Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 15)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Lão Mộc Đen chết, vì trưởng khoa Lã Hồng Quân liều lĩnh cầm dao; cuộc mổ cắt dạ dày tiếp theo bị người trợ thủ đoạt dao; rồi hoảng hồn vì mổ nhầm cái u gan vỡ toác, Quân lại buộc phải bán dao...! Với một bác sĩ phẫu thuật, tất cả những sự kiện ấy đều ghê gớm, kinh hoàng.

Nghề y có những người tài năng, mà chỉ một lần mổ thất bại cũng đã bỏ hẳn công việc dao kéo. Trước hết, phải không làm tổn hại người bệnh. Quân không như họ, những người nhân hậu và tự trọng biết nghĩ cho người bệnh nhiều hơn lợi ích chính mình.

Hàng ngày Quân vẫn lên lớp, phê phán, đe nẹt nhân viên, như mình không có chuyện gì để phải ngượng, không có gì để phải suy nghĩ và hổ thẹn cả. Hình như Quân là người bẩm sinh không biết xấu hổ. Ở đâu Quân cũng muốn mọi người phải hiểu, đương nhiên mổ xẻ thì phải có tỷ lệ tai biến, phải có tỷ lệ tử vong. Thế giới và trong nước, tác giả nào chẳng vấp, bác sĩ nào chẳng gặp! Quả là trời phú cho ông cái đức kiên trì, nhẫn nại quá hiếm. Ông trưởng khoa không hề dao động trước mọi dư luận. Như một kỹ nữ thoát y phương Tây trước đám đông khán giả ba láp hâm mộ. Ông chỉ cần giám đốc Bùi Cường và đảng ủy biết cho là được. Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa từ những cô hộ lý, y tá nhà mổ thích ngồi lê đôi mách hơn công việc chăm sóc người bệnh, lau chùi nhà cửa... Có thể còn từ cái miệng thâm xì, sặc mùi thuốc lá của Lê Trịnh. Và cả thói quen nói năng toang toác, vô tội vạ bên ngoài hành lang của Chu Văn Thiên Tường?

Nhân viên biết rõ mọi chuyện liên quan đến người bệnh xảy ra trong khoa. Nhưng ai cũng im lặng. To gan lắm người ta cũng chỉ thầm thì với những ai thân thích. Bàn tán và mách lẻo về những chuyện xấu của lãnh đạo là tự hại mình.

Cũng từ ngày đó, Quân làm ra mặt gần gũi, thân mật với Khang hơn. Giám đốc Bùi Cường nhìn viên cựu đại úy quân y cũng khác. Khang không để tâm, coi đó là những chuyện bình thường. Khang không biết trong và sau những tình thế ấy, cực chẳng đã, Quân phải khuất phục. Và lòng thù hận Trần Tử Khang, Quân đã nghiến răng vùi nó vào sâu tận trong xương tuỷ.

Quân tính, xử sự như Bùi Cường và Lê Trịnh, không cho Khang mổ là rất hạ sách. Quân đẩy cho Khang mổ tất cả những ca khó, ca nặng. Như một mũi tên trúng hai đích. Mọi cuộc mổ tốt đẹp, là nhờ có mặt trưởng khoa mới. Có mặt bác sĩ chuyên khoa cấp hai Lã Hồng Quân, thì các cuộc mổ mới tiến hành được chứ. Và cũng là từ khi Quân về, bệnh viện Hồng Phúc không phải mời các giáo sư, bác sĩ tuyến trên về mổ đợ nữa.

Xưa nay, Khang mổ vẫn an toàn đấy, nhưng tuổi cao, rồi sẽ có ngày... Đời người dài lắm; không thể tránh được những tai họa bất ngờ! Quân mường tượng đến những cuộc kiểm điểm, hạch tội Trần Tử Khang, và ông chuẩn bị sẵn những lý lẽ cũng như hình thức kỷ luật trừng trị cho từng sự cố, trong tương lai, của thằng cha bác sĩ lính tráng này!

Nhưng qua mấy chục ca vào mổ với Khang, Quân nhận ra, mục đích thứ nhất mình đặt ra thì đã hiển nhiên. Đáng chán là cái đích thứ hai, nếu có được, chắc phải về lâu về dài. Bây giờ, đầu óc của thằng cha Khang vẫn còn tinh tường, hai bàn tay hắn cũng vẫn khéo léo, tinh vi... Những động tác bóc, gỡ, cắt, đốt, khâu buộc của hắn trông thật đơn giản... Vậy mà mình lại không thể thực hiện! Thằng Trịnh lại nói, trưởng khoa phải mổ những ca khó, ca nặng... Đúng là thằng quân sư quạt mo!

Kỹ xảo ngoại khoa không có ở trong đầu Quân, nên đôi bàn tay Quân cứ đờ ra, cứng quèo, lóng ngóng... nhiều khi không biết phải tiếp tục làm gì khi cuộc mổ còn đang dang dở. Quân thường luống cuống, rối tung rối mù lên, mỗi khi vết mổ chảy máu... Quân bứt rứt, nhưng rồi cam chịu; biết làm sao bây giờ! Bàn tay Quân không sinh ra cho kỹ thuật cao và những việc làm tinh tế.

