Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Đồng hồ của bò sát

Truyện

Hạnh Nguyên

Câu chuyện bắt đầu khi tôi nằm sấp trên giường trong phòng Thằn Lằn, đọc Kafka bên bờ biển lần đầu tiên kể từ khi tôi bỏ nó vào va li và ăn chip. Khỏa thân. Phải nói thêm là Thằn Lằn không hưởng ứng có ai khỏa thân trên giường. Nó nói, mùi nước tiểu vương lại trên cơ thể tôi sẽ làm ga trải giường của nó bị nhiễm khuẩn. Nghe có ngu không chứ. Cứ làm như cái ga còn sạch lắm không bằng. Thằn Lằn chẳng thích người khác làm rớt nước đái hay da chết lên thế mà cứ lần nào tôi đến là y như rằng đang thấy nó nằm dạng háng xem phim sitcom trên máy tính, ăn luôn mồm. Tôi luôn bắt gặp Thằn Lằn đang trong trạng thái nhai-nuốt-tiêu hóa một thứ gì đó, thật khó để nhìn thấy đứa con gái này thiếu mất đôi tay. Câu chuyện lên đến cao trào khi Thằn Lằn bắt đầu nhặng xị lên và ép tôi mặc quần áo. Tôi nói với nó, lúc này đang bực tức trương mắt lên nhìn chằm chặp vào tôi từ cái ghế màu xanh lá đối diện, rằng còn khuya, trừ phi nó không phải bạn tôi và trừ phi nó muốn đuổi tôi ra khỏi phòng, thì chả một loại thần thánh thế lực nào có thể buộc tôi đeo cái quần lót này lên chứ đừng nói là cả bộ quần áo. Lúc này trước khi Thằn Lằn kịp nghĩ ra câu gì để đốp lại, tiếng máy bay bay ngang qua cắt đứt sự chú ý bất tận của nó và cả tôi, vậy là chúng tôi cùng ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Tòa nhà mà chúng tôi đang ở có lẽ nằm không xa sân bay. Thằn Lằn kể với tôi rất nhiều lần khi đi bộ về phòng mình, nó nhìn thấy những chiếc máy bay nhỏ xíu như mô hình dựng ở quầy lễ tân các phòng bán vé, chỉ khác cái là chẳng có bệ đỡ gì cả. Chúng tôi đột nhiên thấy mình trong hoàn cảnh yên lặng nửa chừng, như thể thời gian đã bị đông cứng lại và chẳng có điện đóm gì ráo. Cả thế giới rơi vào trạng thái ngủ trong vài giây. Thằn Lằn có vẻ chẳng bực mình với tôi đến thế vì tự thân nó cũng biết mình bẩn thỉu ra sao, thế là nó đứng dậy, ném cái áo chui đầu về phía tôi rồi nói, đi ăn thôi, tao mời.

