Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Wind shadow

Truyện
Hạnh Nguyên        


 Gió có hình hài không? Và thanh xuân của chúng ta cũng thế.
Lần đầu tiên nhìn thấy Hoàng Bảo trong thư viện, tất cả những gì tôi muốn làm khi đó là đến thật gần và đặt tay lên vai cậu ấy. Có thể cậu ấy đang học bài hoặc nghiên cứu tài liệu; cậu ấy có một cốc giấy đựng trà để kề bên cùng bình nước nhựa màu đen một lít, chiếc máy tính xách tay nhỏ, chiếc đồng hồ bạc hơi bị quá rộng so với cổ tay. Thư viện rất tĩnh lặng. Thực ra phía bên ngoài thì khá ồn ào, không quá náo nhiệt như sảnh chính của trường học nhưng cũng đủ rì rào để làm người ta phân tán tư tưởng khỏi bài vở. Khu phía trong thì yên tĩnh hơn, phía sau những cái giá cao ngồn ngộn sách. Người ta đã treo một chiếc bảng chỉ rõ khu vực này dành riêng cho việc học tập, mỗi người ngồi một góc chú mục vào công việc của mình. Hoàng Bảo ngồi ngoài cùng, gần tường, vào lần đầu tiên tôi nhìn thấy cậu ấy.
Lúc đó tôi mười chín tuổi, đầu tháng tư mà thời tiết vẫn còn khá lạnh. Tuyết đã gần tan, và có cả mưa nữa. Những hôm trời mưa, không khí ấm lên so với những ngày khô ráo. Hôm Hoàng Bảo xuất hiện, là một ngày gió thổi rất mạnh, nếu không kéo kín cổ áo vào thì khó tránh khỏi da bị tấy đỏ lên. Tôi từ nhỏ đã thích đọc, vì thế thư viện và các quán cà phê là mấy nơi tôi hay lui tới. Những chỗ này việc đọc có thể diễn ra trong sự yên lặng và kính cẩn, và còn gì bằng khi mà người ta có thể uống một tách trà hoặc cà phê. Đã là tháng tư, năm học của tôi cũng chuẩn bị kết thúc, thực ra là đang bước vào giai đoạn nước rút. Khá lâu rồi tôi mới lại lên thư viện với ý định học bài, vì thông thường tôi học trong phòng vào mấy ngày cuối tuần kia. Nhưng hôm đó thì tôi đã tới thư viện, để mượn sách, và Hoàng Bảo ở đây, như là đã đợi tôi từ lâu lắm rồi.
Hoàng Bảo rất gầy, và thấp. Tuy thế cậu chẳng mấy khi phàn nàn về chiều cao của mình. Những lúc đi siêu thị thì cũng hơi phiền phức nhưng cũng không phải là không khắc phục được. Hoàng Bảo có thói quen bước đi rất nhanh, thậm chí nếu chưa biết nhau lâu thì phải nói là cậu ta đi như ma đuổi. Hoàng Bảo lúc bước đi trông rất buồn cười. Dù thấp nhưng tỉ lệ cơ thể của cậu ấy lại khá chuẩn, thành ra khi Hoàng Bảo đứng một mình, nhìn cậu lại có phần dễ thương. Hoàng Bảo còn thích đi giầy thể thao, hay nói đúng ra là cậu ta chả có kiểu giầy ưa thích nào đặc biệt. Vì giầy thể thao rất tiện lợi, đa chức năng, vừa đi học vừa chạy bộ được, thế là quanh năm cậu ta chỉ đi mỗi loại giầy thấp cổ của adidas. Đi mòn vẹt đôi này thì thay sang đôi khác, màu chỉ chuyển từ trắng thành đen rồi ngược lại. Quần áo của Hoàng Bảo nhìn từ kiểu giầy thì có thể dễ dàng đoán ra, toàn loại màu sắc trung tính và kiểu dáng đơn giản, chất liệu cotton không mấy khi phải là lượt hay gấp xếp cẩn thận. Hoàng Bảo sống khá quy củ và có tính kỷ luật, ví dụ giờ ăn hay giờ đi ngủ. Học bài cũng thế, mỗi ngày cậu ta dành ra chừng một tiếng cho mỗi môn, kể cả không có bài tập thì cậu ta sẽ đọc lại bài trên lớp và đọc thêm sách vở. Nói ngắn gọn thì là cậu ta cứ bôi việc ra mà làm. Phải thế Hoàng Bảo mới sống được. Cách ăn uống cũng đơn giản đến phát sợ. Nhìn thức ăn mà Hoàng Bảo chọn thì sẽ có cảm giác cậu ta đang tiếp nhiên liệu cho cơ thể chứ không phải là thưởng thức. Bao giờ Hoàng Bảo cũng ăn một đống rau, và trứng. Chấm hết. Thức ăn của Hoàng Bảo gói gọn trong hai màu cơ bản là xanh lá cây và trắng pha vàng. Tôi chưa từng thấy cậu ta ăn thứ gì khác, ví dụ như bánh mì, kem, thịt hay sô cô la. Khi ra ngoài ăn cùng Hoàng Bảo sau này, cậu ta cũng chỉ gọi xa lát dù là ở nhà hàng kiểu gì đi chăng nữa. Khi tôi thắc mắc thì Hoàng Bảo chỉ nói quen rồi, không sửa được mà cũng không muốn sửa. Tôi lại nói có khi vì thế mà cậu mới còi cọc đấy, Hoàng Bảo hơi đanh mặt lại rồi nhìn tôi không nói thêm gì.
