Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Cầm Thư quán(kỳ 1)

Tiểu thuyết của Hà Thủy Nguyên

Tiểu thuyết “Cầm thư quán” của nữ tác giả Hà Thủy Nguyên do NXB Phụ nữ ấn hành năm 2008, vừa phát hành được một tháng thì có lệnh thu hồi. Như thường lệ, cơ quan tối cao phát tín hiệu thu hồi chắc chắn phải là Ban Tuyên giáo Trung ương, một cơ quan siêu quyền lực, nơi tập trung những nhà “kiểm dịch” tầm cỡ thế giới, học hàm học vị đầy mình với mục đích duy nhất là ngăn chặn “các thế lực thù địch” lợi dụng quyền tự do sáng tác nhằm “xuyên tạc sự thật lịch sử”, đã được pháp lệnh hóa thành văn bản, làm công cụ răn đe những chủ thể sáng tạo văn chương và những thứ đại loại như thế, cứ lăm le muốn vượt qua giới hạn cho phép. Nên hiểu rằng, vua Lê Thánh Tông, mà trong tiểu thuyết của mình, Hà Thủy Nguyên gọi bằng niên hiệu “Hồng Đức”, khác hẳn với vị hoàng đế trong chính sử. Người đọc nhận ra ở “Cầm thư quán”, ngoài tư cách quốc chủ Đại Việt, Lê Thánh Tông còn là một thi sĩ, một lãng tử, dám bỏ tam cung lục viện, một mình chèo thuyền trên mặt hồ đầy sương khói chỉ để nghe tiếng đàn đầy ma lực của giai nhân và đêm đêm làm tình với nàng. Văn phong của Hà Thủy Nguyên lãng đãng tựa mây khói khiến ta bàng hoàng như vừa lạc vào chốn Bồng lai. Lê Thánh Tông của Hà Thủy Nguyên là nhân vặt văn học được nhìn nhận dưới góc độ thẩm mỹ khác với Lê Thánh Tộng được nhìn dưới nhãn quan chính trị. Lịch sử chỉ có một nhưng cách giải thích lịch sử lại có cả nghìn lẻ một. Vì vậy, Văn Việt trân trọng trích giới thiệu 4 kỳ “Cầm thư quán” để bạn đọc xa gần thưởng lãm và minh định giá trị cuốn sách.

Văn Việt

I

– Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

– Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

– Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Phải đến trăm cái đầu áp sát mặt đất như bị cả trên lẫn dưới ép cho bẹp dí. Vị thánh đế khoác hoàng bào bước đi giữa thứ âm thanh trầm trầm, rền rĩ tựa sấm. Nắng chiếu thẳng xuống sân rồng, nổi lên nét khắc tinh tế, điêu luyện của người thợ cả. Thánh đế dẫm lên những nét khắc như cưỡi rồng bay giữa thanh thiên. Quan đại thần hé mắt nhìn thấy thánh thượng được những con rồng đá nâng dần, nâng dần tới bậc tam cấp, nơi ngai vàng được tôn vinh.

Ngài ngự giữa chiếc ghế vàng óng ánh hơn cả nắng mặt trời. Đức hoàng mỉm cười nhìn hàng hàng người cúi đầu dưới chân mình. Ngài khoát tay, vạt áo chạm vào gió, phát ra tiếng “soạt” rất nhỏ.

– Bình thân!

Hình như cả trăm người dưới kia chỉ đợi hai tiếng ngắn ngủi và nhạt nhẽo ấy. Họ mỏi lưng lắm rồi. Thánh thượng đảo mắt điểm mặt từng vị đại thần. Hôm nào cũng vậy, cũng vậy… vẫn những khuôn mặt thung dung, nhàn hạ tựa chốn dân gian chẳng có một chút bão tố, một chút sóng gió…

– Quan thượng thư, khanh có điều gì muốn tấu?

– Muôn tâu Thánh thượng, năm nay đất trời hoà hảo, người dân được mùa, nơi đâu cũng vang lên tiếng Ngu cầm.

