Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Ngày tàn của ông A (kỳ 3)

clip_image002

FRIEDRICH DÜRRENMATT

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

Ngày tàn của ông A

     A

B                                 C

D                                 E

F                                  G

H                                 I

K                                 L

M                                 N

O                                 P

A vừa vỗ vỗ cái ống vố của mình để trút hết thuốc ra, là việc thường có nghĩa là ông coi như buổi họp của Bộ Chính trị đã kết thúc và ông không muốn ai còn thảo luận, thì ông Bộ trưởng Bộ Giao thông L lên tiếng ngay mà không báo trước. Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông đứng lên một cách mệt mỏi: cái tỉ lệ say rõ ràng là đã gia tăng. Ông lưu ý hơi có chút lắp bắp và nhắc lại hai lần rằng O không có mặt và buổi họp của Bộ Chính trị bởi thế đã không thể bắt đầu được. Rằng thật đáng tiếc cho bài diễn văn tuyệt vời của A, nhưng qui định là qui định, ngay cả đối với những người cách mạng. Mọi người đều nhìn ông tượng đài với một vẻ sững sờ. Tựa hai bàn tay lên bàn, nhưng vẫn lảo đảo, ông thách thức A. Gương mặt ông với cặp chân mày trắng rậm rạp tương phản với màu xám của bộ râu trông xanh xao như con ma. Ý kiến bác bỏ của ông L là phi lý cho dù, về mặt hình thức, nó chính đáng. Phi lý ở chỗ thực tế là nó thừa (bài diễn văn dài của A tự nó chứng tỏ là cuộc họp đã bắt đầu) và L đã thốt ra y như ông không hề biết là O đã bị bắt và chính ông cũng đang có nguy cơ bị bắt. N còn bối rối hơn khi bắt gặp A, trong khi nhồi thuốc lá vào ống vố, lập tức liếc nhanh qua C. Trong cái nhìn ấy có một sự ngạc nhiên lạ lùng, làm cho N nghĩ A là người duy nhất không biết rằng tất cả mọi người đều đã biết vụ O bị bắt. Vậy thì tức khắc người ta cần tự hỏi phải chăng tin tức kia là do chính ông Trưởng ngành Mật vụ bất chấp ý muốn của ông A đã phát đi, và phải chăng ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao B, khi mới đây lưu ý các đồng nghiệp của mình sự vắng mặt của O, lại là kẻ thông đồng với C. Câu trả lời của A dù sao cũng không thể nào hoàn toàn đánh tan những nghi ngờ của N. A lúc này đang phả những làn khói thuốc ăng lê pha trộn hiệu Balkan Sobranie quen thuộc của mình, ông cho rằng O có hiện diện trong buổi họp hay không với ông cũng không có gì khác nhau. Mà những lý do khiến ông ta không có mặt cũng chẳng là cái gì cả: O chỉ là một ủy viên dự khuyết không có quyền biểu quyết. Buổi họp này đây không có mục đích gì khác hơn là giải thể Bộ Chính trị. Việc giải thể này vừa được nhất trí thông qua, bởi lẽ không có ai bày tỏ chống đối, và nó không đòi hỏi sự có mặt của O.

