Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 18)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XXII

TÌM VỀ PHƯƠNG ĐÔNG ĐỊA ĐÀNG LẠI ĐÁNH MẤT

Địa phương, tôn giáo, chủng tộc, môi sinh...

Đồng Bằng Sông Cửu Long có đủ cội nguồn bất an của cả nước

CH 22_ Sống trên sông nước Cửu Long,jpg

Sống trên sông nước Cửu Long

ĐỊA ĐÀNG Ở PHƯƠNG ĐÔNG

Đi cùng chuyến bay từ Bangkok tới Vạn Tượng, từ đây họ tách ra nhưng cũng hẹn gặp lại nhau ở Sài Gòn. Cao thì đi về hướng bắc tới Bản Houei Sai kiểm tra Trạm Môi Sinh – EcoWatch xa nhất và then chốt trong mạng lưới theo dõi môi sinh của lưu vực sông Mekong.

Còn vợ chồng Duy Bé Tư thì đi về phía nam trong chuyến field trip khảo sát chim muông với Đoàn Nghiên Cứu Khoa Học Anh Worldwide Fund for Nature. Duy có dịp gặp lại những người bạn cũ. Lần gặp đầu tiên ở Nam Vang cách đây 2 năm khi họ bất kể hiểm nguy của mìn bẫy, quyết tìm cho được con Kouprey, một loại bò rừng cực hiếm lần đầu tiên được các nhà sinh học tìm thấy vào năm 1939, được ông Hoàng Sihanouk chọn làm con vật biểu tượng của Cam Bốt năm 1963 và nay thì gần như đã tuyệt chủng, hy vọng mong manh còn vài ba con trong vùng rừng rậm Pailin phía tây Cam Bốt tiếp giáp với Thái Lan – vốn là khu sào huyệt của Khmer Đỏ. Sau hàng tháng trời lặn lội, lần ấy đoàn đã ra về với tay không nhưng may mắn không bị tổn thất.

Vẫn những khuôn mặt quen thuộc ấy nhưng ở chuyến đi này có Bé Tư thì họ may mắn hơn. Họ mới tìm thêm được 2 loài chim hiếm trong những khu rừng mưa – rainforest biên giới Lào Việt, đặc biệt là họ đã phát hiện được một loài thỏ cực hiếm bên ngoài một ngôi làng nhỏ Balak phía Trường Sơn Tây. Đó là một loài thỏ rất lạ chưa thấy ở bất cứ một nơi nào khác, có lông vàng sọc đen trên lưng và mông đỏ – được đặt tên là thỏ Trường Sơn rất giống với loài thỏ vằn ở đảo Sumatra Nam Dương, nay đã tuyệt chủng. Là một giáo sư di truyền học, Duy suy luận nếu cuộc nghiên cứu “cấu trúc gene” xác định sự tương đồng với loài thỏ Sumatra thì lại có thêm luận cứ cho giả thiết một thời kỳ Đông Nam Á Lục Địa nối liền với các hải đảo – như với quần đảo Nam Dương qua thềm lục địa Sunda sau đó do nước biển dâng cao, phần thấp bị chìm xuống chỉ còn lại những phần đất cao là những đảo quốc hiện nay.

Những chiếc trống đồng Đông Sơn còn được tìm thấy ở cả Đông Nam Á hải đảo là bằng chứng về mối tương quan rất gần gũi giữa những nền văn hóa cách nhau cả một đại dương. Mới đây Duy đã ngạc nhiên khi cầm trên tay cuốn sách khá đồ sộ không phải của nhà khảo cổ nhưng lại là của một đồng nghiệp y khoa người Anh minh chứng một cách có hệ thống và khá thuyết phục điều mà Duy vẫn chỉ coi như ở giai đoạn giả thiết.

Stephen Oppenheimer là một bác sĩ nhi khoa nhiệt đới khi đi nghiên cứu về Sốt Rét ở đảo Papua New Guinea Nam Thái Bình Dương, qua khảo sát các đặc tính gen biến thể – genetic mutations đã cho thấy thêm bằng chứng về những cuộc di cư ồ ạt từ Đông Nam Á tiếp theo trận lụt vào Thời Kỳ Băng Tuyết Sau Cùng – the Last Ice Age.

Suốt 20 năm qua Oppenheimer không ngừng đi khảo sát khắp vùng Viễn Đông lục địa và hải đảo Thái Bình Dương để chứng minh “các nền văn hóa gốc_ founder cultures hay cái nôi của văn minh nhân loại” là từ vùng Đông Nam Á nay đã bị nhận chìm dưới biển sâu.

Đó là chủ đề tác phẩm Eden in the East – Địa Đàng ở Phương Đông mới xuất bản tháng 7 năm 1999. Sách vở viết về nguồn gốc các nền văn minh thế giới hầu như đã lãng quên vùng Đông Nam Á, bỏ qua hẳn một vùng văn hóa cổ xưa, đa dạng và phong phú nhất trên hành tinh này – do các sử gia trước đây cho rằng văn hóa Đông Nam Á chỉ là sản phẩm của các nền văn minh lục địa từ Ấn và Hoa.

Thực ra vào cuối Thời Kỳ Băng Tuyết Sau Cùng, Đông Nam Á nguyên là một lục địa được biết dưới tên thềm lục địa Sunda – Sunda shelf / Sundaland, qua ba giai đoạn tuyết tan đột ngột mực nước biển dâng cao tới 130m và đã nhận chìm các Nền Văn Hóa Thềm Lục Địa này. Vùng đất bị vùi lấp rộng bằng khối lục địa Bắc Mỹ. Trận lụt biển sau cùng xảy ra vào khoảng 8000 năm trước với những ngọn sóng thật lớn do phần vỏ trái đất dạn nứt khi các tầng băng tuyết ở bắc cực bị xụp xuống.

Do thềm lục địa Sunda bị nhận chìm nên đã tạo ra những cuộc di cư ồ ạt bằng cả đường bộ đường biển ra khắp hướng: bắc nhập vào Á Châu sang tới tận Trung Hoa, đông về hướng các hải đảo Thái Bình Dương, tây nhập vào Ấn Độ Dương và nam về hướng Úc Châu.

Sau này khi mực nước biển phần nào hạ thấp xuống, các nhà khảo cổ đã khai quật được dưới lớp bùn dấu vết các nền văn hóa bị nhận chìm ở nhiều nơi như Đông Nam Á, Trung Hoa, Mesopotamia và Đa Đảo – Polynesia, Hắc Đảo – Melanesia thuộc Đại Dương Châu.

Đồng thời có nhiều bằng chứng về ngữ học cho thấy Đông Nam Á còn là trung tâm phát xuất nhiều ngôn ngữ; như ngôn ngữ của sắc dân Đa Đảo – Polynesians không hề phát xuất từ Trung Hoa như người ta thường nghĩ mà là từ các hải đảo Nam Dương.

Cũng có thêm cả những bằng cớ qua dấu ấn di truyền – gene markers cho thấy các thổ dân Đông Nam Á đã tứ tán đi rất xa tới các hải đảo Nam Thái Bình Dương, tới tận Trung Đông và sang tới Châu Mỹ.

