Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Mai Viên kỳ truyện

Truyện

Nguyễn Thanh Văn

Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc

Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời (*)

Khi mới nhận chức chủ hộ thế chỗ ông bác vừa qua đời, Đoàn Vinh – tên của chủ hộ mới – đã thấy căn nhà xuống cấp nặng từ lâu. Nhưng dạo đó, đời sống còn xáo trộn sau bao biến cố xã hội lớn lao, con người ta quý cái ăn hơn cả nhu cầu áo quần, nhà ở. Chưa nói đối với con người quanh năm chỉ tiếp xúc với toàn tiền lẻ như Đoàn Vinh, có muốn tu sửa nhà cửa cũng đành chịu. Khu vườn rộng hơn hai mẫu tây, có một hàng mặt tiền chuối xanh và bông chuối đủ màu và cả một vườn mai đủ hạng cỡ và thế hệ có gốc gác mà Đoàn Vinh ngờ hẳn phải ngang tuổi với người mới tạ thế. Cái quang cảnh đìu hiu vắng vẻ lại càng thêm hoang liêu vì mái ngói ố đen, lún phún rêu xanh. Thậm chí căn bếp đã sụp tới tám chín chục phần trăm, chủ nhân phải cho chuyển số lượng soong nồi, bếp dầu và cả một tá chén đĩa sứt miệng vào nấu ăn ngay ở phòng khách. Không khí vừa có chút hiu hắt, vừa phóng khoáng, ngang ngạnh sao đó, y hệt cuộc đời bất đắc chí của cựu chủ nhân mà Đoàn Vinh gọi bằng bác Cả. Những ai qua vườn chắc đã có dịp chứng kiến trên trụ cổng đá nghiêng một góc ba mươi lăm độ lủng lẳng một tấm bảng kẻ mấy chữ Hán, có chua tiếng quốc ngữ bên dưới Mai Gia Trang – Trang chủ kính cáo, cái tên phảng phất mùi Trung Hoa thêm phong vị cho không khí thương hải tang điền, khiến người ta bùi ngùi không nỡ thắc mắc vì sao trang chủ phải “kính cáo” ngay từ cổng.

Chả trách trong họ người ta xem bác Cả là người bất bình thường. Bác đã bỏ chỗ sở Tây sau khi bỏ vợ – hay bị vợ bỏ thì không kiểm tra được – vì chê bọn Tây ngạo mạn, văn minh phiến diện. Chơi với dân xịn ở Sài Gòn cũng chán là tụi mất gốc, chỉ biết thờ bò vàng. Đoàn Vinh là thằng cháu duy nhất trong họ tộc lọt mắt xanh của bác, nghĩa là ghé thăm được bác Cả mời cơm hay ở lại chơi dài ngày.

Cũng trong những dịp ở lại Mai Gia Trang mà Đoàn Vinh thấy cảnh các hảo hán đủ mọi nguồn vẫn ghé nhà bác Cả nấu ăn, thậm chí đàm đạo với trang chủ bên ấm trà nhài suốt đêm. Tất nhiên, trung thành với cá tính trời cho hay “khổ luyện” mà thành không rõ, bác Cả thẳng thừng tranh luận ỏm tỏi với khách mà chẳng ngại ngùng gì – dù gì cũng đang ở ao nhà mà! Có lúc sửng cồ lên, đập bàn, khua tay rầm rầm. Cả dân chúng và thậm chí cán bộ phe bên kia hoạt động trong vùng đều rõ bác không phải là người cùng giới với họ, nhưng đều khoái ông già dám bỏ đô thành hoa lệ về chơi ở miệt vườn, một người sành tiếng Pháp và lõm bõm đến ba thứ tiếng nước ngoài khác. Họ thích tính hào sảng và quen cả tính ruột bỏ ngoài da của bác. Hễ dạo lính tráng bên này hay bộ đội bên kia chuyển quân đi qua vườn, chỉ nghe tiếng ai đó xuýt xoa, bác tặng luôn mỗi người một cành mai cắm ba lô mừng xuân, bất chấp sau đó phải ăn uống tiện tặn lại và phải miễn tiền thuê nửa năm cho dân thuê vườn.

Dạo đó Đoàn Vinh mê tủ sách đông tây kim cổ của bác y như chính con người của bác. Những dịp hè anh ở chơi với ông bác nhiều hơn ở với gia đình. Có lẽ đó cũng là lý do giờ đây tên Đoàn Vinh trở thành tên chủ hộ Mai Gia Trang chăng. Những đêm khuya mưa rả rích, mặc tiếng ba tiêu lào xào, tiếng gió rào rạt thổi qua vườn mai, hai bác cháu khư khư hai cuốn sách dày cộm, tư thế nằm ngồi tự do, đăm đăm vào những trang sách chi chít chữ. Thỉnh thoảng Đoàn Vinh quẳng sách, lặng nghe tiếng vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn vượt qua sa mạc Trung Á đã về tận sân sau, hay tiếng vận công của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn rít thành tiếng đâu đó trên mái ngói cổ. Còn bác Cả thì cúi gằm sát trang sách, nhíu mày nhăn mặt, tay níu chặt gọng kiếng còn lại – gọng kia đã gãy khi kiếng chạm tường sau pha Tần Cối chém Nhạc Phi trung dõng – bỗng phát mạnh vào bàn, chửi thành tiếng “Được chim quên ná, được cá quên nơm!”.