Khi mổ, Khang tế nhị giảng giải với bác sĩ phụ một, chính là để Quân ở vị trí phụ hai nghe kỹ, nhìn rõ, như khi ông hướng dẫn cho bác sĩ Ngân Hà. So với nàng, ông trưởng khoa rất khó nắm bắt, rất khó nhớ và hầu như không thể tiếp thu những gì cần cho một người làm phẫu thuật chuyên nghiệp. Những động tác cơ bản của Quân dở quá. Có lần thấy rõ Quân làm nguy hiểm, Khang cũng đã phải quát. Đầu óc và đôi bàn tay Quân như thể không cùng của một cái xác.

*

* * *

Làm thế nào để ngồi vững lâu dài ở vị trí trưởng khoa? Quân suy nghĩ về phương pháp làm việc, những suy nghĩ ấy không phải đơn thuần của một trí thức nhân viên...

Trần Tử Khang vào cắt gan giúp... Mình thấy hắn rất từ tốn, mà lại nhanh gọn? Mình chưa kịp nhớ lạị giải phẫu, thì nửa cái gan đã được hắn vứt ra ngoài. Rồi hắn bỏ ra trước. Biên bản phẫu thuật hôm ấy mình vẫn ghi tên nhóm mổ Lã Hồng Quân, Bùi Cường, Lê Trịnh và cô y tá phụ đưa dụng cụ. Mình không ghi tên Khang. Hắn chỉ vào làm giúp một phần việc thôi mà. Tuy hắn không vào kịp thì ca ấy tử vong là cái chắc. Thực ra, hắn là người mổ chính. Nhưng mình đã mở bụng bệnh nhân xong, hắn nửa chừng mới vào, chỉ còn mỗi một việc cắt gan... Vậy là hắn được mình bầy sẵn cỗ cho ăn. Oai quá! Trần Tử Khang mà cũng được các bác sĩ khác điếu đóm, phục vụ, y hệt giáo sư viện sĩ Tôn Thất Tùng?

Hắn cắt nửa cái gan có khối u vỡ, cứu sống người bệnh. Cũng là hắn cứu cả kíp mổ của mình. Mình không ghi tên hắn vào kíp phẫu thuật. Không thấy ai nói gì... Hắn cũng không hề thắc mắc. Đầu óc Quân chợt lóe sáng. Như thể Archimedes đang nằm truồng trong bể tắm bỗng phát minh ra định lý và công thức lực đẩy của chất lỏng. Ông ta chân chạy, miệng reo "Ơ rê ka! Ơ rê ka!..." náo động cả đường phố Syracuse!

"Phát kiến" từ việc cắt gan của Khang làm Quân sướng lịm người. Trưởng khoa thấy tim mình bỏ mất cả mấy nhịp đập và buồng phổi dường như nghẹt thở. Cũng phát cuồng như nhà bác học vĩ đại, nhưng Quân chỉ ngội tại chỗ reo thầm: "Ơ rê ka!" Quân đã có phát minh. Ơ rê ka! Ơ rê ka! Mình cũng phát minh ra một "định luật" hẳn hoi. Thật tuyệt cú mèo!

* * *

Hết giờ làm chiều, Quân mời ông Khang đến Quán Ông Già bên bờ Hồ Tây. Hai người chọn một cái bàn nhỏ ở sát bờ nước.

Hoàng hôn sắp tới. Đáy nước bồng bềnh vài ba đám mây bông trắng nõn. Khi ánh sáng cuối cùng của một ngày hạ tắt hẳn, mặt hồ xa rộng xanh thẳm bỗng tối sẫm lại rất nhanh. Khang chợt nhớ, Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ ở vùng đất này. Vị danh nhân văn hoá thế giới, một trong những người ông sùng bái, kính trọng nhất trong các nhân vật lịch sử, có hai câu thơ nôm: "Dễ hay ruột biển sâu cạn / Khôn biết lòng người vắn dài". Vừa chuyện trò với Quân, Khang vừa ngắm nhìn sóng nước của cái mặt hồ mênh mang kim cổ. Đã bao nhà thơ xưa nay bận lòng, và phải viết mãi về nó. Ánh sáng, bóng tối, sự tác động, dịch chuyển của tự nhiên và con người đã làm cho nó thay đổi, hẳn đã rất nhiều. Thoảng có những cơn gió nhẹ. Những ngọn đèn ven hồ hắt xuống, lấp loáng, rung rinh những mảnh sóng vàng, rực rỡ, mà không thể nắm bắt. Đáy hồ tưởng như sâu tới vô cùng.

Không để cô gái chạy bàn, Quân tự tay rót đầy hai ly rượu mạnh, loại CHANA XO của Pháp:

- Hôm nay, tôi mời bác! Ta uống với nhau, không say không về!

