Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Bi kịch của chữ (kỳ 4)

NHỮNG ĐÁM MÂY TRONG ĐẦU VÀ NGỌN LỬA NGHI NGẠI

(Tiểu thuyết tự truyện của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đăng 30 kỳ trên báo Đời sống Pháp luật)

Kỳ báo trước, tác giả nói về những dự cảm lo âu của nhà báo Việt khi anh bị cơ quan điều tra thẩm vấn trong vòng một năm. Kỳ báo này, tác giả kể về những diễn biến trong ngày nhà báo Việt bị bắt giữ. (Bản quyền tiểu thuyết tự truyện Bi kịch của chữ thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này (nếu có) trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác… đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này).

... Trong cái ngày bị nhận lệnh khởi tố ấy, nhà báo Việt đi xe máy tới trụ sở cơ quan điều tra (CQĐT) ở một dãy phố thuộc một quận phía Tây thành phố. Người gác cổng hỏi anh “Chú là chú Việt?”. Anh gật đầu.

Người ấy dẫn anh vào buồng đợi. Lát sau, một điều tra viên đã làm việc với Việt trong suốt hơn một năm qua từ trên gác xuống. Anh ta hỏi Việt dăm ba câu xã giao rồi nói: “Anh có điều gì đề đạt với cơ quan điều tra không?”, một câu hỏi không bình thường. Việt đáp: “Lát nữa, anh Q. Phó tổng biên tập báo của tôi sẽ tới đây, đưa cho các anh một báo cáo về việc, trong suốt thời gian có gần ngàn bài báo viết về quá trình điều tra vụ án này, chỉ có duy nhất 2 tờ báo (không phải tờ báo tôi công tác) bị cơ quan chức năng chính thức có văn bản phê bình và phạt về việc đưa tin đưa chưa chính xác về đời tư của một số nhân vật trong vụ án này. Và, cơ quan này chưa bao giờ phê bình hoặc nhắc nhở tờ báo của tôi trong loạt bài điều tra viết về vụ án đó.

Vậy tại sao các ông cứ cứ truy xét mãi tôi về việc đưa tin về vụ án tham nhũng này?”.

Người điều tra viên không nói gì. Dăm phút sau, xe của báo đưa Phó Tổng biên tập Q. tới. Anh xăm xăm đi vào, đề nghị gặp lãnh đạo CQĐT để đưa văn bản của báo, nhưng được họ thông báo là ông ấy đi vắng. Q. gọi điện thoại di động, ông ta cũng tắt máy. Điều tra viên đề nghị Q. mang báo cáo tới bộ phận thường trực của CQĐT ở phố N.

Việt ngồi viết một bản khiếu nại gửi lãnh đạo CQĐT về việc họ điều tra xét hỏi các nhà báo viết bài chống tham nhũng là không công bằng. Tới gần trưa, họ bảo Việt về, 13 giờ 30 chiều lên làm việc tiếp. Khi phóng xe máy lên tới đường đê, Việt thoáng thấy có một người cũng đi xe máy theo dõi anh từ xa. Cả năm nay, Việt biết mình thường xuyên bị cơ quan công an bí mật giám sát ở nhiều nơi, nhiều chỗ nên anh cũng cho rằng việc này là chuyện bình thường. Việt đi xe về phố P., nơi ở của bố mẹ anh.

