Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 9)

Thụy Khuê

Chương 7

Trường phái Hình Thức Nga (bài 1)

 

I- Con đường của trường phái Hình thức

Trước khi đi vào nội dung của phê bình văn học thế kỷ XX, chúng tôi muốn xác định một số danh từ để tránh mọi hiểu lầm:

Thi học (poétique), đi từ chữ poiesis trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là tất cả các ngành nghệ thuật. Thi học của Aristote, do đó, đồng nghĩa với nghệ thuật học. Trong thời cổ đại, hầu như văn, kịch, đều làm bằng thơ, để dễ truyền khẩu, cho nên thi học còn chỉ việc khảo sát thơ.

Bachelard dùng chữ thi học, trong nghĩa sâu rộng hơn, như Thi học không gian (La poétique de l'espace), Thi học mộng mơ (La poétique de la rêverie), ông sử dụng hiện tượng học (phénoménologie) trong nghiên cứu: phân tích không gian và mộng mơ trong nghệ thuật bằng hiện tượng luận.

Thi pháp (style hay écriture), chỉ ngôn ngữ riêng của mỗi nhà văn, nhà thơ. Thời trước, người Pháp có chữ style, tương đương với bút pháp, văn phong, trong tiếng Việt. Sau này, có chữ écriture, tức cách viết, lối viết, trong tiếng Việt.

Léo Spitzer dùng chữ style: Études de style, tức Khảo sát thi pháp hay Khảo sát bút pháp. Và ông khảo sát thi pháp bằng bác ngữ học (philologie).

Jean-Paul Sartre dùng chữ écriture tức cách viết, lối viết, mới hơn, trực tiếp, trần trụi, hợp với tạng Sartre. Sartre khảo sát lối viết bằng hiện tượng học.

Barthes theo Sartre sử dụng chữ écriture, khảo sát lối viết bằng ký hiệu học (sémiologie).

Bakhtin dùng thi học trong nghĩa thi pháp: Thi pháp Dostoivski (La poétique de Dostoievski).

Ở Việt Nam, ta thường thấy những chữ thi pháp họcphong cách học, nhưng không mấy ai nói xuất xứ và định nghĩa rõ ràng, chúng tôi phỏng đoán ba điểm sau đây:

- Thi pháp họcthi học nói gọn lại, tức là khoa khảo sát văn chương nghệ thuật.

- Thi pháp họcthi họcthi pháp ghép lại. Nếu ghép như thế, thực không cần thiết, vì thi học đã bao trùm lên thi pháp rồi.

- Thi pháp học đồng nghĩa với phong cách học, cũng là khoa khảo sát văn phong của nhà văn.

Như ta đã thấy: nhà phê bình nào cũng khảo sát văn chương nghệ thuật, trong đó có việc nghiên cứu bút pháp. Nói khác đi, nhà phê bình nghiên cứu thi học trong đó có thi pháp học bằng những phương pháp luận khác nhau.

Chữ thi học được trường phái Hình thức dùng, để chỉ khoa học khảo sát nghệ thuật, theo nghĩa Aristote và nghĩa này được sử dụng trong văn học Tây phương.

Khi đã định rõ vấn đề như thế, chúng ta sẽ không còn bối rối về danh từ, dễ dàng tiếp cận các trường phái phê bình phương Tây, trước hết là trường phái Hình thức Nga, mà nền móng dựa trên hai chữ chủ yếu của Aristote, là hình thức thi học.

Nhờ những bước tiến của ngữ học, phê bình nhận ra sự bất cập của mình trong phương pháp và buộc phải tìm những hướng đi mới. Từ sự tìm tòi này, nảy sinh những khuynh hướng cách tân phê bình trong thế kỷ XX, mà trường phái Hình thức Nga giữ vai trò tiên phong, loại bỏ hẳn những yếu tố “phụ cận” như tiểu sử, tâm lý... của thế kỷ XIX, để đi vào “thực chất” của vấn đề là chữnghĩa: Ngữ học hiện đại thay thế văn phạm cổ truyền, giúp nhà phê bình đào sâu vào cấu trúc văn bản.

Những khám phá của trường phái Hình thức Nga không được thế giới bên ngoài biết đến trong gần 40 năm, nhưng khi tiếp cận được, những thành quả ấy chẳng những không lỗi thời mà vẫn còn giữ nguyên giá trị cơ bản cho việc khảo sát văn chương nghệ thuật.

Sự ra đời của trường phái Hình thức

Trường phái Hình thức quy tụ một số nhà ngữ học, trong vòng 10 năm (từ 1914-1924), đã xây dựng nền móng cho phê bình hiện đại, những thành viên chính gồm có: Boris Eichenbaum (1886-1959), Ossip Brik (1888-1945), Iouri Tynianov (1894-1943), Roman Jakobson (1895-1983), Viktor Chklovski (1893- 1984) và Boris Tomachevski (1890-1957).

Theo Roman Jakobson, mùa đông 1914-1915, dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm khoa học Nga, một số sinh viên dựng nên “Câu lạc bộ ngôn ngữ học Mạc Tư Khoa” với mục đích “thúc đẩy sự phát triển ngành ngữ học và thi học” còn phôi thai lúc bấy giờ.

Năm 1916, Ossip Brik khởi xướng cùng một nhóm nghiên cứu sinh ở Pétrograd (Saint-Pétersbourg) tổ chức in tuyển tập thi học đầu tiên, mang tên Tuyển tập lý thuyết ngôn ngữ thơ (Recueils sur la théorie du langage poétique), tập 1, Pétrograd, 1916. Tuyển tập này in những bài viết nền tảng của trường phái Hình thức, trước khi các tác giả triển khai thành sách.

