Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Jorge Luis Borges – Sáng lập trào lưu văn chương Hóa Ảo Hiện Thực (3)

Ngu Yên
3. (Ám chỉ quan niệm sáng tác của Borges qua những tác phẩm và tác giả khác)
clip_image002
(Tranh màu sơn dầu, Marcelo Neira.)
Hỏi:
Ông đã từng nói, nhà văn không bao giờ nên bị đánh giá bởi tư tưởng của họ.
Borges:
Không, tôi không cho tư tưởng là quan trọng.
Hỏi:
Vâng, như vậy, đánh giá họ bằng cách nào?
Borges:
Nên đánh giá họ bằng sự thú vị mà họ đã mang đến và bằng cảm xúc mà người đọc cảm nhận. Còn tư tưởng, cho cùng, không quan trọng lắm, cho dù, tác giả có một số quan điểm chính trị hoặc những quan điểm khác, vì câu truyện sẽ thông qua bất chấp quan điểm, như trong trường hợp tiểu thuyết Kim của Kipling (23). Giả thử, chúng ta phân tích tư tưởng của đế quốc Anh, theo tôi, trong Kim, những người thật sự được thương mến, không phải là người Anh, nhưng là một số người Ấn Độ và người Hồi giáo. Theo tôi, họ tử tế hơn. Và đó chỉ vì ông ta nghĩ họ... Không, không… không phải vì ông nghĩ họ tử tế hơn, vì ông đã cảm nhận họ tử tế hơn nhiều.
Hỏi:
Còn tư tưởng siêu hình thì sao?
Borges:
A, hay lắm, tư tưởng siêu hình, đúng vậy. Có thể tiếp tục đưa vào ngụ ngôn.
Hỏi:
Rất thường xuyên độc giả xem truyện của ông là dụ ngôn (24). Ông có thích như vậy không?
Borges:
Không, không... Họ không có ý nói là ngụ ngôn. Tôi nghĩ, nếu là ngụ ngôn.... [ngừng khá lâu] .... đó là,... nếu là ngụ ngôn, có thể tình cờ trở thành ngụ ngôn, nhưng tôi không bao giờ có định viết ngụ ngôn.
Hỏi:
Như vậy, không phải như ngụ ngôn của Kafka? (25)
Borges:
Chúng ta biết rất ít về trường hợp của Kafka. Chỉ biết rằng ông không hài lòng về tác phẩm của mình. Dĩ nhiên, ông nói người bạn, Max Brod, ông muốn đốt hết các bản thảo, như Virgil đã làm. Giả thiết, ông biết trước bạn ông sẽ không làm như vậy. Một người muốn đốt bản thảo của mình, cứ việc thảy chúng vào lò lửa, chỉ thế thôi. Khi ông nói với người bạn thân, “Tôi muốn tất cả những bản thảo phải được hủy bỏ,” mà biết trước bạn ông sẽ không bao giờ làm. Bạn ông cũng hiểu ông vốn biết điều đó. Và ông cũng hiểu người khác cũng sẽ biết ông đã biết... vân...vân...
Hỏi:
Đó là kiểu của những người theo James (26)
Borges:
Vâng. Dĩ nhiên. Tôi nghĩ, cả thế giới của Kafka được tìm thấy trong truyện của Henry James, nhưng phức tạp hơn nhiều. Theo tôi, cả hai đều suy nghĩ về thế giới như một thực tại vừa phức tạp lại vừa vô nghĩa.
Hỏi:
Vô nghĩa?
Borges:
Anh không nghĩ như vậy sao?
Hỏi:
Không, tôi thật sự không nghĩ như vậy. Trong trường hợp của James....
Borges:
Nhưng trường hợp của James, vâng. Trong trường hợp của James, vâng. Tôi nghĩ, ông ta không tin đời sống có bất kỳ mục tiêu đạo đức nào. Theo tôi, ông không tin vào Thượng Đế. Trong thực tế, tôi nghĩ, ông có viết một lá thư cho người anh trai, nhà tâm lý William James, trong đó ông nói rằng, thế giới là một bảo tàng kim cương, cứ cho nó là một sưu tập kỳ dị, không đúng sao? Tôi giả dụ ông ta có ý như vậy. Bây giờ, trong trường hợp Kafka, theo tôi Kafka vẫn còn tìm kiếm một điều gì.
Hỏi:
Tìm ý nghĩa?
Borges:
Vài ý nghĩa nào đó, đúng, rồi có lẽ không tìm thấy. Theo tôi, cả hai đều sống trong trạng thái rối loạn, không đúng sao?