Chuyện tôi làm quen Hoàng Bảo thế nào thì phải kể tiếp từ đoạn trong thư viện. Để nói tới đoạn này tôi nên kể về mình một chút. Có thể nói đại khái là tôi giống như phiên bản lớn hơn và hoàn toàn trái ngược của Hoàng Bảo vậy (vì thế mới có đoạn giới thiệu trên kia). Kiểu như tôi chú ý tới chuyện quần áo giầy dép hơn, tôi dành nhiều thời gian làm những thứ vớ vẩn hơn là học, tôi ăn rất nhiều, rất khỏe và đặc biệt là có thể ăn gấp mấy lần người khác. Tôi cao hơn Hoàng Bảo chừng một cái đầu rưỡi, chắc chắn là phải nặng hơn cậu ta khoảng hai mươi cân, và còn nữa tôi nghĩ là mình không thông minh bằng một nửa Hoàng Bảo. Từ miêu tả sơ bộ như thế chắc cũng dễ dàng đoán được ra tôi và Hoàng Bảo là hai kiểu người khác biệt hay có thể nói là hai thái cực hoàn toàn đối lập nhau. Tôi là kiểu sôi nổi, dễ hòa đồng còn Hoàng Bảo thì khép mình, có phần rụt rè đến độ người ta cho rằng cậu là đứa kiêu căng ngạo mạn. Và bởi vậy, những thứ tréo ngoeo như thế lại vô tình tạo thành một loại lực hút mà vào lúc đó tôi còn chưa biết được, đã cứ thế mà đi về phía Hoàng Bảo, ngồi xuống bên cạnh.
Tôi thử bắt chuyện với Hoàng Bảo, nhưng mỗi lần nghĩ ra cái gì để nói tôi lại bị không khí yên lặng và nghiêm túc xung quanh làm nghẹn lại. Nghĩ đi chứ, cậu ta đã chọn chỗ này thì tức là cậu ta muốn được yên thân một mình. Và tất cả mọi người ở đây đều thế. Nói chuyện là một hành động đã bị bỏ lại ở phía bên kia những giá sách cao lớn, và thực ra tôi không thuộc về chỗ này. Tôi chỉ đang đi lạc mà thôi. Tất cả những gì tôi muốn làm là tìm một cuốn sách về Lego để làm bài luận nhóm, thế thôi. Tôi không hề có ý định đặt chân vào đây, ngồi một chỗ bên cạnh thằng bé châu á tí tẹo đang mải mê đánh máy này. Thế mà cứ như vậy, tôi ngồi một đống trên ghế, vặn vẹo liên tục, đổi hết chân này tới chân kia, và không sao tập trung nổi vào cuốn sách đang mở trước mặt. Trong đời mình chưa bao giờ tôi phải đi tán tỉnh làm quen ai theo cái kiểu kỳ cục thế. Thực ra mà nói suốt hai chục năm cuộc đời tôi chưa mấy khi chủ động đi tán ai bao giờ.
Hồi trung học tôi có cô bạn gái, chúng tôi cặp kè chừng vài ba tháng rồi tự động thôi. Cô ấy đi học đại học ở một chốn hoang vu xa xôi nào đó, rồi có người yêu mới. Thi thoảng chúng tôi nói chuyện với nhau vào những dịp cô ấy về thăm gia đình. Chúng tôi chỉ đơn thuần là những người lạ từng có chung một vài ký ức với nhau, chỉ như những hành khách cùng ngồi trên một chuyến tàu sang sông vậy. Tôi đã từng thích cô ấy khi còn là một đứa học sinh trung học, hồi đó đứa nào cũng thế, rất dễ dàng để thích một người mà chẳng cần phải có lý do. Cô ấy chơi cùng một nhóm nữ sinh, bạn tôi cặp một cô trong nhóm đó. Cứ như thế thành ra gặp mặt cũng nhiều, nói chuyện một vài câu, đi chơi đôi lần, thế là đủ. Nhưng ngay cả khi đó tôi cũng không cảm thấy kỳ quái như thế này. Trước kia tôi không tin chuyện có thể thích một ai đó ngay cả khi chưa bao giờ gặp mặt. Giờ thì tôi vừa nghĩ ngợi vừa thi thoảng quan sát cử động của cậu ta. Hoàng Bảo cứng đơ như một khúc gỗ được đẽo gọt công phu. Trong khi tôi khó mà ngồi yên được thì cậu ta như bị ai đóng đinh vào ghế rồi bị trù ếm cho không làm sao ngo ngoe được. Hoàng Bảo nhìn chăm chú vào màn hình, những ngón tay chạy thoăn thoắt trên bàn phím làm phát ra những âm thanh lách tách. Tôi nhìn ra cửa sổ, nghĩ gì đó và lúc nào không biết tôi chỉ còn nghe thấy tiếng đánh máy đều đều.
Chừng một tiếng sau, Hoàng Bảo đột ngột dừng lại. Tôi biết ngay vì âm thanh đó lập tức biến mất như bị ai tắt phụp. Tôi quay ngoắt về phía Hoàng Bảo theo phản xạ. Cậu ta đang lúi húi dọn dẹp đồ đạc trên bàn, gập máy tính, tháo dây sạc, nhồi nhét các thứ vào ba lô, uống hết cốc trà, rồi mặc áo khoác. Hoàng Bảo nhanh kinh khủng, có cảm tưởng cậu ta chả hề quan tâm xem các thứ có được để vào đúng chỗ không, hay có cái gì bị chèn đến độ vỡ nát không. Như là cậu ta biết rõ, như là cậu ta chỉ muốn nhanh chóng biến khỏi đây. Tôi bước ra ngoài ngay sát Hoàng Bảo. Tôi chả hiểu vì sao mình lại làm thế. Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ mơ hồ là mình không được để mất dấu cậu ấy. Hoàng Bảo dường như chả thèm bận tâm đến tôi đang lẽo đẽo đằng sau, cậu ta cắm cúi bước đi như đang rất vội đến một cuộc gặp quan trọng đã trễ nào đó. Chúng tôi cứ người trước người sau băng qua những ai đi ngược chiều, vượt lên những ai cùng chiều, bỏ xa những kẻ ngáng đường, rồi bẵng đi một hồi tôi thấy mình đang đứng trong nhà ăn của trường. Và Hoàng Bảo đứng ngay trước mặt tôi. Và cậu ấy đang nhìn thẳng vào tôi. Tôi dừng ngay lại, có ai đó đi sau lưng tôi suýt thì bị vấp vì tôi cũng tí nữa thì bị vấp. Anh ta nói xin lỗi rồi lách người đi mất dạng. Chỉ còn Hoàng Bảo và tôi. Giữa nhà ăn, đang là giờ ăn trưa. Tiếng huyên náo của đám sinh viên dội vào những bức tường thật khác xa thứ không khí bằng phẳng trong thư viện. Chỗ nhà ăn làm tôi thấy hơi ngạt vì có khi mật độ không khí ở đây không được chia đồng đều cho lắm. Nhưng thực ra là vì cái nhìn của Hoàng Bảo đang găm vào mặt tôi. Nói gì đi chứ, đã đi theo người ta như vậy rồi mà lại chết cứng như này sao, tôi than vãn trong đầu, cân nhắc các lựa chọn mà hồi nãy trong thư viện tôi đã nghĩ tới nhưng rốt cuộc lại chẳng thốt ra được từ nào. Chẳng biết được mọi chuyện sẽ như vậy bao lâu, tôi chỉ biết là rất lâu, thế rồi Hoàng Bảo quay người đi tiếp. Chân cẳng tôi hơi run một chút, song cái đầu tôi ra lệnh ngay là không cần biết ra sao cứ phải bám theo cái đã. Không được để mất dấu, nó bảo thế. Và tôi đã không để mất dấu cậu ấy.