Bác Cả tạng người dễ dãi, lười. Căn nhà bốn phòng chưa hề được tu sửa lần nào từ ngày xây. Hễ xệ góc nào thì dịch giường, bàn qua chỗ khác. Sàn nhà ướt, bác phán: “Cứ vậy, khắc khô lại ngay!”. Và sau ba ngày sân nhà khô ráo lại, đúng lời không sai. Có hôm mưa thình lình ộc xuống cách án thư chưa đầy hai thước, bác nghếch kiếng, đăm đăm nhìn mấy giây, cười sằng sặc một cách hồn nhiên, rồi quay lại đọc tiếp, lại phát mạnh tay vào cạnh bàn: “Lời lẽ trung dõng… đúng bậc nghệ sĩ, ông Tư Mã ơi là ông Tư Mã ơi!”. Đấy là cách bác Cả biểu lộ lòng tri ân với bút lực của đại sử gia Tư Mã Thiên.

Hai bác cháu thi nhau đọc nguyên cả tủ sách, rồi lại thi nhau đọc lại, mấy mùa liên tục chưa thôi hào hứng. Bác Cả hơi thiên về sử, Sử ký Tư Mã Thiên, Đông Chu Liệt Quốc, Việt Nam sử lược là sách gối đầu giường của bác. Đoàn Vinh chuộng tiểu thuyết hơn, tây tàu ta đều chơi được, mê từ Tự Lực Văn Đoàn qua Hoàng Lâu Mộng, từ Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ đến Vàng và Máu. Ngoài khẩu vị riêng, hai bác cháu cùng san sẻ một tình yêu bất tận đến mức đam mê với đại bút Bồ Tùng Linh.

Bác từng có sáng kiến thắp đèn cầy mỗi lần thưởng thức Liêu Trai Chí Dị cho thêm phần “lâm ly, rùng rợn”. Cái quang cảnh hiu hắt của Mai Gia Trang tự nó đã là bối cảnh cho văn chương của Bồ tiên sinh rồi, và âm khí chốn miệt vườn cả ngày không có tiếng chân người thiết nghĩ chẳng cần mời mọc, hồ ly tinh ắt tới. Chao ôi vị tiên sinh quái đản xứ Trung Hoa xa xăm, chuộng ma hơn người này, nếu có dịp qua khu vườn Nam Quốc, nhìn qua khe cửa tận mắt chứng kiến cảnh hai chàng gàn dở, một già một trẻ, trong căn nhà xám xịt như nhà mồ, khi xuýt xoa, khi cười ha hả, lúc chửi thề, lúc vỗ bàn thưởng thức văn mình ắt phải hả lòng hả dạ…

Mỗi lần gẫm lại, Đoàn Vinh thấy mình đã may mắn hưởng chung hơn mười năm hạnh phúc với ông bác tri kỷ. Anh lờ mờ nhận ra cuộc đời mờ mờ nhạt nhạt của bác mình là một món lẩu pha trộn cái trinh trắng, cao cả với sự vô tích sự. Và anh cũng lờ mờ đoán rằng anh sẽ vui lòng hâm lại món lẩu này thêm một đời nữa. Tình yêu của người cháu dành cho ông bác quyết độc thân đến chết mạnh tới độ Đoàn Vinh nài nỉ bằng được chuyện chôn cất bác Cả ngay góc vườn nơi sót lại mấy gốc mai không còn sức ra hoa mà nghe nói có mặt trước lúc bác Cả mua đất đến mấy thập kỷ.

Một lần bác rủ rà rủ rỉ nói, không biết đùa hay thật.

- Cháu sẽ tiếp tục quản Mai Gia Trang sau khi bác mất. Cứ kiên trì trời đất sẽ bù cho. Cái món hoa cỏ, theo tín ngưỡng phương Đông, rồi sẽ hóa thành tinh cả. Sẽ có ngày một con hồ ly đẹp mê hồn xuất hiện trên đất này xin kết nghĩa tào khang với cháu. Tha hồ mà ôm ấp, giao hoan nha!

Bác cười sằng sặc một hồi, rồi bình:

- Hồ ly là giống dâm nhưng hay mắc cỡ. Nó đang đợi bác chết queo mới rủ cháu động phòng đó.

Chắc đang vui, bác ghẹo tiếp:

- Chắc mẩm đêm nay cháu lại cầu cho bác trúng gió chết mẹ để được thỏa chí tang bồng, hớ!

Đoàn Vinh ngồi im. Trời khuya trở gió, lá chuối đập phành phạch cuối vườn. Tiếng cửa hông lạch cạch như có ai đang cố mở.

- Trái lại mới đúng. Cháu muốn bác sống đúng trăm tuổi. Cháu sẽ noi gương bác, cóc thèm lấy vợ. Nếu luyện được linh đan, hai bác cháu mình cùng bất tử, tha hồ mà tu liêu trai, kiếm hiệp thêm vài thiên kỷ nữa, bác chịu không?

Bác Cả không trả lời, líu ríu kéo xích đu lại gần chỗ Đoàn Vinh ngồi, đặt một bàn tay lên bắp vế cháu, mắt từ từ nhắm lại:

- Con người cốt ở cái tâm thành, cháu à!

Chắc bác buồn ngủ vì sau mấy phút đã có tiếng ngáy khò khè. Đoàn Vinh lật tiếp trang tiểu thuyết, còn nghe âm ấm trên đùi bàn tay bác Cả.

