Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Bên ngoài lưới trần gian

Bùi Vĩnh Phúc

* để nhớ Phùng Nguyễn,
49 ngày
.1.
Đó là một buổi chiều thứ Sáu của tháng Mười năm 2015, trong khu phố của Little Saigon. Quán Gypsy. Một cái bàn nhỏ kê sát tường bên ngoài quán, nhìn ra một khu thị tứ sầm uất, với những chiếc xe hơi đủ loại đang chạy loanh quanh tìm chỗ đậu. Những mầu áo vui tươi của buổi chiều. Một buổi chiều sắp đưa người ta vào những ngày cuối tuần với những cuộc vui chóng mặt hoặc những nghỉ ngơi thanh thản, tuỳ theo lựa chọn của mỗi người.
Phùng Nguyễn ngồi ở đó. Với Nguyễn Lương Vỵ và tôi. Nắng vẫn chấp chới ngoài kia. Lá cây rung nhè nhẹ, loá choá ánh nắng. Một vài con chim bay rất nhanh qua những đầu cành. Đôi tiếng chim kêu rất mảnh và sắc. Những hình ảnh, âm thanh và mầu sắc ấy của trần gian bay múa chung quanh chúng tôi. Hôm đó, Phùng mặc áo thun tay ngắn mầu sậm, quần short trắng và đi giày thể thao. Nhìn thoáng, trông anh như một người vừa mới bước ra từ một sân tennis. Khoẻ khoắn, sinh động, và đầy sức sống. Cho dù khuôn mặt có hơi đượm một chút ưu tư. Chút ưu tư đó lại càng nổi rõ hơn khi chúng tôi có dịp nhắc đến Tạ Chí Đại Trường. Theo thông tin mà anh có được, Phùng nghĩ là anh TC Đại Trường, với cơn bệnh nặng của anh ấy, sẽ không thể qua khỏi sau một hay hai tháng nữa.
Đó là khoảng gần bốn tuần lễ trước khi Phùng chia tay mọi người vĩnh viễn. Đi trước cả Tạ Chí Đại Trường. Bay đi xa như một làn khói mỏng. Nhưng, lúc ấy, chẳng ai trong chúng tôi, kể cả anh, và những bạn bè thân thiết khác, biết được điều này. Thời gian đó, Phùng Nguyễn đang "lấy vacation" mấy tuần, từ Maryland xuống vùng Orange County, để thăm mẹ anh đang đau ốm. Và cũng là để tham dự đám tang nhà văn Võ Phiến, mới vừa qua đời trước đó vào ngày 28 tháng Chín. Biết anh ghé Orange County, tôi gọi anh sáng hôm ấy và rủ anh ra ngoài quán ngồi chơi với nhau một lúc. Anh vui vẻ nhận lời ngay, nói là anh cũng đang muốn gặp tôi để nói chuyện. Thế là tôi sắp xếp mọi việc, và gần như nghỉ cả buổi chiều, để ra quán ngồi với anh. Lúc tôi đến, đã thấy anh ở đó, cùng với nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, cũng là một người bạn chung của cả hai, đang ngồi chờ sẵn. Nguyễn Lương Vỵ uống cà-phê sữa đá theo kiểu "bạc-xỉu" ("bạc tẩy xỉu phé"), còn Phùng Nguyễn thì chỉ uống nước sinh tố bơ và đậu xanh. Đó là một điều rất lạ, vì thường là anh thích uống cà-phê khi ngồi quán. Trong những dịp gặp gỡ, ăn uống vui vẻ có tính văn nghệ ở nhà tôi, ngày xưa, hay tại nhà cô em ruột của anh ở Huntington Beach mà anh thường tạm "trưng dụng" trong những dịp lễ mấy năm gần đây, hay tại nhà một người bạn nào khác, anh còn thích uống một chút rượu. Có khi là rượu đỏ, rượu chát. Đôi khi là rượu mạnh. Tôi nhớ cái chất "eau-de-vie" sóng sánh của Apollinaire. Et tu bois cet alcool brûlant comme ta vie / Ta vie que tu bois comme une eau-de-vie. Có lẽ cũng thích Apollinaire, nhưng hình như Phùng không thường uống rượu mạnh, như một vài người bạn văn "lưu linh" khác của chúng tôi. Thấy Phùng uống nhẹ nhàng như thế, tôi cũng gọi một ly tương tự. Một ly bơ đậu xanh. Mầu xanh rất flat, rất mộc của ly nước này mà phết lên một vì tường nào đó để treo tranh thì chắc cũng đẹp.
.2.
Tôi sang Mỹ năm 1978. Và đâm đầu vào chuyện viết lách khoảng trên nửa năm sau. Đầu tiên là với tờ Văn Học Nghệ Thuật, bộ cũ, của Võ Phiến. Sau đó, là với các tờ báo, các diễn đàn khác của nhóm mình và của bằng hữu. Từ đó, tôi bị lôi đi khắp chốn. Cũng từ đó, tôi được quen biết với nhiều bạn bè văn nghệ. Và, ở mỗi người, tôi đều học hỏi được một chút gì đó để làm giàu thêm cho vốn liếng của mình. Cái vốn liếng thêm vào mà bạn bè mang lại, cả về mặt văn học lẫn đời sống, có những giá trị nhân văn, giá trị con người riêng của nó. Chính là ở trong những quan hệ lôi cuốn một cách rất chằng chịt, đáng yêu và đầy tính văn học như thế mà tôi quen biết Phùng Nguyễn. Với tôi, tất cả những gặp gỡ này đều là những hạnh ngộ.
Phùng Nguyễn sang Mỹ vào năm 1984 và, theo như anh cho biết, bắt đầu viết khoảng mười năm sau đó. Giai đoạn đầu tôi chưa được quen biết anh vì tâm điểm những vòng tròn văn học của chúng tôi chưa ở gần nhau. Những vòng vây chữ nghĩa của chúng tôi chưa giao nhau; hoặc, nếu có, chỉ là những thoáng tiếp tuyến rất vội, rồi lại lùi xa. Nhưng trong những năm sau này, khi anh bắt đầu đến với Văn Học, là tờ báo tôi đã gắn bó và cùng chung tay xây dựng từ lúc khởi đầu với Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Trạc, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, cùng một số bằng hữu khác, chúng tôi bắt đầu đến gần nhau hơn. Rồi sau đó là sự tham dự chung với nhau trên tờ Hợp Lưu và trên một số diễn đàn khác, đặc biệt là trên Da Màu.