L, với cái mệt mỏi và nản lòng đôi khi đột ngột xâm chiếm những người hay say rượu, sắp buông người ngồi xuống ghế trở lại, thì ông Trưởng ngành Mật vụ lưu ý bằng một câu cụt ngủn là việc O không có mặt chắc chắn chỉ là do ông bị ốm. Câu nói dối trơ trẽn ấy không thể có mục đích gì khác hơn, giả như C thực sự là nguồn gốc những lời đồn đãi dính dáng đến vụ O bị bắt, là kích động L hơn nữa để chuẩn bị bắt luôn cả ông này. «Ốm?», ông L tức thì vừa hét vừa dựa người lên cánh tay trái và vừa đập nắm tay kia lên bàn, «ốm, ốm thật sao?» - «Có thể là thế», C trả lời, vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, và ông bắt đầu sắp xếp giấy tờ gì đó. L không đập bàn nữa; ông ngồi xuống trở lại, nín thinh vì giận. Cánh cửa sau lưng F và H mở, viên đại tá bước vào. Đây là việc trái với thông lệ: không ai được quyền quấy rầy những phiên họp của Bô Chính trị. Việc đột nhập này chỉ có thể là để thông báo một trường hợp ngoại lệ: một tin báo động, một thảm họa, một biến cố cực kỳ quan trọng. Mọi người càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông đại tá đơn giản chỉ yêu cầu ông L ra khỏi phòng một lúc vì có chuyện riêng khẩn cấp. A giận dữ, ra lệnh ông đại tá xéo ngay. Ông này do dự một giây đồng hồ, trong khi ông nhìn qua ông Trưởng ngành Mật vụ như để cầu mong được cứu giúp, nhưng do C vẫn chúi mũi vào đống giấy má của mình, ông đại tá bước ra ngoài. Ông A cất tiếng cười. L chắc chắn là đã quá chén, như thường lệ; ông còn chờ gì mà không biến mất và lo giải quyết việc riêng của mình? Và với cái kiểu vui đùa thô bạo nơi ông là một dấu hiệu đang có tâm trạng vui, A hỏi L phải chăng một ả nhân tình của ông này đang nằm ổ. Câu nói đùa ấy phát động một trận cười khắp phòng, không phải vì nó tiếu lâm, mà là vì sự căng thẳng đã lên đến chỗ không ai chịu được đến nỗi mỗi người ai nấy đều rình tìm một lối thoát đầu tiên, và bởi vì ai nấy trong vô thức cũng đều mong làm sao cho việc về vườn của L được dễ chịu hơn. A gọi viên đại tá trở lại bằng điện thoại nội bộ. Viên đai tá xuất hiện. A bảo ông ta nói rõ mọi chuyện. Viên đại tá đứng nghiêm theo kiểu nhà binh: bà vợ của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông đang hấp hối. «Anh lui ra», A bảo. Viên đại tá biến đi. «Anh đi đi, L», A nói tiếp, «cái chuyện tôi vừa nói với anh về các cô nhân tình là một câu đùa thô bạo, tôi xin rút nó lại. Tôi biết anh rất coi trọng vợ anh. Anh về với bà ấy đi, cuộc họp dù sao cũng đã kết thúc». Những lời lẽ của A dù nghe có nhân ái đến thế nào, cái sợ của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông cũng lớn tới độ ông không tin nổi một chữ. Trong tình trạng tuyệt vọng và say rượu, ông không thấy có giải pháp nào khác hơn là đương đầu thẳng với mối nguy. «Tôi là một anh cách mạng già», ông