Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại (48): Nguyễn Lương Vỵ

clip_image001[4]

 

 

Tiểu sử:

Nguyễn Lương Vỵ
Sinh năm 1952
Quê quán: Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam
Đã có thơ đăng báo từ 1969 tại Sài Gòn:

Tác phẩm đã in:

- Âm Vang Và Sắc Màu (NXB Trẻ, Sài Gòn, 1991)

- Phương Ý (NXB Thanh Niên, Sài Gòn, 2000)

- Hòa Âm Âm Âm Âm... (NXB Thư Ấn Quán, New Jersey, 2007)

- Huyết Âm (NXB Q&P Production, California, 2008)

- Tinh Âm (NXB Q&P Production, California, 2010)
- Bốn Câu Thất Huyền Âm (NXB Q&P, Production, California, 2011)

- Tám Câu Lục Huyền Âm (NXB Q&P Production, California, 2013)

- Năm Chữ Năm Câu (NXB Q&P Production, California, 01.2014)

- Năm Chữ Ngàn Câu (NXB Q&P Production, California, 12.2014)

- Tuyển Tập Thơ 45 Năm (1969 - 2014) (NXB Sống, Q&P Production, California, 2015)

Giữa những nhà thơ cùng thế hệ, Nguyễn Lương Vỵ là người miệt mài hơn cả, mài giũa trái tim mình, chờ đợi giây phút linh cầu. Những lúc thành công, anh trở thành một bộ phận của cái toàn thể, như thân cây rung cho cả khu rừng.

Nguyễn Lương Vỵ đi giữa ảo và thực. Trong mỗi linh hồn, có một mặc định về con đường đi tới, bất chấp mục đích của đời sống. Nơi cốt tủy của tồn tại, có một tiếng nói phải được cất lên, một đời sống phải được sống, một tình yêu phải được bày tỏ. Những ham muốn không đạt tới đã tạo nên cõi thơ anh. Đọc triền miên thơ từ năm này qua năm khác, từ bài này qua bài khác thấy anh làm thơ tự nhiên như thở, trong khi những trăn trở như chim đập cánh không mỏi trước gương. Sự kết thúc. Sự trở lại.

Thỉnh thoảng bật lên trong trẻo như tiếng đàn, ở nơi sự căng thẳng giữa một bên là những bổn phận của đời sống, giản dị, nhu mì, và một bên là những câu hỏi vô tận mang tính tâm linh, về thực hữu. Anh thường xuyên ra vào cõi hư vô, nói nhiều đến tình yêu, nhục cảm, cái chết, sự tận tuyệt, cõi âm, nhưng thơ anh không phải bao giờ cũng dẫn chúng ta tới được những nơi kia. Bởi vì thơ không tìm cách giúp người đọc thoát ly hiện hữu, mà giúp họ sống chính hiện thực ấy.

Giọng thơ của Nguyễn Lương Vỵ có phần phê phán và không xa rời thế sự, làm cho lối thơ kỳ bí của anh phảng phất hơi ấm, không phải của chân lý mà anh tìm được, nhưng của những câu hỏi tươi mới, mỗi ngày anh một chất thêm vào.

Những năm gần đây, thơ anh trở nên hài hước, nhẹ nhõm, có lời ca ngợi đối với sự sống, niềm thương cảm, sự chua chát, những bằng chứng của tình yêu mà anh bắt gặp và chia sẻ. Một nhà thơ càng không chắc chắn về con đường của mình, đạo, và bày tỏ điều ấy dễ dàng, càng gây cảm giác tin cậy ở người đọc. Điều quan trọng trong thơ ca ngày nay là người viết và người đọc cùng một lúc chia sẻ các hình ảnh, lời cầu nguyện, cùng một lúc vì, cũng như trong khoa học, không một cá nhân nào còn đủ sức sở hữu toàn bộ sự thực. Đó là lý do của sự di chuyển nhiều lần những điểm nhìn, những góc đứng, trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Chống lại trữ tình cá nhân là nhu cầu cảm thông và đối thoại. Vì vậy, thơ anh có nhiều giọng nói. Sự đa thanh là một đặc điểm.

Tính triết học trong thơ ca ngày một bị coi nhẹ bởi các nhà thơ và nhà phê bình, cần được mang trở lại. Đó là sự chú ý, sự quan sát. Cảm giác tồn tại, như một cá nhân, một công dân, cảm giác ấy không tự nhiên mà có. Chúng biến đổi theo thời gian và định vị. Nguyễn Lương Vỵ, với những bài thơ độc đáo của anh, không ngừng đưa ra lời kêu gọi trở về với sự chú ý, với bản thể tình yêu. Đó thực sự là một dấn thân, và trong ánh sáng của câu hỏi tâm linh, những lời kêu gọi ấy, trữ tình và cá nhân, cuối cùng lại tìm thấy lối đi chung của chúng, từ bên kia trở về cõi thế, từ sự huyền ảo trở lại lòng tin, từ cõi tàn hủy mà trở về với đời sống, với người đọc.