Trong những truyện ngắn của anh, Phùng Nguyễn đã cho thấy những khát vọng, những tìm về và những khắc khoải của mình trước cuộc đời đang mở ra trước mắt, cùng với những kỷ niệm, những vết cắt, những chấn động của những vết thương vẫn còn đang mở miệng. Tất cả những khổ đau day dứt đó đưa đến những câu hỏi dầy đặc về đời sống, về ý nghĩa của nó, về hy vọng, về niềm tin. Từ những ưu tư khắc khoải ấy, Phùng có nhiều khi tìm về với kỷ niệm, qua một số truyện ngắn pha dạng hồi ức của anh. "Tháp Ký Ức" (1) có lẽ là truyện được chú ý nhất trong những truyện ngắn thuộc dạng này, và Phùng có lẽ cũng có nhiều ưng ý với câu truyện nên đã lấy tên truyện này đặt tên chung cho cả tập truyện ngắn đầu tay của mình.
Trong cái nhìn của tôi, "Tháp", ở đây, trước hết, một cách vật lý, là hình ảnh tháp Chàm Bàng An ở gần Vĩnh Điện, nơi, thuở nhỏ, Phùng thường đi học qua. Nó gắn với những ký ức đầu đời của một kẻ thích mơ mộng. Sau đó, nó là một biểu tượng của quá khứ, của những dấu tích suy tàn. Cũng suy tàn như cái trí nhớ vốn mỏng manh của con người. Dù có lạc quan đến mấy, ký ức của con người, tôi nghĩ, cho dù có thể được ghi lại bằng nhiều loại dụng cụ, với nhiều kiểu cách khác nhau, luôn gắn với cái thuộc tính "suy tàn" đáng buồn của nó. "Tháp Ký Ức", ghép chung lại, như thế, nói lên cái bội tính của sự suy tàn, mong manh và dòn mỏng của ký ức con người nhằm giữ lại kỷ niệm, hay, nói chung, nhằm giữ lại những gì đã trải qua, đã thuộc về quá khứ. Phùng Nguyễn, khi còn sống, hình như đã ý thức rất rõ về điều ấy. Thời gian của anh là một thứ thời gian bị động. Nó luôn bị giằng kéo bởi một chủ thể luôn muốn bảo quản, gìn giữ những dấu chân của nó, tức là chính thời gian.
Có phải không, Phùng Nguyễn, qua hai tập truyện ngắn của mình, anh luôn trăn trở với những hình bóng quê nhà? Cái quê nhà mà, như một văn hữu đã vẽ lại trong một tưởng nhớ về anh, anh luôn ôm cất trong lòng:
(...) cả một vùng bên này con đèo
những vườn cát, những vồng khoai lang, những rặng dương
những mái tôn đánh trả gió muối, hoen rỉ
và Trời! cái nắng không mây nào cản nổi
Dang tay, dang đầu, đi, như tháp Chàm
của Ký ức có độ mòn vẹt
gót dép cao su dưới những ngọn đồi
tiếng gà gáy khan
đầm hồ vắng vẻ.
Vậy mà thành phố, hẹp chật, cũng là nó.
Tán cây trên mái hiên chồm ra (...)
("tháng mười một, phùng nguyễn", Thường Quán)
Trong những chia sẻ của Đinh Từ Bích Thuý với tôi, nhà văn này cũng cho biết chị có cảm nhận là "Dịch giả của anh Phùng thường vất vả vì khái niệm về thời gian của anh Phùng đã vượt ra khỏi khuôn khổ của thời gian/thế gian ngay trong những câu truyện kể của anh." Chị cũng chia sẻ thêm rằng, "Tuy T. chưa đọc hết những truyện của anh Phùng, khái niệm/đề tài thời gian, sự giằng co giữa đời sống, chính trị và nghệ thuật, có thể sẽ là những khía cạnh đáng khai phá và thảo luận khi ta nói về văn nghiệp của anh Phùng?"
Còn nhà văn Đặng Thơ Thơ, cũng trong những chia sẻ riêng, cho biết, "Có lẽ điều mà TT chú ý nhất  là cấu trúc không gian chồng lấp, và sự biến hóa xảy ra ở cuối truyện. Điều này có tác động như những lớp màn sân khấu kéo dần ra để mình nhìn vào những tầng hậu cảnh. TT nghĩ anh Phùng đã có chủ ý như thế trong việc xếp đặt các tình huống và không gian truyện để lồng vào những khái niệm, cụ thể nhất là "Khán Giả", truyện ngắn gần cuối trong Tháp Ký Ức. Những truyện của anh Phùng, dù phần tự truyện rất mạnh, nhưng cuối cùng vẫn là cái nhìn của một người đứng ngoài và làm khán giả quan sát chính các tự truyện của mình."
Nếu Đinh Từ Bích Thuý và Đặng Thơ Thơ có dịp phân tích kỹ và sâu hơn một vài suy nghĩ trong những chia sẻ riêng mà tôi mạn phép nhắc đến ở trên, trong một bài nói về thế giới truyện của Phùng Nguyễn, tôi nghĩ là người đọc sẽ thích thú để có dịp được bước vào một thứ "hậu trường văn bản", nhìn vào phía sau, vào mặt bên kia, nhìn vào bên trong, của một số văn bản truyện của Phùng Nguyễn, từ góc nhìn và cặp mắt nhà văn của những người đã từng chia sẻ với anh nhiều điều trên bước đường văn học.
Ở đây, tôi không đi vào phân tích những truyện của Phùng Nguyễn, tôi chỉ muốn nhắc đến một bài thơ nhỏ, viết bằng tiếng Anh, thiết tha (và có lẽ hơi đau buồn), và khá đặc biệt của anh. Đây có phải là một bài thơ, được làm ra từ một hoàn cảnh đặc biệt trong đời Phùng hay không, một thứ post-love poem, hay đây chỉ là một bài thơ vuột ra phần nào từ đời sống và sự tưởng tượng của anh. Nhưng đọc lại, với một cái nhìn hồi cố, người ta vẫn thấy xót xa vì một vài liên tưởng đến hiện thực cuộc đời.