đứng dậy và hét lớn. «Vợ tôi đang nằm nhà thương, ai cũng biết, nhưng bà ấy chịu nổi cuộc giải phẫu rất tốt, tôi sẽ không để mình bị lừa.» Tiếp theo ông nhắc lại ông theo Đảng ngay từ buổi đầu, trước ông A, trước ông C, trước ông B rất lâu, toàn là những kẻ cơ hội tầm thường. Trong khi ông từng chiến đấu cho Đảng vào cái thời vào Đảng hãy còn là chuyện mạo hiểm, người ta có nguy cơ mất mạng. Ông từng kinh qua những nhà tù khổ sai thảm hại, hôi hám, bị còng như một con vật trong khi gót chân bị lũ chuột gặm đến toé máu. «Lũ chuột», ông lặp lại nhiều lần, «lũ chuột!» Vâng, ông từng hủy hoại sức khỏe của mình cho sự nghiệp của Đảng; vì Đảng ông từng chịu án tử hình. «Đội hành quyết đã sẵn sàng rồi, các đồng chí ạ», ông gào lên, «tôi nhìn thấy chúng rõ như tôi đang nhìn thấy các bạn trước mặt tôi đây». Ông đã bỏ trốn, ông đã biến mất, ông đã phải biến mất nhiều lần như thế trước khi rốt cuộc nhìn thấy Cách mạng, trước khi chính mình tiên phong cùng những người cách mạng tấn công vào Cung điện, với một quả lựu đạn và một cây súng lục. «Với một quả lựu đạn và một cây súng lục tôi đã làm nên lịch sử, lịch sử thế giới!», ông bùng lên một lần nữa, và từ đây không còn gì có thể làm cho ông ngưng nói. Sự tuyệt vọng và cơn giận của ông đã trở thành gần như cao thượng; mặc dù say rượu và suy sụp, ông có vẻ như đã trở lại là nhà cách mạng lão thành vẻ vang như trước đây. Và tiếp tục cuộc độc thoại dài của mình như trên sân khấu, «tôi đã chiến đấu chống lại một thứ trật tự thối nát và dối trá», ông hét lớn, «tôi đã hi sinh cuộc đời tôi cho chân lý». Bởi vì ông đã biến đổi thế giới để làm cho nó tốt hơn, ông từng không sợ đói và sợ khổ, không sợ bị truy hại và tra tấn, ngược lại ông còn hãnh diện vì tất cả những thứ đó, bởi vì ông đứng về phía những người nghèo và những người bị áp bức, và tình cảm quả là tuyệt vời khi ta tự biết mình đứng về phía tốt, thế nhưng giờ đây khi chiến thắng đã đạt được, khi Đảng đã nắm chính quyền, giờ đây đột nhiên ông lại khám phá thấy mình đứng về phía xấu, ông khám phá ra mình đứng về phía những người mạnh. «Quyền lực đã làm tôi biến chất, các đồng chí ạ », ông kêu lên. «Tôi vì im lặng mà đã bao che bao tội ác, bao nhiêu bạn bè thân thiết tôi đã phản bội, đã đem giao nộp cho mật vụ? Tôi có phải tiếp tục câm miệng không đây?» Thế rồi mặt mày nhợt nhạt, kiệt sức, ông hạ giọng nói thêm rằng O đã bị bắt, rằng đây là một sự thật ai cũng biết, rằng về phần ông, ông sẽ không chịu rời khỏi nơi đây bởi vì người ta đang chuẩn bị bắt luôn cả ông ngoài phòng đợi, bởi vì câu chuyện bịa đặt vợ ông đang hấp hối chỉ là một âm mưu dùng để kéo ông ra khỏi phòng này. Và nói tới những lời biểu lộ một sự nghi ngờ mà thực ra không ai nghi ngờ là hoàn toàn có căn cứ, ông buông người ngồi xuống ghế.