Con người không thể bất tử. Bác lặng lẽ đi khi đang nằm nghỉ trên chiếc ghế xếp xập xệ, có chỗ ràng đến mấy vòng thép. Buổi sáng, Đoàn Vinh dẫn xe đạp ra còn nghe bác dặn với theo chiều bác sẽ đãi cơm chiên Dương Châu, món mà hai bác cháu đều khoái. Bác nằm, khuôn mặt thanh thản, trên bộ ngực lép kẹp là cuốn Liêu Trai Chí Dị, bìa cũ mèm, còn mở giữa truyện Hà Hoa Tam Nương Tử mà bác Cả đã cẩn thận gạch dưới mấy từ khắng khít không rời “và mây mưa dìu dặt”. Ở mép sách, chàng playboy già vui tính nguệch ngoạc mấy chữ “Đã hé!!!” với ba dấu chấm than một lượt. Vĩnh biệt bác Cả, chàng lãng tử đáng yêu của cháu! Vĩnh biệt người bạn tri âm vĩ đại của tôi! Một con người hơn bảy mươi năm không hề nỡ làm đau một cành cây ngọn cỏ, không phung phí bất thứ gì của thế gian - ngoại trừ chính đời mình! Đoàn Vinh phục xuống, lay tay ông bác rồi rống lên khóc.

Không mất nhiều thời gian sau khi Đoàn Vinh trở lại thành trại chủ Mai Gia Trang, trong họ hàng và láng giềng bắt đầu xầm xì về tình trạng thần kinh của anh và có vị công khai tán thành thuyết cho rằng bệnh thần kinh là một bệnh truyền nhiễm. Có cả ý kiến cho rằng đất đai bác Cả để lại có ma ám. Nhưng dù tán thành thuyết nào thì thái độ của họ về Đoàn Vinh đã rõ. Có người bà con xa tiện đường tạt qua thăm, suýt bỏ chạy khi nhìn thấy chủ nhân nằm dài trên ghế là bác Cả, chỉ sau khi ông dụi mắt thì mới đúng là thằng Vinh. Nếu xét về bộ dạng bên ngoài cộng tình trạng xuống sắc vì thiếu ăn của Đoàn Vinh – dạo đó ở địa phương hình như ai cũng thiếu ăn – việc người ta nhìn nhầm thằng cháu ra ông bác kể cũng chẳng nên trách!

Rồi tiếp theo là chuyện do một số dân địa phương bàn tán. Số là trong đám mai già, chỗ còn một số mộ cổ – không rõ mộ Việt, Chàm hay Khmer – có người nghe rõ tiếng xuýt xoa, rồi tiếng cười ha hả, vào khoảng nhá nhem tối. Có vị quả quyết lúc đang chạy vắt giò lên cổ, còn kịp ngoái lại thấy rõ mồn một một cái đầu tóc tai bù xù, hai mắt bự như hai quả trứng, nhe hàm răng trắng nhởn ra cười. Hai quả trứng và mái tóc lòng thòng cũng dễ nhận ra nếu ta biết Đoàn Vinh còn có một biệt danh ở phố cũ là “Vinh cận”, còn chính danh trại chủ lại cười hề hề kể lại một số cảnh cũng lạ lùng không kém. Khi thì một viên quan tham ô – từ chủ nhân Mai Gia Trang dùng – chạy trối chết sau tiếng quát đầy uy dũng của anh, khi thì đích thị là một hồ ly tinh đang cầm cuốc chạy trối chết (giữa những cuốc, xẻng lỉnh kỉnh và hồ ly tinh e không liên quan gì!). Có những xen còn hấp dẫn có lẽ gần với cảnh liêu trai chí dị hơn: Cả hồ ly tinh và bóng một thư sinh cùng lật đật chạy ra từ đám mộ cổ, hai tay cung lại, ôm một mớ y trang lụa là, cầm chắc do không mặc kịp. Đoàn Vinh, trong một đợt tuần tra ra uy, từng nhặt được cách mộ bác Cả không xa một cái nịt quần rành rành mấy chữ Made in China mà anh lầm bầm phán chắc phải được sản xuất tận thời Minh hoặc Sơ Đường gì đó.

Sau một cuộc chiến tranh, dù là một cuộc chiến tranh “thần thánh” đi nữa, người ta thường có dịp đói. Dân đói, lính đói và không hiếm khi quan cũng đói. Khi người ta đói người ta biến hồ sen thành ao rau muống, trao giải thưởng thơ ca bằng hiện vật như vỏ và sên xe đạp, thậm chí giải nhất thể thao là một mớ quần đùi thì không phải là chuyện lạ. Có cái gì tương tự như thế xảy ra ở địa phương của Đoàn Vinh và hoàn cảnh chông chênh bốn không của anh: không văn bằng, không nghề chuyên môn, không tiền bạc và không một mối tình vắt vai.

Mấy hộ ở địa phương lâu nay thay nhau thuê đất trồng mai đồng loạt xin rút lui. Tao nhân mặc khách ở quán cà phê cóc không thiết bàn chuyện mai đào đón xuân như trước. Đến chủ nhân Mai Gia Trang với truyền thống tài tử kế thừa của đời trước cũng đành noi gương bà con quanh vùng trồng khoai lang, sắn mì tự cứu đói. Thỉnh thoảng sau giờ xào nấu lại tủ sách độc quyền bác Cả để lại, Đoàn Vinh thẫn thờ đứng ở cửa sổ ngắm mấy cành mai còn sót lại, tự phát ra hoa không cần ai chăm sóc, ngay giữa đám sắn mì và líu ríu đám khoai lang dưới chân. Có cái gì dùng dằng bất nhất trong lòng, tựa như cái bụng ưa đẹp và cái ý chí ham sống đang thúc cùi chỏ vào nhau vậy.

