Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Trò chuyện với người đoạt giải Pulitzer nhà văn Nguyễn Thanh Việt (kỳ 1)

John Freeman trò chuyện với tác giả Cảm tình viên (The Sympathizer)

Hiếu Tân dịch, từ http://lithub.com/talking-to-pulitzer-prize-winning-writer-viet-thanh-nguyen/

clip_image001

“Mọi cuộc chiến tranh đều diễn ra hai lần” Nguyễn Thanh Việt viết, “lần đầu trên chiến trường, lần sau trong trí nhớ.”

Sinh ở Việt Nam, cha mẹ trốn chạy sang Mỹ năm 1975, Nguyễn hiểu sâu sắc chân lí này.

Nguyễn sống ba năm đầu đời ở Mỹ trong một trại tị nạn ở Fort Indiantown Gap, Pennsylvania, sau đó sống trong một gia đình cưu mang ở Harrisburg, nơi ông bị tách khỏi cha mẹ và chị. “Không phải ai cũng chịu nhận chứa cả một gia đình,” ông nói, qua điện thoại từ Boston.

“Thời kỳ ấy tác động rất mạnh đến tôi, mãi sau này tôi mới nhận ra tác động ấy sâu xa như thế nào.”

Cuối cùng vào năm 1978 gia đình Nguyễn được đoàn tụ và định cư ở San Jose, nơi cha mẹ ông mở một trong những tiệm tạp phẩm đầu tiên của người Việt. Đó là một thời kì không dễ dàng, vì cái não trạng độc địa chống người Việt.

Là một học giả, Nguyễn đọc và nghiên cứu sâu theo cách của mình vào tâm điểm của cuộc xung đột lâu dài này – cuộc xung đột còn kéo dài vượt ra khỏi một cuộc chiến tranh. Và năm ngoái ông đã làm một cuộc công kích hai mặt vào việc mở rộng phạm vi chúng ta nói về Việt Nam.

Tháng Tư vừa rồi, Nguyễn cho ra cuốn tiểu thuyết hài kịch đen đầu tay của mình, Cảm tình viên, câu chuyện về một điệp viên cộng sản trốn khỏi Sài Gòn sang Mỹ, tại đấy anh ta sống cuộc sống hai mặt – vừa là một cư dân, vừa là điệp viên mật báo về một viên tướng định cư ở Los Angeles và là chủ một tiệm rượu.

Hôm nay cuốn sách đó đoạt giải Pulitzer về tác phẩm hư cấu.

Câu chuyện bắt đầu bằng những bước ngoặt ngẫu nhiên giết người và sau đó phi lí khi người kể chuyện ẩn danh cố gắng một cách vô ích tách khỏi quá khứ của anh ta. Kết cục anh ta phải tham gia vào một vụ tàn sát để che giấu vết tích của mình. Thậm chí anh ta còn đến Hollywood làm việc cho một phim khủng khiếp như Apocalypse Now.

Cách đây hai tuần Nguyễn còn xuất bản một tác phẩm nghiên cứu và phê bình có tầm ảnh hưởng lớn, Không có gì chết, khảo sát – một cách nghiêm túc, ít khôi hài – chiến tranh Việt Nam và chiến tranh nói chung – đã bị các nhà cầm quyền tạo ra, tổ chức và lạm dụng như thế nào.

Cả hai quyển gộp lại làm thành một góc nhìn khác về Việt Nam và những gì Mỹ đã làm ở đó, sâu sắc như Người vô hình của Ralph Ellison và Người yêu dấu của Toni Morrison nói về di hại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ.

Không phải ngẫu nhiên đây là hai trong số những cuốn sách quan trọng nhất đối với Nguyễn ở Berkeley trong những năm 1980 và 1990, khi ông bắt đầu nhận ra rằng để nhớ lại cuộc chiến tranh một cách đúng đắn, chúng ta cần mở rộng cách tiếp cận nó.

Ở đây có sự cám dỗ đổ hết tội cho người Mỹ. Nhưng trong khi Cảm tình viên không ngần ngại lên án gắt gao những gì Mỹ đã làm ở Việt Nam, thì Không có gì chết cho rằng những phạm trù chê trách và nạn nhân không có tác dụng về lâu dài. Chính Nguyễn tin rằng để trong tương lai tránh được những cuộc xung đột trên qui mô rộng lớn như thế, chúng ta cần học cách trở nên quen thuộc với tính vô nhân đạo ở cả hai phía của cuộc xung đột.

