Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 17)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XXI

TỪ ẤT DẬU – 1945 SÁU MƯƠI NĂM ĐI TỚI CÂY CẦU CẦN THƠ – 2005

La vie humaine commence de l’autre côté du désespoir

Jean-Paul Sartre (Les Mouches, 1943)

Bước đầu xây dựng cầu Cần Thơ

 

Từ Paris bằng chặng đường xe lửa hơn 700 km đi tới một trong những miền đất nổi tiếng của miền Nam nước Pháp đầy tính lịch sử, nơi có nhà thờ Saint Sauveur cổ kính, nơi có Con Đường Cézanne đi về hướng La Montagne Sainte-Victoire đã trở thành bất tử trong bức danh họa đang nằm trong viện Bảo Tàng Luân Đôn mà ông Khắc mới xem trong dịp sang làm việc với đài BBC đầu năm rồi, nơi có cả những cây hồng leo rạo rực hoa đỏ trên những thân mộc già.

Từ bao năm rồi ông Khắc vẫn thích tranh Cézanne. Chuyến xe lửa tốc hành hơn một lần đang đưa ông tới quê hương người họa sĩ tài danh để lại thấy được mặt trời thì đỏ dữ dội trên những mái nhà ngói đỏ, trên những đỉnh đồi và cả trên mặt biển Địa Trung Hải, để sống lại những cảm xúc thị giác mà Cézanne đã chuyển thành hình khối với “màu sắc là nơi mà tâm hồn và vũ trụ đã kết hợp hài hòa”. Ảnh hưởng cùng một lúc trên nhiều trường phái: ấn tượng, dã thú, lập thể, sau Cézanne thì hầu như tất cả những họa sĩ lẫy lừng của thế kỷ 20 như Matisse, Dufy, Braque, Chagal, Picasso... đều tới đây tìm cảm hứng và sáng tạo nên những tác phẩm để đời.

Khí hậu Địa Trung Hải vào mùa Thu trời vẫn chan hòa nắng ấm và long lanh như ngọc. Thời gian sống ở Aix-en-Provence là những tháng ngày có thể coi là hạnh phúc nhất của ông Khắc. Ngày hai buổi đều đặn cho dù thời tiết thế nào, ông đi bộ từ căn phòng thuê tới thư viện – Khu Văn Khố Đông Dương, đằm mình vào đống tài liệu chuẩn bị cho cuốn sách Cahier d’Asie du Sud-Est mà ông Khắc dự định sẽ cho in trước ấn bản tiếng Việt vào dịp Tết Nguyên Đán Canh Thìn năm 2000.

Mỗi ngày là một ngày mới và không ngày nào mà không là ngày hạnh phúc tuyệt vời. Cho dù đã ở khá xa cái tuổi cổ lai hy, ông Khắc thấy mình như trẻ lại đang sống đời sinh viên. Giữa tràn ngập sách vở và tư liệu dồi dào, với ông thì Aix-en-Provence như một thiên đường cho nhà nghiên cứu về Việt Nam trong giai đoạn Pháp Thuộc.

Tình cờ gặp lại Duy và Bé Tư trong dịp hai người sang dự Đại Nhạc Hội chào mừng “Một Thế Kỷ Âm Nhạc” đón Thiên Niên Kỷ Mới, hôm nay tự thưởng cho mình một ngày nghỉ, ông Khắc rủ hai người bạn trẻ tới Le Bistro Latin ăn trưa – không chỉ vì thức ăn ngon như món risotto scampi có chút hương vị Ý mà ông Khắc rất thích nhưng còn vì giá cả phải chăng 89 quan đồng hạng cho mỗi bữa ăn gọi là bình dân nhưng đã là đắt với túi tiền của một lão sinh viên như ông Khắc.

Lúc chia tay, cả Duy và Bé Tư cùng nắm tay ông Khắc mời dặn thiết tha: “Bận gì anh cũng phải về Tây Đô dự đám cưới tụi em!” Ông Khắc cười trấn an: “Về chứ, làm sao có thể vắng mặt trong một đám cưới của Thế Kỷ.”

Cao và Điền trước đó cũng đã gửi vé máy bay cho ông về dự cuộc Hội Thảo về Môi Sinh Sông Mekong mà chủ lực là các thành viên của Nhóm Bạn Cửu Long lần đầu tiên tổ chức trong nước nhân dịp Lễ Động Thổ xây Cây Cầu Cần Thơ – tất cả như một kết hợp tình cờ cùng diễn ra trong tuần lễ đầu tiên của tháng 8 năm 2000.

SỔ TAY NHÀ BÁO [1]

Buổi sáng sớm như thường lệ, trước khi xuống đường ông Khắc ngồi trước máy điện toán lướt qua địa chỉ trang nhà của một số tờ báo quen thuộc. Tin của tờ báo Nhân Dân trong nước sáng nay khiến ông Khắc chú ý và dừng lại đọc:

“Ba năm sau ngày Việt Nhật ký kết dự án cầu Cần Thơ, ngày 04 tháng 10 năm 1999, đoàn đại diện Công Ty Nippon đã tới làm việc với Ủy Ban Nhân Dân hai tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ để chuẩn bị cho đợt khởi công vào tháng 8 năm 2001 và hoàn thành vào tháng 4 năm 2005. Cây cầu sẽ cách phà Cần Thơ hiện nay khoảng 3km phía hạ lưu ngang Cồn Âu, nối với Quốc Lộ 1 phía Vĩnh Long tại cây số 2061 qua Cái Vồn - Bình Minh và đầu kia phía Cần Thơ tại cây số 2077 thuộc khu du lịch Ba Láng. Cầu dài 2615m, sẽ là cây cầu dây căng dài nhất Việt Nam có độ tĩnh không cao 39.1m, mặt cầu rộng 24.9m với toàn công trình có chiều dài hơn 15km.”