Văn Việt trân trọng giới thiệu.

 

 

NGUYỄN LƯƠNG VỴ

 

NỬA ĐÊM THỨC DẬY NHÌN MÂY TRẮNG

 

Lung linh hồn quê cũ

Mây trắng phủ khắp trời

Nhớ trăng khô hết máu

Muôn trùng dặm núi ơi!!!

 

1969

 

CẢM ỨNG

 

Biển đắp một tòa sương

Lạnh đôi bờ vú nhỏ

Nàng tắm trong tịch dương

Núi gầm lên khóc nhớ…

 

1969

 

ÂM NHẠC

 

Ghi trên nền nhạc giao hưởng số 5 của Ludwig Van Beethoven

 

Âm nhập cốt

Âm binh phiêu hốt tiếng tru

Ta tru một kiếp cho mù mắt

Mù lệ đề thơ để nhớ đời

À ơi! Rượu đỏ hoàng hôn tắt

Ta dắt hồn ta túy lúy chơi!

 

Âm nhập cốt

Âm vàng mấy gót hồ ly

Vạn kỷ cung thương còn réo rắt

Còn ru ta mãi quãng đời xanh

À ơi! Ai hát ngoài phuơng Bắc

Chờ nhau tinh đẩu sáng long lanh

 

Tiếng đá ngân nga chìm giếng lạnh

Sói đầu mây bạc áng thiên tinh

Ô hô! Quan tái đà xao xuyến

Giọt máu năm xưa bỗng tượng hình

 

Lâng lâng tinh khí xuất luân hồi

Nguyệt thở thơ bay rợp nắng đồi

Khuya khoắt ta nằm trong lá mới

Dìu nhau hoan lạc quỷ nương ơi

Quỷ nương cốt đá ta cốt mây

Ôm ấp ngàn thu sương chớp vây       

Trống mái uớt dầm cung bậc chín

Reo suốt thinh không đợt sóng gầy

 

Thạch cầm vỡ

Ngàn năm thơ thẩn với âm vang

Ta ôm trời đất sầu vô hạn

Thương nhớ Thanh Xuân mộng úa tàn

À ơi! Dâu bể chưa khô cạn

Chưa dứt tâm tư vọng ngút ngàn…

 

03.1971

 

MỘT THOÁNG ĐÀ NẴNG

 

Chiều nay

Trở về ngồi lặng yên với biển

Bãi cát còn sót lại những giợn sóng

Đã rút đi xa

Như quá khứ

Những sợi tóc vàng cháy

Vắt ngang qua ánh mặt trời

Vắt ngang qua lưng núi

Mười lăm năm

Ngày trở về không hẹn trước

Âm thầm như bóng mây

Xoa tay dõi mắt tìm

Người đào huyệt trong nghĩa trang

Rít điếu thuốc lào cuối cùng

Nén nhang cháy trên nấm mồ cô quạnh

Màu ráng đỏ bầm trên núi xa

Ta muốn tru lên như con chó ốm

Rồi chạy như điên như bay...

 

Chiều nay

Ngồi nhớ chiều xa

Nhớ lắm ngực chiều Nam Ô Liên Chiểu

Mười lăm năm nghẹn thở

Mười lăm năm nhói tim

Đà Nẵng một thời côi cút bụi đời

Một mình lang thang đầu trần khét nắng

Bến sông Hàn những năm Sáu Mươi

Ta bắt đầu hiểu

Tuổi thơ của mình

Như chiếc lục bình

Trôi đi thất thểu

Trôi đi trôi đi

Ta bắt đầu thấy

Tuổi thơ của mình

Có một chiếc đinh

Rung rinh giữa trán

Rung rinh rung rinh...

 

Chiều nay

Ngồi nhớ chiều xa

Nhớ lắm bóng núi Sơn Trà Non Nước

Mười lăm năm xuôi ngược

Mười lăm năm xác xơ

Đà Nẵng một thời òa bay niên thiếu

Một mình lang thang vẹt gót phố khuya

Thềm chợ Cồn những năm Sáu Mươi

Ta bắt đầu hiểu

Tuổi thơ của mình

Như một tấm hình

Bay đi trong gió

Bay đi bay đi

Ta bắt đầu biết

Tuổi thơ của mình

Có một vết cứa

Lặng im rách tim

Lặng im lặng im...

 

Đà Nẵng Đà Nẵng

Ngày trở về không hẹn trước

Bất ngờ như lúc ra đi

Mười lăm năm vẫn nghe nước sông Hàn chảy trong mỗi bước

Mười lăm năm vẫn ngước mắt gào ngàn

Thơ vẫn thiết tha niềm hoài cảm

Thiết tha những con đường thân quen thức đợi

Cho ta tìm ta chiếc thân còm cuối phố

Gặp lại nhau rồi

Vuốt tóc khét nắng

Giữa chiều thinh vắng

Rụng xuống một vài

Rụng xuống rụng xuống

Chiếc lá ứng mộng

Bóng mộ trăng cài

Quàng vai nhau nhé

Chưa phai bóng mộ

Chưa phai chưa phai...

