Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 11)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Trường phái Kinh Viện

Trong khi quyền lực tập trung ở Rome giảm dần, Đế quốc phương Tây rơi vào tay những bộ lạc man ri, và văn hoá Âu châu ở trên đà suy thoái. Thời Đen Tối, là từ năm 600 đến 1000. Phân kỳ niên biểu như vừa nói dĩ nhiên có tính giả tạo. Không có gì cần nói thêm, trừ chuyện nó cho phép chúng ta nêu rõ một số sự kiện trong thời kỳ đó. Và đừng tưởng tượng rằng ở thế kỷ thứ 7 thình lình Âu châu chìm vào u ám và rồi đã vượt thoát sau đấy bốn trăm năm sau. Xin nhắc, truyền thống cổ điển trong quá khứ tiếp tục tồn tại, dẫu ảnh hưởng có ít đi, và khá chênh vênh. Sự học hỏi được tiếp tục trong những tu viện xa xôi như ở Ái Nhĩ Lan. Nhưng dẫu gì, gọi là Thời Đen Tối khá chính xác, nhất là khi đặt nó trước, và sau, những thế kỷ khác. Đồng thời, ta lưu ý rằng Đế quốc phương Đông không tuột dốc cùng tốc độ với Đế quốc phương Tây. Sự kiểm soát của Đế quyền Byzantine[1] tiếp diễn, cho phép nền học hỏi ở đấy mở ra rộng rãi hơn phương Tây trong nhiều thế kỷ. Trong khi văn hóa Tây phương thoi thóp, nền văn minh trẻ Islam tập hợp được tư tưởng Ấn, Trung Đông, Bắc Phi và Tây Ban Nha ở trên đà lên đỉnh cao. Xa hơn, văn minh Trung Quốc dưới thời nhà Đường nở rộ với một nền thi ca quan trọng.

Để hiểu tại sao triết học dính đến Giáo hội, chúng ta phải lược qua những nét chính liên quan đến sự phát triển quyền lực trường kỳ của chế độ Giáo hoàng. Đầu tiên, đó là vì khoảng trống chính trị khi Đế chế Rome sụp đổ khiến Giáo hoàng nắm được vị thế lãnh đạo phương Tây. Về phương Đông, ngoài chuyện bị ràng buộc vì Đế quyền, Giáo hội hầu như chưa bao giờ chịu đặt mình dưới sự quản trị của các vị Giám Mục ở Rome, và tự quyết trên rất nhiều phương diện. Hơn thế, ảnh hưởng đến từ các bộ tộc man ri xâm lăng đã khiến tiêu chuẩn biết đọc biết viết trong quần chúng giảm nhiều so với thời trước. Chỉ tầng lớp tu sĩ mới giữ được những tiêu chuẩn này, và trở thành một lớp đặc tuyển. Sau khi bạo phát ở Âu châu giảm mức độ, Âu chân ổn định hơn, chính tầng lớp tu sĩ này mở ra và điều hành nhiều trường học. Từ đó, trường phái Kinh Viện thành nếp và gần như không có cạnh tranh nào cho đến thời Phục Hưng.

Giáo hội trong thế kỷ thứ 7 và 8 thường chao đảo giữa những thế lực chính trị của Hoàng đế Byzantine và Vương hầu của những bộ tộc man ri. Liên quan với Hy Lạp, trong một chừng mực, vẫn hơn là phụ thuộc vào man ri xâm lăng. Chí ít, quyền uy của Hoàng đế còn có được một cơ sở pháp lý, trong khi man ri chỉ tiếm quyền qua vũ lực. Bên cạnh, Đế quốc phương Đông giữ được những tiêu chí văn minh dưới thời huy hoàng của Rome, và vì thế tầng lớp thế quyền vẫn giữ được một tầm nhìn phổ quát so với thế cách dân tộc hẹp hòi của đám man ri. Cả người Goths lẫn Lombard đều theo Đa thần giáo, trong khi Byzantine vẫn ít hay nhiều theo chính thống giáo, và không chịu cúi đầu qui phục đám Giáo Sĩ ở Rome.

