Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Chiến thắng của Donald Trump qua góc nhìn của hai nhà văn Mỹ gốc Việt

Xin cám ơn một nước Mỹ vĩ đại

(Thư gửi con gái của một người tị nạn Việt Nam)
T. Vấn
 
Con gái của Bố!
Đã một tuần lễ trôi qua, kể từ đêm hai bố con mình hầu như thức trắng, mỗi người ở một nơi mà khoảng cách không gian tính ra dài gần một ngàn dặm đường. Qua trung gian đường dây điện thoại, bố cảm được nỗi tuyệt vọng của con khi nhìn những con số nhảy múa trên mặt màn hình máy tính. Ở căn nhà cũ của chúng ta, nơi con sinh ra và trưởng thành, rồi bay ra khỏi tổ ấm đi xây dựng đời mình, bố cũng ngồi lặng lẽ trước máy tính, cũng cùng một cảm xúc như con. Vì những con số đang nhảy múa ấy, đã không như bố và con mong đợi.
Sự không mong đợi ấy, với bố, tuy là một ngạc nhiên thật khó chịu, nhưng không đến nỗi khiến bố bị mất thăng bằng tâm lý. Sống đến từng tuổi này, bố đã nhiều phen trải qua những bất ngờ bi thảm hơn thế, tệ hại hơn thế. Thí dụ như cái kết bất ngờ của cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc ấy con còn đang ở lơ lửng đâu đâu trong vũ trụ mênh mông này.
Với con, bố biết, đó là một biến cố sẽ ghi dấu trong tâm hồn non trẻ của con như là một trong những sự kiện khó quên của một đời người. Giọng nói sũng nước, ngắt quãng của con qua điện thoại, vào lúc 2 giờ sáng, với một câu đơn giản "Bố chưa đi ngủ hả bố?" đã đủ để bố hiểu hết những gì đang diễn ra trong đầu con lúc ấy.
Cuộc chạy đua vào chức vụ quyền lực nhất hành tinh đã kết thúc. Có một kẻ thắng. Và tất nhiên, bên cạnh đó có một người thua.
Bố biết, cùng với hàng triệu người, hàng chục triệu người, hàng trăm triệu người (Mỹ và không phải Mỹ trên thế giới) đêm hôm đó con đã khóc. Không phải vì kẻ thua. Bố biết điều đó. Nếu nước mắt đổ ra vì một kẻ thua trên đấu trường chính trị, thì chẳng có gì nhiều để nói. Và hẳn là bố sẽ không có động lực để ngồi viết lá thư này cho con. Cho cả những người trẻ đã ôm nhau khóc, hay lặng lẽ ôm mặt tức tưởi một mình như con, đêm hôm đó.
Bố hiểu, nước mắt của con, của những người trẻ cùng trang lứa, đã đổ ra vì kẻ thắng. Hay nói đúng hơn, vì những lá phiếu của gần 60 triệu cử tri Mỹ đã bỏ cho ông ta.
Con khóc cho một niềm tin vào sự tốt đẹp của con người, mà nước Mỹ là nơi sản sinh ra những biểu tượng tốt đẹp nhất, là thành trì kiên cố nhất để bảo vệ, để xiển dương, nay dường như đã không còn là nước Mỹ mà cả thế giới hướng về như một vị cứu tinh mỗi khi hoạn nạn.
Có thể con đang tự hỏi con: Tại sao thế?
Bố cũng đang tự hỏi mình:
Một anh trọc phú gặp vận may, cuối đời muốn kiếm thêm một danh vị cho xứng với sự giàu có (?) của mình, thì có gì mà phải bi thảm hóa vấn đề như thế?
Rà soát lại tất cả những gì xẩy ra từ hơn một năm nay, bố trả lời con – và cả với chính bố rằng: Đấy chính là vấn đề. Vì chỉ muốn kiếm thêm một chút danh vọng cuối đời, ông ta đã bất chấp tất cả những chuẩn mực đạo đức tối thiểu của một con người bình thường: dối trá, bịa đặt, mị dân, khơi dậy những phần u tối nhất vồn tiềm ẩn trong mỗi con người để họ tưởng rằng ông ta chính là vị cứu tinh thời đại, chính là sứ thần đến từ trời, và bằng phép lạ trời trao, ông ta sẽ biến đất nước này thành vĩ đại như nó đã từng vĩ đại (trong trí tưởng tượng của ông ta và của phần u tối nhất trong mỗi con người).
