Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Kỷ niệm 60 năm phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm: Đặng Văn Ngữ

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ trả lời về mở rộng tự do và dân chủ [6]

Đặng_Văn_NgữCâu hỏi

1. Theo ý ông lúc này giới trí thức nói chung và giới văn nghệ nói riêng cần phải làm gì để góp phần thực hiện mở rộng tự do dân chủ?

2. Theo ý ông và căn cứ vào nhu cầu phát triển của ngành y tế, có những vấn đề gì cần đem thảo luận rộng rãi?

Trả lời

1. Một dân tộc càng bị áp bức thì càng thiết tha ham muốn tự do dân chủ. Dân tộc Việt Nam hàng mấy trăm năm nay sống dưới áp bức phong kiến và đế quốc, dĩ nhiên là một dân tộc rất thiết tha đối với tự do dân chủ. Vì tự do dân chủ mà trong lịch sử Việt Nam đã có bao nhiêu cuộc khởi nghĩa để lật đổ những chính quyền áp bức bất công, vì tự do dân chủ mà toàn thể nhân dân ta đã hy sinh anh dũng trong 8, 9 năm để đánh lui đế quốc và phong kiến trên một nửa đất nước chúng ta. Vì tự do dân chủ mà nhân dân ta còn quyết tâm đánh lui mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để chế độ dân chủ lan khắp toàn lãnh thổ ta.

Đảng Lao động Việt Nam trước đây là Đảng Cộng sản Đông Dương, Chính phủ và Hồ Chủ tịch chung đúc ý chí quật cường của dân tộc đã lãnh đạo toàn dân đánh đổ đế quốc Pháp, Nhật xây dựng chế độ dân chủ nhân dân ở nước ta.

Chính phủ ta thiết tha xây dựng tự do dân chủ, việc ấy không thể ai chối cãi được. Nhân dân ta thiết tha yêu chuộng tự do dân chủ, lịch sử cũng chứng minh điều ấy. Tuy vậy gần đây kiểm điểm sự thi hành các chính sách của Chính phủ, ta thấy có nhiều thiếu sót nghiêm trọng về tự do và dân chủ. Thoạt mới nghe thì có vẻ như là việc kỳ lạ nhưng nghĩ lại nó là một hiện tượng dĩ nhiên. Chính là vì Đảng và Chính phủ ta quyết tâm xây dựng một chế độ càng ngày càng tự do và dân chủ cho nên đang tìm mọi khuyết điểm cũ để khắc phục cho bằng được.

Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích Chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do và dân chủ?

Dưới chế độ dân chủ, nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối với chế độ nên càng mạnh dạn phê bình nhận xét. Nếu nhân dân còn nghi ngờ Chính phủ, còn sợ Chính phủ trả thù những người nêu khuyết điểm của Chính phủ ra thì dù cậy mồm ra cũng không ai dám kể khuyết điểm của Chính phủ.

Chúng ta không nên quyên rằng Đảng và Chính phủ cũng ở trong nhân dân mà ra. Trình độ nhân dân đến đâu thì trình độ Đảng và Chính phủ đến đó.

Mỗi người trong nhân dân có thể có sai lầm thì mỗi người trong Đảng hay Chính phủ đều có thể có sai lầm được. Vậy Chính phủ và Đảng kiểm điểm lại công tác trong mấy năm qua có sai lầm, ta không lấy gì làm lạ cả. Nguyên nhân những sai lầm đó ở đâu? Tôi thiết tưởng chính vì chúng ta chưa biết sử dụng một cách thích đáng quyền tự do dân chủ của chúng ta. Là những người rất thiết tha với tự do dân chủ, chúng ta đã hy sinh rất nhiều để được tự do dân chủ nhưng đến khi có tự do dân chủ thì ta lại không biết sử dụng sự tự do dân chủ ấy. Điều này cũng không có gì lạ cả. Hàng ngàn năm nay nhân dân Việt Nam đã biết tự do dân chủ là gì đâu! Mà tự do dân chủ có phải là những vật dễ sử dụng đâu.