Tuy thế, Đế quốc phương Đông không đủ mạnh để có quyền hành như bên phương Tây. Năm 739, người Lombard tiến công Rome, nhưng không thành. Để chống lại, Giáo hoàng Gregory III cầu viện người Frank. Hoàng đế Merovingian[2] kế thừa vương quyền của Clovis để mất hết quyền lực vào tay Vương quốc Frankish do lớp quí tộc quản lý. Đầu thế kỷ thứ 8, người đứng đầu là Charles Martel chặn được xâm lăng của Hồi giáo ở Tour năm 732. Cả Charles Martel lẫn Giáo hoàng Gregory chết vào 741. Những kẻ kế thừa, Pepin và Giáo hoàng Stephen III, đến một thỏa thuận. Pepin đòi Giáo hoàng thừa nhận chính thức vương quyền đã thay thế triều đại Merovingian, và đổi lại, ông nhượng cho Giáo hội thành phố Ravenna bị người Lombard chiếm năm 751 cùng một số đất đai khác. Thoả thuận này đánh dấu sự nứt rạn cuối giữa Rome với Đế chế Byzantine.

Thiếu vắng một quyền lực chính trị, Giáo hội phương Tây có uy lực hơn là Giáo hội phương Đông. Tiếp nhận thành phố Ravenna tuy thế không hợp pháp. Để giữ được thể diện, lớp tu sĩ soạn thảo một tài liệu giả dưới cái tên Sự Cúng Dâng của Constantine về quyết định hiến cho Giáo hội những đất đai thuộc về phía Tây đế quốc Rome. Tạo ra tình thế thuận lợi đó, quyền uy của Giáo hoàng được củng cố suốt thời Trung Cổ. Sự giả mạo này chỉ được khám phá vào thế kỷ 15.

Người Lombard chống cự sự xâm lăng của người Frankish, nhưng Charlemagne, con Pepin, vượt rặng Alp đánh và thắng quân Lombard. Tiếm quyền Vua Lombard, Charlemagne tiến chiếm Rome, xác quyết sự Cúng Dâng đất đai của cha mình cho Giáo hội năm 754. Giáo hội thuận lòng, và vị Đại đế này cùng Giáo hội phổ biến Ki-tô giáo trên đất Saxon, cải đạo những kẻ thờ Đa thần không qua thuyết phục mà bằng lưỡi gươm bạo lực. Phía đông biên giới, Charlemagne chinh phục hầu như hết lãnh thổ Đức, nhưng phía tây, mọi cố gắng đẩy lùi người Ả Rập ở Tây Ban Nha không mấy thành công. Cuộc bại trận của quân hậu tập năm 778 đã sinh ra những huyền thoại về Roland[3].

Charlemagne[4] nhắm chinh phục nhiều hơn là củng cố lãnh thổ. Ông coi mình là Hoàng đế của Đế quốc phương Tây, và vào dịp Giáng Sinh năm 800, Giáo hoàng ở Rome đã đặt Vương miện lên đầu Charlemagne.

clip_image002

Charlemagne ở Giáo đường Moulins, France.

Đây là chỉ dấu đầu sự thành hình của Đế quốc Thánh ý Rome (Holy Roman Empire). Nó cắt đứt với Đế quốc Byzantine qua xác nhận sự cúng dâng đất đai của Pepin cho Giáo hội là có, và như vậy minh xác chính danh của Hoàng đế Đế quốc phương Tây. Nhưng thủ thuật này có vẻ hời hợt mong manh.

Ngôi vua Đế quốc Byzantine khi đó nằm trong tay Nữ hoàng Irene. Điều này theo Charlemagne không hợp lệ, và vì thế ngôi vua phải coi là trống. Được Giáo hoàng đội vương miện, Charlemagne có thể điều hành như kẻ kế thừa Caesars, người trước mình cũng từng được Giáo hội xử sự như vậy. Nhưng vì thế, Giáo hội vướng vào thế quyền. Sau, những Đại đế của Đế quốc tự cho phép chọn lựa, hoặc truất quyền Giáo hoàng, tùy lợi hay hại. Giáo hoàng vẫn phải đội vương miện cho Đại đế. Thần quyền bị khóa cứng vào thế quyền, và những bất đồng giữa Đại đế và Giáo hoàng khó tránh được. Một trong những tranh cãi là vấn đề bổ nhiệm Giám mục, chúng ta sẽ bàn sau.