Như một sự thực hiển nhiên, trong Thế Chiến Thứ Hai Nhật đã gây không ít tang thương đổ vỡ: thảm sát Nam Kinh, nạn đói Ất Dậu... đã làm chấn động lương tâm của chính nhân dân Nhật và họ đang phải trả giá. Sau đập Thủy Điện Đa Nhim công suất 160 ngàn KW ở Đà Lạt vào những năm 60 với ngân khoản 39 triệu đôla, nay tới Cây Cầu Cần Thơ bắc qua Sông Hậu với kinh phí lên tới 249 triệu đôla cũng do Nhật tài trợ không hoàn lại, như khoản bồi thường chiến tranh khác.

Phải chăng đó là cái giá cao nhất mà người Nhật muốn đền bù cho ngót hai triệu mạng người Việt chết oan khiên năm Ất Dậu.

Nhưng quan trọng hơn cả bồi thường là “sự thật lịch sử nạn đói năm Ất Dậu là thế nào?” Theo ông Khắc thì không thể nhìn nạn đói 1945 một cách riêng lẻ với 2 triệu người Việt Nam chết mà phải xem xét tấn thảm kịch trong bối cảnh Đông Dương lúc đó với cả người Pháp và Nhật cùng hiện diện.

Những tưởng rằng từ 1945 hai triệu người Việt ấy đã vĩnh viễn nằm xuống nhưng không họ đã gượng dậy âm thầm đi thêm một chặng đường dài 60 năm để hoàn tất điểm nối cuối cùng trên Con Đường Thống Nhất sau khi hoàn tất cuộc Nam Tiến.

Cứ như bên tháp Babel, rồi ra tùy theo tâm cảnh mỗi người cây cầu Cần Thơ sẽ mang những tên gọi khác nhau: cầu Ất Dậu cho những ai không quên được quá khứ như với ông Khắc, cầu Hữu Nghị Việt Nhật cho chánh quyền hiện tại và là cây cầu Thống Nhất cho những tấm lòng mong mỏi hướng về tương lai.

Sau 1975, một phần tư thế kỷ đã qua mà vẫn chưa làm xong một con đường chạy xuyên suốt chiều dài đất nước và lòng người thì vẫn cứ vỡ ra từng mảnh.

ÔNG KHẮC VÀ BỘ NHỚ VỀ NẠN ĐÓI ẤT DẬU

Lúc đó ông Khắc đang sống ở Hà Nội, bố dạy trường Bưởi, mẹ thì trông coi hiệu sách ở Tràng Thi; ở cái tuổi 16 chưa thành người lớn nhưng cũng đã qua thời trẻ con tuy chưa gánh vác được gì nhưng lại đủ lớn để cảm nhận và nhớ như in những gì xảy ra trong sáu tháng đầu của năm Ất Dậu ấy.

Lúc đó tự thấy sách vở không ích gì cho buổi ấy, ông Khắc đã sớm rời gia đình ở cái tuổi 17 đi theo người chú làm cách mạng. Người mà ông ngưỡng mộ như một thần tượng ấy gốc Quốc Dân Đảng, sau đó bị mất tích trên đường sang Côn Minh. Có lẽ ông bị Việt Minh bắt và thủ tiêu sau đó.

Tuổi 30 từ Bắc di cư vào Nam với mấy chục năm làm báo không ngưng nghỉ, bằng những phấn đấu tự bản thân, ông Khắc đã trưởng thành trong nghề nghiệp, đã vươn lên vị trí hết sức được kính trọng không chỉ bằng các bài báo mà qua cả nhân cách – vì thế mà ông rất được yêu mến và được các nhà báo trẻ gọi ông là “nhà báo của các nhà báo”.

Năm 1975, hiểu biết Cộng Sản không ai hơn ông vậy mà ông Khắc quyết định ở lại để rồi sau đó là 14 năm tù đầy – tuy không đảng phái nhưng ông Khắc cũng cứ nghiễm nhiên được gắn cho cái nhãn hiệu Việt Quốc do thời gian theo chân ông chú. Qua bao nhiêu đầy ải vẫn như một cây tùng trước bão, ông vững vàng qua cơn bão táp. Ra được tới ngoài này, ông Khắc không thể không ngạc nhiên về sách vở chữ nghĩa ở hải ngoại. Cả đất nước vừa trải qua những kinh nghiệm kinh hoàng vết thương nào cũng còn rướm máu, vậy mà làm sao người ta vẫn có thể viết hay vẽ như trước đây được nữa. Dĩ nhiên là vẫn cứ phải viết nhưng làm sao mà tránh được thứ ngôn ngữ bầm dập cùng với nỗi bầm dập đầy ải của con người. Viết trong hoàn cảnh cực đoan như thế đã trở thành một thách đố và chữ nghĩa đã trở thành những mũi tên đánh động khiêu khích ngay với chính người đọc_ là đồng bào mình cả bên trong lẫn bên ngoài.

SỔ TAY NHÀ BÁO [2]

Kinh Nghiệm Pháp. Với trong tay tập tài liệu “Témoignages et documents francais relatifs à la colonisation francaise au Vietnam, 04/1945”, như một flashback, ông Khắc bỗng chốc sống lại những ngày tháng của năm Ất Dậu _ nhưng lần này với mắt nhìn của người Pháp.

... “Họ đi thành hàng dài bất tận gồm cả gia đình, đàn ông đàn bà, già lão có, trẻ con có, người nào người nấy cũng rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ để trơ những bộ xương run rẩy, ngay cả những thiếu nữ đang ở tuổi dậy thì lẽ ra đẹp đẽ và e thẹn thì cũng chẳng hơn gì. Thỉnh thoảng họ dừng lại để nếu không là vuốt mắt cho một người trong bọn vừa ngã xuống thì cũng cố lột cho được miếng rẻ rách còn che trên thân người mới chết đó. Chứng kiến những hình người xấu xí hơn cả những con vật xấu nhất , nhìn thấy những xác chết nằm co quắp bên lề đường chỉ có chút rơm che thân thay cho tấm vải liệm, người ta lấy làm tủi hổ thay cho cái kiếp con người”.

