Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Buổi sáng dường như

Truyện Thu Phong

Xin thứ lỗi nếu tôi làm phiền, tôi chỉ muốn hỏi cô có ngồi trong quán cà phê Tùng ở Đà Lạt đêm giáng sinh năm 2.000 không?

Năm ấy, tôi muốn đến một nơi đặc biệt để giã từ thế kỷ 20, một thế kỷ đầy đau thương và hy vọng.

Và tôi đã chọn Đà Lạt, nơi tôi yêu thích nhất, hầu như mỗi năm đều đến.

Yêu thiên nhiên, tôi thích Đà Lạt trước hết vì phong cảnh đẹp, không chỉ hùng vỹ mà còn nên thơ, ở đấy có rừng, núi, hồ, thác, suối, hoa cỏ.

Tôi thích những ngôi biệt thự mái dốc có ống khói lò sưởi, có cửa tò vò, đa dạng, đẹp não nùng, tọa lạc trên các đồi dốc, ẩn mình sau muôn lá muôn hoa.

Tôi thích đi bộ trên các con đường đồi dốc, lên xuống các bậc tam cấp.

Tôi thích cái lạnh ở Đà Lạt, nơi tôi có thể mặc áo ấm quàng khăn đi dạo quanh bờ hồ Xuân Hương, thưởng thức ly sữa đậu nành nóng ven hồ, cái lạnh không làm đỏ tai, nhức ngón, đủ ấm áp khi ngồi bên lò sưởi. Và chỉ cần quấn thêm một chiếc mền lúc lên giường là ngủ được.

Dĩ nhiên là tôi thích nơi có nhiều sương mù. Bởi nó làm cảnh vật, con người thêm lung linh.

Uống cà phê ở Đà Lạt, một tách cà phê đen nóng, càng nóng càng tốt tôi có thể vừa nhấm nháp từng ngụm nhỏ, thưởng thức hương và vị từ mũi qua miệng lưỡi xuống cổ, vừa nhớ lại, ngẫm nghĩ, hoặc tán gẫu chuyện nhân tình thế thái giữa cái lạnh chờn vờn ngoài thân thề, mơn trớn khuôn mặt, vuốt ve đôi tay mình.

Đi Đà Lạt với bạn là thú vị nhất. Nhưng một mình cũng không sao, bởi xứ ấy đã là một người tình lãng mạn lúc nào cũng giang tay chào đón.

Đà Lạt như thế, còn nơi nào hơn nữa?

Bữa đó, tôi một mình ngồi trong góc quán sát cửa kính, mặc sơ mi màu vàng đậm, quần ka ki đen, mang đôi giày bố. À! Tôi có mặc thêm áo khoác đen, cổ quàng khăn, không đội mũ. Ở Đà Lạt có nhiều người ngồi quán mà vẫn đội mũ, đêm ấy trong cà phê Tùng có nhiều người đội mũ nồi, cát-két.

Giáng sinh nên Đà Lạt đầy người, cả ngoài phố lẫn trong quán. Tất nhiên ồn ào náo nhiệt, và tất nhiên là quán mở nhạc Giáng Sinh.

Tôi ngồi chỗ ấy, với ly cà phê đen và vài điếu thuốc, suy tưởng về hai cuộc thế chiến, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, về sự kỳ thị màu da, về cuộc cách mạng Cộng sản, những biến cố con người giết nhau, đày đọa nhau chưa từng có; tuy vậy tất cả đều đã chấm dứt hoặc hầu như chấm dứt trong thế kỷ 20. Thế kỷ 20 cũng là thế kỷ mở đầu cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật giúp con người sống tiện nghi hơn, và cuộc cách mạng xanh trong thế kỷ ấy đã cho con người nhiều lương thực hơn…

Rồi tôi buồn bã nghĩ đến nỗi bất hạnh của quê hương chúng ta khi thế kỷ kết thúc vẫn còn chìm đắm trong mịt mùng tăm tối.