Dừng xe ở quán bia đầu phố, Việt tạt vào, uống dăm cốc bia hơi cho đỡ khát. Việt cũng không ngờ, những khoảnh khắc tự do cuối cùng của mình đang trôi qua nhanh chóng. Hai cốc bia hơi và một đĩa lạc luộc, bữa trưa đơn giản của một thị dân nghèo khó như anh chẳng làm ai để ý ngoài một trinh sát viên được giao nhiệm vụ theo dõi đang ngồi ở chiếc bàn phía ngoài. Bất chợt, Việt nhớ tới bài thơ của một nhà thơ đã viết, cũng trong lúc ngồi uống bia, bên cạnh một chiếc bàn uống ướt và bẩn trên vỉa hè một con phố nồng nặc mùi mồ hôi, mùi khói xăng trong một buổi chiều giông u ám. Bài thơ ấy, bạn anh viết cách đây 12 năm, đúng vào ngày nhà báo Việt Nam 21/6/1996 với tựa đề Nhật ký một nhà báo có nội dung sau:

Anh dành cho mình vài phút xa xỉ

Sau một ngày làm việc

Được ngồi một mình với cốc bia

Giữa những người xa lạ

Thành phố đang mưa

Đám mây trong đầu anh

Và ngọn lửa nghi ngại

Chiếc bàn uống nơi anh ngồi

ướt và bẩn

Vài phút xa xỉ anh dành cho mình

Sau cơn giông

Anh không biết gì về những người xung quanh

Họ đang uống cũng như anh ngẫm ngợi

Trời mỗi ngày một tối

Và mưa mau hơn

Những đứa trẻ bán báo rong trong thành phố này

Cũng giống những đứa trẻ lang thang phía bên kia lục địa

Và anh- người làm báo

Anh viết gì về trẻ thơ

Chiến tranh và cái đói

Tuổi thơ rét mướt

Anh đã từng đi qua

Giờ này

Bên cạnh chiếc máy chữ của anh

Đất đai đang cày xới

Những hạt giống được ngâm ủ trong bùn

Để sinh ra thứ ánh sáng tốt tươi

Và anh

Kẻ nông phu cần mẫn

Thức dậy mỗi sớm mai trên cánh đồng ngôn ngữ

Bởi niềm tin lành lặn

Ở con người

Việt lẩm nhẩm đọc lại bài thơ trên. Mới năm ngoái thôi, nhân ngày nhà báo Việt Nam, một Đài truyền hình còn đến phỏng vấn anh về chuyện các nhà thơ làm báo, Việt đã đọc bài thơ này của bạn anh để chia sẻ với đồng nghiệp những cảm xúc của một người cầm bút nghĩ về nghề nghiệp của mình- một thứ nghề đầy bất trắc,lo âu đến nỗi khi ngồi một mình với cốc bia sau một ngày làm việc vẫn cảm thấy bất an vì nhiều chuyện. Còn bây giờ, trong lúc nghỉ trưa để nhấm nháp cốc bia hơi trên hè phố tồi tàn, Việt vẫn bị họ bám theo giám sát. Việt cũng không ngờ, bài thơ bạn anh viết trong ngày nhà báo Việt Nam lại dự báo trước một chuyện không lành đối với một nhà báo như anh.

Việt uể oải đứng dậy trả tiền bia, rồi chậm rãi lên xe máy, phóng vào ngõ P., nơi bố anh vẫn thường ngồi đợi con sau chiếc bàn đá. Thường lệ, trưa nào Việt cũng ghé qua nhà thăm bố mẹ một chút. Việt nói với bố “Con ăn cơm rồi” và lấy chiếc điện thoại di động anh gửi ông. Việt gọi điện thoại cho Phó tổng biên tập Q., nói vừa được họ cho về nghỉ trưa. Q. bảo anh đi xe về toà soạn, sang toà nhà cao tầng bên cạnh, ăn cơm trưa cùng tòa soạn để tiện thể trao đổi một số chuyện. Việt phóng xe về toà soạn, trinh sát viên vẫn bám theo. Anh sang toà nhà cao tầng, bấm thang máy lên tầng 6. Trong tiệm ăn, mấy anh em đồng nghiệp đang dùng cơm trưa. Không hiểu sao trong bữa cơm ấy, mấy lần Q. cứ cố tình gắp nhiều thức ăn cho Việt. Cũng chẳng ai ngờ chiều ấy Việt bị bắt. Q. còn hỏi “Sao hôm nay cậu V. (phóng viên một tờ báo cũng bị triệu tập như Việt) suy sụp thế nhỉ, trông khổ sở quá, cứ như là sắp bị bắt đến nơi rồi?”. Việt bảo: “Từ ngày hôm qua, V. đã gọi điện thoại bảo tôi, vừa có nguồn tin cho biết, cấp trên phê chuẩn lệnh khởi tố chúng tôi rồi, chắc vì thế nên hôm nay cậu ta mới ủ dột đến thế!”. Mọi người ăn cơm xong đi bộ về toà soạn uống nước chè. Anh em trong toà soạn quây quần chuyện trò suốt buổi trưa hôm đó.