Như vậy đúng lúc Nguyễn khảo sát để đặt những đau khổ của người Mỹ vào tâm điểm cuộc Chiến tranh Việt Nam, Nguyễn nhìn vào cách xã hội Việt Nam miễn cưỡng thừa nhận những cái chết của người Lào và Campuchia.

Tôi tiếp xúc được với Nguyễn, ông bây giờ là một giáo sư ở USC (Đại học Nam California), qua điện thoại ở Boston và ông mô tả con đường dài hai cuốn sách này phải trải qua để xuất bản gần như đồng thời, và ông hi vọng chúng có thể đạt được điều gì ngoài việc có được lượng độc giả lớn.

John Freeman: Cảm tình viên và Không có gì chết được xuất bản nhanh gối đầu nhau, tôi xin hỏi ông có thể cho biết tư tưởng của chúng liên hệ với điều gì không?

Nguyễn Thanh Việt: Cả hai cuốn này xuất phát từ một ý nghĩ của tôi muốn đề cập đến Việt Nam và rộng rãi hơn, đến vấn đề chiến tranh và kí ức nói chung. Ý tưởng trong Không có gì chết lớn lên chậm chạp – tôi làm việc về nó trong hơn một thập niên, nhưng bản thân cuốn sách tôi viết trong một năm. Tôi tung ra tất cả những bài báo mà tôi đã viết, và sau đó viết một cách tùy hứng sau khi đã hoàn thành Cảm tình viên. Một số ý tưởng trong đó đã được chắt lọc vào hư cấu, nhưng cả cuốn sách tự nó là một tác phẩm phi hư cấu. Tham vọng nằm sâu trong ý muốn của tôi – tôi có thể chưa ý thức điều này – là tôi thích viết phê bình như hư cấu và hư cấu như phê bình. Tôi nghĩ về W.G. Sebald – một trong những anh hùng của tôi – tôi không thể phân biệt trong tác phẩm của ông là hư cấu hay phi hư cấu, tất cả đều có cảm giác văn chương. Bởi vậy khi tôi viết hai cuốn sách này gần nhau, là tôi đã phối hợp tốt nhất phê bình vào hư cấu, và hư cấu vào phê bình, như vậy với Cảm tình viên tôi hi vọng xây dựng được nhân vật ‘người kể chuyện’ có thể nói một cách ấn tượng những sự việc hết sức gay cấn, nhưng là người không bị hạn hẹp như một học giả trong những niềm tin của mình. Trong Không có gì chết tôi không biết cách tìm ra một ý nghĩa khôi hài cho cuốn sách đó, nhưng tôi đã thật sự cố gắng để lấy mọi thứ tôi đã học được từ cuốn tiểu thuyết – nhịp độ kể chuyện chẳng hạn – thậm chí đưa những cảm giác thấp kém nhất không nói nên lời vào chính hình hài của sự vật. Một trong những điều tôi muốn cả hai cuốn sách làm được là lay động bạn đọc vả về cảm xúc và trí tuệ.

JF: Là một học giả, ông đã đọc rất nhiều không chỉ trong không gian văn học Á Mỹ, mà còn cả văn chương về chiến tranh Việt Nam, và trong Không có gì chết ông nhìn nhiều vào trong số những sách đó (từ Ngay sát nách của Larry Hienemann đến Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương) và xem xét chúng đã có tác động gì như những khía cạnh của kí ức tập thể. Thực chất ông đang biện luận rằng, nếu chúng ta muốn tạo nên một kí ức đúng đắn, chúng ta – với tư cách các nền văn hoá, các cá nhân – cần thừa nhận cả tính nhân đạo và tính vô nhân đạo của chúng ta, cũng như tính nhân đạo và tính vô nhân đạo của Người Khác. Kinh nghiệm ông có được khi xem xét một cách phê phán những cuốn sách này có làm thay đổi cách ông tiếp cận khi viết Cảm tình viên và cách ông phác họa các nhân vật không? Và có mở ra trước ông những sự việc mà trước đây ông không muốn làm?

