Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường về thảm hoạ cá chết ở duyên hải miền Trung


Tô Văn Trường

Dear Anh Trần Hồng Hà
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vừa qua anh trả lời báo chí, nhất là trên tờ Tuổi Trẻ liên quan đến vụ cá chết ở duyên hải miền Trung và Formosa thể hiện trách nhiệm của mình là điều độc giả cần ghi nhận. Tuy nhiên, đứng trên góc độ của người làm công tác khoa học và nhà báo công dân, tôi muốn làm rõ những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm để giúp anh có thêm thông tin, tham khảo.

Nhận thức chung
Tôi cũng như mọi người dân nước Việt rất bức xúc và lo lắng trước thảm họa cá chết dải ven biển miền Trung. Cho đến nay, cả Chính phủ và giới chuyên môn các cấp đều chưa khẳng định (hoặc bác bỏ) những điều cơ bản làm căn cứ để lên án ai đó và đề xuất biện pháp xử lý. Đó là do thái độ vô trách nhiệm, bao che, che giấu sự thật, hay do tính khó khăn về khoa học của bản thân vấn đề hay do các nguyên nhân khác? Phê phán sự phản ứng chậm trễ của cá nhân và cơ quan là đúng, nhất là những động thái của lãnh đạo cao cấp đến thăm Formosa trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” lại không ngó ngàng gì đến thảm cảnh điêu linh của người dân và cá chết trắng biển ở Hà Tĩnh.
Loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm ra thủ phạm chính gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miện Trung. Nghi vấn đang tập trung vào Formosa, một đối tượng đã bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới đưa vào "danh sách đen” và đã nhập về sử dụng gần 300 tấn hóa chất để tẩy rửa đường ống. Nhưng nghi vấn thôi thì chưa đủ! Có vẻ như các nhà quản lý của chúng ta đã rất bị động và lúng túng trong vụ việc này. Bảy bộ ngành liên quan đến bảo vệ môi trường, trong gần một tháng vẫn chưa thống nhất để đưa ra những đánh giá kết luận "định lượng" nguyên nhân của vụ việc.


Thảm họa này thực chất là gì? Tôi và nhiều bạn hữu thật sự không thích những cách nói "có thể", rồi tiếp cận một "cái có thể" nào đó như là một hiện thực. Tuy nhiên, trong khi chưa có kết luận cụ thể thì có thể cung cấp cho quần chúng những kiến thức khoa học về tác hại trước mắt, lâu dài của những "cái có thể" đó, để họ có một cái nhìn khái quát và định hướng tìm hiểu vấn đề.
Thảm họa này có nguồn gốc từ đâu? Đây là vấn đề rất hệ trọng, ai đó có thể phát ngôn ý kiến riêng, nhưng yêu cầu nhà cầm quyền phát ngôn, khi chưa có trong tay đầy đủ bằng chứng và số liệu cần thiết thì không thích hợp, rất dễ bị "hố" hay "hớ", sai ly đi một dặm!
Chỉ khi làm được như vậy mới có thể đề xuất các biện pháp và kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan trong nước và quốc tế. Thúc đẩy và giám sát Chính phủ và các quan chức của nó thực hiện các việc cần làm và những điều họ đã cam kết là việc các cá nhân và giới khoa học nên làm, nhưng nghĩ rằng có thể "cứu" lấy biển độc lập với Chính phủ, (hoặc đối lập với nó, thậm chí xem nó như một phần của những đối tượng), thì vừa sai về cách tiếp cận, vừa không thực tế.

