Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 13)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XVII

NỤ CƯỜI KHMER VÀ HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG MEKONG

It takes a great deal of history to produce a little literature

Henry James (Hawthorne, 1879)

CH 17_ Vết thương Angkor

Vết thương Angkor

Sắp tới phi trường quốc tế Pochentong,theo trạm không lưu vì lý do kỹ thuật phi công chưa được phép đáp. Chiếc máy bay lại nghiêng cánh đảo một vòng lớn, bay qua Biển Hồ – với bao nhiêu hình ảnh ví von khi thì giống như một thùng đàn vĩ cầm khi thì giống như túi diều khổng lồ của loài nhai lại với con sông Tonlé Sap đổi dòng qua hai mùa khô lũ nhưng bây giờ thì cái biển hồ nước ngọt lớn nhất Châu Á ấy hiện ra nguyên hình là con số 8 – chiếc còng cùm chân giam hãm hơn một nửa triệu người Việt từ bao năm sống yên trên vựa cá và lúa ấy.

Qua ô kính loáng loáng ánh nắng, con sông Mekong trải ra như một dải lụa đào, cả Quatre Bras – tiếng Miên gọi là Chamean Mon – nơi tụ lại của 4 dòng sông cũng hiện ra rồi mau chóng biến mất để chỉ còn lại cái nhìn mắt chim của một thủ đô Nam Vang với những đỉnh chùa tháp và điện đài hoàng cung như trên tấm carte postale trước khi máy bay đáp xuống một phi đạo trống trải.

Cánh cửa máy bay vừa mở ra là bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Một phi trường Nam Vang vắng lặng và xám ngắt. Chỉ có nghi thức ngoại giao tối thiểu. Vài lời chào đón và bắt tay xã giao, một phút đứng chụp hình bên những nụ cười Khmer lạnh lẽo. Chỉ thấy chông gai mênh mông ở phía trước.

Cùng với đám nhà báo, ông Khắc theo chân phái đoàn Ngoại Giao cao cấp từ Sài Gòn sang Nam Vang để bàn về việc tái lập mối quan hệ bang giao bị gián đoạn từ 63 thời Sihanouk, đồng thời cũng để công khai lên tiếng yêu cầu chính phủ Cam Bốt “phải bảo vệ sinh mạng và tài sản” cho thiểu số Việt Kiều đang bị khủng bố trên đất Cam Bốt.

Vẫn những tháng năm soi bóng bên dòng sông Mekong, con sông lịch sử, con sông thời gian và cũng là con sông cuối cùng ấy, trong khoảng hơn 300 năm, lịch sử bang giao Việt Nam Cam Bốt là một tích lũy thù hận, luôn luôn là những bước thăng trầm, đầy bạo động và những thảm kịch tái diễn. Những người Việt di dân, từng đợt khác nhau tới Cam Bốt, sống quần tụ hay rải rác thì thảm họa cáp duồn vẫn luôn luôn là lưỡi gươm Damoclès treo trên đầu trên cổ họ.

Không kể những vụ chém giết thanh toán lẻ tẻ thì rất sớm từ đầu thế kỷ 18_ theo ký giả Lê Hương, những đợt cáp duồn người Việt đều được ghi lại trong Niên Giám Hoàng Gia Cam Bốt.

1730 – Một nhóm Khmer ở vùng Banam gần Lào nổi dậy tàn sát tất cả người Việt khiến Chúa Nguyễn phải gửi quân sang giải cứu. 1769 – Nhóm Khmer khác từ đất liền đi thuyền ra đánh cướp đảo Thổ Châu, phá nhà của giám mục Bá Đa Lộc, lùng giết các con chiên và chủng sinh người Việt. 1778 – Toán người Khmer khác tràn qua biên giới sang Hà Tiên phá nhà thờ Pinha-Leu hãm hiếp các bà phước và giết chủng sinh người Việt.

1818 – Nhóm người Khmer cuồng tín trong tỉnh Baphom nổi dậy tàn sát người Việt. Vua Khmer lúc đó là Ang Nom II cũng rất thù ghét người Việt và có dự định giết tất cả Việt Kiều sống trên lãnh thổ Cam Bốt. 1834 – Tướng Trương Minh Giảng đổi tên đất Cam Bốt là Trấn Tây Thành, bảo hộ với hai bàn tay sắt, độc tài chuyên quyết càng gây thêm nỗi thù oán, khiến vua Khmer phải cầu cứu quân Xiêm La và Việt Nam phải rút về sau đó.

1863 – Pháp bảo hộ Đông Dương với chính sách chia để trị gây thêm mâu thuẫn Việt Cam Bốt. 1945 – Cáp duồn không chỉ xảy ra ở lãnh thổ Cam Bốt như ở Preyveng, Takeo, Svayrieng... mà còn lan rộng sang các tỉnh miền Tây Đồng Bằng Sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trang, Châu Đốc dọc theo bờ Sông Tiền. Những người Khmer họ kéo theo từng đoàn với dao phảng và gậy gộc đi vào các ấp xa xôi tìm cho được người Việt để giết rồi cướp của đốt nhà. Người sống sót chạy thoát thì chỉ còn 2 bàn tay trắng.

1970 – Lon Nol liên kết với Sirik Matak theo Mỹ đảo chánh Sihanouk. Khác với Sirik Matak dòng vương tôn, Lon Nol xuất thân giới bình dân không nhiều tài năng nhưng lại đầy tham vọng, leo lên đỉnh quyền lực qua ngả binh nghiệp và những năm tháng trung thành với Ông Hoàng Sihanouk trước khi trở mặt phản trắc.