If Then Else
The other day I told my lover,
“If you can’t bear the thought of having to squeeze your blood
into my heart,
ever beating irregularly since the ‘bypass’,
then you should travel light;
If you can’t bear the responsibility of being God
– having to toy with [MY] happiness and miserIES,
then you should travel light;
If you can’t bear the burden of loving and being loved,
then you should travel light”.
The day after [the other day]
I packed my things into a thermos,
travelled light,
and alongside,
fucked away
the remains of my life!
Tôi không rõ bài này Phùng Nguyễn đã làm khi nào, nhưng nó được đăng trên Da Màu (lần đầu?) vào ngày 11/11/2006, trong năm đầu tiên có mặt của diễn đàn này, như một cái cớ đáng yêu để BBT Da Màu nói đôi điều về chuyện dịch thuật:
"Dịch là trò chơi trí tuệ giữa những cọ sát ngôn ngữ. Đôi khi chuyện dịch Việt-Anh, Anh-Việt trở nên phức tạp, như một cuộc dàn xếp các xung đột giữa hai thứ tiếng hoàn toàn xa lạ. Dịch thuật là tự đặt mình vào thế dằng co giữa chữ và nghĩa, là đối mặt với những câu hỏi: phiên dịch hay phỏng dịch? chuyển dịch hay thông dịch? dịch ý hay dịch lời? dịch sát hay dịch thoát? dịch là hư hao hay thêm vào? dịch là phản, là giết, hay dịch là bơm vào văn bản một dòng máu mới? Chúng ta chỉ biết chắc một điều: Không có hai bản dịch hoàn toàn giống nhau."
Một số thân hữu của Phùng Nguyễn, trong thử nghiệm này của Da Màu, đã dịch bài thơ trên. Và, quả đúng như vậy, không thể có hai bản dịch giống nhau. (2) Ở đây, tôi xin phép dùng bản dịch của Lê Đình Nhất Lang.
Nếu… Thì… Còn Không…
Hôm kia tôi nói với người yêu,
“Nếu em chịu không nổi ý tưởng phải vắt máu mình
vào tim anh,
vẫn luôn loạn nhịp từ khi mổ nối,
thì ra đi em hãy cứ nhẹ tênh;
Nếu em mang không nổi trách nhiệm làm trời
– phải ban [CHO ANH] hạnh phúc hay [NHỮNG] nỗi đau,
thì ra đi em hãy cứ nhẹ tênh;
Nếu em gánh không nổi nỗi yêu và được yêu,
thì ra đi em hãy cứ nhẹ tênh.”
Ngày sau [hôm kia]
đồ đạc tôi bỏ hết vào phích nước,
ra đi nhẹ tênh,
và dọc đường,
đéo văng
mảnh đời tôi còn lại!
Bài thơ này của Phùng làm tôi thoáng nhớ đến bài hát "Don't Think Twice, It's All Right" của Bob Dylan. Bài này được Dylan viết vào đầu thập niên '60 (chính xác là vào năm 1963, khi Suze Rotolo bỏ Dylan sang Ý học tại University of Perugia và để anh ở lại New York). Ở đây, Dylan tưởng tượng ngược lại. Tưởng tượng chính anh là người bỏ đi:
Well, it ain’t no use to sit and wonder why, babe
It don’t matter, anyhow
And it ain’t no use to sit and wonder why, babe
If you don't know by now
When your rooster crows at the break of dawn
Look out your window, and I’ll be gone
You’re the reason I’m a-traveling on
But don’t think twice, it’s all right.
And It ain’t no use in turning on your light, babe
The light I never knowed
And it ain’t no use in turning on your light, babe
I’m on the dark side of the road
But I wish there was somethin' you would do or say
To try and make me change my mind and stay
But we never did too much talking anyway
But don’t think twice, it’s all right.
So It ain’t no use in calling out my name, gal
Like you never done before
And It ain’t no use in calling out my name, gal
I can’t hear you any more
I’m a-thinking and a-wonderin' walking down the road
I once loved a woman, a child I am told
I gave her my heart but she wanted my soul
But don’t think twice, it’s all right.
So long honey, baby
Where I’m bound, I can’t tell
Goodbye’s too good a word, babe
So I’ll just say fare thee well
I ain’t a-saying you treated me unkind
You could have done better but I don’t mind
You just kinda wasted my precious time
But don’t think twice, it’s all right.
(3)
Bài hát trở thành một trong những bài nổi tiếng nhất của Bob Dylan. Tôi không bàn về tình cảm và thái độ của Dylan ở đây (vì đó là một điều rất phức tạp). Tôi chỉ muốn lọc ra cái khía cạnh tha thiết và buồn đau ở cả hai bài, điều làm cho tôi nhớ đến chúng. Và làm tôi nghĩ về chúng trong một cái nhìn liên tưởng.
Trở về bài thơ của Phùng Nguyễn, chuyện mổ nối van mạch tim (bypass) là chuyện có thực, và chuyện này có thể đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần cũng như thể lý của anh ở một mức độ nào đó. Chuyện "nói lời tha thiết" với ngôi thứ hai trong bài thơ có thể đến từ một hoàn cảnh cụ thể trong đời tác giả, mà cũng có thể đến từ một "không gian hư cấu", đầy tính trá nguỵ. Nhưng cách nói thì hết sức thiết tha. "Vắt máu mình vào tim anh", "làm Thượng Đế để đùa giỡn với niềm hạnh phúc hay (những) nỗi đau khổ của anh", v.v., là những cách nói văn hoa nhưng hết sức chân thành trong tình yêu. Cái đau là phải thêm vào những câu nói này bằng điệp khúc "Nhưng nếu em không thể, hãy cứ thanh thản ra đi" (mà Lê Đình Nhất Lang dịch rất hay là "Nhưng nếu em không thể gánh/chịu/mang (...), thì ra đi em hãy cứ nhẹ tênh"). Tác giả không cho ta biết là, sau đó, em có ra đi hay không (và điều này còn có là điều cần thiết?), vì ngày hôm sau, sau khi đã nói những lời thiết tha kia với tình yêu của mình, anh đã là người ra đi. Và cách thức ra đi của anh làm tôi quan tâm.
I packed my things into a thermos,
travelled light,
and alongside,
fucked away
the remains of my life!
