Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 3)

Bertrand Russel

Bản dịch của Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng

Tiền-Socrates (tiếp theo)

Một con đường cách biệt khác với truyền thống triết học đến từ Heraclitus ở Ephesus, sống khoảng đầu thế kỷ thứ 6 TCN. Đời ông, ít người biết, trừ điều gốc gác ông thuộc giai cấp quí tộc. Dăm văn bản của ông ta còn giữ được cho thấy tại sao người đời gọi ông là triết gia ủ ê với cách diễn ngôn có tính tiên tri, xúc tích, uyển chuyển và đầy những ẩn dụ sống động. Nói về vòng sinh tử vĩnh hằng, ông bảo “Thời gian như con trẻ chơi trò kéo co, quyền lực vương giả chỉ là một đứa trẻ con”. Khi nhiếc móc những gì không rõ rệt, ông quở “bọn điên nghe như kẻ bị điếc, lời nói làm chứng là chúng vắng mặt ngay cả khi có đấy” hay “Tai và mắt là những nhân chứng không tin được khi linh hồn không hiểu ngôn ngữ của chúng”. Để nhắc chúng ta rằng những thành tựu đều phải trả giá bằng cố gắng, ông nói “Kẻ đào vàng đào rất nhiều đất lên nhưng tìm thấy rất ít vàng”. Ai thấy công việc ấy quá khó khăn, ông chua cay “Lừa thích rơm hơn là vàng”. Ông phủ bóng lên một tư tưởng sau này Socrates nhắc lại, là ta chớ nên quá hãnh diện về những điều học được, vì “con người được Thượng Đế coi là sơ sinh, và người đời thì gọi là con trẻ”.

Lời lẽ của Heraclitus dễ hiểu hơn khi ta nghiên cứu lý thuyết ông đề ra. Mặc dầu không có quan tâm đến khoa học như những người tiên phong, lý thuyết này được xây dựng trên cơ sở giảng dạy Ionia và Pythagoras. Theo Anaximander, những đối cực quay trở về trạng thái vô hạn để hòa giải khiến chúng tránh xâm phạm lẫn nhau. Pythagoras đề xuất khái niệm hài hòa. Từ những cách nhìn trên, Heraclitus khai triển một lý thuyết, và đây là đóng góp của ông trong triết học: thế giới hiện thực cấu thành từ điều chỉnh hóa giải những khuynh hướng đối nghịch. Trước khi có bạo phát giữa những đối cực, sự hài hòa cho phép thế giới chúng ta tự thể hiện được.

Khái niệm phổ quát thường không dễ lộ ra vì “thiên nhiên thích che đậy”. Theo Heraclitus, sự hài hòa thường không đập vào mắt ngay tức thì. “Sự hài hòa được che đậy tốt lành hơn là không che đậy”, ông nói. Thật ra, những hài hòa thường khó thấy”. Con người không thông tường cái gì tạo từ khác biệt có thể lại hài hòa với chính nó, hệt như khi lên dây đàn lia và vĩ cầm ở hai chiều đối nghịch cao thấp”.

Bạo phát là một nguyên lý cho phép thế giới sinh động. Homer sai khi mong rằng “bạo phát phải diệt tuyệt giữa, và từ, những con người với nhau và với những đấng thần linh”, vì như thế ông không biết mình đang cầu xin sự tàn phá của cả vũ trụ này. Trong nghĩa Lôgich chứ không phải châm ngôn quân sự, ta hiểu khi Heraclitus nói “chiến tranh là cha đẻ mọi sự”. Tuy không vào chi tiết nhưng theo nguyên lý của trường phái Miletus, ông chọn Lửa. “Mọi sự vật đều được trao đổi với Lửa, và Lửa với mọi sự vật, như hàng hóa với vàng, và vàng với hàng hóa”. Châm một chiếc đèn dầu khiến dầu biến thành lửa, bấc đèn thành muội, như mọi sự trên thế gian đều trải nghiệm những quá trình trao đổi, thay hình đổi thể, không bao giờ ở trạng thái bất biến. “Anh không thể đặt chân lên cùng một dòng sông, bởi nước tiếp tục chảy dưới chân anh”. Cách diễn ngôn này khiến người đời sau cho rằng Heraclitus chủ trương “mọi sự là dòng thay đổi liên tục”. Khi Socrates nói về Heraclitus, Socrates gọi ông dưới cái tên giễu là “dòng chảy”.

Chúng ta cần so sánh điều vừa trình bày với một ý tưởng khác của Heraclitus, rằng “ta đặt chân lên, hoặc không, cùng một dòng sông, như ta là, hoặc ta không là”. Thoạt tiên, hai đề xuất có vẻ như không thể tương thích. Nhưng không, điều cần nhấn mạnh là vế thứ hai có liên quan đến lý thuyết Heraclitus.

clip_image002 Heraclitus

Chúng ta là, hoặc không là, có thể coi như là cách nói kín đáo rằng tính đơn nhất của cuộc sống chúng ta là những đổi thay bất tận, hay theo ngôn ngữ của Plato, là sự biến đổi thường trực. Cũng giống như thí dụ về dòng sông. Nếu tôi ( tức B. Russell) đặt chân vào dòng sông Thames hôm nay, ngày mai tôi cũng có thể làm như vậy, nhưng nước dưới chân tôi không phải là dòng nước hôm qua. Điểm cần nói, thiết tưởng, đã khá rõ, và chẳng dám mời độc giả làm thử kinh nghiệm bỏ chân xuống nước này. Một thí dụ khác, rằng “lên hay xuống một con dốc là một”. Ta đã thấy đốt đèn dầu, lửa bốc lên thì ngọn bấc lụi xuống, là hai mặt của cùng một quá trình trong một hiện tượng. Về con dốc, lên hay xuống tùy thuộc đường ta đi. Lý thuyết Heraclitus về những thái cực đối nghịch nhắc chúng ta rằng những điều tưởng là đối kháng hóa ra chỉ là hai mặt cùng một vấn đề. Một đề xuất táo bạo hơn, cho rằng “Tốt đẹp và Xấu xa là một”. Đây không nên hiểu hai khái niệm này đồng nhất, mà cũng như con dốc, nó lên tất cũng phải xuống, tùy con đường ta chọn. Và hiểu một điều tất hiểu được điều kia. Thực tế, nếu ta hủy con đường lên dốc, ta cũng đồng thời hủy con đường xuống dốc, giống hệt như với Tốt đẹp và Xấu xa.

Lý thuyết “dòng chảy” của Heraclitus không phải là mới. Anaximander cũng bảo vệ những quan điểm tương tự. Nhưng giải thích tại sao sự vật như nó có vậy là một bước tiến so với trường phái Miletus. Khái niệm cơ bản về hạn độ đo lường đến từ Pythgoras. Bằng cách giữ độ đo bất biến, những thay đổi bất tận giữ được sự vật như nó là. Điều này đúng cho con người, và cho cả thế giới.

Trong thiên nhiên, mọi sự biến chuyển và thay đổi. Cũng vậy, linh hồn con người biến chuyển giữa khô và ẩm. Nếu ẩm, linh hồn có thể rã ra khi không có lửa sưởi ấm, một quan sát khá chuẩn về con người khi gặp khổ nạn. Mặt khác, “linh hồn khô là khôn ngoan, và tốt nhất”, nhưng chớ cực đoan thái quá vì sưởi bằng một ngọn lửa quá nóng sẽ giết linh hồn trong khi chế ngự được cái ẩm. Chết trong lửa, tuy vậy, là cái chết vinh quang vì “chết hoành tráng sẽ thâu đoạt được phần lớn hơn”. Lý do, vì lửa là vật chất vĩnh hằng: “thế giới là như thế cho tất cả, không hình thành từ thần linh lẫn con người; nó từng có, hiện có và sẽ là ngọn lửa luôn luôn nhóm lên và tắt đi...”

Cho tất cả những tiến trình của tự nhiên, chúng tuân thủ hạn độ đo lường của chúng. Như Anaximader nhận định, sự bất công thì không là bạo phát giữa những thái cực mà là hành vi bất tuân những hạn độ. “Mặt trời không vượt hạn độ, và nếu làm thế, Erinyes[1] sẽ tìm ra ngay thủ phạm”, Nhưng hạn độ không cứng ngắc, nếu nó không vượt những đường biên giới hạn. Hạn độ có thể dao động trong một giới hạn, như đêm và ngày trong thiên nhiên, thức và ngủ với con người. Khái niệm dao động này có thể có tương quan với sự hình thành những số vô tỷ của Pythagoras bằng những phân số liên tục xấp xỉ thấp rồi cao quanh giá trị thực. Chúng ta khi đó không biết phương pháp này có được trường phái Pythagoras tìm ra không, nhưng cũng không thể gắn nó cho Heraclitus, chỉ biết nó được phổ biến trong thời Plato sau đó.

Một cách đạt tới minh triết là nắm bắt được những nguyên lý về sự vật. Nó nằm trong công thức hài hòa những đối cực. Heraclitus nói “... nhưng con người dường như không biết, trước khi nghe, và cả sau khi nghe về nó. Mọi sự đều tiến hành theo công thức hài hòa này, nhưng con người chẳng hiểu gì, ngay cả khi họ trải nghiệm những điều tôi giải thích, sau khi tôi đã phân loại sự vật và chỉ ra chúng là thế nào”. Nếu chúng ta không chấp nhận sự hài hòa, có học bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng chẳng ích gì. “Học không phải là hiểu”, một cách nhìn ta sẽ thấy lại với Hegel, và Heraclitus chính là kẻ khơi nguồn quan điểm này.

Minh triết như vậy là nắm bắt và thông tường cái công thức chung cho mọi sự vật. Ta phải theo nó, như một thành quốc tuân thủ luật lệ, hoặc còn hơn thế vì cái công thức kia có tính phổ quát trong khi luật lệ có thể thay đổi từ thành quốc này sang thành quốc kia. Heraclitus nhấn mạnh tính tuyệt đối của điều này, đối chọi với sự tương đối khi ta so sánh những phong tục khác nhau. Cách nhìn của ông ngược lại tính thực dụng theo quan điểm của phái Biện Thuyết mà Protagoras [2] trình bày như “Con người là hạn độ đo lường mọi sự”.

Mặc dầu nguyên lý phổ quát, hay thần ngôn, biểu hiện ở mọi chỗ, nhiều người như mù và cư xử theo sự khôn ngoan riêng của họ. Heraclitus xem thường sự mù lòa này của đám đông. Ông là một người thuộc tầng lớp quí tộc nên chỉ quan tâm đến những kẻ đặc tuyển trong xã hội. “Cư dân thành Ephesus nên tự treo cổ và bỏ thành phố cho những kẻ không râu, vì họ đã quăng đi Hermodorus[3], người tử tế nhất, và nói không cần hắn, hãy để hắn đi đâu thì đi, sống với ai thì sống”.