Tự nhận là người Khmer thuần chủng – pure Khmer, rất hãnh diện về nước da đặc biệt ngăm đen khác hẳn với bọn Việt, Lon Nol rất thích được lính tráng thuộc cấp gọi là “Bố Đen” và không dấu tham vọng qua việc trưng dụng một tòa lâu đài cũ từ thời bảo hộ Pháp – thời kỳ mà Francis Garnier cách đây hơn 100 năm thì muốn gọi đó là sứ mệnh khai hóa / mission civilisatrice của nước Pháp đối với Đông Dương – để sáng lập ra Học Viện Khmer-Môn nhằm phục sinh nền văn minh Angkor Khmer một thời huy hoàng nhưng lại mang đầy thương tích vì bọn Thmils – ngoại bang phản bội.

Tự đưa ra huyền thoại về con cá sấu trắng – vật thần thoại của dân tộc Khmer, xuất hiện trên khúc sông Mekong gần Nam Vang, lại được thêm Phó Tổng thống Mỹ Spiro Agnew tặng cho một con voi trắng biểu tượng cho vật linh, Lon Nol tự cho là được Trời Phật giao sứ mạng lãnh đạo nước Cam Bốt, thay vì hướng về tương lai, Lon Nol bám vào quá khứ, trở về với những đền đài, tìm lại những sấm ký viết trên lá thốt nốt để đánh thức thần thánh phải trở dậy. Với ảo tưởng ngông cuồng về sự vĩ đại ấy _ mà một nhà báo Pháp gọi đó là “mégalomanie – folie des grandeurs”, để làm lại lịch sử, chánh quyền mới Nam Vang chỉ có khí giới võ trang là tinh thần bài ngoại thể hiện bằng cuộc thánh chiến chống Việt Nam.

Chưa đầy một tháng sau khi nắm hết quyền bính, đầu tháng 4, 1970 Lon Nol ra lệnh cho quân đội khẩn trương lập các trại tập trung trên toàn quốc để giam giữ tất cả người Việt.

Nam Vang như đang lên cơn sốt không phải vì thủ đô ngày càng bị cô lập vây hãm do tình hình chiến sự trên khắp chiến trường Đông Dương ngày càng tồi tệ, mà là do chiến dịch công khai “bài Việt” mới được phát động.

Điều nghịch lý là trong khi Cam Bốt ngày càng phụ thuộc vào quân đội miền Nam Việt Nam – cả việc phải gửi các tân sĩ quan sang huấn luyện ở Việt Nam, như từ bao giờ, không sao có hòa khí giữa những đồng minh bất đắc dĩ ấy. Họ đem từ Việt Nam về những câu chuyện tồi tệ về kỳ thị – thật hay không thật, nhưng chỉ tăng thêm sự giận dữ của chánh quyền Nam Vang, cộng thêm với các bài báo nói về những đám lính Việt – Cộng Sản hay không, thì vẫn hành xử như đoàn quân viễn chinh không kể gì tới cảm xúc của người dân Khmer khi mà họ vẫn chưa quên được nỗi chua chát đắng cay trong quá khứ.

Trước đó từ Sài Gòn, nơi văn phòng hãng thông tấn AFP, ông Khắc đã được thấy trên trang nhất các báo phát hành ở Nam Vang kể cả tờ Le Courier Phnompenois luôn luôn cho chạy các khẩu hiệu bài Việt rất quá khích:

“Việt Cộng là kẻ thù và Người Việt là kẻ thù truyền kiếp của nhân dân Cam Bốt”.

Đó cũng là chủ đề được tận tình khai thác dòng dã trên đài phát thanh Nam Vang bắt nghe được từ Sài Gòn. Người ta đang cố tình xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa Việt Cộng và những Việt kiều hiền lành đang sống an phận ở Cam Bốt.

Cao điểm của phong trào bài Việt phải kể là từ khi có cuộc meeting khổng lồ tại Olympic Stadium ngay giữa thủ đô Nam Vang. Giữa tiếng nhạc hùng xông trận và cả những tiếng phèng la chói chang là luân phiên các bài diễn văn xách động nhắc lại những trang sử đấu tranh sống còn của dân tộc Khmer chống lại các cuộc xâm lăng chiếm đất và đô hộ hà khắc của bọn rợ Bắc hay Yuon tức là người Việt _ điều đáng lưu ý là Thái Lan không hề bị đả động tới. Và tựu chung tất cả cùng đi tới kết luận là bao nhiêu tang thương bất ổn của đất nước Cam Bốt hiện nay đều do bọn Việt Kiều gây ra cả – thời bình thì gian thương bóc lột trong thời chiến thì là hang ổ bao che cho Việt Cộng xâm nhập vào đất Miên.

Tiếp theo câu hỏi phải làm gì để cứu đất nước Cam Bốt và bảo tồn nền văn minh Angkor Khmer một thời huy hoàng. Câu trả lời muôn người như một là “giết! giết !” phải truy lùng thanh toán hết bọn Yuon tức người Việt.

Cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra sau đó được mệnh danh là cuộc “Diễn Hành Toàn Quốc Đồng Tâm” với tham dự của tướng Lon Nol, hoàng thân Sirik Matak, Long Boret và toàn thể nội các. Cả một rừng người bừng bừng khí thế, ít súng đạn nhưng lại dư thừa giáo mác dao búa xiên và gậy gộc và cả hừng hực lửa căm thù.