Vào thế kỷ 13, những thế lực đối kháng không còn tìm được thỏa nhượng nào. Trong cuộc tranh chấp sau đó, Giáo hội cuối cùng giành phần thắng, nhưng lại mất đi nhiều tiêu chuẩn đạo lý của những Giáo hoàng thời Phục Hưng. Thời gian này, những quốc gia quân chủ ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha mạnh lên và làm suy yếu khối đoàn kết một thời giữ được dưới uy quyền tâm linh của Giáo hội. Đế quốc còn kéo dài cho đến khi Napoleon chinh phục Âu Châu, và Giáo hội thì tồn tại cho đến nay, mặc dầu quyền hành đã rạn vỡ từ thời Cải Cách. Khi Charlemange sống, ông ta bảo vệ Giáo hoàng, và ngược lại, vị này cũng cẩn thận không làm gì trái ý Đại đế, vốn không biết chữ, khá tàn bạo, nhưng lại được cái không coi những kẻ chịu học và sống ngoan đạo là thù nghịch. Charlemagne khuyến học và bảo lãnh những học giả, tuy ông không bao giờ giải trí qua sách vở. Hành xử theo Ki-tô giáo được coi là tốt, nhưng chớ đừng bao giờ làm vướng bận đến triều chính.

Trong tay những kẻ kế thừa Charlemagne, nhất là khi ba người con của Louis “ngoan đạo” chia cương thổ, thì Đế quốc xuống dốc. Từ đó, những rạn nứt đẩy người Đức đối đầu với người Pháp sau này. Quyền năng của Giáo hội tăng, Rome làm áp lực lên những Giám mục ít nhiều độc lập, nhất là ở những vùng xa trung ương. Giáo hoàng Nicholas I (858-67) rất thành công trong việc tập trung quyền lực này. Tuy nhiên, có những phản kháng đến từ nội bộ Giáo hội. Một Giám mục có quyết tâm mà lại khéo léo có thể đương đầu với Giáo hoàng nếu vị này không có những phẩm chất tương đương. Quyền lực của Giáo hoàng giảm từ khi Nicholas chết.

Trong thế kỷ thứ 10, Giáo hội được điều hành bởi một lớp quí tộc ở Rome. Thời xưa, thành phố này đã rơi vào tình trạng hỗn mang sau những cuộc chiến giữa quân đội Byzantine, Lombard và Frankish. Trên toàn cõi ở phương Tây, đám chư hầu phong kiến tha hồ tranh giành đất đai khiến chẳng chỗ nào có an ninh. Đại đế và những vị Vua nước Pháp sau đó không một ai có khả năng kiểm soát những lãnh tụ địa phương bất tuân mệnh. Ngưởi Hung Gia Lợi lấn chiếm phía bắc nước Ý, giặc Viking reo rắc kinh hoàng khắp các bờ biển và sông ngòi Âu châu, dân Norman được chia một giải đất Pháp để chấp nhận cải đạo Ki-tô. Sự uy hiếp của người Ả Rập từ phương nam, tăng từ thế kỷ thứ 9, được giải tỏa khi quân đội miền Đông Rome chiến thắng xâm lăng trên sông Garigliano gần thành Naples năm 915. Nhưng họ lại không đủ sức quản trị được phương Tây như từng đã thử duới thời Justinian. Trong tình trạnh hỗn loạn này, Giáo hội buộc phải tuân thủ những người quí tộc Roman, mất đi ảnh hưởng xót lại từ Giáo hội phương Đông, và không kiểm soát được hàng Giáo sĩ phương Tây với những Giám Mục thể hiện sự độc lập riêng tư. Liên hệ của Giáo hội với Rome lỏng dần, nhưng ngược lại, liên hệ với những quyền lực địa phương lại tăng. Trong giai đoạn hỗn mang này, nhiều Giáo hoàng thừa kế nền tảng của Giáo hội do thánh Peter đặt viên đá đầu tiên không có gì đáng để vinh danh trong cơn hồng thủy phân hủy xã hội và đạo lý.

Vào thế kỷ 11, cuộc di dân ở Âu châu kết thúc, mối đe dọa của Hồi giáo bị kiềm tỏa, và từ đó phương Tây lại quay về thế chủ động tiến công. Ở Ái Nhĩ Lan xa xôi, kiến thức văn hoá Hy Lạp còn tồn tại trong khi nhiều nơi khác ở phương Tây đã quên lãng nó. Hậu phương văn hoá này sau bị xoá sổ khi người Đan Mạch ào vào xâm lược Ái Nhĩ Lan.

clip_image004

Eriugena trên tờ 5 bảng Ái Nhĩ Lan, phát hành 1976–1993.