Vì sao ta phải kêu gọi đầu tư nhà máy thép
Tổng Công ty Thép Việt Nam (VSC) được nhà nước giao cho phát triển mỏ Thạch Khê từ lúc khởi thủy (kế thừa) và nhà máy thép liên hợp (sử dụng quặng sắt Thạch Khê). Nhưng vì mỏ Thạch Khê phức tạp, Thủ tướng lại giao cho TKV chủ trì. VSC không có tiền nên phải liên doanh với Tata Ấn Độ. Tata yêu cầu có 30 % cổ phần trong Thạch Khê để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, nhưng TKV không đồng ý, vì TKV cũng muốn xây dựng nhà máy thép.
Đất vốn dành cho nhà máy thép liên hợp (mong muốn có từ thời ông Lê Duẩn) thì Hà Tĩnh lại dành riêng cho Formosa, lối ra biển cũng bị dự án thép Formosa chặn mất. Vì thế liên doanh giữa VSC và Tata sụp đổ, đương nhiên còn những yếu tố khác. Còn Thạch Khê vẫn nằm tềnh hềnh ra đó, TKV không thể ‘kham nổi’ xét về độ phức tạp của khai thác và vốn liếng.
Ngày 15/01/2008 từ Đài Bắc Formosa mới có thư trình Thủ tướng về dự án thép thì ngày ngày hôm sau 16/01/2008 từ Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự đã có thư trình Thủ tướng "cho phép" (mặc dù Formosa không hề gửi thư này cho Hà Tĩnh)? Thẩm quyền của tỉnh chỉ cho phép thuê đất đến 50 năm, nhưng Hà Tĩnh vượt quyền cho Formosa thuê đất kéo dài đến 70 năm? Formosa, một công ty nổi tiếng với giấy chứng nhận "hành tinh đen" do hủy hoại môi trường, lại được ưu ái lạ thường. Đừng trách người dân có quyền suy luận chỉ có tư duy nhiệm kỳ và “kim ngân” mới đủ sức mạnh lôi cuốn người ta liều lĩnh quyết định bất chấp mọi hậu quả đến thế!
Trước đó, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, có tầm nhìn xa, trông rộng, không đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt để xâm hại an ninh môi trường đã dũng cảm từ chối nhà máy thép “tỉ đô” Vân Phong, nhưng tiếc thay bài học sáng giá này không được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lĩnh hội.

Cần hiểu đúng Luật bảo vệ môi trường
Trong Luật Bảo vệ môi trường không có cấm xả thải xuống biển, mà chỉ cấm xả thải các chất độc hại xuống biển. Luật quy định trước khi xả thải ra môi trường, các chỉ tiêu hoá, lý, sinh phải đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường. Trên thực tế, nước nào cũng vậy thôi, nước thải từ sản xuất hay sinh hoạt sau khi xử lý đều đổ ra sông, ra biển (chứ đổ vào đâu?).
Luật cũng không cấm đặt ổng thải ngầm ở biển và luật cũng không buộc phải đặt các ống thải nổi. Quan trọng là các biện pháp kiểm soát khối lượng, chất lượng nước thải thông qua các biện pháp quan trắc môi trường.
Những ngày qua, nhờ có vụ cá chết hàng loạt ở duyên hải miền Trung, người dân mới phát hiện ra sự buông lỏng kiểm tra, giám sát việc xả thải của Formosa ra môi trường biển và sự lúng túng, chậm chạp trong xử lý của các cơ quan hữu trách từ trung ương đến địa phương. Nhân dân đòi hỏi chính quyền các cấp phải tập trung mọi nguồn lực xác định nhanh chóng thủ phạm, chứ không phải biện pháp xử lý “nửa vời”!
Không hiểu ai tư vấn cho Bộ trưởng để viện dẫn suy luận từ Điều 101, khoản 2, Luật Bảo vệ môi trường “Bất cứ đường ống nào nhất là đường ống xả thải đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng” để ra lệnh cho Formosa phải đưa 1,5 km đường ống xả ngầm, nổi lên mặt biển? Bất cứ một quyết định nào của một vị hữu trách ngành cũng đều phải có lý, có tình, có nghiên cứu luật lệ quốc tế, nếu có khác, thì phải có lý do chính đáng.
Tôi đọc các sách liên quan đến luật, hiểu rằng trong quá trình quản lý chỉ được viện dẫn luật, không được suy diễn theo hướng có lợi hoặc bất lợi cho đối tượng áp dụng. Ở đây, không có quy định đặt ngầm trong Điều 101 thì không thể suy diễn từ tạo điều kiện kiểm tra, giám sát thành không cho phép đặt ngầm. Trên thế giới, nhiều nước vẫn cho đặt đường ống ngầm xả thải ra biển nhưng có quy định kiểm soát chặt chẽ giám sát chất lượng nước xả kể cả trạm giám sát tự động và kiểm tra thường xuyên.
Vấn đề ở đây cần làm rõ là tất cả hệ thống xả thải không phải là ngầm. Trên bề mặt nổi, dễ kiểm soát là ngay ở "bể hở" nơi xử lý nước thải, sau khi đạt tiêu chuẩn mới đưa vào đường ống ngầm. Ngay ở cửa vào này, theo Nghị định 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu ghi rõ ở Điều 39 "Các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường".
Theo tôi biết để giảm tác động của việc xả thải đến sự ổn định của đáy biển, giảm độ đục của nước biển khu vực gần bờ (vì vận tốc xả thải theo thiết kế là 3,5m/s) nên chọn điểm xả cách bờ 1,3km, đường kính ống xả 1,2 m, dọc ống có 9 lỗ xả với đường kính 0,3m.
Trước khi thải ra biển, nước thải phải được xử lý đạt QCVN và được giám sát, quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh. Vị trí giám sát tại hố/bể chứa nước thải sau xử lý trên bờ, cách điểm xả cuối 1,3km.
Vấn đề là phải đảm bảo trước khi xả thải thì các chỉ tiêu của nước thải phải đạt yêu cầu. Vì vậy phải giám sát được tại bể chứa sau xử lý (trước khi xả ngầm). Cơ quan quản lý phải vừa có biện pháp chủ động giám sát vừa bắt buộc chủ nhà máy phải lắp thiết bị quan trắc/giám sát truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan quản lý chứ đừng chỉ trông mong vào sự tự giác hoặc hợp tác của chủ nhà máy.
Nếu làm theo lệnh của Bộ trưởng, không thể hình dung được nếu Formosa phải xây hệ thống giàn đỡ các ổng xả dài 1,5 km trên biển như thế nào và hệ thống ống này cản trở giao thông biển ra sao? Đừng quên, trong khu vực biển Vũng Áng còn các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và cảng phục vụ xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị. Với việc cấm xả theo đường ống đặt sát đáy biển, sẽ rối loạn toàn bộ các hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn khác trong cả nước chẳng hạn như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đều xả thải đáy, theo đường ống ra biển, v.v.

