Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Góp phần tìm hiểu bản di bút của Tạ Chí Đại Trường

Từ Mai Trần Huy Bích

 

"I was saddened to learn yesterday that South Vietnamese historian T Chí Đi Trưng

has passed away. I never had the good fortune of meeting T Chí Đi Trưng,

but  in recent years we did have a kind of “meeting of minds,”

and I’m forever grateful to him for that experience…”


(Di ảnh Tạ Chí Đại Trường trên trang mạng về Sử Đông Nam Á 

của Gs. Liam C. Kelley, Dept. of History, Univ. of Hawaii 

at Manoa, và những lời Gs. Kelley viết ra khi hay tin TCĐT qua đời).

Ngay từ sau khi hoàn tất luận án Cao học năm 1964 với đề tài “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802,” Tạ Chí Đại Trường đã được coi là một nhà nghiên cứu sử xuất sắc, tìm kiếm sự thật rất công phu, có những nhận xét tinh tế, đưa tới những kiến giải mới đòi hỏi cách nhìn cùng suy nghĩ mới khi đứng trước các dữ kiện lịch sử. Những tác phẩm xuất hiện sau của ông cũng chứa đựng nhiều đóng góp giá trị và hữu ích.

Ông cũng được sự chú ý của học giới quốc tế. Trong cuốn Essays into Vietnamese Pasts (Ithaca, NY : Cornell Univ. Press, 1995), hai học giả K.W. Taylor và John K. Whitmore chọn in một bài của Gs. Trần Quốc Vượng với rất nhiều dẫn chứng từ những phát kiến của Tạ Chí Đại Trường. Li Tana trong Nguyễn Cochinchina : Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (Ithaca, NY : Cornell Univ. Press, 1998) và George Dutton trong The Tây Sơn Uprising : Society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam (Honolulu : Univ. of Hawaii Press, 2006) liệt kê tác phẩm của ông trong danh sách các tài liệu tham khảo. Năm 2001, từ Đại học Michigan tại Ann Arbor sang California dự một cuộc hội thảo về Việt Nam tại UCLA, Gs. John K. Whitmore đã nhờ một người bạn tại địa phương (người viết những dòng này) đưa đi thăm một tiệm sách Việt Nam ở Orange County. Sau hơn nửa giờ trong khu sách về Sử, những cuốn ông chọn mua là hai cuốn mới xuất bản của Tạ Chí Đại Trường: Những bài dã sử Việt (1996) và Việt Nam, nhìn từ bên trong và bên ngoài (1994). Khi được hỏi “có nhận định ra sao” về Tạ Chí Đại Trường, Gs. Whitmore đã trả lời, “Ông ta (TCĐT) có nhiều nhận xét độc đáo và lý thú, đưa tới những phát hiện giá trị đáng được đọc” (He makes several original and interesting observations which bring about valuable findings that should be read).   

Theo Gs. Liam C. Kelley, giáo sư Sử tại Đại học Hawaii ở Manoa, năm 2010 sau khi viết xong một bài về triều đại Hùng Vương, ông nhận được 15 trang bình luận từ Tạ Chí Đại Trường. Ban chủ biên của chuyên san Journal of Vietnamese Studies (Berkeley, CA : Univ. of California Press, 2006-) cũng có những nhận xét rất tích cực về bản bình luận ấy, đã nhờ người dịch sang Anh ngữ để đưa in cùng với bài của Gs. Kelley trên số mùa Hè năm 2012 (vol. 7, issue 2) của chuyên san này.

Vì những lẽ ấy, khi hay tin Tạ Chí Đại Trường để lại một di cảo, dặn sau khi ông tạ thế mới công bố, những người theo dõi việc nghiên cứu sử Việt Nam đặc biệt quan tâm. Sau ngày ông qua đời, khi những bàng hoàng, thương tiếc đã dịu lắng phần nào, nhiều người mong di cảo ấy được phổ biến càng sớm càng tốt. Nhờ hảo ý từ các thân quyến của nhà văn Phùng Nguyễn cùng lòng sốt sắng của một số thân hữu, chúng ta đã được biết nội dung của bản “di cảo” ấy.

Di cảo (hay di bút) của Tạ Chí Đại Trường.

