Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Văn học miền Nam 54-75 (195): Quách Tấn (3)

Quách Tấn với những cách tân về ngôn ngữ và nhịp điệu thơ

Nguyễn Công Thanh Dung*

Nhà thơ Quách Tấn sinh ngày 04/01/1910, quê ở Bình Khê, Bình Định và mất  lúc 7 giờ sáng ngày 21/12/1992 tại Nha Trang, xuất thân trong một gia đình gốc Nho học có pha Tây học. Quách Tấn tập làm thơ từ khi còn học ở trường Quốc học Quy Nhơn khoảng năm 1925-1926, nhưng mãi đến năm 1932 nhờ Tản Đà dìu dắt và cụ Sào Nam Phan Bội Châu nâng đỡ, ông mới chính thức bước vào làng văn. Lúc này, thi phẩm của ông thường đăng ở các báo: An Nam tạp chí (Hà Nội), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Tiếng dân (Huế). Những tập thơ tiêu biểu của ông đã xuất bản như: Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941) có bổ sung lần tái bản 1960, Đọng bóng chiều (1966), Mộng Ngân sơn(1967), Giọt trăng (1973) và trên 10 tập thơ nữa đã hoặc chưa xuất bản, gồm những bài thơ viết từ trước 1975 đến 1994.

Quách Tấn là con người đa tài, thành công ở nhiều thể loại khác nhau. Bên cạnh thơ, Quách Tấn còn dịch thơ văn: Tố Như thi trích dịch (1973), Lữ Đường thi trích dịch, Việt Nam Hán văn thi tuyển trích dịch, Tập văn biền ngẫu (trên 15 bài văn tế, văn bia); viết văn xuôi: Trăng ma lầu Việt (1942, phỏng theo Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) và Duyên Tiên (phỏng theo Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm), Nghìn lẻ một đêm 4 tập (1958-1960, phỏng theo tác phẩm Mille et une nuit của Galland và Mille nuits et nuit của Mardrus). Ông còn biên khảo địa phương chí với những công trình nổi tiếng như: Nước non Bình Định (1968), Xứ Trầm hương (1969) v.v..

Bài viết này sẽ tìm hiểu những đổi mới về ngôn ngữ và nhịp điệu của thơ Quách Tấn.

1. Trước hết là ngôn ngữ thơ:

1.1. Quách Tấn thường dùng từ ngữ có những đổi mới khi sáng tác:

Nếu tiếng thơ thường hướng tới sự giao thoa, tương thông giữa con người với thiên nhiên, nhà thơ thường đặt cái “tâm” giữa thiên nhiên, vạn vật, tạo nên cảm giác hòa điệu giữa đời sống tâm linh với ngoại cảnh, thì những từ “sơn, thủy, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong” sẽ được xuất hiện với tần số rất cao. Nói như Nguyễn Thị Bích Hải trong Thi pháp thơ Đường“thơ thể hiện con người vũ trụ” [7]. Chính vì thế, những thi phẩm của Quách Tấn“nhà thơ Mới mang phong cách Đường thi” cũng không nằm ngoài mạch chảy này.

Trong những tập thơ của Quách Tấn, lấy Mùa cổ điển làm ví dụ minh họa, để “mổ xẻ”, thống kê những khung bậc từ ngữ vừa nêu, ta nhận thấy:

- “Gió” (phong): xuất hiện trong “gió trải từ mây”, “gió vàng”, “gió rải khắp nơi nơi”, “gió mưa” (2 lần), “dì gió”, “gió hôn hoa”, “ngọn gió”, “hồn gió”, “gió qua mành”, “gió văn chương”, “gió bấc”, “mưa gió”, “chị gió”, “ngọn gió hương”, “bay theo gió”, “gió rú”, “gió”, “cành gió”, “gió về’, “gió tự mô về”, “gió hồi hộp cây”, “gió thu”, “ngọn gió vèo”, “gió sương”. Tất cả 25 lần trên tổng số 36 bài thơ trong tập Mùa cổ điển, chiếm tỷ lệ 69,4%.

- “Mây” (vân): “Nhàn vân”, “tờ mây”, “mây trắng”, “lưng mây”, “mây ấp nguyệt”, “mây rộng”, “mây xa”, “mây chiều”, “nước mây” (2 lần), “mây qua chái”, “mây thu”, rồng mây”, “bèo mây”, “non mây”, “mây nước”, “từng mây”, “mây ủ ê trời”, “mây phới”, “mây núi”. Tất cả 20 lần chiếm tỷ lệ 55,5%.

- Sương: xuất hiện trong “rừng sương”, (2 lần), “sương thấp thoáng”, “theo sương”, “sương mai”, “sương rơi”, “sương buông”, “màn sương”, “pha sương”, “nắng sương”, “trong sương”, “cành sương”, “cỏ sương”, “phân sương”, “ngàn sương”, “vườn sương”, “đồi sương”, “sương bạc”, “gió sương”. Tất cả 19 lần, chiếm tỷ lệ 53%.