NTV: Những cuốn sách ấy không phải là những tấm gương tiêu cực, chúng là tích cực theo nhiều cách khác nhau trong việc chúng đối diện với chiến tranh và chính trị như thế nào. Ngay sát nách của Larry Hienemann là cuốn tiểu thuyết tôi đọc khi tôi còn rất trẻ, 12 tuổi, nó là một trải nghiệm khủng khiếp, tôi chưa được trang bị về cảm xúc hoặc về văn chương để đối đầu với nó. Vì thế trong một thời gian dài tôi thật sự ghét cuốn sách đó. Nhưng tôi nghĩ Larry Hienemann thật ra đã làm đúng khi tập trung một cách không thương xót vào sự tàn bạo mà không biện luận rằng những sự việc ấy là sai. Còn nói về cuốn tiểu thuyết của tôi – tôi nhận ra nếu tôi có thể làm cho độc giả cảm thấy khó chịu giống như khi tôi đọc quyển sách kia, thì đó là điều tốt. Vâng, là một nhà phê bình, tôi phải đọc nhiều – trong nhiều thể loại – và khi đọc tất cả các tác phẩm thuộc mọi hạng tôi thấy đa số là tầm thường. Như vậy việc đọc cái mớ tạp nhạp này và thấy chúng nhàm chán thực sự có ích trong việc dạy tôi điều gì không nên làm.

JF: Ông vừa nhắc đến việc đọc Ngay sát nách năm 12 tuổi ở San Jose. Trong Không có gì chết ông chỉ nói thoáng qua về gia đình ông và sau đó trực tiếp hơn trong phần kết. Ông có thể kể với tôi về việc ông được nuôi dạy như thế nào không?

NTV: Điều quan trọng nhất: tôi là một người tị nạn ở Pennsylvania, bởi vậy điều mà tôi nhớ đến trước tiên là bị tách khỏi gia đình tôi, và được gửi – sau khi bị tách khỏi chị tôi, đó là điều rất đau đớn – đến sống với một gia đình da trắng. Để rời khỏi trại, chúng tôi phải li biệt nhau – không phải ai cũng chịu nhận chứa cả một gia đình – do đó 4 tuổi tôi đã phải sống với những người xa lạ. Chỉ kéo dài 14 tháng, nhưng thời kì này tác động mạnh đến tôi, mãi sau này tôi mới nhận ra nó sâu xa đến thế nào. Sau đó chúng tôi đến San Jose. Cha mẹ tôi là những chủ tiệm điển hình. Ở San Jose chúng tôi sống thật khó khăn bởi vì cha mẹ tôi làm việc suốt thời gian. Trải nghiệm này đối với tôi, bị xa lìa cha mẹ về mặt tình cảm, vì họ phải làm việc quá nhiều, và tôi bị thu hút một cách gián tiếp vào những kinh nghiệm chiến tranh và tị nạn. Tôi phải mất đến 10 hay 15 năm để đi đến chỗ sẵn sàng nghĩ về Chiến tranh Việt Nam và nó có ý nghĩa gì đối với tôi. Tôi chỉ muốn rời khỏi San Jose. Tôi không bao giờ muốn viết hồi kí của riêng mình, đời tôi, nó không thú vị đến thế, nếu tôi là một nhà văn giỏi hơn, thì tôi chỉ viết về cha mẹ tôi.

JF: Có cuốn sách nào ông đọc khi trưởng thành hay sớm hơn giúp ông nhìn thế giới một cách rộng lớn hơn, vượt ra khỏi San Jose không?