Tiếng nhã nhạc hôm ấy văng vẳng trong cấm thành. Người cung nữ chốn lãnh cung chợt ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh nhỏ tí bằng ô cửa sổ. Nàng ngừng mũi kim, lặng người như pho tượng đã nhạt màu sơn.

Lấp ló trong lùm cây rậm rạp có màu đỏ đỏ, xanh xanh của bọn thái giám, thị tì. Người cung nữ giật mình, ném tấm lụa hồng xuống mặt đất. Cây kim nẩy lên nẩy xuống mấy lần toan lăn vào gầm tủ, may vẫn còn sợi chỉ giữ cho…

II

Thư quán tịch mịch trong buổi trưa. Tiếng huyền trầm đục, chậm rãi ru lòng người vào giấc ngủ vô thường. Cơn gió nhỏ nhẹ thổi những trang điệp mỏng đung đưa mãi mà không lật lên nổi. Tự nhiên, dây đàn ngừng rung.

Cô gái gấp cuốn sách lại, ngó qua cửa sổ. Thấp thoáng sau bụi trúc nhỏ là đôi ba chiếc khăn xếp. Cô gái mỉm cười:

-Sao lại phải ngừng, họ tới kệ họ!

Một giọng nói thánh thót nhẹ như dải lụa vướng trên cành mai vang lên từ phía sau bức bình phong:

-Chẳng qua chỉ là phường giá áo túi cơm!

Cô gái lắc đầu cười, nàng từ tốn đặt cuốn sách xuông bàn, nhẹ gót bước ra ngoài. Trứơc mắt nàng, ba thư sinh trẻ đang chắp tay xem những bộ sách xếp ngay ngắn.

Bốn bức tường của thư quán tựa như được xây bằng sách. Trong phòng có bốn bức tranh thiếu nữ với các tư thế: đọc sách, chơi đàn và vịn một nhành mai.

- Ba vị tìm cuốn gì?

- Chúng tôi tìm mấy bản thơ của Thánh thượng, tiện thể xem qua vài cuốn sử!

Cô gái cười nhẹ, nàng mở chiếc rương ở góc phòng, nâng niu vài trang giấy đưa cho vị thư sinh vừa hỏi. Anh chàng thư sinh ngơ ngẩn hồi lâu, mắt không rời khoé hạnh của người đẹp. Cô gái nhếch mép:

– Tiên sinh, những bản thơ này tiểu nữ phải vất vả lắm mới lấy được!

Cô gái lôi ra một cuốn sổ nhỏ, chấm bút viết tên mấy bài thơ vào. Ba vị hiểu ý, đặt mấy xu tiền lên mặt bàn.

– Thơ của Thánh thượng hình như là đứng đầu thiên hạ!- Cô gái thả tiền vào túi vải thêu loan phượng màu đỏ son.

Một chàng thư sinh khác chắp tay, tỏ vẻ đạo mạo:

– Qủa vậy, từng câu từng chữ của thánh thượng hàng hàng châu ngọc. Loại tầm thường nhất cũng được đúc bằng vàng…

Cô gái che miệng cười khúc khích. Nàng nhìn xập giấy rời rạc trong tay mấy thư sinh:

– Vậy chẳng hoá ra một chữ của hoàng thượng có thể nuôi sống cả nhà tiểu nữ trong vòng dăm ba năm sao!

– Ta đỗ trạng nguyên, ta sẽ nuôi nhà nàng suốt mấy đời.

Cô gái cười to hơn:

Thiếp chẳng dám mong, phận cỏ hoa hèn mọn có mơ cũng không thể mọc trong vườn thượng uyển được.

Ba vị thư sinh cất bước đi, trước đó còn liếc mắt nhìn trộm cô gái. Cô gái ghi số tiền vào sổ, gấp lại rồi đi vào trong.

Cô gái ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc, giở trang sách đã được đánh dấu. Nàng chép miệng, gập sách lại tỏ vẻ khó chịu:

– Đúng là phường giá áo túi cơm! Làm mất hết cả hứng thú!

