Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

CHẾT TẠI BUÔN-MÊ-THUỘT

Truyện

Đào Như

Xin ai đó khi đọc tựa đề “Chết Tại Buôn-Mê-Thuột” đừng vội nghĩ ngay rằng tôi đang viết về “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975” của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Không, đây là câu chuyện hoàn toàn khác và xảy ra tại Mỹ vào những tháng đầu năm 1997 đến năm 2000. Câu chuyện được bắt đầu như sau:

- Thưa bác sĩ, ông ấy và tôi đến Mỹ lâu rồi, từ năm 1984.

Bà vừa nói, vừa dùng ngón tay trỏ chỉ về phía người chồng. Bà ốm, cao người, tuy già lớn nhưng còn vẻ thanh tú. Bà nói giọng Quảng Nam. Lúc đó, 1997, theo đúng ngày sanh tháng đẻ của bà trên thẻ thường trú, bà cắn đúng 65 tuổi.

Ngồi bên cạnh bà, người chồng im lặng, nhỏ con, ốm và thấp hơn bà nhiều. Ông ta có đôi mắt ti hí quầng thâm đen, mặt toàn xương, có nhiều vết hằn trên trán, chứng tỏ trong quá khứ ông cũng có những đêm thao thức không ngủ được.

- Thưa bác sĩ, bà ấy với tôi đến Mỹ năm 1984, đúng vậy…

Nói đến đó ông ta nín thinh, hình như ông ta bị cụt hứng vì cái nhìn của bà vợ. Thấy vậy Trọng đỡ lời cho ông:

- Ông bà đến Mỹ theo diện nào? Có phải diện H.O. không?

- Mần reng mà diện H.O. được. Diện H.O đâu có đến Mỹ sớm dữ vậy. Với lại ông ấy đâu phải là sỹ quan… Bà thở ra nhẹ, bà nói tiếp:

- Ông ấy thượng sĩ già. Chúng tôi đến Mỹ theo diện con lai.

- Khổ lắm bác sĩ, ông thều thào. Tôi là lính của Sư Đoàn 2, từ thuở chí tư, cày từ lính, được gắn lon thượng sĩ giữa 73, đến năm 75, Việt cộng vào vào, rụi om, mất hết. Ông ôm đầu than vãn nhức đầu, mất ngủ, chán chường, đêm ngủ thấy toàn ác mộng.

Cuộc đối thọai sau đó kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, giữa hai ông bà và Trọng. Sau lần gặp gỡ này, Trọng được biết tên ông là Trần Thống, lúc đó ông bảy mươi tuổi. Hai vợ chồng đều ăn tiền bịnh, và có thẻ khám bịnh số 93, dành cho người bị bịnh, bất lực lao động. Ông là lính của Sư Đoàn 2, ông lặp đi lặp lại nhiều lần “tôi là lính của Sư Đòan 2, tôi ăn chịu với Sư Đòan 2, tôi trung thành với cây súng và màu đất đỏ…”.

Trọng ngạc nhiên, hầu như không hiểu được cách lý luận của ông ta. Theo ông thuật lại, giữa tháng 3 năm 75, tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân Đòan 2, sau khi nhận được lệnh hãy rút lực lượng theo kế hoạch ít thiệt hại nhất cho quân đòan, bảo vệ sinh mạng của chiến sĩ và gia đình họ. Tướng Phú sử dụng liên tỉnh lộ 7, nối liền Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Phú Yên để rút lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa từ cao nguyên về các tỉnh duyên hải Miền Trung. Cũng như các chiến sĩ khác, ông cũng đùm túm vợ và năm năm con theo sư đoàn rút về vùng duyên-hải. Trong cuộc triệt thoái này, quân đội Việt Nam Cộng Hòa gánh chịu những thiệt hại vô cùng to lớn, cũng như gia đình ông gánh chịu những mất mát đau thương: Ông thất lạc đứa con trai mười lăm tuổi mà ông nghĩ “nó bị vùi dập nơi mô rồi”! Ông miêu tả cái chết của vợ ông: “Bà chết ngay dưới chân tôi, nơi cái vực sâu hai thước. Biết làm sao bây giờ, tôi đành chôn bà ngay tại chỗ đó. Tội nghiệp bà, chết thế chồng con một mình, chết thê thảm quá! Tôi dựng một tấm bảng bằng tôn đề tên họ, để sau này mình có dịp may ra trở lại bốc mộ. Mà lâu bấy chừ có dịp mô đâu! Ông mô tả: Cộng quân vô cùng tàn bạo, không một chút tình nghĩa dân tộc. Lúc ấy liên tỉnh lộ 7, một hỏa ngục kéo dài từ cao nguyên đến các tỉnh duyên hải. Suốt dọc Liện tỉnh lộ 7 những suối máu, những con đường nhuộm máu nối tiếp nhau, cộng quân đã quyết tâm tận diệt chẳng những quân của quân đoàn 2 mà cả hàng trăm ngàn thường dân vô tội. Quân Việt Cộng vô sản đã đổ tất cả căm thù lên đầu hàng trăm ngàn người dân vô tội trên đường di tản từ cao nguyên về đến các tỉnh lị dọc duyên hải miền Trung. Về tới Tuy Hòa, sau hơn hai mươi năm lính, vốn liếng ông còn lại của ông: bốn đứa con, cái quần xà lỏn, cái áo thun, và một tương lai đói thấy rõ. Cũng như các chiến sĩ khác, lúc đó ông cũng đi đến kết luận: “cuộc đời binh nghiệp của tôi chấm dứt từ đây!”. Nghe oai và buồn. Thật bi hùng!