Những việc cần làm ngay
Từ Formosa, nhìn ra cả nước, người dân có quyền đặt câu hỏi với những vị lãnh đạo cấp cao quản lý đất nước:
- Đã có nhiều lo ngại về mặt an ninh quốc gia liên quan tới vị trí Vũng Áng, căn cứ Nam Hải và số lao động gốc Hoa khoảng 2 sư đoàn + quy chế riêng, kiểu tô giới thì lãnh đạo giải thích thế nào? Đặt trong bối cảnh đó thì việc kiểm tra chất xả thải làm sao có thể độc lập được?!
- Thép là mặt hàng đang và sẽ ế ẩm trong nhiều năm tới, do đó Formosa chắc chắn không muốn chi thêm để bảo vệ môi trường khiến sản phẩm không mang tính cạnh tranh.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một số vị quan chức gương mẫu ăn hải sản và tắm biển. Điều đó cũng tốt thôi nhưng không có sức thuyết phục về khoa học. Nguy hiểm không phải là những con cá chết (vì chết nên không ăn). Nguy hiểm chính là những con cá nhiễm độc nhẹ, vẫn sống, vẫn phát triển nhưng chứa độc tố. Và con người bị nhiễm độc mãn tính thông qua nguồn thức ăn này.
Thay vì chuyện "gương mẫu" trên, chúng ta phải tập trung các nguồn lực phân tích một số độc chất phổ biến trong các mẫu nước, mẫu trầm tích, các loại tôm cá, loại đã chết, loại đánh bắt gần bờ, loại xa bờ và công bố các số liệu này. Việc này đâu có khó, nhiều phòng phân tích của Việt Nam đủ sức thực hiện. Ngoài các phòng phân tích của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, các phòng phân tích dioxin của Tổng cục Môi trường, Phòng phân tích dioxin của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, v.v. đều có đủ trang bị hiện đại nhất, có chuyên gia và đã được kiểm tra chéo với một số cơ sở phân tích hiện đại ở Đức, Nhật.
Yêu cầu Formosa phải tạo điều kiện dễ dàng để các cơ quan chức năng thường xuyên giám sát các chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn Việt Nam, nối ngay số liệu ở trạm tự động với Sở Tài nguyên và Môi trường. Cần thống kê các loại chất thải của các nhà máy trong khu công nghiệp Formosa để làm cơ sở lắp đặt các đầu dò thích hợp cho các trạm quan trắc tự động, chứ không phải chỉ giới hạn ở 6 chỉ tiêu thông thường hiện nay như nhiệt độ, pH, COD, SS, tổng ni tơ, và lưu lượng thải.
Rà soát đánh giá lại các quy chuẩn của Việt Nam, kể cả quy chuẩn QCVN 52:2013/BTNMT, cột B với hệ số Kf = 0,9; Kq = 1,3, đường ống xả có đường kính trong 1,2 m, cách mặt biển 12 m, có 9 lỗ xả dọc theo chiều dài đường ống xả, đường kính mỗi lỗ 0,3 m?
Về việc đặt đường ống xả ngầm (đúng ra phải dùng thuật ngữ xả đáy), kể cả thải xuống sông với lượng nước lớn cũng phải đặt họng xả sát đáy và xa bờ, để đảm bảo khả năng phát tán nước thải, kể cả có đạt tiêu chuẩn thì rõ ràng nước thải sau xử lý vẫn không thể giống hoàn toàn nước trong môi trường tiếp nhận. Bởi vậy, cần phải phát tán nhanh để giảm thiểu nguy cơ gây sốc đối với thủy sinh khi thải lượng nước lớn. Và dĩ nhiên, việc giám sát sẽ thực hiện ở ngay miệng xả vào đường ống, tức là miệng xả sau hệ thống xử lý.
Ngay cả khi không kết luận được thảm họa này do Formosa gây ra, thì việc giám sát của Việt Nam đối với toàn bộ việc thi công và hoạt động của nó theo những tiêu chuẩn và quy phạm Việt Nam (cũng như tất cả các doanh nghiệp trên đất nước ta, bất kể thuộc thành phần nào) cũng đều phải được tôn trọng và thực hiện ngay. Chấm dứt tình trạng khép kín "nội bất xuất, ngoại bất nhập" như đã từng xảy ra.
Nhiều vấn đề liên quan khác, tôi đã đề cập đến trong bài viết “Từ hiểm họa đến vực thẳm”. Xin nhấn mạnh lại, vấn đề trọng yếu nhất hiện nay là cần khẩn trương xác định rõ ai là thủ phạm gây nên cá chết ở duyên hải miền Trung. Nếu tìm ra thủ phạm là Formosa thì phải xử lý rất nặng, chứ không phải chỉ dựa vào Khoản 2, Điều 101 để xử lý theo cách viện dẫn suy luận như trên.