- Cảm ơn anh! Tôi không uống say bao giờ.

- Nhưng đêm nay, ta cứ phải chân tình với nhau. Say mới là thật lòng, mới sướng. Chúc bác mọi sự tốt đẹp. Nào, ta phải uống hết mình!

Khang tựa lưng vào ghế. Không khí Hồ Tây thoáng đãng và mát mẻ. Hình như có tiếng cá đớp bóng? Ông lắng nghe, miền Bắc đang mùa nước lũ. Xa kia, như thấy tiếng sóng nước sông Hồng dội tới. Những quãng đê nào xung yếu? Năm 1971 vỡ đê, ngập lụt cả một vùng mấy tỉnh rộng lớn... Hơn một trăm năm trước, từ dòng sông Hồng, quân Pháp bắn đại bác vào thành Hà Nội... Chỉ có hai trăm mười hai tên thực dân tấn công, mà tổng đốc Nguyễn Tri Phương cùng bảy nghìn tướng sĩ thành Thăng Long bại trận! Nghĩ mà buồn quá... Vong hồn ông và tướng sĩ dưới quyền chắc biết trận Điện Biên Phủ 1954, đã rửa đi cái hận trời xanh ấy cho mình?

Quân muốn gì đây? Mới chưa hết một ly, mặt Quân đã đỏ lự, như da một chú gà chọi đang say cuộc đấu. Con gà chọi vươn đầu, vỗ cánh xông vào... Nó giơ móng vuốt, hòng xé toang cổ mặt và móc mắt đối thủ!

- Tôi đã đến đây với anh, là thật lòng rồi. - Tuy hơn tuổi, nhưng Khang cũng không xưng hô với Quân bằng tên hoặc mình mình cậu cậu, như những người khác: - Tửu lượng của tôi khá đấy. Có điều, vì nghề nghiệp, phải làm việc bất cứ lúc nào, nên tôi kiềm chế đấy thôi. Có ma men trong người, ta làm sao tỉnh táo để khám xét người bệnh? Nhất là khi cầm đến con dao, cái kéo để mổ? Từ thời sinh viên, tôi đã nghĩ thế và tránh xa bia rượu, như những người đàn ông bất lực né tránh đàn bà. Đã thành một nếp quen, một tính cách rồi. Cũng xem như... mình phải chịu một sự thiệt thòi. Có lẽ anh cũng không uống được nhiều đâu. Đừng cố. Ta không cần khách sáo. Uống chút ít, vui thôi! - Ngừng giây lát, Khang tiếp:

- Hình như anh muốn nói gì đó về công việc trong khoa mình, phải không? - Biết Quân vòng vo và đang bí cách vào chuyện. Khang hỏi thẳng.

Quân nhấp môi vào ly rượu, mà không uống. Vẻ nghĩ ngợi, nhưng lại chợt cười như mình hết sức vô tư:

- Không, tửu lượng tôi không thua ai đâu. Bác Khang yên tâm. Cũng không có công việc gì cần bàn. Tôi mời bác đến đây, ta vui vẻ thôi. Rồi tìm nơi có các em út, hai thằng mình làm một chầu tươi mát.

Trần Tử Khang nhìn Quân im lặng. Thì ra, ngoài thói gian manh, Quân còn là một thằng tam khoanh tứ đốm!

Quân vạch tìm trong bụng con cá quả hấp. Không thấy thứ mình cần, Quân gọi cô gái chạy bàn:

- Ê! Em gái yêu mến! - Quân vẫy vẫy: - Con cá của anh thiếu mất bộ lòng.

- Chú tìm trong bụng nó ấy. - Cô gái nhanh nhảu trả lời và quay vội đi.

- Em đứng lại ngay! Không có. Anh tìm mãi rồi. Cả con cá quả, chỉ mỗi bộ lòng là đáng giá. Không thể bớt lại như thế được đâu. Bảo ông chủ lại đây.

- Vâng! Vâng! Có ngay, có ngay đây ạ! - Cô gái quay vào bếp. Quân nói với người ngồi trước mặt mình, mà như bâng quơ:

- Cái "Quán Ông Già" này... Chúng nó bắt đầu trí trá, gian lận mất rồi!

Quân gắp cả bộ lòng cá bỏ vào bát mình và gật gù nhai chầm chậm, ngon lành, điệu bộ thích thú hiếm thấy. Khi đã hết bát ruột cá, Quân vừa lau miệng, bằng loại giấy người ta sản xuất để dùng ở buồng vệ sinh có sẵn cả cuộn trên bàn, vừa nói:

- Tôi về bệnh viện Hồng Phúc, sau bác, đúng hơn một năm.

- ...?

- Nghe lại buổi "khai đao" ra mắt lãnh đạo của bác vang dội quá!