 

10.1980

 

ÂM VANG VÀ SẮC MÀU

 

Ngàn năm bước thấp bước cao

Ta xin bước tiếp bước nào nữa đây?!

Bước xa viễn tượng hao gầy

Bước gần hiện tại vẫn đầy bão giông

Vết thương nhân loại đèo bòng

Vết bầm thế giới những vòng quay nhanh

Khóc hờ chén rượu tàn canh

Cười khan cạn hết bài hành phương Đông

Người em nô giỡn bụi hồng

Hát rong oan nghiệt tạ giòng sông xanh

 

Ngàn năm sầu dựng trường thành

Ta xin cúi lạy âm thanh sắc màu

Điệp trùng thế kỷ trôi mau

Thương câu lục bát mà đau lục bình

Quê nhà Hoa Nắng quyên sinh

Xứ người Trăng Huyết run mình chết theo

Hàm ơn ngọn lửa thầm reo

Đêm thiêng rạch một tiếng kêu sáng lòng

Vẫn còn những bước thương mong

Còn vang ngấn tích ở trong tim người…

 

10.1985

 

CHÉP HỘ NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN

 

Chiều sưng húp mồ ma

Ai cắt đầu ta vậy?!

Ai moi ruột gan ta

Để bây giờ lửa cháy

 

A ha! Những cột khói

Trơ những mắt tre già

Câu ca dao chết đói

Những cánh rừng vàng da

 

Đạn bom ta nào biết

Chỉ nghe một tiếng ầm

Chiều thì câm và điếc

Nên ta càng điếc thâm

 

 

Làm ơn đừng hỏi nữa

Để ta khóc ta cười

Để ta cầm cục lửa

Tìm con ta giữa đời

 

Người đàn bà rũ rượi

Ngồi im trên nấm mồ

Mồ thì không biết nói

Chiều thì xa nhấp nhô…

 

10.1985

 

TRỞ LẠI NGŨ HÀNH SƠN

 

Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn

Ta lại về thăm núi

Bạn đó a!

Sương muối

Hồn chiều…

 

Ớn lạnh tiếng kêu

Mắt đá xanh

Đắm đuối

Rát ngực ta

Buột miệng la thầm

 

Chiều bén gót

Con trăng lộn ngược

Buổi sơ Thu

Con nước đầm đìa

 

Kìa!

Đá rịn mồ hôi

Ngựa cũ

Tiếng hí màu huyết dụ

Trầm sâu…

 

Kià!

Bạc đầu

Bóng hạc nhớ mây

Đau máu đá

Mà đời đâu biết!...

 

Bạn đó a!

Oan hồn tứ tuyệt

Huyền thoại xanh

Búng huyết sơ đầu

 

Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn

Biết tìm đâu ngựa cũ

Hí rền mây

Ngực ủ mộ bia…

 

11.1988

 

THƯỢNG THANH KHÍ

 

Cảm ứng Hàn Mặc Tử

 

Đau thương trong suốt Thượng Thanh Khí

Ta chết trong veo giữa huyệt trời

Hồn thơm, no cứng Xuân Như Ý

Phượng Trì vút lên mùa trăng chơi

 

Vút lên câu huyết thi năm ấy

Ta chết hồ nghi trong giá băng

Trong sương lang bạt vô tình thấy

Thơ liếm môi người không nói năng

 

Vút lên trí tưởng thơm nhan sắc

Ta chết hồn nhiên dưới búp non

Nguyệt nõn một chùm lông réo rắt

Bay theo thương tưởng một linh hồn

 

Thơ ta bay một đời chưa thấu (*)

Ngàn trước ngàn sau hụt đáy hoài

Tứ cũng Hư như Huyền ảo não

Thi huyết khô rồi nhưng chẳng nguôi

Hồn là ai?(*) Là ta viễn xứ

Là bút thần khai gặp lại mình

Miếu cũ hiện ra trong mỗi chữ

Bình vôi bôi xóa hết vô minh

 

Nhạn về trong trẻo Thượng Thanh Khí

Ta hát Tình Quê trên nẻo Không

Thơm quá một trời Xuân Như Ý

Câu huyết thi bay với tiếng cồng…

 

2.2003

_______________

(*) Ý thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử

 

CẢM ỨNG BÍCH KHÊ

 

Em bí mật chôn ta

Trong tinh hoa của sắc

Trong hiu hắt của màu

Trong tiếng vang thời khắc

Gọi là lộc khổ đau

 

Lộc khổ đau tươi rói

Xuân Tượng Trưng phúc trời

Ta chết ngay trong lời

Lộc biếc vang một ý

Nở thanh khí một trời

 

Núi Thiên Ấn ngủ vùi

Sông Trà chảy xót ruột

Thơ ta ngún một nùi

Tinh Huyết ngân một giọt

Em bí mật hoài thai

 

Hài nhi bọc tinh âm

Khóc xanh hết bờ cõi

O oe hồng tiếng nói

Kiến trúc chín bậc trầm

Mười bậc cao vòi või

 

Thơ lạ như thần ưng

Âm thương đau móng sắc

Ta chết ngay tức khắc

Giữa trời Xuân Tượng Trưng

Tinh Huyết bỗng thơm lừng…

 

5.2003

Ghi chú: Những chữ in nghiêng là tác phẩm của thi sĩ Bích Khê.