Cả đến khảo sát đối chiếu chủ đề thần thoại – myth motif về các trận hồng thủy trong vùng Đông Nam Á hải đảo và Tây Nam Thái Bình Dương cũng đều thấy được nhắc tới trong thần thoại từ Trung Đông sang tới Châu Âu.

Tóm lại những bằng chứng về hải dương học, khảo cổ học, ngữ học, di truyền học và cả văn học dân gian đã đưa tới một kết luận thuyết phục rằng Cái Nôi Của Nền Văn Minh Nhân Loại không phải là Trung Đông mà là từ thềm lục địa Sundaland Đông Nam Á bị chìm sâu.

LƯỚT TRÊN NHỮNG XA LỘ NÂU

Sau chuyến đi Lào, hai vợ chồng Duy trở lại Sài Gòn, qua đêm trong một khách sạn trên đường Nguyễn Huệ để sáng hôm sau về Cần Thơ cho kịp khóa thỉnh giảng của Duy ở Trường Y.

Buổi sáng dậy sớm xuống phòng ăn sáng. Continental Breakfast được ưa chuộng là món cháo trắng với hột vịt muối và các trái cây tươi của Đồng Bằng Sông Cửu Long chuối đu đủ thơm dưa hấu sa bô chê và cả trái thanh long có vị mát và hơi rớt chua. Theo đề nghị của Cao họ sẽ đi đường sông lần đầu tiên bằng Tàu Cánh Ngầm Liên Xô của Vina Express – công ty liên doanh giữa Singapore và Việt Nam.

Khúc đường Nguyễn Huệ từ Lê Lợi ra hướng sông Sài Gòn – không còn chợ hoa, buổi sáng sớm vắng xe nên biến thành những sân đá banh hay cầu lông cho cả người lớn và con nít. Chạy Jogging trên vỉa hè sạch sẽ có cả phụ nữ. Ra tới bờ sông là tấp nập các toán tập Tai Chi đa số là cao niên. Bên kia bờ sông nổi bật những tấm bảng thật lớn quảng cáo bia rượu và đồ dùng điện tử sản xuất từ xứ sở các Con Rồng Á Châu Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Singapore.

Nơi cầu tầu không xa nhà hàng Ngân Đình là những chiếc Tàu Cánh Ngầm trông uy nghi và dũng mãnh như những chiếc tiềm thủy đĩnh. Là loại tàu cao tốc chở khách chạy đường sông qua hầu hết các khúc sông lớn của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tàu có máy lạnh, quầy giải khát, có báo mới ra trong ngày biếu cho hành khách và các cô tiếp viên giống như tiếp viên hàng không trong tà áo dài Việt Nam duyên dáng.

Khởi hành rất đúng giờ 7:30 sáng từ bến Bạch Đằng khi bình minh vừa ló dạng. Tàu chạy xuôi dòng theo con sông Sài Gòn qua những cánh rừng đước xanh ngút ngàn, nơi mà trong thời kỳ chiến tranh luôn luôn ẩn hiện những họng súng B-40 sẵn sàng phóng ra những trái đạn xé toác cả thân tàu và gây chết chóc. Tàu Cánh Ngầm lớn lại chạy nhanh tạo ra những đợt sóng mạnh đủ sức làm chìm những chiếc ghe nhỏ đi gần. Sau đôi tai nạn ban đầu chết người ấy thì tránh voi chẳng xấu mặt nào nên đã không còn ghe mảng nào muốn lại gần Con Tàu Liên Xô ác ôn ấy.

Đúng như hẹn, có Cao từ bản Houei Sai Bắc Lào trở về cùng đi nên vợ chồng Duy đã có một hướng dẫn viên du lịch lý tưởng. Cao luôn luôn làm homework trước mỗi chuyến đi nên lần này có cả tấm bản đồ “Hướng dẫn khách Hội Nghị Thượng Đỉnh các Nước Nói Tiếng Pháp du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long” với đủ chi tiết cho chuyến giang trình.

Tàu chưa đến cửa Soài Rạp không đi tiếp ra biển mà rẽ ngược vào Kinh Nước Mặn để vô sông Vàm Cỏ. Sau đó theo con Kinh Chợ Gạo để vào Sông Tiền. Cảnh tượng quen thuộc hai bên bờ sông và kinh rạch là những mái nhà lá.

Mắm trước, đước sau, tràm theo sát,

Sau hàng dừa nước, thấp thoáng nhà ai?

Trước cửa ra vào những mái nhà lá ấy là các phụ nữ trong những bộ áo quần màu sắc nổi bật trên cảnh trí chỉ có mênh mang một màu xanh của lá cây và màu nâu của nước. Những cô gái Cửu Long thì vẫn cứ đẹp như vậy trong một vùng kinh rạch nước thì đỏ như gạch qua cả hai mùa khô lũ nhưng vẫn luôn luôn là những bà mẹ suốt đời tảo tần nuôi một gia đình rất ư là đông con.

Điện đã về tới Đồng Bằng Sông Cửu Long xuống tận Năm Căn nên đã thấy các cột ăng-ten truyền hình trên những mái nhà lá. Nay có thêm phương tiện giải trí rồi có vì thế mà các gia đình người dân Miền Tây Nam Bộ ít con đi chăng khi mà họ lúc nào cũng sống thật hồn nhiên lạc quan yêu đời.

Ra đi gặp vịt cũng lùa

Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu

Đến bến Mỹ Tho trước 9 giờ. Đang mùa trăng tròn, nên cả một hạm đội đông đảo tàu đánh cá Biển Đông thả neo nơi bến đỗ nằm chờ. Lưới cá bằng đèn nên họ chỉ ra khơi sau tuần trăng. Tàu đánh cá ngoài biển khác với ghe sông, không có vẽ đôi mắt rắn thần Naga. Điều Duy và Bé Tư mới được biết trong chuyến đi này.

Với Cao không phải là lần đầu tiên đi đường sông và anh cũng không có cảm xúc của một khách du lịch. Là một kỹ sư môi sinh, Cao có mối ưu tư của riêng anh.

Dân cư Đồng bằng Sông Cửu Long thì vẫn cứ tăng nhanh theo cấp số nhân, Du Lịch Sinh Thái kéo thêm du khách tới ngày một đông có nghĩa là lượng chất thải đổ xuống ngày một nhiều hơn trong khi các con đập khổng lồ thượng nguồn không chỉ làm dòng chảy của những con sông yếu dần mà còn tạo ra một số lượng rác kỹ nghệ trút xuống con sông ấy. Lại thêm viễn tượng trái đất nóng hơn 3 độ trong thế kỷ tới không chỉ có nghĩa là một số hải đảo của quần đảo Hoàng Sa Trường Sa sẽ biến mất mà thềm lục địa còn bị đẩy lùi do nước biển dâng cao và nạn ngập mặn sẽ lan khắp vùng châu thổ.

Nhìn ra dòng sông, giữa thấp thoáng những giê lục bình xanh man mác trổ một hai bông tím là các bao rác nilông và cả xác một con vật sình trương chết trôi chắc đã vào giai đoạn bắt đầu thối rữa. Phân người, phân súc vật, phân bón thuốc trừ sâu, nước cống rãnh các đô thị có cả những chất thải từ các bệnh viện cứ nguyên vậy mà trút xuống và điểm hẹn vẫn là khúc cuối của những dòng sông. Khi xuống tới Mỹ Tho Vĩnh Long Cần Thơ chưa kịp đổ ra biển thì lại gặp con nước thủy triều trong ngày và chất thải bị dội ngược lên cứ thế mà chạy đường vòng và cư dân miệt dưới thì lãnh đủ.