- “Trăng” (nguyệt): xuất hiện trong “nguyệt mơ màng”, “thân gầy với nguyệt”, “mây ấp nguyệt”, “một trăng cao”, “tóc trăng”, “nàng trăng”, “trăng hôn lá”, ‘gương nguyệt”, “trăng dầm gối”, “nường trăng”, “bến nguyệt”, “bóng trăng run”, “trăng lại tròn trăng”, “chở nguyệt”, “neo nguyệt”. Tất cả 15 lần, chiếm tỷ lệ 42%.

- “Thủy” (nước): xuất hiện trong “Sóng mài nghiên biển”, “sông chau mặt”, “Sông Xích Bích”, “nước trôi xuôi”, “nước mây” (2 lần), “biển Đông”, “biển nước”, “gởi nước non ai”, “mây nước”, “gương nước”, “sông đừa”, “nước vướng”, “trời biển”, “sóng trằn trọc biển”. Tất cả 15 lần, chiếm tỷ lệ 42%.

- “Hoa”: xuất hiện trong “thiếu nữ bưng hoa”, “gió hôn hoa”, “hồn hoa chợp mộng”, “luống cúc già”, “hoa đẫm hương”, “bóng hoa nô đùa”, “lệ hoa rơi”, “cánh hải đường”, “cúc vẩn vơ hồn”, “cúc nở nhìn nhau”, hoa tỉ muội”, “rèm hoa”, “hoa thơm”. Tất cả 13 lần, chiếm tỷ lệ 36, 1%.

- Thu: xuất hiện trong “trời thu”, “thu sông Xích Bích”, “rừng thu”, “giọt mưa thu”, “sông thu”, “mây thu”, “mấy lượt mưa thu”, “thu mờ”, “vườn thu”, “hồn thu”, “gió thu”, “phòng thu”. Tất cả 12 lần, chiếm tỷ lệ 33,3%.

- Sơn (núi): xuất hiện trong “núi bạc đầu”, “Hàn sơn”, “non côi”, “non gối nước”, “đầu non”, “non mây”, “mây núi”, “non chồng”, “vàng lửng lo non”, “ngòi non chấm”. Tất cả 10 lần, chiếm 28%.

- Liễu: xuất hiện trong “nương rèm liễu”, “liễu riêng xuân”, “dưới liễu chờ xuân”, “rừng dương liễu”, “tóc liễu”, “liễu nép tường”, “liễu rối bời”, “liễu nhởn nhơ”, “ngàn liễu khóc”, “vườn túy liễu”. Tất cả 10 lần, chiếm tỷ lệ 28%.

- Nhạn: xuất hiện trong “nhạn đề”, “vội vàng cánh nhạn”, “nhạn lạc trời”, “nhạn lạc đàn”, “lòng bạch nhạn”, “đưa thư nhạn”. Tất cả 6 lần, chiếm tỷ lệ 17%.

- Yên (khói): xuất hiện trong “quây quần mây khói”, “nghê phơi khói”, “khói trần gian”, “khói mây quanh quẩn hồi chuông rụng”. Tất cả 4 lần, chiếm tỷ lệ 11%.

- Địch: xuất hiện trong “tiếng địch”, “tiếng địch xa”, “tiếng địch dồn”, “lòng nương tiếng địch”. Tất cả 4 lần, chiếm tỷ lệ 11%.

Sở dĩ chúng tôi chọn tập thơ Mùa cổ điển để thống kê nhằm làm ví dụ minh họa “cách dùng từ ngữ có đổi mới”của Quách Tấn, bởi lẽ vị trí của tập thơ trên thi đàn đã được các nhà phê bình đánh giá rất cao và so với các tập thơ khác thì đây cũng là tập thơ tâm đắc và chất chứa nhiều kỷ niệm của Quách Tấn.

Nếu thơ ngày xưa, các thi nhân thường ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên thì trong thơ Quách Tấn, những từ chỉ thiên nhiên như: “phong, vân, sương, nguyệt, thủy, hoa, thu, sơn, liễu, nhạn, yên, địch...” có tần số xuất hiện cao. Đây là những từ mà thơ cổ ưa dùng, và Quách Tấn đã nối tiếp bút pháp, cách dùng từ đó của các tiền nhân.

Nhưng nét khác biệt giữa cách dùng từ của Quách Tấn nếu so sánh với các cụ ngày xưa, có lẽ ở chỗ Mùa cổ điển tiếp nối cái cũ và hội nhập cái mới. Về khía cạnh này, từ ngữ trong tập Mùa cổ điển có thể chia thành ba loại: loại từ ngữ dùng trong thơ cũ, loại từ ngữ dùng trong thơ mới hoặc thơ cũ đều được, và loại từ ngữ dùng trong thơ mới.