Còn Bà, quá khứ của Bà đúng là mẫu mực, người đẹp thời loạn- hồng nhan đa truân. Mà bà đa truân thật. Bà trải qua nhiều cuộc tình, cũng như bà có nhiều đời chồng. Bà thường hay tiếc rẻ, hồi đó tôi dở thật, tôi có biết thuốc ngừa thai gì đâu, thành ra với ông nào tôi cũng có con. Chỉ với ông này là tôi không có, khi tôi gặp ông, ông đã già rồi. Tôi lấy ông ấy như đũa có đôi. Bà nói như bà đã chủ động trong mọi lần bà sống chung với mỗi người đàn ông. Bà sanh tại Hội An, lấy chồng về Huế. Ở Huế, ngoài hoàng tộc, tôn thất, còn có nhiều vọng tộc khác như: Nguyễn Khoa, Nguyễn Hữu, Trần Thanh… Hình như người chồng Thừa Thiên của bà là một thư sinh xuất thân từ vọng tộc Huế. Bà có hai con. Bà đẹp và sang. Chồng bà là sĩ quan trung úy. Cấp bậc trung úy của ông chồng Bà, theo Bà kể là Trung úy bất đắc dĩ, chứ ông ấy tốt nghiệp Đại học Sư phạm hệ ba năm.

Biến cố Mậu Thân, 1968, tai ương cho Huế và cũng là tai ương giáng xuống gia đình Bà. Chồng Bà bị cộng sản giết chết và vùi thây trong mồ chôn tập thể. Nhà Bà bị máy bay Mỹ bắn rốc két cháy, sụp đổ nát tan, trong cái quyết tâm của họ giành lại thành phố Huế trong tay cộng sản. May mà hai đứa con Bà và Bà còn sống sót. Cơ cực quá rồi. Thôi thì đành phải “thoái thì về mẹ vậy ”. Bà thu xếp, đầu 69, bà dẫn hai con về Hội An ở với cha mẹ. Lúc đó cha mẹ Bà cũng đã già, ảnh hưởng chiến tranh gia tài gần như khánh kiệt. Sở dĩ ông cụ bà cụ còn đựơc giây phút nhàn nhã, là nhờ mấy thằng con trai có hiếu, đi lính đi tráng cũng dành dụm gửi tiền về bù đắp cho ông bà. Những năm 67, 68, 69, chánh phủ Mỹ đổ quân ào ạt vào Việt Nam. Số lượng quân viễn chinh Mỹ tại miền Nam Việt Nam lên đến con số kỷ lục hơn nửa triệu người. Cách Hội An về phía nam, không đầy 90 cây số, căn cứ Chu Lai của Mỹ được nới rộng. “Làm ăn với lính Mỹ” có màu giàu có nhanh và đỡ mệt nhọc.

Bà nói với bác sỹ Trọng:

- Tôi gởi các cháu cho ông bà ngoại chăm sóc cho đi học. Tội nghiệp các cháu giống cha, chăm chỉ học hành, sau này thành thân hết. Tôi lặn lội vào Chu Lai. Đâu có ham vui gì nữa, lúc đó tôi đã hơn nửa đời người. Tôi chỉ cần tiền nuôi các cháu và giúp đỡ cha mẹ. Tội nghiệp hai thằng em tôi, đi lính đi tráng, lằn tên mũi đạn, khổ sở mà phải dành dụm gửi tiền về nuôi cha mẹ. Thấy vậy tôi không đành. Tôi là chị cả cũng là con gái một… Cuộc sống đưa đẩy tôi đến ngày tôi gặp Bob, 1970, tại một Night Box trong căn cứ Chu Lai. Ông ta không phải quân đội, ông ta mặc đồ dân sự. Ông có xe, có tài xế riêng và hình như cũng có bác sĩ riêng nữa. Thật sự tôi không biết ông ta làm gì? Ông ta lúc nào cũng có gương mặt đăm chiêu, suy nghĩ. Có lẽ ông nghĩ về gia đình ông ta tại Mỹ, vợ ông, con ông và cha mẹ ông. Cũng như ông, tôi nghĩ về các con tôi, về Vinh, người chồng xấu số của tôi bị giết chết trong tết Mậu Thân, về cha mẹ tôi… Vì những điểm giống nhau đó, lúc đầu tôi chỉ cần tiền, nhưng sau hiểu nhau, chúng tôi đầu ấp tay gối với nhau thật sự. Ông ta cho tôi tiền nhiều lắm. Có tháng ông cho hơn cả năm, sáu trăm đô la. Ông thường nói đùa, ông cho tôi tiền còn nhiều hơn ông Tướng Kỳ cho bà Mai mỗi tháng.

Cuộc tình lớn của bà và Bob được kết thúc bằng hòa ước Paris, ký kết giữa Lê Đức Thọ và Kissinger vào 23 tháng Giêng, 1973. Sau khi rút về nước khoảng tháng 3/73, Bob để lại cho Bà đứa con trai chín tháng. Vào tháng 5 năm 1973 bà tự biết thời làm ăn với Mỹ đã hết. Một lần nữa bà quyết định “về với mẹ”. Bà đem tất cả tiền bạc và tài sản dành dụm được và bế đứa con “lai” về Hội An. Bà gặp sự phản đối dữ dội của hai đứa con bà. Ông cụ bà cụ vẫn giữ thái độ yên lặng. Phần thì thương và hiểu các cháu ngoại, phần thì cũng xót cho con gái của mình. Mà đâu có phải tại cháu hay tại con, như cụ bà thường than vãn: Tất cả đều trên trời rơi xuống, như bom đạn chiến tranh, như hỏa tiễn, tai bay họa gởi…

Thời gian là ông thầy thuốc tài ba nhất. Dần dần thời gian xoa dịu các vết thương tâm. Bà đem tiền về Hội An, bà xây dựng cơ sở làm ăn. Bà mở một quán cà phê. Mặc dấu ở tuổi bốn mốt, bốn hai, bà vẫn còn nhan sắc, nhất là một người đàn bà từng trải như Bà, quán cà phê của bà ăn nên làm ra. Gần miền có anh chàng chưa có vợ, trẻ hơn bà đôi ba tuổi, trước 73 làm nghề thông dịch cho Mỹ. Mỹ về nước, thất nghiệp, xin đến giúp Bà một tay. Bà nói:

- Xin đến làm không lương đó bác sĩ. Và một năm sau, trời ơi! Tôi đâu có ngờ ở tuổi bốn hai mà tôi còn có thể có thai với “hén”. Thôi thì cũng đành thương nhau “đậu gạo nấu cơm” mà nuôi con. Đến 75, “mấy ổng” vào, quán xá vẫn sinh hoạt bình thường. Mấy tuần lễ đầu tháng năm, mấy ổng hạch sách tí đỉnh. Nhưng vấn đề là mình phải “biết điều” với họ. Cũng phải thôi. Mình là ngụy mà có con lai nữa. Một cổ hai tròng. Nhiều anh cách mạng nói nhỏ với tôi là đừng lo, đừng đóng cửa quán, có gì các anh ấy che chở cho. Nhiều anh tốt bụng quá. Nhưng có một điều là thằng con lai của tôi, thằng Lùi, nó lớn như một thực tế đáng sợ: Da trắng, tóc vàng, mắt xanh, trông giống cha nó, thương đứt ruột.

- Tại sao bà đặt tên con bà là “Lùi”? Bà khiêm tốn quá vậy?

- Bác sĩ dạy quá lời. Sự thật không phải khiêm tốn gì đâu. Tôi đặt tên cháu là Nguyễn Văn Louis để nhớ lại sự tích của cha nó tên là Bob. Khi sanh, nó đâu có giấy khai sanh, mãi đến năm 76, sau khi Cách mạng vào, họ đòi hỏi khai sanh để lập hộ khẩu, mới đi làm khai sanh cho nó ở cái xã gần nhà. Ông cán bộ đội nón cối nhìn chăm chăm thằng con tôi, rồi ông ta nhìn vào giấy tờ tôi viết đàng hoàng: Nguyễn văn Louis, sanh tại Chu Lai ngày 12 tháng 6 năm 1972. Ông ta hất hàm hỏi tôi bằng giọng Bắc kỳ, ông nói đớt:

- Tiếng Việt đâu có tiếng Nu-i.