Kết quả phân tích của Trạm Sinh Thái Cần Thơ mới đây cho thấy lượng vi sinh trong nước đã tăng cao gấp hơn 200 lần mức an toàn. Những con số báo động ấy đã chẳng đủ sức làm động lòng ai, bởi vì bấy lâu “đã thấy quan tài đâu mà đổ lệ” vả lại nếu có thiệt hại thì cũng là ai đó chứ không phải mình. Trước mắt Cao là những đứa trẻ vẫn hồn nhiên ngụp lặn dưới sông và người lớn thì vẫn múc nước sông để nấu nướng và cho nhu cầu gia dụng.

Viễn tượng cái ngày không tránh được – The Inevitable Day là cả một vùng sinh thái đang chắc chắn dần dần bị hủy diệt do các con sông nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đều ô nhiễm – chung số phận với hơn một nửa các dòng sông của hành tinh này như báo động của Ủy Hội Nước Thế Giới Thế Kỷ 21.

Du lịch đang trở thành một kỹ nghệ. Đại học đã mở các Phân Khoa Du Lịch, thêm hàng trăm ngàn công ăn việc làm chỉ để phục vụ cho du khách và đem về ngoại tệ. Một con số đầy tham vọng cho năm 2000 sẽ là 2 triệu du khách đến thăm Việt Nam, Du Lịch Xanh Đồng Bằng Sông Cửu Long đang là một trọng điểm thu hút. Ngoài cảnh trí thiên nhiên sông nước, các vườn cây xanh và hoa trái, liệu có còn phải thêm Sex Tour kiểu Thái Lan với các cô gái Cửu Long ra để hấp dẫn thêm du khách ?

Phải chăng sau nửa thế kỷ chiến tranh và may mắn sống sót, người ta đã mặc nhiên chấp nhận một thứ “văn hóa phổ quát với bất kỳ lối ứng xử nào” miễn sao “chỉ để được sinh tồn”.

Trong niềm vui tìm lại được cái nôi của nền văn minh Lục Địa Sunda từ 8000 năm trước, chứng kiến một bình minh phục sinh nền Văn Minh Miệt Vườn đầy sức sống trẻ trung ấy kéo dài chưa đầy 300 năm để bắt đầu thấy những biểu hiện tàn lụi không phải vì thiên tai mà là do chính con người gây ra qua Một Thảm Họa Môi Sinh và một Trận Dịch HIV đủ sức tiêu hủy trọn vẹn cái Thiên Đường Tìm Lại Được ấy...

Tàu rẽ vào con Kinh Chợ Lách nối các nhánh Sông Tiền rồi quẹo vào Kinh Măng Thít để ngược dòng vào Sông Hậu tới Bến Ninh Kiều lúc 1 giờ 35, là một giang cảng lúc nào cũng tấp nập tàu bè qua lại, với mực nước sông sâu tới trên 10m tàu biển lớn cũng có thể dễ dàng ra vào. Đã tháng 11 rồi, thay vì đỉnh lũ vào tháng 9, vậy mà mực nước sông vẫn còn lớn lại thêm trăng tròn nên nước lênh láng cả Bến Ninh Kiều vào tới chợ.

Tàu Cánh Ngầm chạy suốt nhanh hơn đường bộ lại không phải chờ qua hai con phà, giá vé khoảng 10 đô la – rẻ đối với du khách nhưng vẫn là quá đắt với mức lợi tức của người dân vùng đồng bằng châu thổ khi mà hàng hóa không thể chuyển tải theo người như với xe đò.

Thành phố Cần Thơ bên hữu ngạn Sông Hậu, cách Sài Gòn 166 km hướng tây nam, với dân số đã lên tới hơn nửa triệu và còn tiếp tục gia tăng theo đà kinh tế phát triển. Sân bay Trà Nóc đang được nâng cấp để trở thành đường bay quốc tế với Air Mekong chuẩn bị đón thêm du khách từ nước ngoài. Là nơi hội tụ của các đường giao thông từ Sài Gòn xuống Sóc Trang Bạc Liêu Cà Mau, từ Châu Đốc Long Xuyên tới, từ Hà Tiên Rạch Giá qua và cũng là nơi giao nhau của nhiều con kinh rạch. Chợ nổi Phụng Hiệp hay Ngã Bảy lớn nhất phía nam là nơi hội tụ của bảy nhánh sông như một ngôi sao.

Ngay từ thời Pháp, Cần Thơ đã được coi như thủ đô của Miền Tây, nổi tiếng với những cô gái đẹp – cả đến phóng viên National Geographic cũng phải biết tiếng. Nằm giữa một vựa lúa gạo và trái cây của cả nước, Cần Thơ không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm chánh trị văn hóa với Đại Học Cần Thơ và Đại Học Khoa Học Nông Nghiệp nổi tiếng với nghiên cứu các giống lúa Thần Nông của Đồng bằng Sông Cửu Long – chỉ sau Viện Lúa Gạo Quốc Tế Los Banos.

Vợ chồng Duy thì ở lại Cần Thơ riêng Cao thì tiếp tục cuộc hành trình của anh đi Châu Đốc Tân Châu vào sáng ngày hôm sau.

VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM VÀ NỀN VĂN MINH ÓC EO

Chỉ hơn 10 ngàn năm trước đây thôi, Đồng Bằng Sông Cửu Long còn là một vùng biển chạy dài nối liền với thềm lục địa Sunda, dần dà do chất Pyrite trong phù sa con sông Mekong, cộng thêm chất sắt kết hợp với Sulfur trong nước biển tạo thêm hợp chất Pyrite bồi đắp đáy biển và tạo thành vùng châu thổ. Là vùng đất mới còn thấp so với mặt biển, như Đồng Tháp Mười vẫn còn là một vùng trũng có nơi chỉ cao hơn mực nước biển trung bình có nửa mét. Và rồi đã có một nền văn minh nảy nở trên vùng đất mới ấy.

Vào thập niên 30 khi đào kênh xáng Ba Thê nơi vùng Óc Eo huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, người ta đã phát hiện được một thành phố hải cảng cổ bị chôn vùi.

Giả thiết cách đây 18 thế kỷ đã có một vương quốc Phù Nam_ Funan Kingdom nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long với một nền văn minh biển rất phát triển về hàng hải thương thuyền, nơi giao dịch buôn bán từ Ấn qua, từ Hoa xuống và là điểm giao lưu văn hóa rộng rãi của cả hai nền văn minh Ấn Hoa nhưng đậm nét nhất vẫn là sắc thái ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ với đạo Bà La Môn, đạo Phật Tiểu Thừa.

Cũng còn dấu vết của cả một hệ thống kinh rạch cho thủy lợi và giao thông trên vùng Óc Eo phản ánh một xã hội Phù Nam đã phát triển có tổ chức và phân công lao động.

