Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao: Tự do để phụng sự cái đẹp!

Quỹ thời gian hạn hẹp bởi phải tập trung cho những kế hoạch, dự án trong lần trở lại Việt Nam này, thỉnh thoảng dừng lại bởi “câu hỏi khó quá”, vậy mà kiến trúc sư - nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao (tên Việt là Cao Thanh Sơn) không từ chối câu hỏi nào.

Được coi là một trong những nhà thiết kế cảnh quan hàng đầu hiện nay trên thế giới, Andy Cao bộc bạch ước mơ lớn khi “được về nhà” là “mong muốn đóng góp những dự án nghệ thuật trên mảnh đất quê hương”.

clip_image002

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao. Ảnh Trung Dũng

Mỗi lần về đất nước mang lại cho anh cảm nhận như thế nào?

Tôi rất hiếu kỳ với những công trình xây cất mới, xem nó có tác động gì đến không gian hay kiến trúc lịch sử mình từng biết; và thiết kế đó có phù hợp với đời sống hàng ngày của người Việt Nam không, có giá trị biểu tượng của thành phố hay đất nước Việt Nam hay không? Bởi giao lưu, học hỏi hay vay mượn cái hay, mới, văn hóa nghệ thuật của những xứ khác mang về làm nhưng không thể rập khuôn. Tôi tìm tòi những gì có màu sắc, tình cảm người Việt Nam. Vì vậy nếu có cơ hội để làm một sự án, cất một công viên hay khu vườn cảnh quan (garden) điều chúng tôi quan tâm nhất là nét đẹp và tính bền vững của văn hóa. Chúng tôi để ý tới những làng nghề thủ công như đan lát, vải, lụa… rất đặc trưng, giàu giá trị văn hóa, là nơi mà khách du lịch muốn đến nhưng lại có nguy cơ thất truyền. Nếu mất hết thì những điều đặc biệt của Việt Nam dần bớt đi. Tôi muốn có cơ hội tìm hiểu thêm những vẻ đẹp đó của Việt nam, bởi chỉ bấy nhiều thôi cũng đã có bao nhiêu ý tưởng để thiết kế, không phải đi mượn nghệ thuật của nước khác.

Những công trình của anh khi được đánh giá là lồng vào đó hình ảnh tuổi thơ, mang đậm bóng dáng Việt Nam. Đó là thôi thúc tự thân?

Ký ức và cảnh đẹp quê hương mang lại nguồn cảm hứng hết sức tự nhiên, và vì vậy tự nhiên xuất hiện. Không chỉ hình bóng Việt Nam mà do cộng sự Xavier Perrot là người Pháp nên những công trình ấy cũng mang một chút hình ảnh Pháp. Tùy mỗi dự án, quan trọng là tìm những nét đẹp, nghệ dụng làm chủ đạo. 

clip_image004

Andy Cao (đứng, hàng thứ nhất) và nghệ sĩ Xavier Perrot (đầu tiên, bên phải) cùng các đồng sự tại một dự án

Anh vừa đề cập đến một vấn đề manh tính cốt tử là công trình mới làm sao phải giữ cho được bản sắc văn hóa, sự tiện lợi cho cả cộng đồng. Gọi vậy bởi các đô thị lớn trong quá trình phát triển hạ tầng, chẳng hạn như TP.HCM và Hà Nội đã và đang lấy đi những công trình di sản kiến trúc, cây xanh… cho việc xây cất công trình mới. Anh sẽ giải bài toán này như thế nào?