Hỏi:
Tôi đồng ý về điểm này. Ví dụ, như cuốn sách The Sacred Fount...
Borges:
Vâng, The Sacred Fount và nhiều truyện ngắn khác. Ví dụ, The Abasement of the Notyhmores, cả câu chuyện là một cuộc trả thù ngoạn mục, nhưng cuộc trả thù mà người đọc chẳng hề biết có xảy ra hay không. Người đàn bà biết chắc chắn về tác phẩm của chồng, mà dường như không có ai đọc hoặc quan tâm đến, nhưng lại hay hơn rất nhiều so với tác phẩm của người bạn nổi tiếng. Cũng có thể cả câu truyện hoàn toàn không đúng. Có thể, bà ta bị ám ảnh bởi tình yêu đối với chồng. Người ta không biết, khi những lá thư được công bố, có thật sự nói lên được gì. Đương nhiên, James đã cố viết hai hoặc ba câu truyện trong cùng một thời gian. Đó là lý do tại sao ông không hề cho bất cứ một giải thích nào. Sự giải thích sẽ làm câu truyện kém hơn. Ông ta nói, truyện The Turn of the Screw chỉ là một nồi nấu nước nóng, không cần phải quan tâm nhiều. Nhưng tôi không nghĩ đó là sự thật. Ví dụ, ông nói, nếu tôi đưa ra một giải thích, câu truyện sẽ dở đi, vì những cách giải thích khác về câu truyện, sẽ bị gạt bỏ. Theo tôi, ông làm việc này có chủ ý.
Hỏi:
Tôi đồng ý. Người đọc không cần phải biết.
Borges:
Người đọc không cần biết. Có lẽ, ông ta cũng không biết luôn.
Hỏi:
Ông có muốn độc giả của ông giống như vậy không?
Borges:
Dĩ nhiên tôi muốn. Nhưng tôi nghĩ những truyện ngắn của James hay hơn tiểu thuyết của ông rất nhiều. Điều quan trọng trong truyện ngắn của Henry James là do tình huống tạo nên, không phải do nhân vật. The Sacred Fount có thể sẽ hay hơn, nếu ta có thể phân biệt nhân vật này với nhân vật kia. Nhưng phải trải qua khoảng ba trăm trang để có thể khám phá ra tình nhân này, tình nhân nọ của bà là ai. Rồi đến lúc cuối, ta có thể đoán ra chính là người này, người nọ, không phải bằng tên họ rõ ràng. Ta không thể phân biệt; họ nói cùng một kiểu; không có cá tính thực sự. Dường như chỉ có một nhân vật Hoa Kỳ là nổi bật. Nếu anh nghĩ về nhà văn Dickens, dù những nhân vật có vẻ không hiện rõ, vai trò của họ quan yếu hơn so với cốt truyện.
Hỏi:
Có thể nào nói rằng, trong truyện của ông, tình huống tạo ra căn nguyên, không phải nhân vật?
Borges:
Tình huống, đúng như vậy. Ngoại trừ tư tưởng của lòng dũng cảm, mà tôi rất thích. Có lẽ, dũng cảm vì tôi là người thiếu can đảm.
Hòi:
Có phải vì vậy mà trong truyện ông xuất hiện nhiều gươm dao và sùng?
Borges:
Vâng, cũng có thể. Ô, còn hai lý do khác: Thứ nhất, vì nhìn thấy kiếm gươm trong gia đình, của ông tôi và ông cố… vân... vân... (họ là quân nhân). [...] ... Sau là vì tôi được nuôi lớn ở Palermo, hoàn toàn là khu ổ chuột, mọi người luôn luôn nghĩ cho bản thân. Tôi không muốn nói đó là sự thật, nhưng họ luôn luôn tự cho mình tốt hơn những người sống trong khu phố khác, như là đánh lộn giỏi hơn hoặc đại loại như vậy. Dĩ nhiên, điều đó có thể là cặn bã. Tôi không nghĩ là họ can đảm đặc biệt gì. Để gọi một người hoặc nghĩ anh ta là kẻ hèn mạt, đó là điều cuối cùng, là điều mà anh ta không thể chịu đựng nổi. Tôi biết có trường hợp một người từ khu nam trong thị trấn, đến gây sự với một người nổi tiếng đánh dao rất giỏi ở khu Bắc rồi bị giết chết một cách đau đớn. Họ không có lý do chính đáng nào để đánh nhau. Chưa bao giờ gặp nhau, không có nghi vấn về tiền bạc, phụ nữ hoặc thứ gì khác. Tôi thử nghĩ giống như chuyện miền Viễn Tây. Ở đây chỉ khác là không bắn súng, mà đấu dao.