Louis Malleret nhà khảo cổ nhà sử học Pháp đã nói tới sự hiện hữu của “Nền Văn Minh Óc Eo”. Người ta còn tìm thấy được ở đó cả những đồng tiền vàng xuất xứ từ La Mã có khắc hình hoàng đế Marc Aurèle (161-180), những đồng tiền Ba Tư, các tượng thần Bà La Môn và cả tượng Phật.

Cùng trên một dải đất Việt Nam, trong khi phía Bắc chịu nhiều ảnh hưởng Trung Hoa điển hình với các tượng tạc trên gỗ, càng xa về phía Nam do ảnh hưởng văn hóa Ấn, các tượng thường được đục chạm trên đá.

Nơi Viện Bảo Tàng Lịch Sử trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn – tiền thân là Viện Bảo Tàng Blanchard-de-la-Brosse với Louis Malleret một tên tuổi lẫy lừng làm quản thủ thời thuộc địa, không chỉ có bộ sưu tập Nghệ Thuật Khmer Tiền Angkor từ lưu vực sông Mekong mà còn phải kể tới bộ sưu tập các di chỉ nền Văn Minh Phù Nam, gồm các sản phẩm đồ gốm làm từ bàn xoay, các nhạc cụ và đồ dùng bằng đồng, các đồ trang sức bằng vàng và đá quý với kỹ thuật chạm trổ tinh xảo.

Chưa có câu trả lời dứt khoát tại sao một nền văn minh rực rỡ trên một vùng đất màu mỡ như vậy bỗng nhiên bị tàn lụi ngoài giả thiết về sự tàn phá của một trận thiên tai.

Những người dân Phù Nam họ từ đâu và đến đây tự bao giờ trên một vùng mà chỉ mấy trăm năm trước đây thôi khi bắt đầu cuộc Nam Tiến đất thì chưa “vững chân” và còn nguyên hoang dã sình lầy. Chưa có câu trả lời chính xác – cũng như chưa có câu trả lời cho xuất xứ những nền văn minh dọc theo con sông Mekong như sự hiện diện của những cái chum trên Cánh Đồng Chum ở Lào vẫn còn là điều bí nhiệm. Đây vẫn là những đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu ở thế kỷ tới.

Nhưng những năm gần đây đã lại có thêm các ý kiến khác như David P. Chandler cho rằng “những cái tên như vương quốc Phù Nam hay Chân Lạp trong cổ sử Trung Hoa thực ra chỉ là gồm nhiều lãnh địa – chiefdoms, small principalities được kết hợp chung dưới tên gọi như một vương quốc nhằm tạo dễ dàng cho việc gửi phẩm vật triều cống sang Trung Hoa hay cho mục đích cùng đi tìm sự bảo hộ nhằm chống lại xâm lăng của các nước lân bang.” Trước Chandler, O.W.Wolters cũng đã đưa ra ý niệm Vòng Đai Mandalas phản ánh đúng nhất về hình thái “các vương quốc Đông Nam Á”. Sự hình thành mỗi vương quốc khởi đầu với một bô lạc mạnh như một trung tâm quyền lực với vòng đai ảnh hưởng lan rộng bao trùm các bộ lạc yếu kém hơn bắt khuất phục và sát nhập. Nhưng cũng tùy theo sự thịnh suy của trung tâm quyền lực ấy mà vương quốc có thể co giãn. Lại thêm các bộ lạc bị chinh phục lúc nào cũng tìm cách tách ra để lập một vương quốc mới cho mình. Do đó không thực sự có một vương quốc Phù Nam, Chân Lạp hay Lan Xang – Lào với đường biên giới rõ ràng như trên các tấm bản đồ Tây Phương sau này.

Sang tới thế kỷ thứ 7, thì vùng đất này được coi là thuộc Thủy Chân Lạp – Water Chenla nhưng vẫn chỉ là một vùng hoang dã với thưa thớt những người Khmer an phận trong các phum sóc sống bằng nghề nông kỹ thuật canh tác thô sơ, họ sống như vậy trong suốt nhiều thế kỷ cho tới khi giao tiếp với những người lưu dân Việt từ phương Bắc tới vào cuối thế kỷ thứ 16 thời kỳ Trịnh Nguyễn Phân Tranh.

Người Việt đi về Phương Nam ngày càng đông, tuy chẳng phải là một đạo quân chinh phạt nhưng bằng sức sống dũng mãnh họ đã khai phá và chế ngự được cả một vùng đất sình lầy để tạo nên vùng đồng bằng Nam Bộ trù phú ngày nay.

Khác với dải đất Miền Trung quê hương của dân tộc Chăm đã trải qua những thế kỷ chinh chiến điêu linh, nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đã không có những cuộc giao chiến đẫm máu của đám di dân Việt mới tới để chiếm đất – như đã xảy ra giữa người Da Trắng và các thổ dân Da Đỏ ở Mỹ Châu, nhưng do các cộng đồng người Khmer thì sống khép kín và tự động co rút lại trên những giồng đất cao và đương nhiên sau đó họ trở thành sắc tộc thiểu số.

NGƯỜI KHMER NƠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nay chỉ có khoảng 900 ngàn người Khmer trong tổng số 18 triệu dân sống nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long (mà dân địa phương còn quen gọi là Thổ – Mùa Thổ Dậy vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân Miền Tây Nam Bộ và Kampuchea Krom, thuộc FULRO trước đây nguyên là Mặt Trận Giải Phóng Đồng Bằng Cửu Long). Tuyệt đại đa số người Khmer theo đạo Phật Tiểu Thừa Nam Tông hay còn gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada với tinh thần tự tu và chỉ thờ mỗi Đức Phật Thích Ca.

Họ sống đông nhất ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Châu Đốc, vẫn giữ nếp sống khá biệt lập trong những phum sóc (mươi căn nhà họp thành “phum”, nhiều phum họp thành “sóc” như một làng). Nhà cửa của người Khmer đơn sơ nhiều nhà còn lợp lá nhưng lại nổi bật các ngôi chùa vàng uy nghi với sư sãi như các vị lãnh đạo tinh thần. Không xa chùa có tháp đựng cốt người chết được hỏa thiêu; trong các phum sóc Khmer không có nghĩa địa.

Hình ảnh quen thuộc nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long vùng có đông người Khmer sinh sống là mỗi buổi sáng các nhà sư mặc những chiếc áo cà sa vàng rực ra khỏi chùa bắt đầu ngày đi khất thực. Bước vào thời kỳ Đổi Mới, đã không còn hình ảnh nhà sư tự ôm bình bát như ngày nào mà bây giờ có lẽo đẽo theo sau mỗi nhà sư một chú tiểu đồng một tay cầm dù một tay xách chiếc cà men bằng nhôm nhiều ngăn sáng choang để nhận các thức ăn mà dân làng cúng dường, món chay hay mặn gì thì các nhà sư cũng đều được phép dùng – khác với Phật giáo Đại Thừa Bắc Tông chỉ được ăn chay.

