Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Cũng cần có nhau (Chương 5)

Hoàng Xuân Sơn

N h â n Q u ầ n C ò n A i N ữ a Q u a n h Đ â y . . .

Một ngày bỗng thấy, yêu thương mọi ngưòi

Một ngày bỗng nhớ đôi môi rồ dại . . .

TCS

Sau những kỳ công tác lớn, chúng tôi lại trở về CPS tiếp tục truyền thống vầy đoàn trong cái nghĩa Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau mà Hoàng Ngọc Tuấn đã viết hẳn một thiên truyện sinh động, không lâu sau đó. CPS lúc này rộn rịp, đông đúc hơn bao giờ hết. Nhiều khuôn mặt mới nhập cư: Hoàng Xuân Giang, Nguyễn Văn Thục, Nguyễn Văn Thảo từ Huế vào. Trần Hiếu Lai, Hoàng Ngọc Tuấn tạm thời giã từ gác trọ đường Võ Tánh nhập bọn. Thêm Nguyễn Văn Tấn (tự Tấn Mốc, tức ký giả Cao Sơn về sau), Hồ Tự, Quang, Sơn con v.v.

Ở khu nhà trên, ngoài Phan Văn Phùng thường trực, hiện diện thêm Phạm Phú Minh, Nguyễn Hữu Đống. Anh này cũng làm đủ nghề từ sinh viên tranh đấu đến ký giả, đến cố vấn chính trị v.v. Đống sở hữu chủ một chiếc DS19 thấp lè tè, mỗi lần “đề ma rê” là mỗi lần xe rùng mình vái ông địa. Và rồi Trịnh Công Sơn lù lù xuất hiện. Tôi không biết anh quen với đám CPS như thế nào. Nhưng cần gì biết. Ở đời vẫn có những cơ duyên đưa đẩy con người xáp lại gần nhau. Hoặc kéo người đi cách biệt nghìn trùng. Đó là một vòng rào định mệnh có đủ thăng trầm vui buồn tốt xấu. Có những con người, ở một thời nào đó được trầm mình trong cùng một khúc sông. Và nhân quần, mênh mang tụ hội, rồi thất tán như những con sông lạc dòng. Tôi cũng không biết anh TCS rời Huế năm nào. Nhưng có nghe nói anh có thời vào Quy Nhơn trọ học và tốt nghiệp trường sư phạm ở đây. Sau đó, anh được bổ nhiệm lên dạy học ở vùng cao nguyên, Bảo Lộc – Lâm Đồng. Về sinh hoạt của TCS khoảng thời gian này xin đọc thêm hồi ký của Nguyễn Thanh Ty (đã xuất bản ), một bạn đồng nhiệm với TCS ở miền cao. Thời TCS ở Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết … Thời của những Dã Tràng Ca, một trường ca rất ít được phổ biến; Biển Nhớ -Ngày mai anh đi biển có bâng khuâng gọi về, trời cao níu bước Sơn/Khê. . . Một huyền thoại hay một cuộc tình giữa núi non và dòng suối xanh hoàng phái? Theo Nguyễn Thanh Ty, TCS viết Ca Khúc Da Vàng từ những ngày sống ở Blao với một đặc nhiệm (?!) nào đó. Không biết đâu là sự thật. Nhưng chỉ biết Ca Khúc Da Vàng được phổ biến từ khi TCS xuống sinh hoạt ở đồng bằng, khởi hát từ CPS, Quán Văn và lan dần vào các đại học sau đó.

Gặp lại anh, mừng vui vô cùng. Nhắc lại chuyện xưa – tình bằng hữu và thân thuộc giữa hai gia đình. TCS luôn luôn có Trịnh Xuân Tịnh, em trai anh, một tay bảo vệ và phụ tá đắc lực đi kè. Tịnh rất tháo vát, lanh lợi, là tay hòm chìa khóa của gia đình Trịnh. Cả nhà hầu như chỉ có TCS và Trịnh Vĩnh Trinh là văn nghệ sáng tác, ca hát. Những người còn lại (trừ Trịnh Quang Hà) rất giỏi dang về mặt thương mãi, đều có cơ sở làm ăn lớn về sau này. Tôi không hiểu sao Tịnh hiếm khi ca hát nhưng lại biết và thường ngân nga một ca khúc lạ của TCS phổ từ một bài thơ có những câu rất đẹp như :

Mai tôi đi, cỏ xanh ôm gót

Súng trên vai, chắc lâu không về

Và từng chiều cây níu cây trèo dốc

Những đêm dài, suối hát đuổi sao đi

. . .

