Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Văn học miền Nam 54-75 (229): Nhật Tiến (22)

Người kéo màn: Tiểu thuyết kịch (kỳ 10)

Hằng đứng dậy bước ra khỏi hàng ghế, lòng nàng bỗng trở nên nôn nóng với ý định trao cho “thằng chả” cái giấy khai sinh. Mặc dù cả rạp vẫn còn đang ngẩn ngơ về những diễn biến dồn dập ở những giây phút cuối của vở kịch và mặc dù lão kéo màn đã khởi sự cho cái màn nhung buông xuống thật chậm, rất chậm, nhưng vẫn chưa có ai chịu nhúc nhích khỏi ghế ngồi của mình. Nàng vội vã đi vòng ra phía ngoài hành lang và gặp người soát vé.

Hằng: Này bác! Tôi muốn tìm cái ông tác giả vở kịch thì tìm ở đâu?

Người soát vé: (chỉ tay về phía cuối hành lang): Đi theo lối đó mà vô hậu trường. Nghe nói ổng còn ở trong đó đó!

TRONG HẬU TRƯỜNG

Khung cảnh thật là nhốn nháo khi tấm màn nhung đã buông xuống hẳn. Những người lao công chạy tới tấp để dọn dẹp phông cảnh. Những diễn viên gọi nhau ơi ới để tìm nhau, để san sẻ với nhau về sự thành công của buổi diễn. Nhưng ai cũng đều có thể nghe thấy tiếng la chói lói của người nữ diễn viên sắm vai Nga.

Diễn viên sắm vai Nga: Giết người! Thật là các ông giết người không dao! Bầu không khí sân khấu đang bi thảm như thế mà các ông cười đùa ầm ĩ làm mất hết sự chú tâm theo dõi của khán giả. Thà là các ông giết tôi đi còn hơn.

Nhà đạo diễn: Thôi! Thôi! Chuyện đó đã qua rồi.

Diễn viên sắm vai Nga: Qua là qua thế nào. Ngày mai ngày mốt rồi coi,  báo chí họ sẽ chửi ầm lên cho là diễn bi kịch mà hóa ra thành hài kịch. (tu lên khóc). Ối giời ơi! Các ông đã nhẫn tâm bóp chết con đường tiến thủ của tôi!!!

Nhà đạo diễn: Ồ! Sao lại “bò” thế. Sao cô lại khéo dư nước mắt để khóc vì những chuyện chẳng đáng gì như thế... Tài nghệ của cô nếu có xuất sắc thì cũng chẳng vì chuyện nhỏ đó mà bị sây sứt đi một cái vẩy móng tay.

Diễn viên sắm vai Nga: (gào lên) Im đi! Ông im đi! Đừng có chửi xéo tôi nữa. (vùng lên, chạy vào phòng hóa trang đóng sầm cửa lại).

Nhà đạo diễn: Hừ! Bò thật! Thế thì bò thật!

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Bỏ bố tôi rồi! Tôi bị mất cái bóp phơi!

Nhân viên giữ trật tự: Chết! Ông để bóp phơi ở đâu?

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Tôi để trong túi quần tây, móc ở ngay chỗ này, thế thì làm sao mà mất được. Luộm thuộm! Các ông làm ăn luộm thuộm không thể tả được.

Nhân viên giữ trật tự: Chắc rơi đâu đó chứ không mất đâu. Xin ông cứ bình tĩnh để chúng tôi đi tìm.

Nhà Mạnh Thường Quân: Đâu? Cô Nga đâu rồi? Sao không ra ngoài này để ngộ có người tới xin chữ ký thì phải ký cho người ta chứ.

Người lao công: Dạ, cô ấy vừa chạy vào trong phòng  hóa trang nữ.

TRONG PHÒNG HÓA TRANG NỮ

Nhà Mạnh Thường Quân: Trời ơi! Làm sao cô khóc?

Diễn viên sắm vai Nga: Xin lỗi ông! Ông để mặc tôi.

Nhà Mạnh Thường Quân: Không! Bây giờ tôi là ông bầu của cô rồi. Cô sẽ là tài tử chính trong ban hát sắp thành lập của tôi. Tôi không có quyền để cho tài tử của tôi đau khổ như thế được.