Chẳng hạn, từ “nguyệt” (trăng) có tần số xuất hiện 15 lần được phân thành.

Loại 1: gồm “gương nguyệt nghìn thu”, tần số xuất hiện một lần, chiếm tỷ lệ 6,6%. Vì “gương nguyệt” đứng bên cạnh từ ngữ cũ “nghìn thu”, nên cụm từ, “gương nguyệt nghìn thu”, thuộc loại từ ngữ dùng trong thơ cũ.

Loại 2: gồm “Nguyệt mơ màng”, “mây ấp nguyệt”, “nàng trăng”, “nường trăng”, “bến nguyệt”, “chở nguyệt”, “neo nguyệt”, tần số xuất hiện 7 lần, chiếm 46,6%. Vì những nhóm từ này mang tính chất trung tính, không biểu hiện rõ tính khác biệt giữa cũ và mới nên các nhóm từ này thuộc loại từ ngữ dùng trong thơ cũ, thơ mới đều được.

Loại 3: gồm “thân gầy với nguyệt”, “một trăng cao”, “tóc trăng”, “trăng hôn lá”, “trăng dầm gối”, “bóng trăng run”, “trăng lại tròn trăng”. Tần số xuất hiện 7 lần, chiếm 46,6%. Vì mang tính chất dấu ấn cá nhân cá tính sáng tạo, biểu hiện rõ tính khác biệt giữa cũ và mới nên các cụm này thuộc loại từ ngữ trong thơ mới.

Những điều vừa trình bày trên đây càng khẳng định thêm bút lực tài hoa của Quách Tấn, một thi sĩ thuộc phong trào thơ Mới nhưng hơi thơ mang đậm sắc thái Đường thi, đồng thời trong “cái cũ” vẫn nhận thấy “cái mới”, “cái tôi sáng tạo” của Quách Tấn.

1.2. Quách Tấn còn sử dụng những từ ghép nghĩa trên cơ sở láy âm (từ ghép-láy) trong nhiều bài thơ:

Đây là sự sáng tạo đặc biệt trong cách chọn từ, dùng từ của Quách Tấn nhằm đạt được mục đích làm sao cho câu thơ mang sắc thái biểu cảm cao.

Đi vào ví dụ cụ thể: “Khói mây quanh quấn hồi chuông vọng / Trời biển nôn nao tiếng địch dồn” (Chiều xuân)

Duyên ngộ đằm thắm không xa, “quanh quẩn” gần đây và “quấn quít”, không rời nhau của từ ghép nghĩa “quanh quấn”, mang tính hàm súc trong câu thơ trên bắt đầu từ một buổi chiều xuân.

Buổi chiều xuân trong bài thơ này nằm ở giao điểm nắng chiều dịu dần và bóng hoàng hôn đang chờ chực sẵn“chim mang về tổ bóng hoàng hôn”. Non xa lửng lơ một màu vàng của nắng chiều xuân vắt ngang trên lưng trời, và trong không gian mờ xa, nắng chiều dìu dịu không sáng hẳn, xa xa khó phân biệt đâu là biển, đâu là bờ, thì cồn cát kia đọng một màu xanh biếc của biển, “vàng lửng lơ non biếc đọng cồn”. Hương của gió trên cành cây làm lao xao hoa tỉ muội. Sóng của đồi sương lượn trên cỏ “đồi sương sóng lượn cỏ vương tôn”. Tất cả những nét đẹp đó đều nằm trong không gian nắng chiều dìu dịu, mờ xa được miêu tả ở mấy câu thơ trên.

Vì vậy, theo lôgic cấu tứ của bài thơ, không gian chiều xuân với đặc điểm mờ xa trong nắng chiều vàng dìu dịu được chuyển tiếp:

Khói mây quanh quấn hồi chuông vọng,

Trời biển nôn nao tiếng địch dồn.

Ở đây “khói mây” được hiểu là mây ráng của nắng vàng chiều xuân hòa quyện với khói lam chiều từ nhà ai đó đang bay lên tụ lại, trôi bồng bềnh “quanh quấn” đâu đây và “quấn quít” làn sóng âm vang của từng hồi chuông chùa vọng lại, không chịu rời xa nhau. Và ở phía chân trời xa, biển nôn nao chờ đón tiếng địch như là chờ đón sự tĩnh lặng của vũ trụ mênh mông bao la.