Hỏi:
Phải chăng sử dụng dao là động thái mang hình thức của hành vì thời xa xưa?
Borges:
Vâng, hình thức thời xưa. Mang nhiều tâm tư của một người về lòng dũng cảm. Vì anh có thể là tay thiện xạ giỏi nhưng chưa hẳn đã có can đảm. Nhưng nếu anh trên đường đến một khu phố lân cận để đánh nhau và anh mang theo dao, thì khác...
[Bỏ đoạn kể chuyện đánh nhau..và một câu hỏi về xã hội đen...]
(Cô Susana Quintero bước vào lần nữa - Ông Campbell đang chờ ông. Boges: - Vâng, vâng, chúng tôi biết, Gia đình Campbell sắp tới...)
Hỏi:
Tôi muốn hỏi ông về hai tác gia, nhà văn Joyce (27) và thi sĩ Eliot (28). Ông là một trong những độc giả đầu tiên của Joyce, ông còn dịch một phần tác phẩm Ulysses sang tiếng Tây Ban Nha, phải vậy không?
Borges:
Vâng, nhưng e rằng tôi đã hiểu sai khi dịch trang cuối cùng của Ulysses. Nói sang Eliot, thoạt tiên tôi xem ông ta như một nhà phê bình giỏi hơn là một nhà thơ. Lúc này, nghĩ lại, đôi khi, ông ấy là nhà thơ rất hay. Riêng về phê bình, tôi phát hiện ông ta có khả năng luôn luôn biết thu thập những đặc điểm hay. Nếu anh đọc một nhà phê bình lớn, ví như Emerson hoặc Coleridge, sẽ cảm thấy họ đã đọc kỹ tác giả, thành thử những phê bình phát xuất từ kinh nghiệm riêng của họ, trong khi Eliot luôn luôn có ý, hoặc đồng thuận với giáo sư này hoặc không đồng lòng với giáo sư khác, ít nhất là tôi luôn luôn cảm nhận như vậy. Do đó, ông ta chẳng sáng tạo điều gì. Là một người thông minh, biết sử dụng những quan điểm hay (của những người khác), cứ giả dụ rằng ông ta đúng; Nhưng trong khi, lấy ví dụ sẵn có, đọc Coleridge phê bình Shakespeare, đặc biệt về nhân vật Hamlet, sẽ cảm nhận được một Hamlet mới, được sáng tạo cho người đọc. Hoặc đọc Emerson phê phán Montaigne hoặc tác giả nào đó, (cũng cảm nhận như vậy.) Trong phê bình của Eliot, không có tác động sáng tạo. Chúng ta có cảm giác, ông đọc rất nhiều sách cùng một chủ đề rồi ông đồng ý hoặc không đồng ý, thỉnh thoảng đưa ra vài nhận xét làm bực mình, không đúng sao?
Hỏi:
Vâng, sau đó ông rút lời lại.
Borges:
Vâng, vâng, sau này ông rút lại. Dĩ nhiên, ông lấy lại những nhận xét này vì trước hết, lúc đó, ông là loại người, giờ đây gọi là “ngựa non háu đá.” (29). Cuối cùng, tôi cho rằng ông đã tự kiểm bản thân như một người Anh truyền thống, rồi ông nhận ra, cần phải tử tế với các đồng nghiệp kinh điển, do đó, sau một thời gian, ông lấy lại hầu hết những gì đã phê phán Milton và kể cả Shakespeare. Kết cuộc, ông cảm thấy họ chia xẻ với nhau một số tư tưởng chung trong lãnh vực hàn lâm.
Hỏi:
Phải chăng tác phẩm của Eliot, thơ của ông ta, có ảnh hưởng đến tác phẩm của ông?
Borges:
Không, tôi không nghĩ như vậy.
Hỏi:
Tôi có ấn tượng bởi điều gì giống nhau giữa The Waste Land (30) và truyện The Immortal của ông.
Borges:
Nếu có điều gì giống, thì đó là việc ngoài ý muốn, vì Eliot không phải là thi sĩ mà tôi yêu thích. Tôi xếp hạng Yeats (31) cao hơn ông ta nhiều. Thật vậy, nếu anh không khó chịu vì ý kiến của tôi. Theo tôi, Frost (32) là thi sĩ hay hơn Eliot. Tôi muốn nói, một thi sĩ phẩm chất hơn. Nhưng tôi cho rằng Eliot là người rất đỗi thông minh, tuy nhiên, thông minh liên hệ rất ít với thơ.