Về mình, Heraclitus tự đánh giá là cao. Điều này nhân nhượng được, vì ông đúng là một nhà tư tưởng kiệt xuất, tổng hợp được những khái niệm có trước, và ảnh hưởng sâu đậm lên Plato. Nếu ông cho rằng mọi sự vận hành như một dòng chảy thì sau đó, triết học Hy đề xuất một thái cực khác và phủ nhận hoàn toàn mọi chuyển động.

Những lý thuyết vừa duyệt qua đều tìm cách lý giải thế giới qua một nguyên lý duy nhất. Chúng khác nhau, tùy người hoặc tùy trường phái, nhưng đều qui về làm sao tìm thấy điều cấu thành được mọi sự. Chúng ta đến đây chưa nói gì đến quan điểm này.

Người đưa ra những phê phán đầu tiên về vấn đề này là Parmenides [4]. Đời Parmenides, cũng như nhiều người khác, chúng ta biết không nhiều, nhưng quan trọng là ông xây dựng trường phái Eleatic. Ông nổi tiếng vào giữa thế kỷ thứ 5 TCN, và theo Plato, ông cùng với môn đồ là Zeno thăm Athens và gặp Socrates vào khoảng 450 TCN. Trong số những triết gia Hy Lạp, ông và Empedocles là hai người trình bày triết học dưới dạng thơ. Trong trước tác “Về Thiên Nhiên”, có hai phần, một là “Con đường chân lý” trong đó ông trình bày quan điểm về Lôgich mà ta quan tâm. Phần hai, có tên “Con đường quan điểm”, ông viết về vũ trụ luận theo thế cách Pythagoras nhưng nhấn mạnh ta nên coi quan điểm từ cảm nhận chỉ là ảo ảnh. Khi hệ thống hóa phê phán của mình, ông tách rời tư duy của Pythagoras, và phần hai này đơn thuần chỉ là một bản liệt kê những lầm lỗi mà ông đã chỉnh sửa được.

Phê phán của Parmenides khởi đi từ một điểm yếu chung của nhiều lý thuyết trước đó. Đó là quan điểm mọi sự vật được cấu thành từ một cái gì cơ bản và chung cho tất cả, nhưng đồng thời, những lý thuyết vừa nói lại đề cập đến không gian trống rỗng (còn gọi là chân không). Diễn tả vật chất, ta bảo nó là, và không gian trống rỗng, ta bảo nó không là. Những triết gia trước Parmenides đều mắc lỗi lầm cho rằng cái không là đã từng có. Heraclitus chỉ ra cái nó là không thể đồng thời là cái nó không là. Và Parmenides đưa ra quan điểm chỉ có cái nó là, bởi cái nó không là thì không có cách gì trí tuệ nắm bắt được. Theo ông, cái gì trí tuệ không suy đoán ra thì không thể được, và cái gì gọi bằng nó là đều là do trí tuệ xác quyết. Đây là nét chính trong lập luận của Parmenides.

Một số vấn đề nổi bật, đầu tiên mệnh đề nó là có nghĩa mọi nơi trên thế giới này chứa đầy vật chất. Khoảng rỗng đơn giản không hiện hữu, bên trong và bên ngoài nó. Hơn thế, vật chất không nhiều hay ít hơn ở chỗ này hay chỗ kia, bởi nếu không như vậy, ta có thể nói chỗ có mật độ thấp cao khác nhau, điều không xác quyết được. phải hữu hạn, và đẳng hướng, nếu không thế thì không toàn diện.tiên thiên, vĩnh cửu, không gì sinh ra từ nó, không gì hòa tan vào nó, không gì sinh ra từ cái gì đó, bởi không có gì khác được nó. Từ đấy, ta đến

clip_image004

Parmenides

quan điểm một thế giới chất rắn, hữu hạn, đồng nhất, hình cầu, không có thời gian, không vận hành chuyển động. Quan điểm này đi ngược những nhận định thông tục, nhưng đó là kết luận Lôgich của nhất nguyên luận. Điều Parmenides đề xướng này gây phản cảm vì đòi ta phải bỏ đi mọi trải nghiệm như ảo ảnh. Trên cơ sở nhất nguyên ông đeo đuổi đến cuối đời, ông buộc những triết gia sau ông phải tìm ra một bước khởi hành mới. Bước này biểu hiện trong đề đạt của Heraclitus, cho rằng nếu bạo phát mà không có thì thế giới cũng vậy, không còn.

Những phê phán của Parmenides không thực sự quan hệ với lý thuyết của Heraclitus được hiểu cho đúng nghĩa. Lửa cấu thành mọi sự vật không phải là chính yếu. Cách Heraclitus trình bày có tính ẩn dụ, lửa chỉ là thứ mầu mè diễn tả ý không có gì tự tại, và mọi sự vật đều biến chuyển. Phát ngôn “nó là nó không là” sẽ được diễn giải sau. Thực ra, lý thuyết theo Heraclitus đã chứa đựng những phê phán tiềm ẩn về quan niệm siêu hình của Parmenides về ngôn ngữ.

Trên phương diện ngôn ngữ học, lý thuyết theo Parmenides rất giản đơn. Khi anh nghĩ, hay nói, anh nghĩ và nói về một cái gì đó. Bởi vậy, cái gì đó độc lập và ở bên ngoài động tác nghĩ và nói, và đối tượng của của động tác này phải tồn tại. Nếu không như vậy, thay đổi ắt là chuyện bất khả. Với cách thế tư duy này, Parmenides không thể phủ định bất cứ chi, bởi làm thế ông buộc phải nói về cái nó không là. Nhưng cũng vì lý do này mà mà ta không thể khẳng định được gì, và tất cả diễn ngôn, văn bản, và ngay hành trạng tư duy đều bất khả tư nghì. Kết cục, không có gì tồn tại, ngoại trừ nó là, một công thức trống rỗng về mặt ý nghĩa.

Vấn đề quan yếu trong lý thuyết ở đây là nếu ta có thể dùng một từ rõ ràng thì nó phải có ý nghĩa, và ý nghĩa này phải hiện hữu cách này hay cách khác. Nghịch lý trên có thể được hóa giải nếu ta quay lại với Heraclitus. Khi vấn đề được thể hiện rõ, ta sẽ thấy không ai có thể cho rằng nó không là, mà chỉ nó không là trong một thể loại nào đó. Thí dụ ta nói “cỏ không đỏ”, ta không định bảo cỏ không là, mà chỉ nói cỏ không là dưới dạng mầu đỏ mà thôi. Và ta không thể khẳng định như vậy nếu ta không biết có gì khác mang mầu đỏ, như mầu xe buýt (ở Luân Đôn) chẳng hạn. Nhưng mọi sự đều vô thường, và theo Heraclitus, cái gì đỏ có thể hóa ra xanh, đơn giản như chuyện chúng ta có thể sơn lại màu xe buýt vậy.

Dưới điều kiện nào ngôn ngữ mang ý nghĩa là một vấn đề quá lớn để đề cập ở đây. Tuy nhiên, sự phủ nhận tính vận hành chuyển động của Parmenides tạo ra nguồn gốc cho những lý thuyết Duy Vật sau này. Từ mà ông gán vào hiện hữu nay được gọi là thực thể vật chất (substance), bất biến và bất khả hủy, và cấu thành mọi sự theo quan điểm những triết gia duy vật.

Parmenides và Heraclitus là hai thái cực trong số những triết gia tiền-Socrates. Ngoài Plato sau này, những người theo thuyết Nguyên tử đã tổng hợp cách nhìn từ hai đối cực đó. Họ mượn từ Parmenides tính bất biến cũa những hạt cơ bản, và từ Heraclitus tính vận hành không ngưng nghỉ. Đây là một thí dụ cổ điển khơi gợi biện chứng pháp của Hegel. Những tiến bộ của tri thức đến từ loại tổng hợp này là kết quả của sự điều nghiên những đối cực đó. Phê phán của Parmenides cũng khai sinh một cách tiếp cận mới về vấn đề thế giới này cấu tạo từ thành tố nào. Đó là công trình của Empedocles[5], người Acragas ở Sicily. Nổi danh vào tiền bán thế kỷ thứ 5 TCN, nhưng chúng ta biết rất ít về ông. Về phương diện chính trị, người ta coi ông là một lãnh tụ phái dân chủ. Đồng thời, ông mang những nét huyền bí có liên quan đến truyền thống Orpheus của trường phái Pythagoras. Truyền thuyết kể ông có thể ảnh hưởng khí hậu mưa nắng. Ngoài chuyện này, không nghi ngờ gì được là kiến thức về thuốc men của ông ngăn chặn được bệnh dịch sốt rét ở Selinus, và hình ảnh ông được đúc trên một đồng tiền của thành quốc này. Người đời đồn ông tự cho mình là Thượng Đế, khi chết sẽ phất phới bay lên. Có kẻ lại bảo ông gieo mình vào miệng núi lửa Etna, nhưng chuyện này hẳn không tưởng, vì chẳng có một nhà chính trị nào lại dại dột làm một cú nhẩy như vậy.

Để đến một thỏa hiệp giữa học thuyết Eleatic và những thể nghiệm bình thường qua cảm nhận, Empedodes dựa vào bốn thành tố cơ bản, gọi nó là “gốc rễ” của sự vật, và sau Aristotle định danh lại là yếu tố. Đất, nước, không khí và lửa đã chi phối khoa hóa học gần hai ngàn năm, tạo ra lý thuyết về những thực thể của tập hợp những đối cực, như ẩm và khô, nóng và lạnh. Muốn đáp lại thỏa đáng những phê phán của Parmenides, chúng ta không chỉ nhân lên số những thành tố mà phải xem xét cách thức chúng hòa trộn với nhau. Cách thức ấy đến từ vận hành của hai động lực ông gọi là Ái lực (love) và Bạo phát (strife) làm môi giới xúc tác, và phải được xem như hai thành tố khác. Hai động lực này được Parmenides coi là hai yếu tố, nâng số thành tố cơ bản lên 6.

clip_image006 Empedocles

Bạo phát ngăn không cho bốn thành tố hỗn hợp với nhau, trong khi Ái lực kết hợp chúng. Nhưng ta có thể ghi nhận rằng môi giới không thể là thành tố, và khoa học hiện đại đều cho rằng một tố chất có chức năng môi giới cần những thành tố cơ bản để xúc tác lên chúng.