Đó là vấn đề có thật và để giải bài toán giữa ưu tiên cái mới nhưng vẫn giữ được những gì gọi là di sản không phải dễ. Những người đầu tư bất động sản thường phải quan tâm tới lợi ích, lợi nhuận kinh doanh, hơn là nghệ thuật hay giá trị di sản. Kinh doanh dĩ nhiên sẽ hướng tới lợi nhuận và điều đó chẳng có gì sai. Vấn đề là tại sao họ được cho làm? Có những giải pháp gì để gìn giữ không gian văn hóa, di sản? Dự án đó tại sao lại làm ở đó mà không phải một vị trí nào khác? Nhìn các dự án triển khai khắp nơi, tại sao thay vì làm 100 công trình, chỉ làm 10 công trình thôi nhưng chăm chút để một trăm năm sau công trình đó vẫn có ý nghĩa biểu tượng. Tất nhiên nói thì dễ nhưng làm là một chuyện khác. Theo kiểu phóng lao phải theo lao, họ còn phai trả lương, nuôi cả một bộ máy phía sau. Về phần mình, chúng tôi quan niệm đường mình mình đi, giữ công ty mình thật nhỏ bởi đối với mình nghệ thuật, cái đẹp là yếu tố được ưu tiên nhất. 18 năm nay trong dự án thiết kế cảnh quan, quan trọng nhất là nét đẹp của thế giới cảnh quan, đó là sự hòa kết giữa thiên nhiên và nhân tạo để tạo ra một thế giới cảnh quan ngẫu hứng. Chẳng thà mình lấy một dự án nhưng mình bỏ hết công sức vào đó thì mình nghĩ rất đáng; còn làm 10 hay 20 công trình mỗi cái chỏ bỏ ra 15 hay 20 phút thì không đáng. Điều đó tạo cho mình quyền tự do lựa chọn, đặt mình trên nhất.

Có bao giờ anh nhận những dự án mà phải đấu tranh giữa quyền lợi của mình với quyền lợi của cộng đồng, có nghĩa là can thiệp vào những công trình, di sản?

Do không phải là nhà quy hoạch và thiết kế công trình nên chúng tôi không hoặc ít bị đặt vào tình huống đại loại như vậy (cười). Tuy nhiên độc lập đưa ra ý tưởng cho một công trình, ảnh hưởng tới cộng đồng thì có, đó là việc thiết kế một công viên, cảnh quan một khu vườn nghệ thuật… Chúng tôi chú ý nhiều về nghệ thuật nên chỉ có mình mới đưa ra ý tưởng, nhưng để thực hiện thì có sự góp sức của cộng đồng. Bao giờ cũng đặt ra câu hỏi mình làm cho ai, cho người hợp đồng hay cho cộng đồng? Mình cần cả hai. Nhưng người hưởng thụ là cộng đồng, nếu có sự đóng góp, tham gia thì sẽ nối dài được, sẽ có nhiều người duy trì và gìn giữ.

Giới chuyên môn đánh giá các sắp đặt phong cảnh của anh luôn tạo ra những môi trường lưỡng lai, hòa trộn nghệ thuật và phong cảnh để tạo nên một nơi chốn của giấc mơ. Anh luôn sử dụng những chất liệu quen thuộc song thường bị ta bỏ qua để tạo nên các không gian sở hữu những ý nghĩa độc đáo và mời gọi người xem vào một thế giới trầm quán của màu sắc và và cảm giác. Công trình của anh thường nổi bật là chất liệu kiếng (kính). Ngôn ngữ thiết kế đó xuất phát từ đâu?