Thật không ngạc nhiên khi khuôn mặt lớn nhất trong những học giả thế kỷ thứ 9 là Johannes Scotus Eriugena, người Ái Nhĩ Lan. Ông theo trường phái Tân-Plato, đa thần trong khía cạnh tôn giáo, và có cái nhìn rất rộng. Mặc dầu có quan điểm không chính thống, ông tránh được khủng bố. Sức sống của văn hóa Ái thời đó nẩy sinh từ những tình huống rất lý thú. Khi Gaul bị man di xâm lăng, một số lớn những học giả đi tìm sự bảo hộ mà miền cực tây của Âu châu cho phép. Những kẻ đến Anh quốc không được sự ủng hộ của người Angles, Saxons và Jutes, đều theo đa thần giáo. Ái Nhĩ Lan khác, đảm bảo được an ninh, và vì thế học giả đổ xô vào xin cư trú. Nhưng ở Anh, Thời Đen Tối cũng đặc thù. Ngưng lại một thời gian sau sự xâm chiếm Anglo-Saxon, và sống lại dưới thời Alfred, Thời Đen Tối bắt đầu và kết thúc hai trăm năm sớm hơn lục địa Âu châu. Cuộc xâm lăng của Đan Mạch vào thế kỷ 9 và 10 gây ra một khoảng đứt quãng trong sự phát triển của Anh và tạo một bước lùi của Ái Nhĩ Lan. Thời gian này, học giả lại phải chạy. Nhưng Rome quá xa, không thể kiểm soát Giáo hội Ái Nhĩ Lan. Quyền lực Giám mục không quá mức, và những tu sĩ không bỏ thời gian vào tranh luận giáo điều. Vì thế, cách nhìn thoáng đạt của John the Scot, tên gọn của Johannes Scotus Eriugena, không bị quyền lực chỉnh sửa.

Chúng ta biết không nhiều về cuộc đời của John, trừ thời gian ông ở trong triều chính của Charles nước Pháp. Ông có lẽ sống từ 800 đến 877, và vào 843, ông được mời đến triều đình Pháp phụ trách về giáo dục. Ở đó, ông liên quan đến phản luận về tiêu đề lựa chọn tự do đối nghịch với thế cách tiền định. John đứng về phía lựa chọn tự do, cho rằng sự cố gắng cá nhân trong chọn lựa tương thích với đạo lý là quan trọng. Điều gây tội chẳng phải là cuốn ‘’Pelagianism’’ mà là cách ông giải quyết vấn đề chỉ thuần dựa trên triết lý. Theo ông, lý trí và thiên khải (tức sự thể hiện tâm linh) là hai nguồn khai sáng không liên hợp cũng như không đối kháng. Nhưng một khi có đối kháng, lý trí được cho là quan trọng hơn thiên khải. Một mặt, điều này đúng khi sự thật trong tôn giáo phải hệt như sự thật từ triết học. Và ngược lại. Nhưng khốn thay, quan điểm này không có cơ sở đối với những Giáo Sĩ trong triều đình, và họ buộc tội cuốn sách do John trước tác. Tình bạn của Vua cứu John khỏi tội hình, nhưng khi Charles băng hà năm 877, John cũng phải ra đi.

Trên phuơng diện triết học, John thuộc xu thế hiện thực theo nghĩa Kinh Viện. Nguồn gốc xu thế này là Lý thuyết Ý thể như trình bày trong đối thoại Socrates, và hiện thực là tính phổ quát của mọi sự vật trước khi biến thành cá thể đặc thù, đi ngược lại nhận thức luận kiểu Aristotle. Nhận thức này được gọi là Thuyết Duy Danh (Nominalism), theo đó phổ quát là danh xưng và mọi cá thể đặc thù đều có trước phổ quát. Cuộc tranh chấp giữa hai quan điểm hiện thực và duy danh đã sôi sục từ thời Trung Cổ. Những vấn đề này còn tồn tại ngay thời hiện đại giữa Khoa học và Toán học kinh qua câu hỏi về tương quan của Hiện thực với Ý thể. Thời nay, chúng ta gọi thế là Triết thuyết Duy tâm (Idealism). Điều này xin được bàn sau, nhưng lưu ý bạn đọc rằng cách xử dụng ngôn từ là tùy trường phái triết học, kể cả phái phi-Kinh Viện sau này.