Khang ngạc nhiên, nhưng ông hiểu Quân muốn nói tới ca ruột thừa tử vong của mình. Ông nhận lời Quân đến đây, tưởng anh ta muốn tâm tình, để hai người thêm phần thông cảm, gần gũi. Vậy mà, anh ta lại vào chuyện bất nhã đến thế! Vì sao vậy? Người này không có cái tâm lương thiện. Đó đâu phải là ca mổ đầu tiên của mình ở bệnh viện Hồng Phúc? Nếu đã biết người bệnh viêm ruột thừa chết, thì hắn cũng phải biết nguyên nhân của cái chết ấy chứ? Biết mà Quân vẫn nói như vậy, thì ý đồ của hắn là gì? Sau mấy cuộc mổ tai biến, chết người, sau khi lộ tẩy là người không biết mổ, hắn muốn đánh đồng, cá mè một lứa. Tao mổ mấy ca thất bại, thì mày cũng đã làm tử vong... Như nhau cả thôi. Không ai hơn ai!

Khang im lặng. Để xem Quân nói thêm những gì?

- Bây giờ, tôi thống nhất với bác thế này... - Quân ngừng lời, hắn khạc, và nhằn ra một cái xương cá sắc nhọn.

- Tôi đang nghe. - Khang nghĩ, Quân đang muốn lật bài ngửa?

- Từ nay, mỗi ca lớn nhỏ, tôi đều vào mổ với bác. Ta cùng làm với nhau. Về danh nghĩa, tôi là bác sĩ chuyên khoa cấp hai, lại là trưởng khoa, là lãnh đạo. Tôi đứng tên, tôi che chắn cho bác trên phương diện pháp lý và đối ngoại. Tức là tôi sẽ phải đối mặt với các vụ kiện cáo, báo chí, truyền hình, cũng như việc tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ. Để bác rảnh tay, chuyên tâm mổ xẻ. Mà có thế, giám đốc Bùi Cường mới chịu ký duyệt cho mổ. Trong hoàn cảnh hiện nay, không có tôi, bác không thể làm ăn gì được. Bệnh nhân quen riêng, hay họ hàng nhà bác, đương nhiên không nhiều. Tôi cũng có thể tiếp tục hành xử kiểu Bùi Cường, Lê Trịnh với bác. Như giám đốc, tôi cũng thân với giáo sư Tấn, giáo sư Bình. Nhưng khác Bùi Cường, tôi hiểu tài năng và tôn trọng bác. Tôi để cho bác mổ nhiều và đều là những ca mổ lớn, những ca hóc búa. Những ca cần kỹ thuật cao, mà khi tôi chưa về đây, giám đốc vẫn mời các giáo sư hết cả. Như vậy, là tôi đã giành cho bác tất cả vinh quang! Vì vậy, chúng ta phải tập trung chất xám... Mổ xẻ, không ai nói mạnh trước được. Phải có tôi đứng tên. Và ta phải đoàn kết, phải hợp tác, phải phối kết hợp. Cụ Hồ đến đâu chẳng bắt nhịp cho mọi người cùng hát Kết đoàn? Bác Khang không thể độc lập tác chiến mà thông đồng bén giọt được mãi. Ngược lại, không có bác tôi cũng khó khăn. Nhân vô thập toàn. Bác bằng lòng, phải không?

*

* *

Từ đó, mỗi khi duyệt mổ với giám đốc Bùi Cường, Quân đều ghi trong bệnh án và mặc nhiên báo cáo miệng, kíp mổ cho mọi trường hợp: bác sĩ Quân, bác sĩ Khang, bác sĩ... Nhưng khi vào mổ, Quân không bao giờ cầm dao, cũng không làm phụ một, mà chỉ đứng ở vị trí phụ hai. Chỗ đó, thường là của sinh viên thực tập, hay bác sĩ vừa mới vào nghề. Chỉ có mỗi việc tay giữ van, tay cầm gạc thấm máu, cho khô, cho sạch. Quân đẩy ông Khang thành người mổ chính. Mọi người phải hiểu: Lãnh đạo nhường cho nhân viên cấp dưới làm đấy. Làm mà học. Làm đi! Làm cho nó quen tay. Cho thích. Đã có trưởng khoa cầm trịch và hướng dẫn tất cả những đường đi nước bước. Trưởng khoa chịu tránh nhiệm tất. Lãnh đạo đứng trong kíp mổ là để điều hành. Là làm trụ cột pháp lý, là chỉ đạo đường lối, dẫn dắt phương hướng, và làm rường cột kỹ thuật. Bất cứ đâu, công việc chỉ đạo là quan trọng bậc nhất.

Quân bực. Mấy thằng nhân viên mà dám xì xèo, trưởng khoa thế nọ, trưởng khoa thế kia? Lẽ ra, chúng nó phải tự biết, người đứng đầu bao giờ cũng hơn hẳn nhân viên về mọi mặt. Ta hơn, trước hết ở sức mạnh lãnh đạo. Chúng nó không hiểu vai trò cá nhân phụ trách trong cơ chế tập trung dân chủ? Các bác sĩ dưới quyền, bệnh nhân và gia đình họ phải thấy rõ bác sĩ trưởng khoa là người có quyền định đoạt mọi vấn đề, mổ hay không mổ và mổ thế nào. Người lãnh đạo nhất định phải giỏi nhất. Lãnh đạo ở đâu chả thế. Có tài có đức hơn người, mới có thể làm lãnh đạo được chứ?