Đầu năm 1917, Hội nghiên cứu ngôn ngữ thi ca ra đời – gọi tắt là Opoïaz – cộng tác chặt chẽ với Câu lạc bộ ngôn ngữ học Mạc Tư Khoa.[1]

Hai nhóm này, cổ động việc nghiên cứu thi học, chủ trương cách tân toàn diện ngành phê bình và nghiên cứu văn học Nga, mà Tuyển tập lý thuyết ngôn ngữ thơOpoïaz giữ vai trò chủ động. Hoạt động đến năm 1924, khi Staline lên nắm chính quyền, họ bắt đầu gặp khó khăn và 1930, bị chính quyền Xô Viết dập tắt. Năm 1932, Trung ương Đảng ra nghị quyết giải tán tất cả các tổ chức văn nghệ. Nhưng thực ra, hoạt động cách tân của trường phái Hình thức đã bị đàn áp từ trước, một số trốn ra nước ngoài: Jakobson chạy sang Tiệp Khắc từ 1920, cùng nhóm nghiên cứu Nga-Tiệp thành lập Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha từ 1926, theo tinh thần Câu lạc bộ Mạc Tư Khoa. Một số khác ở lại trong nước, nhiều người bị lưu đày, tác phẩm bị phủ nhận như trường hợp Bakhtin.

Đến giữa thế kỷ XX, Hoa Kỳ và Âu Châu mới biết đến những công trình nghiên cứu của trường phái Hình thức Nga, nhờ hai ấn bản: Victor Erlich in cuốn Trường phái Hình thức Nga (Russian Formalism)[2] và Tzvetan Todorov thu thập các bài viết chính của trường phái Hình thức, dịch sang tiếng Pháp và viết bài giới thiệu, với tựa đề Lý thuyết văn chương (Théorie de la littérature)[3]. Theo Todorov, trong vòng 15 năm hoạt động (1915-1930), trường phái Hình thức đã lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, nhưng ông bắt buộc phải giới hạn sự lựa chọn trong một số bài viết.

Hai cuốn sách này sẽ là nền tảng cho sự phát triển trường phái Hình thức Nga trên thế giới. Đồng thời, tác phẩm của Propp và Jakobson, được Lévi-Strauss giới thiệu ở Pháp, và năm 1963, cuốn Luận về ngôn ngữ học đại cương (Essais de linguistique générale)[4] tác phẩm đầu tiên của Jakobson được dịch sang tiếng Pháp.

Cuộc cách mạng văn học nghệ thuật bị đàn áp và tiêu diệt

Chủ trương của nhóm của Hình thức là gì?

Họ chủ trương “nổi loạn” như những khuynh hướng canh tân khác, tức là đánh sập những cái cũ, mà cái cũ thời đó là gì?

1- Về phê bình, là tất cả những lối phê bình cũ, dựa trên triết học, tôn giáo, tâm lý, lịch sử, v.v. như ta đã biết. Nhưng điểm cụ thể hơn cả là họ chống lại quan điểm văn học thủ cựu Nga, chủ chốt là quan điểm của nhà ngữ học hàn lâm Potebnia (1835-1891), cho rằng:

- Nghệ thuật là tư tưởng bằng hình ảnh.

- Hình thức nội dung của một tác phẩm là hai thực thể khác nhau: như cái bình và chất lỏng chứa trong cái bình. Quan niệm này được phổ biến rộng rãi ở mọi trình độ giáo khoa.

Các nhà Hình thức chống lại quan điểm cổ điển này, họ coi:

a- Thơ là một ngôn ngữ riêng mà mỗi chữ có một giá trị tự tại âm là yếu tố chủ chốt trong thơ chứ không phải hình ảnh.

b- Trong một tác phẩm: hình thức cũng là nội dung và nội dung cũng là hình thức.

Trường phái Hình thức lập ra một “khoa học văn chương” để khảo sát thơ văn, hợp tác với các nhà thơ Vị Lai trên những nguyên tắc mới.

2- Về văn chương, nhóm Hình thức chống lại trường phái Tượng trưng (Symbolisme) xuất hiện ở Pháp, với bản Tuyên ngôn của Jean Moréas (Le Figaro, 1886). Tượng Trưng gắn bó với sự bí mật của cõi âm và bản chất tâm linh của người và vật, tìm cách biểu hiện bằng những hình ảnh kỳ bí trong thiên nhiên, trong đêm đen và trong tư tưởng. Tiêu biểu ở Pháp là Rimbaud (1854-1891), Verlaine (1844-1896), Mallarmé (1842-1898). Tại Việt Nam là Đinh Hùng (1920-1967) với các tập thơ Mê hồn ca, Đường vào tình sử và nhóm Dạ Đài. Dạ Đài có nghĩa là Lâu đài ban đêm, là mồ mả, âm phủ.

Trần Dần, Trần Mai Châu và Vũ Hoàng Địch (em Vũ Hoàng Chương), ký bản Tuyên ngôn Dạ Đài (16/11/1946) do Trần Dần, tác giả bài thơ Về nẻo thanh tuyền, viết, cùng đăng trên tạp chí Dạ Đài số 1 (ra được hai số). Tuy không ký tên trong bản tuyên ngôn, nhưng Đinh Hùng mới thực là “chủ soái”, vì thơ của nhóm này hoàn toàn bắt chước thơ Đinh Hùng.

Nhóm Hình thức ủng hộ trường phái Vị lai (Futurisme). Vị lai xuất hiện ở Ý với bản Tuyên ngôn 1909 của nhà thơ Marinetti. Vị lai chủ trương chống lại mỹ học truyền thống, tiếp tay với hội họa Biểu hiện, khơi ngòi cho phong trào Đa Đa và trường phái Siêu thực. Biểu hiện (Expressionisme) mà thủy tổ là Van Gogh (1853-1890), nét vẽ quyết liệt, màu sắc đối chọi khác thường, biểu hiện cường độ đam mê, diễn tả sự chán đời. Vị lai kết hợp với hội hoạ Lập thể, hội hoạ Vị lai chối bỏ hội họa truyền thống, ca tụng thế giới hiện đại, đặc biệt văn minh thị thành, máy móc, cơ khí, vận tốc.

Ở Pháp, hội hoạ Vị lai có chỗ đứng bên cạnh hội hoạ Lập thể, với các họa sĩ vẽ theo cả hai lối hoà hợp, nhưng văn thơ Vị lai không có ai nổi tiếng.

Ở Nga, trường phái Vị lai phát triển mạnh, do Khlebnikov (1885-1922), Kroutchenykh (1886-1968) và Maiakovski (1893-1930) chủ xướng, có những sáng tạo táo bạo khác thường. Là ba thiên tài avant-garde của thế giới lúc bấy giờ, họ trình bày một ngôn ngữ thơ mới, đặt trọng tâm trên Chữ. Kroutchenykh và Khlebnikov viết chung bản Tuyên ngôn về thơ nghệ thuật, tựa đề: Chữ đúng tư cách là thế, v.v. (Le mot en tant que tel, etc.).