I am the only one who can fix our problems.
Con có còn nhớ trong một buổi nói chuyện với cử tri, sau khi chỉ ra những vấn đề có thật và không có thật của nước Mỹ hiện tại, ông ta đã hùng hồn tự tuyên xưng như thế. I am the only one who can fix our problems.
Thời buổi nhiễu nhương thường hay xuất hiện những kẻ giả hình. Như ở Phi Luật Tân. Như ở nước Anh. Như ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và chúng đã thành công trong sứ mạng tiêu diệt những gì tốt đẹp nhất của nhân loại theo lệnh của quỷ dữ, theo lệnh của những ước vọng tội lỗi ngàn đời mà mỗi con người chúng ta, chẳng may, cưu mang từ lúc mở mắt chào đời. Những ước vọng tội lỗi ấy, vốn đã bị trói tay trói chân nhờ những chuẩn mực luân lý, nhờ niềm tin tôn giáo, nhờ những luật pháp được đặt ra để ngăn ngừa, để trừng trị nếu một người nào đó để cho phần thú tính trong mình ngóc đầu dậy làm tổn hại xã hội chung quanh.
Thế nên, cái ý nghĩa biểu tượng đáng sợ nhất của kẻ giành được phần thắng trong cuộc đua nhơ nhuốc, bẩn thỉu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Mỹ, chính là đã khơi mào cho niềm hy vọng phục sinh những gì u tối nhất trong phần thú của con người bấy lâu nay bị sự công chính, điều thánh thiện thể hiện qua luân lý, qua tôn giáo, qua luật pháp đè bẹp.
Con biết không! Những người tị nạn Việt Nam mình, mấy chục năm trước đặt chân lên đất Mỹ, nhiều người may mắn chỉ gặp những người Mỹ đầy lòng hảo tâm, đầy lòng trắc ẩn sẵn sàng mở rộng vòng tay chào đón những kẻ hoạn nạn phải lìa bỏ quê hương xứ sở của mình đến đây nương thân, lập nghiệp.
Nhưng vẫn có những người tị nạn Việt Nam khác, chẳng may gặp phải những ánh mắt rẻ rúng, khinh miệt, thậm chí có những cử chỉ xua đuổi, dọa nạt nơi một số người bản xứ hẹp hòi, ích kỷ. Sở dĩ họ không dám làm điều gì tệ hại hơn là vì xứ sở này có luật pháp. Mà nếu họ vi phạm luật pháp thì chắc chắn sẽ phải gánh chịu hậu quả không hay. Nhờ vậy, chúng ta được sống an ổn, được có cơ hội vươn lên nơi mảnh đất hợp chủng này.
Con thử tưởng tượng chúng ta là những kẻ chân ướt chân ráo nhập cư nước Mỹ khi kẻ vừa thắng cuộc tranh cử đang chuẩn bị cầm quyền, khi những luận điệu dối trá mị dân của ông ta còn tươi rói bên tai những kẻ ủng hộ cho ông ta, khi mà cảm thức "phục hồi lại một nước Mỹ vĩ đại" đang thừa thắng xông lên trong mọi ngõ ngách của đời sống thường nhật: công ăn việc làm, sinh hoạt văn hóa xã hội... thì liệu cơ hội cho những kẻ "khốn cùng" này có được bao nhiêu phần may mắn như chúng ta đã từng may mắn mấy chục năm trước?
Dường như trong những kẻ tị nạn Việt Nam năm xưa, có người chỉ nhìn thấy phần "Rambo" siêu nhân, sức mạnh nước Mỹ trong những lời "huênh hoang", "nói cho sướng miệng" của tay trọc phú, với hy vọng nhìn thấy ông ta "bóp nát" bọn Trung Quốc láo xược, trừng phạt thẳng tay nhà nước độc tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng, nếu bình tâm lại, người ta sẽ thấy chính sách đối ngoại của nước Mỹ được đặt ra không phải chỉ bởi vị tổng thống đương nhiệm, mà còn bởi quốc hội, bởi những tổ chức lợi ích giấu mặt đằng sau sân khấu chính trị, và luôn luôn với mục tiêu vì quyền lợi nước Mỹ trên hết. Hiếu chiến hay ôn hòa, mạnh tay hay hòa hoãn, trước hết phải xem nó có đem lại lợi ích cho nước Mỹ hay không trước đã.
