Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Bài ca cho ngày mai

Ý Nhi

Nhà thơ Ý Nhi vừa tham gia Hội thảo thơ do Trung tâm Thơ đương đại của Đại học Josai, Tokyo, Nhật Bản, tổ chức.

Đây là lần thứ hai trung tâm này tổ chức hội thảo về chủ đề The Dignity of Life. Đem ngôn từ để bảo vệ sự bất khả xâm phạm của cuộc sống (Giving Word to the Inviolability of Life) chính là tinh thần chủ đạo của giải thưởng Cikada (Thụy Điển).

Cuộc hội thảo có sự tham gia của một số nhà thơ từng nhận giải thưởng Cikada như Bei Dao (Trung Quốc), Moon Chung-he (Hàn Quốc), Norita Muriko (Nhật Bản), Tota Kaneko (Nhật Bản), Yang Mu (Đài Bắc) và một số nhà thơ Nhật Bản nổi tiếng như Shuntaro Tanikawa, Mutsuo Takahashi, Gozo Yoshimasu.

Văn Việt trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà thơ Ý Nhi tại hội thảo.

Văn Việt

Thưa tiến sĩ Noriko Mizuta, Giám đốc Trung tâm thơ đương đại thuộc tập đoàn Đại học Jo Sai, Nhật Bản

Thưa ngài Lars Vargo, Chủ tịch giải thưởng Cikada

Thưa quý vị,

Chúng ta đang đứng trước một đề tài lớn và hấp dẫn. Tôi nghĩ, TS Noriko Mizuta và ngài Lars Vargo còn phải tổ chức thêm rất nhiều cuộc gặp gỡ khác về chủ đề này.

Tôi đã cho mình một lối đi cụ thể, đơn giản. Đó là một vài câu hỏi và một vài câu trả lời, một vài trích dẫn và một vài lời giải thích. Chúng như những đoạn nhỏ, ráp lại thành một con đường (cũng nhỏ). Có thể, con đường này không đi thẳng vào trung tâm của cuộc thảo luận, nhưng đây là phương cách khả dĩ mà tôi có thể làm để tiếp cận với một đề tài rộng lớn và dường như đậm màu lý thuyết: The Dignity of Life.

Điều tôi muốn được nói ngay, đó là, theo tôi, người ta có thể và cần thiết học rất nhiều thứ, trong đó có cả kỹ thuật viết kịch, viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn nhưng hình như người ta không thể học cách làm thơ. Ở Việt Nam, có hai từ phân biệt rất rõ điều này, đó là nghềnghiệp (nghiệp gần như liên quan đến kiếp, theo đạo Phật – một thứ duyên nợ). Thơ là nghiệp. Có hàng trăm, hàng nghìn thứ nghề nhưng không có nghề làm thơ. Thơ nằm chính trong tâm hồn của nhà thơ. Thiếu hạt mầm Thơ, dù được tưới tắm bao nhiêu tri thức, bao nhiêu kinh nghiệm người ta cũng sẽ không thể làm nên Thơ.

Chính vì mang chứa cái hạt mầm ấy, trong con mắt người đời, nhà thơ có chút gì như kỳ dị, khác thường. Cách nào đó, có thể coi như đó là một căn bệnh mà Heinrich Heine từng nhắc đến: “Liệu thi ca có phải là một căn bệnh của nhân loại như viên ngọc thực ra chỉ là tác nhân khiến loài trai khốn khổ. Marcel Reich-Ranicki – nhà phê bình lớn của nền văn chương Đức – đã có lời bình tuyệt vời cho nhận xét của H. Heine: “Nếu Heine có lý thì thơ ca hẳn là căn bệnh lạ lùng và có thể nói là căn bệnh đẹp nhất của nhân loại.

Một căn bệnh như thế, chắc chắn các nhà khoa học, các bác sĩ danh tiếng, tự cổ chí kim đành phải bó tay. Đó là nghiệp, là định mệnh của thi sĩ. Nhà thơ cổ điển Nguyễn Du (của chúng tôi) từng viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Nhà thơ hiện đại Wislawa Szymborska thì cho rằng, làm nhà thơ “có nghĩa là chịu án khổ sai”. Anh phải nuôi lấy viên ngọc trong tâm hồn mình bằng tất cả tình yêu cuộc sống mà anh có thể có được. Nói cách khác, trách nhiệm của thi ca, phẩm hạnh của thi ca, chính là lời khẳng định giá trị lớn lao của cuộc sống.