Diễn viên sắm vai Nga: Không mà! Tôi đã bảo tôi muốn được ngồi một mình.

Nhà Mạnh Thường Quân: Ơ! Sao lại ngồi một mình! Lúc này là lúc quang vinh nhất, cô phải ra ngoài kia để cho mọi người chiêm ngưỡng cái vinh quang của cô chứ!

Diễn viên sắm vai Nga: Vinh quang gì! Các ông xé nát con đường sự nghiệp của tôi.

Nhà Mạnh Thường Quân: (quát) Đứa nào? Đứa nào mà lại to gan thế? Cô nói cho tôi biết tên nào để tôi sẽ cho nó biết tay.

Diễn viên sắm vai Nga: (lại tấm tức khóc)

Nhà Mạnh Thường Quân: A! Thôi tôi biết rồi! Chắc cô vẫn còn bực mình về cái vụ tên chó chết cười ré lên trong lúc vở kịch còn đang tiếp diễn phải không. Ồ! Đó là chuyện nhỏ. Một cái mụn ghẻ làm sao xóa hết được khuôn mặt kiều diễm của Hằng Nga.

Diễn viên sắm vai Nga: Thật tôi không thể nào tưởng tượng được!

Nhà Mạnh Thường Quân: Tôi cũng thế. Tôi không thể nào tưởng tượng được trên đời lại có kẻ “khẹc” đến như thế. Nhưng dù sao thì nó cũng đã qua rồi và vở kịch vẫn thành công mỹ mãn. Hết sức mỹ mãn. Nhân danh cái sự mỹ mãn đó, mong cô hãy vui lên nào. Ôi thôi nước mắt làm nhòe hết cả phấn của cô rồi, khổ chưa! Nào thôi, hãy nghĩ đến tương lai mà bỏ qua mấy cái vặt vãnh chẳng đáng gì! Chúng mình còn có nhiều việc phải làm.

Diễn viên sắm vai Nga: Phận sự của tôi đến đây là hết.

Nhà Mạnh Thường Quân: Ô! Hết là hết thế nào! Thế thì cô nhầm rồi. Nhầm to rồi. Tôi thì tôi lại nghĩ  rằng mọi việc từ đây, bây giờ mới thực sự là bắt đầu.

Diễn viên sắm vai Nga: Ông nói thế nghĩa là...

Nhà Mạnh Thường Quân: Nghĩa là mình sẽ khởi đầu một chương trình dài hạn chứ sao. Mình sẽ có những quyết định quan trọng mà ta cần bàn tính cho kỹ. Nhưng bây giờ... bây giờ ta cần xả hơi cái đã để tự thưởng cái kết quả rực rỡ của buổi trình diễn ngày hôm nay. Em ạ, chúng mình phải đi ăn một bữa linh đình... Ở nhà hàng Đồng Khánh nhé?

Diễn viên sắm vai Nga: Không! Cái đó thì...

Nhà Mạnh Thường Quân: thực mới vực được đạo chớ. Suốt từ tối đến giờ chúng mình đều hết sức vất vả. Thôi cứ ăn cái đã rồi muốn tính gì thì tính. Nào mình sửa soạn  lại rồi ta đi.

Diễn viên sắm vai Nga: Không, xin lỗi ông, tôi không thể đi được.

Nhà Mạnh Thường Quân: Kìa, sao lại thế?

Diễn viên sắm vai Nga: Cám ơn ông rất nhiều, nhưng tôi mệt.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thì mệt mới cần ăn cho lại sức. Một tô cháo bào ngư nấu với nấm Đông Cô là hết mệt ngay...

Diễn viên sắm vai Nga: Tôi nói thực mà. Tôi không thể đi được ngày hôm nay.

Nhà Mạnh Thường Quân: Thôi! Tôi van em… tôi  xin em. Em đừng làm tôi đau xót vì em nữa!

