Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Người đồng hương

Truyện

Nguyễn Văn

1.

Ngôi nhà gỗ nằm trên một khu đất hẻo lánh nhìn ra biển, về phía nam của tiểu bang Texas. Lối vào nhà trải bằng nhựa. Mặt đường cũ kỹ đầy những vết tróc lở, lồi lõm. Tiếng bánh xe nghiến rệu rạo trên lớp sỏi thô ráp kéo dài từ lối rẽ vào đến tận cửa. Trước nhà có một cây cọ, phần ngọn xù xì chìa ra vài tàu lá đong đưa, phơ phất trong gió chiều. Ngôi nhà trông buồn tẻ, lại vừa có chút gì đó gần như nỗi cô độc. Khi tắt máy xe, âm thanh duy nhất tôi có thể nghe được là tiếng gió rít từng hồi qua những tàng cây lẫn tiếng sóng biển vẳng lại mơ hồ từ phía xa.

Cửa mở. Người đàn ông hiện ra trước mắt tôi trông gầy gò, yếu ớt như vừa mới ốm dậy. Ông ta chừng năm mươi tuổi, nhưng cũng có thể đến sáu mươi lăm. Thật ra bề ngoài một con người đôi lúc là cả một sự dối trá kinh khủng. Tay ông ta đang lăm lăm khẩu súng ngắn. Họng súng chĩa vu vơ vào khoảng không. Cái nhìn ông ta có chút gì đó khinh bạc lẫn cay đắng.

“Đây là đất tư. Nếu anh không rời đi trong sáu mươi giây, tôi sẽ nổ súng”.

Giọng ông ta nghe đều đều, thì thầm trong tiếng gió. Tôi có cảm giác như ông đang nói chuyện với cái lỗ mũi của mình. Với vẻ thản nhiên như thế, ông ta có thể nổ súng vào tôi như chơi.

Trong một thoáng, tôi bỗng thấy ớn lạnh.

“Cháu đi tìm người quen”.

“Đàn ông hay đàn bà?”.

“Dạ, đàn ông”.

“ Tên gì?”.

“Cháu không biết. Chỉ thấy chú ấy có hình chụp chung với ba cháu…”.

Người đàn ông bước xuống bực thềm đi về phía xe, dáng liêu xiêu. Hơi rượu từ trên người ông ta tỏa ra nồng nặc khi đến gần. Tôi vẫn ngồi yên chỗ tay lái, mắt không ngừng dán vào khẩu súng trên tay ông ta như sợ đột nhiên nó phát nổ.

“Đâu? Hình đâu?”. Giọng ông ta có chút đe dọa.

2.

Chúng tôi đứng trong gian bếp. Người đàn ông sống một mình. Đồ đạc trong nhà bày biện đơn sơ, cẩu thả. Nhìn đâu cũng thấy trống trải như thiếu vắng một thứ gì, nhưng cùng lúc lại cho người xem cảm giác có quá nhiều thứ thừa thãi. Cửa trước được đóng kín khi người đàn ông đưa tôi vào nhà. Tiếng gió vẫn rít từng hồi qua các khung cửa sổ để mở. Những tấm rèm cửa không ngừng lay động, va lách cách vào nhau như có bàn tay vô hình nào đó tác động lên chúng.

“Phải làm chút gì đó ăn trước đã”. Ông bảo tôi.

Nói xong ông nhét khẩu súng vào túi quần, như thể nếu rời xa nó khỏi tầm tay ông sẽ thấy bất an. Rồi ông mở chiếc tủ lạnh lấy ra một hộp trứng, mấy cái xúc xích, một chiếc túi nhựa đựng ít xà lách và bắt đầu chế biến cho bữa tối.

“Nhà không có gì. Làm tạm bánh mì mời con của cố nhân vậy”. Ông nói.

3.

Người trong ảnh.

Bức ảnh đen trắng chụp ba người lính với đầy đủ quân phục đang đứng trước một chiếc hố công sự. Phía sau họ những chiếc bao cát được kê chồng lên nhau như bức tường nổi lên giữa nền trời xám đục. Có vẻ lúc ấy đang là buổi chiều của mùa đông. Mặt trời rọi một vầng sáng nhạt, yếu ớt phía sau những rặng mây đang đùn lên từng lớp nơi chân trời. Ba tôi đứng ở giữa trong số họ. Người gắn phù hiệu hoa mai trên vai áo đứng bên phải có khuôn mặt khá lạnh lùng. Ông là người duy nhất không cười lúc chụp ảnh. Cả ba người đều còn trẻ, có vẻ như họ vừa rời thao trường không lâu trước đó.

“Chú đứng phía bên trái ba cháu”.

