Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Chuyện kể đêm Noel (kỳ 3)

Đức thánh tử đạo Lâm Đình Túy (tiếp theo)

Kiều Duy Vĩnh

Thế rồi Noel năm 1973.

Thường thì mọi năm lễ Noel là tù được nghỉ nhưng từ năm ấy, chính quyền đã ký sắc lệnh không cho nghỉ hay sao ấy. Tù làm sao mà biết được chuyện đó. Thế nên sáng ngày 25 tháng Mười Hai năm 1973, kẻng gọi tập họp đi làm khua rộn rã. Mọi người nhìn nhau.

Các giáo dân thì từ chiều hôm trước đã họp mặt tổ chức lễ Giáng Sinh và đêm Réveillon rồi, mà đến sáng hôm 25 cuộc vui mừng sẽ còn tiếp diễn nữa. Nhưng tiếng kẻng lại giục dã gay gắt hơn. Mọi người rất ngạc nhiên. Nhưng không ai ra tập họp cả. Ban Giám thị lại xuất hiện, ác ôn Tằng lại xuất hiện, trật tự viên tay sai lố nhố kéo vào. Họ vào từng nhà giam lùa ra tập họp. Nhưng không ai chịu ra cả. Lệnh: “Đánh và lôi chúng nó ra.”

Thế là cuộc đàn áp bắt đầu. Lũ đầu trâu mặt ngựa xông vào đánh tù. Tôi nhìn thấy ác ôn Tằng, theo sau là tên tay sai đắc lực nhất: Nhạn Hải Phòng xông vào chỗ bác Túy. Chúng hùng hổ lắm. Nhưng một điều bất ngờ đã xẩy ra. Cản đường chúng là tu sĩ Bạch Duy Vĩnh người Nghệ An, ông vốn bị què một chân, vì bị cùm ở xà lim nhiều ngày quá. Đi đứng ông đều phải chống gậy; thấy hai tên Tằng, Nhạn xông vào đánh bác Túy, ông cầm cái gậy tre con để chống nạng ấy đứng chắn đường. Tên Nhạn xông lên trước, ông cầm gậy tre quất vào mặt nó, tay kia đẩy tên Tằng lùi lại.

Tôi cực kỳ ngạc nhiên và thán phục cử chỉ anh dũng cao cả tuyệt vời của tu sĩ Bạch Duy Vĩnh. Ông cân nặng độ 38 cân, cao độ 1 mét 50, xanh và gầy. Lúc nào ông cũng nhã nhặn tươi cười, giúp đỡ mọi người. Sống rất tư cách, đức độ và tử tế. Ông có cái tính là không cởi trần bao giờ, lúc còn áo may ô thì ông mặc may ô. Rách thì ông vá vào mặc, rách đến không vá được nữa thì ông cắt vải sô màu ra may áo may ô để mặc. Thấy vậy, có lần tôi được nhà tiếp tế cho một đôi áo may ô, tôi đem biếu ông, nói thế nào tôi cũng không làm cho tu sĩ Bạch Duy Vĩnh nhận. Tôi vốn không hay mặc may ô chỉ cởi trần nên cuối cùng đem đổi sắn cho bọn tự giác hình sự. Tôi nhìn ông lúc đó, tôi liên tưởng tới một nhân vật của Đông Chu Liệt Quốc: Yêu Ly. Một mình ông ngang nhiên dũng cảm đứng chặn hai tên ác ôn to lớn. Nhưng ông không chống cự được lâu. Chỉ một cái đạp chân, một quả đấm là ông ngã quay lơ ra, và chúng xông đến ông Túy. Chúng đánh ông Túy không tiếc tay và lôi ông ra ngoài trại. Trại tù náo loạn. Cuộc săn đuổi trói đánh diễn ra ác liệt.