Ngay từ 1905, Khlebnikov đã nói đến tương lai: “Chúng ta hướng về tương lai”, “xây dựng những chữ-vật thể (mots-choses)”. Chữ-vật thể nghĩa là chữ có giá trị tự thân như những vật thể. Trong các tập thơ và tiểu luận, từ 1906 đến 1914, Khlebnikov đã xác định quan niệm chữ tự thân này và ông cho rằng tài năng sáng tạo chữ của mình đã đạt mức tài tình. Như vậy, tinh thần vị lai, do các nhà thơ Nga chủ xướng từ trước khi trường phái này chính thức có bản tuyên ngôn ở Ý. Và cũng chính những nhà thơ Vị lai Nga đã dẫn đầu cho khuynh hướng đổi mới nghệ thuật ở Âu Châu, đầu thế Kỷ XX.

Sự xác định chữ trong thơ có giá trị tự thân của nó của Khlebnikov sẽ được Yakoubinski trong nhóm Hình thức dùng làm lập thuyết. Khái niệm Chữ-vật thể (mots-choses) của Khlebnikov sẽ được Sartre sử dụng để nói về ngôn ngữ thơ.

Kroutchenykh, năm 1913, sáng chế ra Zaoum, (Za=phía bên kia, Oum=tinh thần). Zaoum, hay bên kia tinh thần, xin tạm dịch là Siêu âm, là thứ chữ mới, không theo quy tắc văn phạm, không theo quy tắc ngữ nghĩa, không theo quy tắc văn phong nào, là thứ chữ được tạo ra để diễn tả những xúc động và cảm giác ban đầu. Trong ngôn ngữ Zaoum, hay Siêu âm, Âm đi trước ý nghĩa. Zaoum là thứ chữ tự nhiên, chung cho mọi cảm thông giữa người và người. Siêu âm được trường phái Hình thức, đặc biệt Chklovski sử dụng để xây dựng lý thuyết của ông. Tristan Tzara khi thành lập phong trào Đa Đa ở Zurich, lấy chữ dada, là tiếng kêu của trẻ chơi phi ngựa, chắc đã sao chép ngôn ngữ Zaoum của Kroutchenykh. Và Breton khi dựng trường phái Siêu thực ở Paris, năm 1925, hẳn đã dựa vào hình ảnh “siêu thực” đầu tiên, có tính cách khai sáng và độc đáo “mây mặc quần” do Maiakovski sáng tạo từ 1915.

Maiakovski, nhà thơ và kịch tác gia, nổi tiếng với trường ca Mây mặc quần (Nuage en pantalon), 1915; nhiệt tình ủng hộ Cách Mạng tháng 10/1917, nhưng sau, viết ba vở kịch: Rệp (La punaise, 1920), Tắm công cộng (Les Bains publiques, 1929) mỉa mai chế độ. Kịch Mật bí- Đớp hít (Mystère-Bouffe) nhận diện Cách mạng: “Mật bí, là tối cao Cách mạng. Đớp hít là hý trường Cách mạng[5].

Maiakovski tự tử năm 1930, ở tuổi 37.

Khlebnikov đi lang thang trên đất Nga, mất năm 1924, năm Staline lên cầm quyền, ở tuổi 37, tác phẩm bị khai trừ, nhưng được Tây Âu coi là “một trong những nhà thơ tự do và táo bạo nhất thế kỷ XX.

Kroutchenykh, sau khi chính quyền Xô Viết loại trừ avant-garde, bị rơi vào quên lãng.

Sau khi trường phái Vị lai bị tiêu diệt, trường phái Siêu thực của Breton giữ vai trò tiên phong trong việc đổi mới thơ văn thế giới.

Nhóm Hình thức còn được sự ủng hộ của trường phái Akméisme (Acméisme), tạm dịch là Tuyệt đỉnh, là trường phái thơ Nga do Nicolai Goumilev, người chồng đầu của Anna Akhmatova sáng lập năm 1910. Akméisme chủ trương hoà hợp trái đất với con người, dùng chữ đơn giản để đạt đỉnh cao nghệ thuật, chống lại ngôn ngữ cầu kỳ bí hiểm của trường phái Tượng trưng. Anna Akhmatova (1889-1966) nhà thơ lớn của Nga trong thế kỷ XX, với kiệt tác Kinh cầu hồn (Requiem) gồm những bài thơ viết về thời đại kinh hoàng Staline, là một trong người xây dựng trường phái Akméisme.

Với lực lượng cách tân hùng hậu như vậy, những văn nghệ sĩ và nhà phê bình Nga họp lại, tổ chức cuộc cách mạng văn hoá, chống lại thành trì thủ cựu mà Tượng trưng là tiêu biểu. Tượng trưng ở Nga lúc đó quy tụ những nhà thơ có địa vị. Chống lại họ có nghĩa là “tự vận”. Các nhóm Hình thức, Vị lai, Tuyệt đỉnh, bị đàn áp vì hai lý do: cách tân tức là đòi tự do sáng tác và trực tiếp chống lại nhóm nhà văn chính thống.

Những thành viên chính của nhóm Hình thức như Jakobson, phải tỵ nạn ở Tiệp Khắc từ 1920. Hai năm sau, Chklovski chạy sang Phần Lan, rồi Berlin, nhưng không thể sống ở ngoài nước, 1923, trở về Nga, viết truyện và truyện phim. Năm 1930, hoạt động của các nhóm văn nghệ avant-garde bị cấm hẳn, Chklovski phải viết bài nhận tội Một sai lầm khoa học vĩ đại (Monument d'une erreur scientifique, 1930) và không được in ấn gì nữa cho đến khi Staline chết.