... “Nạn đói khủng khiếp năm 1944-45 đã làm chết 2 triệu người Miền Bắc từ Quảng Trị trở ra, là hậu quả không thể tránh khỏi của một chánh sách nhằm hai mục đích:

_ Về chánh trị là làm chết đi một bộ phận quan trọng dân chúng và nhấn chìm số còn lại trong nạn đói, đó là cái dây thắng hữu hiệu để hãm bớt nhiệt tình yêu nước mà Thống Sứ Bắc Kỳ Chauvet đã thấy rõ.

_ Về kinh tế là cho phép các công ty Pháp Nhật (Denis Frères, Mitsubishi...) độc quyền thu mua và tích trữ hàng triệu tấn gạo với giá rẻ mạt. Cũng bằng cách ấy họ dễ dàng tuyển mộ những cu ly bản xứ cho các đồn điền cao su và hầm mỏ sang Tân Thế Giới ...”

Kinh Nghiệm Nhật Bản. Người Pháp ở Đông Dương từ bấy lâu đang ở vị trí chủ nhân ông với tất cả quyền uy bỗng một sáng chiều đối diện với Nhật – L’ Indochine francais en face du Japon / Gaudel đã mau chóng trở thành công cụ tay sai của người Nhật.

Sách Giáo Khoa cho học sinh Nhật Bản trước đây khi viết về Thế chiến Thứ Hai phần liên hệ tới Á Châu đã cho rằng: “Nước Nhật đưa quân vào Á Châu không phải với mục đích xâm lược cướp bóc mà là để giải phóng nhân dân các nước Châu Á khỏi ách nô dịch Da Trắng”. Đó cũng chính là thuyết Đại Đông Á mà Nhật không ngừng tuyên truyền với chính dân Nhật và cả trước dư luận thế giới.

Nhưng qua cái nhìn phản tỉnh của những người Nhật lương tâm thì lại rất khác như Katsumoto Saotome trong cuốn “Ký Lục Nạn Đói Hai Triệu Người Chết ở Việt Nam”, như Furata Moto thì đang cặm cụi đi tìm ý nghĩa lịch sử của nạn đói Ất Dậu trong bối cảnh lịch sử cận đại Việt Nam qua những nhân chứng còn sống sót, như Yoshizawa Minami trong tập tài liệu “Chiến Tranh Châu Á Trong Tiềm Thức của Chúng Ta” cũng đã nhận định:

...“Tình hình khu vực Việt Nam thật đặc biệt do sự có mặt thường xuyên của 80 ngàn quân ta và 200 ngàn lực lượng hậu cần đã khiến tình trạng kinh tế ở đây hỗn loạn đến cực độ...”

... Đông Dương có vị trí then chốt đối với Nhật Bản về lương thực. Ngoài lượng gạo nhập khẩu vào Nhật, quân đội Nhật còn rất cần một trữ lượng gạo lớn lao để tiếp tế cho các mặt trận đang lan rộng ra khắp Á Châu và khu vực Thái Bình Dương. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây nạn chết đói cho 2 triệu người Việt năm 1945.

… Cũng không thể không nhắc tới sự kiện quân Nhật đã dùng lúa thu mua vội ở Miền Nam đốt thay than để sản xuất điện lực tại các cứ điểm chiến lược trọng yếu vì không vận chuyển than tới kịp thời.

... Cảnh người Việt chết đói la liệt ngay bên ngoài những kho thóc của người Nhật chất cao như núi chưa dùng tới và bỏ cho mục nát là điều được chính nhân chứng Kawai người Nhật, viên quản lý kho lúa gạo ở Nam Định kể lại: “Tại một khu nhà thờ Thiên Chúa giáo, gạo chứa đầy ắp trong kho, lại thấy người chết đói ngã lăn dọc đường suốt từ Nam Định lên tới Hà Nội, tôi đã cố thuyết phục tùy viên kinh tế của Đại Sứ quán Nhật mở các kho gạo đó nhưng họ không nghe...”

Tưởng cũng nên nhắc lại là người nói điều nhân nghĩa trên cũng là tác giả của câu nói để đời: “Bọn người Việt đều là kẻ ăn xin”.

Nạn đói 1945 chỉ là hậu quả tất nhiên của chính sách tàn bạo của Nhật trong khắp vùng Á Châu Thái Bình Dương, chủ trương cai trị bằng cách gây khiếp sợ. Câu chuyện lính Nhật treo cổ người đói cướp xe lúa, mổ bụng ngựa để nhét một phụ nữ Việt Nam vào khâu lại đem chôn sống vì tội danh đã trộn mạt cưa vào cám làm ngựa chết, tất cả không phải là giai thoại mà là tấm gương chính người Nhật muốn rêu rao để răn đe dân chúng bản sứ.

Kinh Nghiệm Việt Nam. Khái Hưng, báo Bình Minh, 12-04-1945 đã viết về “Mưu Sâu Của Thực Dân Pháp Ở Xứ Này”:

... “Trong toa hạng nhất, ngồi đối diện với chúng tôi là 2 người Pháp. Họ đàm thoại với nhau:

_ Đó là môn thuốc hiệu nghiệm để giữ trị an cho xứ này.

_ Phải, phải lắm... nếu dân chúng nó sung túc thì chúng nó chỉ nghĩ làm giặc, nhàn cư vi bất thiện mà !

_ Đúng ! Thỉnh thoảng cũng phải mất mùa vỡ đê đói kém cho chúng nó phải khó khăn xoay sở cái ăn cái mặc, cho chúng nó chỉ đủ thì giờ nghĩ đến sống mà không có cuồng vọng phản đối chúng ta...”

... Tô Hoài trong “Chuyện cũ Hà Nội” nói về cảnh đói 1944-45 đã phải thốt lên _ Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được, khủng khiếp quá. Trong khi bên ngoài Hà Nội người chết đói như rạ, thì người dân trong thành phố bị khủng khiếp xanh mặt về nạn đói. Cái lý do dân Hà Nội chưa phải chết đói vì cả Pháp Nhật đều muốn che mắt thế giới, muốn giữ tươi tỉnh bộ mặt phố xá nên họ được đong gạo bông. Cảnh chết đói thê thảm là do những đoàn người đói từ các nơi ngoại thành kéo về cho dù cả đội xếp Pháp và lính Nhật hết sức đánh đuổi nhưng không xuể, họ vào được thành phố để rồi chết la liệt trên các vỉa hè. Suốt ngày đêm chỉ có những chiếc xe kéo xác lầm lũi đi qua.