Cô gái nhìn về phía bức bình phong vẽ người thiếu nữ ngả người trên đá ngủ say.

– Em đã bảo chị rồi mà!- Giọng nói ban nãy lại vang lên.

– Em ra đây đi! Cả ngày ngồi trong đó không biết chán hay sao!

Một thiếu nữ tầm đôi tám bước ra khỏi bức bình phong.

– Thiên hạ ai ai cũng tán dương thánh thượng, xem chừng chị lại chẳng coi ra sao cả!

Cô gái nhếch mép:

– Thì từ khi thánh thượng lên ngôi, nước ta liên tiếp được mùa, thóc gạo đầy bồ mà…

Thiếu nữ vuốt từng cánh hoa sen nhìn lên bầu trời qua ô cửa sổ:

– Lạ thật! Thánh thượng có gì ghê gớm mà đến Ngọc hoàng cũng bợ đỡ, nịnh nọt!

Cô gái đặt tay lên miệng, ra dấu im lặng:

– Suỵt, khẽ chứ! Nếu Ngọc hoàng bợ đỡ thánh thượng thì điều em nói sẽ tới tai ngài đấy!

Hai cô gái bật cười thích thú! Gió bắt đầu nổi to lên, lay bụi trúc lào xào. Mặt trời tắt dần nắng để chuẩn bị cho một cuộc mây mưa…

Trống canh hai…

Vua Hồng Đức gập bản tấu đặt lên bàn. Ngài chắp tay nhìn mưa rơi qua ô cửa sổ tròn. Mưa từ trời tuôn xuống, mưa từ vạt lá này rơi vào vạt lá khác rồi rỏ lên thành cửa sổ.

– Tâu thánh thượng, đã khuya rồi…- Quan thái giám cúi người.

– Đêm nay ta nghỉ ở cung nào?

Quan thái giám giở sổ. Thánh thượng khoát tay:

– Mà thôi… không cần xem! Đêm nay ta sẽ ở lại Ngự thư phòng duyệt bản tấu!

Mưa vẫn còn những tiếng lách tách. Trăng vừa trắng vừa mờ như khuôn mặt của một cô gái chìm trong sương đêm.

Đêm mưa toát lên hàn khí ẩm thấp của sơn động. Những lùm cây xa xa kia sao giống nấm mồ tới vậy. Ngài rùng mình. Màu đen là hố sâu khôn cùng đang hút lấy ngài. Năm ngón tay rồng vịn chặt lan can. Ngài sợ… sợ bị lụt vào cái hố đen vô cùng lơ lửng trước mặt kia. Nó hun hút, hun hút thành một vòng xoáy trôn ốc… Lơ lửng giữa nó, nào thì mưa… nào thì trăng… nào thì sương… nào thì những vãng vong của đêm thanh tĩnh.

Bống nảy lên một tiếng tỳ bà. Đức ngài giật mình bước ra khỏi cơn hỗn loạn.

Tiếng tỳ bà không chau chuốt, cũng chẳng gợi tình. Tiếng đứt tiếng nối nghe chưa ra cung ra bậc, giống âm thanh giọt nước mưa gõ lộp độp trên mái hiên. Ngài chau mày. Giữa đêm khuya khoắt sao lại vang lên tiếng tỳ bà. Của thần tiên hay ma nữ? Tiếc rằng nó chẳng bay bổng, siêu thoát như thần tiên, cũng không quyến rũ, mê hoặc như ma quỷ.

Đẩy cửa bước ra trời mưa, tiếng đàn làm bật lên sự êm ả rì rầm của nước. Thánh thượng thở dài… Ngài thầm nghĩ thâm cung này sẽ chẳng bao giờ tạo ra được những ca kỹ giỏi.