Tính hiện thực trong triết lý của John được trình bày trong công trình “Về sự phân chia của Thiên nhiên”. Ông tách biệt 4 thế cách, theo đó trong quá trình vật thể là chủ thể sáng tạo, hay là được sáng tạo ra từ đó. Đầu tiên là Thượng Đế, đấng sáng tạo, và không gì sáng tạo ra. Thứ đến là cái sáng tạo, và được sáng tạo ra, như Ý thể trong hàm nghĩa của Socrates và Plato, sáng tạo cái riêng nhưng tự thân được sáng tạo từ Thượng Đế. Thứ ba, có những vật thể trong không gian và thời gian được sáng tạo, nhưng không sáng tạo ra gì khác được. Thứ tư, có những cái không được tạo ra, và cũng không tạo ra được gì, và từ đó, chúng ta quay về Thượng Đế, ở thế cách đầu như mục tiêu tối hậu mọi vật hội tụ về đó. Trong nghĩa này, Thượng Đế, không thể khác biệt với cứu cánh của chính mình, và không sáng tạo.

Trên đây, John luận bàn về những gì là, nhưng ông cũng gộp vào Thiên nhiên những gì không là. Trong thể loại này, có những vật thể không thuộc vào thế giới nhận thức bằng trí tuệ được, một nhận định trong triết luận Tân-Plato, Cũng như vậy, tội lỗi được coi như sai sót, thiếu thốn, không với tới được mẫu hình tâm linh thiêng liêng, và thuộc vào những gì không là. Tất cả cuối cùng dẫn đến lý thuyết Plato theo đó, như chúng ta đã nói, sự Thiện được đánh đồng với tri thức.

Thượng Đế như cứu cánh trực tiếp đẩy đến thần học đa thần. Bản chất của Thượng Đế, không là vật thể, không thể biết được chẳng chỉ đối với con người mà còn đối với chính Thượng Đế. Lý tính của điều này, dẫu không được John đề xuất minh bạch, đến từ xác quyết Thượng Đế là tất cả, một trạng thể tự đang nhận thức, cho nên không thể phân biệt giữa chủ thể đang nhận thức với vật thể đối tượng của nhận thức. Về Ba ngôi, lý thuyết của John gần với Plotinus. Bản thể của Thượng Đế biểu lộ qua bản thể mọi sự vật, sự minh triết của Thượng Đế qua lề lối trật tự sự vật, và sự sống của Thượng Đế là kinh qua chuyển động vận hành của mọi vật thể. Ba điều này thể hiện Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và ngôi Thánh Thần. Về Ý thể, chúng là thần ngôn, và qua ngôi Thánh Thần chúng thể hiện những sự vật cá biệt phụ thuộc vào bản thể vật chất. Thượng Đế sáng thế từ hư vô (không-có-gì). Từ không-có-gì, Thượng Đế đã vượt quá mọi tri thức và bởi thế Thượng Đế chính là hư vô. Ở đây, John đối lập với Aristotle, người cho rằng bản thể vật chất cấu thành những vật thể cá biệt. Mặt khác, với ba cách phân chia Thiên nhiên đầu tiên trong số bốn cách, John theo Aristoles khi vị này bàn về những vât thể chuyển động hoặc bị tác động làm cho chuyển động. Thế cách thứ 4 được suy ra từ thuyết Tân-Plato theo Dyonysius, một môn đồ của St. Paul, người đưa ra lập luận thoả hiệp thuyết Tân-Plato với Ki-tô giáo. John đã dịch công trình này từ nguyên bản tiếng Hy Lạp, và như vậy, ông được sự bảo vệ của Giáo hội chót nhận lầm rằng Dyonysius, qua quan hệ thày trò với St. Paul, là thuộc hệ phái chính thống.

Trong thế kỷ 11, Âu châu vào giai đoạn khởi đi một cuộc hồi sinh. Đe dọa từ phía bắc và phía nam được người Normans khống chế. Họ chinh phục Anh quốc, chấm dứt xâm lấn của người Thụy Điển, và giải phóng đảo Sicily khỏi quyền lực Ả Rập. Những cải tổ của tu viện được thực hành, và nguyên tắc bầu ra Đức Giáo hoàng cũng như cách tổ chức Giáo hội được rà soát lại. Sự học bắt đầu thăng tiến, không chỉ trong tầng lớp Giáo Sĩ mà còn tỏa rộng đến giai cấp quyền quí.