Lúc tôi nhìn thấy cô gái ấy ở góc đối diện, quán vừa dứt bản Jingo Bell, chuyển sang Silent Night, hai bài hát truyền thống Tây Phương mùa Giáng Sinh tôi khá là thích.

Cô gái trong cái nhìn bất chợt ấy mặc bộ đồ màu đen, một điểm khiến tôi chú ý; cô không mặc áo ấm, một điểm nữa khiến tôi chú ý. Tóc cô để dài nhưng không đủ dài, tôi ước chừng nếu xỏa ra sẽ không đến ngang lưng, được buộc lại bằng một sợi dây vải, bên trong có thun, tôi cho là vậy, một thứ dây cột tóc của phụ nữ tôi không biết gọi tên.

Uống cà phê ở Tùng, bao giờ cũng vậy, khách phải để xe ở vỉa hè nơi khách bộ hành qua lại trước quán, chắc cô cũng để xe ngoài ấy vì trong tay cô là chiếc chìa khóa, tôi không rõ cô có đem theo túi xách và sau đó bỏ chìa khóa vào trong ấy không.

Tôi đã tự hỏi có phải cô cũng ở Sài Gòn như tôi, chạy xe đến Đà Lạt? Nếu đúng vậy, chúng ta có chung niềm vui đi Đà Lạt bằng xe hai bánh gắn máy. Có phải vì cô cũng thích ngắm cảnh dọc đường, đắm mình trong không khí mát mẻ của đèo Chuối, trong cái lạnh lẽo của đèo Bảo Lộc, trong cảm giác rờn rợn thích thú giữa một bên là núi một bên là vực thẳm với muôn vàn đỉnh thông reo bên dưới đèo Prenn?

Và chắc là cô có ghé lại quán X để được ăn kẹo, uống trà, uống cà phê miễn phí?

Và hẳn là cô có ngắm những bụi dã quỳ vàng rực hai bên đường!?

Tôi đã nhìn sang cô ấy nhiều lần, chờ đợi để cúi đầu chào cô nếu cô nhìn lại nhưng tôi chỉ thấy cô nhìn bâng quơ trong quán.

Tôi nghĩ một lúc nào đấy khi tôi nhìn chỗ khác, cô có nhìn thấy tôi, chúng ta chỉ cách nhau chừng ba mét.

Tôi không nghĩ cô ấy lãnh đạm, mà hững hờ. Tôi phân biệt lãnh đạm với hững hờ; theo tôi một người lãnh đạm sẽ giữ khoảng cách với mọi người và bất cứ sự việc gì, như thể sự lạnh lẽo đã xâm chiếm người ấy. Còn người hững hờ có để ý đến chung quanh nhưng không để tâm vì họ đang suy tưởng một vấn đề riêng tư nào đấy. Tim họ vẫn đập bình thường, lòng họ vẫn đầy xúc cảm.

Bây giờ, đi trước tôi chỉ vài bước là một cô gái có dáng vẻ giống hệt như cô gái ấy: cũng bộ đồ đen với tay áo dài cách khủy tay chưa tới một tấc, quần dài gần như chấm gót dù cô đang đi bộ thể dục, dù hầu như tất cả các bà các cô tập thể dục trong công viên đều mặc đồ thể thao, áo thun, quần sọt hoặc quần lửng; cũng mái tóc hơi dài được cột lại, trên tay cũng cầm chiếc chìa khóa!

Sao tôi lại không nhớ đến cô gái ấy? Sao tôi không nghĩ cô chính là cô gái ấy?

Tôi xin lỗi đã âm thầm đi theo cô gần hai vòng đi bộ. Trong suốt thời gian ấy tôi đã tìm lý lẽ để xác định cô là hay không phải là cô gái tôi gặp trong quán cà phê Tùng Đà Lạt năm ấy.

Về bộ đồ đen, tôi tự hỏi sao nó giống hệt bộ đồ cô gái mặc ở Tùng, chẳng lẽ qua ngần ấy năm nó không phai màu? Quần áo nếu giặt rồi phơi ngoài nắng sẽ dễ phai màu, chính vì vậy các bà mẹ thường bảo con phơi đồ phải lộn trái.