Người đàn ông nói, lúc chúng tôi ngồi trên xô pha nơi phòng khách. Trông ông quá khác biệt với người lính cao lớn vạm vỡ trong ảnh.

“Chiến tranh đã biến chú thành một con người như thế này đây”. Ông nói.

Theo lời kể, ông chính là người cõng ba tôi rời khỏi trận địa lúc bị thương. Cả trung đội bị tấn công vào lúc nửa đêm, chỉ còn hai người sống sót. Ba cháu bị thương khá nặng ở vùng bụng. Máu chảy ướt hết cả quần áo của chú, ông nói.

“Chú đứng phía bên phải là ai?”. Tôi hỏi.

“Đại đội trưởng. Hình như ông ta cùng quê với ba cháu”.

“Chú ấy cũng chết trận cùng lúc với ba cháu à?”.

“Không. Ông ta còn sống, di tản qua Mỹ này từ năm bảy lăm. Nếu cháu ở lại chơi vài hôm, chú sẽ dẫn cháu đến gặp ông ấy. Nhà cũng gần đây thôi”.

Người đàn ông ngừng lời. Ông lắc đầu, tỏ ý như không muốn nói thêm. Có chút gì đó gần như nỗi chua chát trong giọng nói của ông về người chỉ huy. Ông ngồi, đưa mắt nhìn bất động vào tấm ảnh tôi để trên mặt bàn, tia nhìn như có bóng mây đang phủ qua, u ám. Sau một lúc, ông xuống chỗ tủ lạnh và lấy một chai bia nữa. Tôi không nhớ đó là chai bia thứ mấy ông uống sau bữa tối.

“Nếu cháu thấy mệt thì nằm nghỉ đi”. Ông đưa tôi chiếc gối cùng tấm vải dù, thứ quân trang những người lính ngày xưa thường dùng. “Để khuya lạnh thì đắp”. Ông nói.

4.

Tôi nằm nơi xô pha, đưa mắt nhìn mệt mỏi lên trần nhà. Những tấm ảnh thời lính chiến của người đàn ông treo đầy trên vách tường nơi phòng khách như không ngừng lay động trong ánh sáng nhập nhoạng. Một vài tấm trong số đó đã úa màu nhìn không còn rõ, nhưng ông vẫn giữ lại với tất cả sự chăm chút, trân trọng. Có lẽ đối với ông, đó là thứ tài sản quý giá nhất của đời người. Mọi thứ còn lại đều là phù vân.

Người đàn ông vẫn ngồi trên ghế, đầu hơi cúi xuống, một tay chống lấy trán. Ai đó đã nói, khi có chút men người ta sẽ dễ dàng giải bày hơn. Nhưng điều ấy không đúng với ông. Càng uống ông càng ít nói. Đã đôi lần tôi tìm cách để ông kể lại chuyện cũ nhưng vẫn không thu được chút kết quả nào. Có lẽ khoảng cách tuổi tác khiến ông nghĩ tôi sẽ không thể hiểu được những điều ông nói. Nhưng cũng có thể ông không muốn khơi lại nỗi đau đã ngủ yên trong quá khứ. Câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra rời rạc và thường kết thúc theo kiểu không đoán trước.

Tôi nằm nghe tiếng gió rít từng hồi qua mái nhà. Những ngọn gió đêm từ vịnh Mexico thổi vào mỗi lúc một dữ dội hơn, gần như tiếng gào thét giận dữ. Ngôi nhà rung lên bần bật từng lúc.Người đàn ông đi cài lại các khung cửa. Có tiếng va đập và một thứ gì đó rơi loảng xoảng xuống sàn nhà. Âm thanh như tiếng thủy tinh đang vỡ vụn. Tôi nghe tiếng người đàn ông chửi thề lầm bầm.Một lúc sau ông trở lại, tay cầm một chai bia khác và đi về phía phòng ngủ của mình.

Trong giấc ngủ chập chờn giữa căn phòng treo đầy những bức ảnh thời lính chiến của người đàn ông, tôi bỗng thấy lại cảnh người ta đưa xác ba tôi về nhà trên chiếc xe lam. Ba tôi nằm dài trên sàn xe, trên người phủ tấm vải dù loang lỗ máu. Lúc ấy đang là buổi chiều. Bọn trẻ con xóm quê quanh năm mới thấy xe lam một lần, chạy theo thành đàn phía sau, la hét ầm ĩ. Mẹ ngồi ôm xác ba tôi, khóc ngất. Tôi đứng trong góc tường, tay chân run bắn vì sợ hãi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy người chết, mỉa mai thay người đó lại là ba tôi. Tôi ngủ thiếp đi lúc người ta đưa xác ba tôi nhập quan trong buổi tối. Không ai đánh thức tôi dậy để nhìn mặt ông lần cuối. Xác ba tôi được chôn trên một ngọn đồi, xung quanh có rất nhiều cây cối, thân bị gãy ngang vì vết đạn.