Hai khó khăn chính ám ảnh Giáo hội là chuyện buôn thần bán thánh và vấn đề độc thân. Những khó khăn này liên quan đến thân thế tu sĩ từ nhiều năm. Bởi tu sĩ là trợ thủ của những phép lạ và quyền năng tôn giáo, họ ngày một ảnh hưởng lên chuyện đời. Ảnh hưởng này chỉ hữu hiệu khi số đông quần chúng tin vào sự xác thực của tôn giáo, điều từng có và được quảng bá trong thời Trung Cổ. Nhưng cái thú quyền lực chỉ là đồ khai vị cho tính thèm ăn. Nếu không có rào cản và luật lệ nghiêm minh để dẫn giắt những kẻ ở vị trí thuận lợi thì chính họ sẽ phủ đầy lông lên tổ chim. Chẳng hạn, thày tu đòi trả tiền khi họ làm lễ, và trở thành giầu có. Dĩ nhiên, kiểu buôn bán này tạo nhũng nhiễu trên các định chế của Giáo hội, và lâu lâu, lại có một cuộc chỉnh huấn chống lại tác động ma quái này. Về vấn đề độc thân của tu sĩ, không có gì rõ ràng minh bạch. Về mặt đạo lý, tranh cãi nhiều nhưng không đi đến kết luận. Cả Giáo hội phương Đông lẫn Giáo hội cải cách ở phương Tây không bao giờ coi sự độc thân của tu sĩ như một tiêu chuẩn đạo hạnh. Hồi giáo đi xa hơn một bước, kết tội tình huống độc thân này. Nhưng nhìn từ một số góc độ chính trị, độc thân không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Nếu tu sĩ có quyền lấy vợ đẻ con, họ có khuynh hướng trở thành một đẳng cấp có đặc quyền, nhất là khi quyền lợi kinh tế dính dáng vào. Nhưng ngược lại, trong một chừng mực, tu sĩ lại không thể chỉ là người thường, và độc thân là yếu tố giúp người ta phân biệt họ với những người khác.

Phong trào cải tổ tu viện xuất phát từ Cluny, tu viện thành lập năm 910. Ở đấy, một nguyên tắc tổ chức mới được mang ra thực hành. Tu viện đặt giới quyền và trách nhiệm của Giáo hoàng. Cha bề trên của tu viện thực thi những lề luật xuất xứ từ Cluny, nhắm tránh những cực đoan giữa hai thái cực, một bên là sự xa hoa, và bên kia, sự khồ hạnh quá đáng. Phong trào Cải Cách dấy lên theo. Tu viện Camaldolese năm 1012, Carthusians năm 1048, rồi Cistercians theo giáo luật Benedictine năm 1098. Về phần Giáo hội , cải tổ là kết quả cuộc đấu tranh giữa Đại đế và Giáo hoàng. Gregory VI thừa kế Benedict IX, nhưng Đại đế Henry III, cũng là một nhà cải cách trẻ và năng động, không thừa nhận chuyện cải cách Giáo hội . Năm 1046, ở tuổi 22, Henry đi thẳng xuống Rome và truất quyền Gregory, chỉ định tân Giáo hoàng, và kín đáo cho thông tin là ai đi ngược lại ý muốn của Đại đế đều có thể bị bỏ sang bên lề quyền lực. Dưới triều Henry IV, từ 1056 đến 1106, quyền lực Giáo hoàng được phần nào phục hồi. Nicholas II ra nghị quyết trao vào tay những Hồng y có quyền bầu Giáo hoàng, nhưng lơ đi vai trò của Đại đế. Ông cũng kiểm soát chặt chẽ những Giám mục. Năm 1059 Nicholas II đưa Peter Damian, một học giả Camadolese, đến thành phố Milan để xác quyết lại quyền lực Giáo hoàng và ủng hộ những cải cách địa phương. Damian là tác giả luận cứ theo đó Thượng Đế không bị chế ngự bởi tính mâu thuẫn, có thể thôi không làm những gì đã làm, quan điểm sau này bị Thomas bác bỏ. Triết học, theo Damian, là thứ phẩm của thần học, và ông không chấp nhận biện chứng pháp. Chính chấp nhận tính mâu thuẫn mà rồi rất khó xác định khái niệm quyền năng vô biên cũa Thượng Đế. Nếu đấng tối thượng này thực toàn năng như thế, ngài có thể nào sáng tạo ra một hòn đá nặng đến độ ngài không nâng lên nổi không? Nếu có quyền năng vô biên, hẳn là ngài nâng lên được, nhưng mặt khác, ngài lại chẳng tạo ra được hòn đá nặng đến độ ngài không nâng lên được, và đây là mâu thuẫn. Vậy thì, toàn năng là một khái niệm bất khả, trừ phi chúng ta phủ định nguyên tắc mâu thuẫn. Nhưng như thế, mọi diễn ngôn đều vô nghĩa, và chính vì thế mà sau này lý thuyết của Damian bị đẩy vào quên lãng.