Mãi gần đây mới hay bài thơ không phải của ai xa lạ, mà chính là một trong những sáng tác thời trai trẻ của thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp, chủ nhân ông báo Phố Văn đây. Tôi không rõ tên ca khúc này cũng như tựa đề bài thơ được phổ ( mong anh Thiệp bổ túc cho ). Theo tôi, đây là ca khúc duy nhất của TCS viết theo thể điệu Rhumba. Nhiều người nghĩ là bài Tưởng Rằng Đã Quên cũng viết theo Rhumba, nhưng thật ra ca khúc này nguyên thủy được viết theo Boston; chính ca sĩ đã đổi thể điệu khi hát như nhiều trường hợp khác đã xãy ra.

Anh TCS và Tịnh ngụ ở nhà trên với các anh Phùng, Minh. Về sau, Sơn/Tịnh cũng từ từ chui xuống đám nhà lá bình dân, đông vui hơn. Rồi Hoàng Thi Thao, Nguyễn Thế Phồn (em của quan tá Nguyễn Thừa Du) nhập bọn. TCS không hề tập cho chúng tôi hát. Những lúc rảnh rỗi, anh say sưa hát Ca Khúc Da Vàng từ bài này sang bài khác. Giọng anh Sơn ấm, hơi khàn đục bởi thuốc lá, nhưng vẫn cất cao được mạnh mẻ đủ để chuyển tải nội dung và tinh thần của ca khúc. Chúng tôi lắng nghe, hát theo và rồi thuộc nằm lòng hồi nào không biết.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ đê lại cho con

Gia tài của mẹ – Một nước Việt buồn

. . .

Đúng là một nước Việt buồn tang thương, chia lìa bởi chiến tranh. Và thảm trạng gây nên bởi những người con cùng màu da. Trước TCS không ai viết nhạc xoáy thẳng vào vấn đề như vậy. Nếu hiểu nghĩa phản chiến là chống đối chiến tranh, chống lại bạo lực từ mọi phía để kêu gào ước mơ an bình và hạnh phúc cho con người thì Ca Khúc Da Vàng TCS đích thị là những ca khúc phản chiến. Từng lời ca, từng ý, từng chữ đã viết nên sự thật, lột tả được cái thảm trạng của chiến tranh khắp mọi miền đất nước, trong đó, con người dù ở bất cứ phía nào cũng là nạn nhân của sự bắn giết tàn khốc , cùng cất lên tiếng kêu thương bi phẫn, trầm thống của một khát khao ước vọng thanh bình. Ca Khúc Da Vàng TCS xuất hiện ở thời điểm hỗn mang, nghi hoặc nên bất cứ ai, bất cứ phía nào cũng có thể lên án anh về sự bất lợi của một ý đồ đen tối nào đó. Hoặc vơ vào cho chủ nghĩa tuyên truyền!

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe

Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy

Đại bác qua đây con thơ hờn tủi

Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi

. . .

Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng

Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng

Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn

Ngôn ngữ âm nhạc TCS diễn tả cuộc chiến tàn khốc Ở Khắp Mọi Nơi mà không dung chế cho bất cứ một thế lực nào. Đó là sự thật, bỏ đi, vượt ra ngoài tất cả những gán ghép tuyên truyền. Dù ở bên này, bên kia.

Một ngày mùa đông – trên con đường mòn – một chiếc xe tang – trái mìn nổ chậm – người chết hai lần - thịt da nát tan . . .

Người con gái Việt Nam da vàng – yêu quê hương như yêu đồng lúa chín

Người con gái Việt Nam da vàng – yêu quê hương như đã yêu mình

. . . .

Người con gái một hôm qua làng – đi trong đêm đêm vang ầm tiếng súng

Người con gái chợt ôm tim mình – trên da thơm vết máu loang dần

. . . .

Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm - tôi sẽ đi thăm - cầu gẫy vì mìn

đi thăm hầm chông và mã tấu . . .

Như thế đó, Ca Khúc Da Vàng ra đời như một bản cáo trạng của cuộc chiến tương tàn khốc liệt, trong đó có anh, có tôi; có mẹ, có em tan tác đi giữa hai lằn đạn.

Phải nói là nhạc TCS thấm rất mau. Lời ca, nếu kể về mặt “học thuộc lòng” sẽ khó nhá hơn những ca khúc cổ điển, lãng mạng thời trước kiểu “đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ . . . ”. Vậy mà chúng tôi say sưa hát và thuộc nằm lòng nhạc Trịnh. Có lẽ ca từ TCS mới mẻ, trẻ trung, dù có cao siêu hơn, triết lý hơn vẫn khiến chúng tôi mau chóng thẩm thấu. Âu là tuổi trẻ vẫn ham chuộng những gì mới mẻ, thời thượng. Tôi được tiếng là kẻ thuộc lòng rất nhiều bài hát của TCS. Về sau, chính tác giả đôi khi hát một bài nào đó tới đoạn bị quên phải nhờ tôi nhắc hộ. Song song với Ca Khúc Da Vàng lần đầu tiên được phổ biến trước công chúng là những ca khúc trong nhạc tập Ca Khúc Trịnh Công Sơn - Thần Thoại Tình Yêu Quê Huơng và Thân Phận – An Tiêm xuất bản, bìa Đinh Cường, bạt Tô Thùy Yên [1]. Theo ý riêng của tôi, chất Trịnh Công Sơn hiển lộng nhất ở các ca khúc này. Chẳng là suốt cuộc đời của TCS, anh vẫn thao thức đi tìm thân phận của mình trên một quê hương điêu tàn đổ nát? Trong anh tràn trề, đầy ắp, sung mãn, tuồng như được nhiều mặc khải khi viết hàng loạt bài ca thân phận. TCS đã gặt hái tất cả ngôn từ bí ẩn, huyền nhiệm, thiêng liêng cao cả của đất trời để gìn giữ một ngôn từ rất riêng mình trước và sau không ai giống và cũng không giống ai.

Người nằm co như loài thú khi mùa đông về

Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình

Từng tiếng người, từng tiếng người gọi hoài giữa đêm

. . .

Người nằm yên như tượng đá trong rừng cây già

Người nằm yên như trăm năm vết thương chưa mờ

Từng đêm về, từng đêm về mang đời ngẩn ngơ . . .

Hình ảnh một thân phận cùng cực cô đơn phải không các bạn?

Hãy nghe :

Đá lăn. Vết lăn trầm. Hằn trên phiến đá nâu thâm ưu phiền. Như có lần

Chim muông hằn dấu chân. Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về Quê

Nhà, rộng đôi cánh tay chờ mong. Người chợt nhớ mình như đá. Đá lăn.

Vết lăn buồn . . .

Đời người mốt mai rồi cũng chỉ sẽ còn lại những dấu vết mờ nhạt giữa đất trời bao la. Còn có ai nhìn được vết đá lăn buồn theo dấu chim bay?

Người tìm đến vết tích xưa, sa mù , nghìn trùng. Dòng sông đêm thắp nến. Mặt trời quên dấu chim. Tay hư vô đốt nến. Chiều qua truông mây sâu.

Và tình yêu cũng qua mau . . . Phiên sầu là tháng ngày . . .

Lời ca là cả một sự kết hợp kỳ ảo giữa đêm và ngày, nắng và gió, tình yêu và thân phận nơi bề sâu hun hút của ý tưởng siêu nhiên, hiện thực, tâm linh và trí tuệ. Mỗi một câu, một chữ như những cơn lốc cuốn hút, xoáy sâu vào từng ngỏ ngách của phận người nhỏ nhoi, lạc lõng kiếp đời mong manh trên một quê hương kêu lên tiếng kêu trầm thống.

Đàn bò vào thành phố. Đêm buồn vắng buồn hơn.

Đàn bò vào thành phố. Không còn ai hỏi thăm.