Nếu có ai thắc mắc, mà có thể chẳng có ai, nhưng tôi vẫn muốn nói một chút vì nhất định khi im lặng thì người ta sẽ hiểu lầm. Một kiểu hiểu lầm rất ư là thời thượng, phổ biến vô cùng tận trong xã hội hiện đại được biết đến với cái tên phù phiếm nói theo lối văn chương: không khoái sống thành thật. Hay thực ra thì bạn có thể gọi nó bằng một động từ dễ thương, hai chữ, súc tích và chả ai thích: phán xét. Tôi muốn được giải thích về tên gọi Thằn Lằn của bạn tôi. Thằn Lằn là một đứa con gái, như tôi đã đề cập ở trên. Ý tôi là tôi tôn trọng giá trị bản thân và quan điểm nhân sinh của nó. Nói cho dễ hiểu thì nếu bạn nhìn thấy nó bạn sẽ hiểu tôi đang nói về điều gì. Nhưng rõ là bạn sẽ chẳng đời nào nhìn thấy Thằn Lằn được vì vào thời điểm này trong năm nó đã chết. Tôi tiếc là mình không viết về nó sớm hơn. Nhưng mà bạn biết đấy, tôi không giỏi ăn nói tử tế về người khác lắm, đặc biệt là người sống. Đúng ra thì ta có nói khoa trương một tí về người thiên cổ họ cũng chẳng hay, mà nếu ta viết tốt thì cũng không có cơ may bị vật chết. Vậy là, khi Thằn Lằn còn sống tôi chưa bao giờ làm trái cam kết của chúng tôi. Nhưng nay thì nó đã đi trước rồi, tôi sẽ đề cập tới vấn đề này chỉ một lần thôi. Thằn Lằn có chim như mọi thằng đàn ông khác, thế nhưng mà bạn phải tin tôi khi tôi nói trái tim nó nhạy cảm và khuôn mặt nó dịu dàng hơn mọi con đàn bà mà tôi từng được gặp. Thằn Lằn, tao thấy thật may mắn vì được quen biết mày dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Dĩ nhiên là Thằn Lằn chẳng đọc được những dòng này vì người chết thì chả việc gì phải đọc, họ chỉ cần quanh quẩn khắp nơi và nhòm trộm vào cuộc đời riêng tư của những người còn sống. Tất nhiên là, trong một hoàn cảnh chấp nhận được và không quá phiền nhiễu. Vì sao tôi gọi nó là Thằn Lằn ấy à? Quả thực tôi cũng không nhớ nữa. À, tôi nghĩ là vì cái chim của nó. Nó cho tôi xem sau hai tháng đánh bạn. Chả phải cái gì to tát, tôi nói với bạn thế, và ý tôi là tôi đang nói về khoảng thời gian cặp bồ của chúng tôi, không phải nhận xét phiến diện về con chim của nó. Thằn Lằn khóc lóc tụt quần xuống trong nhà vệ sinh của trường, nó cứ vừa hỉ mũi rồi quẹt lấy quẹt để bằng mu bàn tay, lấy làm tội cái mũi dơ hầy của nó giờ đỏ rực lên như vừa bị ai đấm. Tôi mân mê chim của Thằn Lằn trong tay. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy dương vật đàn ông ở khoảng cách gần sát sạt, có thể cảm nhận được một bộ phận mẫn cảm đang ngoe nguẩy trong tay mình. Sự tồn tại của một giống loài đồng đẳng cùng chung sống và hít thở cùng bầu không khí với thế giới trước giờ chỉ có âm hộ của tôi đột nhiên làm tôi thấy mình như vừa được tiến hóa. Đúng lúc đó tôi bật ra hai chữ Thằn Lằn. Kể từ ấy tôi không dùng tên thật của nó nữa. Ban đầu, phải nói thật là Thằn Lằn không thích tên mới của mình lắm. Nó buồn bã nói, con gái gì mà có cái biệt danh nghe ghê gớm vậy. Nó thích mấy thứ màu hồng, mềm mại, xù bông thì càng tốt. Nhưng hãy cảnh giác đừng để mái tóc xoăn dài thượt đánh lừa, đôi mắt to của nó với hàng lông mi cong ngược đều tăm tắp mà thi thoảng bạn không thể ngăn mình ghen tị chỉ muốn giựt cho đứt hết (nếu bạn là giống cái), và nhất là giọng nói nhẹ nhàng của nó làm tôi đôi khi thực sự quên mất cục yết hầu đặc trưng của đàn ông nhô lên hạ xuống đều đặn khi Thằn Lằn uống nước. Thằn Lằn là đứa mất dạy và dâm dục nhất từng được ghi nhận trong lịch sự kết bè kết bạn của tôi (cũng chả dài). Nó theo chủ nghĩa tình dục đi trước tình ái, và tình dục mở đường cho mọi loại luân thường đạo lý của loài người. Tôi chả hơi đâu mà phản đối vì xét cho cùng một con thằn lằn sống đúng nghĩa tức là chả việc gì phải làm theo quy định của chúng ta. Về cơ bản, nó tồn tại ở một chiều không gian khác, sinh sống và hoạt động theo những quy tắc khác mà xem chừng là vô nghĩa với nhân loại nói chung. Bạn biết đó, những thứ mà bạn cho là quan trọng bậc nhất đời mình thực ra chả mảy may ý nghĩa gì đối với một con quạ hay một con kiến cỏ.

Thằn Lằn đưa tôi đến nhà ăn. Trên đường đi tôi bảo rất rõ tao muốn ăn bánh mì nướng. Thế mà ngồi chờ mòn con mắt nó bê ra hai bát mì xào, bẻ đũa và rót nước cho tôi rồi chả đợi ai, nó bắt đầu ăn. Tôi cực ghét nhìn Thằn Lằn ăn. Đặc biệt là ăn mì. Đặc biệt là mì xào, vì chúng rất trơn. Tôi biết nó cố tình vì ăn mì phải ăn bằng đũa. Thực ra ăn bằng dĩa cũng được nhưng Thằn Lằn nói, tao muốn tôn trọng nguồn gốc của mày. Mẹ kiếp cái nguồn gốc của tôi đi. Ông cố nội tôi chắc cũng sẽ đội mồ sống dậy đi tha phương cầu thực rồi cưới đại một mụ da trắng ngoại tứ tuần cốt để lấy cái mác châu âu nếu mà ổng nhìn thấy con Thằn Lằn quái đản này ăn bát mì của nó. Nó ăn chậm, từ tốn và nhỏ nhẹ hết sức có thể như là sợ làm đau mấy cọng mì của nó vậy. Lúc nào tôi cũng ăn xong trước nó cả chục phút, chả đi đâu được mà phải ngồi chết dí trong nhà ăn, nhìn quanh nhìn quất đám học sinh đủ mọi lứa tuổi và thành phần tán nhảm (hầu hết những gì tụi sinh viên nói là nói nhảm). Thi thoảng trên radio của trường có chương trình phát nhạc. Tôi cố không để lọt vào tai vì với tôi nhạc nhẽo chẳng có ích lợi gì khi mà người ta không có hứng. Nhất là khi người ta buồn ngủ mà vẫn phải ngồi với đứa bạn duy nhất chờ nó ăn xong vì nếu không làm thế thì tức là coi thường sự ràng buộc thiêng liêng của tình bạn.