Thơ bật ra từ điều gì sâu thẳm; vượt ra ngoài trí thông minh. Có thể không liên quan gì với thông thái. Thơ là một thứ gì tự hiện hữu; có sức sống riêng. Không thể định nghĩa. Tôi nhớ, dĩ nhiên là lúc tôi còn trẻ, thậm chí tôi tức giận khi Eliot phát biểu xem thường Sandburg (33). Tôi nhớ, tôi không có ý định trích dẫn nguyên văn, chỉ ý chính thôi, ông nói, thời cổ điển rất tốt đẹp, nhưng phần kéo lê về sau, cho chúng ta cơ hội đối diện với những nhà văn như “ông” Carl Sandburg. Khi người ta gọi thi sĩ bằng “ông” [cười], đó là từ xưng hô chế nhạo. nghĩa là người không có tên tuổi gì mấy, tìm được cách đi vào thi ca, không xứng đáng ở lại, là người bên lề. Nghĩa trong tiếng Tây Ban Nha còn tồi tệ hơn, đôi khi nói về thi sĩ, họ gọi “El Doctor So-and-so.” Đó là cách hủy hoại và xóa bỏ nhà thơ.
Hỏi:
Như vậy, ông thích Sandburg phải không?
Borges:
Vâng, dĩ nhiên tôi thích. Theo tôi, Whitman (34) quan trọng hơn Sandburg nhiều, nhưng khi đọc Whitman, anh nghĩ đến ông ta về khía cạnh văn chương, có lẽ, là một người ít biết nhiều chữ nghĩa, đang cố gắng hết sức viết bằng tiếng bản xứ, và tận dụng tiếng lóng càng nhiều càng tốt. Ở Sandburg, tiếng lóng đến một cách tự nhiên.
Dĩ nhiên, có hai Sandburg: một rất thô, còn người kia rất tinh tế, đặc biệt là khi ông viết về cảnh trí. Ví dụ, đôi khi ông diễn tả cảnh sương mù, làm anh nhớ lại bức tranh vẽ của Trung Hoa. Trong khi những bài thơ khác của Sandburg khiến anh chỉ muốn nghĩ đến côn đồ, lưu manh, hạng người này. Giả tỷ ông là người phân thân, tôi nghĩ, cả hai thật sự ngang nhau: trong thời ông tận lực làm thi sĩ ở Chicago và khi ông sáng tác trong tâm trạng khác nhau.
Một điều khác mà tôi thấy lạ trong Sanburg cũng là điều trong Whitman, nhưng dĩ nhiên, Whitman là “người sinh thành” Sandburg, Whitman viết tràn đầy hy vọng, trong khi Sandburg viết giống như đang viết cho hai hoặc ba thế kỷ sắp đến. Khi ông viết về các lực lượng viễn chinh của Hoa Kỳ, hoặc viết về đế quốc hoặc chiến tranh, v.v. ông viết tựa như những điều đó đã chết và đã qua đi.
Hỏi:
Có yếu tố tưởng tượng kỳ lạ trong tác phẩm của Sandburg, khiến tôi muốn hỏi ông về những ý nghĩ kỳ quặc. Ông dùng từ ngữ này rất nhiều trong tác phẩm, ví dụ, tôi nhớ, ông gọi là Green Mansion, cuốn tiểu thuyết kỳ quái.
Borges:
Đúng như vậy.
Hỏi:
Thế thì ông định nghĩa kỳ quái như thế nào?
Borges:
Tôi cũng tự hỏi, nếu có thể định nghĩa được. Theo tôi, đúng hơn, là một ý định trong nhà văn. Tôi nhớ một nhận xét sâu sắc của Joseph Conrad (35), một trong các tác giả tôi yêu thích, tôi nghĩ nó nằm trong lời tựa của cuốn sách nào đó, như là The Dark Line, nhưng không phải...
Hỏi:
The Shadow Line, phải không?