... Rồi Võ An Ninh qua “Ống Kính Nhà Nhiếp Ảnh đã chụp lại những thảm cảnh của nạn đói từ tháng Giêng tới tháng Sáu năm 1945”, cho dù ở đâu và lúc nào ai xem những tấm hình ấy cũng chỉ để mà khóc, đau thương và uất hận và không bao giờ quên. Chỉ thấy xác là xác, nếu chưa chết thì cũng chỉ là chiếc xác còn biết đi như những bóng ma. Người đàn bà sắp chết đói đẻ rớt con trên đường, nhìn xác con đỏ hỏn cũng chẳng còn sức và nước mắt đâu để thương sót vì biết chính mình cũng chết sau đó. Từ những tấm hình chụp giữa thủ đô Hà Nội mà cũng nồng lên mùi hôi thối của xác chết và cả của người còn sống. Ngày đêm những chuyến xe bò âm thầm đi nhặt xác để chở xuống nghĩa trang Hợp Thiện đổ xác người như đổ rác vào những hố chôn tập thể.

.... Văn Cao chứng kiến cảnh tượng não lòng ấy đã viết nên những lời thơ ai oán trong “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”:

Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường

Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế

Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây

Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy

... Một nhà báo từ Sài Gòn – Những năm 1944-45 phương tiện truyền thông rất ư là hạn hẹp, lại thêm ảnh hưởng chiến tranh Mỹ Nhật, nên cho dù nạn đói đã xảy ra ở miền Bắc mà không vang ngay tới Sài Gòn. Mãi tới khi có một thanh niên tên Chu Hương Mậu một thân một mình lặn lội đường bộ đem vô được xấp hình cảnh đói. Tôi thực hiện cuộc phỏng vấn và đăng tít lớn ngang trang nhất trên một Nhật Báo (chủ nhiệm: ông Tín Đức Thư Xã) với đầy đủ hình ảnh. Tập hình đã là động cơ thức động tâm tư nhiều người và được làng báo hưởng ứng. Phong Trào Cứu Đói mở rộng_ được sự tiếp tay của một số trí thức, giới kinh doanh và dân chúng. Lạc quyên được rất nhiều và bắt đầu ngay các chuyến gởi gạo ra Bắc bằng thuyền, chỉ một số rất ít bằng đường bộ – không có vụ chở gạo bằng đường xe lửa vì thiết lộ đã bị cắt và máy bay Mỹ thì oanh tạc dữ dội. Cho dù bằng ngả đường nào thì áp tải theo những bao gạo ấy là những thanh niên không chỉ có lòng vị tha mà còn vô cùng can đảm và cả chịu hy sinh nữa... Nhưng rồi cũng thật đau lòng khi được biết là đã không một thuyền gạo nào tới miệng người đói: do bị bom dọc đường, bị Nhật tịch thu và cả tổ chức đón nhận kém, còn bao nhiêu tiền bạc thì cuối cùng bị trưng thu vào quỹ kháng chiến sau đó. Qua vụ cứu đói Ất Dậu, kinh nghiệm làm báo đầu đời cho tôi thấy: cầm bút hô hào khác xa với thực tại của sự việc.

... Nhân chứng nhà họ Vũ – không ai khác hơn là Vũ Kiên thuộc Viện Sử Học Hà Nội. Thái Bình thuộc Châu Thổ Sông Hồng là tỉnh điển hình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất. Là một tỉnh đất chật người đông cũng là cái nôi của nhiệt tình cách mạng. Họ Vũ chúng tôi số gia đình cũng nhiều, số miệng ăn cũng đông mỗi nhà chỉ có vài sào ruộng đất công. Giàu nghèo trong làng chẳng khác biệt bao nhiêu, gặp thiên tai dịch hạn mất mùa thì “nhà giàu được ăn cháo đặc thì chúng tôi ăn cháo loãng độn với củ chuối và rau” nhưng tới năm Dậu 1945 thì vấp phải nạn đói khủng khiếp quá. Bảo rằng do thiên tai thì cũng có, ruộng lúa cấy mới trổ đòng đòng thì buổi sáng dậy đã thấy cả cánh đồng trắng xóa do bị rù – sâu rầy . Chuyện thiên tai hạn dịch qua suốt lịch sử lúc nào mà không có nhưng nay dân còn bị cưỡng bức nộp hết lúa gạo tới cả những đấu cuối cùng vốn chỉ để tích cơ phòng hàn, đã thế còn bị quân Nhật bắt phá ruộng ngô khoai để trồng đay, khiến lương thực hoa màu hoàn toàn cạn kiệt.

Cho dù có tinh thần lá lành đùm lá rách nhưng chẳng còn gì để mà chia xẻ. Riêng gia đình tôi chín người ngoài bố mẹ còn có năm anh em và hai đứa cháu. Không muốn là gánh nặng thêm cho gia đình đang túng đói, tôi xin phép bố mẹ liều thân bỏ làng ra Hà Nội tìm đường sống. Tôi không bao giờ quên cái hình ảnh khắp các đường ngang ngõ xóm trong ngoài làng nơi nào cũng nhan nhản những xác chết đói khô héo. Ra tới Hà Nội, không phải đã hết thấy cảnh người chết đói. Tôi đã phải đi ở, làm thuê bán bánh mì bán báo làm bất cứ việc gì chỉ để kiếm sống. Đến lúc Pháp đánh Hà Nội, tôi gia nhập Tự Vệ Thành, cho tới khi trở về làng thì gia đình đã chẳng còn ai nữa.

Sau đó Kiên vào Bộ Đội trong suốt 9 năm Kháng Chiến Chống Pháp, được kết nạp Đảng Cộng Sản trước ngày kết thúc trận Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, do công trạng và có trình độ, Kiên được cử đi Liên Xô học, có bằng tiến sĩ sử học, trở về nước và trở thành một trong số ít trụ cột của Viện Sử Học Hà Nội, Kiên có mối liên hệ rất thân cận với Tướng Võ Nguyên Giáp mà báo Pháp mệnh danh là Nã Phá Luân Đỏ – Napoléon Rouge.