Nhóm Akméisme, mà người sáng lập là nhà thơ Nicolai Goumilev, không giấu diếm sự chống đối cách mạng, bị xử tử năm 1921 vì tội “bảo hoàng”. Lev Goumilev, con trai ông với Akhmatova, bị bắt năm 1938, bị tù, được thả, bị lại, cả thảy trên 20 năm. Nicolai Pounine, sử gia và nhà ngữ học sống cùng Akhmatova, bị bắt năm 1935, chết trong trại cải tạo 1953. Bản thân Akhmatova không chịu rời xứ, sống chật vật bằng nghề dịch thơ Pháp, sắp hàng ở trại tù để tiếp tế cho con, trong khi hầu hết bạn bè thân quen của bà, nếu không trốn ra ngoài đều bị đàn áp, đi đày hay xử tử. Năm 1950, để chạy cho con ra tù, bà phải làm bài thơ ca tụng Staline.

Nhà thơ S. Kirsanov[6] phản ảnh tình trạng đàn áp nhóm Hình thức, tại Đại hội Nhà văn đầu tiên ở Mạc Tư Khoa, năm 1934, như sau:

Người ta không thể đụng vào những vấn đề hình thức thi học, vào ẩn dụ, vào vần hay hình dung từ, mà không kích thích ngay lập tức các đòn đánh trả: “Bắt ngay bọn Hình thức!” Mỗi người đều bị đe dọa là tòng phạm tội ác của bọn Hình thức. Chữ này trở thành nạn nhân chỉ định[7] để thực hiện sức mạnh của bọn phê bình. Tất cả mọi sự ghi chú về những “hình ảnh âm thanh” hay “ngữ nghĩa “ đều tự động kéo theo lời hắt hủi: “Đánh đuổi bọn Hình thức”! Một số bọn phê bình ăn thịt người còn lấy chữ này làm khẩu lệnh tuyên chiến để biện hộ cho sự ngu dốt của họ trong lý thuyết và thực hành nghệ thuật thi ca, và để chém đầu bất cứ ai dám phá rối cái lều [8] u tối của họ[9].

Có thể so sánh cuộc cách mạng của trường phái Hình thức Nga với cuộc cách mạng của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc và cuộc nổi loạn của nhóm Sáng Tạo ở miền Nam. Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng chống lại thơ Tố Hữu và đã bị đày đọa hơn ba mươi năm. Sáng Tạo sừng sỏ đòi “chôn” tiền chiến, “phế” Vũ Hoàng Chương, “hạ bệ” Tự Lực Văn Đoàn, thế nhưng Mai Thảo được Vũ Hoàng Chương mày tao, mừng húm. Hỏi: Đứng trước Nhất Linh anh có đòi hỏi chôn chiếc gì không? Ông tủm tỉm cười: Sợ bỏ xừ. Im thin thít chứ!

Ý nghĩa của hai chữ Hình thức

Từ đâu mà có hai chữ Hình thức? Chính các nhà “hình thức” cũng không nói rõ về xuất xứ của từ này và Todorov khi dịch những tiểu luận của họ sang tiếng Pháp và viết lời giới thiệu, cũng không tìm kiếm thêm.

Nhận xét kỹ, ta thấy có những điểm cốt yếu sau đây về trường phái Hình thức:

1- Về tên Hình thức

Chữ Hình thức, rút ra từ nhóm từ phương pháp hình thức (méthode formelle) mà Câu lạc bộ Mạc Tư Khoa đưa ra để xác định là một cố gắng để khoa học hóa việc nghiên cứu văn học.

Nhưng tại sao họ lại lấy chữ hình thức làm tên cho phương pháp này? Muốn hiểu rõ hơn, ta phải tìm đến một chữ khác, là chữ thi học được họ dùng làm đối tượng khảo sát. Hợp hai chữ lại, mọi sự sáng tỏ hơn: họ dùng phương pháp hình thức để khảo sát thi học. Mà hai chữ hình thứcthi học cũng là nền tảng tư tưởng của Aristote: Thi học, theo nghĩa Aristote là khoa học nghiên cứu mọi ngành nghệ thuật. Và hình thức, theo Aristote, nội dung là hình thức và hình thức cũng là nội dung: Có được một Hình thức (Forme) là có Tất cả (Tout) (xem chương 3, Aristote). Như vậy, ta có thể xác định rằng: hai chữ thi họchình thức của trường phái Hình thức Nga có xuất xứ từ Aristote.

3- Về phương pháp

Đã có tên gọi là Hình thức, nhưng chưa có phương pháp nào chắc chắn để thực hiện việc cách tân. Tuy nhiên, đã có một con đường khảo sát ngữ học hoàn toàn mới lạ đang phát triển ở Paris và Genève với người thầy Saussure từ 1881. Lý thuyết Saussure được S. Karcevskij chính thức đem về Nga năm 1917, và cuốn Giáo trình ngôn ngữ học đại cương in năm 1916, chắc chắn được Karcevskij truyền cho những nhà ngữ học trẻ Jakobson, Trubeckoj và trình Viện Khoa học Mạc Tư Khoa, rồi giảng dạy ở đại học. Nhưng có lẽ ngữ học Saussure đã được truyền vào Nga sớm hơn năm 1917, qua những học trò khác của Sausure. Chúng ta đừng quên giới thức và quý tộc Nga nói tiếng Pháp. Điều này giải thích tại sao ngữ học lưỡng phân của Sausure lại ảnh hưởng đến lý thuyết của trường phái Hình thức rất sớm, có lẽ ngay từ 1914, năm trường phái Hình thức ra đời. Nhưng những nhà Hình thức, trừ Jakobson, không nói đến và Todorov, khi làm tuyển tập, hoặc là không nhận ra, hoặc là muốn cho mọi người hiểu là trường phái Hình thức phát xuất tự Nga, không thông qua một “lý thuyết ngoại bang” nào.

4- Định nghĩa lại hai chữ Hình thức

Những người chống lại trường phái Hình thức gọi họ một cách mỉa mai là các nhà hình thức, ngụ ý họ rỗng, chỉ có hình thức mà không có nội dung. Điều này dễ hiểu vì những người này thuộc đám thủ cựu, không hiểu hoặc không muốn hiểu quan niệm hình thức chính là nội dung và nội dung cũng là hình thức, có từ thời Aristote. Tương tự như một con người, không thể phân chia hình thức con người với nội dung con người, và cũng như đối với một chữ, không thể phân biệt hình thức chữ và nội dung chữ, như Saussure đã chứng minh (xem chương 6, Ngôn ngữ học Saussure).