Lão tiến lại gần nàng rồi rút khăn tay chấm lên những giọt nước mắt còn đang long lanh ở hai bên gò má của nàng. Nàng cau mày kéo chiếc ghế xích vào sát mép bàn. Mũi nàng chun lại. Nàng thấy ghê tởm cái hơi nồng nặc toàn mùi khói ám từ miệng lão toát ra. Vừa lúc đó cánh cửa hé mở. Gã thổi clarinette thò hẳn đầu vào. Trước mặt gã là cái lưng đồ sộ của nhà Mạnh Thường Quân. Đằng sau lão, khuôn mặt của diễn viên sắm vai Nga bị che lấp một nửa. Hai người ở cái vị thế như đang hôn nhau thắm thiết. Gã run rẩy cả người lên. Mặt gã xám ngoẹt lại. Gã lùi phắt trở lui. Tay gã phải vịn vào vách tường cho khỏi ngã. Mọi vật trước mắt gã chòng chành quay cuồng như kéo nhau đang sắp sửa sụp đổ. Gã nén chặt lấy ngực để cố khỏi bật ra tiếng ho. Cây kèn cặp ở nách gã nằm xiêu xuống hờ hững chực rơi. Gã chết đứng như thế trong giây lâu mới định lại được thần để  quay gót trở ra. Gã lê từng bước nặng nề đi xuống bục gỗ.

Trong lúc đó ở trên sân khấu, vẫn có tiếng hớt hải của gã diễn viên sắm vai Nghĩa:

- Tôi mất cái bóp! Tôi mất cái bóp! Có ai nom thấy cái bóp phơi của tôi đâu không?

Thằng bé: Thưa ông, cái nhà cô có tóc uốn uốn bảo ông đi xuống dưới hầm kia cô ấy nhờ chút việc.

Ở DƯỚI HẦM

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Trời ơi! Em! Em ở dưới này thế mà làm anh  đi tìm em hết nước hết cái.

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Thật không?

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ô! Em hỏi như thế là thừa. Không một lúc nào anh muốn rời em cả.

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Hừ! Cứ  nghe  cái giọng ấy của anh thì ai mà chả tin.

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Còn phải nói. Bởi vì đấy là giọng thành thực. Sự thành thực phát ra từ trái tim của những kẻ đang yêu.

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Ôi giời! Cảm động thay cho những kẻ nào có diễm phúc đã được anh yêu.

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ồ, em còn nói thế làm gì. Kẻ ấy chính là em đó!

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Ồ! Thế  thì thực là riễm phúc cho em quá. (miệng nàng cong lên để uốn lưỡi chữ e - rờ)

Diễn viên sắm vai Nghĩa: (hơi ngớ ra, nhưng cũng nói lấp liếm) Thì cũng diễm phúc cả cho anh nữa.

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: (đổi giọng) Thôi! Thế đủ rồi. Tôi biết rõ cái bản mặt của anh rồi!

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ơ! Ơ! Em nói cái gì thế?

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Nói cái gì thì anh biết đó... Hôm nay anh đánh mất cái ví phải không?

Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ờ… ờ… cái ví...

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: (giơ cái bóp ra trước mặt Nghĩa) Có phải ví này không??

Diễn viên sắm vai Nghĩa: (ấp úng không nói ra lời)

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Tôi nhặt được nó ở trong phòng hóa trang. Bây giờ tôi hoàn lại cho anh. Anh kiểm lại đi coi có mất cái gì không, nhất là mấy tấm hình. Ôi chà, tấm hình chụp anh chị với các cháu nom thật là đẹp đôi. Còn mấy đứa nhỏ trông kháu ghê!

Diễn viên sắm vai Nghĩa: (mặt tái đi dần dần)

Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Từ lần sau thì nhớ giữ cho kỹ nhé! Ới sời!!! Thế mà soen soét cái mồm là “anh vẫn còn độc thân!” Xí!!!

Vừa nói nàng vừa ném trả cho gã đàn ông cái bóp cũ màu đen rồi bỏ đi phũ phàng. Gã đàn ông đứng lặng người như chân bị chôn ở ngay tại chỗ. Mặt gã cứ đỏ lên rồi lại xám ngoẹt đi, đôi mắt đục ngầu mang đầy vẻ bẽ bàng và tức giận. Hai bên cằm của hắn như bạnh thêm ra, hàm răng nghiến chặt lại. Bàn tay của gã xiết cứng lấy cái bóp tưởng như muốn làm nó tan ra thành bọt. Gã nhìn ra bốn bức tường chật hẹp với tất cả nỗi căm giận chất chứa trong lòng.

(còn tiếp)