Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Hãy làm đúng luật bầu cử

Nguyễn Quang A

 

Việc ứng cử và lập danh sách chính thức người ứng cử theo các quy định (chưa tốt, thậm chí vi hiến) của luật hiện hành đã xong. Việc yêu cầu sửa luật, chí ít sửa những quy định vi hiến như hiệp thương (cả 3 lần) và hội nghị cử tri cần phải làm trong tương lai với Quốc hội mới.

Những việc có thể làm từ nay đến khi Quốc hội mới được hình thành có thể tóm tắt như sau.

1. Vận động cử tri bỏ phiếu đúng luật (bỏ phiếu thay là phạm pháp)

Trong kỳ bầu cử quốc hội trước báo chí đưa tin tỷ lệ cử tri đi bầu đạt trên 99%, tuy nhiên nghiên cứu PAPI đánh giá tỷ lệ đó chỉ là 66%. Nói cách khác trên 33% cử tri đã thực hiện quyền “không bỏ phiếu” của mình (còn được gọi là “tẩy chay” một quyền quan trọng của cử tri), thế nhưng các địa phương thi đua nhau lấy thành tích cao nên làm lơ cho việc bỏ phiếu thay (1 cử tri bỏ phiếu thay các cử tri khác những người có thể tự mình có thể bỏ phiếu) và đẩy tỷ lệ tham gia bầu cử lên cao một mức không thể tưởng tượng nổi.

Việc bỏ phiếu thay như vậy là một sự phạm pháp rành rành (được quy định trong Điều 40 của Luật Bầu cử 1994 hay Điều 69 của Luật bầu cử 2015) và phải bị xử lý.

Để góp phần thúc đẩy các cơ quan tổ chức bầu cử và các cử tri thực hiện đúng luật thì các tình nguyện viên, các nhà báo và bất kể công dân nào khi phát hiện ra sự cố bỏ phiếu thay như thế hãy:

· ghi lại bằng chứng (clip, ảnh,…) về sự phạm pháp

· báo ngay cho tổ bầu cử và yêu cầu lập biên bản (cũng giữ lại bằng chứng về lập hay không lập biên bản)

· tập hợp các sự vi phạm như vậy và hồ sơ bằng chứng liên quan (thí dụ gửi cho trang Bầu cử 2016) để can thiệp với cơ quan tổ chức bầu cử cấp trên (cho đến tận Hội đồng Bầu cử Quốc gia) và có thể đòi HỦY KẾT QUẢ BẦU CỬ ở khu vực bầu cử đó.

Bỏ phiếu thế nào là hợp lệ?

Phiếu không hợp lệ được quy định trong Điều 74 Luật Bầu cử 2015:

“1. Những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:

a) Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;

b) Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

c) Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;

d) Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;

đ) Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

2. Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trường Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.”

Thí dụ tại một Khu vực Bầu cử, phiếu bầu do tổ chức bầu cử trao cho cử tri có tên của 5 ứng viên và cần bầu ra 3 đại biểu, thì phiếu bầu đó không hợp lệ nếu gạch hết (không bầu ai) hay chỉ gạch 1 người (bầu 4 nhiều hơn 3), hoặc ghi thêm tên người ngoài danh sách. Nói cách khác các phiếu bầu đủ 3 người (gạch 2 tên) hay bầu cho 2 người (gạch 3 tên) hoặc bầu cho 1 người (gạch 4 tên) đều là phiếu hợp lệ. Cử tri nên cân nhắc để chọn ra những người xứng đáng nhất (hặc MỘT NGƯỜI ÍT DỞ NHẤT nếu thấy cả danh sách đều dở) để khỏi phí lá phiếu của mình.

Trước khi ra khỏi nơi viết phiếu để bỏ phiếu vào thùng phiếu mỗi cử tri nên CHỤP LẤY ẢNH LÁ PHIẾU CỦA MÌNH để làm kỷ niệm và, nếu cần, cho việc khác một cách tự nguyện được nói tới ở sau. (Không ai được xem lá phiếu của cử tri song điều đó không có nghĩa là cử tri không được giữ lại hình ảnh của lá phiếu và không được công cố nó nếu cử tri tự nguyện làm vậy!)

Người dân, báo giới và các tình nguyện viên qua việc làm như liệt kê ở trên có thể giúp nhà nước thực thi luật nghiêm minh, giúp các cơ quan và quan chức nhà nước nâng cao trách nhiệm giải trình và giúp nâng cao dân trí về pháp luật.

2. Giám sát kiểm phiếu

Quyền chứng kiến, giám sát kiểm phiếu của báo chí và đại diện của người ứng cử đã được quy định từ khá lâu (chí ít từ Luật Bầu cử 1994 và được lặp lại trong Điều 73 của Luật Bầu cử 2015):

“Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.

Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu”.

Lẽ ra Luật phải để cho bất kể ai (kể cả du khách nước ngoài) có thể chứng kiến việc kiểm phiếu công khai, nhưng chí ít báo giới có quyền chứng kiến, đại diện của những người ứng cử (họ còn có cả quyền khiếu nại), và nếu những người có quyền này thực thi quyền của mình thì phương châm của Stalin đại ý “ai bỏ phiếu không quan trọng, người kiểm phiếu là của ai mới quan trọng” sẽ mất tác dụng và sự gian lận trong kiểm phiếu sẽ giảm đáng kể.

Báo giới và những người ứng cử hãy thực hiện quyền này của mình! Những người ứng cử hãy ký ủy quyền cho số tình nguyện viên bằng số các phòng bỏ phiếu trong khu vực bầu cử của mình và những tình nguyện viên này và báo giới hãy ghi lại các bằng chứng vi phạm quy định kiểm phiếu cũng như biên bản kiểm phiếu và gửi cho các tổ chức hỗ trợ bầu cử để tổng hợp kết quả sơ bộ (thí dụ trang Bầu cử 2016).

Làm được như vừa nói sẽ làm tăng tính minh bạch của việc thực thi luật, ngăn chặn việc phạm pháp trong kiểm phiếu và kịp thời đưa những kẻ phạm pháp ra trước vành móng ngựa (tội làm sai lệch kết quả bầu cử được quy định trong Điều 161 của Bộ Luật Hình sự).

3. Giám sát việc tổng hợp kết quả bầu cử

Ở tất cả các nước văn minh kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử được công bố công khai sau vài giờ đóng cửa các phòng bỏ phiếu. Rất đáng tiếc Luật Bầu cử 2015 chưa có quy định về minh bạch thông tin bầu cử như vậy (khả năng kỹ thuật có thể đảm bảo làm việc này một cách dễ dàng). Các tổ chức xã hội dân sự nên vào cuộc (trên tinh thần có thể làm những việc hữu ích khi luật không cấm) để tham gia vào việc giám sát bầu cử, chẳng hạn như tổ chức thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu, tập hợp kết quả song song (với các tổ chức bầu cử chính thống),… để góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan tổ chức bầu cử.

Việc này khó trong hoàn cảnh hiện nay, song nên để người dân và các tổ chức xã hội dân sự đưa ra những sáng kiến mang tính xây dựng theo hướng này.

4. Thí dụ, một gợi ý đơn giản

Trong 1 khu vực bầu cử, thí dụ có 5 ứng cử viên A, B, C, D, và E; được bầu ra 3 đại biểu quốc hội; và khu vực bầu cử này chẳng hạn được chia thành 157 phòng bỏ phiếu, thì các tình nguyện viên, báo giới hãy đến 157 phòng bỏ phiếu đó quan sát trong trật tự, thu thập các bằng chứng vi phạm và đưa ra công khai đồng thời đưa về một số trang (thí dụ Bầu cử 2016) để tổng hợp. Các cử tri hãy chụp ảnh các lá phiếu của mình (thí dụ, gạch A, B, C, và E tức là chỉ bàu cho D) để làm kỷ niệm cho chính mình. Giả sử người ta công bố ứng viên C được 97% số phiếu và nếu những người không bầu cho C trong khu vực đó tự nguyện đưa ra bằng chứng (thí dụ ảnh lá phiếu) và tổng số những người đưa ra bằng chứng như vậy chiếm 7% tổng số phiếu, thì sẽ dễ dàng để kết luận rằng đã có sự gian lận trong kiểm phiếu hay tổng hợp kết quả (vì như thế kết quả thực nhiều nhất cho ứng viên C chỉ có thể là 93% chứ không phải 97% như công bố) và hoàn toàn có cơ sở để ĐÒI HỦY KẾT QUẢ BẦU CỬ tại Khu vực bầu cử đó!

5. Kết luận

Có nhiều việc hợp pháp, mang tính xây dựng mà người dân và các tổ chức xã hội dân sự có thể làm để góp phần xây dựng một quốc hội tốt hơn, để nâng cao dân trí và quan trí, để cho luật bầu cử hiện hành (dẫu còn dở) được thực thi, để góp phần xây dựng luật bầu cử mới tốt hơn. Người dân và các tổ chức xã hội dân sự nên học hỏi những cách làm của các nước xung quanh và đưa ra những sáng kiến của mình cho hợp với hoàn cảnh nước ta. Tôi nghĩ đó là việc nên làm và bất kể ai hay thế lực nào cản trở những việc làm hợp pháp và xây dựng như vậy hẳn là đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Nguồn: FB Nguyễn Quang A