Nhưng ta cũng nên tìm hiểu sâu hơn về quan niệm chống đối này. Phái chống, dựa trên một quan niệm cổ điển: phân biệt ranh giới giữa nội dunghình thức, trong đó hình thức được coi như cái vỏ, cái bình, chứa nội dung là chất lỏng. Quan niệm này, vẫn còn rất sống động đầu thế kỷ XX, thường tìm thấy trong cách nói của các nhà Tượng trưng, đại loại như: qua phần hình thức, người ta thấy có chuyên chở một nội dung thế này... Hoặc ca tụng một vài loại “hình thức” nào đó đã tách biệt hẳn với “nội dung”, v.v. Vì thế, những người chống trường phái Hình thức, gọi những thành viên của trường phái này là các nhà hình thức với ý mỉa mai: họ chỉ biết có hình thức (bề ngoài) mà không biết đến nội dung (bên trong).

Boris Eichenbaum viết:

Khái niệm hình thức từ nay, đã có một ý nghĩa mới, nó không còn là cái vỏ, mà là một toàn bộ trọn vẹn, năng động và cụ thể có nội dung riêng của nó, không cần bất cứ một một quan hệ nào khác[10].

Như vậy, những nhà Hình thức đã định nghĩa lại hai chữ hình thức và xác nhận: hình thức chính là nội dung và nội dung chính là hình thức.

Thiết lập một nền khoa học văn chương

Đã có tên gọi là Hình thức, đã có phương pháp là ngữ học, bây giờ ta thử tìm hiểu sâu thêm thực chất của “phương pháp hình thức” là gì?

Boris Eichenbaum, người đầu đàn của nhóm Hình thức, trong bài tổng quan viết năm 1925, về hoạt động 10 năm (1914-1924) của trường phái Hình thức, mang tên Lý thuyết của “phương pháp hình thức” (La théorie de la “méthode formelle”)[11], giải nghĩa ngay ở dòng đầu:

Cái gọi là “phương pháp hình thức” không phải là hệ quả của việc thiết lập một hệ thống “phương pháp luận” đặc biệt, mà là những cố gắng để tạo ra một khoa học cụ thể và độc lập. Khái niệm “phương pháp” thường được nhận những chiều kích quá đáng, đâm ra tối nghĩa. Những “nhà hình thức” chúng tôi không coi “phương pháp” là vấn đề chủ chốt trong nghiên cứu văn học, mà chủ chốt ở đây là văn chương, văn chương như một đối tượng khảo sát[12].

Vây, chiếu vào “định nghĩa” của Eichenbaum, thì không hề có cái gọi là “phương pháp hình thức”, mà những “nhà hình thức chúng tôi” chỉ chuyên chú nghiên cứu văn chương thôi, chúng tôi không đưa ra một phương pháp đặc biệt gì cả:

Chúng tôi đã không có và chúng tôi vẫn không có một học thuyết và một hệ thống nào làm sẵn [...] Chúng tôi thành lập những nguyên tắc cụ thể, nếu chúng có thể áp dụng cho một bộ môn, chúng tôi giữ lại những nguyên tắc đó; nếu chúng cần thay đổi theo nhu cầu của môn này thì chúng tôi thay đổi ngay lập tức. Trong chiều hướng đó, chúng tôi hoàn toàn tự do đối những lý thuyết riêng của chúng tôi, và theo tôi, tất cả mọi khoa học đều như thế cả. [...] Không có có khoa học tiền chế, khoa học sống bằng cách vượt mọi nhầm lẫn, chứ không phải bằng cách thiết lập chân lý.[13]

Nhấn mạnh điểm ông không muốn tranh cãi, vì khoa học rộng đường và những phương pháp khác nhau đều có thể sống chung nếu có cùng một mục đích khảo sát tính chất nội tại của văn chương; Eichenbaum viết tiếp:

Cái tên “phương pháp hình thức” gắn bó chặt chẽ với khuynh hướng này, phải được hiểu như một tên gọi quy ước, như một danh từ có tính cách lịch sử, và không nên dựa vào nó như một định nghĩa có giá trị.

Vấn đề nòng cốt của chúng tôi, không phải “chủ nghĩa hình thức” là một lý thuyết về mỹ học, cũng không phải là một “phương pháp luận”, tiêu biểu cho một hệ thống khoa học nhất định, mà là ước muốn sáng tạo ra một khoa học văn chương độc lập, từ những giá trị nội tại của chất liệu văn chương. Mục đích duy nhất của chúng tôi là sự ý thức lý thuyết và lịch sử về những dữ kiện thoát thai từ chính nghệ thuật văn chương.[14].

Tóm lại, theo Eichenbaum: Phương pháp hình thức hay trường phái Hình thức chỉ là tên gọi, không có định nghĩa chính xác đi kèm. “Chúng tôi” tạo ra một thứ “khoa học khảo sát văn chương”, không theo bất cứ một quy luật về mỹ học hay một phương pháp luận nào đã được định trước, mà chỉ lấy văn chương làm đối tượng.

Tuy nhiên, những bài viết của trường phái Hình thức, còn biểu lộ một con đường nữa là cuộc cách mạng chống lại ý thức hệ nghệ thuật cổ điển chính thống. Vậy nội dung của cuộc cách mạng này là gì?

Nội dung của cuộc cách mạng chống lại ý thức hệ nghệ thuật cổ điển

Sau khi đã đưa ra nguyên tắc thứ nhất: tạo ra khoa học văn chương, Eichenbaum đưa ra nguyên tắc thứ nhì: chống lại ý thức hệ nghệ thuật của nhóm Tượng trưng:

Di sản lý thuyết của Potebnia và Vesselovski, được những môn sinh của họ gìn giữ, như một nguồn vốn bất động, một kho tàng mà người ta làm mất giá bằng cách không dám đụng vào. Thẩm quyền và ảnh hưởng không còn tuỳ thuộc vào khoa học hàn lâm nữa, mà vào một khoa nhà báo, xin mạn phép gọi như thế, tức là tùy thuộc vào công trình của những nhà phê bình và những lý thuyết gia Tượng trưng.