Người cung nữ rướn cao cổ hai ngấn nhìn về phía mặt trăng nhờn nhợt. Những ngón tay của nàng lúng túng vì ngượng với dây đàn. Cây nến nhỏ không đủ soi sáng cả thuỷ đình, chỉ đù để thấy rõ hoa văn thô kệch trên dải thắt lưng xanh. Dải hoa văn nhờ nhịp nhàng lúc lên lúc xuống, lúc ẩn lúc hiện mà trở nên dịu dàng hơn.

– Chiếc đàn ấy không hợp với nàng đâu… Chơi nhiều sẽ hỏng tay đấy!

– Thánh thượng…

Người cung phi tròn mắt ngạc nhiên. Thánh thượng đang nắm lấy cổ tay nàng. Từng mạch máu của nàng rung lên dữ dội trong năm ngón tay của ngài. Nàng từ từ đặt cây tỳ bà xuống, e lệ cúi đầu tránh ánh mắt rồng phượng.

Thánh thượng khẽ rút dải thắt lưng xanh. Hai vạt áo buông thõng lộ ra màu hồng hồng của chiếc yếm. Mưa lại ào ào đổ xuống. Ánh nến đã yếu đuối lắm rồi…

Tấm áo cung nhân được dệt bằng lụa thô, rơi phịch xuống chiếc nến. Nến vụt tắt . Lửa bắt đầu bén vào lụa, nhai dần, nhai dần từng sợi tơ. Ánh sáng chập chờn, chập chờn mơn man trên màu yếm hồng, uốn lượn tựa muốn thiêu đốt tới làn da trắng xanh của người cung nữ. Chiếc yếm cũng tuột dần, lửa chẳng còn chỗ bám để leo lên nữa. Nàng chìm vào vòng tay của Thánh thượng. Gìơ thì đến long bào cũng trở nên vô nghĩa.

Một cảm giác buồn buồn, tê tê, ướt ướt di chuyển trên da nàng. Nó lan từ môi xuống tới cổ, tới ngực, tới bụng… tới nơi thiêng liêng và cao quý nhất.

Lửa tắt ngóm. Thuỷ đình chìm trong bóng tối. Trăng bị sương, bị mưa che khuất.

Thánh thể của ngài trườn trên tấm thân nhỏ bé của nàng. Nàng thu mình lại, chỉ để bộ ngực phập phồng điều khiển từng hơi thở. Ngài đu đưa người nhẹ nhàng khiến nàng rùng mình. Trong mưa còn nghe rõ tiếng thở hổn hển và tiếng hai kẽ răng chạm vào nhau cam chịu.

Chợt, tiếng đàn! Tiếng đàn như chuỗi ngọc trai đứt rơi từng hạt nẩy trên nền đá hoa cương! Thánh thượng giật mình buông người cung nữ ra.

– Nàng có nghe thấy tiếng đàn không?

– Dạ thưa không ạ…

Thánh thượng bần thần. Tiếng đàn chỉ thoáng qua. Thực chất nó chỉ là dải váy trắng của một con ma nữ lướt qua đỉnh đầu ngài…

Sau buổi chầu…

Thánh thượng uể oải dạo trong vườn thượng uyển. Những loài kỳ hoa dị thạch đứng xếp hàng biểu diễn, khoe vẻ hay vẻ lạ một cách nhạt nhẽo. Thánh thượng lại thở dài. Ngài vẫn còn tơ tưởng tới tiếng đàn đêm nọ. Tại sao đã mấy ngày nay tổng quản thái giám đi tìm người chơi đàn mà vô ích? Hay đó đích thực là oan hồn của một cung nhân bị giam cầm trong cung cấm. Không! Chắc chắn không! Sự phiêu bồng, sự khuyến rũ, mê say, trăm ngàn tiếng tơ lòng ẩn chứa trong chuỗi âm thanh kỳ diệu ấy làm sao có thể được vút lên từ mồ lạnh với biết bao hờn tủi được!