Anh bỏ các thứ cần thiết trong cuộc đời mình ("my things") vào một cái bình thuỷ (để giữ cho ấm?), rồi ra đi nhẹ nhàng. Chuyện "fucked away the remains of my life!", theo tôi, không diễn một ý hằn học, bực tức, hay thô tục, nhưng chỉ là một cách thế nhấn mạnh, để nói lên cái ý tung hê cuộc đời còn lại cho gió cuốn. Có lẽ, nó cũng là một dạng diễn tả, theo một cung cách khác, gần như ngược lại, từ một cá tính khác, điều mà TCS đã nói trong một bài hát: "cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ". Sau câu hát này có thể là một dấu chấm hỏi; nhưng đó là một câu hỏi tu từ. Có cần thiết phải trả lời câu hỏi này không, trong tình ý của người viết bài hát? (Cho dù đây là vấn đề "to be or not to be", một câu hỏi quan trọng và muôn đời của con người!) Nhưng, cũng có thể, sau câu hát này chỉ là một dấu chấm than. Như dấu than của bài thơ Phùng Nguyễn. Một cái nhìn đầy tính "pathos" về cuộc đời.
Và "em", có phải em là một người nữ mà tác giả nói với không, hay "em" chỉ là một cái nhìn ẩn dụ, một cách nói thiết tha, yêu dấu về cuộc đời này? Nếu thế thì bài thơ của Phùng Nguyễn lại mang thêm một chiều kích khác.
Nghĩ về cả cuộc đời trong "cái bình thuỷ" của Phùng Nguyễn làm tôi xót xa. Phải, khi ra đi, khi giã từ cuộc sống này, anh đã chọn con đường trở về với tro than. Chỉ một cái bình thuỷ là đủ! Nghe như Phùng nói, với cuộc đời, "Don't think twice, it's all right". Câu nói của Dylan. Hoặc một câu nói nào đó từa tựa như thế. Từ một chỗ đứng trong thời gian, Phùng Nguyễn đã phóng một cái nhìn về phía trước, về chỗ tận cùng của một đời sống. Và, từ một chỗ đứng trong thời gian như thế, anh đã chọn cho mình một không gian rất nhỏ hẹp ở cuối đường. Để tồn tại. Thật vậy! Dù với "trí nhớ suy tàn", những người quý mến anh, nghĩ về anh, vẫn có thể tìm thấy anh, tồn tại, đâu đó, trên "không gian ảo". Một cách nói theo cả hai nghĩa. Vì Phùng Nguyễn vẫn tồn tại, ở đó, với chúng ta.
.3.
Dù sao, hãy đi ra khỏi bài thơ của Phùng Nguyễn, và hãy trở về với những nỗ lực văn học khác của anh.
Cuộc sống sau đó, với những thay đổi và biến cố dập dồn xảy ra trên quê hương, đã khiến Phùng Nguyễn, trong thời gian vài năm trở lại đây trước ngày anh mất, nghiêng nhiều về những tiểu luận mang tính chính trị-xã hội. Và chính là trong mạch văn này, Phùng đã ghi lại được những nhận xét sâu lắng và chín, mang nhiều tình cảm dân tộc, với những cái nhìn ưu tư về đất nước. Những tiểu luận như thế, cùng với một số tuỳ bút văn học trong giai đoạn một, hai năm trở lại đây của anh được nhiều người yêu thích. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong cung cách nhìn nhận vấn đề cũng như trong bút pháp của anh.
Không những sốt sắng với các vấn đề văn học, Phùng còn là một người luôn muốn tranh đấu cho những gì ngay thật, cho công lý. Và anh luôn sẵn sàng đối thoại. Một cách thẳng thắn. Và công bằng. Một số bài viết mang tính tranh luận (phần nhiều mang rõ nét chính trị) của anh đã cho thấy rõ điều đó. Trước khi viết những bài ấy, anh có thể hỏi thăm ý kiến của một vài người bạn về một vài khía cạnh của vấn đề, nhưng khi viết, quan điểm của anh được thể hiện rất rõ ràng.
Trong cuộc hội luận về "Hai mươi năm văn học miền Nam 1954 – 1975", được các diễn đàn Người Việt, Việt Báo, Tiền Vệ và Da Màu đồng-tổ chức vào tháng 12 năm ngoái (2014), tại miền Nam California, anh đã có bài tham luận "Văn Học Miền Nam 1954-1975: Đường Về Gian Nan" (4) . Qua đó, anh nói rõ được những thiết tha và ưu tư của mình, với những lập luận thuyết phục, về sự đẹp đẽ và phong phú của văn học miền Nam, và về những lý do làm cho sự lan toả của (và nhận thức về) những nét đẹp và phong phú ấy đối với người đọc Việt trong nước hiện nay, nói chung, khá khó khăn. Về phần mình, mặc dù toàn bộ tham luận của tôi nhấn mạnh vào chủ đề về văn học miền Nam, nói lên tính cách phong phú, đa diện, đầy tính khai phóng, hiện đại và nhân bản của dòng văn học này (với ý thức về giới hạn của khuôn khổ buổi hội luận, cho đề tài của mình, là nhắm trình bày những nét đặc thù và phổ quát nhất), ở một hai chỗ, tôi có cho rằng văn học miền Bắc, trong cùng thời kỳ, và đặt trong dòng phát triển chung của văn học Việt Nam trong giai đoạn ấy, mặc dù là một nền văn học bị định hướng, bị chỉ đạo, nói chung, nó vẫn có giá trị riêng của nó. Đặc biệt trong sáng tác của những nhà văn vẫn thiết tha, bằng cách này hay cách khác, tìm cách nói lên sự thật. (5)
Trong không khí và chủ đề của cuộc hội luận, điều tôi trình bày, ở một góc độ nào đó, có vẻ ...hơi "lệch hướng", nhưng chính Phùng Nguyễn, và một vài người bạn khác, sau đó, đã nói với tôi là họ ủng hộ cái nhìn công bằng này. Vì chính cái nhìn cũng như cách ứng xử ấy cho thấy khía cạnh tự do, nhân bản, công bằng và sức mạnh của văn học miền Nam, thể hiện nơi những đứa con của nó.