Thực vậy, trong những năm 1907-1912, ảnh hưởng những cuốn sách và những bài báo của V. Ivanov, Brioussov, A. Biély, Mérejkovski, Tchoukovski, v.v. lớn lao gấp bội những công trình nghiên cứu bác học và những luận án tiến sĩ. Cái khoa nhà báo này, dù với tất cả tính cách chủ quan và xuyên tạc của nó, đã xây dựng trên một số nguyên tắc và công thức lý thuyết mà những phong trào văn nghệ mới, thịnh hành thời đó, dựa vào. Những sách như cuốn Trường phái Tượng trưng (Symbolisme) của André Biély (1910) dĩ nhiên là đối với thế hệ trẻ có giá trị hơn những đặc khảo về văn học sử không có khái niệm riêng và không có tính khoa học.

Chúng tôi quyết chiến với những nhà Tượng trưng, giằng ở tay họ vấn đề Thi học, giải phóng Thi học khỏi những lý thuyết chủ quan về mỹ học và triết học của họ, và đưa Thi học trở về con đường nghiên cứu khoa học.[15]

Theo Eichenbaum, cuộc cách mạng của trường phái Vị lai do Khlebnikov, Kroutchenykh, Maiakovski chủ xướng, chống lại hệ thống thi học của Tượng trưng, đã nâng đỡ tình thần cho trường phái Hình thức, bởi Vị lai có ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ. Một mặt khác cuộc cách mạng còn được sự hỗ trợ của trường phái thơ Akméisme, Eichenbaum viết:

Giải thoát ngôn ngữ thơ khỏi những khuynh hướng triết học và tôn giáo càng ngày càng có ưu thế nơi các nhà Tượng trưng, là mật lệnh đã quy tụ những nhóm hình thức đầu tiên.

Sự chia rẽ giữa các lý thuyết gia Tượng trưng (1910-1911) và sự xuất hiện của trường phái Akméisme đã sửa soạn địa thế cho một cuộc cách mạng quyết liệt.

Cần phải loại bỏ tất cả những thoả hiệp. Lịch sử buộc chúng tôi phải có một thứ ngôn ngữ cách mạng có tính thuyết phục, những luận đề quả quyết, một lối mỉa mai tàn nhẫn, một sự táo bạo từ chối tất cả những tinh thần thỏa hiệp. Điều hệ trọng trong cuộc tranh đấu, là phải đối chọi những nguyên tắc mỹ học chủ quan mà nhóm Tượng trưng sử dụng trong những tác phẩm lý thuyết của họ với sự đòi hỏi một thái độ khoa học và khách quan đối với những dữ kiện [văn chương]. Từ đó, đưa đến thứ ngôn ngữ mới có tính thuyết phục của khoa học thực nghiệm là đặc điểm của nhóm Hình thức: từ chối những tiền đề triết học, những giải thích tâm lý và mỹ học, v.v. Chính tình trạng sự vật đã đòi hỏi chúng tôi phải tách rời mỹ học triết lý và những ý thức hệ nghệ thuật. Chúng tôi cần phải quan tâm đến các dữ kiện văn chương và rời xa những hệ thống và các vấn đề tổng quát, cần phải tiếp cận với dữ kiện nghệ thuật từ một điểm bất kỳ. Nghệ thuật đòi hỏi được khảo sát thật gần, khoa học muốn được cụ thể.[16].

Sau những lời tuyên chiến mạnh mẽ trên đây, Eichenbaum xác định lại một lần nữa: Chính nguyên tắc biệt tạo (spécification) và cụ thể hoá (concrétisation) của khoa học là nguyên tắc cấu tạo của phương pháp hình thức.[17].

Và ông trích dẫn lời Roman Jakobson tuyên bố năm 1921, ở Praha:

Đối tượng của khoa học văn chương không phải là văn chương mà là tính văn chương (la littérarité), tức là, cái “làm cho một tác phẩm trở thành tác phẩm văn chương.[18]

Xác định “tính văn chương” của một tác phẩm

Câu trên đây của Jakobson là một trong những xác định nền tảng của nhóm Hình thức. Tinh thần câu này rất gần với câu của Saussure: Nhiệm vụ của nhà ngữ học là xác định “cái gì làm cho tiếng nói trở thành một hệ thống đặc biệt trong toàn bộ những sự kiện ký hiệu học”.

Cái tính văn chương này rất quan trọng. Nó bao hàm những yếu tố cấu tạo nên cấu trúc văn chương nói chung và cấu trúc mỗi ngành của văn chương như thơ, văn xuôi, tiểu thuyết... nói riêng, mà nhóm Hình thức là những người đầu tiên xác định được một phần những tính chất này. Hiện giờ chỉ cần hiểu, nó là cái làm cho một cuốn sách trở thành tác phẩm văn chương: Một cuốn sách dạy làm bếp hay sách toán, thì dứt khoát không có tính văn chương rồi.

Sự khám phá tính văn chương của Jakobson, sẽ được các nhà phê bình sau này tận dụng, đặc biệt Roland Barthes phát triển trong những lập thuyết của ông.

Eichenbaum còn cắm sâu mũi dùi nữa, khi ông ví: Ta có thể so sánh những người làm văn chương theo kiểu sử gia như những cảnh sát đi bắt người, vơ vét bất luận tất cả những gì thấy trong nhà của đương sự, kể cả những kẻ lớ ngớ đi ở phố bên cạnh; người làm văn học theo kiểu lịch sử cũng vậy, họ vơ vét tất cả: đời tư tác giả, tâm lý, chính trị, triết học, rồi vo tròn ép chặt những tìm kiếm thủ công này thành một khối, không ăn nhằm gì tới ngôn ngữ nhà văn.

Sau đó, Eichenbaum nhấn mạnh lại một lần nữa phương tiện mà các nhà hình thức dùng để đạt đến chủ đích nghiên cứu văn chương trực tiếp qua chữ nghĩa: “những nhà hình thức hướng về ngữ học, coi nó như một khoa thi học. Ngữ học nói đến ở đây không thể là ngôn ngữ học cổ điển của Potebnia, mà phải là phương pháp luận mới của Saussure; còn thi học là phương pháp luận của Aristote.

Tóm lại, cuộc cách mạng của trường phái Hình thức, có hai điểm chính: đoạn tuyệt với phương pháp nghiên cứu văn học theo ý thức hệ xã hội, lịch sử, và chọn ngữ học của Sausure và thi học của Aristote làm phương pháp phân tích văn bản. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Eichenbaum tránh không nói đến hai người thầy này, ít nhất trong bài tổng quan. Nhưng chúng ta sẽ thấy lại những điều cơ bản của Aristote và Sausure trong lý thuyết văn học của nhóm Hình thức.