Đàn bò tìm dòng sông. Nhưng dòng nước cạn khô.

Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn. Rồi một

hôm đứng mơ mây ngàn . . .

. . . Đàn bò vào thành phố gieo buồn tiếng hạt chuông . . .

Tiếng hạt chuông? Chưa từng có ai viết về tiếng lục lạc leng keng quanh cổ bò như thế. Độc đáo và tân kỳ quá phải không?

Phải nghe một lần chính tác giả ôm đàn, hát. Giọng ca khàn khào, có khi rống cao bi thiết chảy theo nhạc điệu trầm buồn, rã rời từ chiếc đàn lục huyền, dẫn dắt chúng ta vào những du khúc vời vời của định mệnh. Những ballads của niềm cô đơn lẻ loi, an phận. Và của đau thương, hạnh phúc trong hành trình cuộc lữ trần gian. Thần Thoại Quê Hương Tình Yêu và Thân Phận là những ca khúc khác thường, vượt quá đời thường của TCS. Đấy là phần hồn của anh, mãi mãi chỉ là lời vang vọng trong tâm trí chúng ta, mà sẽ không bao giờ hóa thân vào những ca khúc phổ thông, thịnh hành và được ưa chuộng của TCS, về sau.

Trong những nhạc sĩ sáng tác, phải nói TCS là người có chất giọng kể lể, phù hợp để hát những ca khúc của mình. Mặc dù Khánh Ly là ca sĩ nổi tiếng hát nhạc TCS hay và nhiều nhất, là người đi bên cạnh TCS lâu dài nhất; nhưng chính Lệ Thu là một trong những ca sĩ tiên phong trình bày nhạc Trịnh trước công chúng. Tôi được may mắn nghe Lệ Thu hát Xin Cho Tôi và Xin Mặt Trời Ngủ Yên thật tuyệt vời trong một buổi Thơ Nhạc Thính Phòng được CPS tổ chức tại trụ sở nhà vào giữa mùa hè năm 1966 với chủ đề Ngày Đó Chúng Mình. Buổi trình diễn này quy tụ nhiều khuôn mặt văn nghệ “lớn” như Thái Thanh, Mai Hương, Kim Tước, Lệ Thu, Duy Trác, Phạm Đình Chuơng. . . Rồi nhóm Tiếng Nói gồm Trần Dạ Từ (Nhã Ca), Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Tú Kếu Trần Đức Uyển, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thụy Long v.v. Theo Nguyễn Thụy Long trong hồi ký Thuở Mơ Làm Văn Sĩ (Tuổi Xanh xuất bản năm 2000 – California, USA) thì hầu như toàn bộ nhóm Tiếng Nói đều có liên hệ mật thiết thời kỳ mới tập tễnh làm văn nghệ với hai thành viên CPS là Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn. Chương trình thật hấp dẫn với số khán thỉnh giả chọn lọc, hạn chế, im lặng thưởng thức. Âm thanh hoàn hảo bởi sự hỗ trợ của phòng thông tin Hoa Kỳ (Juspao?). Trần Dạ Từ đọc những bài thơ mới lạ về ý tưởng như con ngựa có bờm con ngựa đẹp bà già nhai trầu cứ việc nhai . . . Phạm Đình Chương hứng chí hát Bài Ngợi Ca Tình Yêu do chính ông phổ thơ Thanh Tâm Tuyền những biệt ly những đường cầy núi nhọn . . . tôi chờ đợi cười lên sặc sỡ la qua mái ngói thành phố đồng ruộng bấu lấy tim tôi thành nhịp thở . . . Và rồi Thái Thanh với Đêm Màu Hồng, Kim Tước, Mai Hương với Mưa Sàigòn Mưa HàNội . . . Hôm đó tất cả ca sĩ đều hát hay, có hồn. Riêng Lệ Thu khá nổi bật. Với chất giọng sang, chuẩn, nhưng vẫn rất truyền cảm; tôi chưa nghe ai hát hay hơn Lệ Thu các ca khúc Xin Mặt Trời Ngủ Yên, Xin Cho Tôi, kể cả Hạ Trắng, về sau.

Xin cho mây che đủ phận người. Xin cho tôi một sáng trời vui.