Phùng Nguyễn không đi sâu vào lĩnh vực dịch thuật, mặc dù rõ ràng là anh thích nó. Dù sao, nhiều năm trước đây, anh có dịch một truyện ngắn của Isabel Allende, nguyên văn tựa truyện là Toad's Mouth. Lúc đầu, anh dịch tựa đề này thành "Miệng Cóc"; về sau, tôi thấy anh sửa lại là "Chốn Ấy Hang Hùm..." (6) Văn dịch của anh trong truyện này, như tôi thấy, diễn tả được cái phong vị của đời sống và không gian Nam Mỹ ở vùng Tierra del Fuego ("Đất Lửa") giữa Chile và Argentina. Nóng bỏng và đầy chất sex. Nó cũng cho thấy được cái phong khí văn chương huyền ảo pha nét thơ mộng của Allende. Tôi cũng có dịp nói với Phùng sự thích thú của mình khi đọc bản dịch ấy của anh. Phùng rất vui. Sau đó, tôi có giới thiệu với anh cuốn My Invented Country và cuốn truyện Inés of My Soul cũng của Allende mà tôi khá thích. Cuốn đầu là một thứ hồi ký của Allende, cho thấy đất nước và con người Chile qua lịch sử đầy tính hung bạo của nó với các khía cạnh chính trị, tôn giáo, huyền thoại, v.v. Đặc biệt là tính huyền ảo của lịch sử và đời sống. Cuốn sách cũng cho thấy nét duyên dáng, đáng yêu và tinh thần bất khuất của người dân ở đây. Cuốn sau là một tiểu thuyết lịch sử cũng đầy tính thơ mộng, đam mê và hung bạo, tiểu thuyết hoá cuộc đời của Inés Suárez, một con người thật nhưng đời sống mang đầy tính huyền thoại của lịch sử Chile. Sự quen biết của chúng tôi cứ thế gần gũi hơn.
Nhiều năm trước, khi mới biết Phùng, tôi để ý thấy anh khá diễu nghịch. Khi chuyện trò đối đáp, đặc biệt khi tranh cãi, với một số bạn văn, nhất là với những người đúng "tông", Phùng thường hay "phát biểu", với một cái nhún vai, và với cái giọng Quảng pha vào chất giọng miền Nam, hơi nhừa nhựa, và cố làm ra vẻ nghiêm trang trịnh trọng nhưng lại đầy tính khôi hài một cách có-ý-thức của anh. Những gì anh nói, với một khuôn mặt đầy vẻ nghiêm trang nhưng không cần giấu một vài nét khôi hài có tính toán, như đã nói, thường pha nét triết lý nghịch diễu. Điều ấy dễ gây cười, nhất là khi người đối thoại bị rơi vào "tròng" của anh, tiếp tục cãi lại. Nhưng cái cung cách đó cũng thật đáng mến. Nó làm cho không khí buổi gặp mặt trở nên vui vẻ, nhẹ nhõm. Sau này, khi bắt tay vào thực hiện những chuyện văn học "nghiêm túc" hơn, có dịp gặp gỡ, bàn bạc nhiều hơn với nhiều tác giả mang những phong cách và tính khí khác nhau, những khuynh hướng văn chương, văn học khác nhau, tôi thấy cách nói chuyện của Phùng có đổi khác. Cũng vẫn vui vẻ, nhưng bớt diễu nghịch đi. Trầm tĩnh và sâu sắc hơn trước. Sự giao tiếp, trải nghiệm, sự thấy, sự đọc, sự nghiền ngẫm và suy nghĩ về những điều mình trải qua, cộng với tuổi đời, hẳn làm cho nhiều người trong chúng ta thay đổi. Những thay đổi thường không do ta nhận thức được, nhưng những người chung quanh có thể nhận thấy. Tôi nghĩ những thay đổi này nơi Phùng làm anh thích hợp hơn nữa với vai trò (đồng) điều hành một trang mạng, một diễn đàn văn học, qua đó, anh phải/có dịp liên lạc, tiếp xúc với nhiều bạn văn, nhiều người viết hơn trước. Tôi quý cả hai tính cách ấy nơi con người Phùng, qua hai giai đoạn mà tôi đã từng quen biết anh. Cái nhấp nhánh vui tươi của ban mai và cái tĩnh lặng đằm dịu của chiều trầm. Phùng có cả hai.
Là một người làm việc trong lĩnh vực tin học, có khả năng kỹ thuật cao, và cũng có đầy lòng tin vào cái mới, muốn phổ biến văn học, văn chương Việt bằng những phương tiện hiệu quả (theo anh nghĩ) và mới nhất có thể được, dạo bắt đầu làm Kệ Sách ebook cho trang mạng Da Màu, Phùng đề nghị tôi gửi cho anh cuốn Lý Luận và Phê Bình / hai mươi năm văn học Việt ngoài nước của tôi (qua file) mà anh yêu mến cho là một tài liệu cần thiết về một giai đoạn của văn học hải ngoại, để khởi động dự án, cùng với một vài quyển sách của một vài thân hữu khác. Lúc ấy, vì một vài lý do, trong đó lý do chính là vì có một số bài trong quyển sách đó được tôi hoàn thành trước khi việc dùng personal computer được phổ biến—nên nhiều bài tôi đã phải viết tay với nhiều đoạn chồng chéo chằng chịt—; khi đưa đánh máy để in thành sách, bản đánh máy đó được đưa vào floppy disk để giữ lại. Nhưng rồi, sau một số thế hệ của máy computer với nhiều thay đổi, cũng như với việc floppy disk sau này không còn được sử dụng nữa, bản đánh máy của tôi trong đĩa mềm kiểu đó không còn giữ được toàn vẹn. Nhiều chữ bị mất dấu tiếng Việt, hoặc bị biến đổi ... "gien" nên trông rất dị dạng. Sẽ rất mất thì giờ nếu muốn khôi phục lại bản văn để có thể dùng được. Tôi đành từ chối đề nghị của Phùng, và cho anh biết lý do. Phùng lại sốt sắng đề nghị tôi gửi quyển sách và bản còn lưu được (cho dù bị hư hại) trong đĩa mềm cho anh, để anh tìm cách khôi phục lại những chỗ bị hỏng. Nhưng rồi phần vì lười, phần vì ngại việc cho Phùng, tôi cũng không gửi cho anh những thứ ấy. Bây giờ, nghĩ lại điều này, tôi thấy quả mình đã phụ lòng anh, một người rất sốt sắng với bạn bè, và đặc biệt rất sốt sắng với những công việc chung có ích cho văn học. Những điều anh và các bạn Da Màu đã làm được, và những anh chị trong ban chủ biên vẫn kiên trì tiếp tục thực hiện, là những đóng góp tốt đẹp cho công việc chung đó.