Và cái gì phải đến đã đến. Ngay giữa thủ đô Nam Vang đồng loạt xuất hiện trên các bức tường là những khẩu hiệu bài Việt không chỉ bằng tiếng Khmer mà còn có cả tiếng Pháp tiếng Anh. Họ muốn công khai với thế giới. We must kill all Viets in Cambodia. Và cả những bích chương vẽ hình các quan lại triều đình Việt Nam xưa mặt dữ dằn tay ôm cô gái Miên và hai chân đạp lên trên những chồng đầu lâu của người Cam Bốt. The worst is over – Điều tệ hại nhất đã qua rồi. Trên khắp đường phố họ nói với nhau như thế.

Bước vào hành động, khởi đầu là kế hoạch khai quang cho Nam Vang. Trước sự chứng kiến của các nhà báo Tây Phương, cảnh sát và các toán lính Khmer nhiều tên mới được tuyển mộ qua đêm còn trẻ măng, trang bị thì không giống ai, súng AK chế tạo ở Trung Quốc bên cạnh khẩu M16 của Mỹ cả những cây súng carbine cũ từ thời Pháp; nhưng họ giống nhau ở chỗ cổ người nào cũng đeo bùa và cả tượng Phật – như bộ áo giáp vô hình thiêng liêng bảo vệ họ trước làn tên mũi đạn.

Lon Nol đang xây dựng một đạo quân thay vì phải qua đoạn đường chiến binh đổ mồ hôi nơi quân trường thì lại tin vào sức mạnh siêu nhiên phù thủy. Niềm tin bán khai ấy đem rao giảng đã lôi kéo rất nhiều nông dân kể cả những người Việt gốc Khmer – Khmer Krom (thuộc Kampuchea Krom – Mặt Trận Giải Phóng Đồng Bằng Sông Cửu Long) từ Việt Nam ồ ạt trở về.

Và cuộc thánh chiến bắt đầu bằng mặt trận Tonlé Sap, thắng lợi chắc chắn nhưng yên tĩnh vì vắng bóng hỏa lực đối phương.

Đám lính Cộng Hòa Lon Nol được mấy chiếc xe nhà binh Molotova cũ của Liên Xô và cả xe vận tải dân sự Coca Cola chở tới bờ sông Tonlé Sap ngay sát thủ đô, họ chia thành toán đi tới từng căn nhà nổi của các gia đình bạn biển người Việt _ vốn đã sống nghèo nàn nhưng yên ổn ở đó từ bao thế hệ. Họ hăng say chặt giây giật sập từng căn nhà. Họ cười hả hê – những nụ cười Khmer vô cảm lạnh tanh và cả nhuốm vẻ ngây dại. Những căn nhà ọp ẹp ấy khi vừa đổ xuống thì chỉ còn là những mảnh gỗ ván cũ mục cùng với đồ gia dụng bằng nhựa cứ thế mà cuốn trôi theo dòng.

Địa chỉ mới của các gia đình nạn nhân sẽ là các khu nhà giam tập trung. Lý do giải thích từ miệng viên tư lệnh cảnh sát – cũng là người em của Lon Nol, thật giản dị là phải dẹp sạch những hang ổ Việt Cộng ấy để bảo vệ cho thủ đô Nam Vang.

Tiếp đó, còn kinh hoàng hơn cả cái chết tức khắc, người ta bắt đầu chứng kiến ngay giữa đường phố Nam Vang, những cảnh man rợ bộ lạc diễn ra. Nơi này, dăm ba đàn ông Việt đi riêng lẻ bị đám đông người Khmer xúm lại hành hung đến ngã quỵ, nếu cố bỏ chạy thì bị hô hoán là Việt Cộng và rồi cũng bị các toán người Khmer khác rượt đánh cho tới chết. Nơi góc phố khác, là cảnh một lũ thanh niên Khmer cười hô hố khi lột truồng được cô thiếu nữ Việt đem bêu khắp phố rồi đem đi hãm hiếp tập thể trước khi giết.

Đã có lệnh giới nghiêm áp dụng riêng cho người Việt từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau. Nam Vang ban đêm như trở lại thời kỳ Trung Cổ, không đèn đường hoang vắng chỉ có những bầy chuột đói dạn dĩ ma quái sẵn sàng nhào ra cắn vào chân người đi đường. Nhưng ngay cả giữa ban ngày cũng ít ai dám bước ra khỏi cửa để rước lấy cái chết. Vậy mà ở một số khu họ cũng không tránh được bị các toán lính Khmer lôi ra khỏi nhà cả đàn bà trẻ con, riêng đàn ông thì bị dẫn đi giữa tiếng la khóc van lậy của vợ con họ. Và dĩ nhiên không một người nào trở về.

Trừ một số rất ít gia đình người Việt thật khá giả sống trong những khu sang trọng thượng lưu với biệt thự kín cổng cao tường thì chưa bị đụng tới _ như bác sĩ Henri Nhiều bạn ông Khắc, nhưng họ cũng rất thức thời để biết rằng sẽ tới cái ngày không thể tránh nên họ đang tung hết tiền và vàng ra hối lộ các viên chức cao cấp Cam Bốt sao cho có được những tấm giấy thông hành đi bất cứ đâu miễn là được thoát ra khỏi xứ sở oan nghiệt phản bội và đầy chết chóc này.

Kamm một nhà báo Mỹ gốc Do Thái, chứng kiến cảnh tượng thiểu số người Việt bị truy lùng và sát hại đã không thể không nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu với những đợt pogrom mà gia đình anh đã trải qua dưới thời Đức Quốc Xã khi Hitler lên nắm quyền.