Ở nơi chân trời góc biển Aix-en-Provence này ông Khắc đã gặp Kiên. Như một saga novel, bản thân mỗi người đã đi qua những những biến cố lịch sử bằng những ngả đường khác nhau, rồi như một may mắn tình cờ và cũng rất hiếm hoi, cả hai còn sống sót, còn được gặp lại nhau nơi đây ở những năm muộn màng của đời người, để cùng đi tìm ý nghĩa về những Kinh Nghiệm Việt Nam với rất nhiều mảng tối cần được chiếu dọi.

Phải chờ tới hơn 40 năm sau Nhân Văn Giai Phẩm, Kiên mới cảnh tỉnh và chọn con đường phản kháng trong một chuyến ra nước ngoài. Được hưởng quyền tỵ nạn chánh trị lại cả được một năm trợ cấp của Hội Đồng Văn Hóa Âu Châu để làm việc tại Aix-en-Provence cho một đề tài nghiên cứu tùy nghi. Kiên không tệ đến nỗi về hùa để hãm hại các bạn cầm bút của mình nhưng cũng đã rất khôn ngoan giữ im lặng. Nỗi oan khiên của Kiên bây giờ là vẫn bị một số người bên ngoài tàn nhẫn nhìn như một thứ quạ đen cơ hội, bấy lâu xấu xí nay thì lại muốn trở thành những cánh én cho một mùa Xuân muộn màng. Đâu phải tới bây giờ những người như Vũ Kiên và mấy ông đảng viên trên 30 năm tuổi đảng ấy mới biết điều sai trái. Chẳng qua _ nói theo kiểu Nguyễn Tuân là bấy lâu họ đã biết sợ để sống còn. Và nay thì lại là những con chuột khôn lanh đang tìm cách thoát chạy ra khỏi con tàu đắm.

Nạn đói Ất Dậu vẫn còn là một vấn nạn. Cố thổi phồng tấn bi kịch hay giả bộ làm ngơ là hai khuynh hướng có thật và dễ thấy. Đổ hết tội lên đầu người Nhật là không đúng khi mà bộ máy cai trị Pháp lúc đó vẫn còn hiện diện. Đổ lỗi cho Mỹ và Đồng Minh oanh tạc cắt hết đường tiếp tế gạo từ Nam ra Bắc cũng không đúng khi mà vẫn có gạo chuyển được từ Sài Gòn ra tới Nam Định chất vào các kho thành núi chưa dùng tới. Thiên tai mất mùa là có thật nhưng làm sao mà giải thích được cảnh la liệt người chết bên những kho thóc gạo của Nhật còn đầy ắp? Và cũng đâu phải không còn kho thóc nào của người Việt ngay giữa trung tâm nạn đói như qua câu nói của một nhân chứng người Thái Bình: “Trong nhà còn nhiều thóc, nếu bà cụ moa không...”

HỘI NGHỊ MÔI SINH ĐÔNG NAM Á

Hội Nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Đô Cần Thơ nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long gồm các nước thành viên của Ủy Hội Sông Mekong_ Mekong River Commission. Đã qua giai đoạn nói về Con Sông Mekong Trước Những Nguy Cơ mà tiến thêm một bước nữa là Hợp Tác Môi Sinh và Phát Triển với ba chủ đề lớn: (1) Bảo vệ phẩm chất nước, (2) Quản lý nguồn nước và (3) Ứng dụng kỹ thuật sinh học trong nông tác.

Những ngày trước Hội Nghị, Cao và Hộ đã cùng tiến sĩ Chamsat thuộc Đại Học Thammasat Bangkok, có thêm 1 Tùy Viên Kinh Tế của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Thái Lan đi quan sát thực địa _ field trip để chọn địa điểm cho trạm EcoWatch xa nhất đầu tiên nơi thượng nguồn trong Hệ Thống Thăm Dò Môi Trường EMS (Environnmental Monitoring Systems) thuộc Lưu Vực Sông Mekong.

Qua ảnh hưởng của Cao, Hộ đã hết sức thuyết phục ông Ngoại Trưởng đi tới chấp nhận một quan niệm mới về vai trò của các Tùy Viên Kinh Tế nơi các Tòa Đại Sứ bao gồm cả chức năng Tùy Viên Môi Sinh, ít ra bước đầu là tại các nước thuộc Lưu Vực Sông Mekong.

Bản Houei Sai do nằm sát biên giới Hoa Lào, ngay dưới Khu Kỹ Nghệ Vân Nam, theo Cao sẽ là địa điểm lý tưởng của tiền trạm EcoWatch xa nhất khoảng 2000km cách Đại Học Cần Thơ.

Bản Houei Sai nơi xưa kia trước 1954 từng là tiền đồn Carnot của Pháp nay còn lại là mấy cỗ súng cối hoen rỉ theo khí hậu và thời gian. Houei Sai nay là thị trấn thương mại phát triển bên sông Mekong, nơi có một ngọn đồi là Chùa Phật, trên một ngọn đồi khác trước đây là khu bệnh xá của Tom Dooley. Bản Houei Sai không chỉ buôn bán với thị trấn Chiang Khong bên kia sông Mekong mà còn là nơi tàu bè lớn từ Trung Quốc ghé qua trên đường xuống Louang Prabang và Vạn Tượng. Những cửa hiệu mọc lên như nấm và tràn ngập hàng hóa Made in China. Từ năm 1997 đã có dự án một cây cầu biên trấn bắc qua sông Mekong từ Bản Houei Sai sang Chiang Khong Thái Lan nhưng tất cả đã bị khựng lại do cơn khủng khoảng kinh tế Á Châu.

Cái Giá của Ô Nhiễm, đó là đề tài thuyết trình của Cao tại Hội Nghị Cần Thơ và Làm Sao Bảo Vệ Nguồn Nước Trong Lành.