Thế nên, mong đợi điều tốt lành xảy ra cho đất nước mình bằng cách ủng hộ một vị tổng thống Mỹ "Rambo", siêu nhân là một ảo tưởng tội nghiệp.
Để rồi quên đi, hay không nhìn thấy, những hệ quả đáng sợ của một quan niệm (không phải chính sách, vì sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành chính sách) có tính kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo của kẻ đang chuẩn bị nắm quyền ở nước Mỹ. Gần 60 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông ta là những người đã, đang và sẽ sở hữu vũ khí (giết người) trong tay với chỗ dựa, niềm tin, lý do biện minh là Hiến Pháp nước Mỹ cho phép họ sở hữu chúng, rằng người giữ chức vụ cao nhất của chính quyền nước Mỹ muốn họ sở hữu chúng. Điều gì sẽ xảy ra – khi một kẻ điên, kẻ cuồng tín, kẻ ganh ăn tức ở, kẻ nhìn người khác chủng tộc đến đây như là để giành mất công việc béo bở lương cao, chiếm mất chỗ ở được thiên nhiêu ưu đãi khí hậu hiền hòa, lái những chiếc xe sang trọng sản xuất từ ở những nơi không phải nước Mỹ, là những kẻ làm cho nước Mỹ không còn vĩ đại như xưa nữa – lúc nào cũng có sẵn cây súng trên tay.
Trong số 60 triệu người ấy, chỉ cần một tỉ lệ rất nhỏ có tâm trạng bất ổn như thế cũng đã đủ để đe dọa sự an toàn của 300 triệu người còn lại, trong đó có con cái những kẻ tị nạn người Việt, những sản phẩm thượng hạng của sự cần cù, cầu tiến, quyết tâm vươn lên, quyết tâm chăm chỉ học hành và hiện đang may mắn có được những công ăn việc làm tốt đẹp, làm chủ những căn nhà đắt tiền, những chiếc xe tiện nghi, những cơ sở kinh doanh, dịch vụ phát đạt khắp nơi trên đất Mỹ.
Thành quả ấy không đến từ sự may mắn từ trời rơi xuống. Và chắc chắn, không đến từ kẻ huênh hoang tự tuyên xưng "I am the only one who can fix our problems". Trong một xã hội cạnh tranh công bằng, kẻ nào chăm chỉ, kẻ nào thông mình, kẻ ấy sẽ thành công.
Trên thế giới này, không có chủng tộc nào thông mình hơn, tài giỏi hơn chủng tộc nào. Chỉ có những môi trường lành mạnh thích hợp cho những bộ óc lỗi lạc phát triển tài năng của mình. Xã hội Mỹ hiện nay đang chứng tỏ là một môi trường lành mạnh, là nơi mọi tài năng bất kể chủng tộc, màu da, tôn giáo, đức tin, đều có cơ hội chứng tỏ chính mình. Chính vì thế, nó thu hút những bộ óc lỗi lạc đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đây mới chính là sự vĩ đại của nước Mỹ, mà không quốc gia nào trên thế giới có thể cạnh tranh được với nó. Nó vĩ đại vì nó đã giúp cho những con người vĩ đại trở nên vĩ đại, vì những con người này không thể có được những thành tựu vĩ đại nếu họ không sinh sống ở nước Mỹ. Một thanh niên Việt Nam mới 18 tuổi đã trở thành giáo sư phụ tá giảng dạy môn Toán Học ở một trường đại học lừng danh ở tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đạt được thành tựu đó nếu em sinh sống ở Việt Nam, ở trên quê hương cha sinh mẹ đẻ của mình. Và sự thành công ấy đến từ nước Mỹ, của nước Mỹ, chứ không phải Việt Nam. Vinh dự ấy là dành cho nước Mỹ, chứ không phải "vinh danh tổ quốc Việt Nam" như báo chí trong nước một dạo làm ầm ĩ về sự kiện này.
Theo bố, khẩu hiệu mị dân "Make America Great Again" chỉ làm cho nước Mỹ kém đi phần vĩ đại như nó hiện đang được thế giới tôn xưng là vĩ đại. Một căn nhà, một đất nước làm sao có thể trở thành vĩ đại nếu như nó không thể dung chứa được thế giới trong căn nhà, trong mảnh đất của mình?