Đỗ Phủ, Lý Bạch, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Issa, Basho, Octavio Paz, Pablo Neruda, Boris Pasternak, Saint John Perse, Wislawa Szymborska, Joseph Brosky… mỗi người là một thế giới, mỗi người là sự hiển thị không thể chối cãi về vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống, của con người.

Qua suốt lịch sử thi ca nhân loại, họ chứng minh cho nhận định sâu sắc này: “Khi thẩm mỹ đạt đến mức cao, nó sẽ tạo ra những giá trị đạo đức làm tăng lên gấp nhiều lần sức mạnh của con người và ham muốn đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn” (Yannis Ritsos/ Hy Lạp).

Thưa quý vị,

Theo tôi biết, giải thưởng Cikada, được thành lập để tưởng nhớ nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson. Tinh thần của giải thưởng chính là tinh thần của những vần thơ, những áng văn xuôi, những trường ca thấm đẫm tình yêu thiên nhiên, niềm yêu thương dành cho những người lao động hồn hậu và nỗi lo âu cho tương lai nhân loại của ông.

Hẳn những nhà sáng lập giải thưởng hy vọng rằng, văn học nói chung, thơ ca nói riêng, bằng chính sáng tạo của mình, có thể góp phần bảo vệ phẩm giá của cuộc sống, theo những gì Harry Martinson đã làm trong suốt cuộc đời ông.

Cách đặt vấn đề như vậy không những có ý nghĩa về phương diện lý luận mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc. Không phải vô cớ mà một nhà nghiên cứu văn chương danh tiếng đã khẳng định: “Rõ ràng là câu trả lời của văn chương mà chúng ta đang trông đợi giữa đe dọa và hiểm nguy dường như chỉ có thể đến từ thể loại triệt để nhất của nó – Thơ ca”. (Marcel Reich-Ranicki)

Thơ ca, qua suốt lịch sử nhân loại “đã liên tục là một sự phi chính thống, bướng bỉnh, bất trị. Một sự nổi dậy ngoắt nghéo không ngừng chống lại những chủ thuyết và những giáo hội” (Octavio Paz/ Mexico). Và: “Con người không có tương lai nào khác ngoài tương lai do nghệ thuật phác thảo ra” (Joseph Brodsky/ nhà thơ Mỹ gốc Nga).

Dù vậy, như mọi người đều biết, sự can thiệp của thơ ca vào đời sống không phải và không bao giờ là một sự can thiệp trực tiếp. Sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng thơ ca có thể có những tác động cụ thể vào tiến trình lịch sử. Dù sống trong thời đại nào, dù sống bất cứ nơi đâu, dù theo bất cứ trường phái nào, trào lưu nào, các nhà thơ, bằng cách riêng của mình, đã chỉ có thể làm một việc duy nhất, đó là hiển thị thế giới này và sáng tạo một thế giới khác – một thế giới đẹp hơn, yên bình hơn, hạnh phúc hơn – một thế giới nơi quyền sống của con người là bất khả xâm phạm, nơi The Dignity of Life được tôn trọng, gìn giữ, đề cao. Công việc của nhà thơ là một hành động kép, diễn ra hầu như cùng một lúc, mở ra cánh cửa để soi nhìn đời sống hiện tại, đồng thời mở ra cánh cửa khác cho mọi người nhìn thấy thế giới do mình phác thảo ra.