Cũng một lần nấn ná ở quán cà phê mà chàng trai bốn không của chúng ta tình cờ kết bạn vong niên với một võ sư kiêm cựu giáo sư dạy chữ Hán. Ông cụ dáng tầm thước, nhưng chắc người, vẫn minh mẫn nhanh nhẹn ở tuổi sáu lăm, tiếng nói sang sảng như chuông, và vẫn chi chi dã dã luôn mồm. Đây là một khuôn mẫu hoàn toàn nghịch lại với phong thái rề rà u u minh minh của bác Cả nhưng vẫn gợi cho Đoàn Vinh nhớ tới thế hệ của ông bác, cái thế hệ hăm hở sống và chết cho bất cứ pháp môn nào tình cờ bắt gặp. Ông già võ sư hễ thấy mặt là khuyên chàng trai nên thường xuyên ghé Cung Văn hóa huyện theo khóa dưỡng sinh do ông trực tiếp hướng dẫn, vì theo ông cụ sắc mặt anh có hiện tượng “khí âm lấn khí dương”. Còn Đoàn Vinh thì cứ ầm à ầm ì mãi không lộ chủ kiến, chỉ năn nỉ xin mấy chữ Hán Liêu Trai Ẩn Sĩ – Bồ Tùng Vinh.

Sau khi vung bút mấy chữ như rồng bay phượng múa theo đúng phong cách cổ điển, ông cụ rung đùi đọc lớn, ề à từng từ một. Chàng trai bỗng nhỏ nhẹ thưa:

- Thưa cụ, Bồ Tùng Vinh chứ không phải Bồ Tùng Linh!

- Nè, anh cho tôi là thằng lãng trí chắc – Ông cụ nổi giận, quẳng bút – Nè, tôi nói cho mà biết, tôi đã tham gia dịch Liêu Trai cho cánh báo Sài Gòn từ ngày nhà anh chưa có mặt trên đời đấy! Thoại Nhi, lấy chồng báo cũ ra đây!

Khi giới thiệu tiểu sử văn chương, ông cụ chỉ vào người, ngay chỗ bắp tay nổi cuồn cuộn – không rõ có ý gì nữa không – làm khách im thít. Nghe tiếng chân từ nhà trong – họ đang ở phòng khách nhà võ sư – khách lúng túng nhìn lên, há hốc mồm chứng kiến một tráng sĩ tóc búi, vẻ mặt khôi ngô, tuấn tú đang sải từng bước “chân phương” về phía bàn trà. Cô ta – Đoàn Vinh thình lình đoán ra là một tiểu thư vì cái tên Thoại Nhi và cái phần trên tròn trịa rành mạch hơn bình thường – rạp người chào khách “Chào chú!” một cách dứt khoát như vừa phát ra một chiêu thủ đã luyện tập lâu dài từ thuở nhập môn. Chàng trai đờ ra mấy giây rồi hốt hoảng gật đầu liền mấy cái. Không khí cổ điển và thân thuộc với Đoàn Vinh tới độ anh suýt buột miệng “Hảo! hảo! Tại hạ không dám phiền cô nương!”.

Ông cụ vuốt râu lia lịa, ra dáng bằng lòng khi thấy rõ ấn tượng con gái út để lại cho khách. Rồi không có nghĩ ngợi gì thêm, chủ nhân bỗng kéo rẹt một tờ giấy khác, vung tay quét ngang mấy chữ Liêu Trai Ẩn Sĩ – Bồ Tùng Vinh theo đúng sở nguyện của khách. Có lẽ cụ không cần phí thì giờ tranh cãi với kẻ hậu bối vốn chỉ phạm một tội nhỏ khá phổ biến hiện nay: thất học!

Tình bạn vong niên giữa Bồ Tùng Vinh và lão võ sư sớm chấm dứt vì những lời nhắc nhở, động viên quá thường xuyên tới chuyện dưỡng sinh, tu thân. Phải nói ông cụ thật lòng quý Đoàn Vinh đến độ lúc chia tay ông còn hé lộ ý định từng nhắm anh làm giai tế và định cho không cô con gái rượu, vị tiểu thư có phong độ tráng sĩ mà Đoàn Vinh từng có dịp diện kiến.

Lúc đi qua sân võ đường rộng như sân banh, trên tường chi chít những lời vàng ý ngọc chứng tỏ tầm hiểu biết cao rộng của lão chủ nhân, Đoàn Vinh tháo cả mồ hôi hột. Đúng là trời đã bỏ rơi kẻ hiền sĩ, cõi nhân gian chỉ sót lại đúng một bậc phụ huynh dám gả con gái cho trại chủ Mai Gia Trang, thì nhằm ngay bậc nửa nữ nhi, nửa anh hào trông không giống gì với dáng ẻo lả, hông nhỏ, lưng ong của các em hồ linh tinh trong mộng của chàng!

Và thế là hết… Kỷ niệm duy nhất với lão võ sư là dưới cái bảng Mai Gia Trang – Trang chủ kính cáo của đời trước là bảng Liêu Trai Ẩn Sĩ – Bồ Tùng Vinh của đời sau.