Anaximenes trước đó đã coi không khí có tố chất này, nhưng ta không hiểu trên cơ sở nào. Empedodes khác, với ông không khí là một thành tố vật chất, và gọi nó là aether (giống như ethe). Điều này được soi sáng thêm trong hậu bán thế kỷ 19, khi lý thuyết điện từ cần một môi trường để sóng có thể truyền đi.

Dẫu có phát kiến độc đáo, Empedodes vẫn ở trong trường phái Eleatic, cho rằng những thành tố cơ bản bất biến, vĩnh hằng và không thể giải thích gì thêm được. Điểm này, thường không khai triển, là nguyên tắc một lý giải khoa học. Lấy một thí dụ quen thuộc, chúng ta giải thích hóa học bằng nguyên tử, nhưng những nguyên tử này tự thân không có diễn giải nào. Muốn làm điều này, ta phải đi thêm một bước, tìm ra cái gì cấu tạo nguyên tử, và đến lượt cái đó lại cũng chưa có diễn giải cho đầy đủ.

Không có gì cấu thành từ, và chẳng có gì thâm nhập được, cái không là. Nhận định này là thuyết duy vật Eleatic. Sự xét lại thuyết này của Empedodes không thỏa đáp những phê phán của Parmenides. Cái ta phải đồng ý là một khi chấp nhận có vận hành chuyển đổi, ta đồng thời chấp nhận chân không. Lý do là nếu có chuyển đổi, số lượng của một thành tố vật chất ở một nơi có khả năng giảm xuống cho đến khi triệt tiêu toàn bộ. Số nhiều những thành tố hoàn toàn không có ảnh hưởng gì, và Parmenides có lý khi ông cho rằng phủ nhận chân không đồng nghĩa với phủ nhận mọi vận hành. Sau này, chúng ta sẽ thấy những triết gia học phái nguyên tử giải quyết vấn đề này ra sao.

Empedodes biết ánh sáng cần thời gian để di chuyển, và ánh trăng là ánh sáng gián tiếp, nhưng ta không biết ông làm sao có những thông tin này. Vũ trụ luận của ông dựa trên một chuỗi chu kỳ khởi đi từ Bạo phát bên ngoài và Ái lực bên trong thế giới mang hình cầu. Bạo phát hủy diệt Ái lực cho đến khi mọi thành tố rời nhau ra, rồi quá trình ngược lại xung động và đưa thế giới về khởi điểm. Lý thuyết về đời sống của ông gắn kết với cách nhìn này. Ở cuối một chu kỳ, khi Bạo phát tràn lan, những sinh vật tách rời nhau. Và khi Ái lực bắt đầu thì những phần rời đó kết hợp một cách ngẫu nhiên, bảo đảm sự sinh tồn cho những loài vật thích nghi với thay đổi. Sau đó, Bạo phát lại phân hóa, và chu kỳ sinh diệt tiếp tục. Thế giới của chúng ta, theo Empedodes, là thế giới khống chế bởi qui luật sinh tồn cho những sinh vật có khả năng thích nghi nhất.

Cuối cùng, ta ghi nhận quan tâm của Empedodes trong y học và sinh lý học. Qua Alcmaeon, một môn đổ phái Pythagoras, Empedodes cho rằng sức khoẻ là trạng thái cân bằng giữa những thành tố đối kháng, và bệnh tật xảy ra khi một trong những thành tố đó áp đảo những thành tố khác. Con người thở qua những lỗ chân lông; và chúng cho phép ta có những cảm nhận. Lý thuyết của ông về thị giác thống trị một thời gian dài, cho rằng nhìn là điểm hội tụ giữa tia lửa xuất phát từ mắt và đối tượng ta nhìn.

Về tôn giáo, Empedodes theo truyền thống Orpheus, nhưng hoàn toàn tách biệt với triết học ông đề xuất. Trong những văn bản về tôn giáo, ông có những cách thế nhìn nhận có vẻ như mâu thuẫn với lý thuyết của ông về thế giới. Điều này thường xẩy ra, nhất là cho những người không chịu phê phán quan điểm của chính mình. Ta không cần bàn dài dòng, chỉ biết có những kẻ hôm nay bảo vệ quan điểm này, mai thì quan điểm kia, mà không xem chúng có nhất quán hay không.

Câu chuyện đến đây đưa ta vào thế kỷ thứ 5 TCN. Nhiều vấn đề luận bàn dưới tiêu đề triết lý tiền-Socrates thực ra là cùng thời Socrates, nhưng khó mà tránh những chồng chéo về thời điểm. Để trình bày những tổng kết dính líu đến nhau, không thể không dẫm chân lên kiểu sắp xếp theo niên đại. Khó khăn này khá nhiều trong những văn bản về lịch sử. Nhưng lịch sử chính nó thì ít khi quan tâm đến sự tiện lợi của niên biểu. Chúng ta sẽ đề cập đến Athens một cách cặn kẽ, nhưng nay, hãy điểm qua điều kiện xã hội và chính trị ở Hy Lạp vào thời kỳ này.

Mặc dầu chiến tranh Ba Tư khiến người Hy Lạp hiểu sâu hơn liên hệ ngôn ngữ, văn hóa và quốc gia chung của họ, những thành quốc vẫn giữ vị trí trung tâm. Ngoài truyền thống của người nói tiếng Hy, những thành quốc giữ được bản sắc và sức sống riêng. Dẫu Homer là tài sản chung, nhưng Sparta[6] khác Athens như một cái nhà tù với một cái sân chơi, cũng như những khác biệt với Corinth[7] và Thebes[8]. Sự phát triển của Sparta khá đặc thù. Dân số tăng, Sparta phải thống trị một bộ lạc láng giềng người Messania và khiến họ trở thành đám dân chuyên phục vụ tay chân. Quốc gia Sparta từ đấy hóa ra một công trại quân sự. Nhà nước gồm một hội đồng bầu những trưởng thượng có tuổi và chỉ định hai vị giám sát. Những vị này có thực quyền, mặc dầu nước có hai ông Vua vốn dòng giõi quí tộc, nhưng thật ra chỉ làm vì. Mục tiêu của giáo dục là thống trị đám cư dân chung quanh để có lao động tay chân. Quốc gia Sparta từ đấy hóa ra một trại lính đào tạo những chiến sĩ kỷ luật. Tinh binh Spartan là một lực lượng hùng hậu nổi tiếng. Tướng Leonidas cùng ba trăm chiến binh đã giữ vững Thermopylae chống quân Ba Tư là một trong những chiến công lẫy lừng trong lịch sử.

Người Sparta không phải là loại người tình cảm. Mọi cảm nhận riêng tư bị đè nén, họ kỷ luật từ nhỏ. Trẻ con hình hài méo mó bị vất bỏ để bảo tồn sự mạnh mẽ của chủng tộc. Từ thuở thiếu thời, chúng phải rời cha mẹ, sống trong những quân trại. Gái được đối xử như trai, và vị thế phụ nữ rất bình đẳng trong xã hội. Nhà nước lý tưởng của Plato mang nhiều yếu tố của xã hội Sparta. Về phần Corinth, thành quốc này giữ vị thế quan yếu trong giao thương. Dưới quyền một tập đoàn chính trị, Corinth gia nhập Liên hiệp Pelopponesians dưới sự lãnh đạo của Sparta. Dẫu có đóng góp quân sự, nhưng Corinth không có tiếng nói gì có tính quyết định. Thành quốc này chủ yếu làm thương mại, chẳng nổi tiếng vì những nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng mà là chỗ ăn chơi, thủ phủ của một cộng đồng lớn người Hy sống ở Syracuse thuộc Sicily.

Giữa hai thành phố lớn này, qua Magna Gracea[9], một quan hệ giao thương sinh động trong vịnh Corinth phát triển. Liên hợp với cuộc xâm lăng Hy Lạp do vua Xerxes của Ba Tư khởi xướng, người Carthage thử chiếm đảo này năm 480 TCN, nhưng bị chặn đứng bởi quân lực của Syracuse dưới sự lãnh đạo của những nhà độc tài thành Gela[10]. Trong thế kỷ 5 TCN, Athens đẩy lùi Corinth, tạo được lá chắn trong chiến tranh Peloponnesian, và cho đến khi cuộc trường chinh Syracusan thất bại thì vị thế của Athens mới bắt đầu đi xuống.

clip_image008

Phía tây bắc Athens, trong vùng đồng bằng Boeotian, là Thebes, thành phố liên quan đến huyền thoại Oedipus[11]. Trong thế kỷ thứ 5 TCN, Thebes nằm dưới sự cai trị của một tập đoàn quí tộc. Vị thế của Thebes trong chiến tranh Ba Tư không được khá, một phần lực lượng bị tiêu diệt với tướng Leonidas, và sau khi Xerxes chiếm Thebes, người thành quốc này liên hiệp với Ba Tư trong trận chiến Platae. Vì sự bội phản này, sau khi chiến thắng, Athens khinh khi và đã không để cho người Thebes địa vị lãnh đạo ở Boeotia. Khi quyền lực của Athens lớn lên, Sparta liên kết với Thebes để cân bằng, và trong chiến tranh Peloponnesian, người Thebes dù bị vây hãm vẫn chiến đấu. Cuối cùng, Sparta thắng trận, nhưng khi đó Thebes lại quay về ủng hộ Athens nhằm giữ thế cân bằng quyền lực.

Phần lớn những thành quốc đều kiểm soát vùng đất nông nghiệp sát bên. Nông dân tiếp tục việc đồng áng, chuyện chính trị là ở thành phố. Khi có một nền dân chủ, chuyện chính trị được phổ biến đến mọi tầng lớp, kẻ bàng quan không được tán thành, bị gọi là “ngu”, tức những kẻ chỉ biết tư lợi theo ngữ nghĩa Hy Lạp. Đất đai Hy Lạp không mầu mỡ, và họ phải nhập lương thực, xuất dầu ôli và đồ gốm. Nơi xuất lương thực là Euxine, nơi đông dân cư Hy từ nhiều thế kỷ.

Cá tính người Hy thể hiện trong cách ứng xử trước luật pháp, khác hẳn với những người dồng thời ở Tiểu Á. Với phương Đông, quyền uy của vua chúa là luật lệ thiên định, trong khi người Hy cho rằng những luật lệ đó là do con người, và vì con người. Nếu luật lệ không còn phù hợp với thời thế, chúng có thể thay đổi thể theo ý mọi người, nhưng nếu không, thì nó phải được tuân thủ. Tinh thần luật pháp này thể hiện khi Socrates bị kết án tử hình đã từ chối không đi trốn.