Borges:
The Shadow Line. Trong phần lời tựa, ông viết, một số người có thể nghĩ rằng câu truyện này kỳ quái vì con ma của thuyền trưởng chận đứng chuyến tàu. Ông viết, điều đó gây cho tôi ấn tượng vì tôi cũng viết truyện kỳ quái, cố tâm viết một câu truyện kỳ quái không phải để cảm thấy cả vũ trụ đầy kỳ dị và bí ẩn; cũng không có nghĩa thiếu nhạy cảm để viết điều gì đó với ý định kỳ quái. Conrad cho rằng khi sáng tác, dù viết theo lối hiện thực, về đời sống, nhà văn cũng đã viết truyện kỳ quái, bởi vì bản thân cuộc đời là kỳ quái và bất ngờ đầy huyền bí.
Hỏi:
Ông chia sẻ nhận định này phải không?
Borges:
Vâng, tôi đồng ý ông ta nói đúng. Tôi trò chuyện cùng Bioy Casares (36), cũng viết truyện kỳ quái, những câu truyện rất,... rất hay. Anh ta nói rằng, “Theo tôi Conrad nhận xét đúng. Thật tình, chẳng ai biết rõ đời sống này là thực hay ảo, để nói cuộc đời là một quá trình tự nhiên hoặc là giấc mơ, một giấc mơ chúng ta có thể hoặc không thể chia xẻ cùng người khác.”
Hỏi:
Ông thường xuyên hợp tác với Bioy Casares, phải không?
Borges:
Đúng, tôi luôn luôn cộng tác với anh ấy. Mỗi đêm, tôi ăn tối ở nhà anh, sau đó, chúng tôi cùng ngồi xuống sáng tác.
Hỏi:
Ông cò thể cho biết phương pháp hợp tác này ra sao?
Borges:
Vâng, chuyện khá kỳ quặc. Khi chúng tôi viết với nhau, khi chúng tôi hợp tác, lấy bút hiệu là H. Bustos Domecq. Bustos là tên ông sơ của tôi, còn Domecq là tên ông sơ của anh ta. Điều kỳ lạ là khi viết chung, hầu như chúng tôi viết truyện khôi hài, ngay cả những nội dung bi thảm, được kể lại bằng giọng văn hài hước, hoặc kể lại giống như người kể truyện không biết mình đang nói gì. Khi viết chung, kết quả của việc hợp tác, nếu thành tựu, đôi khi thành công, tại sao không? Tóm lại, tôi đang nói về trường hợp đa số, không đúng sao? Khi tác phẩm của chúng tôi thành công, những thành tựu khá khác nhau giữa truyện của Casares và truyện của tôi, ngay cả chuyện khôi hài cũng khác nhau. Có nghĩa là chúng tôi dựng lên một nhà văn thứ ba, hoàn toàn không giống hai chúng tôi.
Hỏi:
Một tác giả tưởng tượng?
Borges:
Vâng, một nhà văn ảo với sở thích riêng, một văn phong cá biệt, điều đó có vẻ vô lý, nhưng vẫn là văn phong riêng của ông ta, khá khác với văn phong của tôi khi tạo dựng những nhân vật khác thường. Theo tôi, đó là cách duy nhất để hợp tác. Nói chung, chúng tôi bàn sơ qua cốt truyện, trước khi viết xuống, đúng hơn, tôi nên nói là đánh máy vì anh ta dùng bàn máy chữ. Trước khi viết, chúng tôi thảo luận về toàn thể câu truyện, đi qua những chi tiết, thay đổi chúng, dĩ nhiên; Chúng tôi nghĩ đến đoạn mở đầu, rồi nghĩ đến mở đầu có thể là kết cuộc; Hoặc ấn tượng hơn nếu không ai nói gì cả, hoặc nói điều gì ra ngoài lề. Sau khi truyện viết xong, nếu anh hỏi, tĩnh từ này hoặc câu viết riêng biệt kia là của Bioy hay của tôi, chúng tôi không trả lời được.
Hỏi:
Của nhà văn thứ ba.
Borges:
Vâng, tôi nghĩ, đó là cách duy nhất để hợp tác vì tôi đã từng cố gắng hợp tác với những người khác. Đôi khi thực hiện được, đôi khi trong khi hợp tác, nhà văn trở thành đối thủ. Nếu không, thì giống như trường hợp của Peyrou, khi bắt đầu hợp tác, anh ta là người nhút nhát, nhã nhặn, rất lịch sự. Do đó, nếu anh ta nói bất cứ điều gì mà chúng ta phản đối, anh sẽ bị tổn thương, rồi rút lui lại. Anh sẽ trả lời, “Ô, đúng, dĩ nhiên, đương nhiên, vâng, tôi hoàn toàn sai. Đó là điều lầm lẫn.” Hoặc nếu ta đề nghị điều gì, anh sẽ nói, “Ô, hay quá!” Đại loại như vậy, khó mà hợp tác. Trong trường hợp của Casares, chúng tôi không cảm thấy là đối thủ, hoặc giống như hai người đánh cờ. Không ai thắng không ai thua. Chúng tôi chỉ đến câu truyện và nội dung của nó.
