Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Giải Nobel cho Bob Dylan

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng

Quả ồn ào cái thế giới chữ nghĩa. Bob Dylan kẻ hát (? hỏng) được giải Nobel văn chương. Ô hay, văn chương sao lại hát, có tiếng ghita đệm, và tiếng trống bập bùng, và tiếng saxo rên xiết, tiếng người lao xao… Tận thế chẳng? Hay lũ mũ cao áo dài trao giải ở Stockholm phát khùng? Năm nào cũng gần như vậy, tranh cãi ai xứng đáng ai không, kẻ nhận giải đến từ nước nào, vì sao, và công việc họ mang lại được gì cho… nhân loại? Cái nhân loại ở thế kỷ 21 đầy rối rắm, mất phương hướng, cứ loanh quoanh “cho đời (thêm) mỏi mệt”, mới vừa rồi la hoảng vì Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ mới đưa Đại Đế Trump lên ngôi. Đại Đế là kẻ bài xích chuyện Hiệp Chủng, đòi đuổi hàng triệu người nhập cư và xây một bức tường (ô nhục?) phân chia ranh giới Mỹ - Mễ, giàu - nghèo, da trắng - da màu và vân vân.

Giải thưởng Nobel cao quí? Ngày còn là sinh viên, tôi mua được toàn bộ sách được giải dịch sang tiếng Pháp. Sách đẹp, bìa cứng, Picasso minh họa, và tôi say sưa giở từng trang. Ô hay, chắc mình có giới hạn, có lẽ đâu đó 70% những tác phẩm được vinh danh không mấy hay, phần lớn là những tác giả miệt Bắc Âu trong những năm đầu… Nhưng cũng có vài an ủi: Tagore, Bertrand Russell, Steinberg, Faulkner, và… và kể cả J-P. Sartre. Vị này đã lắc đầu quày quạy từ chối nhận giải để những kẻ lắm chuyện phán thế là phải vì tại sao trước đó Academie lại “dám” trao giải cho Camus, người ( có vẻ như) cạnh tranh với Sartre trên văn đàn tiếng Pháp.

Nhưng thú vị nhất vẫn là chuyện giải Nobel ở xứ ta, nơi cứ ra ngõ là gặp những nhà thơ, ai cũng có thể là “ứng viên” cho cái giải Nobel văn chương cao quí. Chúng ta ngỡ ngàng khi đại gia, kiêm nhà thơ, Hoàng Quang Thuận nộp đơn xin ứng cử, với sự giới thiệu (tôi không dám kiểm chứng hầu chính xác) của các quan chức Hội Nhà Văn Việt Nam… Phần mình, tôi ngậm cỏ cắn răng cầu cho khí thơ Yên Tử bay cao bay xa vào vòm trời thơ thế giới, và ngỡ ngàng, thậm chí bực dọc khi biết giải Nobel là cái vinh dự không có truyền thống ứng cử và bầu cử với đa số 50% +1 để thắng. Đấy, ai bảo dân chủ phổ quát là nhịp đập của trái tim nhân loại nào! Thật tệ!

Nói đến nước ta thì đúng là trong giới nghệ sĩ Việt Nam có những người sửng sốt khi nghe tin giải thưởng Nobel về tay Bob Dylan, một nhạc sĩ, lại là ca sĩ nổi danh “phản chiến”. Lời bình kiểu Thánh Thán dạng ca xướng thì… vô loài là lời bình đậm hương vị truyền thống. Nhưng truyền thống gì? Trong nền văn chương đậm ảnh hưởng Nam Á như Nhật, Hàn, Việt Nam… thì hai chữ thơ ca là một từ kép, thơ dính vào ca như định mệnh xe duyên lời vào tiếng hát. Xin kể, ở đời Đường nhà thơ Lý Bạch đã sáng tác dạng Từ là thơ để hát, đến thời Tống thì thơ để hát trở thành Tống Từ, một loại hình như thơ xuôi đương đại và được trình diễn dưới dạng ca ngâm. Ở Việt Nam ta, ngâm thơ, hát ả đào, thậm chí hát xẩm… cũng là những thể loại trình diễn Thơ khá phổ cập. Chữ Thơ tôi vừa viết hoa để nhấn mạnh là Thơ. Cái gì là Thơ đây? Thí dụ cái gì không phải là Thơ để tìm. Chẳng hạn bài hát kiểu “một trăm phần trăm em ơi một trăm phần trăm” thì rất khó cho rằng lời như thế là Thơ. Hay “vì đâu ô hay trăng sắp rụng xuống cầu” hoặc “em ơi nếu mộng không thành thì sao”. Là, hay không Là? Vấn đề ở đó và câu trả lời tùy bạn!