-- Vào những năm 50 ở Nhật, dân làng Minamata bỗng nhiên chứng kiến một hiện tượng lạ: những con mèo bắt đầu nhảy múa điên cuồng lên cơn co giật rồi sau đó là chết. Sau mèo, tới người, phụ nữ sinh ra quái thai, trẻ sinh ra sống sót thì cũng bị những dị tật bẩm sinh và chết dần.

Bất ngờ và quá trễ để mà ngăn ngừa tấn thảm kịch môi sinh của thế kỷ ấy: bấy lâu công ty hóa chất Chisso đã đổ các chất phế thải kỹ nghệ có thủy ngân xuống vịnh Minamata, tạo ra một chu kỳ nhiễm độc trước hết trên các loại rong tảo tôm cá; tiếp theo là các động vật như mèo và dân cư sống trong vùng bị nhiễm độc gián tiếp do ăn phải những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân rất cao ấy.

Tang chứng thì đầy rẫy vậy mà Chisso vẫn khăng khăng không nhận trách nhiệm.

Mãi cho tới khi xuất hiện những tấm ảnh của Eugene Smith chụp năm 1972 gây xúc động và kinh hoàng cho toàn thế giới.

Tomoko Uemura – như một điển hình, một thiếu niên 17 tuổi tại làng Minamata ngay từ lúc sinh ra đã mù lòa câm điếc co quắp biến dạng không còn là hình người – Tomoko sống như cây cỏ, hoàn toàn trông nhờ vào bà mẹ tâm hồn thì đẹp đẽ và vô cùng ẩn nhẫn nhưng cũng rất can trường phấn đấu cho nhân phẩm và sự sống còn của đứa con. Tomoko được mẹ bón cho từng miếng ăn được vệ sinh tắm rửa trong suốt từng ấy năm cho tới ngày cuối cùng. Điều đáng nói là cha mẹ Tomoko cũng như bao nhiêu dân làng khác trước đó đều khỏe mạnh.

Cuối cùng thì công ty hóa chất Chisso dù bất ưng cũng phải đứng ra nhận trách nhiệm và chịu tẩy rửa cả con vịnh.

Phải hơn nửa thế kỷ sau – 1997, nước trong vịnh Minamata mới được coi như trở lại trong lành nhưng những nạn nhận như Tomoko thì chết trước đó đã 20 năm rồi.

No More Minamata – Nhắc lại tấm thảm kịch ấy như điều tâm niệm của mỗi người dân đang nơi Lưu Vực Sông Mekong, khi mà mỗi ngày chúng ta phải sống với đủ loại nước thải đổ xuống từ các khu kỹ nghệ khổng lồ Vân Nam và cả từ Thái lan.

Ngay sau đó là câu hỏi đặt ra trước Hội Nghị:

-- Vấn đề nêu ra quá lớn và liệu sức chúng ta làm được gì? Ngăn Trung Quốc không xây chuỗi 8 con đập bậc thềm Vân Nam là không thể được rồi, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hoàn thành kế hoạch của họ. Là các quốc gia hạ nguồn, chúng ta chỉ còn cách phòng ngừa qua ba giai đoạn. Primary Prevention là bước phòng ngừa tích cực tốt nhất ngăn chặn sớm ngay từ gốc nguyên nhân, nhưng chúng ta đã bị động không làm được gì, cả không được quyền dòm ngó vào các nhà máy kỹ nghệ Vân Nam. Secondary Prevention là bước phòng ngừa thứ hai nhằm phát hiện được sớm nhất dấu hiệu suy thoái để kịp báo động ngăn chặn, đây không phải thượng sách nhưng là điều chúng ta còn có thể làm – đây là chủ đề mà tôi sẽ đào sâu trong kế hoạch lập Mạng Lưới Thăm Dò Môi Sinh. Tiertiary Prevention là bước thứ ba cũng là tệ hại nhất tức là để cho thảm họa đã xảy ra như tấn bi kịch môi sinh Minimata phải trả giá bằng bao sinh mạng và nỗi khổ của con người, sau đó phải cần cả một tài nguyên khổng lồ để sửa sai lỗi lầm.

-- Thực hiện Phòng Ngừa Thứ Cấp chúng ta có khả năng theo dõi độ thải và mức di chuyển của ô nhiễm từ các nhà máy Trung Quốc bằng sử dụng những máy thăm dò đặt tại các Trạm Sinh Thái / EcoWatch ở các địa điểm khác nhau nơi hạ nguồn. Vào đầu những năm 60, tiến sĩ Leland Clark đã sáng chế ra một màng điện cực có khả năng đo nhanh và chính xác độ oxy hòa tan trong nước. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi ở Mỹ và sau đó lan rộng ra nhiều nước kỹ nghệ phát triển với kết quả là gia tăng bảo vệ được phẩm chất những nguồn nước trong lành.

Tiến xa hơn nữa, các nhà môi sinh cho rằng theo dõi một hay hai thông số _ parameters là không đủ nên đã có một dụng cụ mới có khả năng theo dõi cùng một lúc nhiều thông số trong một thời gian liên tục (long-term multi-parameters monitoring).

-- Là dụng cụ gọn nhẹ – a compact sonde có khả năng thử và đo đạc nước trong các môi trường rất khác nhau: nước ngọt, nước mặn và cả nước ô nhiễm, đo cùng một lúc 9 thông số như: độ pH, nhiệt độ, độ mặn – salinity, độ đục – turbidity, độ dẫn – conductivity, độ oxy hòa tan – Dissolved Oxygen DO, bao gồm cả ammonia, nitrate, tiềm năng khử oxy – Oxygen Reduction Potential ORP và cả độ sâu – non-vented depth.

Các dữ kiện trên có thể chuyển qua một máy điện toán PC nhỏ dùng EcoWatch for Windows.

-- Lấy mẫu nước mỗi tháng để thử là phương pháp lỗi thời có thể đưa tới lượng giá sai lạc tình trạng suy thoái của nguồn nước vốn luôn luôn biến động. Được thay thế bằng kỹ thuật Thu Thập Dữ Kiện Chính-Thời (Real-Time Data Collection) có khả năng phát hiện rất sớm chất ô nhiễm trong nước.