"Glass garden" tại Los Angeles (Mỹ) là công trình đầu tiên tôi hoàn thành sau khi ra trường, bắt đầu từ suy nghĩ: nếu là kiến trúc sư cảnh quan thì trước hết phải tự thiết kế cho mình một mảnh vườn, thành ra tôi bỏ nhiều thời gian để làm. Nhưng rất thất vọng vì những gì học được trong trường đã bỏ vào đó hết mà không thấy nổi bật, không thấy tiếng nói của mình. Lúc đó mới tự vấn mình là ai? Có thể làm được điều gì khác hay không? Những gì thầy dạy đã áp dụng hết, không có gì để tựa vào thì ký ức thời trẻ có thể là một gợi ý hay. Tại sao mình không dùng những ký ức đó để áp vào khu vườn? Và vật liệu nào sẽ “gom” được những ký ức mờ ảo này lại? Tôi chọn kiếng bởi vì giá rẻ và có thể tái sử dụng. Càng sử dụng càng hiểu vật liệu này, từ tiếp thụ và phản sáng, thay đổi tạo ra những ấn tượng theo bối cảnh và ánh sáng. Đó cũng là tiền lệ để tìm đến những vật liệu có tính khúc xạ cao như pha lê, cẩn xà cừ, dây cước… mà bối cảnh là những đồng muối, làng chài của Việt Nam. Ở nước ngoài việc cạnh tranh rất lớn, mình giỏi một nhưng người đồng nghiệp sẽ giỏi 10. Vì vậy mình phải có tiếng nói riêng, nếu không sẽ biến mất vào đám đông. Bao nhiêu năm nay, dù nhận công trình lớn hay nhỏ thì chúng tôi đều giữ được tiếng nói riêng đó.

Có bao giờ anh sợ sẽ đi lại lối mòn của chính mình trong thiết kế?

Tôi nghĩ những ý kiến thiết kế đặc sắc của mình nếu có lặp lại 10 hay 100 lần cũng không sao. Đó là sự định hình phong cách. Tuy nhiên, cái gì hay nhìn hàng ngày rồi cũng nhàm chán, làm một thời gian phải có sự nâng cấp, cải tiến và nghĩ ra những ý kiến mới. Chẳng hạn có người nào đó muốn tôi làm lại Glass Garden nhưng quy mô lớn hơn 100 lần thì vẫn hứng thú chấp nhận. Tuy nhiên vườn này đã làm từ năm 1998, nếu trở lại phải biến đổi rất nhiều, bởi mình đã thay đổi nhiều, đi đây đi đó mình có cách nghĩ khác.

clip_image006

Vườn kiếng (Glass garden) là tác phẩm khởi nghiệp của Andy Cao. Anh sử dụng 45 tấn kiếng và mất hai năm rưỡi để hoàn thành

Cá nhân anh thích được gọi là kiến trúc sư hay nghệ sĩ?

Nếu gọi là kiến trúc sư thì mình dễ bị gò bó bởi những luật lệ, còn khi là nghệ sĩ thì chỉ theo sáng tạo của mình. Tôi muốn mình tự do hoàn toàn để phụng sự cái đẹp, như thế mới toàn tâm sáng tạo, phát triển nghệ thuật được. Tôi là một nghệ sĩ cảnh quan.

Hướng kiến trúc xanh hiện có vẻ thắng thế nhưng phần giới thiệu của công ty anh trên Cao Perrot Studio lại không có cụm từ này, tại sao?

Đúng là kiến trúc xanh là yếu tố thời sự hơn. Tuy nhiên, nếu anh là người làm về cảnh quan bên ngoài thì kiến trúc xanh bao giờ cũng đi kèm. Nếu chỉ chú trọng về kiến trúc xanh, mà thiếu nghệ thuật thì có làm bao nhiêu công viên, cái nào cũng giống nhau, không có gì nổi bật. Không thể coi thường nghệ thuật được bởi nghệ thuật là giá trị bền vững. Lúc đứng lớp ở Harvard hay các trường khác, thấy sinh viên chú ý nhiều đến kiến trúc xanh tôi thấy rất tốt, nhưng vẫn phải nhắc họ không quên nghệ thuật, nghệ thuật phải đi đầu. Không nhắc tới kiến trúc xanh không có nghĩa là mình không ủng hộ, giá trị xanh ấy nằm ở sản phẩm mình làm được, chứ không phải là một dòng ghi trên lý lịch để hợp với trào lưu.

Nhiều đồng nghiệp đánh giá anh rất cao, riêng anh có hài lòng về bản thân cũng như những công việc đã làm?

