Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Ăn cắp vì đói

ĐẶNG Đình Cung
Kỹ sư tư vấn

Nghỉ hè là dịp để đọc các sách báo mà trong năm bận rộn không có thì giờ đọc. Chúng tôi xin trích dịch sau đây hai đoạn chúng tôi đã đọc và đã làm chúng tôi xúc động.

Đoạn thứ nhất trích từ tiểu thuyết "Les Misérables" của văn hào Victor Hugo. Đoạn thứ hai do ký giả Pascale Robert-Diard đăng trên báo Le Monde số ngày mồng một tháng tám 2016.

Les Misérables (Victor Hugo)

Đây là chuyện Jean Valjean bị đày khổ sai vì đã ăn cắp một ổ bánh mì trích từ tiểu thuyết nổi tiếng "Les Misérables" mà chúng tôi vừa đọc lại toàn bộ. Chúng tôi không hỗn láo giới thiệu ai là văn hào Victor Hugo mà chỉ dám nói rằng ông có cái tài hiếm hoi là vắt nước mắt của độc giả cho tới giọt cuối cùng. Tiểu-thuyết đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt. Đoạn đăng sau đây do chúng tôi dịch.

[...]

Tối chủ nhật nọ, ông Maubert Isabeau, làm nghề làm bánh ở quảng trường Nhà Thờ, làng Favrolles, đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe một tiếng đập mạnh vào cửa hàng có phên và kính của ông. Ông chạy đến và thấy một cánh tay thò qua một lỗ hổng do một nắm tạy đấm vào phên và cửa kính. Tay đó vớ và lấy ra một ổ bánh. Ông Isabeau vội vã chạy ra ngoài. Kẻ trộm chạy trốn nhanh. Ông Isabeau chạy theo và bắt hắn. Tên trộm đã vứt ổ bánh nhưng vẫn còn cánh tay máu me. Người đó là anh Jean Valjean.

Chuyện này xảy ra năm 1795. Anh Jean Valjean đã bị đưa ra tòa án của thời buổi đó với tội danh "trộm đêm tại một nhà có người ở". Ở nhà anh có một khẩu súng mà anh biết sử dụng tài hơn ai, thỉnh thoảng anh cũng đi săn lén và điều đó đã làm nặng tội anh. Săn lén, cũng như buôn lậu, là tội nặng gần như là ăn cướp. Nhưng cũng phải nói ngay rằng những loại phạm nhân đó khác xa với một sát nhân ở thành thị. Kẻ săn lén sống trong rừng. Kẻ buôn lậu sống trên núi hay ngoài khơi. Thành thị sinh sự tàn bạo vì làm cho con người hư hỏng. Núi rừng, biển cả sinh ra hoang dã. Chúng khai triển tính e ngại người nhưng không phá hủy nhân tính.

Anh Jean Valjean bị kết tội. Các điều khoản của bộ luật thật là rõ ràng. Trong thế-giới văn minh này có những lúc khủng khiếp như là lúc lời tuyên phạt nhấn chìm cả một đời sống. Hỡi ôi giây phút tang thương khi xã hội rời xa và cố tình bỏ rơi vĩnh viễn một chúng sinh! Anh Jean Valjean đã bị tuyên án năm năm khổ sai.

 

Ngày 22 tháng 4 năm 1796, người ta mừng chiến thắng Montenotte của đại tướng chỉ huy trưởng đoàn quân bên Ý, mà Hạ viện Ban Đốc chính gọi là Buona Parte. Cũng cùng ngày đó, người ta rèn một chuỗi xích dài ở Bicêtre. Anh Jean Valjean bị gông vào chuỗi xích đó. Một người canh gác, bây giờ đã cửu tuần, vẫn còn nhớ rõ người khổ sở đó bị gông vào cuối chuỗi xích số bốn chỗ góc phía Bắc sân. Anh ngồi dưới đất cùng với những tội nhân khác. Anh có vẻ như không hiểu gì về số phận anh ngoài việc là nó tang thương lắm. Có thể trong đầu óc ngu muội của anh, anh đang nghĩ tới những gì khủng khiếp quá đáng. Trong khi người ta dùng búa lớn đóng gông đằng sau lưng thì anh khóc, nước mắt tuôn trào làm anh nghẹn ngào. Anh chỉ thỉnh thoảng nói rằng anh làm nghề tỉa cành ở Faverolles. Sau đó, trong khi anh khóc nức nở, anh giơ tay phải lên và dần dần hạ xuống bảy lần như thể anh đang xoa liên tiếp bảy cái đầu cao thấp không bằng nhau và người ta đoán rằng cử chỉ đó là việc anh đã thường làm và làm khi nuôi bảy đứa trẻ nhỏ ăn mặc.