Về Bob Dylan, người có đâu đó 400 ca từ có phải bài nào cũng là thơ không thì chắc chắn là không. Nhưng có nhiều bài ta có thể goị là thơ. Còn thiếu thời, Bob Dylan với bài Blowing with the wind, tạm dịch là Để gió cuốn đi, theo tôi là Thơ. Chính chàng ta thú nhận là mình chịu ảnh hường đáng kể của Guthrie, Ginsberg, Kerouac, và thật bất ngờ, của Rimbaud. Một trong những khuôn mặt nổi trội thời Beat Generation, Bob Dylan sống cùng hơi thở của thời đại mình, sát cánh với Martin Luther King chống kỳ thị sắc tộc, và năng nổ trong phong trào chống chiến tranh với nhiều ca khúc phản chiến do Joan Baez trình diễn. Hai nghệ sĩ này có một mối tình nhưng không bền, và mời các bạn nghe bài Love is a just a Four-Letter-Word mà J. Baez hát cho những dở dang mà tôi xin chuyển ngữ dưới đây.

Theo thiển ý, trong thời đại mình, nhà Thơ là kẻ bắt kịp nhịp đập của tim, nâng cao phẩm giá làm người, hoặc chí ít cao giọng hát những lời nhằm giữ con người là con người. Trong nghĩa đó, Bob Dylan là một nhà Thơ đích thực, dẫu giải thường Nobel vinh danh anh có thể gây nhiều tranh cãi.

Xin tham khảo : https://www.washingtonpost.com/entertainment/books/does-a-musician-have-any-right-to-win-the-nobel-prize-in-literature/2016/10/13/34710658-915f-11e6-a6a3-d50061aa9fae_story.html?tid=pm_entertainment_pop_b )

Tôi nghĩ chắc giải thưởng trao cho Bob Dylan sau những ồn ào câu khách sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến tiểu thuyết, cả chuyện đọc lẫn viết. Văn chương là chuyện bất bình tắc minh (Hàn Dũ), khi lòng bật ra tiếng bức bách của lòng thì “ trăm năm để một tiếng lòng từ đây” (Nguyễn Du), chẳng có cái giải thưởng nào tác động được trên những nhà văn, nhà thơ đích thực.

Giải Nobel văn chương đã trao cho nhiều thể loại với nội dung đa dạng. Về Sử, kể Churchill, De Gaule… Triết có Russell, Sartre… Truyện ngắn chẳng phải chờ đến Munro mới có, và Kịch, thể loại gầy “cách mạng”, thì chẳng hiếm hoi gì. Với Bob Dylan, ồn ào một chút, nhưng năm nào cũng tranh cãi, chuyện thường thôi. Nhưng thật ra, rồi đâu vào đó, cái gì có giá trị sẽ tự nó tồn tại, hữu xạ tự nhiên hương thôi. Nói quá nhiều, thành vô tích sự. Tôi xin chép bản chuyển ngữ nghĩa dưới đây, không uốn éo mà đọc cũng thấy là thơ, của kẻ chua chát bảo Tình chỉ là một từ-4-chữ.