Nhân dân Việt Nam đã dũng cảm đương đầu với giai cấp thống trị phản động và bóc lột, nhưng đối với chính quyền nhân dân của mình thì lại vô cùng nhu nhược, thiếu đấu tranh và đặc biệt là không biết dùng quyền tự do dân chủ của mình để đấu tranh, vì thế mà khuyết điểm dồn lại cho đến ngày nay ta nhận thấy trầm trọng.

Trong sự đấu tranh chung đã đưa đến sai lầm nghiêm trọng, người trí thức phải nhận có phần trách nhiệm của mình.

Trong 8, 9 năm kháng chiến anh dũng và 2 năm xây dựng hoà bình thắng lợi, người trí thức hãnh diện có góp phần quan trọng thì nay thấy có khuyết điểm, trí thức cũng sẽ dũng cảm nhận phần khuyết điểm của mình.

Nếu trong nhiệm vụ xây dựng quân đội, nhiệm vụ chính là của bộ đội, trong việc xây dựng kinh tế, nhiệm vụ chính là của công nhân và nông dân thì trong việc xây dựng tư tưởng tự do và dân chủ, nhiệm vụ chính phải là của trí thức. Trí thức ở một cương vị thuận lợi và có đủ nhận thức để nhận thấy lãnh đạo có sai lầm, và thực tế là trí thức của ta đã nhận thấy từ lâu một số sai lầm của lãnh đạo. Nhưng trí thức của ta đã thiếu tự do tư tưởng, thiếu dũng cảm nên không dám phê bình xây dựng. Một số đông trong hàng ngũ trí thức chúng ta không phê bình vì sợ bị hiểu nhầm, sợ bị nghi là lập trường không vững vàng. Một số khác có phê bình một vài lần những chưa thấy sửa chữa thì sinh ra tiêu cực, không tiếp tục phê bình nữa. Cả hai thái độ đó đều sai vì nó là những hiện tượng thiếu tin tưởng vào tính chất dân chủ của chế độ, thiếu ý thức chủ nhân ông đất nước.

Để giúp các cấp lãnh đạo sửa chữa những khuyết điểm cũ và đề phòng khuyết điểm mới, tôi thiết tưởng Ban Thường trực của Quốc hội có thể tổ chức một cơ quan thu thập tất cả những ý kiến phê bình của nhân dân, từ phê bình chính sách to lớn như chính sách Cải cách Ruộng đất, chính sách thuế khoá cho đến những phê bình nhỏ như thái độ của một chị bán hàng mậu dịch hay của một anh bán vé văn công. Cơ quan này còn có nhiệm vụ đến các địa phương để thu thập ý kiến đầy đủ của nhân dân. Cơ quan này chỉ có thể làm đầy đủ nhiệm vụ khi nhân dân có đầy đủ ý thức về tự do dân chủ.

Nhận rõ phần khuyết điểm của mình trong khuyết điểm chung đã mắc phải, trí thức sẽ dũng cảm phê bình và đảm nhận nhiệm vụ giáo dục nhân dân, không ai có thể phủ nhận được vai trò của văn nghệ.

Trong kháng chiến, chúng ta đã được học tập nhiều về lập trường và tư tưởng; trong hai năm hoà bình ta lại nặng về học tập, về kế hoạch nhà nước và chính sách kinh tế tài chính. Tôi thiết tưởng ta nên tổ chức những buổi học tập và thảo luận thế nào là tự do dân chủ, thế nào là chế độ dân chủ nhân dân v.v...

Để trả lời một cách tóm tắt câu hỏi này, tôi thấy: trong lúc này Chính phủ quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, nhân dân quyết tâm phê bình xây dựng Chính phủ, đó là hai điều tốt căn bản. Để sự phê bình có kết quả hơn, cần có một tổ chức của Chính phủ để thu thập ý kiến của nhân dân và cần phải giáo dục nhân dân có tự do tưởng và hiểu rõ chế độ của ta. Dĩ nhiên trong sự giáo dục này phải dùng rất nhiều hình thức và văn nghệ là một hình thức có hiệu lực rất lớn.

2. Để phát triển bất kỳ một ngành nào, vấn đề cần phải đưa ra thảo luận là vấn đề tự do dân chủ.

Điều này đã phát biểu ở câu hỏi thứ nhất.

1-10-1956

(Nhân Văn số 3)

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9392&rb=08