Hoàng Bảo mua một hộp rau (toàn dưa chuột với ớt chuông), một hộp nhựa trong suốt đựng một quả trứng luộc, một gói bánh quy nhỏ và hai miếng pho mát thái lát. Nhìn qua tôi đã thấy mất cả ngon. Đứng ở quầy thanh toán dù chẳng mua gì, tôi vẫn kè kè sau lưng Hoàng Bảo. Cậu ta trông hết sức bình tĩnh, lúc xoay người lại lấy ví tiền trong ba lô cũng chẳng hề nhìn tôi lấy một lần. Thanh toán xong xuôi chúng tôi luồn lách qua đám người đang mải ăn uống và trò chuyện để tìm chỗ trống. Hoàng Bảo đi thẳng về phía một cái bàn trống gần cửa, cậu ta kéo ghế ngồi và tôi làm tương tự. Sự yên lặng kỳ dị như thể đã rời bỏ khu tự học trong thư viện mà thẩm thấu vào Hoàng Bảo, rồi bao phủ luôn những sinh thể sống trong phạm vi bán kính chung quanh. Tôi nghịch các ngón tay đặt trên mặt bàn, rồi nghịch cái nhẫn ở ngón trỏ, rồi ngó nghiêng lung tung, hoặc chống cằm nhìn ra bên ngoài. Tôi cố không nhìn Hoàng Bảo. Cậu ta ăn chậm rãi, nhai dưa chuột như một con cừu, dù tôi biết là cừu đâu có ăn dưa chuột. Xong đống rau cỏ, cậu ta chuyển qua cái hộp tẻ nhạt kia. Quả trứng bé xíu, bánh quy thì khô khốc và dập nát, hai lát pho mát thì lạnh tanh. Tôi tự hỏi cậu ta đang ăn kiêng hay làm sao mà trong bao nhiêu thứ nóng sốt ngon lành không ăn lại đi ăn toàn những thứ sống nhăn và nguội ngắt như thế. Tôi nhìn chăm chăm chỗ thức ăn của Hoàng Bảo, và nhờ vậy tôi thấy cậu ta đẩy cái hộp nhựa nhỏ về phía tôi. Quả trứng cậu ta đã lấy mất, thành ra chỉ còn cái bánh quy và pho mát. Tôi thực không biết phải làm gì với chúng, hay Hoàng Bảo muốn tôi làm gì với chúng. Cậu ta chỉ nhìn tôi, đôi mắt rất lâu mới chớp một lần. Tôi quyết định ăn những thứ trong hộp. Chúng thực ra không hề tệ như tôi nghĩ, chỉ là khẩu phần ăn có hơi quá ít so với tôi. Đó là bữa trưa đầu tiên tôi ăn chung cùng Hoàng Bảo.
Cuộc nói chuyện sau đó diễn ra thế này:
-cậu đang học ngành nào? – Hoàng Bảo nói trước. Giọng cậu ta rất ấm và trầm, khác hẳn với những gì tôi hình dung dựa vào cái thể trạng nhỏ bé của cậu. (tôi cứ nghĩ nó sẽ eo éo kiểu con gái hay chí ít là mảnh và cao).
-công nghệ thông tin, năm hai. – tôi đáp. Mọi sự diễn ra không theo đúng ý lắm nhưng có còn hơn không. Ít ra chúng tôi đã bắt đầu nói chuyện.
-năm hai à, thế thì năm nay cậu hai mươi à? – Hoàng Bảo khoanh hai tay trước ngực rồi tựa lưng vào thành ghế.
-tôi vừa làm sinh nhật hồi tháng hai. – nói xong tôi tự rủa mình sao mà ngu. Tôi có thể chỉ cần gật đầu thôi cơ mà.
-thế thì anh lớn hơn tôi một tuổi đấy. – Hoàng Bảo nói – tôi mười chín, đang học ngành truyền thông. Nhưng chắc là năm sau tôi sẽ học cái khác.
-cậu không thích truyền thông à? – tôi hỏi.
-không. Không hề. Tôi học vì chưa đủ điểm để học khóa mà tôi muốn. Tôi thích viết kia.– Hoàng Bảo đáp.
Khuôn mặt cậu ta giãn ra nhưng không hề tạo cảm giác nhẹ nhõm cho người đối diện. Thành thực mà nói có cảm giác Hoàng Bảo đang tạo ra những bức tường phòng thủ kiên cố thì đúng hơn. Cứ xem cách cậu ta nói chuyện thì thấy, chủ động đặt câu hỏi, câu trả lời cũng dài hơn. Rõ ràng là cậu ta không thích bị người ta khai thác thông tin một tí nào. Tôi có rất nhiều thứ muốn biết về Hoàng Bảo. Chưa khi nào tôi lại muốn tìm hiểu cặn kẽ một người lạ đến thế, lại còn mới gặp lần đầu, và lại còn kiểu hành xử quái dị của cậu ta nữa chứ. Trần đời tôi chưa thấy ai tức cười như cậu ta. Nhưng mà có phải vì thế nên tôi mới không thể ngừng ham muốn được biết rõ cậu ta hơn không?