Ở hình thức nguyên thủy chụp qua dạng PDF, bản “di cảo” gồm 13 trang, bắt đầu viết  sáng 31-8-2015, hoàn tất ngày 9-9-2015. Trên trang đầu mang mấy chữ viết tay của Tạ Chí Đại Trường: “Phùng đọc chơi cho vui, 3/10/15.” Được biết “Phùng” ở đây là nhà văn Phùng Nguyễn.

Nhan đề của những trang ấy là “Để vào đâu?” Sau mấy chữ ghi ngày tháng, TCĐT tự trả lời trong hàng chữ in nghiêng để nhấn mạnh: Để vô chỗ Huỳnh Thị Ánh Vân viết về ‘Bình Nam đồ’ trên tờ Nghiên cứu Lịch sử.” Trên những trang sau, thỉnh thoảng có những chữ viết tay lên đầu trang hay qua bên lề, hoặc để sửa một chỗ đánh máy sai, hoặc để chú thích cho rõ nghĩa (như những chữ “của QSQ” [có nghĩa “Quốc Sử Quán”] xen giữa hàng chữ “các sách sử triều Nguyễn” nơi trang 2), hoặc để bình luận (như “hù dọa nhau mà làm gì?” nơi trang 3).

Sau khi đọc kỹ, chúng tôi nhận thấy những trang này không mang tính cách một di cảo (bản thảo một tác phẩm do vị tác giả quá cố để lại, chưa được xuất bản) mà mang đặc tính của một di bút (những ý nghĩ, tâm tình của một người biết mình sắp từ biệt thế gian gửi lại người sau) nhiều hơn. Tác giả cũng viết trong đoạn kết, “Nói cho hả, cho hết những điều chưa kịp nói, không dám nói khi còn sống chăng?” Vì thế từ đây trở xuống, xin chính thức gọi những trang ấy là “di bút.”

Không kể những đoạn tiết lộ cho ta thấy tình trạng sức khoẻ trong những tháng cuối của TCĐT hoặc ôn lại quá khứ đầy gian nan của ông, bản di bút đề cập tới:

1) Bài của Huỳnh Thị Ánh Vân (tên chính xác là “Anh Vân”) về “Bình Nam đồ,” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử;

2) Luận án PhD của Brian A. Zottoli trình cho Đại học Michigan năm 2011 với những nhận định sai lạc về “Bình Nam đồ”;

3) Nhận xét của Gs. Liam C. Kelley (đã nói phía trên) về triết gia, sử gia Kim Định. Tuy đậu Cao học và Tiến sĩ về sử Trung Hoa, Gs. Kelley dạy Lịch sử đối chiếu, Lịch sử Đông Nam Á, và rất quan tâm tới Việt Nam. Ông dùng vốn kiến thức uyên bác về lịch sử và văn học Trung Hoa để tìm hiểu thêm về quá khứ của dân tộc Việt. Ông cũng lập ra một trang mạng để giới thiệu Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lĩnh Nam chích quái liệt truyện (với nguyên bản chữ Hán cùng bản dịch sang tiếng Anh). Ông cũng nhận thêm tên bằng chữ Hán và tiếng Việt là 黎明愷 Lê Minh Khải:

https://sites.google.com/a/hawaii.edu/viet-texts/ 

4) Suy nghĩ và bình luận của TCĐT về thái độ, chủ trương của người cầm quyền trước việc trình bày các sự kiện lịch sử.

Trong bản di bút, tuy TCĐT đề cập tới nhiều chuyện khác nhau, “Bình Nam đồ” vẫn tỏ ra là niềm ám ảnh chính của ông. Sau phần mở đầu như đã nói trên, ông kết thúc với những hàng, “Dài quá làm sao để vào chỗ Huỳnh Thị Ánh Vân được? …”

Trong bài này chúng tôi sẽ trình bày một cách khái quát về “Bình Nam đồ” (tên đầy đủ là “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ”) cùng giải thích tại sao TCĐT đã quan tâm tới bài viết của Huỳnh Thị Anh Vân cũng như luận án của Brian A. Zottoli.  Nhận xét về Gs. Kim Định cùng bàn về thái độ, chủ trương của nhà cầm quyền đối với việc chép sử, xin được nhường lại các bậc am hiểu cùng có thẩm quyền hơn.

Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ


“Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” là một bộ bản đồ gồm 14 bức, được đóng chung với một số bản đồ vẽ cuối đời Hồng Đức (niên hiệu thứ hai của vua Lê Thánh tông, từ 1470 tới 1497), cùng bộ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo (vẽ và ghi chú năm 1686), và một số bản đồ khác như “Cảnh Thịnh tân đồ Đại Man quốc” (bản đồ nước Cao Miên thời Cảnh Thịnh), “Cao Bằng phủ toàn đồ” (bản đồ vùng Cao Bằng khi còn gọi là “phủ”), trong một sưu tập bản đồ cổ lấy tên chung là Hồng Đức bản đồ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở trong nước còn giữ được bản chính. Đông Dương văn khố ở Tokyo (Toyo Bunko) và trường Viễn Đông bác cổ ở Paris (Ecole française d’Extrême-Orient, Paris) giữ được hai bản nữa.  

Năm 1962 ở Sàigòn, Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH đã cho xuất bản bộ Hồng Đức bản đồ trong “Tủ sách Viện Khảo cổ.” Các bản đồ được in theo vi ảnh (microfilm) của Đông Dương văn khố ở Tokyo. Bộ sách được Gs. Trương Bửu Lâm chủ biên, phiên dịch và chú thích với sự cộng tác của một số nhà cựu học có danh tiếng như Gs. Bửu Cầm, nhà Hán học Tạ Quang Phát…

Các bản đồ trong “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” bao gồm phần đất Đàng Trong dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn, bắt đầu từ biên giới với Đàng Ngoài (khu vực Quảng Bình) tới đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam. Trang đầu có ghi: “Tự Đồng Hới chí Cao Miên giới” (từ Đồng Hới tới biên giới Cao Miên). Trang đầu ấy cũng mang hàng chữ: “Đốc suất Đoan Quận công họa tiến” (Đốc suất Đoan Quận công vẽ dâng lên). Trong bản in năm 1962, Gs. Trương Bửu Lâm giải thích vị Đoan Quận công ấy là Nguyễn Hoàng (1525-1613), vị chúa Nguyễn đầu tiên; nhưng trên tập san Sử Địa số 29, xuất bản tại Sàigòn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975, Gs. Hoàng Xuân Hãn đã cải chính đó là Bùi Thế Đạt (1704-1778), Trấn thủ Nghệ An dưới thời chúa Trịnh Sâm. Khi quân Trịnh tiến vào lấy Phú Xuân năm Giáp Ngọ 1774, Bùi Thế Đạt giữ nhiệm vụ Phó tướng (Đốc suất Bình Nam Đại Tướng quân) trong khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc là Thống tướng (Thống suất Bình Nam Thượng tướng quân). Sự kiện Bùi Thế Đạt cũng có tước hiệu “Đoan Quận công” không được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư Khâm định Việt sử thông giám cương mục, nhưng được ghi trong Đại Việt sử ký tục biên (ít được phổ biến), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, và thiên “Nhân vật chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.

Trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển xuất bản ở Huế, số 109 (số 2 năm 2014), khi công bố trở lại “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” (cùng “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo) với một số bổ túc và chỉnh sửa cần thiết, hai nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và Trần Viết Ngạc đã giải thích “Đốc suất Đoan Quận công” là Bùi Thế Đạt.

Việc ghi vẽ “Bình Nam đồ” trước tiên nhằm mục đích quân sự (tiến quân chiếm khu vực Đàng Trong) nên các mục tiêu quân sự và hành chánh, việc bố trí các đơn vị thủy binh, bộ binh của chúa Nguyễn (cả danh hiệu đơn vị cùng số quân đóng ở mỗi nơi), các đồn lũy, đài đốt lửa báo hiệu, các dinh phủ quan trọng, lỵ sở của các phủ huyện … được ghi chép khá cặn kẽ trong năm bản đồ đầu tiên. Bộ bản đồ cũng ghi vẽ khái quát về sông ngòi, cửa biển, hải đảo, núi non, một số làng xã và chợ búa nổi tiếng, cùng ghi chú về lộ trình thủy bộ và thời gian cần thiết cho mỗi lộ trình.   