NTV: Khi còn đang học đại học, tôi nghiên cứu tiếng Anh và nghiên cứu sắc tộc – tiếng Anh, bởi vì tôi yêu văn học. Lý do tại sao tôi cần nghiên cứu sắc tộc là trong những năm 1980 và 1990 [người Mỹ] các ông gắn bó với đề tài này. Và tôi thấy mình không thể sống cuộc đời tách khỏi cái đó, vì tôi cũng cảm thấy nhất thiết phải làm một cái gì khác biệt. Nghiên cứu sắc tộc mở ra cho tôi thấy khả năng văn học có thể đóng vai trò quan trọng về phương diện chính trị và công bằng xã hội. Bởi vậy tôi thu hoạch nhiều từ những nghiên cứu về người gốc Mễ và văn học Mỹ gốc Phi và văn học Mỹ gốc Á. Một số người như Richard Wright, Ralph Ellison, và Maxine Hong Kingston có tầm quan trọng rất lớn đối với tôi. Thông qua việc trở về với những nghiên cứu tiếng Anh, tôi trở về với lí thuyết: chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa giải kiến tạo, tính dục đồng giới, lí thuyết, tất cả những cái này cùng đến một lúc và tạo thành nền tảng của Không có gì chết. Trong vòng một thập niên tôi cố gắng giảỉ quyết một số vấn đề cốt yếu: viết như một thiểu số có nghĩa là gì, bị chiến tranh đóng sẹo có nghĩa là gì? Trong Không có gì chết tôi cố gắng làm một số việc, nghĩ về kí ức, vâng, nhưng kí ức về chủ nghĩa tư bản, về sự bất công, và viết về tính chủ quan thiểu số như thế nào, và chúng tôi những tộc người thiểu số đã bị nhử vào những kinh nghiệm lí tưởng hoá như thế nào – nghĩ về cộng đồng của chúng tôi như được xác định bằng việc chúng tôi bị đem làm vật hi sinh. Và kết luận là: đó là những cái bẫy cho bất kì loại nhà văn nào của những cộng đồng thiểu số.

JF: Tôi nghĩ cái xuất sắc trong cuốn sách này là cách ông liên hệ những vấn đề về bản sắc – và cách những kí ức quanh vấn đề Việt Nam được tổ chức – với những hình thức bạo lực trong nước Mỹ, dựa hoàn toàn trên các nhà tư tưởng Mỹ gốc Phi, từ W.E.B Dubois đến Toni Morrison. Một câu trích từ Người yêu dấu mang đến cái tên cho cuốn sách. Tôi tự hỏi liệu ông có tìm thấy một độ mở nào cho những hình thức rộng lớn hơn của tư tưởng mà ông ủng hộ trong năm qua, khi tính dân tộc tăng lên rất mạnh trong những diễn ngôn hùng biện và đồng thời một cảnh tượng về sự hung bạo khủng khiếp của cảnh sát đang diễn ra chống lại dân Mỹ gốc Phi không.

NTV: Bất kì ai nhìn vào những quang cảnh hiện thời và phong trào hành động vì Vấn đề Cuộc sống người Da đen mà kinh ngạc trước bất kì sự liên hệ nào giữa các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và xung đột trong nước, thì đó là ngây thơ, hoặc không có chút ý thức lịch sử nào cả. Và có lẽ phần lớn nước Mỹ là như thế. Tuy nhiên đây không phải là một ngẫu nhiên. Bộ phận quyền lực và ý hệ trong bất kì xã hội nào là công việc nó làm để phòng ngừa công dân hay cư dân của nó thiết lập những mối liên hệ như vậy. Ông biết không, những gốc rễ trong nước và quốc tế của bạo lực rất xa về quá khứ, và những gốc rễ của chế độ nô lệ và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gắn kết sâu xa với chủ nghĩa dân tộc và chiến tranh. Tôi luôn ý thức rõ về điều này mỗi khi tôi khởi sự những Nghiên cứu Sắc tộc ở đại học. Tuy nhiên kết luận về điều này thiếu bối cảnh là cái bẫy cho rằng đau khổ của chúng ta là duy nhất. Và nó đúng cho bất kì dân tộc nào – nhiều người Việt Nam cảm thấy thế, nhiều người da đen cảm thấy thế, nhiều người da trắng cũng nghĩ thế. Chúng ta không thể nào thắng được những chia cắt giả tạo do điều này tạo ra – và những xung đột mà nó kích hoạt – cho đến khi chúng ta thừa nhận rằng những đau khổ của chúng ta là chung và được tạo ra trên rất nhiều khu vực. Đó là lí do tôi nhìn vào một số tác phẩm của các nhà văn chứng minh điều đó trong Không có gì chết: tác phẩm của Junot Diaz, Susan Sontag, và James Baldwin nói riêng. Đây là những nhà văn đã suy nghĩ về những vấn đề ấy.

(Còn tiếp)