Mũi nhọn đầu tiên chĩa vào là bác Lâm Đình Túy, rồi đến các đấng bậc tu sĩ, chánh trương, trùm trưởng, đến giáo dân rồi nữa là đến chúng tôi những kẻ ngoại đạo nhưng chống bướng, cứng đầu cứng cổ, cũng bị đánh lôi ra sân trại.

Tôi vào loại khỏe, to con, nên tôi vẫn nhớ cho đến tận bây giờ, được phân công đánh tôi là tên Nhạn. Giá mà ở ngoài mà được ăn no thì không dễ gì nó đánh được tôi, nhưng ở tù ăn đói lâu ngày, sức khỏe giảm chúng lại đông nên tôi không chống cự được lâu chỉ được ít phút chúng đã đánh tôi ngã và lôi ra trói ở sân trại. Trong số bị đánh dã man, tôi thấy còn có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (tác giả Hoa Địa Ngục, tập thơ về sau này đã được giải thưởng của Pen Club quốc tế). Anh vốn gầy yếu và tù lâu quá lại có bệnh nên nó chỉ đánh anh vài đòn là anh đã gục xuống không dậy nổi. Chúng nó kéo lê anh sềnh sệch lôi ra sân.
Trời thì mưa và rét. Rét đến cắt ruột. Hôm ấy rét đên 0 độ và ở Sapa cách đấy độ 20km, có tuyết rơi.

Chúng nó lôi tất cả chúng tôi ra sân trại. Những ai bị biệt vào loại cầm đầu, chống bướng thì bị chúng trói cánh tiên treo tay lên hàng rào dây thép gai.

Trong số bị trói cánh tiên đầu hàng là bác Lâm Đình Túy, đến tu sĩ Bạch Duy Vĩnh (địa phận Xã Đoài), rồi đến tu sĩ Khải (nhà thờ Hàm Long, Hà Nội), cạnh đó là bác Hải, cha đẻ của tu sĩ Khải, nhà ở phố Ngô Thời Nhiệm. Cả hai cha con đều bị bắt đi tù, và ở cùng một trại, nay lại bị đàn áp trói cùng một dây. Đây là một gia đình Công giáo đáng kính trọng, đáng khâm phục. Bao giờ gặp bác Hải và tu sĩ Khải tôi đều kính cẩn cúi chào. Bác Hải giờ đã chết, còn tu sĩ Khải nay đã trở thành Linh mục nhà thờ Lớn. Thật là xứng đáng. Trong số bị trói ấy còn có thêm tôi và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Trói cánh tiên có nghĩa là trói quặt hai cánh tay ra sau lưng. Đầu tiên lấy một đoạn dây gai nhỏ trói hai ngón tay cái lại với nhau, rồi đến lấy dây thừng to trói hai cổ tay ngoặt lại với nhau, ngực ngô ra, đầu bị ấn xuống, hai tên ác ôn lôi hai tay treo ngược lên hàng rào dây thép gai.

Tôi nhìn thấy bác Lâm Đình Túy nhắm mắt rũ xuống.
Trói chừng độ một tiếng đồng hồ thôi thì đã thấy khó thở, hai tay tê dại đi, ngực đau buốt, không còn điều khiển nổi cơ qua bài tiết nữa. Đau đớn lắm. Quằn quại dưới trời mưa khát, đói, mệt. Lúc đó cuộc đàn áp đã lắng xuống. Chúng không bắt được mọi người đi làm, chúng bèn đổi giọng cho dọn vệ sinh trong trại tù chứ không được nghỉ. Mấy người tù hình sự đi qua chỗ chúng tôi bị trói, thấy đau đớn quá bèn xui: “Sao các bác các anh không xin các ông ấy, để các ông ấy nhẹ tay cho có hơn không?”

Chúng tôi bị đánh bị trói đau đớn lắm nhưng không một ai van xin cả. Chúng tôi chỉ kêu lên thôi. Kêu trời vì đau đớn quá.
“Trời ơi, đau quá!”
Thế thôi.