Đến đây, cần phải phân biệt hai khái niệm thi học khác nhau, cùng đi từ Aristote: thi học theo quan niệm của những nhà Hình thức Nga và thi học theo quan niệm của những nhà ký hiệu học sau này như Umberto Eco, Roland Barthes.

Umberto Eco giải thích:

Phải hiểu thi học như thế nào? Trào lưu đi từ những nhà hình thức Nga đến những nhà cấu trúc học ở Praha và ở Pháp, đều coi thi học là việc nghiên cứu tác phẩm văn chương, duy nhất dưới góc độ cấu trúc ngữ học nội tại.

Còn chúng tôi [những nhà ký hiệu học], chúng tôi dùng chữ thi học trong nghĩa gần với cổ điển hơn: không phải là một hệ thống quy luật gắt gao, mà là kế hoạch thao tác mà nghệ sĩ lựa chọn mỗi lần sáng tác, nó có thể tiềm ẩn hoặc lộ rõ trong tác phẩm[19].

Sự phân biệt của Eco cho ta thấy: Các nhà Hình thức Nga coi thi học là khoa học khảo sát văn bản thuần tuý dưới góc độ ngữ nghĩa, còn những nhà Ký hiệu học coi thi học theo nghĩa rộng hơn, tức là sự tìm hiểu quá trình thao tác của nghệ sĩ, tiềm ẩn hoặc lộ rõ trong tác phẩm, nói khác đi, là toàn bộ hệ thống dấu hiệu (bao gồm bối cảnh, cách cấu tạo, cách viết, giọng điệu...) mà tác giả lựa chọn cho mỗi tác phẩm.

Sau cùng, cần phải nói rõ thêm một điểm nữa: Các nhà hình thức lấy văn chương làm đối tượng nghiên cứu, còn các nhà ký hiệu học có phạm trù rộng hơn. Đối với Roland Barthes, món ăn, thời trang, phim ảnh, kịch nghệ, nhẩy múa, ca hát, v.v. tất cả mọi hình thức biểu diễn xuất hiện trong xã hội, đều có thể nằm trong điạ hạt nghiên cứu của ký hiệu học. Điểm này chứng tỏ, những nhà Hình thức Nga đã tiếp cận với ngữ học Sausure, đặc biệt Âm vị học và Ngữ học lưỡng phân, còn những nhà Ký hiệu học sau này, như Eco, Barthes ngoài ngữ học Sausure còn tiếp cận với ký hiệu học Hjelmslev. Tóm lại, trong trường hợp nào, ngôn ngữ học Sausure, và ký hiệu học Hjelmslev cũng giữ vai trò nền tảng trong hoạt động phê bình văn học.

Con đường nghiên cứu của trường phái Hình thức

Boris Eichenbaum tóm tắt những nét phát triển chính của trường phái Hình thức trong vòng 10 năm từ 1914 đến 1924 như sau:

Để thực hiện và củng cố nguyên tắc “biệt tạo” (phân chia và tách biệt) mà không cần phải dùng đến những lý thuyết mỹ học tư biện (esthétique spéculative), chúng tôi cần đối chiếu văn chương với một loại dữ kiện khác, bằng sự lựa chọn trong hằng hà sa số những thể loại hiện hành, một loại nào, có thể sánh với văn chương, nhưng có một chức năng khác biệt.

Sự đối chiếu ngôn ngữ[20] thơ với ngôn ngữ hàng ngày minh họa cho tiến trình có phương pháp này. Nó đã được khai triển trong những tuyển tập đầu tiên của Opoïaz (các bài của L. Yakoubinski) và nó đã dùng làm điểm khởi hành cho công trình của những nhà hình thức về những vấn đề cơ bản của thi học.

Trong khi những nhà văn học truyền thống theo thông lệ, hướng những nghiên cứu về lịch sử văn hoá, xã hội, những nhà hình thức hướng những nghiên cứu về ngữ học, một khoa học lồng thi học trong đề tài nghiên cứu của nó nhưng dựa trên những nguyên tắc khác và đề nghị những chủ đích khác. Ngoài ra, những nhà ngữ học cũng lưu ý đến phương pháp hình thức, bởi những dữ kiện của ngôn ngữ thi ca, tự nó, có thể coi là thuộc vào điạ hạt thuần túy ngữ học. Vì vậy mà [giữa ngữ học và thi học] có mối liên hệ tương tự như liên hệ lý-hoá trong cách dùng và sự phân chia nhau về chất liệu [nghiên cứu]. [...]

Yakoubinski đã thực hiện sự đối chiếu giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ hàng ngày dưới dạng tổng quát, trong bài viết đầu tiênÂm trong ngôn ngữ thơ” (Des sons du langage poétique) (Recueils sur la théorie du langage poétique, tập.1, Petrograd, 1916)”[21].

Theo Eichenbaum, thời đó, nghiên cứu về âm trong thơ là vấn đề “nóng bỏng” nhất và quan trọng nhất. Ông tóm tắt công trình chính của mỗi tác giả, trong buổi đầu: Chống lại quan niệm của Potebnia và nhóm Tượng trưng, coi thơ chỉ là hình ảnh, hay thơ là tư tưởng bằng hình ảnh còn những yếu tố khác, như nhịp điệu, âm thanh... chỉ là phụ; những bài viết của Yakoubinski đã xác nhận giá trị tự thân của âm thanh trong câu thơ. (Xin nhắc lại: Yakoubinski, lấy lại ý kiến: chữ trong thơ có giá trị tự thân của nhà thơ Vị lai Khlebnikov).

Bài viết của Ossip Brik Những lặp âm (Les répétitions des sons) (in trong Recueils sur la théorie du langage poétique, 1917) trình bày những câu, bài trong thơ Pouchkine và Lermontov, chứng tỏ âm thanh không chỉ làm cho êm tai mà còn có giá trị tự thân trong cấu trúc thơ.