Qua việc tìm hiểu về nguyên nhân và ý nghĩa của sự xuất hiện từ “quanh quấn” trong câu thơ trên và trong không gian chiều xuân, ta nhận thấy rằng từ “quanh quấn” được ghép nghĩa từ “quanh quẩn”“quấn quít”, trên cơ sở phương thức láy phụ âm đầu “qu”. Mà hiệu quả thẩm mỹ là sự kết hợp khéo léo, hòa hợp giữa hình ảnh“khói mây” với “hồi chuông vọng” qua động từ “quanh quấn” đứng giữa tạo hợp, nhân duyên của cuộc sống nhân sinh chân chất bình dị. Ở đó, có thể tìm thấy sự súc tích và giàu hình ảnh của chữ nghĩa. Câu thơ gợi nhiều suy tưởng. Suy tưởng về sự nuối tiếc buổi nắng vàng chiều xuân trước khi màn đêm buông xuống. Suy tưởng về sự lưu luyến của cuộc nhân duyên hòa hợp diệu kỳ giữa buổi chiều vàng phương Đông với sự tĩnh lặng tâm hồn trong tiếng chuông chùa vọng lại. Suy tưởng về vòng xoáy âm thanh của từng hồi chuông chùa lan xa trong không gian mênh mông và tâm điểm của nó phải chăng là cuộc sống nhân sinh, chân chất, bình dị, hiền hòa?

Một ví dụ khác. Trong bài Thu Tràng An, ở hai câu thực, Quách Tấn viết: “Chăn gối trễ tràng đêm thất tịch, / Gió trăng chờn chợ bến hoàng đô”. Từ trễ tràng là một từ láy, có gốc là trễ với hai nét nghĩa: một là, bị sa xuống, tụt xuống hơn bình thường; hai là, chậm, muộn. Do vậy, trễ tràng cũng mang hai nét nghĩa: một là, trễ xuống, tụt xuống một cách tự nhiên, lỏng lẻo; hai là, tỏ ra chểnh mảng, ít để tâm tới, khiến cho bị chậm hoặc chệch choạc. Câu thơ “Chăn gối trễ tràng...” có lẽ cũng mang hai nét nghĩa trên, vừa bị tụt (trễ, sa) xuống, lỏng lẻo; vừa chểnh mảng. Còn “Gió trăng chờn chợ”? “Chờn chợ” là từ mà nhà thơ sáng tạo, nghĩ ra. Trong tiếng Việt có từ “chờn” và từ láy “chờn chợn”, chứ không có từ “chờn chợ”. Chờn là một động từ, mang hai nét nghĩa: một là, không còn ăn khớp vì bị mòn, bị trượt răng; hai là, không dám làm, dám nghĩ tiếp, sau khi gặp phải khó khăn (có ý hơi lo sợ). Và từ chờn chợn là dạng láy của chờn, mang nghĩa giảm nhẹ, hơi lo sợ; hơi bị mòn. Còn “chờn chợ” thì sao?, và thế nào là Gió trăng chờn chợ?. Có lẽ, chờn chợ mang nét nghĩa gần với chờn vờn, chỉ trạng thái lượn lờ, quanh quẩn, không chịu rời ra. Chắc là đêm hôm thất tịch ấy nơi bến Hương giang, có gió nhưng gió rất nhẹ, khẽ; có trăng nhưng là trăng non đầu tháng nên lờ mờ, không tỏ. Đêm ấy trăng thì lờ mờ, gió thì lượn lờ quanh quẩn nơi bến sông:“Gió trăng chờn chợ bến hoàng đô”.

Từ ngữ trong câu thơ trên gợi nhiều hơn tả, thực và tượng trưng; đó là nét mới, sinh động, độc đáo của ngôn ngữ thơ ca thể hiện phong cách thơ Quách Tấn qua cách dùng từ ghép nghĩa trên cơ sở láy âm (từ ghép-láy).

1.3. Ông còn dùng những từ ngữ vừa bộc lộ sắc thái biểu cảm, vừa phù hợp với kỹ thuật phối thanh theo quy luật: thấp – cao:

Tiêu biểu nhất là trường hợp động từ “cợt” trong câu “Gió vàng cợt sáng sông chau mặt / Mây trắng vờn cây núi bạc đầu” (Cảm thu). Đọc bài thơ, người đọc nhận thấy sự hòa hợp giữa cảnh và tình.

“Cảm thu” là tiếng thơ thương cảm cho tấm lòng của ai đó như mùa thu kia sầu khổ vì tương tư “Tương tư nhuộm trắng mái đầu non xanh” (Thương thu), thiết tưởng đã giải mã hộ câu “Mây trắng vờn cây núi bạc đầu”.

Câu thơ “gió vàng cợt sóng sông chau mặt” cần được hiểu là: Hình ảnh sông thu kia có vẻ như không bằng lòng trước “cử chỉ vuốt ve”, mang tính chất “đùa cợt” của chị gió, làm xáo động một sự bình lặng vốn là tính cố hữu của một tâm hồn tĩnh lặng. Có thể nói động từ “cợt” – “vờn” bổ sung nghĩa cho nhau, cặp động từ mang sách thái biểu cảm cao. Cả hai động từ này đối xứng nhau, đều chỉ một hành động, một thái độ “lẳng lơ” của “gió vàng”“mây trắng”. Chính hành động “cợt” – “vờn” đấy đã làm sông phải “chau mặt” còn núi thì “bạc đầu”. Ở đây, sông, núi, gió, mây mang tính cách của con người, có những tâm tư như con người.