-chờ chút, tao phải uống miếng nước đã. – Thằn Lằn xếp hai cái đũa của nó ngay ngắn ngang miệng bát, vặn nắp chai nước rồi uống từ tốn theo cái kiểu đàn bà mà tôi chúa ghét tức là tránh để mồm nó đụng vào miệng chai. Chả có ai uống chung với mày chai nước đó đâu, suýt chút nữa tôi hét lên nếu không lảng mắt sang chỗ khác.

Tôi không giỏi quan sát người khác lắm vì thông thường trung bình khoảng 30 giây tôi sẽ mất hết hứng thú đối với họ. Tôi thà nhìn bức tường còn hơn. Ít ra còn có thể suy nghĩ thông suốt được. Đôi lúc nếu thật sự là một ngày may mắn, tôi nhìn thấy những cặp tình nhân. Tôi thích họ vì họ ngu ngốc hơn người khác nhưng họ tận tụy với sự ngu ngốc của mình. Tôi trân trọng những người như thế. Các cặp tình nhân thích thể hiện ở chốn công cộng có một điểm hấp dẫn riêng, ấy là họ không tự tin vào tình cảm của mình cho lắm. Tôi chẳng hiểu họ cặp bồ vì cái gì nữa. Tình dục ư, đâu cần mất nhiều công sức đến thế. Thằn Lằn đưa ra quan điểm là, khi nào yêu rồi thì tôi mới biết được. Thế thì thà ở vậy cả đời cho xong. Tuy nhiên từ chuyện này tôi rút ra được một điều: cái bọn nói không bao giờ cần tình yêu ấy mà, thực ra tụi nó tìm kiếm đối tượng trong từng phân không khí một. Tôi nói nghiêm túc đấy. Chúng nó mở mắt ra là nghĩ đến yêu đương, có đứa thậm chí còn có cả ứng dựng coi bói trong điện thoại và tôi nghĩ bạn thừa biết câu đầu tiên mà tụi nó hỏi mỗi ngày là gì, có khi còn hỏi mấy bận cho chắc nếu mãi mà chưa bốc được câu nào vừa ý. Tụi này buồn một nỗi là luôn bị vây quanh bởi một đống bao gồm: bọn đã có bồ, bọn đã đ. nhau, bọn tình trường vắt vai dài như sông như suối, bọn yêu lần bảy lần tám, bọn cùng lớp cấp hai chuẩn bị làm đám cưới, bọn sắp có con. Tin tôi đi, nếu bạn muốm tìm điểm liên kết giữa cái đám yêu đương nhăng nhít kia thì thể nào cũng tòi ra một đứa độc thân vui tính, nguồn cung bất tận của các lời khuyên hữu ích và luôn tận tình khích bạn bè áp dụng. Tôi không biết bọn một mình này lấy đâu ra mà lắm lời khuyên thế. Nhưng nếu bạn ngẫm kỹ thì đừng có xài cái nào cả, cứ làm theo cái đầu của bạn là tốt nhất. Lời khuyên của tụi nó ban đầu thì nghe hay vô cùng, nhưng hãy dành khoảng một ngày để nghĩ nhé. Chúng thực ra ngu ngốc hơn bạn tưởng vì xét cho cùng, những lời khuyên này phần lớn đều dựa vào sách vở và phim ảnh, mà hai nguồn ấy chớ xài bậy bạ ngoài đời nếu bạn không phải một tay tình trường lão luyện có thể đưa ra các kết quả không sai số mấy. Tóm lại là, tôi chính là cái đứa độc thân vui tính ấy đây.

Thằn Lằn có một thằng bồ người lai. Chả bao giờ hai đứa nó chịu nói cho tôi biết thằng này lai từ những cái giống gì. Da trắng, tóc húi cua (cũng trắng), tròng mắt đen nhưng tôi thề là vào một hôm trời mưa mắt nó đã đổi thành màu xanh rất nhanh như màu của lá cây vào một ngày khô ráo. Nhưng thôi, đây không phải là cái mà tôi đang nói đến. Chuyện là, Thằn Lằn, một đứa theo chủ nghĩa đ. nhau bác ái, và bồ nó, thằng này thì khỏi phải nói, là cái loại đàn ông chết tiệt nhất mà một đứa con gái lãng mạn như Thằn Lằn có thể dây vào, loại đàn ông chỉ chú tâm kiếm hạnh phúc gia đình (và nếu có thể thì kèm theo đối tượng thụ tinh phù hợp); chúng nó cãi nhau suốt ngày. Chí chóe như những kẻ thừa thãi thời gian và rảnh rang bậc nhất trên quả đất, cái loại khoái làm phiền người khác và thi thoảng thì lôi kéo cái người khác là tôi đây vào những cuộc tranh luận trời ơi đất hỡi đủ mọi đề tài. Hai đứa này ngày nào cũng chửi nhau, chửi chán thì nằm ôm nhau quắp chân quắp tay như hai con sâu đo đi ngủ, ngủ dậy thì trời đã tối nên chúng nó sẽ tắt đèn đốt nến mùi oải hương rồi sang gõ cửa phòng tôi rủ chơi bài. Nói một cách tử tế thì, tôi thích sự hiện diện của chúng nó trong cuộc sống của mình. Vì sao à, vì cuộc sống của tôi nhìn chung là vô cùng đáng chán.