Tìm đích xác đứa nào ăn nói mách qué, mình phải dạy cho chúng mở mắt, bằng cả một băng những bài học nhớ đời.

Một người biết lo bằng kho người biết làm. Chúng nó phải nghĩ không phải trưởng khoa không biết mổ, nên chỉ đứng phụ hai, kéo van, thấm máu đâu. Lãnh đạo không đi làm thay quần chúng, mà phải vận động, hướng dẫn quần chúng, để họ tự giác tiến hành mọi công việc cách mạng. Đấy là một luận điểm quan trọng hàng đầu của lý luận cách mạng. Bài học ấy ai cũng được nghe rao giảng nhiều lần, nhưng chúng nó không thuộc, không nhớ. Lãnh đạo đứng ở vị trí phụ hai, là để kèm cặp, rèn luyện, đào tạo các kíp mổ trong khoa, cho chúng nó ngày một trưởng thành, ngày càng lớn mạnh. Nhạc trưởng của một dàn nhạc giao hưởng có trực tiếp kéo dây, ấn phím, gõ cồng, vỗ trống, khua thanh la hay chập cheng não bạt bao giờ? Ông ta chỉ tay không, tay đũa, vung vẩy loạn xạ như một thằng điên, như một anh hề. Vậy mà, không có ông ta, đâu thành dàn nhạc! Tương tự thế, mọi người phải biết, không có trưởng khoa Lã Hồng Quân này, đâu thành cái khoa Ngoại Sản mạnh nhất bệnh viện Hồng Phúc. Không có lãnh đạo, không thày, đố mày làm nên!

Đương nhiên, ta có quyền được hưởng những thành quả lao động của tất cả mọi người trong khoa, những kẻ dưới quyền gom lại. Đúng quá, công việc được tiến hành theo nguyên lý tập trung dân chủ; quyền lợi cũng phải tập trung. Họ đâu có biết, mình đã phải cắn răng, bấm bụng đầu tư thế nào, mới có được cái vị trí trưởng khoa này. Từ giờ tới lúc về hưu, không khéo thì lỗ vốn chổng vó lên ấy chứ! Thằng Tường chẳng hiểu cái cóc khô gì cả. Nó ngoác mồm ra, vung vãi bậy bạ! Dân đái bụi, ỉa đồng quen rồi. Mình chưa tìm hiểu được, nó dựa vào cái ô dù nào, mà dám ăn nói bạt mạng, đến mức không biết kiềng nể người trên như thế? Phòng mổ vẫn trực thuộc khoa Ngoại, vẫn dưới quyền lãnh đạo của mình, mà nó dám láo! Nó thân với Bùi Cường hơn mình? Nó về đây đã lâu, khi Cường chưa phải giám đốc, thử hỏi có mất gì không? Bố đẻ nó, giáo viên về hưu, đâu còn có giá? Hay nó có mấy ông bố nuôi quan to? Nó dám rêu rao là mình không biết mổ, chỉ giỏi ăn chặn, ăn hớt... Thằng ngu! Không có quyền lợi, ai ngồi ở vị trí lãnh đạo làm gì? Xưa nay, dân ta đã mấy ai chịu ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng!

Mình là trưởng khoa, mình có quyền. Mình chỉ đạo đường lối, mình ra y lệnh cho các bác sĩ và y tá. Mình tạo ra việc làm, thế là phải đứng mũi chịu sào, vất vả quá rồi còn gì? Không có việc làm, không được làm việc, chúng nó không phát điên, phát cuồng lên cả với nhau ấy ư? Và như thế, cuộc sống khó khăn, con cái nheo nhóc là cái chắc! Mình sẽ phát biểu những ý kiến quan trọng này trong buổi họp khoa sắp tới.