Cùng thời gian đó, Chklovski “tả xung hữu đột” bằng nhiều bài, đả kích phái cổ. Bài Potebnia (in trong Recueils sur la théorie du langage poétique, 1919) nhấn mạnh một lần nữa: Hình ảnh và biểu tượng không giúp ta phân biệt ngôn ngữ thường với ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ khác ngôn ngữ thường bởi cấu trúc của nó. Công việc khảo sát ngôn ngữ thi ca đòi hỏi điều kiện tiên quyết, phải chấp nhận ngay từ đầu, là có một ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thông thường khác nhau, với những luật tắc khác nhau, điều này đã được chứng minh và nhiệm vụ của chúng tôi [những nhà hình thức] là phải phân tích những khác biệt đó. Đó là thời kỳ đầu của trường phái Hình thức.

Những chặng đường tiếp theo của trường phái Hình thức, có thể tóm tắt, theo Eichenbaum, như sau:

1- Từ việc đối chiếu giản lược ban đầu giữa ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ thơ, chúng tôi tìm cách phân biệt những chức năng khác nhau trong ngôn ngữ hàng ngày (L. Yakoubinski), định phạm vi của ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ biểu cảm (R. Jakobson). Tiếp theo đó, chúng tôi nghiên cứu diễn văn (tức là những phát biểu miệng) mà theo ý chúng tôi là thứ ngôn ngữ hàng ngày gần với văn chương nhất, nhưng lại có những chức năng khác. Việc nghiên cứu này dẫn đến việc tìm hiểu những phép tu từ trong thi học.

2- Trình bày các khái niệm chính trong văn chương: hình thức (trong nghĩa mới), thủ pháp (procédé), và chức năng (fonction).

3- Đối chiếu nhịp điệu hay âm điệu (rythme) với vần điệu (mètre). Xác định rằng âm mới là yếu tố xây dựng câu thơ (chứ không phải vần). Thơ là hình thức đặc biệt của văn bản nói (thơ được viết ra để đọc, để ngâm), có cấu trúc ngữ học riêng, về mặt cú pháp, từ vựng và ngữ nghĩa.

4- Nếu chủ đề (của bài thơ) là một kiến trúc, thì chất liệu (matière), tức là chữ là yếu tố tác động để xây dựng kiến trúc.

5- Xác định bản chất của thủ pháp trên những chất liệu khác nhau (tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Pháp...). Phân biệt những thủ pháp (văn chương) khác nhau tùy theo chức năng (văn tiểu thuyết, văn tiểu luận, văn tế...). Tiến tới việc tìm hiểu sự tiến hoá của các hình thức văn chương tức là tới địa hạt nghiên cứu văn học sử hay ngữ học lịch đại[22].

Tóm lại, lịch trình của trường phái Hình thức có thể chia làm những chặng sau đây:

- Đối lập và phân biệt ngôn ngữ thơ và và ngôn ngữ hàng ngày.

- Nghiên cứu âm điệu vần điệu trong thơ.

- Xác định nghệ thuật là một thủ pháp. Mỗi ngành nghệ thuật có một thủ pháp khác nhau.

- Tìm hiểu thủ pháp của thi ca. Thành lập một lý thuyết về thi ca.

- Nghiên cứu các thủ pháp khác trong văn chương: thủ pháp truyện ngắn, thủ pháp cổ tích, thủ pháp tiểu thuyết... Sau cùng là nghiên cứu văn học sử.

Trường phái Hình thức Nga đã đặt nền móng đầu tiên cho sự phân tích văn học trong chiều sâu của chữ nghĩa, bằng phẫu thuật. Sau này người ta có thể trách tính cách “máy móc” của trường phái này, nhưng những kết quả họ đem lại, vẫn có giá trị trường tồn.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/


[1] Theo Roman Jakobson, Tiến về một khoa nghệ thuật thi ca (Vers une science de l'art poétique), bài tựa cuốn Lý thuyết văn chương (Théorie de la littérature) do Tzvetan Todorov tập hợp và dịch sang tiếng Pháp, Seuil, 1965, Points, 2001.

[2] Victor Erlich, Trường phái Hình thức Nga (Russian Formalism), Mouton, 1955.

[3] Lý thuyết văn chương (Théorie de la littérature), do Tzvetan Todorov tập hợp và dịch sang tiếng Pháp, Seuil, 1965, Points, 2001.

[4] Luận về ngôn ngữ học đại cương, Tập 1- Những nền móng của ngôn ngữ (Essais de linguistique générale, 1-Les fondations du langage), do Nicolas Ruwet dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, Ed. de Minuit, 1963, 2003.

[5] Theo bản dịch tiếng Pháp: Mystère, c'est ce que la Révolution a de grand. Bouffe, ce qu'elle a de comique.

[6] Sémion Kirsanov (1906-1972), đệ tử Maiakovski.

[7] Nguyên văn punching-bag.

[8] Nguyên văn wigwam là cái lều của người da đỏ Bắc Mỹ.

[9] Trích theo Jakobson, Lý thuyết văn chương, t.10-11.

[10] Lý thuyết văn chương, t. 42.

[11] Lý thuyết của “phương pháp hình thức” in trong thuyết văn chương, t. 29-74.

[12] Lý thuyết văn chương, t. 29.

[13] Lý thuyết văn chương, t. 30.

[14] Lý thuyết văn chương, t. 31.

[15] Lý thuyết văn chương, t. 33-34.

[16] Lý thuyết văn chương, t. 34-35.

[17] Lý thuyết văn chương, t. 35.

[18] Thơ Nga mới (La nouvelle poésie russe), Esquisse 1, Praha, 1921, t. 11; Lý thuyết văn chương, t. 35-36.

[19] Umberto Eco, Opéra Aperta (L'œuvre ouverte – Tác phẩm mở) bản dịch tiếng Pháp của Chantal Roux de Bézieux, Seuil, 1965, t. 10.

[20] Todorov dùng chữ langue poétique, không rõ trong nguyên bản tiếng Nga như thế nào, điều này chứng tỏ ông không phân biệt langue với langage, như trong ngữ học Saussure. Chữ langue của Todorov, chúng tôi dịch lại là ngôn ngữ (langage) để phân biệt với languetiếng nói.

[21] Lý thuyết văn chương, Points, 2001, t. 36-37.

[22] Lý thuyết văn chương, t. 73-74.