 

THƠ VỀ THƠ I

 

Một câu thơ đã chết

Một câu thơ hoài thai

Một câu thơ sắp chết

Gió huýt sáo dặm dài

 

Gió lưng ong cài lược

Chải sợi lông thời gian

Mềm dư vang sau trước

Chữ ứa một cung đàn

Chữ ứa một dung nhan

Nằm xếp hàng như mộ

Ta yêu em kiên khổ

Dẫu phí hết ngàn đời

 

Một câu thơ đi chơi

Một câu thơ bật khóc

Một câu thơ lăn lóc

Gió trong tờ lá non...

 

5.2000

 

THƠ VỀ THƠ II

 

Năm mươi năm theo em

Từ khi trong mầm khí

Con trăng non rên rỉ

Con suối khát nguồn xưa

 

Chìm biết bao cơn mưa

Nổi biết bao cơn nắng

Thơ càng mần càng vắng

Những gót chân hài nhi

 

 

Nhiều khi muốn xóa đi

Trong máu tàn xương lụi

Chợt nghe trong cốt núi

Đang tượng hình cốt mây

 

Năm mươi năm vơi đầy

Soi mắt nhau chợt hiểu

Ngàn câu thơ chết yểu

Xanh hết suối hồn ta...

 

6.2002

 

THƠ VỀ THƠ III

 

Chữ tươi màu tinh huyết

Bông tuyết đỏ trong hồn

Bông tuyết trắng đầu non

Mưa truồng phơi nắng lạ

 

Thèm em thèm tất cả

Hương kinh nguyệt đất trời

Thu Không rụng một lời

Một đời ta hứng trọn

 

Thương em đau cỏ mọn

Hạt bụi xót hiên ngoài

Hạt nát tan chiều phai

Thơ rền trên vách núi

 

Một câu thơ chết đuối

Vớt lên trong bao la

Nghe lạnh hết xương da

Bưng mặt không dám hỏi...

 

5.2005

 

SỬ LỊCH

 

Những vòng tròn quay quắt trong mơ

Cuộc chia ly từ trong trứng Mẹ

Trứng lưu huyết rừng hương ngấn lệ

Của biển già câm lặng lời xanh

 

Những vòng tròn mưa nắng hòa thanh

Màu sử lịch bầm trong câu hát

Ta tìm mãi lời nguyền của đất

Cầm trong tay những trận gió nồng

 

Gió vu vơ nứt từng nhánh sông

Từng gương mặt bà con ẩn hiện

Từng cái chết là từng câu chuyện

Gốc rạ cằn đứt ruột trời xa

 

Gió ngu ngơ nào biết Huyết Hoa

Đền miếu cũ ngủ vùi thương nhớ

Màu sử lịch Huyết Hoa vừa nở

Nắng lừng hương nơi chốn ta về

 

Chốn ta về là chốn Nhà Quê

Gắp vài đũa lùa theo nước mắt

Muối vẫn mặn âm vang mùa gặt

Gừng vẫn cay thanh sắc Ca Dao

 

Chốn ta về lục trúc chiêm bao

Hai mắt nhắm canh chừng tiếng động

Cỏ vẫn hát giọt ngần sương mỏng

Gọi ngàn thâu đau đáu bước chân

Những vòng tròn trong tiếng chuông ngân

Những tiếng khóc một trời thơ dại

Màu sử lịch là màu cây trái

Vườn ta ươm khổ lụy lâu rồi

 

Những vòng tròn bay đi đâu nơi?!

Chuyến tàu cuối ga đời hút bóng

Ga thời khắc chắc chi mà ngóng

Đành thưa em Sử Lịch môi cong…

 

4.2005

 

THẦN SẦU

 

I

 

Tri ân Em đẹp thần sầu

Cho ta quỉ khốc bạc đầu khôn kham

Phút giây vụt hiện sắc chàm

Vụt bay cánh mộng trời Nam khuất rồi!!!

 

Thấy trong giọt máu luân hồi

Giọt mưa luân vũ cây đời gọi nhau

Giọt trùng sinh níu ngàn sau

Giọt âm xé lá bên cầu nhớ ai

 

Nghe trong xứ sở ngân dài

Tiếng xương khua với tủy mài tiếng tru

Tiếng hờn nuốt bóng trăng lu

Tiếng oan ực hết oán thù mây bay

 

Đất ôm mộng mị đường cày

Trời khua tiếng cuốc hao gầy trong ta

Bập bùng trí não niêm hoa

Cành sương vi tiếu bao la sắc màu

 

II

 

Tri ân Em đẹp thần sầu

Cho ta linh cảm ngàn thâu vắng chìm

Bụi bờ ngơ ngác lời chim

Tìm nhau bến tạnh sông im lối về

 

Thấy trong giọt nhạc cuồng mê

Giọt trôi buốt nắng giọt nhòe bóng mưa

Giọt lăn má đỏ gió đưa

Giọt tràn khóe mắt môi vừa hé ra?!