Tôi tới thành phố này theo diện đi du học. Chả phải có ước mơ hay tham vọng gì cao siêu lắm, tôi cũng không biết nữa. Phần lớn thời gian tôi không biết mình đang thực sự làm gì. Lâu rồi trong một bộ phim, có một nhân vật là dân anh chị ngồi trong một tiệm ăn nhanh với đứa đàn em (nhân vật chính) có tài năng hát nhạc thính phòng hay đến mức có cả concert riêng (tất nhiên đấy là chuyện của sau này), nói mấy câu sau đây và mấy câu ấy ám tôi suốt vài hôm:

-mày nhìn quanh xem rồi nói tao nghe thằng nào ở đây là thằng thất bại nhất – dân anh chị nói, khoát tay một vòng bảo thằng đệ, thằng đệ cũng chịu khó nhìn nhưng dĩ nhiên là nó không hiểu và đang đợi câu trả lời – là tao này. Tao chẳng có ước mơ hay hoài bão gì. Nếu tao có tài năng như mày, tao đã không sống uổng phí.

Sau đó nhân vật này chết. Ăn một nhát dao vào bụng. Câu cuối cùng ông ta nói, hãy sống cuộc sống của mình. Tôi không khóc khi nhân vật này chết. Nhưng tôi nhớ sự hiện diện của ông ta ở các phân cảnh trong bộ phim, lời thoại của ông ta, cảm giác mà những câu từ đó gây ra cho tôi vẫn làm tôi phải dừng lại để hít một hơi thật sâu, ép suy nghĩ chầm chậm chìm xuống nơi mà nó đáng ra phải ở. Tóm lại là, tôi chỉ muốn nói với bạn vậy thôi. Rằng sự hiện diện của Thằn Lằn và người yêu của nó khiến tôi thấy mình đang sống. Nói thì nghe đao to búa lớn nhưng mà đôi khi sự thật nó vớ vẩn như vậy đấy. Bạn chẳng có cách để buộc mình tin ngoại trừ tự bản thân trải nghiệm. Cảm giác cô độc nhiều tháng liền ròng rã, không mở miệng nói một câu suốt ba, bốn ngày vì chẳng có ai để mà nói ngoài bản thân mình ra. Sau này tôi biết được rằng tự mình nói chuyện là một cách hữu hiệu để cải thiện khả năng thuyết trình, tôi thực tập nhiều hơn. Lâu dần khi đã quen với cuộc sống một mình một cõi, không để tâm ai và không ai để tâm, chỉ thi thoảng người ta mới nổi cơn thèm khát hơi người nếu vô tình xem hay đọc hay nghe phải một loại hình nghệ thuật thi vị hóa hình tượng loài người mắc dịch. Lâu dần tôi quên mất cảm giác giận dữ, hay cùng cười to với ai đó ở nơi công cộng. Cho đến khi tôi gặp Thằn Lằn.

Thằn Lằn chộp được tôi đang lau máu mũi trong nhà vệ sinh. Tôi không thường chảy máu cam nhưng lần đó đang đi dọc hành lang, tự dưng người ta nhìn vào mặt tôi kiểu kỳ quái. Tôi cũng nhìn lại họ y như vậy. Nhưng mà cái nhìn của họ làm tôi gai người, mình mẩy đau nhức. Tôi tạt vào nhà vệ sinh để né thì thấy máu bắt đầu tứa ra đầy mồm. Lúc này tôi học thêm được một điều là bản năng con người đôi khi rất chó chết. Chúng ta hành động theo cảm tính và cảm tính thì phần lớn cực đoan. Nói ngắn gọn là tôi chùi máu ngay lập tức bằng ống tay áo, bây giờ có hối cũng không kịp vì giặt hoài chẳng sạch. Thằn Lằn bước vào, đưa cho tôi một nắm giấy vệ sinh, nó luôn có giấy vệ sinh trong túi áo. Sau đó chúng tôi đi uống trà và nói về phim ảnh. Thằn Lằn xem phim suốt ngày nhưng mà chả bao giờ nhớ tên nhân vật. Nó bảo mấy cái đó không cần thiết. Bản thân bộ phim cũng chả cần thiết. Mày có thể là minh tinh nhưng trên trái đất này vẫn có người không biết mày. Và tao là đứa đó đây. Tao xem phim như người ta hít thở nhưng tao chả biết đứa ngôi sao bỏ mẹ nào hết. Xem nhiều thì đâm quen mặt vậy thôi nhưng tao không có hứng thú với đời tư của bọn ngôi sao ca sĩ. Mày biết đó, chúng nó không bao giờ bằng một phần mười nhân vật mà chúng nó đóng và đấy là cái mà tao thực sự quan tâm. Ý tao là, mày có thể vờ là một thứ gì đó tốt hơn bản chất của mày, đấy là diễn viên. Tôi không thích quan điểm của Thằn Lằn vì có nhiều diễn viên mà tôi đánh giá rất cao, vì thế chúng tôi tranh cãi trong hòa bình suốt cả buổi chiều. Thằn Lằn mời tôi đi ăn, lần đó chúng tôi đã thực sự ăn bánh mì.