Ngài thay đồ thường dân, cưỡi ngựa ra khỏi cấm cung. Thuở nhỏ, khi còn là Tư Thành, Hồng Đức sống lẫn trong dân chúng, quen với sự phóng khoáng, tự do. Đôi khi ngài vẫn mơ thấy những tiếng guốc nện đều đều trong đêm, tiếng rao hàng thoắt ẩn thoắt hiện trong màn sương buổi tinh mơ… Và giờ đây, ngài lại mơ thấy một tiếng đàn.

Ngựa của ngài dạo gót ven hồ Dâm Đàm. Nắng chiếu xuống lòng hồ xanh mờ những dải vàng lấp lánh. Đám sen hồng cũng lung linh, huyền ảo toả ra một thứ ánh sáng của những chiếc đèn lồng thả trên mặt nước trong ngày lễ hội.

Bỗng văng vẳng cất lên tiếng ngâm thơ:

“Hà diệp lục như cái

Hà hoa hồng tự nhan

Tư quân vị đắc kiến

Trì thượng không bàn hoàn”

(Lá sen như lọng biếc

Hoa sen như má đào

Nhớ ai không gặp mặt

Thơ thẩn hoài bên ao)

Thánh thượng giật mình nhìn về phía khuất trong đám sen, chiếc thuyền nhỏ đủng đỉnh rẽ lá xanh biếc trôi đi. Ngài nhận ra đó là vợ chồng Giáo thụ Phù Thúc Hoành và Ngô Chi Lan.

Thánh thượng vỗ tay, nói to:

– Quả là thơ hay!

Cặp tài tử giai nhân ngạc nhiên, vội chắp tay thi lễ. Ngài khoát tay miễn lễ:

– Ở đây ta không phải là Thánh thượng…

Thánh thượng xuống thuyền cùng thưởng ngoạn cảnh hồ. Ngô Chi Lan rót ly rượu sen thơm ngào ngạt, nâng mời ngài. Ngài đón lấy, lâng lâng nuốt từng mùi thơm vào sâu trong lá phổi. Vị rượu ngòn ngọt như được khẽ chạm môi lên làn da mỏng mảnh của một thiếu nữ đang say ngủ.

– Dân gian có câu: “Rượu sen càng nhắp càng say- Càng yêu vì nết, càng say vì tình…” Qủa là ứng vào vị rượu này vậy…

Ngô Chi Lan đưa mắt về phía bờ xa xa, nhẹ nhàng tâu:

– Dạ thưa, rượu này quả do giai nhân chưng cất nên hương vị tất không phải tầm thường…

Phù Thúc Hoành cũng tiếp lời:

– Thần và phu nhân cũng đang có ý định tới đó… Nếu thánh thượng không chê…

– Sao khanh lại khách sao như vậy- Thánh thượng ngắt lời- Ta đã ở trên thuyền rồi, đành nghe theo loại liên tửu này vậy!

Con thuyền tách ra khỏi đám sen trôi nổi, lững lờ tới một đám sen khác. Lại tiếng ngọc rung! Thánh thượng đứng bật dậy, ngơ ngác giữa bốn bề sen thơm ngát.

– Hai khanh có nghe thấy gì không?

Phù Thúc Hoành gõ nhịp những ngón tay đu đưa theo tiếng đàn:

– Đó là tiếng đàn của Ngọc Cầm, người chưng cất loại hảo tửu này, thưa Thánh thượng.

– Xem ra hôm nay cô em Ngọc Cầm có vẻ vui vẻ khác mọi ngày…- Ngô Chi Lan nhấp rượu, mỉm cười.

Thánh thượng dường như không để ý tới lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng họ Phù. Ngài còn đang mải mơ. Ngài mơ thấy tiếng đàn đêm ấy. Kỳ lạ thay! Làm sao tiếng đàn có thể vượt qua cửa cấm thành để tới được tai ngài? Nhờ gió chăng? Hay là diễm phúc của Ngọc Hoàng thượng đế ban cho ngài.