Anh đến Toulon sau một chuyến đi hai mươi bảy ngày trên xe bò, với gông ở cổ. Ở Toulon, người ta chùm vào anh một chiếc áo màu đỏ. Tất cả đời sống của anh bị xóa mờ kể cả đến tên anh. Anh không tên là Jean Valjean nữa mà chỉ còn là danh bạ 24601. Số phận chị anh và bảy đứa cháu của anh ra sao? Ai đang lo cho họ? Đống lá của cái cây anh đã đốn tận gốc thì ai nhặt?

[...]

*

Thẩm phán Magnaud, người bảo vệ nữ quyền

Ký giả Pascale Robert-Diard giới thiệu một cách trào phúng thẩm phán Paul Mangaud là một nhà tranh đấu cho nữ quyền. Nhưng trong bài báo Bà kể một số chuyện cho thấy vị thẩm phán là một người tiến bộ đã phát huy nhiều khái niệm pháp lý mà bây giờ chúng ta coi là hiển nhiên. Chúng tôi xin trích phần đầu của bài báo trong đó bà kể chuyện một phụ nữ ăn cắp bánh mì và một người vô gia cư đã được thẩm phán Paul Mangaud tuyên tha bổng vì lý do hai người này ở trong "tình trạng cần thiết", một khái niệm mà vị này sáng chế.

[...]

Cô Louise Ménard được gọi đến trước vòng móng ngựa. Ở tuổi 22, cô một mình nuôi con trai hai tuổi và chia sẻ với bà mẹ, một góa phụ, phiếu trợ cấp thực phẩm hàng tuần hai cân bánh mì, hai lạng thịt của cơ quan từ thiện nơi thôn cô trú ngụ. Cô khai rằng cả nhà đã không có gì ăn từ ba mươi sáu giờ, ngày 22 tháng hai, khi cô bước vào tiệm bánh mì của người anh họ, tên là Pierre, để ăn cắp một ổ bánh mì. Người anh họ xác nhận vụ trộm này. Cảnh sát báo cáo rằng khi đến hiện trường thì cô Louise Ménard đã nuốt chửng ba phần tư ổ bánh rồi. Công tố viên Vialatte đòi xử phạt. Toà nghị án. Một giờ, có thể hai, trôi qua.

Chánh án Magnaud phán quyết:

"Xét rằng trong một xã hội hài hòa, một thành viên của xã hội đó, nhất là một bà mẹ, thiếu ăn ngoài ý muốn là một điều đáng tiếc. Trước một tình huống như vậy thì một thẩm phán có thể, và phải, quán triệt một cách nhân đạo những quy định cứng nhắc của pháp luật. Xét rằng cơn đói có thể lấy mất một phần tự do ý chí của con người và giảm bớt khả năng phân biệt phải trái. Xét rằng một hành động thường đáng trách mất tính cách đó khi một người phải phạm pháp chỉ vì nhu cầu khẩn thiết có được thực phẩm chủ yếu. [...] Xét rằng những kẻ bị kích động bởi cơn đói không phải chịu trách nhiệm vì hành động của mình. Vậy tòa quyết định không truy tố bị can và cho miễn án phí".

Cô Louise Ménard được phóng thích. Khi cô sắp rời khỏi phòng xử, viên lục sự thì thầm chánh án Magnaud muốn gặp cô trong phòng giấy. Khi chào cô, ông nhét vào tay một đồng năm franc.

Từ đó tên tuổi cô Louise Ménard đi vào lịch sử của ngành tư pháp, cùng với tên của thẩm phán thị xã Château Thierry, ông Magnaud, và khái niệm "tình trạng cần thiết" của ông: không thể truy tố hình sự một kẻ hành động trái pháp luật để bảo vệ một lợi ích tối cao. Phán quyết của thẩm phán Magnaud được đăng trên trang đầu của nhật báo "L’Avenir de l’Aisne" ngay ngày hôm sau. Sau đó, báo chí cả nước [Pháp] kể lại vụ án này. Ngày 14 tháng tư, tờ "L'Aurore" đăng một bài ngắn với tiêu đề "Một thẩm phán tốt". Tác giả là Georges Clemenceau. Các độc giả xúc động. Người ta quyên tiền giúp cô Louise Ménard. Nhiếp ảnh gia Nadar gửi bốn chục franc*, công chúa Rohan năm chục. Courteline, nhà báo Severine cùng nhiều người vô danh biểu dương thẩm phán Magnaud. Một độc giả ở Paris viết: "Tôi nghĩ chắc rằng nếu Victor Hugo còn sống thì ông sẽ đến bắt tay ngài".