 

Nghe trong tơ cỏ lừng hoa

Tiếng thơ dại với tiếng ma rù rì

Tiếng đời xô động âm ti

Tiếng khuya thức nhọn sầu bi tan tành

 

Âm vang dòn rụm hòa thanh

Cầm tay Cổ-Độ-Kinh-Thành-Ngữ-Ngôn

Hít sâu thở nhẹ đêm son

Quỳ hôn cuối bể đầu non Em nằm...

 

III

 

Thần sầu những sợi lông măng

Trăng non thơm ngát giá băng rợn người

Thơ tan theo tiếng Em cười

Hồn nhiên ngấn lệ tuổi đời xanh um

 

Thấy trong thiên địa một chùm

Ướt trên búp nguyệt nở dùm cho ta

Một rừng múp rụp hồn hoa

Cho Em trở giấc gần xa rực hồng

 

Nghe trong thiên địa cay nồng

Trồng vun tuyết bạch cái mồng điêu linh

Ráng pha đỏ mắt biên đình

Một xâu Sử Lịch bóng hình hắt hiu

 

Mồ hoang tiếng phách dập dìu

Rừng lau lấp lánh rất nhiều dung nhan

Sóng xô bất tuyệt điêu tàn

Hồn quê bất tận âm tràn theo âm

 

IV

 

Thần sầu giọt lửa cháy câm

Sôi gan lịch kiếp cung cầm rụng rơi

Ta ôm đá ngủ quên lời

Vì trong ý cũ núi đồi quá xanh

 

Thấy trong biếc lục trường thành

Lá môi Em nở ngon lành bài thơ

Ví dầu cầu ván ngẩn ngơ

Ngờ đâu đáy huyệt đang chờ chúng ta

 

Nghe trong vạt áo í a

Hà hơi gió lật giang hà sát vai

Ngực Em đắng tiếng thở dài

Núm son tội nghiệp thiên tài chết trôi

Chết đi chết đứng chết ngồi

Chết phơ phất chết rụng rời chơi luôn!!!

Tào Khê khát cội say nguồn

Thây ma lịch kiếp không buồn chẳng vui

 

V

 

Té ra quỉ khốc ngậm ngùi

Mùi hương dị thảo lau chùi bão giông

Phượng Cầu rợp bóng phương Đông

Vụt bay vụt hiện ngàn sông Em về

 

Thấy trong búp lửa xanh thề

Mềm lưng vũ trụ tư bề thắp sao

Lưng Em mịn hết chiêm bao

Lá Em mượt hết tế bào thơ ca!

 

Nghe trong tráng khí trào ra

À ơi men rượu Hoàng Hoa nhấp hoài

Khí thiêng ngùn ngụt hiên ngoài

Cầm canh tiếng thở muôn loài ghé thăm

 

Huyền Không cái lạnh muôn năm

Thầm trao muôn thuở xa xăm điếng hồn

Đá khô tinh huyết trắng non

Dòn tan muôn kiếp gió lòn tinh khôi

 

VI

 

Té ra quỉ khốc lâu rồi

Vì Em chớp mắt trên trời líu lo

Nỗi niềm dưới đất quanh co

Điêu linh thống khổ thơ no ứ tràn

 

Thấy trong tro bụi thắp hàng

Hạt cô liêu rụng rỡ ràng cô liêu

Nhặt lên cổ nguyệt quá nhiều

Lung linh cổ tự những chiều cổ phong

 

Nghe trong lá mạ băng đồng

Cồng chiêng rót mật pha hồng tiếng ru

Hài nhi bú mộng khóc bù

Mai sau ráo hoảnh ngục tù trần ai

 

Huyền Không cái lạnh ngân dài

Bông bay ảo diệu trâm cài tóc mây

Mùi hương dị thảo còn ngây

Cho ta ngóng mãi bóng ngày vọng âm

 

VII

 

Thần sầu tiếng hú mù câm
Một hơi thiên địa mưa dầm nắng chan

Suớng lên chất ngất cung đàn

Đau lên chót vót non ngàn lửa reo

 

Thấy trong xanh buốt cháy theo

Khi Em khép nguyệt lời heo hút lời

Lông măng óng mượt thêm rồi

Mềm thêm vũ trụ đứng ngồi bơ vơ!!!