Ông ta tự ý sửa thành Lui, và cũng chính ông ta thêm cho nó cái dấu huyền cho hợp thời và dễ nghe hơn.

- Bà không phản đối gì sao?

- Thưa Bác sĩ, Lu-I, Nu-I, Lui, Lùi có khác gì đâu. Cái giống gì cũng được. Hơi đâu mà kỳ kèo với “nón cối”.

- Sao lúc đó Bà không khai cháu Louis là con nuôi, bà lượm được, có ai hay biết gì đâu?

- Đâu có đành như vậy, Bác sĩ… Bà lấy giọng, nói cao hơn: Con của tôi! Tôi phải khai là con của tôi. Tôi mang nặng. Tôi đẻ đau. Trời cho nó cho tôi. Tôi phải đùm bọc nó chớ. Thưa Bác sĩ, có chết tôi cũng chịu, đâu có lẽ nào mà mình chối bỏ giọt máu của mình.

Thấy bà có vẻ giận, Trọng vội vàng xin lỗi bà. Bà liền đỡ lời:

- Tôi biết bác sĩ không cố ý nói như vậy. Nhưng… thưa bác sĩ, sống là phải nhìn thấy trước. Năm 1976 vào khoảng tháng 7, bầt ngờ tôi nhận được thư của anh Hoành, anh ruột của anh Vinh. Anh chị Hoành cho tôi biết anh chị đã trở về Huế, và anh chị đang tu bổ lại căn nhà của cha mẹ chồng tôi ở đường Lý Thường Kiệt. Anh chị không có con. Anh chị có ý gặp tôi và hai cháu Hoa và Thăng, con của tôi và anh Vinh. Theo tôi biết, anh Hòanh là cán bộ lớn từ Hà Nội về. Anh ấy là anh ruột của at sĩ tại Liên Sô. Nhân cơ hội này tôi nghĩ đem hai cháu gởi cho anh chị nuôi, cho tụi nó dễ bề học hành và tiến thân sau này. Các con tôi ở với anh chị như ẩn thân dưới cây dù che cho cái cán.

Cả ba mẹ con tôi đùm túm nhau về thăm Huế. Gặp anh chị Hoành, anh chị rất mừng. Anh Hoành ôm hai cháu Hoa và Thăng vào lòng. Anh không dám khóc mà mắt cứ rưng rưng. Anh không hề nhắc đến anh Vinh, cái chết của anh Vinh, cũng như cái chết hao mòn của cha mẹ. Anh ấy nói nghe mà chua xót:

- Cái gì của quá khứ có thể đúng cũng có thể sai, nhưng nó thuộc về quá khứ. Ta nên coi nó vĩnh viễn thuộc về quá khứ. Chúng ta hãy lo xây đắp những cái trước mắt chúng ta để có một tương lai hòa hợp và tươi sáng hơn. Vợ chồng tôi thấy cần giúp đỡ thím để chăm nom hai cháu Hoa và Thăng. Xin thím cho hai cháu về ở hẳn với hai vợ chồng tôi. Bây giờt Quốc Học cũ đó.

Anh ấy vuốt tóc hai con tôi và nói tiếp: - Trường mà bác và ba của các con học chung với nhau từ thuở nhỏ.

Thưa bác sĩ, nghe đến đây tôi bùi ngùi nhớ lại anh Vinh. Cuộc chiến tranh của đất nước ta quá lâu, xé toang mỗi gia đình ra từng mảnh. Bên này cũng như bên kia, ai cũng không dám nhìn thẳng vào quá khứ đau thương, chẳng khác nào soi mặt mình trong vũng máu của chính gia đình, của anh em, của đồng bào đất nước. Anh Hoành dẫn hai cháu Hoa và Thăng đi thăm từng phòng trong nhà và anh ấy nói với hai cháu: Bác và hai cháu đang trở lại ngôi nhà của tổ tiên, của ông nội, bà nội, của cha con… Nơi đây, bà nội đã hạ sinh bác và cha con. Và cũng là nơi cách đây mười mấy năm, mẹ của các con đã hạ sinh các con. Các con hãy ở lại đây, dưới mái nhà này, với hai bác. Lời anh ấy như một khẳng định. Tôi nấn ná ở lại với anh chị và hai cháu thêm vài ngày. Tôi cũng băn khoăn khi thấy anh chị cũng không lấy gì sung túc. Chị ấy cũng con nhà quyền quý xưa của Hà Nội, cho nên đồng thanh tương ứng, anh chị gặp nhau, yêu nhau. Anh chị kết hôn trong chiến tranh. Anh chị cũng có con trai lên tám, ở phố Khâm Thiên Hà Nội, đi sơ tán không kịp, bị máy bay B52 của Mỹ dội bom chết ngày Giáng Sinh 1972. Vết thương nhức nhối đó anh chị chưa hề nói cho ai nghe, kể từ ngày trở về Huế. Trong lúc hai chị em tâm sự với nhau chị ấy mới nói: “Đó là vết thương tâm lúc nào cũng âm thầm chảy máu. Nghĩ về cái chết của chú Vinh, cái chết của con chúng tôi, nhà tôi nhiều đêm không ngủ được”.