Sự đời, nhất là sự đời của những ai mê truyện Liêu Trai hơn đời thực, thường buồn hơn vui. Việc dùng dằng không chịu xử lý chuyện vườn tược cho có hiệu quả, dẫn đến việc ra đi tất yếu của những cuốn sách mà Đoàn Vinh đã từng noi gương ông bác, xem quý hơn cả vàng. Cũng do một sự tình cờ lúc lang thang vào một quán sách cũ có cái bảng hiệu khiêm tốn Bạn hiền mà Đoàn Vinh thoáng thấy cái gáy sách có mấy chữ Trà Hoa Nữ. Đúng cuốn truyện mà sinh thời bác Cả đã từng kể cho thằng cháu tri âm hàng chục lần, mà chưa từng không rơi ít ra vài hạt lệ. Không một xu dính túi, con người mê sách cũng nói liều “Cứ giữ sách, chiều mai tôi ghé lại” và cô hàng bán sách ngồi đâu trong một góc tối – chắc để tiện theo dõi bọn đạo sách dạo đó nổi lên như một thứ dịch quy mô quốc gia – bỗng bước ra nghiêng đầu nghe khách than thở:

- Có đến hai bộ của thằng bố [ý nói nhà còn hai bộ Ba chàng ngự lâm pháo thủHai mươi năm sau của Dumas-bố] mà thèm đọc truyện của thằng con không được, mẹ nó!

Lời cảm thán kiêm chửi thề hình như có tác động tới nữ chủ nhân, một cô gái trẻ măng. Miệng Đoàn Vinh bỗng há hốc ra. Hóa ra đây là một nàng gầy gò, môi đỏ và đẹp y như hồ ly tinh trong cổ thư.

- Nếu thích, anh đem sách đổi sách cũng được!

Đang loay hoay chưa rõ đào đâu ra số tiền nhỏ cho kịp hẹn, chàng trai tỉnh cả người. Có vậy mà không nghĩ ra!

- Tôi van cô. Xin cô dành nó lại cho tôi. Bảy giờ sáng mai tôi đem sách ra. Cô lãi rồi đó, một cuốn của thằng con đổi ngang bộ ba cuốn của thằng bố!

- Tôi sẽ bù cho anh một ít tiền. Nhưng còn xem qua chất lượng sách cái đã! Hay cứ lấy trước cuốn Trà Hoa Nữ này về mà xem… Này, anh gì kia!

Cô chủ gọi với theo khi Đoàn Vinh dợm rời quán bằng cách gọi “Anh gì kia” – cách gọi mà các bậc khó tính không chuộng lắm – mà sau này kẻ si tình mù quáng lại xem là rất có duyên, thậm chí độc đáo là khác.

Khách cầm cuốn truyện ao ước bấy lâu, tay run run, lòng cảm khái. Chao ơi, ở cái xó quê mùa nhân tài như lá rụng mùa thu này, lại có người văn minh đến vậy. Và xúc động quá, khách suýt tự hại mình vì định hỏi chủ nhân có cần đặt tiền cọc không.

Cô bé vẫn nhỏ nhẹ lúc khách rạp mình cảm ơn:

- Em không dám!

Giọng nói như tơ rung, dịu giọng tới độ chủ nhân Mai Gia Trang lảo đảo ra lấy xe và lầm lũi đạp một mạch quên béng cả chuyện ghé mua bao mì tôm về ăn trưa, chưa nói vượt quá nhà mấy trăm mét, qua mặt luôn tấm bảng Liêu Trai Ẩn Sĩ – Bồ Tùng Vinh mà không nhận ra.

Có người lui tới hiệu sách là chuyện đáng mừng cho xã hội loài người. Người xưa hay nhắc hoa kèm với sách cũng có lý. Phần con người bắt đầu đọc sách thì hẳn sẽ quan tâm tới việc ngắm hoa, mua hoa và tất nhiên sẽ có người trồng hoa trở lại. Bằng chứng là chủ nhân Mai Gia Trang vừa tiếp đến ba lượt khách – thực ra cũng là người thuê đất ngày trước – bàn chuyện giá cả thuê vườn. Địa phương đã có sẵn truyền thống trồng mai cả mấy thế kỷ. Nghe đâu hội hoa mai ở đây từng đi vào thi ca Gia Định thành và vào hồi cực thịnh, chỗ đất quê mùa này từng độc quyền cung cấp hoa xuân cho dinh Tổng trấn xưa.

Thông tin kim cổ đầy lạc quan – và việc xác minh gần như bất khả – không thiếu, nhưng không ngăn nổi những chuyến ra đi không hẹn ngày về của những bộ sách quý có đóng dấu “Mai Gia Trang” mà vị trang chủ mới đã kín đáo xóa kỹ. Thì ra cái sự đói trước mắt không thể giải quyết chỉ toàn bằng những kế hoạch ngũ niên và thập niên được. Từ dạo đổi sách của hai bố con Dumas, Đoàn Vinh trở thành khách thường xuyên – đôi khi chỉ là khách đọc cọp – của tiệm sách cũ “Bạn Hiền” của Hoàng Phượng, tên cô chủ. Chủ nhân chắc có kinh nghiệm bán tủ sách của cha ông để lại lúc mới ra nghề, thường lén nhìn vẻ bất đắc dĩ khi giao sách của Đoàn Vinh với vẻ cảm thông càng ngày càng ra mặt. Tiếng thở dài mà ai có lòng quan tâm tới ai mới nghe rõ, bờ trán nhăn nhíu của người già trước tuổi không phải vì chuyện so đo giá cả – mà có lẽ vì những lý do cao cả hơn nhiều. Đó là Hoàng Phượng thầm đoán vậy. Con người có lòng bịn rịn với bạn bè cũ (nhân nhớ tới câu “Hoa là người đẹp, sách là bạn thân” mà cô gái đa sầu đa cảm ví von ra vậy) không thể là bậc tầm thường, nhất là với cặp kính cận bốn độ không dễ thấy ở chốn quê mùa.