Thực sự lựa chọn kiến trúc cảnh quan là một đường đi khó và nhiều phức tạp. Đôi khi mình nghĩ như lục bình trôi trên sông, thường trôi mãi không biết sẽ bám vào đâu. Cũng mong muốn cuộc sống yên ổn, thu nhập như các đồng nghiệp nhưng mình đã lựa con đường riêng như vậy, thành công thì tùy đánh giá nhưng tôi thấy hạnh phúc. Còn để hài lòng thì chắc ngày đó đã... về hưu. Tôi không bao giờ hài lòng được, cũng có thể là do cầu thị và đòi hỏi cao, bởi mỗi dự án mình chỉ hoàn thành được 70%, nhìn vào thấy vẫn chưa hoàn hảo. Mình thích mọi người nhìn vào công trình và tạo được quan niệm về nó: tại sao tôi thích, tại sao tôi ghét? Còn nhìn vào người ta không có ý kiến, không quan tâm nó có ý nghĩa gì thì lúc đó mới là bi kịch.

Có khi nào anh thất vọng về bản thân?

Tôi thất vọng mỗi ngày. Thường suy nghĩ, muốn làm nhiều việc nhưng chưa “chín”, chưa đủ điều kiện nên lúc nào cũng có sự mâu thuẫn.

clip_image008

Vườn mây thuộc Swarovski (Srystal worlds) thực hiện năm 2015, mở rộng từ 3,5ha lên 7,5ha , sử dụng vật liệu dây thép, cước, pha lê...

Vậy anh tìm sự bình yên bằng cách nào?

Bằng những chuyến du lịch. Cứ đi đến đâu là ném bản đồ đi, thích quẹo trái, quẹo phải tùy ý, lạc đường thì càng tốt! Cái quý của đi lạc đường là nhiều khi phát hiện những cái hay, mới lạ một cách tình cờ. Vì vậy chúng tôi quan niệm tất cả những gì mình làm từ từ sẽ trở thành những cảnh quan ngẫu nhiên.

Như mô tả thì anh thuộc típ người lãng mạn?

Tôi chỉ có ba đặc tính: hiếu kỳ, bướng bỉnh và nhẫn nại.

Đi con đường riêng, có khi nào anh cảm thấy cô đơn, bị đánh giá là... khác người?

Bởi vậy mới cần sự bướng bỉnh, và kiên nhẫn nếu không sẽ đứng không nổi.Tôi là người sáng tạo nên chỉ chú ý đến ý kiến sáng tạo chứ không bị gục ngã bởi những lời phê bình. Nhưng tôi tự hào bởi đã bỏ hết tâm sức cho mỗi dự án.

clip_image010

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao giao lưu với các bạn trẻ tại Toa Tàu trong lần trở về Việt Nam. Ảnh: Trung Dũng

Mục tiêu tối thượng trong nghề mà anh hướng đến là gì? Những người làm nghề như anh ở nước ngoài đang đi theo hướng nào?

Đi từng bước một, không nghĩ quá xa. Bởi hiện tại mình chưa làm được thì làm sao anh hướng đến tương lai. Đã lựa đường này rồi thì chân trước, chân sau cứ từng bước mà di. Đích hướng tới là nghệ thuật, là cái đẹp và cứ luôn rượt đuổi như thế. Thiết kế cảnh quan muôn hình muôn dạng, người đi hướng này người vào hướng kia, có thể là nghệ thuật, môi trường xanh… nhưng phần đông người ta đi theo hướng môi trường xanh. Đây là hướng đi đang được quan tâm, đến mức “lạm dụng”, cái gì cũng môi trường xanh, ai cũng kiến trúc xanh.

Cá tính của anh có bị tác động từ gia đình?