Trong khi L lao vào cái trận nói thách thức điên cuồng bậc nhất ấy, ý thức được là với ông mọi thứ đã tiêu tan và khước từ mọi kiểu thận trọng giờ đây ông thấy có vẻ như không ích lợi gì cho mình; trong khi mọi người sững sờ chứng kiến cái màn diễn kỳ lạ của một con người khổng lồ đang đi vào chỗ diệt vong; trong khi cứ mỗi lần nghỉ xả hơi giữa những câu phát biểu khủng khiếp do L tuôn ra, ông Thống chế H, do nỗi sợ đáng thương là mình sẽ bị cuốn theo cái ngã của ông tượng đài, cứ phải gào lên câu «Đả đảo bọn kẻ thù trong Đảng»; trong khi Chủ tịch nước Cộng hòa, Thống chế K, thấy L vừa ngưng nói, vội lao vào cuồng nhiệt cam kết suốt đời trung thành với A; trong khi tất cà những sự kiện ấy tiếp diễn, N không lúc nào ngưng tự hỏi là A sẽ phản ứng ra sao. A bấy giờ thản nhiên, vẫn hút ống vố. Không gì có thể để ta đoán được ý nghĩ của ông. Tuy nhiên, vẫn có cái gì đó hẳn là đang diễn ra nơi ông. N chưa nhận ra rõ ràng thái độ phản loạn của L sẽ đe dọa A tới cỡ nào, nhưng ông cảm thấy chọn lựa của A sẽ ảnh hưởng mạnh và có tính quyết định đối với tương lai của chính ông cũng như với sự tiến triển sau này của Đảng, và vậy thì hiển nhiên mọi người đang đứng trước một bước ngoặt, mặc dù không có khả năng chỉ rõ được bước ngoặt này là bước ngoặt nào, cũng như ông không dám tiên đoán về cách thức A sẽ đem sử dụng để đánh trả. A là một tên ranh ma biết dùng chiến thuật: không ai, ngay cả B, có đủ tầm cỡ đánh bại được những trò quỷ quyệt của ông trong những cuộc xung đột tranh quyền. Bản năng là người sành tâm lý, ông biết phát hiện và lợi dụng những điểm yếu của bất cứ kẻ thù nào; không ai trong Bộ Chính trị am hiểu như ông nghệ thuật săn mồi người, nhưng chiến tranh công khai lại không phải là mặt mạnh của ông, ông thích chiến đấu trong vòng bí mật, tấn công bất ngờ. Ông bố trí những cái bẫy của mình trong rừng rậm của Đảng, nhân lên tới vô cùng tận những khu và chi khu, những nhánh và chi nhánh, những tầng, thượng tầng và thứ tầng cho mọi loại: chắc hẳn là đã lâu lắm ông không hề gặp một sự chống đối công khai, không hề có va chạm với người nào. Vấn đề là cần biết phải chăng A đang bị lúng túng, việc kiểm soát tình hình có phải đã tuột khỏi tay ông hay không, có phải ông sắp hành động ngay đây, nhìn nhận là có vụ bắt giữ hay tiếp tục phủ nhận nó, tất cả những câu hỏi mà N không có khả năng trả lời bởi lẽ ông không biết điều mà chính ông, nếu ở vào địa vị ông A, ông cũng sẽ cho là nên làm; nhưng N bị cản không cách gì tiến sâu hơn vào những giả thuyết liên hệ đến thái độ có thể có của ông A bởi vì ông Thống chế K vừa bắt đầu nghỉ nói, lấy hơi trở lại để lao vào những tuyên bố hứa hẹn phục tùng ông A, lời lẽ còn mạnh mẽ hơn và nhiệt tình hơn, thì ông F đã lập tức cướp lời. Thực ra ông đánh giày ngắt lời không phải chỉ ông Chủ tịch nước Cộng hòa, mà luôn cả ông A, cho dù hoàn toàn không phải do cố tình, là người cùng lúc đã rút cái ống vố ra khỏi miệng có lẽ với ý định rốt cuộc sẽ đánh trả L, nhưng F, bấy giờ không nhận thấy sự việc như thế, đã nhanh chân hơn. Ông này bắt đầu nói ngay trước khi đứng lên, rồi sau đó cứ đứng thẳng không nhúc nhích chút nào, người mập ú, nhỏ con, mặt xấu đui xấu điếc, lỗ chỗ đầy những mụn cóc, hai bàn tay chắp trước bụng, cục mịch như một lão nông dân đóng bộ ngày chủ nhật để đi lễ nhà thờ, nói lui nói tới không dứt. N hiểu ngay tại sao. Thái độ trầm tĩnh của ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng là để đánh lừa, ông đánh giày này hoàn toàn bị xúc động bởi cái lo sợ ông cảm thấy trước cách xử sự của L, ông thấy sự tức giận của ông A đã đổ lên đầu mọi người, toàn thể Bộ Chính trị bị bắt tuốt luốt. Là đối tượng làm trò cười trong Đảng ngay từ đầu, không bao giờ được ai coi là quan trọng, bị sỉ nhục đủ mọi kiểu, được sử dụng làm đủ mọi công việc tay sai, thế tuy nhiên rốt cuộc ông vẫn leo lên đỉnh cao (là việc mà nhiều người đã phải trả giá đắt) là vì ông không có chút nào tự ái (là cái xa xỉ mà ông không thể đài thọ được) mà chỉ duy nhất có mỗi tham vọng và vì có khả năng làm bất cứ chuyện gì, ông quả đã cho thấy là có khả năng làm mọi chuyện. Ông thi hành những công việc dơ bẩn nhất (những việc vấy máu nhất), tuân lệnh một cách mù quáng, lúc nào cũng cho thấy là sẵn sàng cho mọi loại phản bội. Đây là con người đáng sợ nhất trong Đảng về nhiều mặt, còn đáng sợ hơn cả A, là người chỉ đáng sợ ở những hành động, nhưng cá tính thì nổi bật. A không hề bị biến thái vì chiến đấu, cũng như vì quyền lực. A là người như thế: một phần của thiên nhiên, biểu hiện mạnh mẽ tính chính thống của chính mình, một con người được rèn luyện bởi chính mình chứ không phải bởi những người khác. Còn F thì chỉ là con người đáng sợ: cái xấu xa của ông vẫn ở trong người ông, ông không rứt nó ra được, nó dính chặt vào da ông, ngay cả hai ông Gin-fizz Khan cũng còn có một vẻ gì sang trọng bên cạnh ông, và chính A, là người tuy cần đến ông đấy, vẫn không chỉ công khai gọi ông là tên đánh giày, mà còn gọi là tên liếm đít nữa; và cũng bởi vì vậy mà giờ đây ông sợ hơn tất cả những người khác. F không bao giờ lùi bước trước bất cứ gì để lên đến đỉnh cao, và giờ đây khi ông đã chạm được mục đích, thì ông lại nhìn thấy những nỗ lực phi nhân, xấu xa của mình đang bị đem ra bàn cãi trở lại bởi cơn nổi dóa điên rồ của L, những hi sinh lố bịch của mình trở thành vô nghĩa và những kiểu luồn cúi vô liêm sỉ của mình thì không mục đích. Nỗi sợ của ông lớn đến nỗi vô tình ông đã dám ngắt lời A (vâng, giờ đây thì N chắc chắn về điều này), nhưng nghĩ rằng mình có thể chuộc lỗi, F muốn phát biểu nhanh những cam kết trung thành của mình thêm vào những cam kết trung thành của K, và ông đã tự nhiên làm như vậy theo cách của mình. Ông không lao vào ca ngợi ông A quá đáng như ông Chủ tịch nước Cộng hòa, mà công kích L còn quá đáng hơn thế nữa. Như thường lệ ông bắt đầu bằng những câu tục ngữ nhà quê không bao giờ dứt mà ông đem đọc bất cứ lúc nào chẳng cần quan tâm xem chúng có thích hợp hay không. Ông kêu: «Khi con chồn sắp tấn công, thì những con gà mái trở nên táo bạo.» Ông kêu: «Anh dân quê chỉ tắm cho vợ mình trước khi vợ ngủ với ông chủ.» Ông kêu: «Khóc thương đi trước giá treo cổ đi sau.» Ông kêu: «Anh nông dân giàu có nhất cũng có thể ngã trong nước phân», và ông kêu: «Ông chủ làm mang bầu cô tớ, còn thằng ở thì làm mang bầu bà chủ.» Rồi ông bắt đầu khơi lại sự trầm trọng của tình hình, rất khôn khéo, nghĩa là không phải tình hình chính trị trong nước (với tư cách Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, F vướng mắc với nó quá nhiều) mà là sự trầm trọng của tình hình chính trị quốc tế là lĩnh vực ông thấy đã ló ra «một mối nguy chết người đối với tổ quốc thân yêu của chúng ta», điều quyết đoán càng làm ta rối trí hơn, vì kể từ hội nghị hòa bình, những quan hệ đối ngoại chưa bao giờ căng thẳng hơn lúc này. Theo F, chủ nghĩa đại