Một lần chỉ còn hai người trong tiệm, Hoàng Phượng dúi vào tay Đoàn Vinh gói giấy nhỏ, nói nhanh:

- Anh kẹt thì cứ cầm trước ít tiền. Sách cần tham khảo anh cứ giữ lại, lúc nào tiện thì giao…

Cảm động tận đấy lòng vì mấy từ “tham khảo” quá sang trọng mà mỹ nhân vừa hạ cố ban cho một kẻ từ sáng đến giờ tiếp chuyện đã khá trễ này, chỉ mới mấy củ khoai lang bỏ bụng, nhưng Đoàn Vinh cũng gạt ngang ngay. Một lần khác, chủ tiệm “Bạn Hiền” gợi chuyện cần một người rành sách vở, có văn hóa để phụ cô đánh giá, xếp loại sách báo. Rồi phần có lẽ sợ anh tự ái, phần do bản năng e thẹn con nhà lành, cô chủ lúng túng nín lặng luôn. Rồi lại một dịp nữa, tự dưng cô bảo Đoàn Vinh:

- Em cố tình giấu anh đó. Mỗi lần lấy sách em đều lấy rẻ của anh một ít, định bụng gặp sách hay sẽ mua cho anh nghiên cứu. Nay đã quen biết, hiểu rõ nhau hơn, em trả lại anh, xem như tiền của anh trả lại anh đó!

Những “tham khảo” và “nghiên cứu” suýt nữa bắt Đoàn Vinh ứng xử đúng bậc trí thức. Nhưng nào phải “tự dưng” mà Hoàng Phượng phát minh ra kiểu giúp đỡ có một không hai này, chẳng qua cô là người có tâm, có lòng, nhìn thấy cái kẻ cũng sờ sờ ra đó. Bộ mặt xam xám, dáng đi lừ đừ, nói năng lúng búng: trại chủ Mai Gia Trang đang bị cúm nặng, mà tấm thân thiếu cả calori lẫn vitamin chẳng còn gì để đề kháng nữa! Đoàn Vinh đành ứng xử khác với bậc trí thức chút ít, nghĩa là đành cầm món tiền cứu mạng, dù mặt mày cứ dày cộm lên, hiểu rằng mình đang mắc nợ người tri kỷ. Anh lí nhí mấy lời trước khi đi như ma đuổi ra khỏi tiệm:

- Hoàng muội, tôi một đời không trả hết ơn em!

Một tuần liền sau khi hai bên kín đáo tỏ thiện cảm sâu nặng với nhau, người ta thấy những dấu hiệu thay đổi sinh hoạt ở Mai Gia Trang. Lần đầu tiên người đi qua vườn chứng kiến được cảnh Bồ Tùng Vinh đánh trần, phô đủ mấy chục xương sườn đang ra tay dọn dẹp vườn tược. Chẳng qua do một người muốn thuê đất trước khi bỏ đi có phàn nàn khoản tiền phải bỏ ra dọn mấy gốc mai cũ có khi còn quá tiền thuê đất. Quá trình lao động thực tế đầu tiên trong đời – đối với chủ nhân – hóa ra nặng nhọc hơn việc bình luận quốc sách xã hội theo phong cách Chiến quốc sách rất nhiều. Bằng chứng là sau mấy chục năm tiếp xúc với bách gia chi tử, từ kinh sách của các bậc thánh hiền tới tiểu thuyết ngoại thư vẫn an toàn vô sự, thì chỉ mới đưa được non nửa tá gốc mai lên khỏi mặt đất, Đoàn Vinh đã ngã bệnh thật sự. Nhưng dương khí đã mon men thắng âm khí rồi chăng mà chủ nhân Mai Gia Trang vẫn lầm lì tiếp tục công trình thế kỷ của mình, bất chấp thể lực đã lên tiếng đầu hàng rồi.

Ở hiền gặp lành, người xưa nói chí phải, chính hình ảnh lao động quên mình của đấng chủ nhân mà một người thuê đất khác thỏa thuận xong giá cả. Ông ta còn ứng ngay một nửa tiền cho Đoàn Vinh vì e có chuyện đổi ý. Bóng người thuê đất hào hiệp vừa khuất là Đoàn Vinh cũng vội ngừng tay, tắm rửa qua loa, phóng xe trực chỉ Trung tâm bách hóa huyện.