Mặt khác, về kỹ thuật phối thanh luật thấp – cao (trầm – bổng) âm tiết “cợt” hiện ở vị trí chữ 3 mang thanh trắc thấp kết hợp với âm tiết “sóng” hiện ở vị trí chữ thứ 4 liền kề phía sau mang thanh trắc cao. Sự kết hợp này phù hợp với kỹ thuật phối thanh luật thấp – cao. Chính nhờ sự kết hợp như trên mà hầu hết những câu thơ của Quách Tấn đều giàu sức biểu cảm và giàu chất nhạc.

1.4. Trong thơ, ông còn dùng từ ngữ dân gian một cách chính xác về sắc thái biểu cảm theo cảm xúc mới – hướng nội:

Đó là trường hợp động từ “đừa” trong câu “Gió rủ canh đi ngàn liễu khóc / Sông đừa lạnh tới bóng trăng run”(Bên sông)

Bài thơ ghi lại cảm xúc về nỗi buồn mênh mông, xa vắng của chủ thể trữ tình, khi tình và cảnh bên sông trong đêm cùng một tâm trạng buồn.

Mở đầu bài thơ, trong một đêm nào đó không biết là canh mấy có trăng sáng đủ để nhìn rõ ngọn gió khuya lạnh làm xao động bóng liễu đang soi mình dưới nước. Kế đến, trên sông gió khuya khe khẽ “đừa” mặt nước.  Vì gió không dám “lùa” hoặc “đùa” bởi sợ làm kinh động bóng trăng đang soi mình dưới sông. Nhưng tiếc thay đã làm xao động bóng trăng, làm cho “bóng trăng run”.

Để rồi sau đó, kế tiếp, hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa khái quát xuất hiện xa xa, trong đêm tối tĩnh mịch, giữa bốn bề sông nước vắng lặng bên kia sông, không biết tiếng hát từ thuyền ai vẳng lại, vang xa vào mênh mông, như bắc nhịp cầu cho tâm trạng buồn của người đứng đợi bên bờ sông.

Kết thúc bài thơ bằng hình ảnh liên tưởng tương đồng. Tiếng hát bên sông hay điệu đàn lẻ bạn? Chiếc thuyền độc hành hay hành trình tinh thần đi tìm cái “đẹp” của một người chịu cảnh “lẻ điệu”, “trơ trọi”, “hiu quạnh”... đang thổn thức cùng gió khuya lạnh, cùng bóng liễu rũ buồn, cùng bóng trăng run, cùng vạn vật, cùng trời đất...

Không biết bầu tâm sự của chủ thể trữ tình trong bài thơ Bên sông nhiều hay ít, chỉ thấy nói là “gởi chút buồn”.Nhưng dù thế nào cũng không thể không có nỗi buồn lẻ bạn, không tri kỷ: “Con thuyền bến lách không tri kỷ / Để lẻ trong sương mấy điệu đàn”.

Bài thơ khép lại bằng nỗi buồn mênh mông xa vắng:

Thuyền ai tiếng hát bên kia vẳng?

Ghé lại cho nhau gởi chút buồn.

Qua phân tích mạch cảm xúc – hình tượng thơ từ phần đầu đến phần kết, nhận thấy rằng động từ “lùa”; động từ “đùa” hay động từ “đừa” đều là từ ngữ dân gian dùng để chỉ hoạt động đẩy qua đẩy lại, dù những sắc thái biểu cảm của mỗi động từ có khác nhau. Giọng điệu toàn bài thơ chậm, buồn, nhẹ nhàng. Trong đó, ngọn gió khuya bên sông nổi lên như một nguyên cớ đầu tiên gây nên nỗi buồn, nhưng quan trọng hơn nữa là tâm trạng buồn của người đứng đợi bên sông nên đã để lại nỗi buồn có tính chất vũ trụ “ngàn liễu khóc”, “bóng trăng run”. Thêm nữa, lẽ nào, ngọn gió khuya bên sông kia lại vô tâm có cử chỉ “thô bạo” với cái “đẹp”: “bóng trăng”“bóng trăng soi mình dưới sông” được diễn tả bằng động từ “lùa” (mạnh) hoặc động từ “đùa” là những động từ giả định nằm trong trục đối chiếu, lựa chọn từ ngữ.

Vậy chỉ còn động từ “đừa” hiện có trong bài thơ là tinh hoa của từ ngữ dân gian, được sử dụng chính xác về sắc thái biểu cảm.