Lon Nol, Sirik Marak thì muốn rầm rộ quảng cáo với thế giới về một đất nước Cam Bốt đang hồi sinh nhưng ông Khắc thì lại thấy rất khác, giữa rất nhiều giận dữ và tiếng động ông thấy xứ Chùa Tháp như đang lạc đường lịch sử đi vào bất trắc, vật vã trong cơn hấp hối, và đang chết dần.

Pour certains le Cambodge renait, d’autres le voient mourir. Trong số những người khác đó có ông Khắc.

Những ngày tiếp theo sau cuộc biểu tình tuần hành, kết quả nhãn tiền là nơi bến phà phía nam thủ đô Nam Vang người ta bắt đầu thấy nổi dềnh lên những xác chết với y phục thường dân trên suốt dọc một khúc sông Mekong: xác nằm úp, xác nằm ngửa, xác không đầu, cả chùm xác bốn hoặc năm người bị cột tay cột chân vào với nhau bằng lạt tre sắc hay cả dây thép. Một linh mục người Pháp nói trong nước mắt với đám nhà báo.

-- Chỉ hai ngày nay thôi tôi đã đếm được con số lên tới cả ngàn, có bao nhiêu là con chiên của tôi trong đó kể cả các chủng sinh thì cũng không làm sao mà biết được.

Giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, phái đoàn Sài Gòn và cả các nhà báo được mời tham dự buổi trình diễn Vũ điệu Cổ truyền của Cam Bốt tại Học Viện Khmer-Mon mà lẽ ra ông Khắc rất thích. Nhưng quả là không phải lúc khi mà tin tức từ các nơi đổ về toàn là những thảm cảnh cho những cộng đồng thiểu số người Việt, và đường lộ thì mất an ninh và cũng là cái cớ cấm nhà báo không được ra khỏi Nam Vang.

Trong một thính phòng lớn, chỉ có những chiếc quạt trần quay những vòng chậm không đủ sức khuấy động bầu không khí nóng hực và cả như đặc quánh của thứ khí hậu Á Châu Gió Mùa. Tấm phông lớn làm nền cho sân khấu là cảnh đổ nát huy hoàng của khu đền đài Angkor giữa một rừng cây với những khối đá vô tri. Và nhóm vũ công là đám trẻ gái Khmer điêu luyện trong một vũ điệu uốn lượn nhịp nhàng và thật mềm mại từ cổ tay cổ chân uốn cong theo các ngón nhưng sao lại vô hồn.

La culture Cambodgienne est finie. Bác sĩ Henri Nhiều ngồi cạnh quay sang nói với ông Khắc như vậy. Nghệ thuật có còn chút giá trị hay ý nghĩa nào không trong giai đoạn chuyển mình lịch sử và giữa cảnh sống hỗn mang này.

Với người dân Khmer lầm than, thì tên Angkor như một phép mầu, là cây cao bóng cả cho họ trú mát, giúp họ hy vọng tìm lại được những thiên đường đã mất.

Đang giữa buổi trình diễn điện phụt tắt, một entracte bất đắc dĩ. Trong thứ tranh tối tranh sáng, không khí như đặc thêm và oi nồng. Nam Vang thời gian gần đây luôn luôn bị tắt điện vì thiếu nhiên liệu nhưng ngoài chợ đen thì dư thừa. Cam Bốt từ thời Sihanouk đã tham nhũng, nhưng còn tệ hai hơn khi chuyển sang chánh quyền Lon Nol – From bad to worse ! Một cô ký giả Mỹ đã mỉa mai nói như vậy. Đó phải chăng cũng là một khía cạnh văn hóa khác của con sông Mekong.

Trong khi người ta đang cố khởi động chiếc máy phát điện Honda chạy săng. Ông Khắc và bác sĩ Nhiều bỏ ra về trước.

Đối với ông Khắc nhà báo thì bác sĩ Nhiều _ người bạn cũ bấy nhiêu năm của tuổi thanh xuân ở Hà Nội – có một trang tiểu sử khá hấp dẫn. Người gốc miệt Hậu Giang, hậu duệ của các thế hệ tiên phong Nam Tiến, tổ đình vốn là quan to triều đình Huế. Mà theo Nhiều thì “chắc tại kinh đô Huế ổng phạm tội chọc ghẹo mấy bà cung phi sao đó nên bị nhà vua nổi giận mà đầy tuốt vô trong Nam, vậy mà ổng cũng trở thành khai quốc công thần sau đó!” Diễu cợt thì như vậy nhưng không phải Nhiều không hãnh diện về cái gốc cái ngọn ấy, bởi vì cứ mỗi lần công tử Henri Nhiều về thăm quê tuổi tuy còn ít nhưng khi nào cũng được sắp cho ngồi nơi chiếu trên chiếu giữa với mấy vị trưởng lão chứ ít sao.

Được học Chasseloup-Laubat cùng thời với Sihanouk, sau đó ra Hà Nội học Y khoa rồi đi Pháp, làm interne des hôpitaux de Paris chuyên về nội khoa và các bệnh nhiệt đới. Sau một chuyến viếng thăm Angkor, Henri Nhiều quyết định ở lại Nam Vang hành nghề thay vì trở về Sài Gòn. Ông rất được mọi giới trọng vọng kể cả người Pháp và cũng rất ư thân thuộc với Hoàng gia Miên.