Theo Phan Huy Chú trong phần viết về Bùi Thế Đạt (thiên “Nhân vật chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí), khi thăng Bùi Thế Đạt lên chức Đại Tư mã năm Canh Dần 1770, chúa Trịnh Sâm vẫn để ông trấn giữ Nghệ An “để xem xét tình trạng Đàng Trong.” Việc theo dõi tình hình phòng thủ của Nam hà có lẽ đã được Bùi Thế Đạt khởi sự từ năm ấy. Theo Đại Việt sử ký tục biên, khi Hoàng Ngũ Phúc tới Nghệ An ngày 11 tháng 6 năm Giáp Ngọ (19-7-1774), đã bàn với Bùi Thế Đạt những việc “sai người bí mật lẻn vào Nam để do thám tình hình,” và “ngầm kết giao với tướng sĩ giữ biên giới của chúa Nguyễn.” Nhiều chi tiết liên quan tới tình hình quân sự của Đàng Trong có thể đã được ghi nhận thêm từ đó theo lệnh của hai vị tướng này. Cũng theo ĐVSKTB, sau khi Hoàng Ngũ Phúc tiến quân qua sông Gianh, lấy được lũy Trấn Ninh cùng nhiều đồn lũy khác vùng Quảng Bình, đem quân tới đóng ở Hồ Xá (rất gần Phú Xuân), thì triều đình Đàng Trong bắt Trương Phúc Loan đem nộp để xin hoãn binh. Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, chúa Nguyễn nộp tờ khải “dâng vàng 800 lạng, biếu Việp Quận công 200 lạng,” và “xin nộp bản đồ, sổ sách (tượng trưng cho việc quy phục) để giữ chức cống.” Bùi Thế Đạt có một số bản đồ hành chánh chính thức của Nam hà trễ nhất là vào lúc này. Sau khi lấy được Phú Xuân, ông lại có thêm những bản đồ, tài liệu chúa Nguyễn không kịp mang theo khi hấp tấp xuống thuyền chạy vào Nam.

Một điều đáng chú ý là trong bộ “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ,” năm bản đồ đầu tiên (từ Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Xuân tới Quảng Nam) được vẽ khá chi tiết, với gần đủ các địa danh và dữ kiện quân sự quan trọng. Những bản đồ còn lại (từ Quảng Ngãi tới Gia Định) sơ lược hơn. Có lẽ vì mục tiêu chính của cuộc “bình Nam” năm Giáp Ngọ 1774 là thủ phủ của hai trọng trấn Thuận Hóa và Quảng Nam, nên Bùi Thế Đạt mới thực hiện được tới đó. Nhiều phần cũng vì thế, theo ĐVSKTB, năm Bính Thân 1776 sau khi Bùi Thế Đạt được cử làm Đại Tướng quân kiêm Trấn phủ Thuận Hóa thay Hoàng Ngũ Phúc đã qua đời, Trịnh Sâm đã “sai Bùi Thế Đạt cho người bí mật đi dò la tin tức chúa Nguyễn cùng Nguyễn Văn Nhạc, và vẽ địa hình vùng Tây Sơn, Gia Định dâng lên.” Nhưng ngày 11 tháng 8 năm ấy (23-9-1776), Trịnh Sâm lại triệu Bùi Thế Đạt về kinh, cử Phạm Ngô Cầu vào thay. “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” không được cải tiến thêm nữa.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ trên tạp chí Văn hóa, Lịch sử An Giang số 120 (tháng 3-2015), bản đồ số 14 cho vùng đồng bằng sông Cửu Long không phản ảnh tình trạng miền đất này năm Giáp Ngọ 1774. Cuối thế kỷ 18, vùng Gia Định - Đồng Nai đã thành một miền đất trù phú với những địa danh như Sài Côn, Long Hồ, Hà Tiên, Nông Nại đại phố, Mỹ Tho đại phố … (được mở mang từ 1679). Bản đồ số 14 của Bùi Thế Đạt không có những địa danh ấy, nhưng lại ghi những danh hiệu lạ tai như xã Hà Tôm, cửa Nước Lộn, cửa Tắc Kế …Hai vị trí “Nặc Nộn thành” và “Nặc Thu thành” trong bản đồ cho thấy tấm bản đồ này được vẽ trước năm 1690, khi những ngôi thành ấy còn có ý nghĩa: vùng đất hai vị vua Cao Miên chia nhau cai trị theo sự cắt đặt của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần năm Giáp Dần 1674. Theo nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ, bản đồ số 14 về đồng bằng sông Cửu Long là bản đồ “một vùng đất Bùi Thế Đạt chưa từng đặt chân đến”:

https://sites.google.com/site/vhlsangiang/cac-bai-nghien-cuu/giapngonienbinhnamdovoilichsukhanhoangmiennam


Nhận xét ấy chính xác: trong cuộc “bình Nam” năm Giáp Ngọ 1774, Đốc suất Đoan Quận công chưa vượt qua đèo Hải Vân. Ông được trao nhiệm vụ ở lại giữ Phú Xuân khi Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào Quảng Nam đối đầu với Nguyễn Nhạc. Ông đã dùng một số bản đồ trong những bản đồ, tài liệu thu được của các chúa Nguyễn, bổ túc bằng những sự kiện ông biết thêm, cho rằng sự thêm ấy là cần thiết.