 

Nghe trong chín đỏ ngẩn ngơ

Trĩu cành bích ngạn không ngờ cách xa

Thơ un khói nhớ quan hà

Tà huy lớp lớp thiết tha ngún hoài

 

Thuần thanh lô hỏa trong ngoài

Lạy Em trong suốt bào thai kiếp người

Lạy Em sặc máu khóc cười

Lạy Em buốt huyết son tươi xé lòng

 

VIII

 

Thần sầu tiếng rú Huyền Không
Rồng Tiên bấu móng ta bồng ta nâng

Ta ươm ta ướm tử phần

Độc cô khớp với phong trần đong đưa

 

Thấy trong tre trúc chát chua

Trống rung rách nát sân chùa tịch nhiên
Câu kinh lúng liếng trăm miền

Ngàn nơi muôn chốn tham thiền thấy nhau

 

Nghe trong nức nở về sau

Yến bay oanh liệng biển dâu hồ cầm

Cầm thu cầm nguyệt thì thầm

Cầm Em khép mắt khôn cầm biệt ly!!!

 

 

Quỳ hôn chiếc lá diệu kỳ

Cố hương diệu vợi thôi thì thế thôi

Lá Em thơm quá mép môi

Thơ ngun ngút cháy đường ngôi sững sờ...

 

IX

 

Thơ ngùn ngụt cháy bơ vơ

Vì ta sẩy bước ầu ơ lạc loài

Nghiến răng cái lạnh trong ngoài

Em ơi khóe mắt u hoài những đâu?!

 

Những kia những nọ về sau

Càng quen thức đợi càng đau đớn nhiều

Độc cô cổ mộ bao nhiêu

Em ơi khóe mắt bấy nhiêu vết hằn

 

Vết sông khô vết suối cằn

Rưng rưng vết nứt vết lăn tuyệt cùng

Ta ôm đá ngủ mịt mùng

Xác quên bén mộng đì đùng hồn xưa

 

Huyền Không nhói tiếng đò đưa

Gò bông lau trắng đứng trưa hóa rằm...

 

5.2005

 

GỬI QUỐC ÂM

 

I.

 

Trọn đời thương nhớ Quốc Âm

Thơ sáng trưng theo tháng năm

Bình Ngô Đại Cáo sấm dậy

Quân Trung Từ Mệnh lôi trầm (1)

Sống trong veo như nhật nguyệt
Chết tịch mịch tợ cổ câm

Bè mây trắng vang câu hát

Nước non trở giấc thạch cầm…

 

II.

 

Thạch cầm nở đóa huyết thi
Sá chi tử biệt sinh ly
Ải Nam Quan lời thề khắc
Đất Lỗi Giang tâm nguyện ghi
(2)

Lam Sơn ẩn hình hổ phục

Lũng Nhai hiện bóng rồng phi

Trả thù cha đền nợ nước

Nhẹ thênh thơ ngát vân vi…

 

III.

 

Quốc Âm thanh khí thường hằng

Tình thư một bức nói năng (3)

Nhấn ngón tay rân phím nhạc

Nhịp bàn chân réo gót đằng

Gõ chén hát trăng mười sáu

Nâng ly ca núi ngàn đăng

Vũ trụ cùng người đối ẩm

Thềm khuya ứng mộng cho chăng?!…

 

IV.

 

Đóa huyết thi bầm huyết sử

Đời nay vẫn rền linh ngữ

Chắc chi thiên hạ chí tình (4)

Hà tất một mình nhiễu sự

Thuyền nan nén nghẹn mái chèo

Bóng phượng tung ngần viễn xứ

Người đi đâu người về đâu
Quốc Âm trầm sâu mỗi chữ…

 

V.

 

Trọn đời thương nhớ Ức Trai

Sáu trăm ba mươi năm ngoài

Chí Linh nhương sao nhấp nháy

Côn Sơn vung bút mãi mai

Oan nghiệt tuyệt không nhếch mép

Công danh đếch có rùn vai

Loáng gươm đưa đầu lìa cổ

Chẳng cần chi ai khóc ai…

 

VI.

 

Khóc ai nào biết khóc ai

Lệ Chi Viên oán ngút dài

Rưng rức ngần sương cay mắt

Sững sờ trận gió ù tai

Sử lịch chìm sâu ngất ngất

Thời gian trôi giạt phai phai

Ém trong ngực một tiếng thét

Khóc ai nào biết khóc ai?!…

 

VII.

 

Lá thu mưa đóa huyết thi

Đầu cây ngọn cỏ thầm thì

Chim bay về rợp võng nắng

Gió cuốn đi chớp quầng mi

Nghiêng tai nghe âm trổ nụ

Ghé mắt thấy chữ phương phi

Xoa tay nhặt năm tháng cũ

Mầm tươi vừa nhú diệu kỳ…

 

08.2010

(Tưởng niệm 630 năm [1380 – 2010] tiền bối Nguyễn Trãi)

(1) Quân Trung Từ Mệnh Tập: Là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi (Lê Thái Tổ) gửi cho các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ năm 1423 đến năm1427. Bản khắc in năm 1868 chỉ ghi lại được 46 văn kiện. Năm 1970, nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp phát hiện thêm 23 văn kiện nữa do Nguyễn Trãi viết gửi cho tướng nhà Minh.(Nguồn: Vikipedia.)