-tôi thì luôn muốn được học công nghệ thông tin. Từ bé đã thích rồi. Mà không, hồi bé đúng nghĩa là bé thì tôi muốn làm người dự báo thời tiết trên vô tuyến cơ, lên trung học tôi mới bắt đầu tìm hiểu về công nghệ thông tin đấy chứ. – tôi kéo dài câu trả lời của mình, theo kiểu Hoàng Bảo. Có thể như thế cậu ta sẽ bớt phòng thủ đi.
-người dự báo thời tiết thì có gì hay? Tôi thì không thích mấy người đó, cả chương trình dự báo thời tiết nữa. Hồi tiểu học trước khi đi cắm trại hay tham quan cùng trường, tối nào tôi cũng xem dự báo thời tiết, có khi trước cả tuần liền. Họ luôn nói sẽ có nắng to, trời sẽ rất đẹp vào ngày đi chơi đấy, nhưng có bao giờ như thế đâu. Trời luôn xấu, mưa thì to, tôi chưa bao giờ có một chuyến đi chơi vui vẻ cả. Nếu may mắn thì trên đường đi mưa sẽ ngớt dần, nhưng tôi vẫn cứ không thích là không thích như thường. – Hoàng Bảo vừa nói vừa thay đổi tư thế, cậu ta đột nhiên nhoài người về phía trước, tì cả nửa người lên bàn, chống cằm rồi nhìn tôi. Đứng từ ngoài nhìn vào hẳn ai cũng sẽ bảo chúng tôi là bạn từ lâu rồi, chứ không phải là vừa mới gặp nhau theo kiểu bọn bám đuôi chừng một giờ đồng hồ trước. Đáng lẽ tôi phải thấy mừng khi bắt chuyện được với cậu ta, vì xét cho cùng tất cả những chuyện này đều là nhằm mục đích tiếp cận cậu ta mà. Vậy mà không hiểu sao, tôi cứ nửa hồi hộp nửa bất an, tôi không sao mà cười một cách thành thực được.
-tôi thích vì hồi đó xem trên ti vi mấy người đó ngầu lắm. Họ chỉ tay một cái là có mưa, phẩy tay cái nữa là có nắng. Nhưng dĩ nhiên là nhờ máy móc. – tôi đáp. Hoàng Bảo chú mục vào tôi như thể tôi là cái màn hình máy tính còn cậu ta thì đang gõ gì đó lên mặt tôi từ trong tâm tưởng. Tôi có cảm giác như bị nhìn thấu, như bị ai bóc trần ra như người ta bóc một củ hành. Từng lớp từng lớp một tôi rơi tuột xuống sàn, nằm một đống. Khắp mình mẩy tôi bốc ra một thứ mùi khó chịu.
-tôi có thể bảo rằng anh đang không thoải mái. – Hoàng Bảo vẫn chống cằm nằm xoài trên bàn. Cái bàn có thể không sạch đâu.
-ừ. - tôi nói đại khái, mắt cụp xuống, nhìn cái gì thì tôi cũng chẳng rõ. Tôi thấy mình rõ là đang ở trong tình thế bị trách phạt.
-tôi mới là người nên thấy không thoải mái ở đây chứ - Hoàng Bảo ngả người lên thành ghế - anh đi theo tôi mà. Từ lúc ở trong thư viện kia. Tôi làm xong bài từ đời nào rồi, nhưng cứ phải cố mà ngồi chờ anh biến đi. Nhưng anh cũng thuộc dạng gan lỳ đấy chứ. Lúc ở trong nhà ăn tôi cứ nghĩ sẽ làm anh bỏ đi, nhưng ai mà biết được anh lại cứng đầu như thế. Rồi tôi nghĩ không biết anh muốn gì. Thế anh muốn gì?
-nói chuyện với cậu, chắc thế. – tôi vẫn nhìn xuống, rồi nhìn lên, rồi nhìn xuống lần nữa.
-thì đang nói chuyện đây còn gì. Thế được chưa? – Hoàng Bảo xách cặp đứng lên. Tôi đâu có muốn mỗi thế đâu, tôi muốn làm quen với cậu kìa. Nhưng tôi á khẩu, ngồi vần vò mấy ngón tay mình.
-thế tôi đi nhé. – Hoàng Bảo nói, rồi gom đống vỏ hộp đồ ăn ban nãy bê ra chỗ thùng rác.
Các thứ trong ngực tôi cứ nhảy loạn hết cả lên. Trước khi tôi kịp nhận ra mình đang làm gì, chân tôi đã bước mấy bước dài về phía Hoàng Bảo. Cậu ta đang đi ra cửa. Đúng hơn là đang chạy ra cửa. Thực ra thì cậu ta đang đi nhưng như tôi đã nói, Hoàng Bảo đi cứ như bị ma đuổi.
-cái gì nữa? – Hoàng Bảo đi song song cạnh tôi, hai tay nắm chắc quai cặp. Cậu ta không tỏ vẻ khó chịu, cậu ta đang tò mò.
-thế tên cậu là gì? – tôi ú ớ hỏi. Mãi mới hỏi được một câu ra hồn, não tôi động viên tôi như thế.
-Hoàng Bảo. – Hoàng Bảo nói. Im một lúc cậu ta hỏi tên tôi.
-An. – tôi nói.
-tên gì kỳ thế? Tên nam hay nữ đấy? – Hoàng Bảo nghiêm túc hỏi tôi. Tôi không biết có nên thấy buồn cười không, hay đúng hơn thì tôi cũng chả phân biệt được đây có phải một câu nói đùa hay không nữa.
-tôi là con trai mà. Tên bố mẹ đặt thì là gì chẳng được. – tôi nói.