Tất nhiên là có, thậm chí rất nhiều. Môi trường trong gia đình tạo nên truyền thống gia đình, và mỗi người họ lại có những điểm hay riêng. Cái hay đó đôi khi không phải là sự thành công, thành đạt mà ở đức tính, giá trị sống. Chẳng hạn mẹ tôi có sự dũng cảm, dám bỏ hết tất cả, không biết tương lai thế nào mà một mình đưa mấy người con đi bởi muốn chúng tôi có cơ hội học tập tốt hơn. Sự quyết đoán, can đảm của mẹ, khiến tôi suy nghĩ mình được cơ hội ăn học, tạo đủ mọi điều kiện thì không nên ngần ngại trước mọi thử thách. Nghĩ vậy để tạo cho bản thân sự thúc đẩy: không đắn đo suy nghĩ nhiều, phải xác định sẵn sàng nhảy xuống hồ sâu và chấp nhận một chìm hai nổi. Vì vậy mà sau này đi làm việc đến quốc gia nào chúng tôi cũng tâm thế sẵn sàng đương đầu, mở cửa với cuộc sống, đón nhận cái mới, cái hay, cái đẹp… chấp nhận cả thành công và thất bại.

Vậy giá trị nào của cuộc sống nào mà anh đeo đuổi?

Phải có cái tâm với nghề. Điều mong muốn là chia sẻ được sự đam mê, niềm vui trong công việc như vậy cho những cộng sự.

Anh nhận xét gì về ngành thiết kế cảnh quan ở Việt Nam? Nếu có những bạn trẻ đang quan tâm đến ngành này thì anh sẽ đưa ra lời khuyên gì?

Tôi thấy hiện rất nhiều người chú ý đến ngành này. Nhưng có một thực tế là ở Pháp, Mỹ rất ít người Việt theo học. Không cha mẹ nào muốn con mình học xong ra ngoài đường trồng cây, dọn cỏ cả. Nhưng với tôi, đây là công việc thú vị. Tôi không có lời khuyên, nếu bạn trẻ nào dám dầm mưa dãi nắng, sẵn sàng xắn tay áo lên làm thì theo. Còn nếu chỉ muốn ngồi văn phòng, máy lạnh thì tốt nhất hãy chọn nghề khác.

Nhìn lại những công trình đã làm, đâu là công trình anh tâm đắc nhất?

Vườn kiếng Glass Garden tạo cho tôi một tiếng nói riêng, lúc mới bắt đầu vào nghề. Những vườn tiếp theo mới từ từ gửi vào một chút văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, như tiếng hát ru của chị Hương Thanh, những sợi dây cước đan thành chiếu, dừa Bến Tre, đồng muối Bình Thuận, làng chài Khánh Hòa… Từ từ chia sẻ văn hóa của người Việt, để người du khách nước ngoài không chỉ biết đến Việt Nam ở mỗi chiến tranh, mà một đất nước thời bình với những nét đẹp văn hóa, cảnh quan… Vườn mây pha lê bên Áo cũng mang nhiều tâm huyết bởi làm vườn nhỏ thì dễ nhưng quy mô 8,5 ha thì sao? Điều đó giúp chúng tôi tự tin là mình có thể làm được, chỉ cần khách hàng cho mình cơ hội.

clip_image012

Vườn Ru (Lullaby garden) thực hiện năm 2004 tại California, sử dụng vật liệu dừa Bến Tre. Vườn được 60 nghệ nhân ở một làng ngoại thành Sài Gòn tham gia đan 200 tấm chiếu để trải lên một mảnh vườn rộng gần 200m2. Dây cước được chăng làm hàng rào khi ẩn khi hiện trong ánh nắng, lấy cảm hứng từ lưới của làng chài ở Nha Trang. Lời hát ru của ca sĩ Hương Thanh được phát trong vườn tạo âm hưởng của làng quê Việt Nam

Trải nghiệm nào của tuổi thơ mà anh cảm thấy thú vị nhất? Anh có nuối tiếc những vẻ đẹp của Sài Gòn xưa?

Tuổi thơ tạo cho tôi ý niệm khác người thường một chút, vì tôi nghĩ ít người lớn lên trong một khách sạn mà tôi thì có tới 10 năm ở đó và lúc nào cũng quây quần trong gia đình lớn.