Xin cho tôi đến tận nụ cười. Cho tôi quên một nấm mộ tươi.

Xin cho tôi xin vạn lần rồi. Một góc này chỉ biết rong chơi.

Xin cho yên phận này thôi . . .

Cho tôi đi xây lại chuyện tình. Cho tôi đi nâng dậy hòa bình. Cho

tôi đi qua tận gập ghềnh. Nhìn dòng máu trong tim anh. Cho tôi xin tay

mẹ nồng nàn. Cho tôi nghe tim trẻ rộn ràng. Cho tôi xin giấc ngủ thật hiền. Rồi từ đó tôi yêu em . . .

Lời kêu xin đi từ năn nỉ, van vỉ tới than van, khóc gào chỉ có TCS mới viết được và Lệ Thu diễn tả nổi. Chất giọng Lệ Thu, có lẽ thích hợp với những bài blues cung thứ, kêu gào thảm thiết theo tiếng kèn đồng phụ họa.

Thời gian này, nhà An Tiêm cũng cho phát hành tuyển tập Những Tình Khúc Trịnh Công Sơn (NTK/TCS) gồm những ca khúc quen thuộc nổi tiếng : Diễm Xưa, Mưa Hồng, Hạ Trắng, Tuổi Đá Buồn, Ru Mãi Ngàn Năm v.v . Tôi nhờ có chút năng khiếu vẽ vời, kẽ chữ, đã được Trịnh Xuân Tịnh nhờ trình bày bìa tuyển tập ca khúc này. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt chính anh Sơn tự kẽ nhạc và chép tay lời ca NTK/TCS. Chữ viết của TCS rất đẹp. Bay bướm mà không phá phách. Nhiều bạn trẻ rất ngưỡng mộ, hãnh diện bắt chước lối viết TCS mà ta có thể thấy nhan nhãn sau này.

Tình khúc TCS ít nhiều có dính líu tới những người nữ mà anh trân trọng, yêu mến. Những người nữ hơn một lần ghé lại đời anh rồi lặng lẽ quay đi Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa . . . Niềm đau chưa hề xóa vội theo những cơn mưa. Còn lại đây dấu vết Diễm Xưa cho Bích Diễm. Hạ Trắng áo xưa dù nhàu cho tình nồng Giao Ánh. Thương Một Người cho Thanh Thúy. Trong Nỗi Đau Tình Cờ Tôi đã yêu em bao ngày nắng , tôi đã yêu em bao ngày mưa, yêu em bên đời lặng lẽ cho Quỳnh Hương . . . Và rất nhiều bài về Mẹ : người nữ quan trọng và yêu quý nhất đời anh Đường xa vạn dặm mẹ bỏ tôi đi mẹ bỏ con đi . . . Có những lời ca viết nên từ sự thật, được TCS diễn tả hết sức tài tình. Với tình yêu chung thủy nhìn từ một đôi tình nhân lớn tuổi luôn quấn quýt bên nhau như đôi chim cưu, anh đã viết : Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu. Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau . . . Và còn nhiều nữa : đường huyết phượng rơi bay như cơn mưa hồng, nắng vàng lướt thướt trên vòm cây chạy dài như hai hàng nến thắp v.v.