-nhưng tôi vẫn không hiểu anh muốn cái gì. Tôi nghĩ mãi mà vẫn không ra đấy. – Hoàng Bảo nói tiếp.
Lúc này đang đi lên cầu thang. Lúc lên cầu thang tốc độ của cậu ta chậm lại, điều này làm tôi nghĩ đến một con sên đang bò lên từng bậc. Không phải vì cậu ta đi chậm, tôi cũng chả biết phải giải thích làm sao. Một trong mấy cái tật của tôi là hay liên tưởng người ngợm với mấy con kỳ quái. Hồi bé có lần tôi thấy mẹ đứng trong bếp, tôi liền bảo mẹ rằng trông mẹ từ đằng sau giống một con ấu trùng khổng lồ đang đập cánh. Mẹ bảo tôi đừng nói mấy thứ như thế với người khác, cứ giữ trong đầu là được rồi. Không phải ai cũng là người tốt đâu và rất có thể vì lỡ mồm mà tôi bị ăn đập. Lớn đến chừng này tôi cũng chả hơi đâu mà đi kể cho người ta mấy cái liên tưởng của mình, thành ra dù trong đầu nghĩ gì tôi thường chỉ giữ cho mình mình biết mà thôi. Đôi lúc thấy hơi buồn vì cũng có những thứ hay ho tôi muốn chia sẻ cho cả người ta nữa, nhưng nghĩ kỹ lại thì người khác biết về mình càng nhiều mình càng dễ tổn thương.
-làm bạn với cậu, thế thôi. – tôi nói.
-anh có kiểu chọn bạn hơi bị hay đấy. Anh đi loanh quanh rồi gặp ai vừa mắt thế là anh bám theo họ nhằng nhẵng à? – Hoàng Bảo hỏi. Lên đến tầng hai Hoàng Bảo lấy lại tốc độ ban đầu, đi cứ như đang bỏ chạy. Buồn cười là cậu ta đi kiểu đó mà mặt vẫn giữ thái độ không biểu cảm gì, thành ra trông rất dị hợm, cứ như con chuồn chuồn có cái đầu khổng lồ đang lượn lờ báo trời mưa vậy.
-đó cũng là một phương pháp. – tôi đáp – thế có được không? Đánh bạn với tôi được hơi bị nhiều thứ đấy. Tôi có xe, tôi làm thêm ở Tim Horton, tôi sưu tầm đĩa phim và chơi với tôi thì không lo máy tính hỏng nữa.
-không tệ. – và Hoàng Bảo cười. Nụ cười rất ngắn, như là cậu ta làm đại cho xong. Nhưng tôi thấy dìu dịu trong lòng mình, và cảm giác đó kéo dài như đang lên một cơn phê thuốc nhẹ.
-bây giờ cậu đang đi đâu đấy? – xem như đã được chấp nhận, tôi bắt đầu dò hỏi cậu ta.
-thư viện. – Hoàng Bảo đáp cộc lốc.
-nhưng vừa từ thư viện ra mà. – tôi ngạc nhiên hỏi, thêm một tí hơi hoảng. Đừng bảo cậu ta ăn trưa cho xong rồi lại lên học tiếp nhé, vì nếu lại phải ngồi ở cái chốn im ắng đó thêm một tiếng nữa tôi cầm chắc sẽ lăn ra ngủ luôn.
-mượn sách chứ làm gì. Ban nãy anh làm ghê quá nên tôi chưa kịp mượn. – Hoàng Bảo nói. Ơn trời, tôi nhủ thầm.
-thế xong thì làm gì? – tôi lại hỏi. Vào thứ tư tôi làm ca tối ở quán cà phê, thường thì sau khi tan học tôi đi loanh quanh đâu đó chờ tới giờ đi làm. Thường tôi hay đánh xe chạy vòng vòng, ở chốn hẻo lánh này thì chẳng có cái gì mà chơi được. Vào thành phố thì mất khối thời gian, chỉ cuối tuần rảnh rỗi tôi mới hay chạy vào đó mua sắm hoặc đi loanh quanh la cà quán xá. Tôi nảy ra ý rủ Hoàng Bảo đi uống gì đó, vì dù sao tôi cũng còn cả đống thứ muốn nói với cậu ta.
-thì về phòng. Tôi ở trong ký túc xá. Ngay kia kìa. – Hoàng Bảo trỏ hú họa vào đâu đó. Mà chẳng cần làm thế tôi cũng biết ký túc xá ở đâu. Chả là tôi có mấy người bạn cũng ở trong đó.
-đi chơi với tôi không? – tôi rủ rê.
-cái gì? Tôi không rảnh thế đâu. Cậu muốn đi đâu thì đi một mình ấy. – Hoàng Bảo từ chối ngay. Tôi hơi tụt hứng một xíu nhưng vẫn cố nài nỉ. Nghĩ thì cũng thấy buồn cười. Tôi chẳng là cái gì đối với Hoàng Bảo hết. Cậu ta thậm chí còn chưa nói có chịu làm bạn với tôi hay không nữa kìa.
-cậu thường làm gì khi ở trong phòng thế? Xem phim, đọc sách hay lại học bài nữa? – tôi đang nghĩ hay có khi nào tôi nên tìm cách về phòng với cậu ta, tiện thể xem xem cậu ta sống thế nào. Muốn tìm hiểu người nào đó, trước nhất cứ nhìn vào phòng ngủ của họ.
-phòng bé lắm, cậu thì to đùng như này. – Hoàng Bảo càm ràm – thực ra tôi học xong rồi – cậu ta im một hồi có vẻ đang nghĩ gì đấy – nhưng cậu định đi đâu?
-loanh quanh. Gần đây cũng chả có mấy chỗ mà đi. Tôi muốn uống cà phê và ăn gì đó. Tôi đã ăn trưa đâu. – nói mới nhớ tôi thấy hơi đói thật. Thường thì tôi ăn uống thất thường, chả có giờ giấc gì. Thấy đói thì ăn mà không đói thì cũng cứ ăn. Mà đã ăn là tôi ăn không nghỉ chừng nào chưa thỏa mãn. Mẹ tôi nói nhìn tôi ăn thì cũng thấy ngon, mà chả biết người đang ăn là tôi có kịp thấy thức ăn nó ngon không hay là cứ thế mà nuốt chửng luôn rồi. Rõ vớ vẩn, phải thấy ngon thì mới ăn chứ.