Để vô chỗ Huỳnh Thị Ánh Vân viết về ‘Bình Nam đồ’ …

TCĐT mở đầu và kết thúc bản di bút bằng những lời nhắc tới bài viết của Huỳnh Thị Anh Vân (mà ông gọi là “Ánh Vân”). Chúng ta cần tìm hiểu nội dung bài viết ấy.

Bài của HTAV (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) được đăng trong mục “Trao đổi ý kiến” trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử xuất bản ở Hà Nội, số 342 (số 11 năm 2004), từ trang 70 tới trang 76, với một phần của Chú thích được in ở cuối trang 69. Đúng ý nghĩa của “Trao đổi ý kiến,” đây là một bài HTAV viết để đưa ra những nhận xét và góp ý của bà sau khi đọc bài giới thiệu bộ “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” của David Bulbeck và Li Tana, được in trong cuốn Southern Vietnam under the Nguyễn (Miền Nam Việt Nam dưới thời Nguyễn), do Li Tana và Anthony Reid chủ biên (Singapore : Institute of Southeast Asian Studies, 1993). Muốn hiểu bài của HTAV một cách đầy đủ hơn, ta cần duyệt qua bài của D. Bulbeck và L. Tana trước.

Bài giới thiệu “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” trong cuốn sách vừa kể có nhan đề bằng tiếng Anh, “Maps of Southern Vietnam, c. 1690.” Đây là bài thứ 5 trong một tuyển tập gồm 10 bài biên khảo, ký sự, và phiên dịch tài liệu về miền đất Đàng Trong, do L. Tana và A. Reid chọn lọc, dịch, và giới thiệu. Nhan đề bổ túc của tập sách là Documents on the Economic History of Cochinchina (Đàng Trong), 1602-1777 (nói chung, từ đầu thế kỷ 17 tới cuộc nổi dậy của Tây sơn, gần cuối thế kỷ 18). Những bài khác trong tập sách này gồm ký sự, hồi ký về Đàng Trong của một số nhân vật người Nhật, người Pháp, người Trung Hoa (một phần thiên “Hải ngoại ký sự” của nhà sư Thích Đại Sán), phiên dịch những đoạn quan trọng trong Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, cùng những bảng đối chiếu giá cả để trình bày về sinh hoạt kinh tế.



Bên cạnh việc chụp in lại các bản đồ cũ với những chú thích được dịch và diễn giảng   sang tiếng Anh, hai tác giả còn cung cấp những thông tin cần thiết trên những bản đồ được trình bày lại theo phương pháp vẽ bản đồ hiện đại để người nghiên cứu dễ nhận thức hơn.

Khi giới thiệu bộ bản đồ này, D. Bulbeck và L. Tana đã căn cứ vào cuốn Hồng Đức bản đồ xuất bản ở Sài Gòn năm 1962, và do đó chịu ảnh hưởng của Gs. Trương Bửu Lâm khi cho rằng Đoan Quận công là Nguyễn Hoàng. Cũng nhận thấy nhiều chi tiết trên bản đồ chỉ có thể xuất hiện sau thời Nguyễn Hoàng, hai tác giả vẫn không tìm được một giải thích thỏa đáng về niên đại của bộ bản đồ, và cho rằng những bản đồ ấy được thực hiện “trong khoảng từ 1687 tới 1690” (The evidence from the maps themselves dates their origin to between 1687 and 1690) tuy giữa những năm ấy không có năm nào là năm Giáp Ngọ cả (1687 là một năm Đinh Mão, 1690 là một năm Canh Ngọ).