Cách đây 70 năm, với trường ca Aniara, Harry Martinson đã báo trước cho nhân loại về những thảm họa trên trái đất do sự tàn phá môi trường sống, do những vũ khí tàn ác của chính con người gây nên. Lời cảnh báo còn nguyên giá trị hiện thực, ngay khi chúng ta ngồi cùng nhau hôm nay. Giữa nỗi lo âu, tuyệt vọng của 8.000 con người đang tìm cách vượt thoát khỏi tai ương, H. Martinson đã dựng nên hình ảnh cứu rỗi – hình ảnh người ca sĩ mù:

Trong thế giới này xuất hiện một nữ thi nhân

Với những bài ca nâng chúng tôi hướng thượng

Vượt bản thân lên cõi tinh thần

Đem lửa thiếp vàng vách nhà tù tăm tối

Và đem trời cao vào tận buồng tim

Lời tro nguội bỗng biến thành lửa cháy…

Cũng như vậy, vào năm 1968, nhà thơ Tô Thùy Yên của Việt Nam, đã có một tiên cảm kinh hoàng về những tai ương, tang tóc mà nhân loại hôm nay đang hứng chịu:

Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Ngoài biển khơi, trên lục địa

Sò hến, côn trùng cũng chẳng yên thân

Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Quật ngã những bức tượng, xô sập những đền đài

Tiếng hú chạy dài suốt lịch sử

Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới

Xé rách một kỷ nguyên, phân tán các dân tộc

Để mọi người câm lặng ăn năn…[1]

Trong khổ thơ cuối cùng, ông cất lời kêu gọi các nhà thơ: Hãy thốt lên giùm chúng ta lời nói cuối.

Lời nói cuối dành cho thi sĩ, cái gánh nặng mà thi sĩ phải gánh chịu, chính là lời cảnh tỉnh nhân loại trước cái ác, trước tai họa, trước sự tàn phá, là lời tụng ca vẻ đẹp của con người, của tự nhiên, để hướng tới hạnh phúc, bằng an.

Các nhà thơ cổ điển, các nhà thơ lãng mạn, các nhà thơ hiện thực, các nhà thơ tượng trưng, các nhà thơ siêu thực, các nhà thơ vị lai, các nhà thơ hiện đại, các nhà thơ tân hình thức, các nhà thơ hậu hiện đại… tất cả đều hướng tới mục đích duy nhất của Thơ, đó là Dignity of Life.

Ở một nơi khác, Nhà thơ Ko Un (Hàn Quốc), người nhận giải thưởng Cikada vào năm 2006, đã cặm cụi vẽ nên tấm bản đồ cho một thế giới mới:

Rồi tôi lại xé bản đồ tôi đã vẽ

Cái này không phải

Cái này cũng không phải

Tôi cố kìm cơn đau thắt ruột

Bắt đầu vẽ lại tấm bản đồ

Tấm bản đồ khác không còn là bản cũ

cho đến tận hôm nay

Tấm bản đồ của ngày mai

Ở đó không có nước Mỹ cũng không có châu Á …[2]

Ko Un phác thảo nên một thế giới đại đồng, nơi lan tỏa ánh sáng của các nền văn hóa và vẻ đẹp từ mọi con người, mọi dân tộc. (Ông khiến tôi nhớ đến nhà văn Nhật Bản Oe Ken Zaburo, người nhận giải Nobel văn học năm 1994 và tác phẩm Trò chơi giữa những người cùng thời – dựng nên khuôn mẫu ngôi làng Quốc gia vũ trụ).

Đương nhiên, đó chỉ là việc mở ra trước nhân loại một cánh cửa. Con đường đến ngày đó còn xa lắm. Xa đến độ, Ko Un từng nghĩ đến việc đất nước mình phải chìm xuống biển 300 năm để một ngày kia trở lại với một vẻ đẹp khác:

Chúng ta tuyên bố từ nay về sau

Mỗi con người là một vị thần…

Tuyển tập thơ của Ko Un có tựa đề là Songs of Tomorrow[3]. đã mang chứa một thông điệp rõ ràng về niềm mơ ước của ông.

Có thể chăng, tựa đề chung cho thơ của tất cả các nhà thơ sẽ là: Songs for Tomorrow. Bất luận cung bậc của các bài ca như thế nào, dù đó là tiếng khóc, là bóng tối, là nỗi đau hay niềm hân hoan, niềm hy vọng, bài ca ấy hướng con người đến một ngày mai, cho ngày mai.