Khoảng 13 giờ 30 chiều, Việt chào anh em trong toà soạn để lên làm việc với CQĐT. Mọi người đều vui vẻ nhưng một số người ngạc nhiên về cử chỉ khác thường của anh khi chia tay. Điều khác thường này, Việt không nhận ra nhưng anh em thì thấy có điều gì đó không lành. Linh cảm này ngay buổi chiều hôm đó đã trở thành sự thật. Cũng không ai có thể ngờ được, ngay bản thân Q. mấy ngày trước đó còn nói với Việt và một số người trong toà soạn: “Anh C. , Tổng biên tập báo vừa gọi điện thoại ra bảo động viên anh Việt, không có chuyện gì đâu. Vì một lãnh đạo Bộ có nói với anh C: không có chuyện bắt bớ gì mấy ông nhà báo, anh em điều tra họ làm vụ này chỉ để xem ai là người trong ngành đã cung cấp thông tin vụ án này cho báo chí, bảo thằng Việt cứ yên tâm…”. “Yên tâm nỗi gì khi những ngày gần đây, mỗi bước chân của Việt đều bị họ bí mật theo dấu. Việt đi đâu họ đi theo tới đó. “Vừa rồi, lúc tôi ngồi ăn cơm với các bạn cũng có một anh ngồi ở một góc kín đáo theo dõi đấy!”- nghe Việt nói thế, Q. cười bảo: “Bây giờ, ông cứ thử lững thững đi bộ ra ngoài kia xem có ai theo không thì sẽ biết ngay thôi chứ có khó gì đâu!”.

Như có linh cảm mách bảo, Việt rẽ qua nhà, tạm biệt bố mẹ. Mẹ anh đang giấc ngủ trưa, mẹ già quá rồi, hơi thở thốt lên mệt mỏi từ giấc ngủ không mấy thanh thản của mẹ khiến Việt cứ day dứt: nếu chuyện ấy xảy ra, mẹ anh có gượng dậy nổi không?. Thấy Việt đi làm việc mà không mang theo túi đựng tài liệu như mọi ngày, không mang theo bút, sổ sách, máy ảnh, máy ghi âm, bố anh thấy hơi lạ và nhắc nhở con. Việt nói “Chiều nay con phải tiếp tục lên làm việc với CQĐT, không hiểu có chuyện gì không, con mệt mỏi quá rồi, bố ạ!”. Bố Việt thắc mắc: “Sao cậu Tổng biên tập báo lại bảo với con và tòa soạn là không có việc gì? Chắc chẳng có chuyện gì đâu, cứ yên tâm con ạ!”. Việt không dám nói với bố về thông tin cho biết cấp trên phê chuẩn lệnh khởi tố mấy nhà báo và cán bộ điều tra liên quan đến vụ này . Việt dắt xe máy ra khỏi nhà mà lòng nặng trĩu. Phía sau lưng, bố anh cũng kéo chiếc cửa sắt nặng nề, khép lại một buổi trưa nặng trĩu lo âu, nhưng người vẫn hy vọng sẽ không xảy ra chuyện dữ đối với con trai mình…

(Còn tiếp)

Nguồn: FB Nguyễn Việt Chiến