Tôi đến phòng Thằn Lằn vào ngày thứ ba kể từ khi chúng tôi quyết định làm bạn. Phòng nó trống trơn. Nếu Thằn Lằn mất tích đừng hòng có ai tìm được manh mối gì trong phòng nó. Ngoài các vật dụng sẵn có mà khu ký túc xá đã cấp ra (gồm giường, đệm, đèn bàn, ti vi, ghế và bàn làm việc), Thằn Lằn không đem thêm cái gì hết. Không poster, tranh ảnh khiêu dâm, không tủ lạnh mi ni hay bàn là hoặc máy sấy tóc, quần áo thì nó vẫn nhét nguyên trong va li thay vì xếp vào ngăn kéo như người ta đáng ra sẽ làm. Khi tôi thắc mắc, Thằn Lằn nói nếu nửa đêm có cháy nó sẽ không để lại bất cứ thứ gì. Lúc đó tôi đã biết được rằng cái đứa mà tôi đang đánh bạn này thực sự coi trọng những thứ thuộc về nó. Thay vì trưng ra để lúc nào cần là ngắm được, nó giữ rịt lấy và bảo vệ chúng. Nó nghĩ cho tất thảy những thứ ôn dịch đó trước cả bản thân mình. Tôi, dĩ nhiên ngược lại. Phòng tôi dán đủ thứ, treo đủ thứ. Quần áo vứt khắp nơi. Thằn Lằn từ chối vào phòng tôi trừ phi người ta gọi nó tới để nghe tôi trăn trối còn không đánh chết nó cũng không thèm đặt một ngón chân vào. Phòng tôi chất đầy những thứ bỏ đi, hay nói đúng ra thì là rác. Tôi sinh hoạt bừa bộn còn sách vở vứt đầy trên mặt bàn. Nhưng tất cả những thứ đó thoạt nhìn thì lộn xộn nhưng tôi có thứ tự của riêng mình. Tôi biết cái gì ở đâu và khi cần thì tôi chỉ việc vơ lấy nó. Tôi cũng đã nghĩ đến trường hợp hỏa hoạn xảy đến trong đêm và tôi cần gấp rút quyết định xem cái gì mang đi cái gì để lại. Thực ra ngoài tấm thân thì hộ chiếu và thẻ ngân hàng là hai thứ rất mất công làm lại. Từ rất sớm tôi đã có tư tưởng rằng những thứ mà tôi muốn đôi khi không phải những thứ mà tôi cần. Kể từ đó tôi giảm thiểu tối đa những thứ đồ mua sắm, cũng có ích vì nhờ thế mà tôi tiết kiệm được một khoản kha khá. Cách làm của tôi là, trước khi định mua thứ gì đó tôi đặt nó vào trong biển lửa. Nếu tôi bỏ chạy chứ không cứu nó ra, thì tôi không thực sự cần đến nó. Thằn Lằn tán thành cách làm này của tôi dù nó chả bao giờ phải áp dụng. Thứ duy nhất khiến nó tự nguyện xì tiền ra là đồ ăn và đồ ăn và đồ ăn và không gì khác.

Câu chuyện tiếp tục khoảng hai giờ đồng hồ sau đó. Tôi ngồi trên bàn làm việc trống trơn của Thằn Lằn và nhìn ra ngoài cửa sổ. Nghe lãng mạn gớm, tôi đồng ý với bạn, thêm một tách cà phê. Nhưng mà không. Cốc thì nóng gần chết làm tôi chỉ dám ôm hờ, tư thế ngồi khiến chân tôi tê dại, đầu ngón chân bắt đầu mất cảm giác còn máu thì tích tụ đủ để biến chúng thành mấy cái nấm bị bầm. Tất cả chỉ vì Thằn Lằn và thằng con lai đang tình tự trên giường. Còn tôi, tôi phải ngồi trông cái máy quay, để đảm bảo cái của ôn dịch này không bị đổ hay rớt rơi hay sai lệch góc máy trong khi thực thi công dụng của nó là quay một bộ phim khiêu dâm dài chừng mười thế kỷ. Tụi bồ bịch đang đạp lên nhau trên giường, cảnh đó chả có gì là nóng bỏng nếu bạn hỏi. Tôi sẵn sàng sao cái video này ra nghìn bản rồi đăng lên mấy trang web khiêu dâm, ít ra có thể kiếm chút tiền. Tôi cũng biết nếu mà tôi làm thế Thằn Lằn sẽ nghỉ chơi tôi rồi thì người phải nghe nó trăn trối là tôi, và dĩ nhiên nó chả thèm di chúc lại cho tôi cái gì hết. Thằng con lai sẽ giết tôi vì tại tôi mà bồ nó chết. Khi siết cổ tôi trong đêm tối bằng đôi bàn tay đang mò mẫm Thằn Lằn đằng kia, đôi mắt nó sẽ biến thành màu xanh của những cánh rừng nhiệt đới mà tôi nói bạn nghe, chúng rất đẹp. Thật đấy. Lấp lánh dưới mặt trời mùa hè, những chiếc lá non ẩm ướt dưới nghìn trùng tán lá ken dày đặc đan thành từng lớp chồng lên nhau. Sâu bên dưới trong mắt nó, ý tôi là nếu ta nhìn thật lâu vào màu xanh ấy, có thể thấy được sương mù đang trôi bồng bềnh trên mặt đất. Chốn tối tăm mát mẻ và an toàn tít trong rừng bên một nhánh sông đổ ra biển Bắc Đại Tây Dương. Liên tưởng hơi quá rồi.