Thưa quý vị và các bạn,

Trong buổi đọc thơ của W. Szymborska chỉ có 12 người, trong đó 6 người là họ hàng, 6 người khác vào để trú mưa. Lướt qua đám thính giá nghèo nàn, nhà thơ nhìn thấy: “Trên hàng ghế đầu/ Một ông già đang chìm trong giấc mơ ngọt lịm/ Bà vợ quá cố của ông vừa từ nấm mồ đứng dậy/ Nướng cho ông chiếc bánh mận thơm lừng”. Nhà thơ chỉ khẽ nhắc: “Với ngọn lửa nhỏ thôi/ bởi nếu không, bánh sẽ cháy bùng”. Và rồi, bà bắt đầu buổi đọc thơ của mình.

Đó là tình cảnh của Thơ hôm nay.

Nhưng W. Szymborska đã không rời bỏ căn phóng ấy, không rời bỏ Thơ. Những vần thơ giản dị, trong sáng mà giàu suy tưởng của bà đã đem lại niềm tin cho chúng ta, trước những đổ vỡ, những đau đớn, những hoài nghi của cuộc sống.

Phải chăng, thơ đang lặng lẽ làm lành vết thương trong tâm hồn con người giữa xã hội tiêu thụ tàn khốc và đầy xáo trộn hôm nay? Nếu không, hẳn Octavio Paz đã không thể xác lập cái định nghĩa mới này: “Thơ là thuốc giải độc cho kỹ thuật và thị trường”.

Thơ sẽ tồn tại.

Hơn thế, Thơ cần phải tồn tại.

Hẳn không ai trong chúng ta, những người đang ngồi trong gian phòng ấm cúng của một viện Đại học danh tiếng, giữa thủ đô Tokyo hôm nay, không nghe thấy tiếng kêu từ những cuộc chiến tranh, những cuộc khủng bố, những cuộc di dân, những tai nạn, những trận động đất, những cơn bão lũ… ngoài kia, khắp nơi trên thế giới. Tiếng kêu ấy chính là nơi bắt đầu của Thơ.[4]

Thưa quý vị,

Cái cấu trúc mong manh được tạo nên bởi một thứ nguyên liệu dễ mai một là lời nói đã tồn tại lâu bền hơn mọi đền đài, lăng tẩm, mọi thể chế, mọi chính thể, đó là Thơ – tiếng gọi thẳm sâu của Dignity of Life.

Thưa quý vị,

Tôi muốn được gửi lời cám ơn đến những nhà tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được đến Nhật Bản – đến đất nước của Tanka, của Haiku, của Kobayashi Issa, của Matsuo Basho, của Ysunari Kawabata, của Rynosuke Akutagawa, của Yukio Mishima, của Kobo Abe, của Kenzaburo Oe, của Jiro Osaragi, của Dzyunichi Watanabe, của Haruki Murakami, Banana Yoshimoto… Văn hóa Nhật Bản nói chung, trong đó có văn học, đã trở nên gần gũi và có nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người Việt Nam. Và, không chỉ ở Việt Nam.

Tôi tin vào lời tuyên bố của Y. Kawabata trong diễn từ nhận giải Nobel, năm 1968: “Tôi sinh ra từ cái Đẹp của Nhật Bản”. Tôi tin vào nhận xét của Tetsujo Tanikawa: “Mỹ cảm là cốt lõi của tính cách dân tộc Nhật. Đó chính là đặc điểm căn bản nhất mà tất cả các đặc điểm còn lại đều tập họp xung quanh”.

Một dân tộc coi cái Đẹp là chuẩn mực, là một nguyên tắc sống, dân tộc đó đã thấu hiểu phẩm giá của cuộc sống và chắc chắn sẽ đứng vững trước mọi thử thách.

Các bạn Nhật Bản thân mến,

Các bạn hãy tự hào về đất nước của mình.

Thưa quý vị,

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng một câu hỏi, đúng ra, là một câu trả lời.

Sinh ra bằng trí tưởng tượng của con người, thơ có thể chết nếu trí tưởng tượng chết hoặc đồi trụy” (Octavio Paz). Liệu trí tưởng tượng của con người có thể chết không. Hẳn câu trả lời của chúng ta sẽ là: Không.

Xin cám ơn.

9/ 2016


[1] Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới – Tô Thùy Yên, Việt Nam

[2] Vẽ bản đồ – Ko Un, Hàn Quốc

[3] Ko Un, A Collection of Poems, 1960-2012: Songs for Tomorrow.

[4] Paul Valery: “Mỗi bài thơ là sự phát triển của một tiếng kêu”.