Chiếc thuyền ghé sát dần một thuỷ đình mái lợp cỏ đơn sơ mà thanh nhã. Càng tới gần, Thánh thượng mới phát hiện ra xen giữa âm thanh trong trẻo, phiêu lãng của dàn tỳ bà còn có tiếng mõ tụng kinh cầu Phật.

Quả nhiên, một thiếu nữ khoác áo nâu sồng đang ngồi ở góc khuất của đình nhắm mắt toạ Thiền. Không hương khói, không bàn thờ, chỉ có trời, nước và những đám sen. Thánh thượng không khỏi ngỡ ngàng trước nhan sắc của nàng. Thiết nghĩ tứ đại mĩ nhân phương Bắc cũng chỉ tới thế mà thôi. Trong màu áo tu hành, vẻ chân thiện chân mĩ của nàng càng bội phần khiến nước hồ phải sóng sánh, chao đảo. Nàng chính là hoá thân của bông sen hồng giữa ánh nắng lấp lánh của buổi chiều hè…

– Ngọc Thư…- Ngô Chi Lan cất tiếng gọi.

Thiếu nữ bừng tỉnh khỏi những dòng suy nghĩ miên man về Phật. Nàng mỉm cười vẫy tay chào vợ chồng họ Phù.

Thánh thượng cùng hai vợ chồng bước lên thuỷ đình. Bốn người ngồi bên bàn trà sen thơm dịu.

– Em đang nghĩ điều gì mà miên man thế? Chị gọi mấy lần mới tỉnh!

Ngọc Thư rót trà vào từng chén nhỏ màu đất nung nâu đỏ, lơ đãng chẳng để tâm tới Thánh thượng, miệng tươi cười:

– Em đang ngẫm ngợi đôi điều trong một bài kệ của Phật hoàng Điều Ngự thiền sư:

“Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.

(Vui đạo dưới cõi trần nên tuỳ duyên

Đói thì ăn, mệt thì nghỉ

Trong nhà có của quý đâu cần phải đi tìm

Đứng trước cảnh mà vô tâm thì chẳng cần phải hỏi tới Thiền).

Phù Phúc Hoành cả cười:

– Trong cõi đời này, ít kẻ nghĩ thông suốt được vậy lắm… Nguyên lý ấy tưởng chừng đơn giản mà đâu phải ai cũng làm được! Kẻ truy cầu danh vọng, kẻ truy cầu tiền bạc, kẻ truy cầu cái đẹp… thậm chí truy cầu cả Thiền…

Thánh thượng vẫn không khỏi băn khoăn. Từ khi Ngô Chi Lan lên tiếng gọi Ngọc Thư, ngài không còn nghe thấy tiếng đàn nữa.

– Tiếng đàn vừa rồi…

Ngọc Thư rót trà vào từng chén của khách. Luồng hơi nóng toả ra mang dáng vẻ của nàng vũ nữ tung dải lụa tới trời xanh.

– Đó là em gái của tiện thiếp… Ngọc Cầm, em ra đây đi!

Không có tiếng bước chân, chỉ có tiếng cót két đẩy cửa. Thánh thượng ngơ ngẩn tới vuột tay đánh rơi cả chén trà xuống bàn lênh láng. Khuôn mặt nàng phất phơ mây phủ như tới từ một chốn cực lạc hư vô. Thánh thượng run rẩy thấy mắt mình mờ đi trong lớp sương mỏng.

– Hôm nay em có chuyện gì vui mà tiếng đàn trong sáng, hồn nhiên thế?- Ngô Chi Lan lên tiếng hỏi.

Ngọc Cầm chỉ cười cười không nói.

– Tiếng đàn của nàng làm mê đắm lòng người… Khéo thay cho người đặt tên!

Ngọc Cầm đưa mắt nhìn Thánh thượng. Đến ánh mắt của nàng cũng lãng đãng khói mây non nước của chốn Đào Nguyên.

Phù Thúc Hoành hiểu ý Thánh thượng, khẽ bảo:

– Hôm nay khí trời thanh nhẹ, em cho chúng ta nghe lại khúc “Hải du” được chứ!

H.T.N.