D. Bulbeck và L. Tana có lưu tâm tới năm Giáp Ngọ 1774, nói ra đó là năm quân Trịnh tấn công xuống miền Nam, thắng quân Nguyễn (Indeed 1774, the year when the Trịnh armies moved southwards from the Red River delta and defeated the Nguyễn, was a year of Giáp Ngọ). Hai tác giả có đặt giả thuyết về năm 1774, với suy xét rằng những bản đồ có thể được sao chép từ trước, nhan đề “Giáp Ngọ” có thể chỉ muốn nói năm quân Nguyễn đem nộp cho quân Trịnh như được nhắc tới trong Phủ biên tạp lục (The title “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” might seem to fix the date at 1774. Or they could have been copied beforehand, because the title might merely signal when the maps were presented by the Nguyễn to the victorious Trịnh, as recorded by a direct reference in Phủ biên tạp lục). Nhưng vì chưa biết tới Bùi Thế Đạt, vẫn tin “Đoan Quận công” chỉ có thể là Nguyễn Hoàng, hai tác giả chưa tới được một kết luận dứt khoát.

Bản đồ trong “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” được David Bulbeck và Li Tana vẽ lại theo phương pháp mới.

Trong bài “Trao đổi ý kiến” trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, HTAV tóm tắt bài giới thiệu của D. Bulbeck và L. Tana, nhắc lại một số thực hiện hữu ích của hai tác giả này, kể cả việc cung cấp thông tin trên những bản đồ được vẽ lại theo phương pháp mới. Bà nhận xét, “Nhìn chung, đây là một công trình nghiên cứu công phu và chi tiết của hai tác giả David Bulbeck và Li Tana. Các tác giả đã dày công sưu tầm, đối chiếu thông tin, đặc biệt là việc thể hiện lại các bản đồ theo phương pháp hiện đại.” Tuy nhiên, bà cũng nêu nhận xét: Hai tác giả chưa làm thỏa mãn được thắc mắc, “niên đại Giáp Ngọ trong tên bộ bản đồ là năm nào.” Bà cũng nhắc rằng năm 1690 do D. Bulbeck và L. Tana đưa ra là một năm Canh Ngọ chứ không phải Giáp Ngọ.

HTAV cũng nhắc tới một cách sơ lược giả thuyết của D. Bulbeck và L. Tana về năm 1774, cùng dẫn lại đoạn văn “nhan đề ‘Giáp Ngọ’ có thể chỉ năm quân Nguyễn nộp bản đồ cho quân Trịnh như được đề cập tới trong Phủ biên tạp lục.”

Từ khá lâu, nhờ đọc kỹ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Tạ Chí Đại Trường đã biết năm Giáp Ngọ trong tên bộ bản đồ chính là Giáp Ngọ 1774, và Đoan Quận công chính là Bùi Thế Đạt chứ không phải Nguyễn Hoàng. Ông đã nói lên điều ấy trong Thần, người và đất Việt (Westminster, CA : Văn Nghệ, 1989). Khi đọc bài của HTAV tóm lược bài của D. Bulbeck và L. Tana, ông tỏ ra “bực bội” khi thấy hai nhà biên khảo có tầm vóc quốc tế đã biết tới cuộc “bình Nam” năm 1774, nhưng vì chưa biết Bùi Thế Đạt chính là Đoan Quận công nên vẫn chưa nhìn ra được một sự thật theo ông thấy là quá đơn giản. Chưa được trực tiếp đọc bài của D. Bulbeck và L. Tana (chỉ qua bài “Trao đổi ý kiến” của HTAV), TCĐT lại thắc mắc, “Nảy đâu ra con số 1774 trong bài của HTAV”? Niềm bực bội ấy gia tăng sau khi ông đọc bản luận án PhD của Brian A. Zottoli.

Nói chuyện chữ nghĩa với Tiến sĩ Mĩ

(nhờ cái sai lầm của ông ta về “Bình Nam đồ”)


TCĐT cho biết ông chỉ có bản luận án của Brian A. Zottoli, “Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the 15th to 18th Centuries : Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia” do một người bạn gửi cho. Đây là bản luận án để lấy PhD về Sử tại Đại học Michigan năm 2011. Trong luận án này, Brian A. Zottoli không chấp nhận lối giải thích được coi là “truyền thống,”dựa theo những tài liệu của các sử gia triều Nguyễn, coi các chúa Nguyễn có vai trò chính yếu trong việc mở mang bờ cõi để dân Việt bành trướng về phương Nam. Ông đưa ra vai trò một gia tộc họ Mạc có ảnh hưởng lớn ở Quảng Nam, tin rằng họ Mạc này là hậu duệ của vương triều Mạc ở ngoài Bắc. Ông cũng nhắc tới sự phát triển men theo bờ biển, cùng vai trò của những người Trung Hoa chuyên sống ven biển, không nhất thiết là những người Minh hương bỏ Trung Hoa vì trung thành với nhà Minh. Tóm lại, ông muốn đặt hẳn lại quan niệm, muốn “quan niệm trở lại” (reconceptualizing) về cuộc “Nam tiến” của dân tộc Việt.