Tôi cũng nhớ khi việc dùng tablet mới bắt đầu phổ biến, vì là dân IT, cũng lại là người ham thích cái mới, Phùng cũng đã có ngay một chiếc và khoe với chúng tôi. Anh chỉ cho tôi cách sử dụng nó khi chúng tôi gặp nhau, cũng tại cái quán Gypsy này. Lần ấy trời lạnh, chúng tôi ngồi bên trong quán, trên ghế nệm, trong một góc hơi tối. Tay Phùng thoăn thoắt trên màn hình cảm ứng của bàn máy khiến tôi, người không có "thiện cảm" mấy với máy móc, cũng thấy thú. Anh bảo, có cái tablet này, việc đọc sách rất tiện. Chẳng hạn khi đến phòng mạch chờ vào khám bệnh, mình có thể rút nó ra đọc dễ dàng. Anh chỉ cho tôi xem các đặc điểm của tablet (bây giờ thì những điều này là những gì hết sức bình thường, nhưng lúc đó chúng là những cái rất mới, rất tiện và thú vị), như "kéo" chữ thành to hay nhỏ, làm màn hình tối hay sáng (để đọc trong đêm), ghi nhận trang đang đọc dở, v.v... Tôi vốn vẫn thích đọc sách vở, tài liệu trong dạng cổ điển, vẫn thích cầm lấy quyển sách để ngắm nghía các fonts chữ, mẫu bìa, và luôn cảm thấy hạnh phúc khi sờ vào chất giấy của các trang sách hay của bìa sách, đến nỗi, đối với một số quyển sách mà tôi đặc biệt yêu thích, tôi có thể có nhiều ấn bản khác nhau của chúng. Nhưng Phùng, trong cái nhiệt tình của mình, đã truyền cảm hứng cho tôi và một số bạn của anh trên đường tìm đến và làm quen với cái mới.
.4.
Bây giờ, Phùng Nguyễn đã ra đi.
Với bàn phím, với chữ viết còn đang nồng cháy, với bao dự định, thiết tha cho đời sống văn học mà anh còn đang muốn chung tay đóng góp, với sức sống nhìn thấy còn đầy ngọn, Phùng lại ra đi Các bạn bè, thân hữu đều không tin vào cuộc đi quá sớm ấy của anh:
Cái chết đến không đúng lúc
Như khi mở một con trai
Viên ngọc chưa thành
Bạn đóng sập lại
Thả xuống nước, sâu trăm mét
Mong mọi chuyện tiếp tục
Nhưng thời gian là cái chết
Được giữ kín trong ngọc trai
Có thể đông cứng lại
Thế mà bạn mở ra rồi
Thời gian sẽ làm bạn khóc
Vì sức nặng của hàng ngàn hàng vạn tấn nước
("Cái chết đến không đúng lúc", Nguyễn Đức Tùng)
Trong khoảng một, hai năm trở lại đây trước ngày anh chia tay vĩnh viễn với cuộc đời, với bạn hữu, mỗi lần có dịp, hoặc là do anh tự tạo ra dịp, thường là cách nhau vài tháng, anh đều tìm cách trở lại Quận Cam để gặp gỡ các bạn hữu của mình. Theo anh, đây là nơi anh đã quen thuộc với nhiều bằng hữu và các sinh hoạt văn học trước khi anh dọn lên Maryland vì hoàn cảnh đời sống và công việc. Những lần gặp gỡ như thế, anh thường "trưng dụng" nhà của cô em ruột của anh tại Huntington Beach để mời bạn bè tụ tập, gặp gỡ và ăn uống. Căn nhà rộng rãi thật đáng yêu, nằm trên đường Cá Chép (Carp). Tên các đường của khu phố chung quanh đều toàn là cá cả. Ngoài Carp ra thì nào là Bass, Tigerfish, Bluefin, Albacore, Stingray, Walleye, v.v...
Tôi nhớ trong một số truyện/tuỳ bút của mình, Phùng Nguyễn cho biết là anh rất thích cá. Nhắc lại thời thơ ấu ở quê nhà, anh cho biết mình đã yêu thương những con cá rô, cá cấn, cá hồng, cá hanh, cá lia thia, v.v., như thế nào. Và còn nữa, anh có nhắc đến (canh) cá diếc (nấu rau răm), (trã) cá đồng (kho khô), cho dù là hai loại cá vừa kể được anh yêu thương theo một cung cách khác: khi chuẩn bị đưa nó "chu du" vào bao tử của mình. Nhớ lại tất cả những điều này cùng với khu phố mang tên rất nhiều loài cá quanh căn nhà đáng yêu trên con đường Cá Chép đã nói ở trên, tôi tưởng tượng ra một dòng thuỷ lưu với cơ man là cá bơi lội vẫy vùng. Có con hiền, có con dữ, có con ngu ngơ, mộc mạc. Nhưng tất cả đều bơi lội hạnh phúc. Tôi tưởng tượng Phùng Nguyễn bây giờ không còn nằm trong "lưới" của trần gian nữa. Mà đang bơi lội thênh thang. Có khi anh cũng đang hoá thành một chàng cá rất hạnh phúc của Trang Tử, bơi lội mà tay vẫn cầm kè kè một cái tablet, hay một cái laptop hoặc iPhone. Để, như anh nói, nếu có phải ghé qua... một phòng mạch bác sĩ... !
Hay là Phùng Nguyễn đã vĩnh viễn trở về với Aleph (7), chốn khởi đầu, nơi phát xuất nên cái "tháp ký ức" của anh. Và cũng của con người nói chung. Phùng đã chẳng có những lúc đi đi về về thăm viếng nơi đó hay sao, trong những suy nghĩ, những hồi tưởng, những cuộc trở về quá khứ, hay thậm chí, trong những dự phóng của mình. Aleph, nơi vượt khỏi thời-không (bởi lẽ, cả thời lẫn không đều chẳng có thật, mà thực ra chỉ là những phóng chiếu, đến từ những gì sâu xa và huyền diệu hơn nhiều), nơi bao gồm mọi sự mà con người đã biết. Và là nơi mà mọi sự trong vũ trụ phát xuất. (8) Trước khi vĩnh biệt trần gian, Borges cũng đã nói về điều ấy, nhưng theo một cung cách khác, huyền bí thơ mộng hơn. Aleph là điểm ở đó ta có thể nhìn thấy được tất cả mọi sự, mọi điều, mọi diễn biến trong vũ trụ này. Nếu thế thì chúng ta vẫn còn có dịp gặp lại. Tạm thời, tôi muốn nói với Phùng là anh phải "bảo trọng", và cho tôi gửi lời hỏi thăm Borges và cái aleph của ông ấy. (9)
Dù sao, nhìn lại quá khứ thật gần của con người, tôi rất yêu cái thời gian và không gian trong đó có Phùng Nguyễn, và ở đó, trong cái khung chật hẹp đó, anh đã chia sẻ thiết tha mọi điều với tất cả các bạn của anh, trong đó có tôi.