Tôi vẫn không sao quên được buổi sáng hôm ấy. Cả đoàn người đưa tiễn kéo thành hàng dài, đi trong câm lặng. Giấy vàng mã cháy rơi lả tả dọc theo con đường đến mộ. Mẹ ốm không gượng dậy được ngay tối hôm người ta liệm xác ba tôi. Một mình tôi chạy theo đám người khiêng quan tài, trên đầu buộc một vành khăn trắng. Lúc ấy tôi vừa mới lên bốn, chưa hiểu hết được nỗi buồn của một đứa bé mồ côi sẽ như thế nào, chỉ thấy trong lòng lo sợ mơ hồ. Cảm giác những ngày khôn lớn, cứ nghĩ không biết mình giống ông ở điểm nào khiến tôi hụt hẫng.

5.

Người đàn ông không ngừng nói mớ, la hét trong giấc ngủ lúc gần sáng. Lúc đầu, tiếng ông chỉ nghe văng vẳng, càng về sau càng lớn dần, thành tiếng thét.

“Tiến lên… Bắn…”.

Những âm thanh như dội xuyên qua các bức tường, xoáy vào màng nhĩ, khiến không gian loãng ra xao xác. Rồi tiếng thét cao vút ấy bỗng tắc nghẹn thành tiếng nấc, nức nở. Hình như ông gọi tên ba tôi trong cơn mê loạn.

Tôi bật người dậy. Cảm giác như tóc đang dựng ngược hết trên chỏm đầu. Mắt không ngừng nhìn trừng trừng về phía phòng ngủ của người đàn ông. Mồ hôi trên người tuôn ra thành giọt, thấm lạnh lẽo phía sau lớp áo. Có tiếng gì đó rơi nặng nề xuống sàn nhà. Tiếng động giống như thân hình người đàn ông vừa rớt khỏi giường ngủ. Tất cả bỗng im bặt sau đó. Tôi vẫn ngồi yên và lắng nghe. Không còn lại gì ngoài tiếng gió và âm thanh của những tàu lá cọ chốc chốc lại quét xào xạc vào mái nhà.

Ánh đèn phòng ngủ người đàn ông chợt bật sáng và cánh cửa phòng bỗng xịch mở. Tôi ngồi co rúm trên chiếc ghế nệm nhìn người đàn ông bước ra từ vòm sáng nhạt nhòa của ánh đèn. Ông như đang hiện ra từ một cõi xa xăm nào đó của quá khứ, vừa có thật nhưng cũng vừa rất mơ hồ.

“Chú đây”.

Nói xong, ông đi về phía gian bếp. Có tiếng cánh cửa tủ lạnh mở ra và đóng lại sau đó. Rồi tiếng bước chân người đàn ông trở lại. Tay ông cầm theo chai nước lọc.

“Mới bốn giờ sáng. Sao cháu không ngủ thêm?”. Ông hỏi mệt mỏi.

Tôi không nói gì về tiếng la hét của ông khiến tôi tỉnh dậy. Người đàn ông ngồi xuống chiếc ghế mở chai nước, ngửa cổ nốc một ngụm. Hơi thở nặng nhọc. Khuôn mặt ông còn hằn sâu vẻ đau đớn, nỗi đau đớn của một người vừa bị những cơn ác mộng của quá khứ hành hạ. Ngồi một lúc, ông hỏi tôi có thường liên lạc với gia đình bên Việt Nam không. Mẹ tôi lúc này thế nào. Ông bà tôi sống ra sao. Mấy cây dừa nhà nội tôi còn sai trái không. Sau đó ông nhắc đến tên những người hàng xóm.Thật lạ là ông biết hầu như tất cả những người lớn tuổi ở đó.

6. .Nhưng dù ông có phải là người đại đội trưởng trong tấm ảnh năm xưa hay không thì điều ấy chẳng còn quan trọng nữa. Bởi chính ông

Tôi rời nhà người đàn ông vào buổi sáng sớm. Lúc chia tay, dù không nói ra, ông vẫn nghĩ tôi hiểu được. Nhưng dù ông có phải là người đại đội trưởng trong tấm ảnh năm xưa hay không thì điề̀u ấy chẳng còn quan trọng nữa. Bởi chính ông, ông cũng đã muốn quên hẳn đi bản thân mình. Và câu chuyện tôi đang kể đây sẽ không vì thế mà khác biệt dù tên của ông có được nhắc đến hay không, từ đầu.

Chicago, 2016.

(Viết cho những ngày tháng đã mất.)