Nhiều là điển hình cho mẫu trí thức bách khoa được đào tạo ở Âu Châu. Không chỉ giỏi về chuyên môn y khoa, ông uyên bác về mọi phương diện. Nhiều đã từng được so sánh như một cuốn Tự điển sống. Ông có thể say sưa nói về Angkor như một chuyên viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Sống trên xứ Chùa Tháp nhiều năm nên rất am hiểu tình hình, chỉ trong ít phút bằng thứ tiếng Pháp từ Paris, ông không chỉ vẽ ra một hoạt cảnh chánh trị của Cam Bốt _ topopolitique sur le Cambodge, mà cả phân tích được động lực sâu xa của các diễn tiến phức tạp ở đây. Khi được hỏi nghĩ sao về người dân Khmer nói chung, bác sĩ Nhiều nói với ông Khắc:

_ Họ mặc cảm ngay cả trong cảnh nô lệ: cùng bị Pháp đô hộ, trong khi bọn Việt được người Pháp đánh giá là cần cù chịu khó thì riêng bọn Miên, Lào thì bị chê là kém thông minh và lười biếng... Đó cũng là lý do công cụ bộ máy cai trị kìm kẹp của thực dân Pháp ở cả ba xứ Đông Dương đa số là người Việt.

Nhiều nói tiếp nhưng ở lần này với nhãn quan của một nhà phân tâm học theo Freud:

_ Lẽ ra dân tộc Khmer và cả đất nước Cam Bốt sẽ dễ dàng sống hạnh phúc hơn và họ không đáng phải chịu cái đau của mặc cảm hiện tại nhỏ nhoi như vậy nếu không có cái quá khứ choáng ngợp của nền văn minh Angkor.

Bác sĩ Nhiều tiếp:

_ Như Alfred Adler nhà tâm lý học Áo đã phát biểu: “Khi mà mặc cảm tự ty càng lớn thì nhu cầu chinh phục càng mạnh và sự khuấy động càng thêm khốc liệt.” Lon Nol là tiêu biểu cho người Khmer, với cái vẻ bề ngoài tự hào và kiêu căng chủng tộc nhưng ẩn dấu đằng sau lại là cái mặc cảm tự ty và cả sợ hãi nữa – lại được cộng thêm với lòng thù hận thì sự hung bạo mù quáng tăng gấp 3.

Người thầy thuốc tài ba ấy đã đưa ra được một chẩn đoán định căn của con bệnh Cam Bốt:

_ Nền văn minh Angkor Khmer với những kỳ quan kiến trúc và cả những công trình dẫn thủy tân kỳ đã làm kinh ngạc cả thế giới, thì nay một lần nữa họ cũng làm bàng hoàng cả thế giới bằng cách hành xử như những nhóm dân bộ lạc của thời kỳ đồ đá đồ đồng, lùi xa trước triều đại Angkor hàng nhiều thế kỷ. Họ như bị quỷ ám, đang rơi vào một cơn mê hoang tưởng – paranoia, và cả đầy mặc cảm tự ti, nhìn bất cứ người Việt nào cũng là kẻ thù.

Không tìm ra Việt Cộng thì đám Việt kiều đương nhiên trở thành những con dê tế thần – bouc émissaire. Phải chém hết bọn đồng chủng với tụi nó, giận cá chém thớt. Tâm lý học gọi đó là sự đổi chỗ – déplacement.

Nam Vang là kinh đô đầu tiên trên bờ sông Mekong với cung điện đền đài nhìn ra Quatre Bras – nơi mà tàu bè lớn từ ngoài biển Đông có thể ngược dòng sông Cửu Long lên tới tận Nam Vang hoặc xa hơn. Nơi mà cứ sau mỗi mùa mưa, phù sa từ 4 dòng sông đổ về bồi cao mở rộng thêm cho hòn đảo nhỏ đối diện với khách sạn Cambodiana, nơi mà nhóm doanh nhân Singapore “Agressive Hotel Group” dự trù xây thêm một khách sạn 5 sao mới.

Nam Vang cũng như những thành phố lớn khác ở Đông Dương vẫn còn nhiều dấu vết kỷ niệm từ thời đô hộ Pháp. Từ bờ sông Mekong đi vào vẫn là những con đường thẳng tắp với hai hàng cây xanh và những biệt thự kiến trúc đẹp đẽ dĩ nhiên là nay đã cũ kỹ và cả dơ bẩn hơn. Chỉ còn những người công chức Khmer già còn nói được tiếng Pháp. Bánh mì baguette thì đã không xa lạ gì với cả giới bình dân.

Khi mà chủ nhân ông là những người Pháp đi rồi vẫn còn các tiệm ăn Pháp sang trọng máy lạnh bên bờ sông Mekong như L’Ambroise, La Taverne với những trang dài thực đơn đủ các món Pháp: Chateaubriand aux échalotes, crème de volaille... khách sành điệu còn có thể kêu cả món Coquille Saint-Jacques gợi tên bãi biển Vũng Tàu bên Việt Nam nơi nghỉ mát của các ông Tây bà Đầm thời thuộc địa cũ và dĩ nhiên không bao giờ thiếu những chai rượu vang thật hiếm quý hảo hạng. Cho dù đắt tới đâu vẫn được giới thượng lưu bản xứ ưa chuộng. Và nếu chủ quán là một gia đình người Pháp thì không khác gì một quán ăn sang trọng ở Paris, sẽ có một ông Tây rất sành sỏi đứng hầu rượu và dĩ nhiên cả chọn chai rượu nào ngon và hợp ý với khách hàng nhất. Đa số khách bây giờ là những chủ nhân da vàng mới của đất nước Cam Bốt như Nhật, Đại Hàn, Singapore, Đài Loan... Mà theo Henri Nhiều thì không phải chỉ ở đây mà ngay tại Âu châu trên đất nước Pháp đã có một sự đổi chỗ khá mất mặt cho các ông chủ cũ da trắng.