1.5. Cuối cùng, nhà thơ còn sử dụng kỹ thuật nhồi chữ, điệp âm tiết và điệp phần vần trong dòng thơ, tạo âm hưởng điệp khúc:

Khi bàn về tính chất quan trọng nhất của yếu tố nhạc trong thơ, Quách Tấn đưa ra hình ảnh so sánh dí dỏm, chí lý: “Thơ không có nhạc có thể ví như một ống tiêu dùng để thổi lửa, hay một ống thổi lửa dùng làm ống tiêu.”(trích lại trong một bức thư của thi sĩ Quách Tấn gởi cho thi sĩ Bàng Bá Lân, tháng 8 năm 1963 trong tập Những bức thư thơ của Quách Tấn).

Vì vậy, hai tác giả của Việt Nam thi nhân tiền chiến đã phát hiện có những câu nhồi chữ rất hay, mang âm hưởng điệp khúc:

    Sầu mong theo lệ, khôn rơi lệ

     Nhớ gởi vào thơ, nghĩ tội thơ.

                                        (Trơ trọi)

hay: Tỉnh mộng nằm ôn trang mộng cũ

       Mong thơ lần giở xấp thơ xưa.

                                        (Lại nhắn ai)

Cái hay ở đây là kỹ thuật nhồi chữ chẳng những tạo âm hưởng điệp khúc mà còn hình thành thế đối xứng trong dòng thơ, trong câu thơ, tạo nhịp điệu tương xứng. Tất cả góp phần hòa điệu, hòa âm.

Kỹ thuật nhồi chữ rất hay trong dòng thơ, trong câu thơ theo phép điệp âm tiết hay một nhóm âm tiết để tạo nên âm hưởng điệp khúc trong thơ.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ Quách Tấn mang âm hưởng điệp khúc nhờ âm hưởng của mấy phù bình thanh đồng âm “lương – thương – nương”.

Thi sĩ Bàng Bá Lân trong Văn thi sĩ hiện đại, đoạn viết về Quách Tấn đã tìm thấy nét đẹp trên đây “cảnh êm đẹp của một đêm tình có nhạc”, có thơ, có cả người đẹp nương song gởi tình theo mây xa mà rưng rưng mắt lệ:

Giấc thắm tình duyên non gối nước,

Màn sương để lọt ánh sao băng.

Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió,

Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng.

Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ,

Mưa vời sóng nhạc giợn lâng lâng.

Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện,

Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.          

(Đêm tình)

Thơ ngâm xong mà dư âm còn văng vẳng nhờ âm hưởng của mấy phù bình thanh đồng âm “thương – hương – nương” nghe như là sóng nhạc.

Như vậy, âm hưởng điệp khúc trong trường hợp trên cũng là phép điệp vần của âm tiết trong cùng một dòng thơ.

2. Thứ đến là nhịp điệu thơ với sự đổi mới trong cách hòa điệu, phối âm, tạo nhạc tính:

2.1. Sự đổi mới trong cách hòa điệu để tạo nhịp điệu:

Hòa điệu theo cổ nhân là kỹ năng tạo sự hòa hợp phụ thuộc vào nhịp điệu. Bởi vậy, trong câu thơ thất ngôn, nhịp điệu được ngắt theo 2/2/3 hoặc 4/3 (nhịp truyền thống là 4/3) cố định, không thay đổi.

Thế nhưng, những câu thơ của Quách Tấn lại khác. Để tránh tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, “hình thức trói buộc, tiêu diệt sinh khí của nội dung”, thi sĩ đã có sự đổi mới trong cách hòa điệu. Đặc điểm của nó là không thừa nhận sự hòa hợp phụ thuộc vào nhịp điệu như một nguyên tắc cứng nhắc, bất di bất dịch.

Câu thơ thất ngôn của Quách Tấn nhịp điệu được ngắt linh hoạt hơn cơ sở xã hội – thẩm mỹ của nó, như GS. Lê Đình Kỵ trong Thơ Mới: Những bước thăng trầm có nhận định “nội dung, nhịp điệu mới trong sinh hoạt, trong tâm hồn không thể bị gò bó trong nhịp điệu thơ cũ. Xã hội phát triển, tầm mắt, tâm tư con người càng mở rộng. Quan hệ giữa cá nhân và cá nhân giữa cá nhân với cộng đồng theo đó trở nên đa dạng, phức tạp. Cái mới nảy sinh trên mọi mặt vật chất và tinh thần đòi hỏi phải có một nghệ thuật mới, những phương tiện biểu hiện khác trước, một thủ pháp không cứng nhắc mà uyển chuyển, phóng khoáng” [9].