Khi còn chừng một ngày nữa tôi phải về Hội An, tôi mới thưa với anh chị Hoành: “Anh chị nhận hai cháu Hoa và Thăng nuôi như con vĩnh viễn, em rất mừng. Nhưng gia đình anh chị thanh bạch, không lấy gì sung túc lắm, Em xin gửi anh chị năm cây vàng để tiếp tay anh chị chăm sóc hai cháu về lâu về dài. Sau chuyến này, em nghĩ lâu lắm mới gặp lại hai con. Và tôi khóc. Lúc ấy anh Hòanh bước đến ôm lấy vai tôi, anh ấy nói:

- Vâng năm cây vàng là một vốn lớn đối với đồng lương của chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ chế độ của hai vợ chồng tôi hằng tháng đủ để cho vợ chồng tôi đùm bọc hai cháu, giữ lấy gia phong. Thím hãy đem năm cây vàng này về Hội An mà đề phòng những bất trắc có thể xảy ra cho thím. Thím biết gia đình thím không hội đủ điều kiện ở lại thị xã Hội An làm ăn. Ngày mai tôi phải đi sớm vì có công tác đột xuất, hai cháu và vợ tôi, Viết Hương, đưa thím ra bến xe. Nếu sau này có bất trắc gì xảy đến, xin thím cho chúng tôi hay để kịp thời giúp đỡ thím. Nói xong anh ấy đi vào phòng trong.

Mười giờ sáng hôm sau Chị Viết Hương và hai con tôi đưa tôi ra bến xe đò về Hội An. Không biết nói gì trong lúc chia tay với hai con, tôi nhét vội trong túi áo thằng Hoa năm cây vàng và bảo nó gìn giữ lấy để mà hộ thân cho nó cũng như cho em nó, coi như gia tài chia cho hai đứa nó. Tôi bảo: Con hãy đem gửi cho bác gái, đừng cho bác trai con hay. Tôi quay lại nhìn chị Viết Hương thì chị đang nhìn chỗ khác. Mãi đến lúc xe lăn bánh, chị mới quay lại nhìn tôi. Hình ảnh của chị là niềm tin yêu sắt đá đối với tôi...

Nói đến đây, bà đứng dậy, đến ôm vai chồng ngồi bên cạnh cửa sổ, mắt bà như muốn khóc. Nhắc lại chuyện xưa, bà xúc động. Từ lầu 7 nhìn xuống, đừơng phố Broadway đang ấp ủ nắng hoàng hôn và bóng mát của khu phố, Trọng ôn tồn an ủi:

- Tuy có tuổi tác, nhưng lúc nào ông bà cũng san sẻ và gần gũi nhau. Điều đó làm cho tôi mừng.

Ông Thông, chồng bà, sôi nổi nói:

- Mụ ấy vẫn vậy, từ trước đến bây chừ. Thương chồng, thương con. Không nhờ mụ, cha con tôi chết đói từ lâu rồi, và không làm sao mà đến được Mỹ.

Lúc này Bà quay lại bác sĩ Trọng :

- Con chúng tôi lớn rồi bác sĩ. Tụi nó làm ăn tại North Carolina. Nghe cộng đồng Việt Nam ở Chicago đông, ông nhà tôi có nhiều bạn lính ở đây và lại nghe bác sĩ làm việc ở đây, cho nên hai vợ chồng tôi mới dời về đây cho ông ấy hôm sớm với bạn bè, và cũng để bác sĩ điều trị giùm cho hai vợ chồng tôi. Bà than vãn:

- Sao mà ai ai cũng buồn, đâu đâu cũng buồn. Nhức đầu không sao ngủ được. Ai cũng cô đơn, không gởi vào đâu được. Đêm nào ông nhà tôi ngủ cũng thấy chiến tranh, thấy thịt rơi máu đổ, thấy người giết người, thấy vợ ông chết thê thảm… Tội nghiệp ông ấy lúc nào cũng nhớ thương bà. Cuộc đời tôi còn nhiều gian truân lắm. Xin bác sĩ cái hẹn, lần tới để chúng tôi giải bày cặn kẻ hơn…

Sau đó ông bà thường lui tới găp Trọng, để tư vấn tâm thần, nhất là ông Thống, để sinh hoạt với nhóm điều trị: “Câu Lạc Bộ 309.81”.