Chỉ có điều những tụ điểm sang trọng 4-5 sao ấy lẻ loi tồn tại như những ốc đảo giữa một đại dương nghèo đói là đất nước Cam Bốt. Chỉ cần bước ra khỏi cánh cửa máy lạnh từ một khách sạn người ta đã bị vây quanh bởi một lũ ăn mày: đám đàn bà bế con, đàn ông cụt chân và cả những cụ già – những người dân thực sự của đất nước Cam Bốt. Đa số là những nông dân bỏ hết nhà cửa ruộng vườn đổ về thủ đô và các thành phố để trốn chạy chiến tranh.

Người nhậy cảm và còn chút lương tâm thì cũng chẳng thấy vui gì. Nhưng việc gì mà mặc cảm phạm tội. Ai cũng tới đây với một ý hướng tốt, kể cả khách du lịch, tới ăn chơi hưởng thụ cũng là góp phần vào sự phát triển của đất nước này.

Lưu Vực Sông Mekong, tả ngạn hay hữu ngạn thì vẫn là cái cấu trúc xã hội hình tháp với những người dân đen ở dưới đáy.

Trên đường trở về khách sạn, qua các đại lộ trống trải bên bờ con sông Mekong. Trong cuộc đời làm báo, ông Khắc đã hơn một lần đặt chân tới Nam Vang, vẫn với con sông ấy của nhịp điệu ngàn năm, nơi mà từ những thập niên 40-50 người ta đã nói tới tiềm năng thủy điện lớn lao. Không kể những con đập lớn bậc thềm Vân Nam, Thái Lan và Lào, thì chỉ riêng Cam Bốt đã có ba dự án Sambor, Stung Treng và Tonlé Sap, còn thêm cả dự án trên phụ lưu sông Thốt Nốt – Prek Thnot khởi nguồn từ rặng núi Đậu Khấu phía tây chảy sang đông trước khi đổ vào sông Bassac. Prek Thnot là dự án đầu tiên dã được khởi công từ những năm 60 phải bỏ dở vì chiến tranh. Nếu các con đập được hoàn tất như dự trù thì sẽ dư thừa điện không chỉ để điện khí hóa toàn xứ Chùa Tháp mà còn xuất cảng sang Việt Nam. Hoàn thành các công trình ấy chỉ có thể diễn ra trong thời bình mà đến bao giờ có hòa bình thì chẳng ai có thể biết khi mà súng đạn vẫn cứ rền vang trong ngót nửa thế kỷ suốt dọc theo lưu vực con sông Mekong.

Sổ Tay Ký Giả.

Prasot, 10-04-70. Các toán Thám Sát của Sư Đoàn 9 Bộ Binh tiến vào Prasot một thị trấn gần biên giới Việt Miên, trong không khí tang tóc và vắng lạnh tới rợn người. Khắp nơi là mùi tử khí tanh tưởi của máu và la liệt những xác chết với các vũng máu đã khô. Xác đàn ông đàn bà và trẻ em. Họ đã bị lính cộng hòa Kampuchia của Lon Nol tàn sát man rợ trước khi chúng vội vã rút đi chưa kịp vứt xác họ xuống con sông Mekong. Không tìm ra được một người Việt nào sống sót, con số đếm được là 89 xác chết. Khi bị các nhà báo quốc tế hỏi gay gắt, Nam Vang chỉ đưa ra một lời giải thích dối trá: họ là nạn nhân giữa cuộc giao tranh với Việt Cộng.

Chrui Changwar, 20-04-70. Là một cù lao trên sông Bassac _ một trong hai nhánh của con sông Mekong, mang tên sông Hậu khi chảy vào Việt Nam với đối diện với bên kia sông là Nam Vang. Nguyên là một làng Việt Kiều theo đạo Thiên Chúa đã lập nghiệp sống ở đó từ bao nhiêu đời. Giữa nửa đêm, các toán lính cộng hòa KPC của Lon Nol đổ bộ lên đảo, bắt đi hơn 800 người đàn ông giữa tiếng khóc la van lậy của vợ con họ. Tất cả bị trói lại từng chùm và đưa xuống các tàu Hải Quân Cam Bốt sau đó nhổ neo kéo ra giữa sông và toàn thể bị bắn chết bằng súng máy, xác bị ném hết xuống sông Bassac và nổi dềnh lên nơi bến phà Neak Luong mấy ngày sau đó.

Thị trấn Takeo 05-70. Ba tuần lễ sau, tại Takeo khoảng 50 dặm phía nam Nam Vang, nguyên là một thị trấn nhỏ nhưng sinh động với các hoạt động thương mại của người Việt sống chung hài hòa với người Khmer từ bao nhiêu năm. Nhưng rồi cũng không khác được với số phận của Việt Kiều trên cả nước, trường học được sử dụng để làm trại tập trung cho khoảng 150 người đàn ông Việt, từ mấy ngày trước đó. Họ bị giam không được nuôi ăn và cũng chẳng bị ai lôi ra thẩm tra hay có ai ngó ngàng tới. Họ sống bằng thức ăn do vợ con đem vào một lần buổi chiều mỗi ngày. Rồi thảm họa bất chợt đổ tới như cơn lốc. Các toán lính Cam Bốt khác nhau không biết từ đâu ghé qua, chẳng cần hỏi han hay ngó ngàng gì, chúng đứng từ ngoài sân xả súng bắn như mưa vào các lớp học rồi bỏ đi giữa tiếng kêu la của những người bị thương còn sống. Chẳng có ai quan tâm để mà tới cứu họ. Toán này bỏ đi rồi tới toán lính Khmer khác, mấy đợt như vậy. Đạn lỗ trỗ đầy tường, cả những tử thi chết trước đó rồi cũng lại lãnh thêm những loạt đạn mới.

