is prior to essence). Cách nói khác, là đầu tiên biết một sự vật có đó, rồi mới hỏi nó là cái gì. Cái khu biệt (particular) trước, rồi sau mới đến sự phổ quát, tức Aristotle rồi đến Plato. Và theo Kirerkegaard ước vọng được đặt trên lý tính, thế giới con người không buộc phải khoa học một cách quá đáng. Khoa học chủ yếu đặt quan tâm trên cái gì (what) là phổ quát nên chỉ có thể với tới một thế giới vật thể ở bên ngoài. Tương phản với điều này là cách thế Tư duy Hiện hữu (existential mode of thinking) nắm bắt những trạng thái từ bên trong. Với con người, Kirerkegaard cho rằng ta sẽ bỏ đi những gì thật quan trọng khi chỉ tiếp cận nó với phương pháp khoa học. Tình cảm và xúc động của con người chỉ có thể hiểu được qua Tư duy Hiện hữu mà thôi.

Lý thuyết Đạo đức quá Duy lý không cho phép con người sắp đặt được cuộc sống theo cách nhìn của Kirerkegaard. Sự đặc thù của hành vi con người không được đánh giá đủ trong những lý thuyết này. Ngoài ra, rất dễ tìm những thí dụ trái ngược với lề luật của chúng. Từ nhận định này, ông cảnh báo chúng ta nên xét lại vai trò và đặt để vào tôn giáo hơn là tuân thủ những lý thuyết Đạo đức Duy lý. Quan điểm này gần với truyền thống theo Augustin trong Tin Lành. Con người theo đó chỉ chịu trách nhiệm trước Thượng Đế, và không để ai can thiệp thay đổi cách thế này. Tôn giáo như vậy thuộc tư duy hiện sinh đến từ bên trong phần hồn. Kirerkegaard là người Công giáo thuần thành, nhưng cách nhìn của ông đương nhiên xung đột với quan điểm khá cứng ngắc của Giáo hội Đan Mạch. Ông phản bác Thần học Duy lý cùng cách thế của những triết gia trong trường phái Kinh Viện. Với ông, Thượng Đế hiện tồn là thuộc phạm trù yếu tính ta có thể nhận thức mà không cần minh chứng.

Phê phán Hegel theo phuơng cách của Kirerkegaard là những luận cứ có giá trị. Tuy nhiên, Triết học Hiện sinh triển khai từ đó còn ít nhiều trục trặc. Qua cách giới hạn phần lý tính, triết học này là mảnh đất nẩy mầm những sự phi lý đôi khi đần độn. Về niềm tin, tuy nhiên, quan điểm Hiện sinh rất đáng tôn trọng. ‘Credo quia absurdum’ [5] nghĩa là ‘tôi tin bởi vì nó phi lý’, thành ngữ được những người tin vào sự hiển thực của Jesus thuộc nằm lòng: nếu ta thực thi niềm tin tôn giáo, ắt ta phải buộc mình vào cái gì đó không mấy bình thường.

Nhưng đánh giá thấp lý tính cũng nguy hiểm không kém gì đưa nó lên cao quá. Hegel cho rằng lý tính quá cao nảy sinh ra quan niệm cực đoan cho rằng nó điểu khiển cả vũ trụ. Kirerkegaard ngược lại, đi đến thái cực đối nghịch, cho rằng lý tính bất khả nhận biết những đặc thù đáng để tìm hiểu. Cách thế này phủ nhận mọi giá trị của khoa học, và tuân thủ nguyên tắc cơ bản của khuynh hướng Lãng mạn. Mặc dầu Kirerkegaard chỉ trích lối sống lãng mạn qua ảnh hưởng ngoại tại, ông vẫn là một người lãng mạn thật chí tình. Nguyên tắc chỉ ra thể loại Tư duy Hiện hữu thật chỉ là một khái niệm lộn xộn đến từ phong trào Lãng Mạn.

Bác bỏ quan niệm của Hegel là không chấp nhận thế giới như một hệ thống. Dẫu Kirerkegaard không đi sâu vào vấn đề này, Tư duy Hiện hữu giả định một lý thuyết gần thực tại hơn về nhận thức so với cách thế Lý tưởng. Một phản bác khác về lý thuyết Hegel đến từ Schopenhauer khi ta quay về tính nhị nguyên nhìn dưới góc độ của Kant.


[1] Là Liên minh thứ 4 giữa Nga, Áo và Phổ năm 1815, ký trong Đại Hội Vienna sau khi Napoleon bại trận. Liên minh cao rao những giá trị Công giáo như hoà bình nhân ái, nhưng thật ra là chống lại khuynh hướng cách mạng ở Âu Châu.

[2] Có lẽ B. Russell muốn nói về xã hội Liên Xô từ thời Stalin (Ng. dịch).

[3] B. Russelll hẳn liên tưởng đến chế độ Đức quốc xã trong thế chiến 2 (Ng. dịch).

[4] Minerva là nữ thần La Mã, được coi như tương tự với nữ thần Hy là Athena, là nữ thần của thơ ca, y học, minh triết… và thường được biểu hiện dưới hình thể siêu phàm một con cú, biểu tượng cho sự gắn bó với minh triết.

[5] Tiếng Latinh, là cách của Công giáo chính thống chống đỡ với quan điểm theo đó hình thể con người của Chúa Jesus chỉ là ảo tượng.