 

Tình chỉ là một từ-4-chữ

Nam Dao chuyển ngữ (2016)

 

Như mới ngày hôm qua
Tâm trí tôi bỏ lại
quán cà phê Gypsy
vói một bà bạn tôi

ngồi với một bé em nặng trĩu trên đùi
nói về cuộc đời tự do không còn nô lệ

mắt không chút dấu vết những khổ đau

câu đầu tiên tôi nghe

Tình chỉ là một từ-4-chữ

 

Bên ngoài bức mành xộc xệch

Mèo kêu meo meo khi ngày mới rạng

Tôi, tôi chỉ lặng im

với bạn, tôi chẳng thể nói lên lời

kinh nghiệm đời tôi hạn hẹp hiếm hoi

bạn nói trong khi tôi che giấu

người đàn ông cha của đứa bé

bạn không biết nhưng có lẽ tôi đã nghe

bạn bảo Tình chỉ là một từ-4-chữ

 

Tôi nói lời chia tay hờ hững

Quay về những riêng tư

Trôi xa đi rồi lại giạt vào mảnh đời mình

không thể gọi được tên

tìm cái hồn tôi qua sự bốc hơi bản diện

tôi cố nhưng không tìm ra cánh cửa nào

và nghĩ chẳng có gì phi lý hơn

rằng Tình chỉ là 1-từ-4-chữ

 

Dẫu rằng tôi sẽ chẳng bao giờ biết bạn có ý gì

khi bạn nói với người đàn ông

tôi chỉ có thể nghĩ theo cách của mình

và nay tôi hiểu

sau khi vừa đi vừa nghĩ tôi thấy

nụ hôn Thần Thánh lẽ ra phải vĩnh cửu

như định mệnh, nhưng tan thành khói sương

rơi trên những kẻ lữ hành

Và nay tôi hiểu hành trang là do tôi chọn mang đi

thật sự chẳng cần đoan chắc làm chi

rằng Tình chỉ là một từ-4-chữ

 

Thật lạ, bao nhiêu năm bên nhau

đổi thay vần chuyển

Em có lẽ vẫn không tin
nếu tôi nói tất cả những điều tôi học được

Và thật là quái lạ khi tai văng vẳng lời nài xin “mãi mãi”

tôi lại nghe tiếng lương tri, tôi không thể lừa ai

hệt như khi nhớ gương mặt một người dạy tôi

Thôi, nào biết nói gì hơn là lặp lại điều tôi nghe

rằng Tình chỉ là một từ-4-chữ

 

Love Is Just a Four-Letter-Word

Bob Dylan, 1967

Seems like only yesterday
I left my mind behind
Down in the Gypsy Cafe
With a friend of a friend of mine -
She sat with a baby heavy on her knee
Yet spoke of life most free from slavery
With eyes that showed no trace of misery -
A phrase in connection first with she I heard
That love is just a four-letter word.


Outside a rambling store-front window
Cats meowed to the break of day -
Me, I kept my mouth shut,
To you I had no words to say -
My experience was limited and underfed -
You were talking, while I hid,
To the one who was the father of your kid:
You probably didn't think I did, but I heard
You say that love is just a four-letter word.


I said goodbye unnoticed,
Pushed towards things in my own games,
Drifting in and out of lifetimes
Unmentionable by name,
Searching for my double, looking for
Complete evaporation to the core -
Though I tried and failed at finding any door,
I must have thought that there was nothing more absurd
Than that love is just a four-letter word.


Though I never knew just what you meant
When you were speaking to your man,
I could only think in terms of me
And now I understand -
After waking enough times to think I see
The Holy Kiss that's s'posed to last eternity
Blow up in smoke, its destiny
Falls on strangers, travels free -
Yes, I know now, traps are only set by me
And I do not really need to be assured
That love is just a four-letter word.


Strange it is to be beside you
Many years, the tables turned -
You'd probably not believe me
If I told you all I've learned -
And it is very, very weird indeed
To hear words like "forever" plead,
So ships run through my mind, I cannot cheat -
It's like looking in a teacher's face complete:
I can say nothing to you but repeat what I heard -
That love is just a four-letter word.