Quân tự trách mình đã dại dột xuất đầu lộ diện trong mấy ca phẫu thuật lớn, đã mù quáng cầm dao mổ chính. Dại dột quá là dại dột! Nếu mình nghiêm túc nghe theo Bùi Cường, thì hay biết chừng nào. Cường là một tấm gương sáng. Giám đốc quả là tay già dơ, kinh nghiệm đầy đầu. Không, phải nói kinh nghiệm của anh ta ngập ứ toàn thân ấy chứ! Bùi Cường chuyên khoa lãnh đạo có khác! Anh ấy đã học chính trị cao cấp. Đúng là có học có hơn. Từ xưa, những ca mổ nhỏ, Cường cũng không bao giờ trực tiếp cầm dao. Giám đốc chỉ đạo mời tất. Bùi Cường chỉ chú ý về tư tưởng, về đường lối, phương hướng và biện pháp thực hiện... Cái thằng Trịnh quân sư quạt mo, mưu sĩ hạng bét. Nó bầy ra chuyện trưởng khoa phải mổ chính, trưởng khoa phải trực tiếp mổ. Mà là mổ những ca lớn, ca khó? Hồi cứu mình mới biết, khi làm trưởng khoa hay quyền trưởng khoa, chính nó cũng có mổ máy gì đâu! Hệt như Bùi Cường, nó mời, nó nhờ cậy chân tay hồn vía giáo sư Nguyễn Đức Tấn, phó giáo sư Lương Ngọc Bình và các bác sĩ tuyến trên hết cả đấy chứ. Nó chỉ bô lô ba la, hay cố tình chơi đểu mình? Bây giờ Quân mới thấm thía những lời Bùi Cường căn dặn ngay hôm mới chân ướt chân ráo về đây. Thế mới rõ, với mình, chỉ mỗi Cường là người tận tình và chân thành. Chẳng những đặt mình vào cái ghế trưởng khoa, giúp cho mình thi lấy cái bằng chuyên khoa cấp hai, rồi đưa mình vào đảng. Kế hoạch sử dụng bàn tay Trần Tử Khang như một thứ công cụ của mình, cũng được Cường nhất trí cao. Thì mình đã phải thuyết phục bà vợ giốc ra như thế cơ mà! Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Người xưa dạy cấm có sai cái gì. Cường thật sự là loại lãnh đạo có sừng có mỏ. Nhưng cũng không ai nắm tay thâu ngày đến tối. Cũng đã có lúc Cường hớ hênh, như vụ hai thằng mổ nhầm trường hợp u gan vỡ ấy. Không có lão Khang thì hai thằng cùng ngã chổng kềnh. Có thể, Cường sẽ thí tốt. Thì mình toi! Thì mình tất phải chịu thiệt. Lãnh đạo cao nhất có bao giờ khuyết điểm? Cũng tại thằng Trịnh, nó làm mình chẩn đoán nhầm. Mới sờ vào bụng người bệnh, nó đã toáng lên, thủng, thủng, thủng rồi! Nó ám thị đểu mình? Cường cũng là kẻ bị mắc hớ thôi. Chứ Cường kinh nghiệm trên cả kinh nghiệm, già dơ trên cả già dơ. Lũ nhân viên, y tá, hộ lý chúng nó cũng còn nhận ra, anh ấy là nhà lãnh đạo có sừng có mỏ cơ mà? Nhưng đấy chỉ là trên phương diện lãnh đạo tư tưởng, đường lối, chỉ tiêu, kế hoạch. Chuyên môn lại là chuyên khác. Tại mình trực tiếp cầm dao mổ chính, mới bị mất mặt... May hôm đó có giám đốc đứng phụ, cái xấu hổ, cái nhục nhã được chia sẻ. Có Bùi Cường, thằng Tường không dám ho he. Tối hôm đó, Cường vẫn mắng mình thiếu lỗ nẻ chui xuống. Nhưng vì sao anh ấy không biết, chuyện bế tắc và tỷ lệ tai biến hay mổ trắng, mổ nhầm, bác sĩ nào chả có? Khang chẳng bị ca ruột thừa đấy sao? Không phải lỗi của anh ta, nhưng dư luận quần chúng vẫn cứ chỉ đích danh Trần Tử Khang mổ chết. Khoái thật! Lý thú quá! Đúng là Bùi Cường biết lợi dụng thời cơ, kiến tạo những thủ đoạn chính trị trong cái vụ bê bối ấy. Kết quả của một nghệ thuật lãnh đạo tài tình. Mình còn phải cắp cặp học chán cũng chưa theo kịp. Có lẽ Bùi Cường lấy đó làm cớ, không cất nhắc Khang vào ghế trưởng khoa? Cường phủ nhận công lao mấy chục năm dao kéo vẻ vang của Khang ở trong quân đội. Và việc ấy cũng là để tâng cao uy thế cho mình. Đấy, bác sĩ Trần Tử Khang, học trò cưng của giáo sư Tôn Thất Tùng, người được ca ngợi trên báo Quân đội nhân dân, trên đài tiếng nói Việt Nam, cũng chẳng là cái đinh gì với giám đốc Bùi Cường!

Mấy ca thất bại (như cái chết của lão Mộc...) của mình cũng nhỏ thôi. Đằng sau mỗi tài năng phẫu thuật, là cả một nghĩa địa lớn cơ mà! Một học giả phương Tây chẳng đã nói thế?

Bây giờ, mình đã tìm ra đường lối và không bao giờ xa rời sách lược đúng đắn ấy: Mỗi ca mổ, cứ rửa tay, mặc áo vô trùng, đứng vào vị trí phụ hai. Ta đứng vào đó để chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân viên thực hiện cuộc mổ. Như thế, mới đúng với bài học lớn: "Người cán bộ không làm thay quần chúng..." Như thế là mình đã vận dụng được lý thuyết vào thực tế công tác. Rồi mình cũng phải nhắc nhở nhân viên...