***

Thấm thóat mà sự liên hệ giữa ông bà với Trọng gần đúng ba năm. Một buổi sáng gần cuối tháng Tư năm 2000, mùa xuân đang trên đường trở lại Chicago. Những mảng tuyết trắng xóa đang cố bám lấy nóc phố như những cố gắng cuối cùng của mùa đông đang tàn lụi. Những người da đỏ trong những chiếc áo chòang dày cộm làm bằng da thú, mặt đỏ gừ, nồng men rượu, cúi đầu đi lang thang trong khắp phố Uptown, thuộc vùng phụ cận phía bắc thành phố Chicago như những con gấu mộng du, ngái ngủ. Họ có vẻ lạc lõng trên vùng đất quê hương mà chính tổ tiên họ đã dày công xây dựng qua mấy nghìn năm lịch sử.

Cô thư ký phòng ngoài, điện thọai vào cho hay có thân chủ muốn gặp. Trọng vừa đứng dậy để ra đón, thì bà Sương vợ ông Thống đã đứng trước mặt. Bà nói:

- Xin lỗi bác sĩ, vì đến sớm mà không có hẹn trước.

- Thưa bà, không hề gì vì tôi cũng không có hẹn với ai trong giờ này. Xin bà cứ tự nhiên. Trọng vừa nói, vừa theo dõi những cử chỉ và những thay đổi trên nét mặt của bà.

- Thưa bà, thành phố Chicago, trong mấy tuần lễ qua, bị chôn vùi dưới tuyết lạnh. Tuần này trời ấm lại. Xem chừng như mùa xuân đang trên đường trở về. Ở Mỹ thời tiết và bốn mùa, thay đổi nhanh thật.

- Thưa bác sĩ, trong mấy tuần qua, vợ chồng tôi có ý muốn đến gặp bác sĩ, nhưng thời tiết tệ hại quá. Thấy hôm nay trời ấm, tôi vội đến bác sĩ ngay, vì tôi có vài điều cần thưa với bác sĩ hay, là ông nhà tôi nhập viện cách đây năm hôm. Bác sĩ Karnov tại bịnh viện cho hay là ông nhà tôi có khả năng bị ung thư gan, và ông đang cho làm những xét nghiệm cần thiết. Nói đến đó, bà khóc.

- Thưa bà, bà cần tôi giúp đỡ cho ông ở nhà những gì? Xin bà cứ nói, tôi sẽ cố gắng tối đa trong khả năng của tôi.

- Thưa bác sĩ ở tuổi ngòai bảy mươi, ông nhà tôi còn mắc bịnh ung thư thật oan nghiệt. Tội cho ông!

- Thưa bà, ung thư là món nợ chúng ta phải trả ở tuổi già. Càng già tỉ lệ mắc bịnh ung thư càng cao. Tuy nhiên nếu quả ông mắc bịnh ung thư thật, thì hẳn nhiên đó là một điều chẳng lành cho bất cứ ai. Tôi hy vọng bịnh viện sẽ tìm ra phương án tiến bộ nhất, hiện đại nhất để chữa chạy cho ông.

- Cám ơn bác sĩ. Bác sĩ Karnov cũng nói rồi: ung thư gan không lâu lắm đâu. Bà khóc. Trọng, tìm cách chuyển hướng câu chuyện:

- Tính tới hôm nay ông bà ở đời với nhau được bao nhiêu năm rồi?

Bà Sương, đôi mắt xa vời, vừa nhìn ra cửa sổ, bà vừa nói:

- Chúng tôi làm tờ Sống Chung tại vùng kinh tế mới Đà Nẵng 2, năm 1982. Mẹ con tôi bị chính quyền cộng sản chỉ định đi vùng kinh tế mới Đà Nẵng 2 năm 1981, sau khi họ hay biết người chồng sau cùng của tôi vượt biển bằng tàu, đụng đá ngầm, tàu đắm và chết tại ngoài khơi Mũi Dinh Phan Rang. Thật là bi đát, bi đát hơn lúc Mậu Thân ở Huế. Mẹ goá con côi, tay bồng tay bế, bị áp đảo đi vùng kinh tế mới Đà Nẵng 2 vào mùa hè tháng tư 1981. Mùa hè ở đây nóng và khô cằn, thật nghiệt ngã. Vùng kinh tế mới Đà Nẵng 2 nằm phía tây Đà Nẳng, phía tây bắc Hội An, sát chân núi Trường Sơn, gần đường mòn Hồ Chí Minh. Dân chúng được đưa về đây để phá rừng trồng lúa và khoai mì. Nhà ở làm sẵn. Nhà tranh vách đất. Không có điện. Nước chỉ có con suối nhỏ. Chúng tôi san sẻ nước của con suối nhỏ này với trại tù lao cải của các sĩ quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Họ ở về phía tây chừng hai cây số cách chúng tôi, sâu hút trong rừng Trường Sơn. Sau này chúng tôi biết đó là trại Khe Hoa, còn gọi là B16. Đến Đà Nẵng 2, vô tình cộng sản sắp tôi ở cái chòi chung vách với ông Thống. Hộ khẩu của ông có ba người làm ăn cật lực, sống kham khổ, khoai sắn không có đủ mà ăn, nước bùn không có đủ mà uống. Ông Thống là người ít nói. Ông giúp đỡ mẹ con tôi nhiều hơn là nói. Ông cho hay, năm cha con đến Đà Nẵng 2 hồi năm 80. Sau sáu tháng đầu hết phụ cấp lương thực, đói quá, hai thằng con trai lớn của ông bỏ trốn về Buôn Mê Thuộc. Đứa đạp xích lô, đứa sửa xe đạp đầu đường góc phố mà sống. Làm ăn gần gũi nhau, thấy ông Thống là người chơn chất tôi mới để bụng thương ông. Chúng tôi làm tờ sống chung cuối năm 82. Giữa năm 83 có tin cho hay là gia đình có con lai được đi Mỹ. Đó là bước đầu để khai thông quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Tội nghiệp ông Thống. Ông vô cùng mừng rỡ. Chúng tôi được kết hợp con cái đi Mỹ. Vậy là hai vợ chồng và bốn đứa con chúng tôi đến North Carolina giữa năm 1984. Như vậy, tính đến nay chúng tôi sống chung với nhau gần mười tám năm.

Ngồi nghe bà điểm lại quá khứ của bà sống với ông Thống, và nhớ lại cuộc đời của bà, những lúc bà sống với Vinh, với Bob, với người chồng cuối cùng của bà, Trọng thấy những điều u ẩn bà mang nặng bấy lâu nay khiến bà chuốc lấy triệu chứng trầm cảm nặng, khiến tâm linh bà mang nhiều sắc thái, lúc siêu thoát lúc trần gian. Nhưng ở dưới đáy tận cùng của tâm linh bà, đó là tấm lòng chơn chất và trung hậu. Tình yêu của bà với mỗi người đàn ông bà đã sống chung, bắt đầu mỗi người một khác, nhưng cuối cùng bà đã yêu thương tất cả những người chung chăn gối với bà với tất cả tấm lòng chân thật và trung hậu.

Bà nhìn đồng hồ, bà đứng dậy xin kiếu Trọng ra về. Bà cám ơn thì giờ quí báu mà Trọng đã dành cho Bà. Trọng đáp lại lời cám ơn của bà, và nói:

- Rất tiếc không giúp được gì cho ông ở nhà trong lúc này, tuy nhiên tôi muốn đến thăm ông tại bịnh viện.

Sau khi cho Trọng địa chỉ bịnh viện, số điện thoại, số phòng, bà Sương lầm lũi ra về.

Trọng đến thăm ông Thống vào lúc ba giờ chiều. Ông nằm lép kẹp trên giường bệnh. Con người của ông vốn đã gầy trơ xương, Trọng cứ nghĩ ông giờ đã kiệt sức. Chợt thấy Trọng đến, ông liền đứng dậy bắt tay Trọng và ngỏ lời cám ơn Trọng đã bỏ thì giờ quí báu đến thăm ông. Trọng thật sự xúc động trước những lời lẽ chân thành của ông. Nhìn cái bụng cổ trướng và màu da đất sét của ông, Trọng biết ngay là ông không còn nhiều thì giờ nữa. Ngày tháng và thời khắc của ông đã bắt đầu điểm. Trọng đáp lễ với ông bằng cách nắm bàn tay của ông trong lòng hai bàn tay của mình. Ông vốn dĩ là người ít nói, hôm nay ông lại nói rất chậm, đắn đo suy nghĩ. Những điều ông sắp nói cho Trọng sau đây là những điều ông suy nghĩ trong nhiều năm tháng. Lần đầu tiên Trọng nghe ông gọi vợ bằng “bà nhà tôi”, thường thì ông chỉ gọi”mụ ấy” mặc dù lúc nào ông cũng hết sức kính trọng yêu thương bà.