Hẳn trong thơ xưa ít có dòng thơ nào lạ lùng như thơ của Quách Tấn:

“Đây lòng ta, đó một trời thu”                           (nhịp 3/4)

“Dì gió đa tình ơi, chớ đếm”                             (nhịp 5/2)

“Lòng chan chứa biết bao cay đắng”               (nhịp 3/2/2 hoặc 3/4)

“Mộng sớm tan, rồi vẫn đắm hương”               (nhịp 3/2/2 hoặc 3/4)

“Đêm nọ giở pho tình sử nọ”                            (nhịp 2/5)

“Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ”                                    (nhịp 3/4)

“Tâm hồn riêng gửi nước non ai”                      (nhịp 3/4)

“Dâu bể đã bao đời kiếp trải”                          (nhịp 2/3/2)

“Trưa Bồng lai khẽ rung rinh biếc”                  (nhịp 3/4)

“A! ra mình mới ngoại hai mươi”                    (nhịp 1/2/4)

“Còn đặng bảy mươi chín tuổi nữa”                (nhịp 2/5)

“Đưa duyên vợ những khen bà nguyệt”           (nhịp 3/4)

“Định số chồng riêng oán lão trời”                  (nhịp 3/4)       

“Tình hoang mang gợi trí hoang mang”         (nhịp 3/4)

“Khối tình riêng nặng gánh non sông               (nhịp 3/2/2)

Nhịp điệu góp phần làm nên giọng điệu thơ. Qua những câu thơ trên, có thể nói nhịp điệu thơ Quách Tấn rất linh hoạt, đa dạng. Điều này, ít nhiều làm nên chất giọng riêng của thơ ông: dùng thể thơ cũ, phá vỡ nhịp điệu truyền thống của thơ cách luật, tạo nhịp mới để góp phần biểu đạt ý tưởng mới.

2.2. Đối ngẫu - một cách thức tạo sự hài hòa cho câu thơ, một dạng làm nên nhạc tính:

Mặt khác, “hòa điệu” còn là kỹ năng tạo sự hài hòa về âm điệu trong sự đối xứng, mà đặc điểm chủ yếu của nó là“đối cốt để giữ cho ý được cân, lời được hòa, khỏi mắc phải sự chênh lệch. Có nhiều khi chữ đối chọi, không thật chỉnh mà ý cũng như lời rất cân xứng nhau”. Chẳng hạn, sự đối xứng giữa hai câu luận trong bài “Một đêm mưa mùa thu”:

Thơ dầm / mực lạnh / thương khôn nén!

Nếu xót / tình chi / lệ chẳng khô?

Tuy chữ “mực lạnh” đối chọi không thật chỉnh với “tình chi” nhưng ý cũng như lời “thơ dầm mực lạnh” rất cân xứng với “nên xót tình chi”. Bởi lẽ, nếu thay “tình chi” bằng “tình đau” chẳng hạn để đối chọi thật chỉnh với chữ“mực lạnh”, thì không còn tồn tại dạng câu hỏi (ở đây là câu hỏi tự vấn). Điều này không phù hợp với dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhà thơ muốn tạo câu trên bằng câu cảm thán kết hợp cộng hưởng sức nặng của câu hỏi tự vấn ở dưới để diễn tả tình cảm bức xúc, “thương khôn nén” và nỗi tự vấn, dằn vặt, xót xa, đau khổ khôn cùng“lệ chẳng khô”.

Hoặc chữ, sự đối xứng giữa hai câu thực (trạng):

Có tơ / ai nhớ / công tằm khổ!

Không mật / đành chê / kiếp bướm nhàn!

Mặc dù, “ai nhớ” đối chọi không thật chỉnh với “đành chê”, song qua biện pháp so sánh tương phản thì ý cũng như lời của câu “Có tơ ai nhớ công tằm khổ,” rất cân xứng với “Không mật đành chê kiếp bướm nhàn”. Đây là trường hợp “bất đối chi đối “ (không đối mà đối) tức là chỉ đối ý chứ không đối chữ.

Có thể thấy Quách Tấn sử dụng phép đối rất linh hoạt, không máy móc, không cứng nhắc, không bắt buộc chữ đối chữ sát phạt với nhau; mà cốt yếu là giữ cho ý được cân, lời được hòa, đối xứng càng cao, hài hòa càng lớn. Cùng với sự thay đổi nhịp điệu, việc dùng đối ngẫu như trên đã phân tích, là yếu tố thứ hai trong kỹ thuật hòa điệu có sự đổi mới.