HAI TRẠM MÔI SINH BIÊN GIỚI

Hộ thì đang bận chủ trì Hội Nghị Nông Nghiệp không thể cùng đi với Cao nhưng có gửi theo một kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp con của “đồng chí” tỉnh ủy Mười Nhe_ nguyên là huyện ủy Tam Nông. Từ huyện lên tỉnh, trở thành tỉnh ủy viên tỉnh Đồng Tháp được bầu vào trung ương đảng, sự thăng tiến của Mười Nhe được coi như thắng thế của phe bảo thủ. Khi được hỏi về sự hỗ trợ từ địa phương cho Mạng Lưới Môi Sinh thì Thuận với giọng không vui kể lại:

“Các đồng chí tỉnh ủy thì không cản bởi vì đây thuộc diện chánh sách nhưng cũng chẳng mặn nồng giúp đỡ vì cho rằng còn bao nhiêu chuyện bức xúc khác của cuộc sống hàng ngày từ cái ăn tới cái mặc phải lo hơi đâu mà bàn tính chuyện môi sinh xa vời!” Đây chính là quan điểm trước sau như một của Mười Nhe, ba của Thuận. Chuyến Field Trip của Cao đi tìm địa điểm biên giới xa nhất cho các Trạm Môi Sinh được mào đầu bằng “một gáo nước lạnh” như vậy.

Từ thị xã Long Xuyên bên hữu ngạn Sông Hậu đi Châu Đốc, nhà cửa hai bên quốc lộ mọc san sát, sinh hoạt sầm uất với đủ các loại xe kể cả những xe hàng lớn chạy nhanh lạng lách bóp còi inh ỏi nơi có nhiều người qua lại, cả rất đông học sinh vào giờ tới trường hay tan học. Ngồi trên chiếc Minivan 15 chỗ với tay tài xế cự phách mà cũng không thấy thêm an toàn. Cao tự thấy mình chưa đủ “tiêu chuẩn” để lái xe trên các con lộ như vậy cho dù anh đã có hàng nhiều ngàn giờ lái kể cả xuyên bang trên khắp các nẻo đường Mỹ Quốc.

Nhanh gì thì cũng phải ngót 2 giờ xe chạy để tới một tỉnh lỵ biên thùy chiến lược quan trọng được bảo vệ kiên cố từ thời Chúa Nguyễn và rồi được xây cất khang trang từ thời Pháp, nay vẫn còn những ngôi biệt thự kiến trúc cổ kính với vườn cây cao xanh um. Châu Đốc cũng là nơi đầu mút con kinh Vĩnh Tế như một đường biên giới nhân tạo chạy thẳng ra tới cửa biển Hà Tiên.

Là một địa danh giàu tính lịch sử với đình Châu Phú thờ quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh tên tuổi gắn liền với cuộc Nam Tiến, núi Sam với Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An và miễu Bà Chúa Xứ đem lại cho Châu Đốc khuôn mặt của những tháng ngày lễ hội.

Ngã ba sông Châu Đốc trước đây rất nổi tiếng với ngôi chợ nổi nay không còn nữa nhưng nơi đây vẫn là trung tâm nuôi cá bè lớn nhất của Đồng Bằng Sông Cửu Long và cũng còn rất nổi tiếng về món mắm cá lóc. Nói như thi sĩ Tản Đà nếu ăn uống là văn hóa thì người ta đang nói tới nền Văn Hóa Tương_ Cự Đà của Châu Thổ Sông Hồng đang bị thay thế bởi Văn Hóa Mắm – Châu Đốc của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đâu có cần tới thuật ngữ di truyền học cao xa của Duy để nói về sự hoán vị của hai nền văn hóa ấy.

... Từ thác Khone đổ xuống, Con Sông Lớn – Tonle Thom (tên Khmer của con sông Mekong) khi đến gần Nam Vang thì chia làm ba nhánh hợp với dòng chính tạo thành Ngã Tư Sông mà người Pháp gọi là Quatre Bras: một nhánh sông Tonlé Sap chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ và xuôi dòng trong mùa khô, còn hai nhánh kia phía bắc là Sông Tiền, phía nam là Sông Bassac khi vào Việt Nam có tên là Sông Hậu.

Sông Hậu trên đất Cam Bốt vì là dòng phụ nên tương đối hẹp nhưng khi vào Việt Nam do được thêm con sông Châu Đốc đổ vào và các con kinh đưa nước Sông Tiền qua nên lưu lượng trở nên lớn hơn và hai bờ sông mở rộng thêm ra.

Hai người ngồi trên chiếc xuồng máy chạy băng băng về hướng bắc trên con Sông Hậu mênh mang nước thắm đỏ phù sa, rồi bằng khúc quẹo ngặt để rẽ vào một con kinh thông sang Sông Tiền tới Tân Châu sát biên giới Việt Cam Bốt. Tân Châu vốn nổi tiếng về hàng lụa dệt, “lãnh Tân Châu” nhuộm bằng quả mặc nưa do bền nên rất được ưa chuộng.

Lũ vẫn cứ cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn, mực nước chuẩn Sông Tiền ở mức báo động cấp 3. Mặt sông trải rộng tới hơn 2 km nhưng vẫn thấy được các hàng cây xanh từ hai bên bờ.

Tới Vĩnh Xương, một xã với hơn 10 ngàn dân được coi là cửa khẩu kế cận với Om Xà No thuộc Cam Bốt; chỉ cần mươi bước là đã vượt qua biên giới hai nước. Nơi đây có trạm hải quan và mấy quán cóc bên sông. Cứ theo kế hoạch của Nhà Nước thì vào năm 2000, sẽ có một khu Chợ Cửa Khẩu Quốc Tế rộng 11 hecta thay thế khu chợ trời đang là giang sơn tung hoành của đám dân buôn lậu.

Chiếc tàu sắt lớn của đội biên phòng đang bỏ neo giữa sông và cứ phải tưởng tượng như có thực một đường biên giới giữa hai nước đang còn nhiều tranh chấp nên với bất cứ đường vẽ nào trên bản đồ cũng “chỉ có giá trị tham khảo.”

Ngược dòng Sông Tiền là những chiếc ghe thương hồ chở đầy ắp bắp cải rau trái, thỉnh thoảng cũng có tàu dầu lớn mấy ngàn tấn, tất cả cùng hướng về Nam Vang.

Đã qua rồi thời kỳ tàu bè tấp nập từ Biển Đông ra vào khi Liên Hiệp Quốc đưa lực lượng đa quốc UNTAC vào giúp ổn định đất nước Cam Bốt sau khi quân đội Việt Nam triệt thoái.

Ra thăm chiếc tàu sắt giữa gió sông lồng lộng trong ánh nắng nhiệt đới chan hòa, sóng từ chiếc xuồng máy làm chòng chành những chiếc thuyền câu bé tí teo, neo ngay giữa dòng để câu những con “cá ba sa” nhỏ_ giống cá bông lau xuống từ Biển Hồ, để đem bán cho các nhà bè nuôi cá dưới ngã ba sông Châu Đốc.

Dự trù rằng sau hai trạm Theo Dõi Môi Sinh – EcoWatch nơi Bản Houei Sai và Kratie dưới thác Khone thì Ngã Ba Sông Châu Đốc và Tân Châu sẽ là 2 trạm biên giới của hai con Sông Tiền và Sông Hậu ngay khi đổ vào Việt Nam.