Mỗi thành quốc có luật lệ của riêng mình, và không có một quyền lực trung gian hòa giải nào khi xảy ra những bất đồng. Hy Lạp vì thế chia rẽ, ghen tị, cá thể, cục bộ, không thể tiến tới một quốc gia thống nhất, cuối cùng bị khuất phục dưới tay Alexander Đại đế và rồi sau là Đế chế Rome. Tuy thế, Hy Lạp tồn tại như một nền văn hóa. Chúng ta đã nói về sử thi Hy, nhưng còn những mối quan hệ khác. Mọi người Hy đều tôn kính đền đài ở Delphi, ở trên đồi phía bắc Vịnh Corinth, và sùng bái những lời tiên tri.

Delphi là nơi thờ phụng Apollo, thần lực của ánh sáng và lý lẽ. Huyền thoại kể vị này đã giết Python, con rắn biểu tượng bóng tối, và bảo vệ những người xây đền, tức là tất cả những gì trí tuệ Hy đã đạt đến. Sự thờ kính Apollo còn mang khuynh hướng đạo đức liên hệ đến những nghi thức thanh tẩy. Thượng Đế phải trút âm khí đến từ cái chết của Python, như vậy, giữ hy vọng cho những con người lấm máu. Một ngoại lệ: không bao giờ tha thứ tội giết mẹ. Sự tự tin trong văn hoá Hy có phai nhòa trong vở bi kịch của kịch tác gia Aeschylus, nhân vật huyền thoại Orestes được tòa Athena và Aeropagus khoan thứ vì tội này biện minh được. Còn một đền thờ Apollo khác trên đảo Delos, nơi những bộ tộc Ionians tế lễ, và trong một thời gian là chỗ cất giấu kho tàng của Liên hiệp Delian.

Một thông tục của mọi tập thể người Hy là thế vận hội ở Olympia, miền tây Peloponnese. Được tổ chức từ 776 TCN cứ mỗi 4 năm, thế vận là hoạt động còn quan trọng hơn mọi chuyện, kể cả chiến tranh. Vinh quang cao nhất là đoạt thắng trong tranh đua thế vận. Người đoạt giải được đội miện bện bằng hoa, và đền của thành quốc thắng giải có đặc quyền đặt tượng kỷ niệm ở Olympia. Thế vận là biểu tượng sinh động của giá trị Hy đối với thể lực. Điều này là một nét của sự hài hòa, thể lực và trí năng của con người được coi trọng như nhau. Chúng ta ghi nhớ rằng những nhà tư tưởng Hy không chỉ là trí thức trong tháp ngà, loại người thiếu thể lực mà thế giới hiện đại này thừa hưởng từ truyền thống Kinh Viện thời Trung cổ.

Cuối cùng, nói thêm một chút về hiện tượng nô lệ. Người ta thường nghĩ rằng người Hy ngại ‘’ bẩn tay’’, việc tay bẩn giành cho nô lệ. Không có gì nhầm lẫn hơn điều này. Sự thật hiển nhiên qua những công trình kiến trúc, qua điêu khắc và hoạt động khoa học là ngược lại. Và không nên cường điệu sự quan trọng của nô lệ mặc dầu có thứ hành vi điệu bộ cho rằng người quí phái không làm việc tay chân. Đúng là ở những mỏ bạc ở Laurion, nhân công nô lệ đông. Nhưng những người này không bị đối xử tàn độc. Một người nô lệ rất được quí, nhất là khi người ấy biết nghề và có năng lực. Nhiều nô lệ sau thành người tự do. Nô lệ trở nên tràn lan sau này chứ không phải thời Hy Lạp ở thế kỷ thứ 5 TCN.

clip_image010 Olympia

Điều lạ lùng là không biết làm sao mà ở thế kỷ đó lại có sự bùng phát về sáng tạo và khám phá kỳ diệu cả trên mặt nghệ thuật lẫn triết lý. Về điêu khắc, khi ở thế kỷ trước còn hình thức cứng đơ kiểu Ai Cập thì bỗng dưng trở nên sống động. Về văn chương, nghi thức cũ kỹ nhường chỗ cho khuôn mẫu uyển chuyển của bi kịch cổ Attic. Mọi mới lạ được triển khai, và chẳng có gì mà không là tầm với của con người. Cảm giác tự tin được diễn tả trong hợp xướng Antigone của Sophocles[12]: ‘’ có nhiều sinh vật phi thường, nhưng không gì phi thường hơn con người ‘’ . Sự tự tin này mất dần sau này, và chỉ được khôi phục thời Phục Hưng của giai đoạn hiện đại. Trong những diễn ngôn của nhà văn hóa Ý Alberti, chúng ta thấy những cường điệu như vừa kể. Tự tin dễ dẫn đến kiêu căng. Và Socrates, vào cuối thế kỷ, là người đầu tiên nhắc nhở ta về hình thái khiêm nhường của đạo hạnh.

Chúng ta vừa lượt qua cơ sở trên đó nền văn minh Hy Lạp đã đạt những đỉnh cao tột bực. Dựa trên nguyên tắc hài hoà giữa đối cực, những cơn bạo phát đã tạo ra kích thước vĩ đại của nền văn minh này. Mặc dầu không hạ sinh được một quốc gia Hy Lạp rộng lớn, nền văn minh này trải rộng trên đất Hellas người Hy sinh sống, và là cái khung cho nền văn minh phương Tây.

Triết gia đầu tiên đến sống ở Athens là Anaxagoras, từ khi chiến tranh Ba Tư kết thúc cho đến giữa thế kỷ (năm 429 TCN), tức khoảng 30 năm liền. Ông là người Ionia thành Clazomenae, và những quan tâm của ông xuất phát từ học phái Miletus. Khi thành phố ông cư ngụ bị Ba Tư chiếm đóng, ông theo quân Ba Tư đi Athens. Ở đấy, ông giảng dạy, thành bạn của Pericles, và có đồn đoán rằng ông là thày dậy Euripides.

Anaxagoras nghiên cứu khoa học và thiên văn. Có dữ kiện chứng minh ông là một người quan sát tinh tường. Vào 468-467 TCN, một ngôi sao băng khá lớn rơi vào sông Aigospotamos, và hẳn sự kiện này cho phép ông cho rằng sao vốn cấu tạo từ nham thạch.

Mặc dầu bè bạn ông là những người có quyền thế lớn, Anaxagoras vẫn gây ác cảm với những kẻ bảo thủ ở Athens. Tư duy độc lập và bất phổ cập luôn là phiêu lưu ngay ở những thời điểm tốt nhất, và người nào nghĩ ngược thành kiến của những kẻ tự cho mình hiểu biết đều khó tránh hiểm nguy. Trường hợp Anaxagoras còn phức tạp hơn vì xưa ông có cảm tình với Ba Tư. Phải nói dẫu từ khi đó là đã 2500 năm rồi nhưng cách ứng xử bảo thủ ngày nay vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Anaxagoras bị đưa ra tòa vì tội bất kính nghịch đạo và thân Ba Tư. Hình phạt nào, và làm sao ông trốn thoát vòng lao lung, vẫn còn nhiều bí ẩn. Có lẽ Pericles đã lôi ông khỏi nhà giam và giấu ông đi, sau ông đến sống ở Lampsacus và tiếp tục giảng dạy đến khi chết. Cư dân thành quốc này có cái nhìn thông thoáng hơn về những hoạt động của Anaxagoras, triết gia duy nhất được vinh danh bằng một ngày nghỉ trong trường học. Những bài giảng của ông được viết thành sách. Sau này, khi Socrates cũng bị buộc tội bất kính nghịch đạo, ông nói với quan toà rằng những gì không theo qui ước mà ông giảng dạy đều có trong sách của Anaxagoras mà ai cũng mua được với giá một đồng tiền drachma.

Lý thuyết của Anaxagoras, giống như Empeclodes ngày trước, nhằm giải tỏa những phê phán của Parmenides. Trong khi Empedocles đề xuất những đối cực như nóng-lạnh, khô-ướt...là căn bản thì Anaxagoras nghĩ rằng trong mọi vật thể, những đối cực có thể phân mỏng và tồn tại với những tỷ lệ khác nhau. Phân cắt vật thể đến vô cùng nhỏ không đưa ta đến một luận đề khác, và theo Parmenides, cái là không thể đồng thời không là. Nhưng giả thiết về sự phân cắt vô cùng khá hay. Áp dụng giả thiết này vào không gian, chúng ta thu hoạch được điểm khởi đầu của không gian rỗng sau này triển khai bởi những người theo thuyết nguyên tử. Chấp nhận giả thiết này, phê phán Anaxagoras đối với cách nhìn của Empeclodes là có cơ sở.

Sự khác biệt của những vật thể là ở tỷ lệ những đối cực hoà lẫn với nhau để tạo ra chúng. Anaxagoras có thể phát biểu tuyết mầu đen, nhưng sắc trắng trong tuyết có tỷ lệ vượt trội màu đen. Ở đây, có chút gì đến từ Heraclitus. Những đối cực có thể hoán chuyển, trong cái này có cái kia, với tỷ lệ khác nhau. Anaxagoras nói: “vật thể trong thế giới không thể chia ra, cắt nhỏ bằng rìu” và “trong mọi vật thể, có chút ít mọi vật thể khác, ngoại trừ trí năng, dịch từ tiếng Hy là Nous, và cũng có một cái gì đó trong đó có trí năng”.

Trí năng Nous chúng ta đề cập ở đây là nguyên lý điều hành Ái lực và Bạo phát theo Empedocles. Nous được coi như vật thể, dẫu vô cùng hiếm hoi, vô cùng tế nhị. Nó khác với mọi vật thể ở chỗ nó được tinh luyện và không pha trộn với bất cứ gì. Nó khởi động dịch chuyển của mọi vật thể, và cái chứa đựng nó thì hẳn không là những vật thể ù lì vô sinh. Về nguồn gốc thế giới, Anaxagoras đề ra một cách nhìn gần gũi với những ước đoán gần đây. Nous khởi động ở một nơi nào đó, và khi nó thật mạnh, vật thể rời nhau ra tùy theo khối lượng của chúng. Những tảng đá theo chiều quay của trái đất sẽ văng xa hơn những vật thể nhẹ. Với vận tốc rất lớn, đá bị nung đỏ lên, tạo ra những vì sao. Và giống như người Ionia, ông nghĩ rằng có muôn vàn thế giới.