Hãy travel light, Phùng Nguyễn, như trong bài thơ ấy mà bạn đã viết. Ra đi nhẹ nhàng và thanh thản. Và tôi muốn nói thêm, theo lối nói của Marguerite Duras, trong cách đặt tên cho truyện Moderato Cantabile của mình. Ra đi với một nhịp điệu ôn hoà, trầm bổng.
Travel light, Moderato Cantabile, Phùng nhé.
Tôi rất nhớ Phùng.
Bùi Vĩnh Phúc
Calif., tháng XII, 2015
______________________________________
Chú thích:
(1) Xem http://damau.org/archives/5245 . Một truyện ngắn khác, Đêm Oakland, Câu Hỏi, http://damau.org/archives/14996 , trong tập tryện Đêm Oakland và những truyện khác của Phùng Nguyễn, cũng nói lên được tính hồi cố, đi ngược thời gian của tác giả. Trong truyện này, một góc hồi cố sâu sắc, đụng chạm vào những vết thương vẫn đang cần được khâu vá của nhiều người Việt xa xứ, được lồng vào bối cảnh hiện tại. Truyện này đã được Đinh Từ Bích Thuý dịch sang tiếng Anh. Một bản dịch hay và thật thơ, nhất là ở những đoạn tả về đời sống và những sinh hoạt hằng ngày của người dân quê miền Trung, nơi tác giả đã lớn lên. Bản dịch chuyển được (và làm rõ hơn) cái chất exotic trong truyện đối với người nước ngoài.
(2) Xem phần giới thiệu của BBT Da Màu về bài này và bản dịch của những dịch giả khác tại http://damau.org/archives/13166 . Và một bản dịch nữa, "Nếu thế thì em", của Bắc Phong, tại http://damau.org/archives/8009 .
(3) Bài này xuất hiện lần đầu vào năm 1963, trong album mang tên "The Freewheeling Bob Dylan", do Bob Dylan hát. Sau đó, bài hát trở nên nổi tiếng và được nhiều ca sĩ, nhiều nhóm nhạc hát lại. (Thật sự, nhạc điệu bài hát của Dylan có thể được lấy từ bài "Scarlet Ribbons for Her Hair", một bài dân ca cổ, nói về một ông bố đi tìm mua dây ruy-băng cài tóc (để làm đẹp) cho cô con gái ông vào đêm trước ngày Giáng Sinh sau khi tất cả các cửa tiệm đều đã đóng cửa. Sau đó, Paul Clayton lấy bài này và đổi lại lời, kể lại chuyện một anh chàng tự hỏi ai sẽ mua dây ruy-băng cài tóc cho người yêu cũ của mình sau khi anh đã từ biệt cô, qua bài "Who's Goin' Buy You Ribbons When I'm Gone?". Lời lẽ như thế này:
It ain't no use to sit and sigh now, darlin,   And it ain't no use to sit and cry now.   T'ain't no use to sit and wonder why, darlin,  Just wonder who's gonna buy you ribbons when I'm gone.  So times on the railroad gettin' hard, babe, I woke up last night and saw it snow,  Remember what you said to me last summer  When you saw me walkin' down that road.   So I'm walkin' down that long, lonesome road You're the one that made me travel on,  But still-I-can't-help wonderin' on my way,  Who's gonna buy you ribbons when I'm gone?
Với sự thành công của bài "Don't think twice, it's all right" của Dylan, Clayton tin là Dylan đã "chộp" bài "Who's Goin' Buy You Ribbons When I'm Gone?" của mình (chứ không phải "cóp" bài dân ca cổ nói trên). Và thế là ông đã kiện Dylan ra toà. Quả là Dylan có "nợ" Clayton thật, ở một số chỗ, nếu ta so sánh lời ca của hai bài hát. Dylan, sau đó, đã giải quyết êm thấm được vụ này, bên ngoài toà, bằng một số tiền không được tiết lộ. Dù sao, theo một vài người phê bình nghệ thuật, bài của Dylan có nhiều điểm trổi vượt so với bài của Clayton. Ấy là một bài hát trong đó chủ thể xưng "tôi" tự lừa dối mình, nhưng những cố gắng "tự huyễn" ấy chỉ lại để lộ ra những tình cảm mà anh ta không thể che giấu, những tình cảm mà anh ta muốn vượt qua nhưng không thể, và anh không ý thức được là chúng đã bị phơi ra trong những lời kể, lời nói của mình!)
Đừng nghĩ lại làm gì, tốt thôi em!
(Ừ) Chẳng có ích lợi gì đâu mà ngồi đó và tự hỏi tại sao, em ạ
Dù sao chăng nữa, điều ấy cũng chẳng quan trọng gì
Và chẳng có ích lợi gì mà ngồi đó và tự hỏi tại sao, em ạ
Nếu đến lúc này mà em vẫn không biết tại sao
Khi con gà trống của em gáy váng lên vào lúc rạng sáng
Em hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, và tôi lúc đó thì đã ra đi
Em là lý do để tôi tiếp tục ruổi bước trên đường
Nhưng đừng nghĩ lại làm gì, tốt thôi em!
(Và) Chẳng có ích lợi gì đâu mà bật đèn lên, em ạ
Ánh sáng ấy chẳng bao giờ tôi biết
Và chẳng có ích lợi gì đâu mà bật đèn lên, em ạ
Tôi đang ở trong vũng tối của con đường đi
Tôi vẫn mong rằng có một điều gì đó em đã làm hay nói
Để thử làm tôi đổi ý và ở lại
Dù sao, chúng ta đã chẳng bao giờ nói chuyện quá nhiều
Bởi thế, đừng nghĩ lại làm gì, tốt thôi em!