(2) Lỗi Giang: Nơi Nguyễn Trãi yết kiến Lê Lợi, tham gia cuộc kháng chiến chống quân Minh.

(3) Tình thư một bức còn phong kín

      Gió đưa hơi, gượng mở xem…

      (Quốc Âm Thi Tập – Nguyễn Trãi.)

(4) Chắc chi thiên hạ đời nay /Mà đem non nước làm rầy chiêm bao…

     (Tự Thán – Nguyễn Trãi.)

 

MỆNH CỦA CHỮ

 

Tặng Tô Đăng Khoa

 

I.

 

Khi huyết cầm ửng nắng

Thì âm hoa ngất hương

Khi chữ réo dị thường

Thì âm thu ngất nhịp

Biết đâu vô lượng kiếp

Giọt đàn kia cháy câm

Những chấm nhỏ xa xăm

Những dấu chân bụi đỏ

Khi huyết cầm đứng ngọ

Thì âm hoa trầm mình

Khi chữ réo tận tình

Thì âm thu trầm uất

Biết đâu trong phơ phất

Những bậc đá lưng trời

Những huyệt mù hắt hơi

Vì âm hoa đang lạnh…

 

II.

 

Vì âm hoa đang tạnh

Chữ muốt trắng oan hồn

Hồn muốt đen kiền khôn

Mắt vực chẳng biết nữa

Vì âm hoa đang ứa

Chữ ôm ngực gọi người

Người ôm sông chết tươi

Sông âm thầm chết lặng

Vì âm hoa đang lắng

Chữ luồn kim tìm nhau

Ai ngồi khâu ngàn thâu

Rách bươm từ cổ độ

Vì âm hoa đang rộ

Chữ nứt tiếng ngô đồng

Lóng xương mây trổ bông

Trong tiếng gà viễn xứ…

 

III.

 

Âm thu rền cổ tự

Ma họp chợ thổi kèn

Lá dứa thơm ngọn đèn

Bông súng tím ngực hát

Âm thu vùi trong cát

Rừng lau cong lưng đêm

Tượng thanh ngất trắng rêm

Tượng hình ngất trắng vỡ

Âm thu đau rạng rỡ

Bình vôi trơ miếu đền

Viên sỏi vờ ngủ quên

Nghe hết niềm cô tịch

Âm thu đau rả rích

Chữ ly tan rồi sao

Hồn ly tan rồi sao

Huyết cầm buông hết nắng…

 

08.2012

 

 

 

 

 

T[I]ẾU NGẠO GIANG HỒ

 

1.

 

kim dung viết tiếu ngạo giang hồ

tung hoành máu ướt với xương khô

tự phong chánh tà tranh bá chủ

kinh hãi anh hùng hào kiệt rồ

 

2.

 

t[i]ếu ngạo giang hồ ngàn lẻ một

bài thơ mần chậm ngấm nhân gian

mời ma thiên cổ về thưa thốt

sanh tử hai bên chẳng đụng hàng

 

3.

 

t[i]ếu ngạo giang hồ không võ lâm

không mưu ma chước quỷ hà rầm

chỉ có tứ đùn lên bất tận

thơ nhìn rõ mặt thấy muôn năm

 

4.

 

t[i]ếu ngạo giang hồ chơi một bóng

một mình một cõi có hề chi

văn minh cơ khí hay gò đống

người ngợm bơ vơ biết nói gì

 

5.

 

t[i]ếu ngạo giang hồ cũng hụt hơi

tuổi già lơ láo ý quên lời

có khi nhòa lệ mà không biết

chữ khóc biên đình tưởng lá rơi

 

6.

 

t[i]ếu ngạo giang hồ thơ đến muộn

về khuya kìa luống cải giồng khoai

con sên nhắn sáo tìm đom đóm

thơ nhắn gì không vạn cõi ngoài

 

 

7.

 

t[i]ếu ngạo giang hồ khoái thức trông

thơ ngồi khua nước lớn nước ròng

muốn chảy theo rủ con nước ngược

nguồn xưa lâu lắm lạnh nhiều không

 

8.

 

t[i]ếu  ngạo giang hồ nhìn cho kỷ

thấy cho lâu giọt nắng lam điền

giọt mưa đưa đẩy trong tâm thất

tháng chạp săn lùng trăng tháng giêng

 

9.

 

mần thơ cứ t[i]ếu ngạo giang hồ

nếu kiếp nầy chưa đụng xương khô

thì hẹn kiếp sau xin mần tiếp

vũ trụ cười vang vui thấy mồ!!!

 

05.2016

Ghi chú:

Kim Dung (tên thật: Tra Lương Dung) sinh ngày 10 tháng 3 năm 1924, là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại, chuyên viết tiểu thuyết võ hiệp. Tác phẩm của ông hầu hết đã được dịch ra các ngôn ngữ Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia...  được chuyển thành phim với số lượng độc giả, khán giả đọc sách và xem phim đông kỷ lục.