Khi các nhà báo ngoại quốc tới nơi thì tấn thảm kịch đã diễn ra một ngày trước đó. Giữa ngổn ngang các tử thi một số được đậy chiếu, còn ít nạn nhân sống sót và vợ con họ, tất cả chỉ còn biết chắp tay vái lậy, mà vái lậy ai đây. Cả những người bị thương kiệt sức trong ánh mắt đã lạc thần vẫn là thoi thóp vẻ van cầu tuyệt vọng.

Cũng vẫn Kamm nhà báo Mỹ gốc Do Thái, nhân chứng tới sớm nhất thuật lại:_ Mặc cho những tiếng rên rỉ từ bên trong các lớp học đứng ngoài sân là một tên lính Khmer trẻ thật trẻ, tóc cuộn xoăn da ngăm đen, cổ đeo bùa lẫn với tượng Phật, tay lăm lăm cầm khẩu súng AK mới tinh với băng đạn cong đen bóng lẫy, vẻ mặt thì hoàn toàn vô cảm. Hắn chỉ làm nhiệm vụ đứng canh nhưng là canh ai đây bởi vì chẳng còn một ai đủ sức để mà thoát ra được cái khung cửa hẹp ấy. Trước mặt các nhà báo, không được hỏi nhưng hắn vẫn nói như cái máy qua thông ngôn “Bọn khác bắn đó!” nói xong rồi hắn ngửa mặt lên khoảng trống không cười một mình để lộ ra hàm răng trắng hếu xen giữa óng ánh là một chiếc răng vàng. Một nụ cười Khmer có cái lạnh lẽo của chết chóc.

Khi mà hai tòa đại sứ của Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở Nam Vang đã bị các toán người Khmer đốt phá. Khi mà những phản đối ngoại giao không có chút hiệu quả gì, cả Cộng Sản Bắc Việt và Cộng hòa Miền Nam chẳng có ai bảo vệ cứu được họ, thì tất cả bắt đầu nhốn nháo như bầy kiến chạy quanh chiếc chảo nóng và ngọn lửa thì như đang gặp cơn gió lớn.

Chỉ còn một con đường sống là họ nhào xuống những bờ sông chờ cho các con tàu của Hải Quân Miền Nam sau khi trút hàng xuống Nam Vang trên đường về sẽ cứu đưa họ trở lại miền Nam, nơi cũng đang ở giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh, nơi chẳng có thân nhân gia đình nào đang chờ đón họ và cả không cửa không nhà. Có những gia đình đã chạy qua Cam Bốt từ thời cấm đạo trải qua bao thế hệ họ chẳng còn biết đâu là nguyên quán ngoài cái tên Việt Nam mà họ gọi đó là quê nhà.

Ngụy Văn Thà ngay từ đầu đã tham gia cả hai chiến dịch ấy: nhiệm vụ của anh và các đồng đội phải làm sao chế ngự các lực lượng Việt Cộng thường xuyên phục kích hai bên bờ sông Mekong, phải làm sao cùng với các tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến bạn tái chiếm cho được bến phà Neak Luong đang bị cộng quân kiểm soát và cả trấn áp các toán quân Khmer Đỏ bám dai như đỉa, để không chỉ bảo vệ những “đoàn voi” tiếp tế cứu nguy cho Nam Vang – cứu nguy cho một chế độ đang tàn sát đồng bào mình mà còn lo cả an ninh trên đường về cho những con tàu quá tải chật ních những Việt Kiều thường là chẳng còn một gia đình nào nguyên vẹn.

Hàng ngàn người đàn ông đàn bà cụ già và trẻ con từ các khu bị tập trung bị xua ra những nơi được gọi là bãi bốc đứng lố nhố nơi bờ sông vẻ mặt khốn khổ, chỉ mong sao có tàu há mồm hải quân đi qua để được di tản. Vì mạng sống, dĩ nhiên họ phải ra đi với tay không. Đã tới với hai bàn tay không thì khi ra đi cũng phải với tay không. Của cải nhà cửa do bao mồ hôi nước mắt tạo dựng được thì phải trả lại cho những công dân Khmer xứng đáng hơn. Lý lẽ của chánh quyền Cam Bốt là như vậy.

Ông Khắc chọn đường về thay vì bằng máy bay cùng phái đoàn thì lại xuôi dòng con sông Mekong trên một con tàu vốn đã chật ních và đầy ứ các gia đình nạn kiều di tản.

Do trận địa thì cứ lan ra như vùng da beo, giữa các đội quân chánh quy cộng sản Bắc Việt, quân đội chuyên nghiệp miền nam Việt Nam, quân Khmer Đỏ và đội quân hỗn tạp thần thánh của chánh quyền mới Nam Vang. Đường bộ thì đã hoàn toàn mất an ninh, gần như vô phương để có thể đưa tàu tới di tản những Việt Kiều đang sống ở phần lãnh thổ phía tây Cam Bốt.

Một số liều mạng chạy thoát qua được biên giới Thái Lan nhưng lại bị lính biên phòng Thái đuổi về. Họ bị kẹt lại và là nạn nhân cuộc “tẩy sạch chủng tộc - ethnic cleansing” trong những năm sau đó, cộng thêm với 2 triệu người Khmer cũng bị Khmer Đỏ giết vì là “bọn xác Khmer hồn Việt”.

Đã từng chứng kiến nhiều cảnh trí đẹp kỳ diệu khác nhau của con sông Mekong nhưng chưa bao giờ ông Khắc đứng trước cảnh tượng kinh dị đến như thế chỉ trên một khúc sông ngắn gần nơi bến phà trên trục lộ từ Nam Vang xuống Sài Gòn.