Hai giờ đồng hồ sau, vượt non hai chục cây số, trong một trạng thái lạ kỳ: thể lực xuống sát đất, tinh thần cao bằng trời, Đoàn tiên sinh dừng xe ngay trước cửa tiệm sách cũ “Bạn Hiền”. Một tay tiên sinh thủ một bao ni lông nhỏ, tay kia nắm chặt để bảo vệ nguyên khí. Trong khi cô chủ đang giả vờ chăm chú đọc truyện, thầm đoán chắc người ta lại ghé quán giao sách như thường lệ, thì khách rón rén để túi ni lông đầu góc quầy, lật đật ra xe vọt mất. Lúc không gượm được nữa, chủ nhân nhìn lên mới phát hiện cảnh của ở lại thay người. Hoàng Phượng run run mở xấp giấy báo rồi ồ lên một tiếng rõ to, mặt bỗng đỏ rần. Ngay giữa gói quà là một xấp vải lụa vàng, một thứ kể cũng không phải rẻ tiền với thời giá dạo đó. Cô kín đáo liếc quanh một vòng rồi úp mặt vào xấp vải mịn màng đúng một phút, rồi thêm một phút nữa, trước lúc phát hiện một mảnh giấy nhỏ kẹp trong xấp vải với dòng chữ nắn nót “Tặng Hoàng tiểu thư kính mến - Ẩn sĩ Bồ Tùng Vinh”.

Hoàng Phượng ngớ mặt ra một lúc vì gốc gác Trung Hoa bất ngờ của người tặng quà mà bấy lâu cô vẫn yên trí là gốc Giao Chỉ một trăm phần trăm. Nhưng cô lập tức tự an ủi: Thôi, gốc tích nguyên quán nào cũng được, quý hồ con người tử tế thủy chung! Cô lại dáo dác nhìn quanh – một cử chỉ hiếm xảy với một người đoan chính như cô – rồi hôn lên chữ ký nguệch ngoạc của bậc danh sĩ gốc Trung Hoa một lần nữa.

***

Hoàng Phượng lập cập đẩy chiếc Honda 50 ra cửa rồi vòng lại tần ngần bóp khóa cửa. Đi được chừng hai cây số, cô rẽ trái về phía làng Mai, tên gọi nôm na của làng Bình Xuân, nơi cô mang máng nhớ đã từng đi picnic mấy lần dạo còn ở trường phổ thông. Càng tới gần mục tiêu cô càng phân vân, rồi nóng ruột thật sự. Từ chỗ trách người ta, cô chuyển qua trách mình. Hai tuần không thấy mặt, không chuyện xui lớn, e có chuyện xui nhỏ. Sự dè dặt ban đầu vì quan hệ hai người chưa có gì rành mạch, bây giờ chuyển qua băn khoăn về mẩu giấy trong gói quà. Cô lắc đầu ngờ ngợ mình đã giải mã sai tinh thần câu đề tặng có phần khiêm cung của bậc kẻ sĩ. Liệu có phải là một món quà tạm biệt, thậm chí vĩnh biệt hay không? Cả dòng chữ đầy từ Hán Việt mà ban đầu cô cho là giọng điệu trang trọng của bậc trí thức, thì nay cô nghĩ đích thị là lời lẽ lãnh đạm văn vẻ mà các bậc nhân sĩ thường dùng lúc định phụ rẫy nhau.

Khi rẽ vào cổng – nhiều lần cô đã giả vờ hỏi thăm nhà để tết tới đặt mấy chậu mai – mắt cô nhòa đi suýt đụng nhằm một bà sồn sồn vừa tông cửa ồ ra.

-May quá – bà ta liếng thoắng nói – tui đợi người nhà mỏi cả cổ. Cô là ai… bộ là em gái hay vợ ông Vinh?

Thôi, muộn mất rồi. Hoàng Phượng giật thót mình khi nghe giọng lấp lửng của người nói:

- Anh ấy, anh Vinh sao rồi… trời ơi!

Rồi cô lại buột miệng hỏi gần như bà đã hỏi cô lúc nãy:

-Bộ chị đây là chị gái, em gái hay …

Trong một thoáng tuyệt vọng, cô định dùng từ “vợ” nhưng không mở miệng nổi.

- Vợ chồng tui là người mới thuê đất nhà ông Hai Vinh. Tụi tui cũng mới quen ổng đây thôi. Tuần trước tới phụ đào mấy gốc mai gặp ổng đang trúng gió, suýt nữa chầu ông bà. Tội nghiệp, thui thủi một thân một mình…

Bây giờ thì Hoàng Phượng đã quen dần với bóng tối, với chăn chiếu, ly tách, soong nồi lỉnh kỉnh chung quanh giường bệnh. Tất cả bề bộn và hơi nặng mùi là khác, nhưng điều hệ trọng nhất cô cần biết thì đã rõ: Bồ Tùng Vinh vẫn còn sống! Cô suýt khóc nấc lên thành tiếng, trong khi người đàn bà vẫn vô tư huyên thuyên không ngớt:

-Cả nhà tui phải thay nhau chăm sóc không công cho ổng. Tui đang đợi ông xã tới thay để về kịp lo cho sắp nhỏ. Không rõ hết bệnh ổng có chịu bớt cho ít tiền thuê đất không nữa?

-Tui sẽ bàn với ảnh bớt cho chị - Hoàng Phượng an ủi.

Tới ngõ, người đàn bà tự quyết định:

-Để tui về bảo ông xã tui khỏi lên, tối có cô ở lại với ổng cũng yên tâm!

Bà ta tất tả vừa đi vừa chạy, còn Hoàng Phượng không rõ đồng ý hay không, hai má bỗng đỏ nhừ.

***

Họ nắm tay buông ra, rồi vẫy vẫy từ biệt, lại nắm tay bịn rịn mãi không rời. Chung quanh mây bay lãng đãng và gió cõi âm rít lạnh cả sống lưng. Ấp úng mãi Đoàn Vinh mới trấn tĩnh, dọ ý bác Cả:

-Hay bác thử xin cho cháu ở lại luôn với bác dưới này!