Ông Thống nói:

- Thưa bác sĩ, tôi nghe bà nhà tôi nói mấy hôm rày bác sĩ sẽ đến thăm tôi, vì vậy tôi có ý đợi bác sĩ đến, để thưa bác sĩ vài điều…

Nói đến đây ông ngừng một chặp, thật lâu, vừa suy nghĩ vừa nhìn vào mắt Trọng, ông nói tiếp:

- Bác sĩ Karnov cho tôi hay là tôi bị ung thư gan. Có lẽ không phải do thuốc độc khai hoang dioxin màu vàng cam của Mỹ. Ông đã kiểm nhận qua máu của tôi, không có yếu tố hóa chất nào chứng minh điều đó. Lặn lội trên khắp chiến trường trong suốt hơn hai mươi năm, giờ ôm bụng chịu chết vì ung thư gan. May mà không phải thuốc khai hoang dioxin màu vàng cam của Mỹ. Nếu rủi mà như vậy thì làm sao lịch sử có thể soi rọi bóng tối sâu thẳm nầy! Bác sĩ Karnov cũng ở trong lục quân của Mỹ, đã từng tham chiến tại Việt Nam, cho nên ông rất thông cảm với tôi. Tôi nài nỉ ông ấy nhiều lần cho tôi biết tôi còn sống được bao lâu nữa. Cuối cùng ông cũng ước đoán không quá mười tám tháng. Ông cũng khuyên tôi nên thu xếp càng sớm càng tốt. Tôi cũng làm việc với tất cả các con của chúng tôi và “bà nhà tôi”. Tất cả đều đồng ý với quyết định của tôi là tôi sẽ về chết chôn tại Buôn-mê-thuộc. Ở quê nhà tôi còn hai thằng con trai lớn. Tất cả đều đã thành gia thất. Thằng cả đang ở tại nhà của tôi tại Buôn-mê-thuộc, nhà của tôi trước 75. Buôn-mê-thuộc là quê hương của tôi, tôi sanh ra tại đó, lớn lên tại đó. Cuộc đời của tôi chôn chặt dưới màu đất đỏ ấy. Cộng sản có thể chiếm đoạt quê hương tôi. Cộng sản có thể tước đoạt quyền bảo vệ tổ quốc của tôi. Nhưng cộng sản không thể nào thủ tiêu được lòng yêu nước của tôi. Tôi hy vọng bác sĩ đồng ý với vợ con tôi, cho tôi trở về non sông đất nước, trả tôi lại cho tổ quốc...

Nói đến đây ông dừng lại một hồi lâu, tuy thế Trọng cũng không dám cướp lời ông. Ông nói tiếp:

- Thưa bác sĩ tôi còn một ý nguyện nữa: tôi phải về để bốc mộ vợ tôi. Bà nằm ở đó đã hai lăm năm rồi. Mưa gió tội nghiệp bà. Tôi sẽ đem bà về nằm gần nhà, ở Buôn-mê-thuộc. Sau này con tôi sẽ đặt tôi nằm bên cạnh bà.

- Sao ông lại hỏi tôi như vậy? Trọng hỏi. Đó là quyết định to lớn quan hệ tới vợ con ông, gia đình và tổ quốc. Tuy nhiên tôi cám ơn ông đã cho tôi vinh dự được tham dự chuyện nhà của ông. Còn chuyện chúng ta quay đầu về tổ quốc là sự lựa chọn vô cùng chính đáng.

Ông Thống quay lại bảo vợ lấy cái phong bì đè dưới gối, trong đó có tờ di chúc ông viết cho vợ con ông. Bà Sương trong suốt hơn một tiếng đồng hồ ngồi yên nghe chồng bà nói chuyện với Trọng, bà liền đứng dậy đến lấy phong bì đưa cho Trọng. Vì xúc động mắt của Trọng nhoè cả chữ. Trọng đọc thóang qua và chỉ nhớ vài dòng cưối cùng ông viết cho các con riêng của ông: “Các con tiếp Ba phụng dưỡng mẹ Sương của các con. Tuy bà không phải là mẹ đẻ của hai con, nhưng điều chắc chắn là nếu không có bà, thì không có cha con ta được như hôm nay. Có vậy, Ba mới yên lòng về với tổ quốc, với mẹ đẻ của các con, bà đang chờ đợi Ba…”.

Trọng ừ giã ông Thống, ra khỏi bịnh viện lúc năm giờ chiều, trời Chicago lạnh. Trọng dừng lại, ngước cổ kéo áo chòang cao hơn, Anh chợt nhìn thấy hàng chữ điện tử trên nóc ngân hàng chỉ đúng hôm nay ngày 30 tháng Tư.

Tim anh se lại. Anh cúi xuống, mở cửa bước vào trong xe, ngồi vào ôm tay lái.

Bóng tối vừa phủ xuống thành phố Chicago.

Trọng lái xe hướng về nhà nhưng anh có cảm tưởng đang đi về một nơi vô định...

Oak park, Illinois-USA