Về cảm quan, Anaxagoras đề xuất rằng nó tùy thuộc sự tương phản trái ngược. Nhãn quan có là khi ánh sáng đuổi được bóng tối. Những cảm nhận quá lố sẽ gây ra đau đớn, bất tiện. Đây vẫn là những kết luận của ngành sinh lý học hiện đại.

Trong một chừng mực, Anaxagoras đưa ra một lý thuyết có phần tinh tế hơn những người đi trước ông. Có chứng cớ cho thấy ông vật vã với khái niệm không gian rỗng, nhưng không thành công vì ông muốn trí năng Nous là một thứ nguồn phi vật thể có khả năng tạo ra mọi sự. Cũng như với Empedocles, những phê phán của Parmenides không có đáp án thỏa đáng. Tuy nhiên, quan niệm về sự phân cắt vô cùng nhỏ đánh dấu một bước tiến đáng kể trong tìm hiểu cấu tạo của thế giới. Chỉ còn nhận định rằng sự phân cắt đó thuộc không gian là chúng ta tiến đế giai đoạn những nhà theo thuyết nguyên tử xác lập. Sẽ lầm lẫn nêu chúng ta cho rằng Anaxagoras là kẻ vô thần. Quan niệm về Thượng Đế của ông về mặt triết học khác với những rao giảng tôn giáo ở Athens. Chính vì thế mà ông bị hạch tội nghịch đạo. Ông cho rằng Thượng Đế chính là trí năng Nous, động cơ của mọi vận động chuyển dịch.Quan điểm này tạo những nghi hoặc về những nghi thức tế lễ, khiến chính quyền Athens phản cảm vì quyền lực của họ bị trực tiếp đụng chạm.

Tại sao Pythagoras và trường phái của ông bị đuổi khỏi Croton vào 510 TCN vẫn còn mù mờ khó hiểu. Nhưng thật chẳng khó gì tìm ra lý do vì sao trường phái này mâu thuẫn với tầng lớp cầm quyền. Nhớ rằng, như thói quen của những triết gia thời đó, Pythagoras liên can đến chuyện chính trị. Dẫu những triết gia này thường chẳng được người bình thường dân dã mấy quan tâm, nhưng mỗi khi họ phê phán, họ khuấy động thứ nước có bùn đen của đám làm chính trị chuyên nghiệp. Và không gì đáng bực hơn cho những người cầm quyền là khi có ai đó phát hiện họ không hiểu biết gì như họ tưởng. Vì thế, chẳng lạ lùng khi trường của Pythagoras bị đốt ở Croton. Đốt trường học, giết triết gia xưa nay không ích gì trong việc bảo vệ cách nhìn chính thống. Lửa cháy, nhưng chính thế mà quan điểm triết học của trường phái Pythagoras lại được biết đến nhiều hơn trước, với những môn đồ từ miền đông trở về Hy Lạp.

Chúng ta biết một trong những người thiết lập học phái Eleatic đầu tiên là một môn đồ của Pythagoras. Triết gia Zeno thuộc học phái này, đã đưa ra những đả phá quan trọng về lý thuyết số của Pythagoras. Thời đó, người ta hiểu những con số được cấu thành từ những đơn vị, và chúng chiếm dụng một khoảng không gian, có vị trí, và có kích thước rõ ràng. Điều này hoàn toàn hợp lý cho những con số hữu tỷ (rational number). Ta có thể chọn một đơn vị mà tất cả những số hữu tỷ khác đều là bội số của đơn vị đó. Vấn đề phức tạp hơn khi ta xét những số vô tỷ (irrational number) không thể đo lường bằng cách đó. Theo ngữ nghĩa Hy Lạp, số vô tỷ là số không đo được. Để vượt qua khó khăn này, trường phái Pythagoras đề đạt một phương pháp xấp xỉ. Số vô tỷ được xấp xỉ bằng một chuỗi những con số hữu tỷ lớn hơn rồi bé hơn, và cứ thế để đạt độ chính xác nào đó như ta muốn. Chuỗi xấp xỉ, nói cho cùng, vô hạn. Con số hữu tỷ là giới hạn của cách đo này. Đây là khái niệm Toán ta nay gọi là khái niệm về giới hạn.

Một lý thuyết số có thể xây dựng trên cơ sở khái niệm giới hạn. Tuy nhiên, nếu lấy cơ sở một đơn vị, ta sẽ khó tránh lẫn lộn giửa số nguyên và những hàm lượng liên tục, một điều hiển nhiên nếu ta áp dụng lý thuyết Pythagoras vào địa hạt hình học. Điều này, sẽ bàn kỹ khi chúng ta đề cập đến phản biện Zeno.

Trong những đóng góp khác của Pythagoras có lý thuyết Ý thể, tiếp nhận và khai triển sau này bởi Socrates. Theo Plato, đây cũng đến từ những phê phán của học phái Eleatic. Lý thuyết Ý thể liên quan đến Toán, lấy thí dụ, định lý Pythagoras. Không thể nào vẽ một hình đồ chính xác tượng trưng cho một tam giác vuông và bình phương hai cạnh của nó để đo diện tích. Độ đo chính xác đến đâu cũng không toàn hảo, và dẫu vẽ thế nào thì cũng không thể lấy đó làm chứng cứ cho định lý Pythagoras. Mọi đồ hình vẽ ra chỉ là mẫu mã phản ánh ít hay nhiều hình thể lý tưởng trong trí tuệ. Đây là gánh nặng của lý thuyết Ý thể, sau trở thành một học thuyết của trường phái Pythagoras.

Chúng ta đã thấy Pythagoras triển khai nguyên lý hài hòa qua thí dụ lên dây đàn. Từ quan điểm này, trong y học, sức khoẻ là một cân bằng giữa những đối cực. Sau này, môn đồ của trường phái áp đặt nguyên lý này lên linh hồn, yếu tố tạo sự hoà hợp cho cơ thể, và tất nhiên phụ thuộc vào điều kiện tồn tại của cơ thể. Khi cơ thể không còn, linh hồn sẽ rã tan. Ta có thể tưởng tượng linh hồn là sợi dây được căng trên thùng một cây đàn, chỉ có thể tạo âm thanh khi đàn nguyên vẹn. Quan điểm này khác với cách Pythagoras đề xuất khi ông cho rằng linh hồn có thể chuyển hoán di động.

Trong thiên văn, trường phái Pythagoras đưa ra một giả thiết khá phiêu lưu, cho rằng trung tâm của thế giới không là trái đất. Trung tâm đó là một ngọn lửa mà trái đất xoay chung quanh, và chúng ta không thấy nó vì chúng ta ở mặt bên kia của trái đất. Mặt trời, cũng là một hành tinh, được ngọn lửa kia soi sáng. Có thể nói, con đường đến lý thuyết nhật tâm do Aristarchus đề xuất còn khá xa. Thiên văn ở dạng trường phái Pythagoras tạo nhiều khúc mắc đến mức sau đó Aristotle khẳng định rằng trái đất là mặt phẳng. Vì vị này có uy thế lừng danh trong nhiều địa hạt, những kẻ đi sau chấp nhận đề xuất mà không quay trở về những luận điểm trước đó.

Về những lý thuyết cấu tạo vật chất, Pythagoras nhận định một điều bị quên lãng, hoặc bị hiểu sai, bởi những tư tưởng gia trước ông. Đó là quan điểm về chân không mà không có nó, mọi chuyển động vận hành là bất khả. Cũng ở đây, học thuyết Aristotle lại làm một bước lùi, cho rằng ‘’ thiên nhiên sợ chân không ‘’. Phải đợi đến sự hiện diện của những người theo thuyết nguyên tử chúng ta mới có được sự phát triển của Vật lý học.

Trường phái Pythagoras đề ra mục tiêu tiếp nhận những tiến bộ được Empedocles khai mở, nhưng với quan điểm Toán, không thể làm thế được. Họ đề xuất một thỏa hiệp dẫn đến cơ sở xây dựng một lý thuyết Toán về cấu tạo vật chất. Những nguyên tố (elements) trong cấu tạo này là những hạt mang hình thể đều đặn của chất rắn mà sau này Plato khai triển thêm trong trước tác ‘’ Timaeus’’.

Không có một quan điểm Duy Vật nào đáp ứng đầy đủ những phê phán của Parmenides. Những điểm yếu của học thuyết Eleatic có thế nào chăng nữa thì sự tăng số lượng những nguyên tố cơ bản cũng không giải quyết được vấn đề. Luận cứ này được những môn đồ của Parmenides đưa ra, đặc biệt là Zeno [13], người sinh vào 490 TCN. Ngoài chuyện vị này tham gia việc chính trị, một điều ta biết là ông đã cùng Parmenides đến Athens và có gặp Socrates, như Plato tường thuật lại.

Học thuyết Eleatic dẫn đến nhiều kết luận gây ngạc nhiên. Điều này khiến nhiều triết gia khác phái tìm cách cứu vãn thuyết duy vật. Zeno chứng minh rằng nếu lý thuyết của Parmenides không phù hợp thông tục thì những lý thuyết khác còn đưa đến những khó khăn lạ lẫm hơn nữa. Không trực tiếp bênh vực Parmenides, Zeno tấn công những lý thuyết đối kháng bằng cách dùng những giả thiết tiên khởi của chúng rồi suy diễn từ đấy những hậu quả không có thể chấp nhận được. Đây là phương pháp quy nạp phi lý mà chúng ta có nói qua trong lý thuyết tiến hóa trong sinh học của Anaximander, nhưng có một khác biệt quan trọng. Đó là phương cách luận ra những kết quả không đứng vững để bác bỏ giả thiết tiền đề.

Zeno cũng chứng minh có trường hợp có thể suy ra hai kết luận mâu thuẫn nhau từ một tiền đề. Những kết luận đó chẳng những không đúng, chúng còn là chuyện không thể có được. Từ đó, tiền đề dẫn đến những kết luận này cũng vậy và phải bác bỏ. Lưu ý rằng những luận cứ của Zeno không mang kết luận ra đối chiếu với sự kiện để xác quyết đúng sai. Trong chiều hướng này, chúng là biện chứng, bó trong khuôn khổ hỏi và đáp trên một vấn đề lý luận. Biện chứng pháp được xử dụng rất có hệ thống trong tư duy của Zeno. Phương pháp này của học phái Eleatic cực kỳ quan trọng trong triết học, sau được Socrates và Plato tiếp thu và khai triển.