Riêng với Trạm Tân Châu, nơi mà hơn 60 năm trước học giả Nguyễn Hiến Lê khi còn là một cán sự công chánh mới ra trường chỉ có một cây thước nước cho trạm đo đạc, nay với một dụng cụ xách tay gọn nhẹ – compact sonde đem đặt trên con tàu sắt, thì chỉ cần một kỹ thuật viên truyền tin như anh Bảy là đủ; anh nay không chỉ là chiến sĩ biên phòng anh còn là đội trưởng Tiền Sát Môi Sinh có khả năng phát hiện sớm nhất dấu hiệu xâm nhập ô nhiễm từ Phương Bắc. Anh Bảy nghiễm nhiên đã là thành viên của Nhóm Bạn Cửu Long theo trọn vẹn ý nghĩa của danh từ_ phấn đấu cho điều mà ký giả báo Le Monde mệnh danh là une cause célèbre:

“Cho Tương Lai Tốt Đẹp của Con Sông Mekong” bao gồm các bước phát hiện sớm, xác định hiểm họa và cơ hội, tiến thẳng tới mục tiêu hành động.

Và sẽ chẳng bao giờ là quá sớm.

NGƯỜI CHĂM MỚI CHÂU ĐỐC_ CHĂM BHRÂU

Chuyến khảo sát chọn địa điểm hai Trạm Môi Sinh biên giới hoàn thành tốt đẹp, Thuận mang máy trở về Đại Học Cần Thơ trước. Cao thì ở lại Châu Đốc tiếp tục chuyến du khảo nhân văn đi thăm các khu làng Chăm nhằm cập nhật một vấn đề mà anh rất quan tâm có liên quan thiết thân tới tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Không phải là ngẫu nhiên mà báo chí sách vở vào những năm tháng cuối của Thế Kỷ 20 đang nói tới một trào lưu mới của nhân loại khi bước vào thế kỷ tới.

Cách đây không lâu, Cao không thể không có một thoáng lo lắng khi đọc một cột tin trang trong_ như chẳng có gì là quan trọng nhưng với Cao thì lại rất nhiều ý nghĩa, trên tờ New York Times tiên đoán “bước sang Thế Kỷ 21 thế giới sẽ có thêm nhiều quốc gia nhỏ mới hình thành do phong trào đòi tự trị của các sắc tộc thiểu số và cả tôn giáo nữa”. Bài học Nam Dương trên bờ vực tan rã đang là một minh chứng.

Tờ báo Pháp Le Monde mới đây cũng đề cập tới “Những giấc mơ độc lập trong vùng Châu Á_ Songes indépendantistes dans l’Asie.” Người ta bắt đầu nói tới manh nha các phong trào đòi độc lập của các sắc dân thiểu số và người Hồi giáo tuy số ít nhưng lại hoạt động rất mạnh ở Á Châu.

Trong cuốn sách “Nổi Dậy Có Nguyên Do_ Rebels With a Cause” Nicholas L. Kittrie đã báo động về một viễn tượng chánh trị toàn cầu trong đó “Tôn giáo quá khích đang có khuynh hướng trỗi dậy với toàn lực. Nguy cơ tranh chấp lớn nhất trong tương lai sẽ xuất phát từ cuồng tín chánh trị tôn giáo.” Hiển nhiên bản chất tôn giáo là tốt đẹp nhưng khi có chánh trị xen vào đều có thể trở thành The “Dangerous Duo” – Bộ Đôi Nguy Hiểm, nghĩa là quá khích đưa tới cuồng tín.

Trong buổi họp trù bị cho Đại Hội Các Sắc Dân Thiểu Số Đông Dương diễn ra tại San Francisco mới đây tưởng chừng như hoàn toàn đổ vỡ vì quan điểm cứng rắn và không tương nhượng của một số thành viên tham dự vốn gốc là các nhà hoạt động FULRO. Họ dứt khoát tuyên bố sẽ không có Đại Hội nếu có thành viên người Việt tham dự – mà mấy khách người Mỹ gốc Việt dự trù được mời là do các công trình nghiên cứu của họ về sử học Đông Nam Á thuộc Đại Học Berkerley.

Và rồi Đại Hội được tiến hành với các đoàn đại biểu quốc tế – nhưng dĩ nhiên là không có mặt một thành viên người Việt nào.

FULRO (Front Unifié de Libération/de Lutte des Races Opprimées – Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng/Đấu Tranh các Sắc Tộc bị Áp Bức) nguyên là phong trào chánh trị hình thành vào thập niên 60 ban đầu chỉ được nhìn đơn giản như sự nổi dậy của các sắc tộc thiểu số Người Thượng trên cao nguyên Trung Phần Việt Nam với tên lãnh tụ là Y Bham nhưng thực ra còn bao gồm cả Mặt Trận Giải Phóng Champa, Mặt Trận Giải Phóng Đồng Bằng Cửu Long – Kampuchea Krom mà bộ óc chỉ đạo thực sự là một người Chăm có tên Les Kosem nguyên là sĩ quan nhảy dù cấp tá rất thân cận với tướng Lon Nol trong quân đội Hoàng Gia Cam Bốt sau đó được vinh thăng lên cấp thiếu tướng. Luận cứ của phe tranh đấu cực đoan cho rằng: “Sự diệt vong của Champa có một nguyên nhân chính yếu là cuộc Nam Tiến của Việt Nam mà thực chất là chánh sách bành trướng và xâm lược”.

Cũng vẫn theo họ thì: “Quốc gia Champa tuy không có tên trên bản đồ thế giới nhưng dân tộc Champa như một đa sắc tộc thực ra vẫn tồn tại; không phải chỉ có những di tích cổ vật bia đá hay những tháp Chàm đổ nát nhưng chính là sự hiện diện của hai cộng đồng nhân chủng rất sinh động:nhóm đầu tiên gồm 300 ngàn anh em Tây Nguyên ở Miền Trung Việt Nam, nhóm thứ hai khoảng 100 ngàn người Chăm ở Phan Rang Phan Rí, 30 ngàn người ở Châu Đốc Tây Ninh và hơn 150 ngàn người lánh nạn ở Cam Bốt Thái Lan.”

(Trên thực tế, chính giới lãnh đạo người Thượng Tây Nguyên hải ngoại không tự nhận họ thuộc Champa mà là một quốc gia riêng có tên là Dega có cờ riêng bốn màu – trên home page, với hình tượng con voi biểu trưng cho sức mạnh và màu xanh của núi rừng, đỏ của máu và đấu tranh, trắng của hòa bình, vàng tròn của công lý và hữu nghị).

Nhưng cũng có những học giả người Chăm đại diện cho khuynh hướng ôn hòa thì lại đưa ra một cái nhìn phân tích rất khác: “Trong suốt quá trình lịch sử từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 19 đã có sự xung đột liên tục trong nội bộ Champa như một liên bang và đây cũng là nguyên nhân đưa vương quốc này tới chỗ tiêu vong.