-tôi chia cho cậu đồ ăn của tôi rồi còn gì. – Hoàng Bảo hỏi tôi. Quả thực cậu ta nghĩ mấy lát pho mát cùng bánh quy nát bét đó là đồ ăn hay sao, tôi tính hỏi vặn lại nhưng rồi thôi.
Mượn sách xong tôi rủ Hoàng Bảo ra mấy quán ăn ngoài trường. Thực ra đồ ăn trong và ngoài trường cũng tương đương như nhau cả, chỉ là tôi muốn đến chỗ nào đó thoải mái và bớt ồn ào hơn. Hoàng Bảo ừ ừ gật gật rồi đi bộ theo tôi vào quán McDonalds kề ngay quán cà phê tôi làm thêm. Cậu ta dĩ nhiên chẳng ăn gì vì đã ăn rồi, thế là tôi gọi một suất combo ngồi đánh chén một mình trong khi Hoàng Bảo nhìn tôi ăn. Tôi ăn thì nhanh, xong xuôi tôi gọi cà phê cho cả hai. Hoàng Bảo chăm chú nhìn tách cà phê, hình như với cái gì nằm dưới tầm mắt mình cũng đều bị cậu ta nhìn cho thủng lỗ ra như thế. Tôi  không rõ đó có phải cách Hoàng Bảo quan sát mọi thứ không, chứ với tôi thì cậu ta giống như một cái máy đang rà quét thu thập thông tin vậy. Hoàng Bảo gây cho tôi thứ cảm giác không giống người đến mức bất bình thường, và cái sự bất bình thường đó lại được cậu ta thực hành hết sức nghiêm túc và cẩn thận, đến độ tôi không thể nào coi nó là bất bình thường được nữa. Cứ thử sống với một con mèo biết nói mà xem. Nếu sáng nào nó cũng gào chào buổi sáng vào mặt thì đến một hôm người ta sẽ vứt béng cái đồng hồ báo thức đi luôn ấy.
-thế rồi sao? – Hoàng Bảo hỏi tôi. Đúng là giai đoạn đầu của quá trình đây mà, tôi nghĩ. Thường thì khi mới chơi với nhau, người ta sẽ rất hay tự hỏi mình hoặc hỏi người khác câu này. Hoặc là cậu ta đang hối hận, hoặc là không.
-thế rồi chúng ta cùng nói chuyện. – tôi đáp. Đây là thói quen của tôi. Tôi thích tìm hiểu người khác bằng cách đưa họ đi uống cà phê, và cùng chìm vào không gian đậm đặc ấy. Ở trong đó tôi thấy đặc biệt an toàn. Tôi cũng muốn họ cảm thấy giống như tôi vậy.
-cậu đúng là đồ khác người. – Hoàng Bảo nói, cậu chống cằm rồi đưa ra một nhận xét như vậy.
Dĩ nhiên là tôi thấy mình bình thường dựa theo tiêu chuẩn của một xã hội bình thường. Và với tôi thì người như Hoàng Bảo cũng kỳ dị chẳng kém. Ở đâu ra cái thể loại biết mình bị bám theo mà còn hành xử như thế? Bộ cậu ta nghĩ nhìn chằm chằm vào mặt người ta là đuổi được họ đi đấy chắc? Và chưa kể cái hành động chia đồ ăn là có ý gì? Hoàng Bảo thật là kỳ. Tôi thích cậu ta như vậy, tôi muốn biết nhiều hơn. Thế rồi trong khi nghĩ như thế, một nỗi sợ nhàn nhạt len lỏi khắp mọi ngóc ngách trong người tôi. Nếu một ngày nào đó tôi đã biết mọi thứ về Hoàng Bảo rồi, tôi sẽ thấy chán cậu ta thì sao? Và tôi sẽ bỏ đi, thế thì sao chứ? Ngay lúc ấy tôi vừa muốn không biết về Hoàng Bảo, lại vừa muốn thấu tỏ hết mọi điều sâu thẳm trong lòng cậu ta.
-với tôi cậu cũng không giống người lắm. Nhưng nói một cách công bằng thì ai mà chẳng khác người, đúng không? Làm gì có hai người giống nhau hoàn toàn, đấy là không tính về ngoại hình nhé. Đến cả sinh đôi mà còn có cái khác nhau nữa là.  Đối với tôi thì không có khái niệm “bình thường”, vì đơn giản là nó không tồn tại. Cũng giống như “tự do’”, chỉ là một hình thức ảo tưởng được xây dựng quá kiên cố trong đầu chúng ta, và thế là ta không nhận ra nó cũng chỉ là phù phiếm. “Tự do” không có thật, vì sinh ra đã là ràng buộc rồi, đúng không? – tôi nói một hồi, hai bàn tay cứ mở ra đóng vào, để diễn tả cái gì thì tôi chịu. Cơ thể hoạt động dựa vào nguyên lý gì, chịu sự tác động ra làm sao, trong khi mải nói tôi không để ý hết được.
Hoàng Bảo chăm chú lắng nghe, cậu ta có vẻ đang nghĩ về mấy điều tôi vừa nói. Hoặc không. Mặt cậu ta luôn nhìn như đang nghĩ ngợi ghê lắm, và vì thế nó ngầm gửi đi một thông điệp rằng đừng có lại gần hay đừng có làm phiền, đang bận. Tôi chờ cậu ta trả lời. Hay chí ít là tôi hy vọng thế. Tôi còn cả tá thứ để nói, nhưng phải biết khôn ngoan mà chọn thời điểm chứ cứ hứng lên mà tuôn ra bất tận như vậy, người ta không những không nghe mà còn bị đánh giá là một đứa dở người. Mãi Hoàng Bảo mới nói.