Màn trình chiếu phim khiêu dâm miễn phí mà trong đó tôi là đạo diễn kiêm trợ lý đạo diễn kiêm phụ trách trang phục (nghe thì vô nghĩa nhưng đúng là tôi đã cố thuyết phục Thằn Lằn mặc một cái quần xì da báo) kiêm quay phim kiêm biên tập kiêm lồng tiếng. Tôi rất mệt vì bầu trời đang tối dần chẳng bao giờ làm người ta khỏe lên nhất là khi trước đó người ta phải ngồi xem hai đứa khùng đ. nhau trên cái giường mà hồi nãy người ta hãy còn mải khỏa thân bơi ngửa. Tôi nói với Thằn Lằn là mình phải về phòng. Nó muốn tôi ở lại cùng ăn tối, pizza hay burger hay gì đó mà tôi thích vì nó muốn cảm ơn tôi. Rồi tôi nói tụi nó cứ thoải mái ăn uống với nhau vì tôi thấy tốt nhất là tôi cần phải ngủ. Thằn Lằn đưa cho tôi một túi bánh mì còn hơn nửa và một hộp bơ lạc rồi đóng cửa lại. Tôi đứng trơ trọi giữa hành lang một tay cầm túi bánh một tay cầm hộp bơ, và xin miễn cho những miêu tả chi tiết thừa thãi về loại trang phục tôi đang mặc. Nếu mà bạn có thể nhìn thấy, nếu mà bạn có thể nhìn thấy. Quả là một bức tranh biếm họa tuyệt hảo về nỗi cô đơn của tối thứ bảy nhất là khi bạn đã không còn tin vào bất cứ điều gì.

Có lẽ câu chuyện này sẽ cứ kéo dài lê thê như thế, nếu bạn để tôi kể lại những gì mà tôi còn nhớ được về khoảng thời gian này. Khi tôi và Thằn Lằn sống cuộc sống của hai đứa nhưng vẫn kết nối với nhau. Chúng tôi đã từng rất vui vẻ. Đúng vậy. Tôi quen nó tính ra thì được năm tháng tròn. Nghe có dài không? Với tôi thì vừa dài vừa ngắn. Ngắn vì nó đã kết thúc. Dài vì tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ. Có rất nhiều chuyện để nói khi tôi tỉnh dậy vào mùa đông và nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Khi cuộc đời mà ở đó tôi đã sống cạnh Thằn Lằn kết thúc, tôi về nước, sống một mình rất lâu trong một căn hộ nhỏ trên tầng tám, chả giao du với ai, cửa nhà bốn mùa lúc nào cũng đóng chặt. Không phải vì tôi không muốn. Ồ tôi muốn chứ. Chỉ là tôi rất cần thời gian. Tôi cần phải sắp xếp đống hổ lốn trong lòng mình lại, nhặt cái này lên cất cái kia đi, không tiêu hủy bất cứ thứ gì. Có những ngày tôi giữ tấm ảnh chụp tôi và Thằn Lằn trước cổng ký túc xá trong bàn tay rất lâu, dựa lưng vào tường và nhai bánh mì nướng. Mùi vị của bánh không thay đổi dù cho tôi ăn nó ở đâu, ở thành phố của Thằn Lằn hay căn hộ của tôi, trong phòng trên giường nó, gối đầu lên đùi nó và lắng nghe tiếng tim của Thằn Lằn rơi tõm vào một góc khuất trong ký ức của tôi. Bây giờ tiếng đập dịu dàng ấy vẫn vang lên trong bóng đêm, thi thoảng vào những ngày tôi khó ngủ. Âm thanh ở nơi sâu nhất của Thằn Lằn. Loài bò sát đáng nguyền rủa này. Chẳng ai bảo tôi phải khóc, hay phải gì đó để giải quyết những thứ phiền muộn trong lòng mình. Mà, thực tế thì tôi cũng chẳng cần những lời khuyên kiểu đó. Bạn biết đấy, thời gian đang làm việc và chúng ta chỉ cần ngồi yên. Vì thế, trong khi chờ đợi, tôi giải trí bằng thú vui nho nhỏ là nhớ về Thằn Lằn. Những thứ nhỏ nhặt của nó mà khi nó diễn ra dường như tôi đã không để ý. Nhưng tôi đã nhầm. Đôi mắt của tôi thấy tất cả, bộ não của tôi ghi nhớ tất cả. Cơ thể của tôi phản ứng với tất cả.