Rồi trở về Sài Gòn, học ở trường Huỳnh Khương Ninh, trường của ông cố nên ở ngay trong trường, vừa là trường lại vừa là nhà. Sau đó, về Hóc Môn làm ruộng, bắt đầu đời sống của người nông dân. Vất vả nhưng vui, thích ăn gì trồng cây nấy. Dù không có đèn, máy lạnh nhưng ấm cúng. Đó là bốn năm rất hạnh phúc. Điều đó tạo nên một ký ức đẹp, những mùi hương tuổi thơ sâu đậm, như mùi nếp hương từ ruộng sau nhà. Nên khi đi làm những công trình, tôi muốn tạo ra những ấn tượng khó quên cho người xem. Hy vọng ai đó, dù quên đi nhiều ký ức, nhưng họ sẽ nhớ một mùi hương, cảnh vật nào đó. Được như vậy tôi rất mãn nguyện.

Về Hà Nội năm 2011, anh có chia sẻ câu chuyện gốc gác, có ông cố là nhân sĩ Huỳnh Khương Ninh. Vì vậy, tâm nguyện nối nghiệp cố bằng việc mở trường liên quan đến kiến trúc đào tạo cảnh quan. Đến nay ước mơ đo đã lớn đến đâu?

Ước mơ đó đã thay đổi vì tôi may mắn được mời dạy học ở một số trường bên Mỹ. Trong lúc dạy học tôi nhận ra vẫn thiên quá nhiều về lý thuyết. Thiết kế cảnh quan là ngành mình không thể nào ngày đêm ngồi trong văn phòng được, đó là ngành mình phải bước ra ngoài, phải làm việc bằng tay chân, dính liền với phong cảnh bên ngoài. Tôi thấy rất nhiều trường đại học quá nặng về lý thuyết, nếu tiếp tục làm nghiên cứu hàn lâm thì tốt, còn nếu muốn trở thành một người thiết kế cảnh quan thì hai thế giới đó cách nhau rất xa. Thành ra tôi nghĩ có nhiều cách để dạy. Nếu có cơ hội về Việt Nam làm việc, trong những người giúp mình hàng ngày của từng dự án, mình vừa làm vừa chỉ dạy, đó là cách tốt nhất để hoc nghề này chứ không nhất thiết phải vào trường. Có duyên thì gặp, và nếu hợp ý thì tất cả những gì mình hiểu biết thì sẽ toàn tâm chia sẻ cho tất cả cộng sự. Cách dạy đó tự nhiên, không ràng buộc, gò bó trong chương trình học.

Quê hương trong anh là gì, Andy?

Tôi có hai quê hương: đó là nước Mỹ vì tôi hiện là công dân Mỹ, nhưng là gốc Việt nên dù đi xứ nào thì mình vẫn là người Việt.

 
clip_image014

Andy Cao và đồng sự - nghệ sĩ Xavier Perrot tại TP.HCM. Ảnh: Trung Dũng

Andy Cao là cháu cố của nhân sĩ yêu nước Huỳnh Khương Ninh. Anh là người Việt đầu tiên nhận Loeb Fellowship tại Trường Cao học Thiết kế Harvard để nghiên cứu và giảng dạy tại đây. Trước đó, anh giành Prize Fellowship tại Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tại Rome - là người Việt Nam thứ hai vinh dự nhận giải thưởng này trong lĩnh vực thiết kế. Ngoài ra, anh còn được trao nhiều giải thưởng uy tín khác trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan.

Cùng với nghệ sĩ Xavier Perrot, cả hai nổi danh thế giới với tên gọi chung là Cao Perrot.


Trung Dũng thực hiện - Ảnh: Stephen Jerrome

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/nguoi-tre/chan-dung/2475/nghe-si-canh-quan-andy-cao-tu-do-de-phung-su-cai-dep-.ndt