Hỏi:
Xin lỗi, tôi không quen thuộc tên nhà văn thứ hai mà ông vừa kể.
Borges:
Peyrou. Khởi đầu, anh ta bắt chước Chesterton, viết truyện, truyện trinh thám, có giá trị, kể cả truyện của Chesterton. Bây giờ, anh ta khai thác một dòng tiểu thuyết mới, mục đích trình bày những gì xảy ra trong đất nước này, giống như dưới thời nhà độc tài Perón và sau khi Perón lưu vong. Tôi không quan tâm lắm về lối viết này. Tôi biết tiểu thuyết của anh ta hay, nhưng từ quan điểm lịch sử, kể cả quan điểm nhà báo, tôi nên đưa ra nhận xét: Khi anh ta bắt đầu viết truyện theo Chesterton, viết một số truyện hay, một câu truyện đã làm tôi khóc, nhưng dĩ nhiên, có lẽ, tôi khóc vì anh đã kể về Palermo, nơi tôi lớn lên, và các thổ phỉ của thời đó. Cuốn sách tên La Noche Repetida, một câu truyện rất, rất hay về bọn côn đồ, lưu man, hà hiếp người dân, đại loại như vậy. Và chuyện đó xảy ra tận thời trước, để xem, vâng, thời đầu thế kỷ. Lúc này, anh ta đã viết sang loại tiểu thuyết khác, trong đó trình bày tình hình đất nước như thế nào.
Hỏi:
Cơ bản là sắc thái địa phương, phải không?
Borges:
Sắc thái địa phương và chính trị bản xứ. Nhân vật của ông dựng ra rất thú vị, vâng, hối lộ, cướp của, làm tiền, v.v. Nếu tôi thích loại truyện trước kia hơn, là vì tôi ít quan tâm đến những vấn đề về sau, có lẽ là lỗi của tôi, không phải của anh ta. Nhưng tôi luôn luôn nghĩ anh ta là nhà văn lớn, nhà văn quan trọng, một người bạn cũ.
(Còn tiếp.)
GHI
(23) Kim là tiểu thuyết tiêu biểu cho giải Nobel Văn Chương 1907 của Rudyard Kipling.
(24) Có sự khác biệt giữa ngụ ngôn và dụ ngôn. Truyện của Borges mang bóng dáng ngụ ngôn hơn dụ ngôn.
(25) Franz Kafka (1883-1924) nhà văn viết tiếng Đức. Một nhà văn tầm vóc của thế kỷ 20. Chủ trương pha trộn giữa hiện thực và kỳ quái, giữa thực tế và tưởng tượng.
(26) Henry James (1843-1916) nhà văn Hoa Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong dòng văn chương Âu Mỹ trong thề kỷ 19, thuộc phái Hiện Thực.
(27) James Joyce (1882-1941), nhà văn Ái Nhĩ Lan ảnh hưởng phong trào tiền phong của đầu thế kỷ 20.
(28) T.S.Eliot (1888-1965), thi sĩ Anh. Một trong vài thi sĩ hàng đầu của thế kỷ 20.
(29) “Người tuổi trẻ tức khí.”
(30) The Waste Land: Tác phẩm trường ca của T.S.Eliot.
(31) W.B.Yeats (1865-1939), thi sĩ Ái Nhĩ Lan.
(32) Robert Frost (1874-1963), thi sĩ Hoa Kỳ.
(33) Carl Sandburg (1878-1967), thi sĩ Hoa Kỳ. Lãnh ba giải Pulitzer. Hai lần cho thi ca và một lần cho cuốn sách Abraham Lincoln.
(34) Walt Whitman (1819-1892), thi sĩ Hoa Kỳ. Một người tranh đầu cho nhân quyền. Ông viết tiểu luận và làm báo. Tác phẩm nổi tiếng của ông là trường ca Leaves of Grass.
(35) Joseph Conrad (1875-1924) nhà văn Anh gốc Ba Lan, nổi tiếng về tiểu thuyết.
(36) Adolfo Bioy Casares (1914-1999) tiểu thuyết gia Argentine, nhà báo và dịch giả. Sáng tác truyện kỳ quái, thuộc về phong trào Magic Realism.