Khi đó là bình minh trên sông lẽ ra rực rỡ mà sao cứ như mặt trời đang soi bóng lúc hoàng hôn. Không khí buổi sáng thay vì mát dịu đã lại có cái oi nồng vương sót lại của một cuối ngày nắng gắt. Những đám mây hồng mà cứ như là ráng chiều, dòng nước thấm đẫm phù sa nhưng đỏ hơn vì có thêm máu từ những chuỗi xác chết bập bềnh chậm rãi trôi về phía hạ lưu. Chỉ trong khoảnh khắc, ông Khắc đã đếm được hàng trăm xác: những thân xác rất nhỏ của trẻ thơ và cả những xác người lớn với chùm tóc dài hẳn là phụ nữ. Ông Khắc tự hỏi phải chăng đó là số phận dành cho mấy trăm ngàn người Việt ruột thịt của ông đang sống ở Miên và con đường hồi hương định mệnh của họ lại là con sông Mekong.

Những thảm cảnh gây kinh hoàng cho toàn thế giới ấy đã và đang xảy ra giữa Thế Kỷ 20 giữa thanh thiên bạch nhật không cần che dấu, được thu cả vào ống ảnh của nhà báo ngoại quốc. Bạo động vẫn gia tăng và lan tràn. Thế giới giận dữ lên án. Giới chức cầm quyền Cam Bốt giữ im lặng không một lời xin lỗi, giới trí thức Khmer có học nếu không trực tiếp tham gia bạo động thì thái độ của họ là sự lạnh lùng thờ ơ gần như vô cảm.

Người Khmer thường là chia rẽ nhưng lòng thù hận chống Việt Nam luôn luôn đoàn kết họ làm một.

Một nhà giáo người Khmer từng học trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn đang dạy học cho một trường Dòng ở Nam Vang đã nói với đám phóng viên ngoại quốc:

-- Nhà báo các ông đâu có hiểu thấu được lịch sử giữa hai nước Cam Bốt Việt Nam, các ông đâu có biết trong hàng bao thế kỷ bọn Yuon đã đầy đọa chúng tôi như thế nào. Còn khủng khiếp hơn cả những điều mà ông đang chứng kiến mấy ngày hôm nay.

Rồi cũng vẫn cái giai thoại mà lại do người Pháp ghi lại là tướng Trương Minh Giảng vị quan hung thần triều đình Huế đã từng chôn sống người Khmer, cả dùng đầu họ để làm lò đun bếp:

-- Chừng nào mà còn bọn Yuon _ người Việt sống trên đất nước Cam Bốt thì chúng tôi chưa thể nào sống yên. Các ông biết có bao nhiêu Cộng sản xâm nhập trong các cộng đồng Việt kiều sống trong thủ đô Nam Vang không? Phải tát ao bắt cá, thứ cá đầu rắn sẵn sàng ăn thịt chúng tôi. Không lẽ cứ khoanh tay chờ cho bọn nó tới chặt đầu hay chôn sống chúng tôi. Để sống còn người dân Khmer chúng tôi phải tự vệ, không còn chọn lựa nào khác. Rồi ông ta nói thêm như một xác tín – Tuer les Yuon-ennemies pour ne pas être tué soi-même!

Ngay lúc đó không phải ông Khắc mà là một ký giả báo Le Monde nói:

-- Điều đó không có nghĩa là các ông có tự do chặt đầu cả những người Việt thường dân hiền lành và vô tội ...

Cuối cùng thì Những Con Tàu Cứu Rỗi chở ông Khắc và những người sống sót cũng cặp bến Sài Gòn.

Riêng đội quân thần thánh của Lon Nol, sau thắng lợi dễ dàng tàn sát Việt Kiều không một tấc sắt trên tay, nay họ bắt đầu thực sự ra trận _ một mặt trận có hỏa lực súng đạn thật của đối phương – và nghiễm nhiên trở thành những tấm bia tập bắn rất tốt cho quân Cộng Sản Bắc Việt. Hết tiểu đoàn này tới trung đoàn khác đeo bùa chú tượng Phật hay không thì cũng vẫn cứ chết như rạ cho tới khi tan hàng.

Cũng tại Olympic Stadium nơi phát động cuộc thánh chiến chống Việt Nam, chưa đầy 5 năm sau, “Bố Đen” Thống chế Lon Nol thì leo lên máy bay bỏ chạy trước, Sirik Matak và Long Boret thì chọn ở lại và bị chính những người lính Khmer Đỏ – đồng bào ruột thịt của họ đem ra hành quyết, mở màn cho cuộc diệt chủng tự sát – suicidal genocide trong vòng 4 năm sau đó. Các cánh đồng xanh bên những hàng cây thốt nốt biến thành những Cánh Đồng Chết trải đầy sọ người và xướng trắng.

Hai lần con cá sấu trắng xuất hiện trên khúc sông Mekong gần Nam Vang, hai lần có biến cố trọng đại xảy trên đất nước Cam Bốt. Lần thứ nhất 1970, Lon Nol đảo chánh chấm dứt chế độ quân chủ Sihanouk. Lần thứ hai 1975, Khmer Đỏ tiến chiếm thủ đô Nam Vang chấm dứt chế độ cộng hòa. Cả hai lần đều đẫm máu: máu của người Việt và máu của hơn 2 triệu người dân Cam Bốt.

Cá sấu trắng do là vật linh trong thần thoại Khmer nên không hề có tuyến nước mắt.