tư bản quốc tế một lần nữa đang sửa soạn tước đi những thành quả của Cách mạng, họ đã cho nhiều điệp viên len lỏi vào đất nước chúng ta. Từ chính trị quốc tế F bước qua vấn đề cần thiết phải có kỷ luật ; từ cần thiết kỷ luật nẩy sinh vấn đề cần thiết phải có niềm tin. «Thưa các đồng chí, tất cả chúng ta đều là anh em, là những người con của cùng một cuộc Cách mạng vĩ đại!» Tiếp đó ông khẳng định rằng niềm tin cần thiết ấy đã bị phản bội không cần thiết bởi L, là kẻ đã nghi ngờ những lời nói của A trong khi giả vờ tin rằng O đã bị bắt, mặc dù A đã cam đoan là O thực sự đang bị ốm. Rằng sự ngờ vực của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông («cái ông tượng đài này từ lâu chỉ còn là một cái tượng đài ô nhục») thật ra đã đi xa đến nỗi ông còn không dám ra khỏi phòng này để có mặt bên cạnh người vợ của mình đang hấp hối, một thí dụ phi nhân điển hình mà bất cứ con người cách mạng nào vẫn còn coi hôn nhân là chuyện thiêng liêng (mà với ai thì nó không thiêng liêng?) cũng chỉ còn cách ghê tởm mà gạt đi. Rằng một sự nghi ngờ như thế không những chỉ là nhục mạ A, mà còn là một cái tát đối với Bộ Chính trị. (N có một tia ngạc nhiên: A chưa khi nào mở miệng bảo là O bị ốm. Lời nói dối này xuất phát từ ông Bộ trưởng An ninh C. Khi gán nó cho A, F đã lôi ông ta vào: thêm một lầm lẫn lớn, chỉ có thể giải thích bằng sự sợ hãi tội nghiệp của ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng… Cùng lúc ấy, N có một thoáng nghi ngờ: thế ngộ nhỡ cái vụ O ốm là có thật, và vụ bắt bớ là một chuyện dối trá tung ra cốt để đánh lạc hướng Bộ Chính trị? Nhưng mối nghi ngờ đó, cũng cùng lúc ấy, N đã bác bỏ.) Tên đánh giày, vẫn càng lúc càng mù quáng bởi hi vọng sẽ tự gỡ khó khăn cho mình, lúc ấy bắt đầu quay qua buộc tội D, kẻ thù muôn thuở của mình, chắc hẳn là do tin rằng ông Bí thư Đảng sẽ tất nhiên rớt đài cùng với ông Bộ trưởng Bộ Giao thông L. Như thế là quên mất rằng nếu ông này về phương diện chính trị đã bị mọi người lên án, thì về phần D, ông ta vẫn đang chiếm một vị trí người ta không thể loại đi mà không làm lung lay tận gốc cả Đảng và Nhà nước. Nhưng đối với F, sự lung lay ấy rõ ràng đã xảy ra, nếu không thì làm sao lại lọt được đến tai ông cái tin là ngay cả ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng H, không những không đồng tình với ông, mà còn đứng lặng người trong suốt thời gian ông đả kích D. Tên đánh giày la lớn là đám nông dân đói khổ thì ông cha xứ no nê, la lớn là khi ông chủ bị lạnh ông đốt cả làng, rồi ông quả quyết là D đã phản bội Đảng khi để cho đảng ngủ mê, và ông ta đã biến Đảng thành một thứ quốc hội tiểu tư sản. Thái độ ngạo nghễ tuyệt vọng của F không dừng lại ở đó. Sau D ông cũng tấn công luôn cả những đồng minh của mình, chế giễu bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục («Ở nhà lái ngựa, đi vào là gái tân đi ra đã là con đĩ»), rồi chế giễu ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (« Giao du với chó ghẻ thì sớm muộn gì chính mình cũng là chó ghẻ»), nhưng trước khi có thể moi ra một câu tục ngữ thứ ba mà không tìm ra thì giờ để nói rõ những lời bóng gió của mình, F bị ông đại tá ngắt lời. Ông nhà binh tóc vàng này quả là vừa bước vào phòng họp lần thứ hai, trước sự sửng sốt kinh ngạc của mọi người. Ông đứng chào nghiêm kiểu quân đội, đưa cho ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng một mảnh giấy, lại đứng chào nghiêm và bước ra ngoài.

Ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột và cảm thấy bị đe dọa bởi màn trình diễn quân đội này, F mất hẳn tự tin, đọc lướt mảnh giấy, rồi vò nát, và nhét vào túi bên phải, nói lẩm bẩm rằng ông không có ý định nói như thế, ngồi xuống trở lại ngổn ngang một mối nghi ngờ đột ngột và không nói nữa. Không ai nhúc nhích. Sự xuất hiện lần nữa của viên đại tá thật là quá lạ thường: nó có vẻ giống như một cảnh dàn dựng. Biến cố không báo trước điều gì tốt đẹp. Chỉ bà M, trước giờ vẫn chăm chú theo dõi F suốt cả bài diễn văn của ông, là có vẻ như không nhận ra gì cả. Bà mở cái túi của mình và đánh phấn, là việc xưa nay bà chưa bao giờ dám làm giữa buổi họp. A vẫn chưa nói gì, vẫn chưa can thiệp, vẫn chưa từ bỏ thái độ thản nhiên của mình. B và C, là hai người ngồi gần A nhất, nhìn nhau qua mặt bàn, rất nhanh, như chỉ là tình cờ, nhưng không phải N không nhận thấy được ngay đúng lúc là ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đưa một ngón tay lên bộ râu mép không chê vào đâu được của mình. Ông Trưởng ngành Mật vụ sửa lại cái cà vạt lụa của mình và lạnh lùng hỏi F đã nói hết cái tràng lải nhải của mình chưa, bởi vì Bộ Chính trị còn có việc phải làm. N vừa có cảm tưởng lần nữa là B và C có thể đang bí mật âm mưu chuyện gì đây. Hai người được coi như là kẻ thù, nhưng lại có nhiều thứ chung: văn hóa, trí thức hơn người, xuất thân từ những gia đình danh tiếng. Cha của C từng là bộ trưởng trong một chính phủ tiểu tư sản; B là con bất hợp pháp của một ông hoàng, có người còn cho ông là một con người đồng tính như C. Khả năng có một thỏa hiệp bí mật giữa hai nhân vật này lướt qua ý nghĩ của N lần nữa còn bởi một lý do khác: trong khi quát mắng ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, C rõ ràng là đã cứu viện cho B, và ông không phải chỉ ủng hộ ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà thôi, mà ủng hộ luôn cả D và M, ngay cả L. Càng bối rối hơn do sự thất thế vì vẫn cứ tưởng mình đang được C đồng tình, F trả lời với một vẻ tiu nghỉu rằng ông phải gọi điện về bộ, ông xin lỗi phải gọi khẩn cấp, vì một chuyện không may đang chờ lệnh ông. A đứng lên. Ông lặng lẽ đi đến cái tủ chè sau lưng mình, ung dung rót rượu cognac, và vẫn đứng. Ông cho F biết là ông này có thể ra gọi điện ngoài phòng đợi và yêu cầu L biến nhanh để ít ra là đi gọi cho nhà thương. Sau đó ông loan báo là buổi họp tạm ngừng năm phút, là không có chuyện buổi họp bế mạc sau những lời tấn công ngớ ngẩn và vả chăng lại hoàn toàn mang tính cá nhân như vậy, rằng kỷ luật của Đảng đòi hỏi lát nữa đây nó phải được tiếp tục và sau đó ông không muốn bị làm phiền nữa: cái anh chàng đại tá ngốc nghếch kia là ai? «Một người thay thế», ông Trưởng ngành Mật vụ trả lời: viên đại tá thường ngày đang nghỉ phép, nhưng chúng tôi sẽ nhắc lại quân lệnh cho anh chàng. C triệu tập viên đại tá bằng máy gọi nội bộ, ông đại tá lại chào nghiêm kiểu nhà binh, C truyền đạt lệnh cho anh không được xuất hiện trong mọi trường hợp, viên đại tá lui ra. F cũng như L không ai rời phòng họp: cả hai người vẫn ngồi yên tại chỗ như không có việc gì xảy ra. Với vẻ hớn hở D nhìn ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, ông đứng lên, đến bên ông A và cũng rót một cốc rượu cognac cho mình. Thế thì sao đây? Bộ F không sắp quyết định ra ngay khỏi phòng bây giờ sao? Nếu bộ Công nghiệp dám quấy rầy những phiên họp của Bộ Chính trị, thế có nghĩa là ở đấy phải đang có một cuộc cãi vã chết tiệt rồi! Quan tâm đến lợi ích của Nhà nước và Cách mạng như F chắc chắn là điều đáng biểu dương, nhưng cái lợi ích ấy hiện nay đòi hỏi ông rốt cuộc phải làm tròn bổn phận của mình bằng cách mau chóng liên hệ với bộ của mình. Sắp xếp công việc chẳng phải là cứ để nền Công nghiệp nặng rơi vào chỗ bế tắc.

B Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quan hoạn

C Trưởng ngành Mật vụ Cái bàn đạp

D Bí thư Đảng Con lợn lòi

E Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Ngài Thanh xuân

F Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Tên đánh giày

G Trưởng ban Tư tưởng Lý thuyết gia của Đảng - Ông sùng uống trà

H Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thống chế - Gin-fizz Khan trẻ

I Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cựu Tổng kiểm sát

K Chủ tịch nước Cộng hòa Thống chế - Gin-fizz Khan già

L Bộ trưởng Bộ Giao thông Tượng đài

M Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nàng thơ của Đảng

N Bộ trưởng Bộ Bưu điện

O Bộ trưởng Bộ Nguyên tử

P Trưởng ban Tổ chức Thanh niên