-- Bước đầu cơ bản sẽ lập 6 Trạm Sinh Thái : trạm xa nhất đầu tiên sẽ là Bản Houei Sei Bắc Lào sát khu kỹ nghệ Vân Nam, một trạm Kratie dưới Thác Khone biên giới Lào Cam Bốt, hai trạm Tân Châu / Sông Tiền, Châu Đốc / Sông Hậu sát biên giới Việt Cam Bốt và cuối cùng là hai trạm hạ lưu nơi cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ với thêm chức năng triều ký. Các dữ kiện thu thập từ các trạm EcoWatch được chuyển về Khoa Môi Sinh thuộc các Đại Học Cần Thơ Việt Nam, Đại Học Hoàng Gia Cam Bốt, Đại Học Vạn Tượng Lào và Đại Học Thammasat Thái Lan. Xa nhất là Đại Học Cần Thơ cách trạm Bản Houei Sai tới cả 2 ngàn km phía thượng nguồn _ một khoảng cách không có nghĩa lý gì với máy điện toán qua mạng lưới Internet. Các chuyên gia môi sinh thuộc các Đại Học sẽ phân tích và tổng hợp những dữ kiện của các Trạm Sinh Thái để kịp thời báo động cho toàn vùng và đề ra phương pháp giải quyết.

-- Vài ý nghĩa về các thông số ứng dụng trong EMS: như độ pH của dòng sông Mekong bình thường là 7.0. Nếu vì lý do gì như do chất phế thải kỹ nghệ mà độ pH xuống thấp hơn 5.0 _ acid hay cao hơn 9.0 _ kiềm thì tôm cá sinh vật trong nước có thể bị tiêu diệt tùy theo loại. Đối với các chất hữu cơ hòa tan do ô nhiễm, thì thay vì độ oxy hòa tan DO trong nước thông thường vào khoảng 7.5 đến 8.0 mg/L, nếu xuống thấp hơn 6.5 mg/L sinh vật trong nước có thể đã bị chết ngộp. (Ví dụ một vài nơi trên sông Sài Gòn, DO đã xuống thấp hơn 3.5, có nghĩa là chẳng còn giống tôm cá nào sống trong nước nữa).

Còn đối với các kim loại độc cũng có các máy xách tay có độ chính xác cao để có thể phát hiện.

Ứng Dụng Bản Đồ Dữ Liệu Dạng Số về Nước trong Vùng Hạ Lưu Sông Mekong.

Là đề tài thuyết trình của chủ đề thứ hai do tiến sĩ Chamsak Ủy Viên Viện Quản Lý Nước Quốc Tế IWMI đảm trách.

-- Bước vào Thế kỷ 21, chúng ta chưa đến nỗi quá thiếu đất nhưng sẽ rất thiếu nước. Hiện tại đã có một phần tư nhân loại đang lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Điều dễ hiểu là dân số tăng theo cấp số nhân mà thực phẩm thì chỉ tăng theo cấp số cộng. Áp lực phải gia tăng nhanh thực phẩm đòi hỏi thêm một lượng nước khổng lồ mà hành tinh này thì khó đủ cung cấp.

Đã vậy nhiều vùng nông tác đã khai thác nguồn nước quá mức, tưới dẫn phí phạm đưa tới tình trạng nền nước dưới sâu bị tụt thấp tới mức báo động. Phải điều chỉnh ngay tình trạng không hợp lý kéo dài này nếu không muốn bị rơi vào cái vòng lẩn quẩn tiếp tục phung phí một tài nguyên đang ngày càng khan hiếm.

Đây cũng là nhận định của Nhóm Tham Vấn Nghiên Cứu Nông Tác Quốc Tế CGIAR khi khảo sát về nhu cầu nước nơi các vùng trồng trọt trong thế kỷ tới. Họ đang có nỗ lực dùng máy điện toán để khảo sát và phân tích các vùng đất đai có thể đưa vào canh tác. CGIAR đang bảo trợ cho IWMI Viện Quản Lý Nước Quốc Tế hoàn thành một Bộ Phận Tổng Hợp _ Synthetizer có tên là Bản Đồ Dữ Liệu Dạng Số về Nước và Khí Hậu Thế Giới _ World Water and Climate Digital Atlas nhằm cung cấp thông tin về thời tiết và trữ lượng nước trên mỗi vùng, với điểm ảnh_ pixels có thể đạt tới độ chi tiết thu hẹp trong nửa dặm vuông. Bất cứ ai từ cấp chánh phủ tới xuống tới các nông gia đều có thể sử dụng bằng cách tải xuống_ download từ mạng lưới điện toán Internet hoặc qua dạng CD do IWMI cung cấp.

-- Nói một cách dễ hiểu mà không cần tới mô hình toán học, nếu vòng tròn trái đất được tính là 360 độ, thì ở vùng xích đạo mỗi cung giây tương đương với 0.2 dặm. Và độ chính xác đạt được hiện nay là 2.5 phút tức khoảng 3 dặm, đủ dữ kiện cho vùng rộng như hạ lưu của các con sông. Mục tiêu hướng tới của IWMI là tăng độ nét hay độ phân giải_resolution xuống tới 30 giây tức là khoảng nửa dặm vuông đáp ứng cho cả những vùng hẹp của Đồng Bằng Châu Thổ như Đồng Tháp Mười nơi mà tính chất thổ nhưỡng rất là biến thiên.

-- Bộ Phận Tổng Hợp sẽ luôn luôn được cập nhật hóa không chỉ về trữ lượng nước, thời tiết mà còn kết hợp với nhiều biến số khác giúp nhà nông hoạch định một cách hợp lý vùng đất nào, loại hoa màu nào, mùa nào là thích hợp cho việc gieo trồng và cả không phí phạm nguồn nước.

Không Có Kỹ Thuật Sinh Học, Nhân Loại sẽ Đói.

Đó là chủ đề thứ ba kết thúc Hội Nghị nhưng thực sự là một cánh cửa mở ra cho tương lai thịnh vượng chung của các quốc gia trong Lưu Vực Sông Mekong. Thuyết trình viên là tiến sĩ Martina, khách đến từ Đại Học Stanford.