Có một lần Thằn Lằn đòi thi chạy việt dã. Cái con dở người này nghĩ là nó rất khỏe, trên thực tế (của nó), nó tuyên bố nó khỏe hơn bất kỳ thằng đối thủ nào. Mà nó đã gặp thằng nào đâu cơ chứ. Nó cứ thế phăm phăm đi ghi tuyển, lấy số báo danh, chả thèm tập luyện một ngày nào, chậm rãi nhẩn nha hí hửng chờ người ta gọi đi thi đấu. Ban đầu tôi lo thay cho Thằn Lằn gần chết. Nó ương bướng kinh khủng và chả thích nghe lời ai. Tuy nhiên tôi từng thấy nó làm theo yêu cầu của thằng bồ một lần lúc thằng này vừa tắm xong nhờ Thằn Lắn lấy hộ cái khăn tắm. Ấy là lần duy nhất tôi thấy nó tự nguyện làm hộ người ta cái gì đó mà không lườm nguýt hay cắm cảu. Khổ một nỗi đợt đó thằng con lai đang về thăm nhà. Cuộc thi chạy việt dã diễn ra vào mùa đông. Tôi nhớ không lầm thì là vào đầu tháng 10, khi đó tuyết đã rơi lất phất song chưa dày, mặt đường không trơn trượt mà vẫn đủ độ bám để phục vụ cho việc chạy mà không lo thí sinh có nguy cơ vỡ mặt. Thằn Lằn nói tôi đừng lo, nó sẽ ẵm cúp cùng số tiền thưởng mà chả biết nghe ở đâu chỉ thấy bảo là nhiều lắm. Có tiền rồi nó sẽ bao tôi đi du lịch, đến mấy thành phố lớn lân cận một lần cho biết cảm giác ra nước ngoài, chứ cứ quanh đi quẩn lại trong trường rồi cái thủ đô chán chết này thì thà ở mẹ nhà cho xong. Hôm thi đấu, Thằn Lằn dậy sớm, trái hẳn với thời gian biểu thất thường hàng ngày. Nó gõ cửa phòng tôi ầm ĩ tới nỗi tầng trên tầng dưới hôm đó thi nhau phàn nàn. Thằn Lằn bảo tôi chuẩn bị nước tăng lực, trứng luộc và vitamin cho nó, rồi mặc quần áo ấm chờ nó dưới cổng. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Năm giờ sáng tôi đứng trước cổng ký túc xá, tay xách nách mang như đang chạy nạn chờ bạn xuống để đưa đi thi đấu. Tôi chả thấy mống nào trên con đường hôm ấy ngoài ánh sáng của đèn đường hãy còn được bật vì trời vẫn tối đen. Tôi yên lặng chờ đợi. Trời không quá lạnh nhưng vì chủ quan sẽ bắt được xe bus ngay nên tôi không quàng khăn hay mũ mão gì hết. Thiết nghĩ đi cổ vũ chạy bộ chắc là bốc lắm nên tôi ngại chằng chịt các thứ lên người, mắc công cởi ra rồi chả biết bỏ vào đâu cho gọn. Tôi chắc mẩm nếu mà Thằn Lằn tự tin như nó đã thể hiện suốt mấy ngày qua thì có khi nó là vận động viên chạy đường dài chuyên nghiệp bẩm sinh mà chẳng qua là tôi không được biết. Tôi thậm chí còn tính đến việc sẽ đưa nó đi ăn sau khi cuộc đua kết thúc dù cho nó có thắng hay không. Lúc đó chả hiểu vì sao tự nhiên tôi thấy tự hào về Thằn Lằn. Vào lúc đó, bây giờ nghĩ lại, tôi thực sự đã nghĩ rằng mình có thể ở bên đứa bạn này và yêu thương nó. Nhưng mà bạn biết gì không, con quái đó không bao giờ xuất hiện. Nó bỏ bom tôi, nói ngắn gọn thì là thế. Sau này đôi khi đang ngồi trong thư viện tự nhiên Thằn Lằn ôm bụng cười phá lên. Nó bảo nó nhớ lại cái mặt tôi nước mũi chảy lòng thòng, tay thì ôm đủ thứ linh tinh nào trứng nào nước, vai đeo ba lô còn mặt thì tê tái, mắt mờ tịt. Dĩ nhiên tôi cáu nó mất một tuần. Tôi chả thể hiểu nổi nó làm thế để làm gì. Khi tôi hỏi thì Thằn Lằn bảo nó chả biết, nó chả quan tâm lắm về mục đích của mình. Đôi khi tôi cho rằng Thằn Lằn là đứa bạn tốt nhất trên đời, nhưng nếu một ngày nào đó nó đâm chết tôi khi tôi đang ngủ thì tôi cũng chả ngạc nhiên.

Một hôm nọ Thằn Lằn ôm tôi khi đang ngủ. Nó ngủ mớ rồi vắt tay ngang người tôi. Nó nói, đừng đi. Và tôi nắm tay nó, chả biết vì cái bỏ mẹ gì, nhưng tôi đã nắm tay nó và tôi nói, còn lâu mới đi.

Một hôm khác, Thằn Lằn cho thằng bồ leo cây để giúp tôi soạn đồ về thăm nhà vào dịp nghỉ đông. Có thể tôi lầm, nhưng sự có mặt của nó lần đó không thực sự giúp ích gì cho tôi lắm. Thực tế thì tôi cứ xếp xong cái va li nào là nó bới tung cả lên, với lý do xếp như này không được. Tôi chả hiểu không được ở chỗ nào nhưng tôi không nổi giận. Vì sao tôi không giận? Tôi không biết. Tôi chỉ thấy dễ chịu lạ kỳ.