(Vậy) Chẳng có ích lợi gì đâu mà gọi tên tôi, cô gái
Như em đã chưa từng bao giờ gọi
Chẳng có ích lợi gì đâu mà gọi tên tôi, cô gái
Tôi không còn nghe được tiếng em gọi nữa
Tôi đang nghĩ và tự hỏi trên suốt con đường đi của mình
Tôi đã từng yêu một người nữ, và tôi bị bảo rằng tôi là một đứa trẻ
Tôi cho nàng trái tim tôi, nhưng cô ấy lại muốn giữ rịt hồn tôi
Nhưng đừng nghĩ lại làm gì, tốt thôi em!
Từ biệt, người yêu của tôi
Tôi sẽ đi về đâu, tôi không thể nói
Nhưng "tạm biệt" là một từ quá đẹp, em ạ
Bởi vậy, tôi sẽ chỉ nói là "chào em"
Tôi không nói rằng em đã không đối xử tốt với tôi
Em đã có thể làm tốt hơn, nhưng chẳng sao đâu
Coi như là em đã chỉ lãng phí thời gian quý báu của tôi thôi
Nhưng đừng nghĩ lại làm gì, tốt thôi em!
(Bùi Vĩnh Phúc dịch)
Sau khi Bob Dylan hát bài này được ít lâu, vào năm 1963, nhóm nhạc Peter, Paul and Mary đã hát lại bài hát này. Cách hát và cách trình diễn bài hát này của họ làm tôi rất thích. Thích hơn bất cứ ca sĩ hay một nhóm nhạc nào khác. Hơn cả chính Bob Dylan hoặc Joan Baez hát. Đây là bài họ hát rất nhiều lần trong suốt cuộc đời trình diễn của mình. Version tôi thích nhất của nhóm này là version họ hát với hai cây ghi-ta thùng cùng với tiếng đại hồ cầm (contrebass/double bass) của một nhạc sĩ khác bập bùng đi theo.
(4) Xem http://damau.org/archives/34985 hoặc trên Diễn Đàn Thế Kỷ, Tiền Vệ, Văn Việt, v.v.
(5) Xem "Hai mươi năm văn học miền Nam (1954 -1975): Phẩm tính và Ý nghĩa" của BVP trên các trang mạng như Da Màu, Diễn Đàn Thế Kỷ, Tiền Vệ, Văn Việt, v.v. Nguyên văn phần liên hệ:
"(...) Dù có như thế, để lặp lại, văn học miền Bắc trong giai đoạn ấy cũng có những đường nét riêng của nó. Nó phản ánh một gương mặt của chiến tranh. Và gương mặt ấy có thật. Ở một mức độ nào đó, và trong những góc nhìn nào đó, dù bị chỉ đạo, nền văn học ấy, ngoài âm vọng sử thi, ngoài những tấu tụng về chiến công, về vinh quang, nhiều khi được tô mầu một cách khá thô sơ, vụng về, cũng nói lên được cái đời sống, cả tinh thần lẫn vật chất, của cả một xã hội, của những con người, với những tâm trạng, những hy sinh và những đớn đau riêng. Và, như thế, nó cũng đã đóng góp những đường nét của mình để vẽ nên khuôn mặt chung của văn học Việt Nam giai đoạn ấy. Khuôn mặt của văn học Việt Nam thời chiến."
(6) Xem http://damau.org/archives/11608 . Ngoài truyện này, Phùng Nguyễn còn dịch một truyện ngắn khác, What You Pawn I Will Redeem, của Sherman Alexie, mà anh dịch là Cứu Chuộc, http://damau.org/archives/8796 , một bản dịch rất sinh động. Một trong những ý chính nổi bật của truyện ngắn này (mà tác giả là một người Mỹ gốc Da đỏ thuộc bộ lạc Spokane) là ý thức gìn giữ di sản cội nguồn trong một cuộc sống có khuynh hướng bào mòn những nguồn gốc văn hoá dị biệt. Có lẽ vì đồng cảm với tác giả nên Phùng Nguyễn đã chọn dịch truyện ngắn đáng suy nghĩ này.
(7) Mẫu tự khởi đầu của hệ thống ngôn ngữ Tây-Semitic, một nhánh của ngôn ngữ Semitic. Trong hệ thống này, mỗi mẫu tự biểu tượng cho một phụ âm, và người đọc phải cung cấp nguyên âm thích hợp. Aleph là mẫu tự đầu tiên (trong tiếng Phoenician 'Ālep , tiếng Hebrew 'Ālef א, tiếng Aramaic Ālap , tiếng Syriac ʾĀlap̄ ܐ, và tiếng Ả-rập Alif ا.) Từ đó, nó đưa đến mẫu tự A (Alpha) của Hy-lạp.
(8) Theo cách nhìn của Fred A. Wolf, Aleph là năng lực tối thượng (supreme energy), không nằm trong lĩnh vực quan sát của vật lý "khách quan", đã biến đổi ý thức (consciousness) thành những khả thể vũ trụ (cosmic possibilities). Tinh thần, trí óc (Mind) không tách khỏi vật chất (matter), và ngược lại; và con người không tách khỏi những thực thể khác, động vật, cây cỏ, cái sống, cái chết, hay những vật có vẻ vô cơ. Tất cả là một. Xem Fred Alan Wolf, Ph.D., Mind into Matter / A New Alchemy of Science and Spirit, Massachusetts: Moment Point Press, 2001. Wolf là một nhà vật lý lượng tử/lý thuyết, đã từng đoạt giải American Book Award, và cũng là tác giả của Taking the Quantum Leap, Parallel Universes, và Space-Time and Beyyond, v.v.
(9) Xin xem truyện "The Aleph" của Jorge Luis Borges, bản Anh ngữ của Norman Thomas di Giovanni. Wolf, trong chú thích trên, với vai trò của một nhà vật lý lý thuyết, tìm cách thấu hiểu vũ trụ qua phân tích để đi đến kết luận về sự kết nối bất khả phân ly giữa tinh thần và vật chất, và cũng để hiểu thấu đáo hơn cái thực tại mà ta đang sống. Còn Borges, trong truyện này, hư cấu hoá cái nhìn về vũ trụ, cũng là để nói về điều đó.