Cuộc rượu ở "Quán cá Ông Già"... Không biết hắn chịu lép, hay coi khinh, mà chỉ im lặng? Bùi Cường cũng nói, hơn một năm đầu mới về, viên đại uý không được phân mổ, hắn vẫn cứ làm như không có chuyện gì, vẫn điềm đạm, lịch sự, và nhũn như con chi chi... Có lẽ anh ta đọc nhiều, đi nhiều và hiểu quá sâu sắc cơ chế xã hội tập trung dân chủ là như thế nào. Sức mạnh thuộc về phái đông, phái bolshevích, phái lãnh đạo. Cá nhân, melshevich, thiểu số giỏi mấy cũng là cái đếch! Melshevích, số ít dù có thiên tài cũng phải phục tùng. Đấu tranh, tránh đâu ở cái bệnh viện cỏn con này?

Rồi thần mặt ra, lâu sau Quân mới nghĩ tiếp được. Bắt đầu chương mới cuộc đời mình. Dù thế nào, mình đã có giám đốc là điểm tựa. Mình và Bùi Cường tạo thành cái cánh tay đòn và điểm tựa Archimedes. Lão Khang phản ứng thế nào, mặc kệ! Thiểu số, melshevích lại là nhân viên thì là cái đéo! Giỏi giang cũng chỉ là kẻ làm việc bắt chước. Tài năng cũng phải làm theo mệnh lệnh lãnh đạo. Tài ba trác việt mấy, mày cũng chỉ là thợ, là tay sai, là nhân viên, là kẻ giúp việc, là một thứ công cụ trong tay bọn tao. Trần Tử Khang, chuyên khoa cấp một, nhân viên, làm sao sánh với Lã Hồng Quân, chuyên khoa cấp hai, đường đường bác sĩ trưởng khoa!

Và bây giờ mình lại có cái phát minh. Đúng là phát minh! Cách làm và lý luận của mình, Khang dám phản bác? Nếu cần, ta sẽ là cái "đòn bẩy" mạnh. Còn "điểm tựa" vững chắc là bí thư đảng ủy, giám đốc Bùi Cường. Khi có cái điểm tựa, Archimedes bẩy tung cả trái đất lên còn được. Trần Tử Khang coi chừng! Quân hét thầm trong bụng cái câu phiên âm từ tiếng Hy Lạp: "Ơ rê ka!" Khang không phục tùng, tao sẽ là cái đòn bẩy đặt sâu vào điểm tựa Bùi Cường, tung hê mày đi tít mù!

Thôi, thế là nhất. Quên cha nó những ca mổ thất bại đi được rồi. Quên đi! Nhân viên chúng mày có biết bao nhiêu là chuyện khó khăn trong đời sống gia đình. Bận công việc, lo cơm áo, lại gặp vô vàn những mắc mớ, rối rắm về yêu đương, bồ bịch... Sức đâu để nhớ. Ta phát huy vai trò lãnh đạo tư tưởng, đường lối và bao quát công việc chung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tập trung dân chủ. Nhưng với phát minh của mình, ta, Lã Hồng Quan sẽ là phẫu thuật viên của mọi cuộc mổ lớn nhỏ trong khoa Ngoại Sản bệnh viện Hồng Phúc. Như thế, oai hơn mà vẫn nhàn hạ. Lại được nhiều tiền. Lão Mộc Đen chết, bán dao cho Khang, mổ nhầm cái u gan vỡ... đều tại thằng Trịnh xúi đểu.

Lúc mới về, mình tưởng thằng Trịnh thạc sĩ, lại ở thủ đô nhiều năm là phải mổ giỏi. Hoá ra, nó chỉ là cái thằng ăn tục nói phét! Cái thằng mưu sĩ dốt nát, hạng bét! Đồ quạt mo, đồ mặt mo! Đồ quân sư rởm! Chắc chắn nó chủ tâm chơi đểu bố nó? Một thằng phản chủ! Cái thằng "Ngụy Diên" tái sinh. Phải loại bỏ thằng này càng sớm càng tốt. Không chém đầu được, ta đẩy nó ra phòng khám bệnh, hay cho làm việc hết đời ở phòng tiểu phẫu? Chỉ tại khi đó mình chưa phát minh ra phương pháp "Đứng hướng dẫn và chỉ đạo kỹ thuật...” Khi đó, mình chưa thấy việc Trần Tử Khang vào cắt hộ cái u gan, rồi bỏ ra trước. Và quả thật cũng chưa nhớ lại được bài học "Cán bộ đảng viên không làm thay quần chúng..."

* * *

Đêm trực. Không có mổ cấp cứu. Tường mời Khang vào phòng mình uống trà.

- Ca cắt thận bán phần sáng nay, bồi dưỡng kíp mổ anh đã có chưa?

- Lúc mình đang rửa tay, Quân đến nhét vào túi quần rồi. Tường chưa có à?

- Cũng rồi. Nhưng Quân gian trá lắm!

- Sao?