Vào mùa hè, trước khi Thằn Lằn trở về nhà ở thành phố bên cạnh, tôi cùng nó bắt một chuyến xe bus đêm vào trung tâm thành phố. Trên xe bus ngoài chúng tôi ra còn có hai người, một đàn ông và một đàn bà. Không tính tài xế. Thằn Lằn vốn lắm mồm nhưng lần đó nó yên lặng. Chúng tôi đeo tai nghe và nghe nhạc của mình. Không ai nói gì cho tới khi xuống xe. Quán xá đều đóng cửa hết cả. Chúng tôi đi song song, băng qua từng con phố, các dãy nhà, không quẹo lần nào, chỉ dừng lại ở một tiệm cà phê để mua hai cốc trà, sau đó chúng tôi đi mãi. Đó là chuyến du hành kỳ lạ nhất mà tôi và Thằn Lằn đã chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi chả bao giờ nói về chuyện đó. Chỉ biết rằng mỗi lần nhớ lại, mà tiện thể nói luôn tôi nhớ lại rất thường xuyên, rằng bóng tối của thành phố đã không hề làm tôi sợ hãi. Trái tim của tôi hiện ra dưới hình dạng ban đầu của nó, hít thở bầu không khí và tận hưởng chuyến đi không đích đến của mình. Đã không có lời nói hiện ra ngày hôm ấy. Nhưng để nói về nó, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ là đủ. Cuộc đời của tôi có thể gói gọn lại trong một hộp các tông đựng giầy, bọc giấy bóng. Ở trong đó là mỏm vai nhìn nghiêng từ bên trái của Thằn Lằn ướt đẫm sương đêm.

Ngẫm lại thì, những mẩu tưởng niệm của tôi đều gắn liền với việc ra đi và ở lại. Tôi nhớ về Thằn Lằn rõ nét nhất mỗi khi tôi phải rời xa nó để đi tới một nơi nào khác. Việc này, xét cho cùng, thuộc về một chiều hướng lạ lẫm mà tôi không rành rọt. Tôi không biết nhiều khi nhắc tới chuyện đó. Thật phiền toái.

Khi chẳng còn gì ngoài những thứ như vậy, tôi nhận thấy một con người, ý tôi là sự tồn tại của một con người có thể vô nghĩa tới mức nào. Nếu tôi không tiếp tục nhớ về Thằn Lằn, sẽ chẳng còn ai nhớ về nó. Âm thanh khi nó chớp mắt, sự lay động của vành tai, mùi thơm của những sợi tóc đổ rạp, cổ áo bị gập vào trong, chiếc tất đơn độc trên bậu cửa số sực mùi khô ấm. Và một ngày nào đó tôi cũng sẽ quên. Như người ta đã quên Thằn Lằn, như người ta sẽ quên tôi, như người ta đã quên mọi thứ từ nhiều năm về trước. Chẳng có gì để nhớ lại. Ngay cả lịch sử là cái đã diễn ra cũng chẳng quan trọng hơn việc ngày mai ta sẽ ăn gì. Một cá thể là sự vô nghĩa lý phản diện nhất. Thế mà, người ta cứ đắm đuối với yêu thương.

Bạn có nhớ khi tôi nói Thằn Lằn và bồ nó rất khoái cãi nhau? Lần cãi nhau cuối cùng đã gây ra cái chết của Thằn Lằn. Chuyện đó xảy ra vào cái ngày tôi bị đá khỏi phòng sau khi giúp tụi nó làm phim đồi trụy. Thằng con lai chả bao giờ chịu nói cho tôi nghe nguyên do cho hành động của nó. Có lẽ là đôi mắt của nó đã khiến nó làm thế. Có thể, khu rừng xanh thẫm ấy đã từ chối tiếp nhận loài bò sát độc lập này.

Thằn Lằn chết với đôi mắt mở. Tôi không định vuốt mắt cho nó. Tôi thích nó cứ nhìn chăm chăm lên trần nhà, hoặc lên bất cứ thứ gì ở bất cứ đâu mà giờ đây nó đang được người ta đưa tới. Cái nhìn trỗng rỗng sâu hoắm như miệng giếng tối đen, chỉ có thể an tâm leo xuống nếu mà ta biết đường. Không có ánh sáng ở đó. Ánh sáng đôi khi làm ta đau, bạn biết đấy. Đôi khi bóng tối dễ chịu hơn nhiều. Bóng tối che chở cho tất cả mà không phán xét, vì thừa nhận với tôi đi, bạn khao khát được hòa làm một với chất lỏng đang chảy trong người mình.

Đứa trẻ đáng ghét này nhảy nhót trong ánh nắng chiều. Bầu trời bên ngoài đang bắt đầu sụp xuống. Thế giới không kết thúc khi thế giới của một cá nhân biến mất. Tôi nhận thức được điều này. Thế giới của Thằn Lằn. Thế giới của tôi. Những mảnh vỡ trơ trọi nằm trong một tổng thể hoàn chỉnh rắn chắc.

Cái chết không thể đoán trước.

Nhưng luôn có thời điểm cho tất cả mọi điều.

25 tháng 1, 2015.