Cùng khoảng thời gian này, tôi cũng dần dà mặn nồng với chuyện viết lách. Bên lề công tác CPS, Thiên Bang bọn tôi ra báo nội bộ, có chỗ cho anh em đăng bài vỡ tập tễnh vào nghề văn. Tờ Gió Lộng ( ôi cái tên nghe cải lương làm sao!) quy tụ nhiều cây viết trẻ, mới. Nào là Nguyễn Huỳnh đã có thơ đăng bên tờ Đối Thoại Văn Khoa. Nguyễn Luyện (được phong làm chủ bút), một cây bút có tiếng tăm trong giới học sinh và tuổi ngọc. Rồi Ngô Vương Toại (Thạch Miên) vừa làm thơ vừa viết báo, Hoàng Xuân Sơn (Hoàng Hà Tĩnh), Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Xuân Giang (làm thơ, soạn nhạc) . . . Sau tăng cường thêm Nguyễn Văn Thảo Hải Quân, Nguyễn Xuân Hùng (Huyền Thoại, Khê Kinh Kha). Cũng đông vui. Mỗi người một vẻ nhưng mười phân chắc chỉ nhấm nháp độ một, hai. Tuyền là tập sự và mơ ước thôi. Có một chuyện nhỏ đáng ghi nhớ: Truyện ngắn đầu tay của Hoàng Ngọc Tuấn - Buổi Sáng Có Người Ngồi Âu Sầu - gởi cho Gió Lộng bị chủ bút Nguyễn Luyện gạt ngang. Lý do: Nội dung hằn học, có phần bất kính với bậc sinh thành. Có lẽ Tuấn mang một tâm sự u uất nào đó trong cuộc đời, muốn dùng văn chương để thố lộ? Rồi có lẽ tự ái bị đụng chạm nặng, hay do những mối tình văn khoa lơ lửng không tới đâu, HNT đóng cửa tu luyện (chàng hít Bastos xanh mỗi chùm mỗi ngày tới rát phổi), không bao lâu trở thành một ngôi sao sáng trong vòm trời văn chương lãng mạn. Với Buổi Chiều Hạ Lan và rồi Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên đăng ở Bách Khoa (Có hơi hướm phim truyện Les dimanches de ville d’Avray), Tuấn nhà ta đã được các cây bút kỳ cựu, lão thành Võ Phiến, Lê Ngộ Châu, Thanh Lãng, Cô Liêu v.v. tán thành quá cỡ! Những thiên truyện thơ mộng, rất hồn nhiên của Hoàng Ngọc Tuấn tiếp tục ra đời giữa không khí sôi sục thời chiến, mang theo một bóng mát tình cờ giữa trưa hè nắng cháy cho những cặp tình nhân cuồng vội. Tuổi trẻ thích HNT đã đành. Người lớn cũng tìm đọc HNT để tạm thời quên đi cái ngột ngạt của những xáo trộn đời sống an bình theo chân chiến sự.

Nhà Xuất bản An Tiêm và vài nhà in sách khác như Quế Sơn, Thời Mới v.v. cũng lần lượt ấn hành các tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn. Hình Như Là Tình Yêu, tập truyện đầu tay có tiếng vọng rền, rồi đều đặn đi tiếp Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau (nơi kết thân những chàng trai lang bạt kỳ hồ – CPS và Quán Văn đấy!), Tôi Và Em, Thư Về Đường Sơn Cúc . . . Đó là một cú nhảy vọt ngoạn mục của HNT mà chưa có một “người viết mới”- “cây bút trẻ ” nào (nói theo báo Văn) thực hiện nổi. Chúng tôi hãnh diện xiết bao là bạn của HNT. Ngoài tài viết văn, HNT còn làm thơ dưới bút hiệu Hoàng Hạ Lan (một cô Lan nào đó, một buổi chiều mùa hạ nào đó). Thơ Hoàng Hạ Lan cũng có nhiều câu dễ thương, trữ tình :

Cho tay khô làm lược chải tóc mềm

Mắt ngác ngơ xin làm gương soi bóng

Và hừng đông hóa thân làm bọt bể trên môi người nữ để rồi :

Dù cho biết tình yêu là đá tảng nặng nề

Tôi vẫn làm người vô vọng lăn hoài lên đỉnh cao . . .

Cho tôi xin làm người cai ngục suốt đời canh gác trái tim em

Sự thành công của HNT làm nức lòng chúng tôi. Thỉnh thoảng về lại tổ ấm Võ Tánh, tôi và Nguyễn Xuân Hùng bày trò lập trường phái văn nghệ – Trường Phái Thiên Nhiên (nghe trần truồng và ghê gớm quá! Đúng là tuổi trẻ ngông cuồng). Rồi cũng chẳng tới đâu! Mạnh thằng nào thằng ấy viết. Tôi bắt đầu có thơ lai rai đăng báo. Dù không dày công tu luyện nhưng viết riết, xé bỏ riết rồi cũng bén hơi. Bài thơ đầu tiên được lên một mặt báo uy tín thời bây giờ là bài Ngày Bé Lớn Lên in ở tờ Văn của Trần Phong Giao/Nguyễn Đình Vượng dưới bút hiệu Hoàng Hà Tĩnh. Tờ Văn rất điệu với phe viết lách. Kể từ bài thơ nhì đăng báo sẽ có nhuận bút - rất hiếm cho những ai làm thơ ở bất cứ thời điểm nào - kèm theo 3,4 tờ báo gửi tận nhà. Đúng là một kỷ niệm vinh quang nhớ đời. Rốt cuộc rồi cũng lâm vào nghiệp. Như Kiều - đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa - Cái tên, ừ cái tên, dễ thương? dễ ghét?, với mình với đời cũng lừ lừ xuất diện đây đó: Văn, Chính Văn, Nghiên Cứu Văn Học, Diễn Đàn, Khởi Hành, Nhà Văn v.v.