Tiếu Ngạo Giang Hồ: Tên cuốn tiểu thuyết võ hiệp được đặt theo một bản nhạc cầm tiêu hợp tấu đóng vai trò trung tâm của tác phẩm. Tác phẩm nầy được xem là một trong những tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc nhất của tác giả. (nguồn tham khảo: vikipedia.com)

 

ĐỌC THƠ TRẦN NHÂN TÔNG

 

1.

 

người lính già kể chuyện nguyên phong

rù rì theo sắc nắng thương mong

đầu bạc bên chiêu lăng lặng lẽ

tình quê nợ nước vẫn chưa xong

 

2.

 

một hơi thở một đời thế thôi

gió cuốn đi thực mộng quên rồi (*)

chùa làng lưu lại câu tâm bút

thơ bay đi theo mây rong chơi

 

 

 

3.

 

núi bảo đài thơm ngát ánh trăng

đời đang trôi như thầm nhủ rằng

năm tháng xa gần nâng sáo ngọc

nửa bóng râm và nửa tuyết băng

 

4.

 

mây giăng ảo diệu trên yên tử

chuông chiều thở nhẹ quanh thiền tự

cánh hồng rụng nhớ cánh bướm bay

nệm cỏ sư ngồi tứ niệm xứ

 

5.

 

thị phi hoa rơi rụng buổi sáng

lợi danh lạnh theo mưa ban đêm (**)

bật một que diêm trong im vắng

rít điếu thuốc tàn chẳng nghĩ thêm

 

6.

 

xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

sơn hà thiên cổ điện kim âu (***)

đời nay ngu ác đày dân khổ

trào đình hèn mạt sợ thằng tàu

 

7.

 

thơ là kệ hay kệ là thơ

hỏi làm chi xác chữ cứng đơ

thần hồn tạnh ráo sáng con mắt

pháp không sanh không diệt sang bờ

 

8.

 

tịch mịch rền câu có câu không

thuở anh niên đội nắng băng đồng

trời chẳng nói và đất chẳng nói

nắng đầu xuân gọi nắng đầu đông

 

9.

 

tịch mịch vui trăng non vừa nhú

tịch mịch sầu vớt lên tuyệt cú

sông thu vừa hớp ngụm sương mai

trời thu vừa nở thêm một nụ

 

06.2016

 

Ghi chú những chữ in nghiêng trong bài thơ:

- Nguyên Phong: Niên hiệu của vua Trần Thái Tông năm 1251. - Chiêu Lăng: Lăng mộ của vua Trần Thái Tông.

- Bảo Đài: Tên một ngọn núi ở Yên Tử, huyện Đông Triều, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. - Yên Tử: Vùng núi hiểm trở, hùng vĩ ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. - Pháp không sanh không diệt: Diễn ý từ 2 câu "Nhất thiết pháp bất sinh / Nhất thiết pháp bất diệt" (Hết thảy các pháp không sinh / Hết thảy các pháp không diệt) trong bài kệ "Thị Tịch" của Trần Nhân Tông.- Câu Có Câu Không: Tựa đề bài thơ (đúng hơn là bài kệ) "Hữu Cú Vô Cú" của Trần Nhân Tông. Hình thức, cú pháp, ngôn ngữ của bài thơ rất dung dị (4 chữ, 36 câu) nhưng nội dung rất hàm súc, uyên áo, thâm diệu, nói về Tánh Không (Sunyàta) của Phật pháp.

(*) Lấy ý từ hai câu thơ "Thân như hô hấp tỵ trung khí / Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân" (Thân như hơi thở, thở ra hít vào [bằng] mũi / Cuộc đời tợ gió đi [vờn, luồn, bay lướt] trên đỉnh mây ngoài xa) trong bài thơ "Thân Như" của Trần Nhân Tông.

(**) Lấy ý từ hai câu thơ "Thị phi niệm trục triêu hoa lạc, Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn" (Nghĩ chuyện thị phi rơi rụng cùng với hoa buổi sáng / Lòng ham danh lợi lạnh theo trận mưa đêm" trong bài thơ "Sơn Phòng Mạn Hứng" của Trần Nhân Tông.

(***) Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (18.04.1288), sau chiến thắng Bạch Đằng, triều đình nhà Trần đem các tướng quân Nguyên bị bắt làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Tại đây, vua Trần Nhân Tông trông thấy chân mấy con ngựa đá đều lấm bùn (vì trước đó quân Nguyên đã phá Chiêu Lăng và định đập bỏ ngựa đi mà chưa kịp), tức cảnh và xúc động, nhà vua viết hai câu thơ này. (Nguồn: wikisource.org).

Dịch nghĩa hai câu thơ trên: "Trên nền xã tắc, hai lần ngựa đá phải lao khổ mệt nhọc / Nhưng núi sông ngàn đời được vững chắc toàn vẹn như cái thố vàng."