Con hiện làm việc trong lãnh vực phần mềm máy tính, máy điện thoại thông minh. Bạn bè, thầy cô của con có nguồn gốc từ hầu như khắp nơi trên thế giới. Vì thế, thành phần tôn giáo những người này cũng rất đa dạng. Nhưng, như con đã kể với bố, họ đều có cùng một mẫu số chung: niềm đam mê với công việc họ đang làm, đam mê với những phát minh có thể làm lợi cho toàn thế giới, biến những mã số vô tri vô giác thành công cụ xiển dương tình yêu, sự bình đẳng, sự sống chung hòa bình của những dị biệt trong mọi lãnh vực đời sống. Thêm một cái chung nữa: với những người trẻ đa chủng tộc, đa tôn giáo này, nước Mỹ là điểm tập họp, là nơi dung chứa, là mảnh đất màu mỡ nuôi nấng niềm đam mê của họ, giúp họ ngày một điêu luyện hơn trong kỹ năng mài giũa công cụ kỹ thuật đem con người trên thế giới đến gần nhau hơn trên một mặt phẳng toàn cầu.
Con gái của bố!
Bố hiểu rằng, suốt một tuần lễ nay, con và những người bạn trẻ của con sống trong một nỗi sợ hãi mơ hồ về sự bất an, về sự nhục mạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Tin tức về những sự kiện người ta hành hung, đe dọa, phỉ báng lẫn nhau với lý do chủng tộc, tôn giáo, đồng tính xảy ra dồn dập song hành cùng với những cuộc biểu tình xuống đường của những người không đồng ý với kết quả bầu cử ở khắp các thành phố lớn ở nước Mỹ hẳn sẽ khiến con càng thêm cảm thấy bất an hơn nữa. Con phải nhớ rằng nước Mỹ là nơi ai cũng được quyền nói lên ý kiến của mình. Và dù thế nào, vẫn còn đó một nền pháp luật nghiêm chỉnh. Và cho dù những kẻ từ trước tới nay vẫn không hề giấu giếm sự kỳ thị của mình đối với người da màu, đối với người khác chủng tộc, đã ngang nhiên lái những chiếc xe tải chạy thẳng vào đám đông người biểu tình cũng không hề có nghĩa là pháp luật hiện nay của nước Mỹ sẽ nhắm mắt để mặc họ muốn làm gì thì làm. Họ sẽ bị trừng trị, bất kể vị tổng thống vừa đắc cử là người đã "gây hứng khởi" (inspired) cho những hành động phạm pháp của họ.
Nước Mỹ không phải chỉ của gần 60 triệu người đã bỏ phiếu cho ngài trọc phú. 60 triệu 300 ngàn người khác đã chính thức bỏ phiếu ngược lại, trong đó có hai bố con mình. Và đừng quên gần 200 triệu người khác đã không bỏ phiếu, hay chưa được quyền bỏ phiếu, hay chưa đến tuổi được bỏ phiếu. Đó là bố không tính đến dư luận của những người công chính sống ngoài ranh giới nước Mỹ. Con số này lớn hơn rất nhiều.
Love trumps hate. Con thừa biết rồi đấy. Tình yêu luôn luôn chiến thắng hận thù. Lẽ phải luôn thuộc về đám đông. Con là một người trong đám đông ấy. Và con, cùng với các bạn của con, sẽ là những người chiến thắng, dù nhất thời các con cảm thấy mình bị hụt hẫng vì những gì hiện đang xẩy ra.
Cùng với hàng trăm triệu người Mỹ, con hãy tiếp tục chứng minh với những người muốn "Make America Great Again" rằng, nước Mỹ hiện nay đang vĩ đại vì những điều nó đang làm, vì nó đã dung chứa được những người như con, con cháu những kẻ khốn cùng năm xưa, những người như bạn bè thầy cô giáo của con, những kẻ có nước da đen vàng nâu xám nhưng máu trong tim vẫn mang một màu đỏ như bao người khác, và vì thế, cùng mang một ước vọng lớn nhất là giữ cho nước Mỹ luôn là mảnh đất mà cả thế giới hướng về, mỗi khi hoạn nạn.
Làm được điều đó, là con đã tìm lại được sự bình an, không chỉ trong tâm hồn nhạy cảm của con, mà còn cả trong cuộc sống xã hội của con trên mảnh đất mà, nếu bố không có cơ duyên đến đây, chưa chắc con được ra đời, nói gì đến những kết quả của bao nỗ lực bố con mình đã cùng nhau chia sẻ 24 năm nay mà hiện con đang thụ hưởng.