Ngoài chuyện viết lách, tôi còn chơi ngông nhào ngang vào làm ông bầu cho ban nhạc trẻ Les Conquérants (tên do tôi tạm đặt, sau đổi lại thành The Lucky Stars (LS) cho hợp với trào lưu G.I lính Mẽo lúc bấy giờ). Ban nhạc này có Nguyễn Xuân Hùng tay trống, với Thành, Hạnh, Châu . . . chơi guitars các thứ và ca sĩ chính là Paul (lai Tây) hát nhạc Pháp rất hay (dĩ nhiên!). Ban LS chơi cho nhiều đám cưới và party tư nhân. Ông bầu bất đắc dĩ cũng chạy show dữ dội. Bọn tôi đi “bùm”- dạ vũ - mở tại nhiều tư gia chịu chơi khác nhau, rất đã điếu, ăn nhậu tràn đìa và có cơ hội học hỏi luyện tập nhiều bước nhảy bay bướm.

Nhắc chuyện cưới hỏi, có một kỷ niệm vô cùng hứng thú xin kể bạn nghe: Một hôm Toại và tôi đi dự tiệc cưới một người quen tại nhà hàng Đồng Khánh/Chợ Lớn (nhà hàng này luôn luôn có nhiều tiệc cưới tổ chức cùng một lúc ở nhiều tầng lầu khác nhau). Tụi tôi đến hơi muộn, nhớn nhác nhào vào bàn tiệc chỗ còn trống. Ăn được nửa chừng, thấy cô dâu chú rể đi chào bàn mới biết là bé cái nhầm giời ạ! Hóa ra mình “ăn trớt” vào một đám khác. Từ ấy … (trong tôi bừng mưu mẹo) nghiệm ra một chước cỡ … Khổng Minh chớ chẳng phải chơi: Tay nào bạo gan cứ việc đóng bộ mò vào tiệc tùng các nhà hàng lớn, thủ sẵn vài câu chúc tụng đình huỳnh, là có chầu ăn nhậu quanh năm?! Nghĩ đùa chơi chớ có bao giờ dám thực hiện, sợ làm mất mặt con nhà . . . nghèo!

Toại và tôi cứ nhởn nhơ tháng ngày. Bám trụ chặt chẽ CPS. Thỉnh thoảng tung cánh chim tìm về tổ ấm những khi đói lòng. Đứa con hoang làm bộ trở về để kiếm thêm chút “xìn”, moi thêm chút địa đặng tiếp tục tháng ngày rong chơi. Về chuyện học hành, hai đứa tà tà đi cours. Đến mùa thi cũng cật lực thức khuya dậy sớm tụng bài, dò hỏi, vấn đáp (đến đây xin mở dấu ngoặc để tưởng niệm và tỏ lòng biết ơn cố ký giả Đỗ Ngọc Yến (cựu sinh viên Văn Khoa) đã hết lòng giúp đỡ bọn tôi trong việc cố vấn chọn đề thi, soạn chương trình cùng học cùng đạt. Có anh bên cạnh, chúng tôi yên tâm làm việc. Mà rồi thánh nhân cũng đãi kẻ . . . có công dùi mài. Bọn tôi rồi cũng lặn lội qua cửa ải trường thi, rồi cũng ông cống, ông cử ra gì.

____________________________________________________________________________________

[1]

clip_image001

Thần Thoại Tình Yêu Quê Hương và Thân Phận