-tôi cũng nghĩ như cậu vậy. Đúng là “tự do” và “bình thường” là những khái niệm chỉ mang tính lý thuyết. Chúng được sử dụng như một phần của sự đối lập mà dựa vào đó người ta quan sát rồi đánh giá những hiện tượng khác. Dựa vào sự bất bình thường đồng nhất để tạo ra sự bình thường, dựa vào các cấp độ quản lý để tạo ra tự do. Nhưng xét cho cùng thì những khái niệm đó cũng giống như con người vậy, cậu hiểu chứ, cũng như tôi và cậu đang ngồi đây, chúng ta không thật sự tồn tại với những người không nhìn thấy, không biết đến. Nhưng như thế đâu có nghĩa là chúng ta không có thật đâu, phải không? Tôi đang nhìn vào mặt cậu, cậu đang nhìn vào mặt tôi đấy thôi. Có thể với một số người, “bình thường” là một thứ có thật, “tự do” cũng có thật. Sự hiện diện của những thứ đó giống như một hình ba chiều mà tùy vào góc nhìn, người quan sát ghi nhận sự có hay là không. Tôi thì đồng ý với cậu là chúng chỉ hiển hiện trong sách vở mà thôi, nhưng biết đâu có ai đó ở bên kia trái đất lại nói khác thì sao. – Hoàng Bảo nói chầm chậm, cậu ta chọn từ cẩn thận đến mức giống như đang đọc một bài diễn văn đã được tập huấn trước gương nhiều lần. Tôi nghe không sót một từ, trong sự yên lặng đến liền sau đó, tôi để chúng thẩm thấu vào da.
-tóm lại thì ý cậu là không có gì là tuyệt đối phải không? – cuối cùng tôi nói.
-ừ, trừ bản thân sự tuyệt đối ra. – Hoàng Bảo cười với tôi, vẫn là nụ cười mà tôi đã thấy hồi nãy. Sự nhẹ nhàng lại bao bọc lấy tôi như đang đứng dưới một làn mưa ấm.
Tôi là người bạn duy nhất của Hoàng Bảo. Nghe thì thấy to tát nhưng đồng thời cũng chẳng là gì. Đối với Hoàng Bảo, khái niệm bạn bè không thực sự quan trọng lắm. Ý tôi là, với cậu ta, bạn là thứ có hay không có cũng chẳng làm sao cả. Trong thế giới mà Hoàng Bảo đang sống, những thứ thiết yếu, thực sự thiết yếu bao gồm thức ăn, nước sạch, và giấc ngủ. Chấm hết. Ngoài ba cái đó ra, Hoàng Bảo cho rằng mọi sự còn lại đều có thể dễ dàng thay thế được. Hoặc thậm chí vứt luôn. Và tôi thì đương nhiên là nằm trong cái đám vứt-đi-tiềm-năng ấy.
Vì học khác ngành, nên chẳng bao giờ chúng tôi trùng giờ học với nhau. Kiểu như lúc cậu ta lên lớp thì tôi rảnh và ngược lại. Chúng tôi thường gặp nhau vào cuối tuần, hoặc những hôm trước giờ trực ca ở quán cà phê, Hoàng Bảo lại tới gặp tôi ở quán McDonalds, nói dăm ba thứ trường lớp, sách vở và nghe tôi kể chuyện phim ảnh. Ngoài ra thì, chúng tôi không còn gì để nói với nhau hết. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi bị rơi vào tình trạng ngột ngạt. Luôn luôn có một chủ đề mới để khai thác từ những chủ đề cũ. Cứ thế chúng tôi đi sâu vào những thứ đơn giản, tiểu tiết như một bài hát, một bộ phim, một cuốn sách, một món ăn hay thậm chí là một bức ảnh. Chúng tôi nói hàng giờ đồng hồ trong quán ăn nhanh nhỏ cạnh bãi đỗ xe, để ánh nắng rọi qua cửa chiếu lên tay, lên mặt. Lớp bụi mỏng mịn lấp lánh trong không khí đôi khi chờn vờn trên mái tóc của Hoàng Bảo, và với tôi mà nói thì chúng khá đẹp. Như thể có ai đó đang rắc những đốm lân tinh lên cậu ấy. Tôi thích nhìn vào mắt Hoàng Bảo. Từ hồi chơi với nhau đến giờ, tôi cũng dần nhiễm luôn cái thói nhìn chằm chằm vào các thứ của cậu ta. Sau này hỏi ra mới biết, Hoàng Bảo cận nặng từ hồi tiểu học, mãi tới năm mười tám tuổi mới làm một phẫu thuật nhỏ để bỏ kính. Thế nên cậu ta luôn mất nhiều thời gian nhìn mọi thứ, vì theo như cậu ta nói, đã một năm rồi nhưng mắt cậu ta xem ra vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.