Trong dịp về giảng dạy Đại Học Cần Thơ lần này, Duy đã mời được Martina, cô bạn đồng sự thân thiết bấy lâu của Duy _ thân tới mức tưởng như hai người có thể sẽ lấy nhau cho tới khi Duy gặp được Bé Tư.

Camellia – Trà hoa mộc là bó hoa Duy chọn tặng Bé Tư trong ngày cưới, như nhắc lại kỷ niệm của chuyến đi Vân Nam – vậy mà đã cách đây hơn 2 năm. Ngay từ buổi ban đầu mới gặp, Bé Tư đã bị cuốn hút về quan niệm độc đáo của Duy, một ngôi sao đang lên của Đại Học Stanford. Theo Duy thì Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ là cái nôi của nền văn minh Việt Nam bước vào thiên niên kỷ mới do cái gene trẻ trung khỏe mạnh sẽ thay thế cho văn minh sông Hồng đã già cỗi suy kiệt và cả biến thể – defective gene nói theo ngôn ngữ Di Truyền Học của Duy.

Tuy là vợ của Duy rồi nhưng các mối liên hệ kiểu rất Tây Phương ấy của Duy không phải không làm Bé Tư đôi lần phải ghen tức nhất là khi mà những phụ nữ quanh Duy đều là những người đàn bà đẹp như Martina cô gái gốc Ý tóc vàng trẻ trung, hiện là Giám đốc Chương Trình Kỹ Thuật Sinh Học – Biotechnology Program tại Đại Học Stanford.

Cũng nhân chuyến Du Lịch Xanh nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long, Martina sẽ được mời nói chuyện tại Phân Khoa Khoa Học Canh Nông và Môi Sinh của Đại Học Cần Thơ về đề tài: Ứng Dụng Kỹ Thuật Sinh Học Trong Nông Tác.

Trước một cử tọa gồm ban giảng huấn và đông đảo sinh viên các phân khoa khác, bằng lối nhập đề trực tiếp và sống động Martina nói:

-- Trước hết tôi xin được ngỏ lời công khai cám ơn bác sĩ Duy, người bạn đồng sự của tôi ở Stanford đã tạo cho tôi cơ hội lần đầu tiên được đi thăm Việt Nam đặc biệt là Đồng Bằng Sông Cửu Long trong chuyến Du Lịch Môi Sinh đầy kỳ thú. Và điều làm cho tôi xúc động nhất khi được nghe một nhà báo lão thành – ông Khắc nói về Nạn Đói Năm 1945 đã làm chết ngót 2 triệu người Việt – điều không thể tưởng tượng có thể xảy ra ngay trên một đất nước có một vựa lúa giàu có nhất Á Châu này. Cũng nhân đây chúng ta nên để một khắc tĩnh lặng để truy niệm những nạn nhân oan khiên và xấu số ấy.

Ngay từ phút đầu tiên đầy cảm xúc ấy, Martina đã chinh phục trái tim của toàn thể cử tọa. Cô tiếp:

-- Thực ra từ bấy lâu ở nhiều nơi trên hành tinh này nạn đói như một nạn dịch _ epidemics vẫn cứ xảy ra tuy ở quy mô lớn nhỏ khác nhau: như ở nhiều nước Phi Châu, như ở Bắc Hàn ngay bên cạnh Nam Hàn phồn thịnh ...

Bước vào Thế Kỷ Toàn Cầu Hóa, trong khi chúng ta vẫn phải cung cấp cái ăn cái mặc cho dân số thế giới ngày một tăng nhanh, để tránh nạn đói nhưng đồng thời cũng phải giảm thiểu tác hại của sản xuất trên môi trường sống đã bị suy thoái tới mức báo động. Rừng ngày một thu hẹp, đất màu mỡ ngày một bị sói mòn, cảnh sa mạc đang bành trướng mau lẹ, không lẽ cứ tiếp tục phá thêm các khu rừng mưa _ rainforest ở Lào Cam Bốt hay cầy xới cả những công viên quốc gia như Cúc Phương để không rơi vào cảnh đói kém.

Đã không có một hàng rào ngôn ngữ nào qua trực tiếp thông dịch rất lưu loát của Duy, cô Martina tiếp vẫn bằng tiếng Anh giọng BBC Luân Đôn:

-- Thực ra với kỹ thuật sinh học – biotechnology khác hẳn với lối canh tác cổ điển, chúng ta có thể tránh được sự hủy hoại môi sinh lẽ ra phải có. Khi biết ứng dụng các phương pháp phân tử như DNA tái kết hợp – recombinant DNA và kỹ thuật di truyền – genetic engineering, dùng vi sinh vật và những diếu tố... các nhà khoa học đã có thể sản xuất gấp bội thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao với các sinh tố, các chất chống acít hóa – antioxydants, các chất sợi...

Kỹ thuật sinh học phân tử đang trở thành phổ quát trong thập niên cuối của thế kỷ này. Một ví dụ điển hình, Viện Lúa Gạo Quốc Tế đang nghiên cứu tạo các giống lúa siêu thần nông không những có năng suất rất cao mà còn có khả năng chịu hạn kể cả cái nắng hạn của Tây Phi Châu, lại có cả khả năng tự chống sâu rầy đi tới chỗ nông gia không còn bị lệ thuộc vào các hóa chất như phân bón thuốc trừ sâu...

Kỹ thuật sinh học đang chứng tỏ tiềm năng khổng lồ để bảo vệ các nguồn tài nhiên thiên nhiên và cả cải thiện sự thanh khiết của môi trường đã bị ô nhiễm như dùng các vi sinh vật để xử lý rác và các chất phế thải...

Bị cuốn hút vào những điều quá mới mẻ, ông Khắc tự thấy mình là quá khứ, ông như đang dừng lại ở bên này đầu cầu Cần Thơ mà tương lai thì ở phía bên kia, phải chăng nói như Sartre “Cuộc sống bắt đầu từ bên kia bờ tuyệt vọng.”