Cùng nhau, con với bố, mình cám ơn nước Mỹ, cám ơn cả anh trọc phú vừa đắc cử vì nhờ anh ta, bố con mình mới nhìn ra được nước Mỹ vĩ đại biết là chừng nào.
Thành Phố Wichita, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ
Ngày 11 tháng 11 năm 2016
(Ngày Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ)
 

Thay được mà

Trần Mộng Tú
 
Sáng nay tôi thức dậy muộn, Frank gõ cửa phòng ngủ của tôi, hé cánh cửa gọi vào:
- Em ngủ dậy chưa? Chậu hoa cúc của em vỡ rồi.
- Chậu nào?
- Chậu cúc vàng để ở bực thang lên balcony trên lầu.
Tôi vội vàng chui ra khỏi chăn, khoác cái áo ấm vào, hấp tấp đi xuống nhà dưới, mở cửa chính nhìn ra.
Frank đã thu dọn rồi. Cây cúc vàng với những chùm hoa nở rộ đã được đặt tạm vào một cái sô nhựa, những mảnh sứ bể được cho vào một cái thùng giấy, đất tung ra cũng đã được quét dọn sạch.
Frank đứng phân trần: Sáng sớm nay gió mạnh quá, thổi bay cả chậu hoa từ mấy bực thang rơi xuống, anh nghe thấy một tiếng xoảng thật to, chạy ra thì thấy chậu, hoa và đất cùng tung tóe mỗi thứ một nơi.
Chiếc chậu sứ này tôi mua cả hai mươi năm trước trong một dịp đi chơi Vancouver, Canada. Đồ gốm thường không có gì đặc biệt, nhưng nhìn nó vỡ cũng thấy buồn buồn. Bao nhiêu loại hoa khác nhau đã được thay phiên trồng trong chiếc chậu này. Tôi cố nhìn xem, liệu có thể hàn những mảnh vỡ vào với nhau không? Nhìn cái xô nhựa ngứa mắt thật.
Bụi cúc vàng đẹp rực rỡ, từng chùm hoa khỏe mạnh, có chùm bông nở mãn khai, có bông nở hàm tiếu và có cành con nặng trĩu nụ. Dưới chân nó đất nâu hồng màu mỡ hứa hẹn như thêm sinh lực cho hoa. Cái chậu bể, phải kiếm cho nó cái chậu khác, sớm hay muộn cũng thay được cái xô nhựa, cũng kiếm được cái chậu thích hợp giữ được đất, làm tăng vẻ đẹp cho cây. Trong thời gian chờ kiếm được cái chậu ưng ý nhất, tạm thời kiếm giấy hoa bọc chung quanh cái xô nhựa, buộc thêm cái giải nơ vào, có khách đến chơi trông cũng không tệ lắm. Không thể đứng đó mà chê bai cái xô nhựa này mãi được, phải giúp nó một tay chứ.
Hình như có điều gì vừa chạy qua trong đầu tôi liên quan đến chậu hoa vỡ này.
À, đúng rồi. Nước Mỹ vừa bầu xong tân Tổng Thống. Vị tân Tổng Thống này được một nửa số dân Mỹ hài lòng, nhưng bị một nửa số dân Mỹ không chấp nhận. Hai phe ghét và ưa đã và vẫn còn đánh nhau bằng hàng loạt bài trên mạng, mặc dù cuộc bầu cử đã xong. Mỗi ngày tôi nhận được bằng Anh ngữ, Việt ngữ cả mười mấy bài trên email, chưa kể đến những bài viết trên báo mạng của giới truyền thông Mỹ Việt đăng tải.
Tôi đứng ngắm cây hoa, tảng đất, cái xô nhựa xấu xí, cái chậu sứ đẹp bị vỡ: Cây hoa là nước Mỹ, tảng đất nuôi cây là dân chúng Mỹ, cái chậu sứ đẹp hay cái xô nhựa là vị Tổng Thống. Cái thay thế được không phải là cây hoa hay tảng đất mà là cái chậu đựng cây.
Giữ cho cây hoa đẹp, dưỡng cho tảng đất màu mỡ, lành mạnh là quan trọng. Cái chậu thay được, đừng lo.
Hy vọng trước khi tìm được cái chậu sứ khác hoa vẫn còn tươi, đất vẫn còn màu mỡ. Nhưng làm sao biết được, có khi trồng trong cái xô nhựa xấu xí này hoa lại phát triển mạnh hơn, rực rỡ hơn là gò bó trong chậu sứ, Que sera sera mà.
11-12-16- Viết sau bầu cử