Hầu như tất cả các màu kể cả trắng cho dù ít giặt, qua thời gian đều nhuốm xám, màu đen thì thành xám tro. Đó là màu thời gian.

Bộ đồ cô đang mặc không phải là bộ đồ cô gái ấy mặc, và như vậy cô không phải là cô gái ấy.

Khi đi đến cổng vườn hoa, tôi chú ý đến mái tóc của cô, tuy rất giống mái tóc cô ấy, không dài hơn cũng không ngắn hơn và cũng được cột lại y như vậy; hơn nữa màu tóc cũng đen dù bây giờ con gái thường nhuộm nâu hoặc vàng, tôi tự hỏi chẳng lẽ ngần ấy năm tóc không dài thêm?

Chắc chắn là tóc sẽ dài hơn. Tôi thích phụ nữ để tóc dài nhưng tôi biết có nhiều cô gái thích cắt ngắn, uốn quăn. Nếu tôi có chút ảnh hưởng nào với một người con gái tôi sẽ bảo người ấy để tóc dài, như thế không chỉ nhiều nữ tính hơn mà còn đẹp hơn (Bằng chứng là hầu hết thí sinh thi hoa hậu đều để tóc dài).

Tuy vậy, nếu cô gái mà tôi gặp ờ quán Tùng năm ấy thích để tóc dài và không hề cắt từ bấy đến giờ, nó sẽ rất dài, dài hơn mái tóc của cô. Và vì vậy cô không phải là cô gái thuở ấy.

Nhưng đi ngang câu lạc bộ Chim cá cảnh, tôi tìm ra lý do để cho rằng hai mái tóc là một: Tất nhiên tóc sẽ dài ra nhưng cô đã cắt ngắn bớt vì trời Sài Gòn nóng bức.

Trời ơi! Còn vóc dáng nữa! Ít ai có vóc dáng không thay đổi sau ngần ấy năm, nhất là phụ nữ. Hầu hết họ đều mập lên, tôi thất vọng nghĩ.

Nhưng không phải là không có người vẫn giữ vóc dáng xưa. Trong nhiều phụ nữ tôi từng gặp và gặp lại sau nhiều năm, ít nhất có một phụ nữ không thay đổi chút nào vóc dáng. Đó là cô giáo dạy tôi thời trung học. Một chút hy vọng dấy lên trong tôi.

Rồi tôi nghĩ biết đâu cô gái ấy là dân Đà Lạt và từ bấy đến giờ chưa từng đến Sài Gòn?

Nhưng vóc dáng và làn da ấy không giống như các cô gái địa phương Đà Lạt. Theo tôi nhận biết họ thường tròn trĩnh, má thì hồng hồng.

Còn trường hợp ngược lại ? Ừ, cô không phải là người Đà Lạt, cô là người Sài Gòn. Nhưng cô chưa từng hoặc không hề đến nơi ấy trong ngày Giáng Sinh năm xưa. Tôi lại hoang mang.

Không như bây giờ tảng sáng và chỉ se se lạnh, lúc ấy đêm còn dài và trời giá buốt và nếu là cô ở đấy chắc chắn cô còn nhớ một lúc nào trong đêm có một đám mây sương sà xuống dày đặc trước quán làm biến mất mọi thứ….

Đến ngả rẽ tôi không đi thẳng và băng qua đường để sang khu vực bên kia như trước, mà quẹo trái theo cô. Ở chỗ ấy tôi cố nhớ lại nét mặt người con gái tôi đã nhìn thấy năm ấy trong quán… Để coi… Cô ấy có khuôn mặt giống trái soan, da trắng thì phải, có thể nói khá xinh.