Giữa những đám mây ngũ sắc chờn vờn quanh người, bác Cả cười hiền như một ông Bụt, nhưng giọng điệu thì vẫn đúng là của bác ngày còn ở dương gian:

-Bộ mày muốn Diêm vương ma chủ nọc tao ra đánh đòn hả Vinh! Con người sống chết có phần số cả. Hãy quay lại với con hồ ly tinh của mày đi… Nè, lời tiên đoán xưa ứng nghiệm rồi nghe! Tha hồ mà… mà…

Đoàn Vinh mơ màng mở mắt giữa căn phòng âm u, độc một mẩu đèn cầy leo lét. Giọng cười sang sảng của bác Cả còn ngân quanh phòng và bàn tay của kẻ mới hồi dương còn lạnh tanh trong bàn tay người cõi âm. Đâu đó trên nóc nhà tiếng gió rít và ở bậc thềm còn nấn ná tiếng chân ai.

Trại chủ Mai Gia Trang luống cuống nắm chặt tay ông bác tri âm, cố níu kéo thêm dăm ba phút trước khi có tiếng gà eo óc đuổi người, bỗng giật mình nhận ra bàn tay trắng muốt của mỹ nhân. Hỡi ơi, lời bác Cả không sai, hồ ly tinh ứng cảm lại hiện hồn về gây náo loạn cảnh trần gian nữa đây!

-Anh… Anh tỉnh lại rồi! Tạ ơn trời Phật! Anh cứ nói lảm nhảm suốt đêm, biết hôn?

Đúng như trong những trang thần bút của Bồ sư phụ để lại, hồ ly tinh phục xuống giường ngay khi ánh đèn cầy lay lắt cuối cùng phụt tắt, người run như cầy sấy. Cả phòng dậy lên mùi hương mỹ nữ và da thịt hồ ly ấm áp mịn màng mà bọn thư sinh vốn kém bề tu dưỡng khó lòng kiềm chế. Cứ sau mỗi màn sàm sỡ lại ỉ ôi tiếng khuyên lơn cự tuyệt, khác nào những dòng cảo thơm tình tứ cổ nhân lưu lại.

Khi cơn mưa khuya sầm sập dội xuống, tách cả ngói ra mà rót thẳng xuống sàn nhà, thì Hoàng tiểu thơ đành phải bó tay đầu hàng. Cả người và trời cùng một phe một dạ thì nữ nhi đành làm người thua cuộc. Tiếng van nài của Hoàng tiểu thư trở nên vô nghĩa giữa sấm sét đùng đùng, chưa nói phụ họa với trời cao là gần nửa tá chủng loại côn trùng i ỉ, the thé từ sân trước ra vườn sau, từ bờ rào lên mái ngói làm kẻ lâm nạn bất giác run rẩy áp sát thêm vào hung thủ mong tìm sự bảo trợ.

Hoàng tiểu thư giật mình ra khỏi cơn mê và cô gần như không tin vào mắt mình. Trời yên ắng hẳn, tựa như sấm sét mưa to đã rút êm vào giấc mơ không bao giờ có thật của nhân gian. Và ánh trăng khuya tuồn vào một mảng mái nhà đã tụt ngói, trải ánh sáng trinh bạch lên hiện trường dở khóc dở mếu của cô. Thế là hết. Cô bỗng giật mình nhổm dậy, liếc thật nhanh, rồi lật đật đưa một ngón tay sát mũi bạn đồng sàng, nửa giận nửa mừng nằm trở lại sau khi kín đáo kéo tấm vải lụa vàng – quà tặng cô vẫn khư khư đem theo bên mình – che bớt bộ ngực trần dường như đang ngơ ngác dưới ánh trăng khuya.

Kẻ gây ra sự cố chết người hình như chưa biết tội tày đình của mình vẫn mơ màng ngủ, hơi thở đều đặn, tiếng ngáy to, khỏe khoắn như muốn thách đố với những quy luật y khoa quốc tế và những cấm đoán nghiêm ngặt của ngành đông y. Cô bỗng úp mặt, rấm rứt khóc.

Hoàng Phượng lại tỉnh táo trở lại, những giọt nước mắt lúc tỉnh lúc mê làm cô nhẹ người đôi tí. Và bản năng làm vợ làm mẹ đã rục rịch trở lại. Cô rụt rè quay về với thực tế, cố gắng sắp đặt mọi thứ đang rối tinh chung quanh và ngay trong bản thân cô. Căn nhà sắp đổ tới nơi, nhưng thôi, đất đai vườn tược, cơ sở làm ăn vẫn còn. Hiện tại ngổn ngang, mất mát nhưng những điều hy vọng mơ hồ của ngày sau đang lấp lánh đâu đó ngoài song cửa mái ấm tương lai của họ. Trinh tiết ra đi nhưng cũng may ái tình còn ở lại!

Ý tưởng về sự mất mát cuối cùng quá lớn làm mỹ nhân loay hoay, bàng hoàng rồi phụng phịu úp mặt vào bộ ngực pha-kia mỏng dính của Bồ Tùng Vinh mà rấm rứt khóc tiếp…

----------------

(*) Tản Đà dịch. Nguyên tác của Vương Ngư Dương: Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ - Ái thính thu phần quỷ xướng thi.