Độ hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi được cởi trói cho vào cùm ở xà lim. Tôi nghĩ là chỉ kéo dài thêm độ một tiếng nữa thì sẽ có người chết tại đó. Phần tôi, tôi đã ngắt ngoải rồi. Mắt hoa, đầu váng, rồi vào trạng thái hôn mê không còn biết gì nữa. Lúc nó cởi trói lôi tôi vào xà lim tôi loạng quạng quay cuồng không biết nó lôi mình đi đâu.

Vào đến xà lim độ một tiếng sau thì tỉnh dần lại, và phải đến sáu tháng sau hai tay mới hết tê dại. Vào xà lim hai tay được tự do, thì các chân lại đút vào cùm. Cái cùm cố ý làm bé để có quặp vào cổ chân nghiến nát thịt ra. Cơ thể phản ứng lại và lên cơn sốt. Người nóng hừng hực.
Gian xà lim bên cạnh, tôi thấy tiếng tu sĩ Bạch Duy Vĩnh gọi thất thanh, hốt hoảng:
- Ông Túy, ông Túy tỉnh lại đi. Tỉnh lại đi.
Không có tiếng trả lời, và một lúc sau, tu sĩ báo cho mọi người biết là bác Lâm Đình Túy đã chết.

“Các bác, các anh ơi, ông Túy chết rồi.” Tu sĩ Bạch Duy Vĩnh kêu to lên như thế.

Chúng tôi im lặng kính cẩn cúi đầu trước cái chết của Đức thánh tử vì đạo Lâm Đình Túy. Chúng tôi nhìn nhau đau đớn. Không ai có thể làm gì hơn trong lúc này. Chân bị cùm, cùm nó cắn chân. Thể xác bị hành hạ đánh đập đến tả tơi, mặt mũi sưng vù. Mọi người thoi thóp sống, và tôi, tôi thấy cái chết đến gần.

Tôi quay sang anh Nguyễn Chí Thiện, anh cũng đã lả đi rồi. Chỉ còn mỗi một tu sĩ Bạch uy Vĩnh là còn tỉnh táo thôi. Cái chân què của ông bị teo lại bé lắm cái cùm không cắn, không làm gì nổi cái chân ấy. Sức chịu đựng của ông lại lớn nên chỉ còn có riêng ông là còn có sức mà thôi. Ông nhắc nhở, khuyến khích nâng tinh thần mọi người lên bằng cách gọi tên từng người, đánh thức họ dậy làm cho họ tỉnh lại. Ông hỏi han ân cần bằng giọng nói chân tình ấm áp:
- Bác Hải ơi, anh Khải ơi, tỉnh lại đi, ngồi dậy đi đừng nằm liệt nữa!
- Anh Thiện ơi, dậy rồi thì lấy tay mà xoa bóp cho máu nó lưu thông đi!

Tôi rũ xuống sau cái chết của bác Lâm Đình Túy, nay được tu sĩ Bạch Duy Vĩnh gọi đánh thức dậy. Tôi ngồi lên, và cố sức thở yoga mong mình sống lại được. Chân tôi sưng tấy, đỏ bầm. Tôi nghĩ có lẽ mình không chịu nổi đêm nay.

Trời tối đen, xà lim lại còn tối đen hơn.

Đột nhiên có tiếng mở cửa xà lim, đèn thắp sáng ở xà lim bên. Có tiếng mở cùm. Hai người tù hình sự cùng Quản giáo trưởng vào, bó chiếu bác Lâm Đình Túy đem đi chôn ngay đêm đó. Một lúc sau cửa lại mở. Tôi được mở cùm, Nguyễn Chí Thiện được mở cùm, bác Hải bố tu sĩ Khải được mở cùm, bác Thiều già người Hà Tĩnh cũng được mở cùm.