Luận điểm phê phán về khái niệm đơn vị của Pythagoras, và gắn vào đó là sự phủ nhận khả thể của chân không và của sự chuyển dịch vận hành, là những luận điểm quan trọng của Zeno. Về điểm đầu, đơn vị có là gì chăng nữa thì cũng phải mang một độ lớn nào đó, bởi nếu không, nó không tồn tại. Chia nhỏ, những phân mảnh của đơn vị cũng vậy. Đây là tính khả phân vô cùng (phép chia đến cái vô cùng nhỏ), và chẳng có gì có thể gọi là cái nhỏ nhất. Vậy, vật thể ở số nhiều, và chúng vừa lớn vừa nhỏ. Vật thể nhỏ có thể nhỏ đến không còn kích thước, tổng số của chúng tạo ra đơn vị ta phân mảnh cũng thế. Nhưng đồng thời, đơn vị đó được quan niệm như có độ lớn, và là tổng số vô cùng lớn những phân mảnh vô cùng nhỏ, nó phải vô cùng lớn.

Luận điểm vừa trình bày chứng minh lý thuyết số của Pythgoras không đúng trong hình học. Hãy xem một đường thẳng, ta phải nói có bao nhiêu đơn vị trên đó. Nhưng nếu ta giả dụ tính khả phân vô cùng, quan điểm về đơn vị tức thời không áp dụng được. Điều này không đồng nghĩa với khẳng định rằng Pythagoras sai, chỉ nhằm nêu rõ rằng đơn vị và tính khả phân vô cùng là không tương thích. Vậy, ta phải bỏ một trong hai, và tính khả phân trong Toán rất cần cho nên lý thuyết về đơn vị là điều phải phủ nhận.

Một điểm khác cần bàn là phương pháp qui nạp phi lý. Một mệnh đề đơn có ý nghĩa không thể có hậu quả trực tiếp nào gọi là tương thích với cái gì. Ta cần có một mệnh đề thứ hai, và chỉ có thể xác định tính tương thích giữa hai mệnh đề đơn khi gộp chúng lại. Trong trường hợp ở đây, một là: sự vật đa thể và đơn vị không có kích thước, tức là sự vật cũng không kích thước; và hai: sự vật đa thể và đơn vị có kích thước, như vậy sự vật ắt vô cùng lớn. Mệnh đề thứ hai phụ vào là đơn vị có, hay không có, kích thước, và đều dẫn đến những kết luận phi lý. Cái gì đưa đến kết luận sai trật này là lý thuyết về đơn vị của Pythagoras.

Để chứng minh quan điểm của Parmenides về chân không, Zeno đưa ra một phát kiến mới. Nếu không gian tồn tại, nó phải ở trong một cái gì đó, và cái này tồn tại, thì cũng phải ở trong một cái gì khác, lớn hơn nó... và cứ thế cho đến vô cực. Không chấp nhận như vậy, Zeno kết luận là không có không gian. Nghĩ thế, Zeno phủ nhận rằng không gian cũng có thể ở trong một khoảng rỗng không chứa được nó. Nói cách khác, Zeno không phân biệt vật thể và không gian chứa đựng vật thể đó. Nhìn theo hướng này, chúng ta dễ dàng thấy quan niệm của Parmenides về trái đất hình cầu hữu hạn. Nó chỉ có thể ở trong một khoảng rỗng không, và thật có gì như vô nghĩa khi nói về trái đất của chúng ta một quả cầu mà ngoài nó là không có gì cả.

Luận cứ Zeno đưa ra thuộc loại hồi qui vô hạn [14] (infinite regress) trong Lôgich Toán. Phương thức này không phải luôn luôn đưa đến mâu thuẫn. Chẳng hạn, ngày nay không ai phủ nhận rằng không gian có thể nằm trong một không gian khác phủ trùm bao bọc nó. Mâu thuẫn mà Zeno chỉ ra có bởi ông cho rằng “cái gì có” đều hữu hạn. Hồi qui vô hạn là phương thức có cạm bẫy, và là một thể loại của lập luận quy nạp phi lý. Nói đơn giản, nó nêu rõ cơ sở của một luận cứ nào đó không tương thích với một mệnh đề khác mà chúng ta chấp nhận là đúng.

Những luận cứ lừng danh của Zeno là bốn nghịch lý về chuyển động, nhất là câu chuyện Achilles và con rùa. Đây là cách ông gián tiếp bảo vệ lý thuyết Parmenides, đổ trách nhiệm sáng tạo ra một lý thuyết khác cho Pythagoras vì lý thuyết đề ra của trường phái này cũng chẳng cho phép chấp nhận quan điểm vận hành dịch chuyển. Zeno cho Achilles[15] và rùa chạy đua, rùa ở phía dưới trong khi Achilles bắt đầu chạy từ phía trên. Dẫu chạy nhanh hơn, nhưng khi Achilles đến một vị trí nào đó thì rùa vẫn nhích lên phía trước, kết cục là tuy khoảng cách giữa chúng ngắn dần nhưng Archilles không thể nào bắt kịp và đến cùng vị trí của rùa. Xin nhớ rằng luận cứ nhằm tấn công lý thuyết Pythagoras. Giả thiết chấp thủ là rùa chạy trên một đường thẳng cấu thành từ những đơn vị, hay những điểm. Theo Zeno, dẫu rùa có chậm, nhưng được chạy trước, nó đã vuợt được một khoảng cách vô cùng lớn cấu tạo từ những điểm là những đơn vị vô cùng nhỏ. Ở đây, nói cách khác, lại là đề xuất theo đó mọi vật thể đều có kích thước vô cực.

Không có gì khó để tìm ra cái sai trong lập luận của Zeno, nhưng phải thừa nhận ở thời ông sống thì nó thật sắc xảo. Chỉ khi chúng ta bác bỏ quan niệm về đơn vị kiểu Pythgoras thì ta mới có thể khai triển lý thuyết về cấp số vô hạn (infinite series) và nhận định được kết luận của Zeno sai ở chỗ nào. Lấy ví dụ, một cấp số giảm dần như khoảng cách giữa Achilles và con rùa trong cuộc chạy, chúng ta có thể xác định ở điểm nào thì Achiles sẽ vượt rùa. Tổng số một cấp số mà mỗi số hạng giảm theo một tỷ lệ nhất định được định nghĩa như con số lớn hơn tổng cộng những số hạng, và khi lượng những số hạng tăng cao, chúng ta tiến dần đến giá trị của tổng số đó. Tổng số này tồn tại, duy nhất, cho cấp số nói trên có tên là cấp số nhân mà hiện nay là loại toán sơ đẳng. Nhưng đừng quên rằng những phê phán của Zeno đã tạo động cơ phát triển một lý thuyết đầy đủ về lượng liên tục, lý thuyết cho phép ta tính toán tổng số một cấp số nhân.

Một nghịch lý khác, đôi khi gọi là nghịch lý trường đua (ngựa), lập luận rằng ta không thế nào mà vượt từ vòng bên này sang vòng bên kia của vòng đua, bởi nếu làm được như vậy thì ta đã đi qua một số vô cực những điểm trong một thời đoạn hữu hạn. Chính xác hơn, trước khi đến điểm nào, ta phải vượt nửa đường, và cứ như thế, ta vượt nửa đường còn lại...Và như vậy, ta chẳng thể nào đi được một vòng trường đua.

Nghịch lý thứ ba của Zeno có liên hệ với thời gian. Lấy ba đoạn thẳng song song cấu thành từ một lượng hữu hạn những đơn vị. Một đoạn cố định, hai đoạn kia chuyển động cùng vận tốc nhưng nghịch chiều, và sáp nhau khi đến đoạn cố định. Giả thử thời gian cũng có thể đo bằng đơn vị riêng. Vận tốc được đo bằng số điểm vượt qua một điểm cố định nào đó trong một thời đoạn, tức là một số đơn vị thời gian. Khi một đoạn chuyển động vượt nửa đoạn cố định thì nó đã vượt toàn bộ chiều dài của đoạn chuyển động kia. Cùng vận tốc, thời gian tính để vượt đoạn chuyển động kia phải gấp hai lần thời gian vượt một nửa đoạn cố định. Nhưng không thế, thời gian vẫn chỉ là một. Vậy thì vận tốc đều phải nhân đôi mới hợp lý, nhưng điều này mâu thuẫn với tiền đề là những đoạn đều chuyển động cùng vận tốc. Dù trình bày có hơi phức tạp, cách nhìn của Zeno có giá trị phê phán đối với lý thuyết về đơn vị của Pythagoras.

clip_image012 Zeno

Cuối cùng, Zeno đưa ra nghịch lý của mũi tên. Nếu nghịch lý vừa nói trên lập luận rằng mọi chuyển động đều nhanh hơn là vận tốc của nó thì ở đây, Zeno chứng minh rằng chuyển động không thể vận hành, và mọi sự vật đều ở trạng thái tĩnh. Mũi tên ở mọi thời điểm đều chiếm một khoảng không gian vừa vặn bằng chính nó, và không gian không chuyển động thì mũi tên cũng thế, nó phải ở trạng thái tĩnh. Lập luận như vậy, Zeno đả phá lý thuyết Pythagoras về số lượng rời (discret quantity) và mở đường cho những lý thuyết về số lượng liên tục. Và điểm này cũng lại là cách bảo vệ lý thuyết trái đất hình cầu của Parmenides.

Một triết gia phái Eleatic khác là Melissus ở Samos, người đồng thời với Zeno. Ông là tướng trong cuộc nổi loạn người Samian và đánh đắm một đội chiến thuyền của Athens vào 441 TCN. Ông bổ sung lý thuyết của Parmenides trên một vấn đề quan trọng. Ta biết Zeno đã phải đề xuất lại cách chối bỏ chân không. Làm thế, không còn có thể nói rõ cái gì là một hình cầu hữu hạn vì bao quanh nó chỉ có thể là một cái gì đó chẳng khác khoảng trống rỗng trong không gian. Nhưng nếu không chấp nhận chân không, ta buộc phải coi vật thể trong vũ trụ như vô hạn và đa hướng ( infinite in all directions). Đây là cách Milessus bổ sung lý thuyết Parmenides, tạo ra bước đầu cho thuyết nguyên tử. Nếu vật thể có nhiều, chúng phải tươnng tự như Một của Parmenides, bởi không có gì sinh ra, không có gì hủy diệt. Như vậy, vật thể ở số nhiều chỉ khả hữu khi hình cầu Parmenides vỡ thành những hình cầu nhỏ hơn. Và đây là quan điểm những người theo thuyết nguyên tử đề xuất sau này.