Tôi đã không nhìn được khuôn mặt cô vì suốt thời gian gần hai vòng đi bộ tôi đều đi sau vài bước; dĩ nhiên nếu tôi bước nhanh hơn tôi có thể ngoái đầu nhìn, nhưng như thế thật sỗ sàng, ngay cả bước lên song song và liếc sang để thấy được khuôn mặt nhìn nghiêng, tôi cũng không dám.

Tôi lẽo đẽo theo cô, đầu nghĩ loanh quanh như vậy, khẳng định rồi phủ định, phủ định rồi khẳng định, cứ vậy, hy vọng rồi thất vọng.

Cuối cùng tôi tự hỏi cô sẽ phản ứng thế nào nếu tôi lên tiếng.

Những người đi bộ thể dục thường đi nhanh nhất có thể. Cô đi khá nhanh, nhưng tôi đi nhanh hơn; dù vậy kể từ khi nhìn thấy cô, tôi đã đi chậm lại, thường giữ khoảng cách ba bước chân.

Nhưng tại sao tôi quyết định bước nhanh hơn vài bước và đặt câu hỏi này?

Thứ nhất vì cô đi một mình. Chuyện cô đi một mình hôm nay cũng khiến tôi suy nghĩ khi nhớ lại cô gái năm ấy cũng đi một mình. Khi ấy, tôi đã tự hỏi tại sao cô ấy lại một mình trong khi hầu như mọi người trong quán đều với bạn?

Ở tuồi ấy, với dung nhan ấy chắc chắn cô đã có bạn trai hoặc có thể đã có chồng. Phải chăng đã có một sự đổ vỡ hoặc sứt mẻ trong một mối quan hệ ? Hoặc không có một mối quan hệ nào? Hay đơn giản chỉ vì thích một mình trong hoàn cảnh đặc biệt này?

Tất cả điều khả thể. Rồi tôi chợt nhận ra mình cũng vậy, cũng một mình!

Dĩ nhiên tôi không vì thế mà cho rằng cô và cô ấy là một người, chỉ là ngẫu nhiên. Chính là tôi nghĩ chuỵện khác: một cô gái còn độc thân, hoặc chưa có người yêu dễ trả lời tôi hơn (?). Và điều ấy góp phần vào quyết định của tôi.

Nếu đúng, có lẽ cô sẽ ngạc nhiên, thích thú vì gặp lại. Tôi còn mong gì hơn nữa! Và tôi có thể làm quen với cô, thực hiện điều tôi đã bỏ lỡ năm năm trước.

Nếu không đúng? Chắc chắn cô sẽ nghĩ rằng tôi bịa chuyện để tán tỉnh. Tôi có ý định tán tỉnh không?

Tôi nhìn nhận rằng với tất cả những gì tôi thấy về cô, cô thu hút tôi. Nếu cô gái ngồi trong quán Tùng mập và cao hơn tôi và cô bây giờ cũng như vậy, tôi sẽ không muốn nhìn người quen, bởi hình ảnh quá khứ sẽ không lưu lại lâu trong tâm tưởng tôi. Nhưng như thế có nghĩa là tôi ít nhất trong vô thức, muốn tán tỉnh rồi!

Thú thật là nhiều lần tôi đã đi chậm lại, muốn rẽ lối khác, để không bao giờ gặp cô. Tôi thấy ngượng nếu cô không trả lời hoặc trả lời không phải. Tôi vốn là người khá nhút nhát, chưa từng mở miệng làm quen với cô gái nào, kể cả với “nàng Ngọ” của mình thời trung học…

Nhưng nghĩ cho cùng, dù phản ứng thế nào cô cũng sẽ không bóp cổ tôi. Vì tôi có đọc và tin là đúng câu phát biểu “Từ khi thế giới này là thế giới, chưa từng có người đàn ông nào bị người đàn bà bóp cổ vì đã tỏ tình với nàng” (*).

Xin thứ lỗi nếu tôi làm phiền, tôi chỉ muốn hỏi cô có ngồi trong quán cà phê Tùng ở Đà Lạt đêm Giáng sinh năm 2.000 không?

--------------------------------------

(*) Tư tưởng của Florian