- Anh cắm cúi mổ nên không biết gì cả! Em gây mê, chạy ra chạy vào được. Em thấy hết. Đứng chân phụ hai, hắn chỉ chờ anh cắt thận và lấy sỏi xong, là bỏ ra ngay. Sau đó, hắn làm những gì anh không thể biết.

Khang nghe Tường nói thế, ông cười. Tường tiếp:

- Ca mổ hôm nay, gia đình bệnh nhân bồi dưỡng kíp mổ riêng, kíp gây mê riêng. Nhưng Quân biển thủ, chỉ mở chia cho anh em một phong bì thôi, anh ạ.

Không phải chỉ có ca bệnh này. Mà là tất cả... khi cuộc phẫu thuật đã xong cơ bản, Quân bỏ ra trước. Trưởng khoa hành động giống anh hôm vào cắt giúp cái ca u gan vỡ ấy. Mánh khóe, thì nhà lãnh đạo này rất sáng ý. Ba chân bốn cẳng, hắn tìm gọi người nhà bệnh nhân, chìa ra cho họ xem những phần phủ tạng có bệnh của chồng, con, bố, mẹ hay người thân họ. Rồi hắn ngoen ngoẻn, tôi vừa mổ cắt bỏ nửa cái thận có sỏi đây này. Phẫu thuật khó khăn, hóc búa lắm. Bệnh nặng đấy. Nhưng cũng may, đã mổ kịp thời. An toàn rồi! Tốt rồi! Sống rồi! Gia đình đừng lo. Trên hai bàn tay Quân, máu dính ở găng đã khô, là những miếng thịt, nơi đen xẫm, chỗ đỏ lòm, phần khác trắng bệch. Mọi người nhìn ông bác sĩ trưởng khoa, lại nhìn miếng thịt cắt ra từ cơ thể người thân của mình mà rùng mình, chết khiếp! Mặt ai cũng tái xanh đít nhái. Tưởng tim ngừng đập, phổi hết thở không chừng! Em đã nhiều lần đi theo sát sau lưng, nghe hắn xoen xoét, mà khinh...

Nhận phong bì rồi, Quân quay lại viết vào bệnh án, viết biên bản phẫu thuật, ghi sổ mổ: Phẫu thuật viên chính, bác sĩ Lã Hồng Quân; người phụ mổ thứ nhất, bác sĩ Khang; người phụ mổ thứ hai, bác sĩ...

Chắc anh Khang không để ý?

Ngoài việc ăn chặn cái phong bì của người nhà bệnh nhân, tiền bồi dưỡng phẫu thuật nhà nước trả cho phẫu thuật viên chính nhiều gấp đôi người phụ. Chỉ ở chân phụ hai, nhẹ nhàng, nhàn hạ... tiêu chuẩn kém phụ một, ít hơn người mổ chính nhiều. Khi tài vụ thanh toán, chiểu theo bệnh án, hắn lại được suất tiền cao nhất - lần ăn chặn thứ hai.

Với tinh thần lập lờ đánh lận con đen. Công việc chỉ đá gà đá vịt, dây máu ăn phần. Hắn tranh công và cướp tiền của anh! Quân còn ăn chặn, ăn hớt của những người gây mê hồi sức chúng em nữa.

Cũng từ quân y chuyển ra, em rất thông cảm với anh. Hai anh em mình, ta tính xem, nên xử trí hắn thế nào?

Khang im lặng cười. Đã nhiều lần, cũng ở đây, ở phòng hành chính, ở hành lang nhà mổ... Tường nói toang toác, Quân không biết mổ nhưng ăn chặn, ăn hớt thì là hạng siêu đẳng. Muốn vạch ra bộ mặt gian trá của trưởng khoa và muốn có sự công bằng, nhưng trong các buổi họp khoa, giao ban, họp chi bộ... Tường lại không phát biểu gì. Tường còn sợ Bùi Cường? Hôm nay, Tường muốn đá quả bóng ấy sang cho mình, một trò ném đá giấu tay? Tường biết ê kíp Bùi Cường - Lã Hồng Quân gắn bó chặt chẽ, sống chết có nhau?

Nửa đêm. Dù đã uống mấy tuần trà, Tường vẫn pha cà phê. Và Tường chia sẻ với bác sĩ Khang một chuyện bức xúc hơn:

- Tuần qua, em đến nhà sếp Cường liên tục. Giám đốc hẹn rồi vẫn cứ vắng nhà và tắt máy di động. Giám đốc phu nhân tiết lộ, Quân đang chèo kéo Cường để xin cái chức phó giám đốc. Anh Khang biết không? Ngay từ đầu năm giám đốc sở và đảng ủy khối đã thống nhất với anh Cường, vị trí ấy là của em. Có chủ trương trẻ hóa cán bộ lãnh đạo, anh ạ. Mà em cũng hiểu thời thế, nên phải đi lại khổ lắm chứ anh. Dù đã nhiều tuổi nhưng quen thói gian lận, Quân lại muốn phỗng tay trên em đấy!

V.O.