***

Tóm lại, về ngôn ngữ thơ Quách Tấn, bài viết đã chỉ ra cách dùng từ ngữ có đổi mới, mang sắc thái biểu cảm mới, dùng từ ghép – láy độc đáo; dùng từ biểu cảm phù hợp với quy luật phối thanh thấp – cao; dùng từ ngữ dân gian tạo cảm xúc hướng nội; kỹ thuật nhồi chữ, điệp âm tiết, điệp vần để tạo âm hưởng điệp khúc. Về nhịp điệu thơ, bài viết nêu bật cách hòa nhịp, tạo nhịp điệu, đối ngẫu, phối âm để tạo nhạc tính hài hòa. Nhờ những cách tân nghệ thuật trên mà giữa lúc thơ Mới đang thắng thế, thì tiếng thơ của Quách Tấn – nhà thơ Mới mang phong vị Đường thi vẫn ung dung vững chãi bước lên thi đàn thơ Mới, được nhiều người trọng vọng.

2006-2011

NCTD

Tài liệu tham khảo

1.   Đào Duy Anh (chủ biên) (1977), Điển cố văn học, Nxb KHXH, HN.

2.   Nguyễn Công Thanh Dung (2005), Ảnh hưởng thơ Đường đối với thơ lãng mạn Việt Nam 1932-1945, Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Tp. HCM, số 8.

3.   Nguyễn Công Thanh Dung (2006), Tìm hiểu thơ Quách Tấn, Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân ngành Văn học, Tp.HCM.

4.   Nguyễn Công Thanh Dung (2011), Quách Tấn với quan niệm về làm thơ, Tạp chí Nha Trang, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà, số 191 (tháng 8-2011).

5.   Phan Cự Đệ (1982), Phong trào thơ Mới, NXB KHXH, HN.

6.   Quách Giao (sưu tầm) (1994), Quách Tấn qua cái nhìn phê bình văn học, NXB Trẻ, TP. HCM.

7.   Nguyễn Thị Bích Hải (1995), Thi pháp thơ Đường, Nxb Thuận Hóa, Huế.

8.   Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi và… (chủ biên) (2004), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, HN.

9.   Lê Đình Kỵ (1993), Thơ Mới: những bước thăng trầm, NXB TP. HCM.

10. Nguyễn Tường Lân (1962), Thơ Quách Tấn, Nguyệt san Thông tin, SG, số 2, tháng 5.

11. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng (1969), Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, SG.

12. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Kế thừa truyền thống dân tộc trong đổi mới thơ ca qua kinh nghiệm lịch sử của phong trào thơ Mới, Tạp chí Văn học, HN, số 11.

13. Bùi Văn Nguyên – Hà Minh Đức (1974), Thơ ca Việt Nam (Hình thức và Thể loại), NXB KHXH, HN.

14. Vũ Ngọc Phan (1994), Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần đầu 1943, NXB Văn học, HN, tái bản.

15. Lê Triều Phương, Phan Hồng Châu, Quách Tùng Phong (2002), Hương thơ Quách Tấn, NXB Hội Nhà Văn, HN.

16. Trần Đình Sử (1993), Thơ Mới và sự đổi mới thi pháp thơ trữ tình tiếng Việt, Tạp chí Văn học, HN, số 6.

17. Văn Tâm (1992), Giới thuyết thơ Mới, Tạp chí Văn học, HN, số 6.

18. Hoài Thanh, Hoài Chân (1998), Thi nhân Việt Nam, in lần đầu 1941, NXB Văn học, tái bản lần thứ 14, HN.

19. Hoài Yên (2000), Thấy gì khi đọc bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn, Tạp chí Hán Nôm, HN, số 3.

20. http://www.quach-tan.com (những bài viết của Quách Tấn) ở nước Đức, Úc.

Tác phẩm của Quách Tấn:

1.   Quách Tấn (1939), Một tấm lòng, Nhà in Thuỵ Ký, HN.

2.   Quách Tấn (1941), Mùa cổ điển, Nhà in Thuỵ Ký, HN.

3.   Quách Tấn (1960), Mùa cổ điển, NXB Tân Việt, SG, tái bản lần thứ 1.

4.   Quách Tấn (1965), Đọng bóng chiều, in tại Paris (không ghi nhà xuất bản).

5.   Quách Tấn (1966), Mộng Ngân Sơn, Hoa Nắng xb, Paris.

6.   Quách Tấn (1973), Giọt trăng, Thi Vũ giới thiệu, NXB Rừng Trúc, Paris.

7.   Quách Tấn (1999), Trăng hoàng hôn, NXB Trẻ, TP. HCM.

8.   Quách Tấn (1999), Bóng ngày qua (Đời văn chương), NXB Hội Nhà văn, HN.

9.   Quách Tấn (2000), Bóng ngày qua (Bàn Thành tứ hữu), NXB Văn nghệ, TP. HCM.

10. Quách Tấn (2000), Trường Xuyên thi thoại, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn Nghệ Tp. HCM.

11. Quách Tấn (2007), Hương vườn cũ, NXB Hội Nhà văn, HN.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học – Niên giám 2011

* Tạp chí Khuông Việt, Học viện Phật giáo Việt Nam, Hà Nội.

Bản điện tử: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/