Biện chứng pháp của Zeno với mục đích đả phá quan điểm Pythagoras đã đặt cơ sở cho biện chứng kiểu Socrates, đặc biệt là cách dùng giả thiết trong lý luận. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy sự xử dụng có hệ thống những luận cứ đóng (close argument) trên một vấn đề cá biệt. Trường phái Eleatic vốn quen thuộc với Toán của Pythagoras, và trong bộ môn này, chúng ta hy vọng sẽ thấy những áp dụng của những phương pháp vừa kể. Nhưng những nhà Toán học Hy Lạp xử dụng chúng thế nào thì ít được biết. Tuy nhiên, điều chắc chắn là những phát triển nhanh chóng của bộ môn này trong hậu bán thế kỷ thứ 5 TCN đều liên hệ mật thiết đến sự phát triển của những tiêu chuẩn được minh định trong luận lý.

Làm thế nào để nhận ra được những thay đổi của thế giới chung quanh ta? Đáp câu hỏi này do những triết gia Miletus đặt ra, và sau được nhiều nhà tư tưởng đào sâu, Leucippus[16] đã cung cấp một câu trả lời minh bạch. Ông cũng thuộc trường phái Miletus, và là cha đẻ của thuyết nguyên tử (atomism). Thuyết này, thật ra là hệ quả trực tiếp của tư duy Eleatic, dựa trên quan điểm thỏa hiệp giữa một (đơn nhất) và số nhiều (đa dạng).

Leucippus đề xuất khái niệm có vô số những hạt cấu thành, mỗi hạt đều có tính chất của quả cầu Parmenides, là chất rắn và bất khả phân. Chúng được gọi là nguyên tử mà theo ngữ nghĩa Hy Lạp “là cái không cắt ra được”. Chúng vô cùng nhỏ, cấu tạo tương tự nhưng có hình thể khác nhau, và chuyển động trong chân không. Khoảng không gian chúng chiếm dụng có thể chia nhỏ vô hạn, và vận hành của thế giới đến từ sự sắp xếp lại những nguyên tử.

Trong ngôn ngữ của Parmenides, cái không là cũng có thật như cái là, và đó là không gian, điều thật khó mà tả ra. Trên điểm này chúng ta cũng chẳng đi xa hơn người Hy Lạp thưở đó. Chỉ chắc chắn một điều, là có nó, mới có được những hiểu biết về hình học. Người độc nhất có một khái niệm rõ rệt về chân không - như không gian trống rỗng - là Parmenides, nhưng chúng ta biết chính ông đã phủ nhận sự tồn tại của nó. Ở đây, dẫu có hơi ngoài đề, là khi nói về cái không là thì từ không trong tiếng Hy Lạp được xử dụng trong hai trường hợp. Thứ nhất, là trong một mệnh đề khẳng định, như “tôi không ưa X”. Thứ hai là trong một mệnh đề giả định có thể biểu tỏ một ức đoán, một ước muốn, như khi phát biểu “cái không là” trong những đề xuất của học phái Eleatic. Nói như thế ta hiểu cái không là không có gì mâu thuẫn cả.

Người ta hay hỏi thuyết nguyên tử của Hy Lạp phát xuất từ quan sát, hay nó chỉ là một ước đoán tư biện may mà trúng chứ không dựa trên cơ sở lý luận triết học. Câu trả lời không đơn giản. Một mặt, xin nhắc lý thuyết nguyên tử như trình bày là một thoả

hiệp giữa quan niệm thông tục và học phái Eleatic mà lý thuyết đến từ phê phán Lôgich chủ nghĩa Duy Vật thời sơ nguyên. Mặt khác, Leucippus thông hiểu rất nhiều vấn đề lý thuyết của những triết gia cùng thời. Vũ trụ luận của ông minh chứng điều này: ông quay lại cách nhìn của Anaximander chứ không theo Pythagoras.

Lý thuyết về ngưng tụ và rút khí của Anaximenes đều có cơ sở quan sát dựa trên hiện tượng sương đọng lên những mặt phẳng nhẵn nhụi. Nhưng làm sao để kết hợp những phê phán Parmenides vào lý thuyết hạt nguyên tử? Hạt có chuyển động không ngừng có thể được khơi gợi với quan sát vừa nói, hoặc là với những hạt bụi nhảy múa trên sà nhà dưới ánh mặt trời. Và chẳng có gì xác quyết khi ta cho rằng lý thuyết nguyên tử của Hy Lạp là sự ức đoán may mắn. Khi Dalton[17] luận về thuyết nguyên tử trong thời hiện đại, ông tham khảo cách nhìn xưa và cho phép ông quan sát những tỷ lệ bất biến trong những hợp chất hóa học.

Còn một lý do khác chứng thực Lý thuyết nguyên tử không phải là một tình cờ. Lý do này là nội hàm của cấu trúc Lôgich liên hệ đến sự giải mã. Thế nào là giải mã trên một vấn đề? Đó là tìm biết làm sao, và cái gì, xảy ra như hệ quả của sự chuyển dịch những yếu tố cấu thành. Nếu muốn giải thích một sự thay dạng đổi hình của một vật thể chẳng hạn, chúng ta dựa vào sự thay đổi trong sắp xếp những yếu tố cấu thành vật thể đó. Những yếu tố này không là đối tượng của tìm kiếm, và tự thân không cần được giải thích. Khả năng giải thích của nguyên tử nằm ngoài câu hỏi nguyên tử là gì. Hỏi câu này, chúng ta có thể tưởng tượng ra những hạt vi ti, nhỏ hơn, tự thân không cần giải thích, và cấu thành nguyên tử...Và cứ thế, con đường tìm kiếm tiếp tục. Những điều vừa đề cập được thảo luận trong công trình của E. Meyerson, một triết gia người Pháp. Thuyết nguyên tử như trình bày rập theo cấu trúc nhân quả trong khoa học

Ngoài sự quan trọng trong khoa học, lý thuyết nguyên tử cũng đề cập vấn đề linh hồn. Như mọi sự, linh hồn cũng cấu thành từ những nguyên tử, nhưng chúng tinh vi, và giải khắp thân xác con người. Khi chết, tất cả rã tan, và sự bất tử là chuyện không thể có. Một thời gian sau, Epicurus và môn đồ quảng bá quan điểm này, nhấn mạnh rằng hạnh phúc, đối tượng của đời người, là trạng thái cân bằng của linh hồn.

clip_image014 Leucippus

Thuyết nguyên tử có thêm khai phá nhờ Democritus, người thành Abdera, sống vào khoảng 420 TCN. Đặc biệt, vị này phân biệt sự vật như nó thực sự là, và sự vật hình như nó là trong mắt chúng ta. Như vậy, thế giới quanh ta thực sự chỉ là những nguyên tử vận hành, nhưng chúng ta có thể chứng nghiệm chúng qua nhiều cách khác nhau. Đề xuất này dẫn đến sự phân biệt chúng ta gọi là phẩm chất thứ nhất và phẩm chất thứ yếu.

Với phẩm chất thứ nhất, có hình thể, kích thước, là chất cấu tạo; phẩm chất thứ yếu gồm mầu sắc, âm thanh, vị giác... và có thể được giải thích là tùy thuộc những phẫm chất đầu.

Lý thuyết nguyên tử sẽ được nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách này. Trước khi nêu ra những giới hạn của lý thuyết này, lưu ý nó là đáp án 150 năm sau khi trường phái Miletus nêu câu hỏi, và rất nghiêm túc chứ không do tình cờ may mắn.

Không thuộc vào những trường phái triết học phát triển trong thế kỷ thứ 5 TCN, có rất nhiều triết gia đứng bên lề, được gọi là những người theo phái Biện Thuyết (sophist). Theo Socrates, họ được vinh danh như những kẻ khiến lý lẽ kém cạnh trở nên sắc nét. Phong trào Biện Thuyết xuất hiện và vai trò của nó trong xã hội Hy Lạp rất quan trọng.

clip_image016 Democritus

Cuộc tranh luận trên sân khấu triết học rất khó cho người đời nắm được đúng sai. Cho những kẻ thực tế, họ làm gì có thời gian định đoạt những vấn đề còn để ngỏ. Mỗi vấn đề như vậy chẳng khác chi một lời nguyền rủa. Đây là phạm trù cho những người theo phái Biện Thuyết, lý do là bởi những cách nhìn mâu thuẫn khiến tri thức làm như bất khả tư nghì. Ngoài ra, kinh nghiệm quan hệ với nhiều th ành quốc khiến người ta thấy nhiều thói tục khác biệt. Sử gia Herodotus kể lại rằng trong triều đình, nhiều phái đoàn những bộ tộc trong Đế quốc Ba Tư hiện diện. Họ đều kinh rợn khi họ hỏi phong tục ma chay của những phái đoàn khác. Có những bộ tộc thiêu xác, và có những bộ tộc tìm cách đánh thức người chết dậy. Dẫn lời thi sĩ Pindar, Herodotus nói: thói tục là Vua của mọi sự.

Những người theo phái Biện Thuyết cho rằng tri thức là không có được, và vì thế chẳng quan trọng gì. Cái cần, là quan điểm có ích lợi. Điều này không phải sai, và trong những công việc hàng ngày, thành công là chuyện quan tâm mọi người. Socrates nghĩ ngược lại. Dẫu ông coi trọng thực dụng, ông thấy vẫn chưa đủ, và cho rằng một đời sống không thẩm tra thì không đáng sống.

Trong thời kỳ Hy Lạp chưa có một hệ thống giáo dục, những người theo phái Biện Thuyết đảm đương trách vụ này. Họ đi giảng dạy và lấy học phí, điều mà Socrates rất ghét. Ta có thể xem ông là hơi quá, vì người đi giảng cũng cần có miếng mà ăn. Và ghi nhớ rằng truyền thống khoa giáo Hy Lạp cho phép giữ một phần nào vật chất để những người giảng dạy khỏi lo lắng cho đời sống.

Người phái Biện Thuyết giảng dạy rất nhiều thứ. Đáng quí hơn cả là họ giảng thư nghĩa, nhưng cũng có những người dậy những vấn đề thực tế. Với những hiến pháp dân chủ thời phôi thai, phải biết diễn văn, và có những giáo sư giảng thuật tu từ và hùng biện. Cũng cùng chiều hướng, có những người dậy thuật làm chính trị trong những hội trường. Sau cùng, có những kẻ dậy nghệ thuật tranh biện, đổi thua ra thắng, biến trắng thành đen. Nghệ thuật này rất hữu ích trong tòa án, người bị buộc tội phải tự chống đỡ, và kiểu bẻ cong luận cứ cũng như phản biện bằng nghịch lý rất ấn tượng. Ta nên phân biệt giữa tranh biện và biện chứng. Kẻ đi tranh biện mong thủ thắng, trong khi người áp dụng biện chứng pháp chỉ nhằm tìm ra sự thật.