Người thừa kế Nicholas II được bầu, và xung đột giữa Đại đế với Giáo hội tăng, phần thuận lợi có nghiêng về phía những Giáo hội. Năm 1073, người đứng đầu Giáo hội là Giáo hoàng Hildebrand, tức Gregory VII. Dưới trào vị này, mâu thuẫn giữa Giáo hội với Đế quyền kéo dài và chỉ chấm dứt nhiều thế kỷ sau. Nhẫn và Gậy mà những giám mục nhận là biểu thị của quyền hành xưa nay được trao từ Đế quyền. Gregory lấy lại quyền này, nâng uy tín Thần quyền. Xung đột lên đỉnh điểm khi Đại đế Henry IV phong chức Giám mục ở Milan vào 1075. Giáo hoàng dọa sẽ truất phế và rút phép thông công của Đại đế. Vị này tự phong là quyền uy tối cao, và truất ngôi Giáo hoàng. Gregory phản pháo, rút phép thông công của Đại đế và Giám Mục Milan, tuyên bố truất quyền họ. Ban đầu, Giáo hoàng trên tay, và Henry IV đến xin ăn năn ở Canossa năm 1077. Nhưng đây chỉ là một động thái chính trị. Mặc dầu những người đối nghịch có đề nghị người khác vào vị trí Đại đế, Henry IV vẫn thủ thắng, và khi Gregory VII thông báo sẽ ủng hộ kẻ tranh quyền là Rudoff vào năm 1080 thì quá muộn. Henry đã sắp xếp bầu ra một người làm Giáo hoàng, và cùng người này vào Rome năm 1084 để được đặt vương miện. Gregory cầu viện người Norman ở Sicily, đẩy Henri IV lui, nhưng lại thành tù nhân của những kẻ bảo vệ ông cho đến khi chết năm sau. Gregory VII không thành công, nhưng quan điểm chính trị của ông lại là chỗ dựa cho Giáo hội thời gian sau này.

Tổng Giám Mục Canterberry (1093-1109) là Anselm theo vết Gregory VII, gây xung đột tranh cãi với Thế quyền. Về mặt triết học, ông đề xuất một quan niệm về bản thể của sự hiện hữu Thượng Đế. Đấng này về tư tưởng là vô cùng lớn, không thể không hiện hữu, bởi nếu thế thì không thể là cái lớn nhất được. Cái sai ở đây là cho rằng hiện hữu do bản chất mà thôi. Thế nhưng nhiều triết gia từ khi đó lại chấp thủ đề xuất này.


[1] Đế quốc Byzantine (hay Byzantium) là Đế quốc Rome phương Đông có thủ phủ ở Constantinople. Khác với Đế quốc Rome phương Tây, Đế quốc phương Đông gắn bó với truyền thống văn hóa Hy Lạp, theo Ki-tô giáo chứ không theo Đa thần giáo, và dùng ngôn ngữ Hy chứ không dùng tiếng Latinh.

[2] Triều đại ở Gaul dưới quyền người Salian Frankisk trong 300 năm từ thế kỷ thứ 5.

[3] Roland là một vị tường trấn thủ của Charlemagne, chết trong trận chiến Ronceaux và được ngợi ca trong văn chương thời Phục Hưng, nhất là với Những bài hát về Roland vào thế kỷ 11.

[4] Vua nước Pháp từ 768, và Hoàng đế Rome từ 800-814, thu phục phía Tây và Trung thổ Âu Châu. Trong thời gian tại quyền, ông chiếm đóng Ý, Giáo hoàng Leo III đội vương miện cho ông, chình thức chấp nhận thế quyền Rome. Thời Charlemagne, tôn giáo, nghệ thuật, và văn hoá được phục hồi qua Giáo hội Ki-tô.