TCĐT tỏ ra dè dặt trong việc tranh luận với bản luận án của Brian A. Zottoli. Trước hết, do tình trạng sức khỏe của ông từ cuối tháng 8-2015: “nằm chờ chết cầm chắc trong tay,” “thấy mỏi mệt, lờ đờ trước các dấu hiệu [của cái chết] chầm chậm tiến tới”, với “cái gan chỉ còn một miếng nhỏ lại tự động sưng vù, hung hăng không gì cản nổi” mà “nói chuyện chữ nghĩa với tiến sĩ Mĩ thì cũng hơi ngần ngại.” Ông cũng tự thú vốn Anh ngữ không xuất sắc, “Đọc tiếng Anh, ngày thường trên sách trinh thám chợ trời, chỉ cần biết thằng nào giết thằng nào … vậy mà cũng chỉ được vài trang là muốn buông sách, mắt mờ.” Tuy nhiên, vì Brian A. Zottoli có một nhận thức sai một cách trầm trọng về “Bình Nam đồ,” nên TCĐT lại “thấy có điều để nói.” Ông cũng nhận ra có mối liên quan giữa chuyện lầm lạc này của Brian A. Zottoli với bài viết của Huỳnh Thị Anh Vân.

Trước hết, ông phát hiện được một số sai lầm nói chung của Brian A. Zottoli.  Do vốn Việt ngữ chưa đủ vững để phân biệt chúa Nguyễn Phúc Chu với chúa Nguyễn Phúc Chú, do không biết rằng “Chăm” và “Chàm” chỉ là hai cách gọi khác nhau cho cùng một sắc tộc thiểu số chứ không phải hai nhóm dân thiểu số khác nhau, Brian A. Zottoli đã có một số nhận thức lầm. Nhưng quan trọng nhất đối với TCĐT, vị Tiến sĩ Mỹ xuất thân từ Đại học Michigan đã lầm lẫn một cách trầm trọng về “Bình Nam đồ.”

Phạm vi của bài viết này chỉ là tìm hiểu mối day dứt của TCĐT quanh bộ “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ,” chúng tôi mạn phép không đi sâu vào bản luận án của Brian A. Zottoli.  Chỉ xin nêu ra chỗ sai của ông ta liên quan tới “Bình Nam đồ.”

Vì cũng hiểu Đoan quận công là Nguyễn Hoàng, Brian A. Zottoli đã hiểu câu “Tự Đồng Hới chí Cao Miên giới” là “lộ trình của Nguyễn Hoàng tới biên giới Cao Miên” (the itinerary of routes to Cambodia attributed to the Đoan Duke, dated to a giáp ngọ year)¹ . Ông phân tích, phê phán, chỉ trích những điểm vô lý gây ra do sự hiểu sai ấy của chính ông: “However, no narrative of Hoàng’s life describes his having contact with Cambodia; even his brief travel to Quảng Nam occurred allegedly in 1602, so there is no way a 1594 attribution of this map to Nguyễn Hoàng can be consistent with his 19th century biography”² (Tuy thế, không có câu chuyện nào về cuộc đời Nguyễn Hoàng cho thấy ông có tiếp xúc với Cao Miên, ngay cả hành trình ngắn của ông ta tới Quảng Nam được cho là xảy ra vào năm 1602. Vì thế, không cách nào việc gán bộ bản đồ này cho Nguyễn Hoàng vào năm 1594 [một năm Giáp Ngọ] có thể phù hợp với bản tiểu sử của ông được viết ra vào thế kỷ 19. Trong câu cuối này, Zottoli muốn nói tới những văn bản về Nguyễn Hoàng do các sử gia triều Nguyễn soạn ra về sau). Hiểu không đúng “Đoan Quận công” là Nguyễn Hoàng, và hiểu một cách sai lạc rằng bộ “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” mô tả “hành trình của Nguyễn Hoàng tới biên giới Cao Miên năm 1594,” Brian A. Zottoli đã lạc đường một cách đáng sợ!