“Và cũng không thể không nói tới tấn thảm kịch lịch sử: dân tộc Chăm đã là nạn nhân trong cuộc nội chiến giữa người Việt ngay từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh Nguyễn Hoàng phải mở rộng biên giới phía nam để đương cự với họ Trịnh phía bắc; tới thời Nguyễn Ánh chống Tây Sơn vương quốc Champa đã trở thành bãi chiến trường; rồi thời kỳ Lê Văn Duyệt chống lại triều đình Huế dân tộc Chăm bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp của các phe để rồi bị nghiền nát trong những cuộc chém giết ấy bằng một chánh sách đàn áp tàn bạo của vua Minh Mạng (1820-1841) mà người Chăm gọi là Lengka – Đại Đế. Có thể nói năm 1832 vương quốc Champa hoàn toàn bị xóa trên bản đồ.”

Người Chăm ở Miền Trung thực tế nay cũng chỉ còn khoảng 60 ngàn người sống trên một dải đất hẹp khô cằn từ Phan Thiết xuống tới Phan Rí (Bình Thuận) nhưng đông nhất vẫn là ở tỉnh Phan Rang (Ninh Thuận), vùng đất của cát và nắng gió.

Champa nguyên là một vương quốc hùng mạnh với nền văn minh rực rỡ, lãnh thổ kéo dài từ Quảng Bình vào tới gần Biên Hòa, với những đội quân rất thiện chiến đã từng đánh ra tới thành Thăng Long gây khiếp sợ cho vua quan triều đình Đại Việt, họ cũng từng đánh chiếm và tàn phá kinh đô Angkor còn để lại dấu tích trên những phù điêu trong khu đền đài Angkor phục sinh.

Nhưng rồi bằng từng bước Nam Tiến, thế kỷ thứ 11 (1069) triều đại Nhà Lý, người Việt đã vào tới Quảng Bình Quảng Trị, tới thế kỷ 17 (1697) đời Nhà Nguyễn, họ đến gần tiểu vương quốc Panduranga phần đất cuối cùng của vương quốc Champa.

Người Chăm Phan Rang đa số theo đạo Bà La Môn – Chăm Ahier, còn giữ nhiều nét truyền thống của chế độ mẫu hệ, duy trì việc thờ cúng trên các Tháp và có tục hỏa thiêu người chết. Cũng có ít người Chăm Awal hay Bani chịu ảnh hưởng truyền thống Hồi Giáo nhưng khác với Hồi Giáo Muslim của người Chăm Châu Đốc mà họ gọi là Chăm bhrâu (Chăm mới).

Làng mạc của người Chăm Pani Panang (Phan Rí Phan Rang) rất đặc biệt, luôn luôn có hàng rào kín bằng thân cây khô hay tre bao quanh, khoảnh đất quanh nhà thì không trồng cây rất trơ trụi vì tục lệ kiêng cử cho rằng tàng cây che mát có thể là nơi ẩn trú của ma quỷ. Có người tự nhận là am hiểu lịch sử thì lại có lối giải thích khác cho rằng đó như một thứ Ấp Chiến Lược của người Chăm nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập và sát hại của người Việt và sau này thì chính ông Ngô Đình Nhu đã mô phỏng để biến thành một quốc sách.

Phụ nữ Chăm vẫn vận những chiếc váy dài tới gót, không gồng gánh nhưng lại đội trên đầu các om nước và các rổ hàng ra chợ. Miền Trung nhất là Phan Rang còn rất nổi tiếng với những Tháp Chàm cổ như Ba Tháp thế kỷ thứ 9, tháp Po Klong Garai thế kỷ 14, tháp Po Rômê là ngọn tháp cuối cùng vào thế kỷ 17. Di tích các ngọn Tháp cho dù đổ nát và sinh hoạt truyền thống của người Chăm vẫn là những cảnh quan luôn luôn hấp dẫn ống ảnh của du khách.

Ngược dòng lịch sử, trước những tháng ngày vương quốc Champa tiêu vong _ như bắt đầu một chia lìa định mệnh, một số cộng đồng người Chăm vượt dãy Trường Sơn thoát chạy về phía tây phiêu bạt sang các nước như Cam Bốt (Kompong Cham và trên các giồng đất dọc theo con sông Mekong) và Thái Lan (Ban Khrua ở Bangkok, cố đô Ayutthya và cả một khu Chăm bên bờ sông Chao Phraya)... Khi phải lưu lạc sang Xiêm La chính người Chăm đã giúp phát triển lực lượng hải quân của vương quốc này.

Cho tới khi Chúa Nguyễn mở mang đất đai tới Châu Đốc, Thoại Ngọc Hầu được giao trọng trách đào con kinh Vĩnh Tế, thì số người Chăm ở đây được điều động và biên chế thành những đạo quân “Côn Man”. Vốn là những chiến binh giỏi họ rất đắc lực trong việc bảo vệ Thành Châu Đốc đồng thời đóng vai trò đôn đốc tám chục ngàn sưu dân Khmer và Việt gian khổ ngày đêm đào con kinh Vĩnh Tế trong suốt 5 năm trường với rất nhiều tổn hại nhân mạng.

Sau khi con kinh Vĩnh Tế hoàn tất, cả triều đình Huế xem đây như thành quả to tát và để thưởng công cho đám người Chăm này, cũng vẫn vua Minh Mạng đã lại chiêu dụ cấp đất cho họ lập thành 7 làng Châu Giang, Phum Xoài, Lama, Katambong, Tam Hội, Bún Bình Thiên, Đồng Ko Ki (với người Chăm luôn luôn là số 7 có một ý nghĩa truyền thống lịch sử). Sau này thêm làng Đa Phước do dân từ Phum Xoài bên kia sông qua, chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nên còn có tên là Cồn Tơ Lụa_ Koh Kaboăk.

Từ đó tới nay họ vẫn sống khá cách biệt với cộng đồng người Việt và còn giữ được một số nét bản sắc văn hóa Champa nhưng cũng đã khác xa với đồng bào của họ nơi gốc gác quê nhà.

Tuy cùng một nguồn gốc chỉ tách xa nhau chưa đầy 300 năm nhưng họ phát triển theo những hướng khác nhau và cả lắm “dị mộng”. Ngay giữa các cộng đồng người Chăm bhrâu (Chăm Mới) theo đạo Hồi ở Châu Đốc và người Chăm Awal/ Bani theo đạo Hồi ở Phan Rang và người Chăm Ahier theo đạo Bà La Môn đã có những khác biệt và dấu hiệu phân hóa phức tạp_ phản ánh chính xác cái nhìn của chính các nhà sử học Chăm.

Như một sự kiện mới của lịch sử dân tộc Chăm cuối Thế Kỷ 20, cùng với hơn 2 triệu người Việt Cam Bốt Lào đã có khoảng 25 ngàn người Chăm tỵ nạn ở nước ngoài từ sau 1975. Khoảng 20 ngàn người Chăm Hồi Giáo từ Châu Đốc Cam Bốt chọn định cư ở Mã Lai, xứ sở ngay từ đầu mở rộng vòng tay tiếp đón họ. Số còn lại gồm cả người Chăm Phan Rang Phan Rí sang định cư tại các nước thứ ba khác như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại... với danh nghĩa là công dân Việt Nam hay Cam Bốt và đông đảo nhất khoảng 5 ngàn người ở bang California Hoa Kỳ. Họ vẫn sống khá biệt lập với tín ngưỡng và thân tộc của họ.