Sau này chúng tôi được biết là sau khi họp Ban Giám thị lệnh không cùm những người không theo đạo Thiên chúa, và những người già yếu. Tôi và anh Thiện là người ngoại đạo, bác Hải bác Thiều thì già. Còn lại hai tu sĩ Bạch Duy Vĩnh, tu sĩ Khải thì tiếp tục bị cùm.
Tôi về đến trại. Người lạnh cóng, chân sưng to. Hai bàn tay vẫn còn tê dại, hai ngón tay cái không còn cảm giác nữa.

Anh Hoàng Tiến Như đón tôi và Nguyễn Chí Thiện ngay tại cửa. Anh dìu hai chúng tôi vào chỗ anh nằm. Anh bao giờ cũng được quyền ưu tiên: Có một lò than củi để sưởi, để nấu nướng. Anh cho thêm than, thổi lửa to cho chúng tôi hơ tay hơ chân, anh nấu cháo cho tôi và anh Thiện ăn, anh xoa bóp cho chúng tôi. Người tôi dần dần ấm lại và tỉnh táo lên. Cám ơn anh lắm, anh Hoàng Tiến Như. Giờ anh ở đâu? Làm sao mà tôi gặp được anh để trả ơn anh, để đền đáp lại tấm lòng hào hiệp của anh, đã cứu chúng tôi trong giây phút khốn cùng nguy hiểm đó.

Tôi xin phép được viết thêm một đoạn nữa về lễ Noel trong trại tù. Từ năm đó, 1973, tù không được nghỉ lễ Giáng Sinh. Năm 1973 ở trại Phong Quang, Lao Kay đã xẩy ra câu chuyện trên. Và Đức thánh tử đạo Lâm Đình Túy đã chết trong dịp đó.
Sang đến năm 1974, đến lễ Noel vẫn ở trại Phong Quang, sáng ngày 25 tháng Mười Hai kẻng vẫn đánh, vẫn xua người tù ra tập họp đi làm. Tôi là người ngoại cuộc đi làm hay không đi làm không có gì quan trọng đối với tôi cả. Nhưng tôi thấy đầu tiên là tu sĩ Bạch Duy Vĩnh, tu sĩ Khải, bác Hải, cố Thiều cùng một số người nữa như Đậu Xuân Dung người Hà Tĩnh... ôm chăn chiếu của mình, đi đến ngồi ở cửa xà lim kỷ luật. Còn các giáo dân khác và chúng tôi những người ngoại đạo thì ngồi im chờ.

Kẻng lại khua một lần nữa. Ban Giám thị, Quản giáo, lính coi tù, lại xuống. Có điều lính coi tù xuống nhưng không đeo súng theo. Họ vào trại và tuyên bố: Khám trại. Mọi người đem chăn chiếu quần áo ra sân để lục soát. Những người đã đem ra rồi, đang ngồi chờ ở cửa xà lim thì được khám trước xong đuổi về trại giam và cho nghỉ luôn cả buổi chiều.

Cuộc khám xét trại diễn ra nhanh chóng, qua loa cho phải phép, rồi thì ai về nhà nấy. Mọi chuyện diễn ra êm ả, gọn gàng. Ban Giám thị lên ban, lính coi tù về doanh trại.
Chúng tôi những người tù năm ấy, 25 tháng Mười Hai năm 1974, lại ngồi cùng nhau hưởng một ngày nghỉ yên lành thoải mái.

Trên đây là câu chuyện Giáng Sinh của trại tù Phong Quang, Lao Kay năm 1973, 1974, tôi xin chép lại để các quý vị rõ.

Ghi chú của tác giả: Những tên người, tên đất, tên trại tù đều là thật, không có hư cấu gì. Vẫn còn đất ấy, song một số trại tù đã giải tán, tù thì có người đã chết, có người vẫn còn sống để kể lại chuyện này.

Ảnh: hai người tù trại Phong Quang, Kiều Duy Vĩnh và Vũ Thư Hiên, gặp nhau năm 2001 tại Hoa Kỳ.

Nguồn: https://www.facebook.com/thuhienvu222222/posts/10211322208914775