Là một trong những người biết rằng “Đoan Quận công” không phải là Nguyễn Hoàng từ rất sớm, TCĐT chỉ còn biết kêu trời, “Để vào đâu?” Ông cũng nhận ra mối liên quan giữa ngộ nhận của Brian A. Zottoli với bài viết của HTAV: không biết rằng “Đoan Quận công” là Bùi Thế Đạt.   

Kết luận


Khi bắt đầu viết những hàng di bút sáng 31-8-2015, sức khỏe của Tạ Chí Đại Trường đã suy sút rất nhiều. Trước đó, ông đã phân vân giữa hai lựa chọn: làm việc tới ngày cuối hay dừng lại. Biết rõ tình trạng của cơ thể mình, TCĐT coi những trang “Để vào đâu?” là nhiệm vụ chót với đời trước khi dừng bút. Nhưng biết bao nhiêu điều muốn nói! Tuy vẫn không hài lòng vì thấy do không biết tác giả đích thực của bộ “Bình Nam đồ,” bao nhiêu người đã lúng túng quanh chuyện niên đại của bộ bản đồ ấy, cộng thêm chuyện ngộ nhận có thể coi như “động trời” vừa được thấy trong bản luận án của Brian A. Zottoli, ông cũng còn nhiều chuyện khác muốn bày tỏ ý kiến. “Dài quá, làm sao để vào chỗ Huỳnh Thị Ánh Vân [viết về “Bình Nam đồ”] được! Đây đúng là tâm trạng của ông, một người cầm bút giàu ý thức trách nhiệm và lương tâm. Người xưa đã coi “chuyện văn chương” là tấc lòng để lại ngàn đời (“văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ”). Tạ Chí Đại Trường mang đúng tâm trạng ấy.

Có lẽ ông sẽ vui hơn nếu được mách cho biết rằng sự kiện Bùi Thế Đạt là tác giả “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” đã được học giả Hoàng Xuân Hãn đề cập tới từ 1975 trên tập san Sử Địa số 29, đã được những người bạn trẻ hơn ông như nhà thơ, nhà biên khảo văn hóa Nguyễn Man Nhiên viết ra từ trễ nhất tháng 3 năm 2012 khi nghiên cứu, phân tích các địa danh của Khánh Hòa, nơi Tạ Chí Đại Trường sinh ra và lớn lên:

https://tunguyenhoc.wordpress.com/2012/08/01/dia-danh-goc-cham-o-khanh-hoa-nguyen-man-nhien/

Có lẽ ông cũng vui hơn nếu được báo cho biết rằng khi công bố trở lại “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển năm 2014, hai nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và Trần Viết Ngạc đã giải thích “Đốc suất Đoan Quận công” là Bùi Thế Đạt.

Những người biên khảo đi sau, Việt cũng như quốc tế, dần dần sẽ biết như thế.

Một người chưa gặp ông bao giờ là Gs. Liam C. Kelley đã bày tỏ lòng mến trọng đối với ông: “Tôi buồn khi được biết hôm qua nhà nghiên cứu Sử của Nam Việt Nam Tạ Chí Đại Trường đã qua đời. Tôi chưa bao giờ có may mắn được gặp ông, nhưng trong những năm gần đây, chúng tôi đã có một loại “gặp nhau trong trí tuệ,” và tôi sẽ mãi mãi biết ơn ông do kinh nghiệm ấy (I was saddened to learn yesterday that South Vietnamese historian T Chí Đi Trường has passed away. I never had the good fortune of meeting T Chí Đi Trường, but in recent years we did have a kind of “meeting of minds,” and I’m forever grateful to him for that experience).


Sẽ còn nhiều người đọc, và đọc lại, tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường. Sẽ có thêm những người chung nhận thức với Gs. Kelley về ông. Khi mượn những lời của Gs. Kelley (từ đầu bài) để kết thúc, người viết những dòng này cầu mong Tạ Chí Đại Trường được an nghỉ trong thanh thản và niềm vui: ông đã làm xong nhiệm vụ một người có tư duy, đã cầm bút với lương tâm, và với lòng ngay thẳng.

Từ Mai Trần Huy Bích


Ghi chú:
1. Zottoli, Brian A. “Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the 15th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia.”

(Ph.D. dissertation, University of Michigan, 2011), trang 46.
2. ----------------------. op. cit., trang 172. 

Nguồn: http://www.diendantheky.net/2016/05/tu-mai-tran-huy-bich-gop-phan-tim-hieu.html