Cộng đồng người Chăm hải ngoại tuy không phải đa số nhưng được lãnh đạo bởi thành phần có học tốt nghiệp từ các đại học Mỹ Pháp Mã Lai – họ là một tập thể người Chăm đã vượt qua giai đoạn than khóc ai oán tiếc hận vẫn được xem như bản chất người Chăm từ ngày mất nước.

Còn đâu nữa những ngày oai hùng cũ

Khi tháp Chàm ủ rũ dưới màn sương

Từ những cộng đồng rời rạc không vua chúa không người lãnh đạo, cùng nói tiếng Chăm nhưng đã không hiểu được nhau; nay họ trở nên rất sinh động với những ý tưởng mới trong ý hướng phục hưng nền văn minh Champa: nghiên cứu lịch sử và khơi dậy tình tự dân tộc Chăm đi tới thống nhất các cộng đồng người Chăm bên trong cũng như bên ngoài. Đáng kể hơn nữa là họ tạo được mối liên hệ và sự hậu thuẫn của các nước Hồi Giáo giàu có trên thế giới như Ả Rập Sauđi, Ai Cập và gần cận nhất là Mã Lai.

Cũng không thể không nhắc tới Nhật Bản với những ngân khoản tài trợ rất ư là dồi dào và cả Pháp với Trường Viễn Đông Bác Cổ. Cả hai đều muốn có một vai trò trở lại Đông Dương. Riêng Bắc Kinh thì chưa có biểu hiện muốn nhúng tay vào không phải vì muốn một nước Việt Nam bất khả phân nhưng là nỗi e ngại vết thương tự gây ra – self-inflicted injury do các phong trào Hồi Giáo đòi tự trị dai dẳng ngay trong lãnh thổ Trung Quốc từ Tân Cương xuống Vân Nam – không phải mới đây mà là rất sớm đã từng được đoàn thám hiểm Francis Garnier / Doudart de Lagrée ngược dòng sông Mekong khi vào lãnh thổ Trung Hoa ghi nhận cách đây cả hơn một thế kỷ.

Với một hậu phương lớn như vậy, ý hướng phục sinh một quốc gia Champa “ Ngày vinh quang của non nước Chiêm Thành” không phải không được một số ít nhà lãnh đạo militant Chăm một thoáng nghĩ tới.

... Bằng một chiếc ghe chèo len lách giữa các căn nhà nổi và khu nhà nuôi cá bè trên Sông Hậu đối diện với thị xã, Cao tìm tới ngôi làng Chăm Đa Phước còn có tên Cồn Tơ Lụa_ Koh Ka Boaak. Như một định mệnh, một tháp ghép lịch sử_ historic transplant, đã có khoảng 12 ngàn người Chăm sinh sống ở Châu Đốc mà dân địa phương vẫn quen gọi là Chà – vì họ theo đạo Hồi chính thống, rất gần và giống như người Mã Lai.

Họ sinh hoạt khá cách biệt trong những ngôi nhà sàn sạch sẽ và cao ráo, phụ nữ tuy không che mặt nhưng trên đầu có đội khăn rất ít ra ngoài, sống bằng nghề dệt tơ lụa thủ công chủ yếu xuất cảng sang Mã Lai.

Mỗi làng Chăm có một ngôi thánh đường mới với tháp nhọn uy nghi, bên trong rộng thênh thang sáng sủa và không có bày biện bàn thờ hay tranh tượng nào.

Các bậc trưởng thượng trong làng cho biết thánh đường mới xây cất từ 92 do tiền từ nước ngoài gửi về_ từ các Cộng Đồng Chăm Hải Ngoại đang được hậu thuẫn rất mạnh từ các nước Hồi Giáo nhất là Mã Lai.

Hôm đó, nơi ngôi làng Đa Phước lịch sử đầy ắp những hoài niệm của quá khứ, Cao được các vị trưởng lão mời một bữa ăn trên căn nhà sàn bên trong trang trí hoa văn có nét giống Ả Rập. Cũng là lần đầu tiên Cao được dọn cho ăn món đặc sản “tung lamo”của người Chăm – một thứ lạp xưởng bò (người Hồi Giáo kiêng cử thịt heo) hay đúng hơn là dồi thịt bò ướp gia vị trộn với một ít cơm đã được phơi nắng cho lên men. Các khúc dồi được nướng trên than hồng cháy thơm phức, sau đó dọn ra ăn với rau sống khế chua và chuối chát không những là món ăn lạ miệng mà còn rất ngon nữa.

Cũng buổi chiều ngày hôm đó trước khi giã từ ngôi làng Đa Phước, khi bế em bé Karim 3 tuổi với khuôn mặt thật khôi ngô và hiền hòa trên tay – thế hệ người Chăm Thế Kỷ 21 – Thế Kỷ Toàn Cầu Hóa, Cao tự hỏi nếu anh thực sự là một người Chăm không quên quá khứ anh sẽ có mơ ước chọn lựa nào? Quả thật không dễ dàng để có lời giải đáp.

Nhưng dứt khoát bé Karim phải tồn tại để nuôi dưỡng giấc mơ với tấm lòng bao dung rộng mở, làm sao vượt qua được giai đoạn lịch sử đau thương quá khứ, hóa giải những thù hận nghi hoặc của hiện tại để thăng hoa xây dựng cuộc sống hài hòa thịnh vượng trong một sinh cảnh thiên nhiên được giữ gìn tinh khiết. Thế hệ em xứng đáng để có một tương lai như vậy.

Điều ấy không phải đương nhiên mà có được khi trước em vẫn còn một thiểu số tuy rất ít nhưng lại rất năng động tin tưởng ở các thế lực bên ngoài giúp họ hình thành “một quốc gia tự trị” trong “bối cảnh một Việt Nam vỡ ra từng mảnh”_ vẫn là những “lessons unlearned” qua kinh nghiệm lịch sử đắng cay của những người Thượng cách đây hơn một phần tư thế kỷ khi người Mỹ hoàn toàn bỏ rơi họ trên những núi đồi bi thảm.

Ngay hiện giờ thì Cao chỉ có thầm nguyện ước sao cho em không bị lôi cuốn vào những cuộc phiêu lưu đẫm máu để bị nghiền nát trong những tranh chấp mang màu sắc chủng tộc tôn giáo đầy thù hận. Đoạn đường chông gai ấy sẽ không bao giờ có những bước chân em.

Em sẽ được sống hạnh phúc trọn vẹn như một người Chăm trong một thời đại Văn Hóa Hòa Bình – như mơ ước của nhân loại khi bước vào năm đầu tiên của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Giã từ Thế Kỷ 20 có nghĩa là giã từ một nền Văn Hóa Chiến Tranh với chuyển biến cơ bản trong cách suy nghĩ và hành sử của mỗi con người trên hành tinh này, theo đó bất bạo động linh hoạt sẽ thay thế cho võ lực, văn hóa sáng tạo và đối thoại hợp tác sẽ thay thế cho hình thái đấu tranh triệt tiêu lẫn nhau.

Em phải được tồn tại và phát triển để có thể nuôi dưỡng giấc mơ cho tương lai cuộc sống thái hòa trên một vùng đất định mệnh vốn là quê hương chung của trăm họ mà chỉ mới hơn tám ngàn năm trước đây thôi đã là cái nôi của nền văn minh nhân loại.