Một năm sau đó, thẩm phán Magnaud lại "tái phạm". Chiabrando, 17 tuổi, đã bỏ việc và nhà tế bần nuôi anh để đi lang thang các nghẻo đường và anh đã bị kết án vì tội ăn xin. Anh bị dẫn đến tòa án Château Thierry vì đã xin và đã nhận một miếng bánh mì ở La Ferte Millon (Aisne) vào ngày 22 tháng 12 năm 1898. Bộ trưởng Tư pháp đã chỉ đạo rất rõ phải chống các kẻ lang thang làm cho người tử tế sợ hãi.

Với tiếng tăm mới có, thẩm phán Paul Magnaud quyết định thách thức cấp trên của mình. Không những ông thả cậu trẻ mà nhân dịp đó phát biểu tất cả những gì ông không thích về pháp luật quá khắt khe.

"Xét rằng xã hội có nhiệm vụ giúp đỡ các thành viện thực sự khốn khổ nên không có tư cách để kết án một người bần khốn" ông kêu gọi mọi thẩm phán "trong một lúc ngắn hãy quên đi sự an nhàn mà các vị này thường hưởng thụ để tưởng tượng, dù trong một khoảng khắc ngắn và trong một chừng mực nào đó, tình trạng tang thương của một người bị mọi người bỏ rơi, rách rưới, không đồng xu nào, sống trong cảnh màn trời chiếu đất, lang thang mà thường chỉ gợi sự lo ngại của những người mà họ xin một chút việc".

Công tố viện tức giận, kháng án. Hạ viện nổi nóng. Luật sư và nghị sĩ Đảng Xã hội René Viviani tuyên bố ông sẽ đích thân đến trước tòa phúc thẩm bào chữa cho người vô gia cư đó. Năm tháng sau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã gửi một thông tư, trong đó ông lấy lại mà không trích dẫn những luận chứng của thẩm phán Paul Magnaud, yêu cầu các công tố viên "suy nghĩ kỹ" trước khi lên án những người hành khất hay vô gia cư và chỉ xử phạt khi nào tin chắc rằng "kẻ đó là một người mang tật lười biếng không trị nổi". Mãi cho đến bảy mươi năm sau tội ăn xin và tội lang thang mới được hủy bỏ.

[...]

Chú-thích

L'Aurore (1897-1914) là tờ báo nổi tiếng đã đăng bài "J'accuse" của Emile Zola tố cáo quân đội Pháp dàn dựng cáo trạng đại úy Dreyfus làm gián điệp cho Đức. Rút cục đại úy Dreyfus được trắng án sau nhiều tranh luận hùng hổ trong dư luận.

Georges Clemenceau (1841-1929) là một chính khách Pháp đã làm thủ tướng nhiều năm. Ông nổi tiếng đã nặng tay đàn áp các cuộc đình công nhưng lại thi đua với Jean Jaures, lãnh-đạo Đảng Xã-hội, đề ra những đạo luật lao động bảo vệ nhân công.

Courteline, tên thật là Georges Moineaux (1858-1920), là một văn sĩ Pháp chuyên viết kịch và tiểu thuyết.

Séverine, tên thật là Caroline Rémy (1855-1929), là một nữ văn sĩ và một nhà báo Pháp đấu tranh cho nữ quyền.

Nadar, tên thật là Gaspard-Félix Tournachon (1820-1910), là một họa-sĩ biếm-họa và nhiếp-ảnh-gia Pháp.

Rohan là một gia tộc quý phái giàu có từ thế kỷ XIII. Ngày nay họ vẫn còn nhiều tài-sản và thế lực ở Pháp và Âu Châu.

*40 francs là khoảng 10 ngày lương trung bình của công nhân vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20; theo: Relevé de quelques prix et salaires aux 19ème et 20ème siècles (chú thích của Diễn Đàn)

Nguồn: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/an-cap-vi-doi