Nếu phái Biện Thuyết có đóng góp vào giáo dục thì trên mặt triết học, phái này không để lại gì đáng quan tâm. Phái này hoài nghi, bi quan trước khả năng và những vấn đề tri thức. Điều này được ghi nhận qua lời Protagoras “Con người là hạn độ đo lường của mọi sự, mọi sự như chúng là, và nếu chúng không là thì hẳn chúng không là chúng”. Hệ luận tất yếu: quan điểm mỗi người đúng với họ, và sự khác biệt quan điểm không thể nào giải quyết được qua cái gọi là sự thật. Đà này, thật dễ hiểu khi Thraschymasus, một kịch tác gia được cho là thuộc phái Biện Thuyết, định nghĩa công lý như lợi thế của kẻ mạnh.

Dẫu có bỏ sự tìm kiếm chân lý tri thức, Protagoras vẫn phân biệt trong quan điểm có cái hơn cái kém trên mặt thực dụng. Ở đây, khó tránh được phê phán Lôgich đối với chủ nghĩa thực dụng, là khi so sánh hai quan điểm, không thể nào không quay ngược về khái niệm chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên, nói cho cùng, Protagoras là người đặt cơ sở cho chủ nghĩa thực dụng sau này[18].

Chữ “Biện Thuyết” trong ngôn ngữ Hy Lạp có ý chỉ người khôn ngoan minh triết. Vì Socrates cũng giảng dạy, người cùng thời không am tường coi ông thuộc phái này. Nhưng đây là một sự nhầm lẫn. Phải đến thời Plato người ta mới phân biệt tranh biện với biện chứng, tức là những người theo phái Biện Thuyết với những Triết gia. Nhưng trong một nghĩa nào đó, họ đều ảnh hưởng và có tác động tương tự lên đám đông.

Đối với triết học nói chung, từ xưa đến nay, kẻ không có khuynh hướng tư duy này thường hành xử bất nhất. Một mặt, họ coi Triết gia như những người điên nhưng không nguy hiểm nên cần được đối xử khoan hòa. Triết gia là những người lập dị đầu bay trên mây, hỏi những câu ngớ ngẩn hoàn toàn xa lạ với thực tại cuộc sống, và xa cách với những điều mà con người mẫn cảm phải quan tâm. Mặt khác, tư duy triết học lại mang tầm ảnh hưởng rất quan trọng trên những thông tục và thực hành trong xã hội. Triết gia luôn bị ngờ vực như một kẻ không tuân thủ truyền thống và qui ước, và chẳng bao giờ chấp nhận vô điều kiện rằng thói quen và cách nhìn bình thường theo truyền thống là tốt là đẹp cho tất cả mọi người. Thường thường, khi triết gia đặt lại vấn đề niềm tin, người ta cảm thấy bất an và có phản ứng căm ghét, thù địch. Vì thế, Socrates bị kết tội tuyên truyền chống báng như nhiều nhà Biện Thuyết khác nói chung, và đặc biệt những người giảng thuật hùng biện nói riêng.


[1] Erinyes, nữ thần dưới lòng đất, nhắc trong Illiad của Homer, có nhiệm vụ trừng phạt những kẻ đã thề nguyền độc địa.

[2] Triết gia tiền-Socrates ( 490-420 TCN), được Plato xếp vào phái Biện Thuyết (Sophist), thảo luận vấn đề giảng dậy đạo hạnh vào thế kỷ thứ 5 TCN. Khác với những triết gia đề cao thuật hùng biện, Protagoras nhằm vào sự hiểu biết qui luật những hiện tượng xã hội, như giáo dục và ngôn ngữ.

[3] Triết gia sống khoảng 4 thế kỷ TCN, ta biết được tên 2 trước tác của ông.

[4] Sinh vào thế kỷ thứ 5 TCN, ở Elea, thành phố trên bờ biển miền nam nuớc Ý, là người xây dựng trường phái Eleatic. Trước tác duy nhất ta biết là một bài thơ, tên là Về Thiên Nhiên, trong đó ông trình bày hai cách nhìn hiện thực, cho rằng mọi hiện tồn đều ở ngoài thời gian, đồng nhất, bức thiết và không vận hành thay đổi. Thế giới qua cảm nhận thường là sai lầm dối trá. Luận điểm của ông có ảnh hưởng khá lớn trên Triết học phương Tây, qua sự phổ biến của Plato.

[5] Triết gia tiền-Socrates( 490-430TCN), người cuối cùng viết về Triết dưới dạng thơ, đề xuất lý thuyết cấu tạo vũ trụ từ 4 thành tố cổ điển (đất, nước, không khí, lửa). Ông cho rằng từ hai lực, Ái lực (Love) và Bạo phát, sinh ra sự kết hợp và phân chia của mọi nguyên tố.

[6] Trên bờ sông Eurotas, Sparta trở thành một thế lực chính trị khoảng thế kỷ 5 TCN, và là chủ lực Hy Lạp trong chiến tranh Ba Tư. Trong khoảng 431-404 TCN, Sparta kình chống Athens, chiến thắng nhưng tổn thất nặng. Vào 371 TCN, Sparta thất trận trong cuộc chiến với người Thebes, nhưng vẫn giữ được độc lập cho đến khi Rome chinh phục Hy Lạp vào 146 TCN. Xã hội Sparta xây dựng trên cơ sở quân sự.

[7] Giải đất hẹp nối Peloponesus với Hy Lạp, ở khoảng giữa Athens và Sparta. Corinth trong khoảng 747-650 TCN là một thành quốc tiến bộ, với nền hàng hải rất phát triển, Trong thời cổ đại, Corinth cạnh tranh với Athens và Thebes trong giao thương, bán đồ gốm đen khắp vùng Địa Trung Hải, sau mới bị Athens thay thế. Vào 481 TCN, Corinth gia nhập liên minh Hy Lạp trong chiến tranh với Ba Tư, sau đó cùng Sparta đối đầu với Athens.

[8] Là thành quốc của người Beotia, nơi đầy chuyện thần thoại (Cadmus, Oedipus, Dionysus...). Thebes kình chống Athens từ thế kỷ 6 TCN, là liên minh của Ba Tư trong trận xâm lăng của Xerxes vào 480 TCN. Năm 457, Sparta nhằm phá tan quyền lực của Athens, lien minh biến Thebes thành một lực lượng mấu chốt trong vùng Boeotia, đánh bại Athens năm 424 TCN. Thebes đề nghị tàn hủy Athens nhưng Sparta bất đồng và liên minh này tan vỡ. Chiến tranh xảy ra, Thebes chiến thắng Sparta năm 371 TCN, nhưng quyền lực còn lỏng lẻo. Sợ Sparta, Athens liên minh với Thebes năm 395 nhưng từ 387 thì giữ thế cân bằng quyền lực. Sau này, chủ lực tinh nhuệ của Thebes bị đánh tan tác năm 338 TCN khi bị Philip II và Đại đế Alexander tiến công.

[9] Tên vùng ven bờ biển miền nam nướcÝ, nơi có một cộng đồng người Hy đến từ thế kỷ 8 TCN, mang văn hóa Hy Lạp phổ biến, nhất là trong thời Đế chế Rome.

[10] Thành phố miền nam nước Ý, xây dựng từ 688 TCN bởi những di dân đến từ Crete và Rhodos.

[11] Oedipus trong thần thoại là vua Thebes, thể hiện lời tiên tri theo đó ông sẽ giết cha và lấy mẹ mình, mang tới thảm họa cho gia đình và cả thành quốc. Sigmund Freud, cha đẻ phân tâm học, dùng tích này và đặt ra mặc cảm Oedipus chỉ sự ghen tuông của con trai với cha.

[12] Một trong ba kịch tác gia thời cổ Hy Lạp, viết sau Aelychus, sớm hơn hay cùng thời Euripides. Bi kịch lừng danh cũa Sophocles là Oedipus và Antigone. Ông thêm vào kịch bản một nhân vật thứ ba, giảm sự quan trọng của đồng ca hợp xướng, và đưa nhân vật kịch bản lên một mức cao hơn những kẻ đi trước như Aeschylus.

[13] Plato thuật rằng khi Socrates nói về ‘’ mệnh đề thứ nhất của luận cứ thứ nhất ‘’, ông lập lại lời Zeno: ‘’ nếu tồn thể đa dạng, nó vừa như là và đồng thời không như là, nhưng điều này bất khả, bởi không có gì như là mà lại là không như là, và không có gì không như là mà lại là được ‘’. Cách biện bác của Zeno có tên là quy nạp phi lý (reduction ad absurdum), một phương pháp mà Parmenides từng dùng trong lập luận.

[14] Hồi qui vô hạn trong một loạt mệnh đề xảy ra khi sự xác thực của mệnh đề 1 cần phụ trợ của mệnh đề 2, rồi mệnh đề 2 cần sự phụ trợ của mệnh đề 3, mệnh đề (n-1) cần sự phụ trợ của mệnh đề (n), n tăng về vô cực. Ta phân biệt phép hồi qui gây lầm lẫn khi cách giải một bài toán lại đặt lại chính bài toán đó trong đáp án, và cứ thế bài toán đặt ra ban đầu sẽ không bao giờ giải được. Ghi nhận rằng tuy có nhưng không phải phép hồi qui vô hạn nào cũng đưa đến lầm lẫn như vừa nói.

[15] Trong thần thoại, là anh hùng trong chiến tranh thành Troa, và là nhân vật chính trong tác phẩm Iliad của Homer.

[16] Sống khoảng tiền bán thế kỷ 5 TCN, phát kiến lý thuyết nguyên tử theo đó mọi vật thể đều được cấu thành từ nguyên tử, bất biến và bất khả phân chia. Có nguồn cho rằng Mochus thời chiến tranh thành Troa (13 thế kỷ TCN) có thể là người đầu tiên nói về nguyên tử.

[17] J. Dalton ( 1766-1844), người Anh, là nhà nghiên cứu Hóa, Vật lý, và Khí hậu học, và là người tiên phong xây dựng lý thuyết nguyên tử thời hiện đại

[18] Kể một chuyện dân gian vui. Protagoras muốn thuyết phục rằng giảng dậy của ông không là chuyện điên khùng vô ích. Ông kiện một người học trò còn nợ tiền học phí và đề nghị rằng khi anh ta đi biện hộ trước Tòa cho một thân chủ, nếu thắng thì chia theo thương lượng, và thua thì cứ như trong cáo trạng. Người học trò thắng, và được trả tiền còn nhiều hơn là số tiền cáo trạng qui định. Anh ta nói, nếu thắng thì cứ theo cáo trạng, chỉ thua mới cần thương lượng.