Thay cho lời kết

Về cách xử lý "khủng hoảng" (cả về mặt sự cố môi trường, và mặt truyền thông) của các cơ quan nhà nước: không thể chối cãi quá lúng túng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, không chỉ giữa các Cục trong VEA, giữa Cục quản lý tài nguyên nước và Tổng cục Môi trường, giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà cả giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giữa các Viện của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, giữa thông tin đưa trên truyền thông đại chúng với thông tin từ các cơ quan trách nhiệm liên quan.
Nguyên nhân chính là do không giám sát kịp thời thì Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhận lỗi rồi, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là sự chồng chéo, không đồng bộ thậm chí mâu thuẫn về trách nhiệm quản lý giữ các cơ quan từ địa phương đến trung ương. Kết quả là ở Việt Nam hầu như quy định luật pháp nào cũng có, nếu không có chuyện xảy ra thì cơ quan nào cũng đòi quản lý (chỉ chết doanh nghiệp và người dân với đủ loại thủ tục, giấy phép!!!), còn khi xảy ra chuyện thì lại "trách nhiệm tập thể" hoặc "trách nhiệm của những người lãnh đạo nhiệm kỳ trước”. Cuối cùng hậu quả, chỉ có doanh nghiệp và người dân chịu trận.
Sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và thật sự khoa học sẽ giúp giải quyết tận gốc những vấn nạn và lùng nhùng lâu nay về môi trường. Có thể nói vụ cá chết ở ven biển miền Trung là điển hình, là phép thử sức mạnh hệ thống chính trị - xã hội của chúng ta trước các mối đe dọa không chỉ về môi trường mà còn về chủ quyền đất nước nữa!
Tôi viết hơi dài, mong có thể phần nào góp vào suy nghĩ chung nên có của những người nặng lòng với đất nước trong tình huống ngặt nghèo hiện nay.
Kính chúc Bộ trưởng mạnh khỏe, bình tâm, biết lắng nghe những lời nói phải, vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn đầy thử thách này.

T.V.T.