Vào các ngày cuối tuần, tôi cùng Hoàng Bảo lái xe vào thành phố. Có hôm thì đi ăn rồi đi xem phim, có hôm thì vào trung tâm mua sắm, Hoàng Bảo chẳng bao giờ có nhu cầu mua gì, còn tôi hôm thì mua giầy mới, hôm thì đồng hồ mới. Hoàng Bảo đi cùng tôi lại là chúa tiết kiệm nên nhờ có cậu ta cằn nhằn bên cạnh, tôi mới bỏ được cái thói xấu là thích gì mua nấy vô thưởng vô phạt đi. Nhưng chỉ riêng có một thứ mà Hoàng Bảo không làm sao bắt tôi bỏ được là sở thích sưu tầm đĩa phim các kiểu. Tôi thực ra không phải con mọt phim, cũng không có các kiến thức căn bản về phim, nói tóm lại tôi với phim cũng chỉ có mối quan hệ nông cạn như bao người khác. Nhưng cái mà tôi đặc biệt thích là đĩa phim kìa. Tôi bắt đầu sưu tầm chúng từ hồi mười hai tuổi. Bố tôi có một bộ đầu đĩa, thế là ông bắt đầu mua các đĩa phim hoạt hình và phim gia đình về để vào các buổi tối rảnh rỗi cả nhà có thể quây quần lại cùng xem. Tôi chịu trách nhiệm bảo quản đống đĩa, giữ chúng cho sạch và khỏi xước. Thế là từ đấy tôi không sao bỏ được trò mua đĩa phim về nhà, xem một lần rồi thi thoảng đem ra lau chùi, tổng vệ sinh rồi lại cất vào giá. Nó khá kỳ lạ và ngớ ngẩn nếu nghĩ kỹ, kiểu như những người có sở thích sưu tầm ống hút, hoặc các loại hộp giấy ăn, đại khái thế. Họ tha chúng về đầy nhà, dành riêng cho chúng một căn phòng, lắp đặt các loại máy móc để bảo quản rồi mỗi tối lại giam mình trong đó ngắm nghía không biết mệt. Tôi chính xác là kiểu người như vậy. Tôi yêu đống băng đĩa của mình đến nỗi, phim dù chán không thể chán hơn tôi vẫn giữ cái đĩa lại, lau cho sạch rồi cất đi. Rõ là chẳng ai thèm cái đống của cải đó của tôi hết mà tôi thì tôi không bận tâm. Tôi chẳng khoe chúng với ai cả, tôi chỉ để đó rồi mỗi khi buồn chán mà nghĩ đến thì sẽ thấy tỉnh táo cả người. Hoàng Bảo là người duy nhất không chê tôi ngớ ngẩn khi tôi kể cho cậu ta về sở thích của mình. Hoàng Bảo chỉ nói đơn giản là cậu ta cũng có những thứ ưa thích riêng, và vì thế cậu ta chả có quyền đánh giá thú vui của ai hết. Mỗi khi tôi sà vào hàng băng đĩa là Hoàng Bảo sẽ đứng kề bên, chỉ quan sát thôi chứ không tham gia biểu tình ngăn tôi mua chúng.
Những ngày cuối tuần như thế, Hoàng Bảo có vẻ bớt lo lắng với tôi hơn. Ý tôi là, vào lần đầu gặp tôi đã muốn chạm vào cậu ta thật khẽ, thật nhẹ nhàng, chỉ như cái chạm giữa mặt đất và một tờ giấy mỏng. Bức tường mà Hoàng Bảo dựng nên giữa chúng tôi dần dần thấp đi và rồi một hôm, khi cậu ta ngồi co gối bên cạnh ghế lái và ư ử hát theo một đoạn nhạc quảng cáo trên radio thì tôi biết, tôi đã đến rất gần Hoàng Bảo rồi. Khi đó là đầu tháng năm, mùa hè đã sắp sửa bắt đầu. Tôi không sợ lạnh nên ngồi trong xe tôi chỉ mặc độc một cái áo phông cộc tay, còn Hoàng Bảo nhìn là đủ biết một đứa loẻo khoẻo như cậu ta gió tốc một cái là bay đến tận tây ban nha luôn như chứ chả đùa. Hoàng Bảo mặc một cái áo len màu đen cao cổ với quần jean thẫm màu, và dĩ nhiên cậu ta vẫn đi đôi adidas thấp cổ màu đen nốt. Trong đơn giản đến độ xoàng xĩnh, nhưng mà tôi thì lại thích như vậy. Hoàng Bảo nhìn thoáng qua thì rất dễ bỏ qua, nhưng một khi đã đến gần cậu ấy rồi thì khó mà bỏ đi cho được. Cậu ta sơ sài như một bức tranh tối giản treo đơn độc trên bức tường trắng, thế rồi một khi đã ngắm nhìn quá lâu, lâu đến nỗi sự giản dị ấy tan vào mắt người xem vô số những đốm vảy cá hình lục lăng đa màu.
Nếu có một điểm mà Hoàng Bảo thích đến nhất thì có lẽ là tiệm Rexall Plus. Lần nào vào thành phố cậu ta cũng tạt qua đó một lần. Hoàng Bảo, tôi có thể nói rằng cậu ta rất đề cao sức khỏe. Một ngày cậu ta uống chừng chục viên thuốc các thể loại, vitamin A, B, C, D, E, dầu cá, thuốc ngậm; họng Hoàng Bảo rất dễ bị đau nếu không cẩn thận. Mặc dù chăm chút sức khỏe như thế, nhưng Hoàng Bảo sụt sịt luôn. Có thể cậu ta không ốm hay cảm gì hết, nhưng mũi và họng cậu ta thì lúc nào cũng như đang bị một trận sốt cao hành hạ. Cậu ta ho hắng liên miên, nhưng kỳ lạ là chân tay và trán thì luôn lạnh toát. Hoàng Bảo nói chả có gì phải lo, cơ thể cậu ta vốn hay nhạy cảm và chưa kể thời tiết có tác động đến Hoàng Bảo rất lớn.
Vào đầu tháng năm, tôi bắt đầu chạm vào cậu ta nhiều hơn. Đầu tiên là tóc.
-làm cái gì đấy? – Hoàng Bảo hơi nhíu mày, khó chịu ngẩng đầu lên khỏi máy tính càu nhàu với tôi. Chúng tôi ngồi trong thư viện, và dĩ nhiên người duy nhất học hành nghiêm túc không phải là tôi. Chả là trước đó Hoàng Bảo chỉ chăm chăm làm cho xong bài luận gì đó về đề tài nóng lên toàn cầu mà cậu ta rất hứng thú, thành ra đầu cậu ta cứ cúi gằm. Và như thế thì thứ duy nhất nằm trước mặt tôi là cái đỉnh đầu của Hoàng Bảo. Tôi bất giác không kìm nổi đụng vào đầu cậu ta, vào chỗ duy nhất nhìn có vẻ không mang đầy tính phòng bị như chủ nhân của nó. Tóc của Hoàng Bảo rất mềm, đen nhánh, thậm chí có cảm giác mơ hồ rằng chất lỏng màu đen trên những sợi tóc sẽ kéo một vệt dài trên những ngón tay tôi nếu chúng vùi thật sâu rồi từ từ trượt ra khỏi mái tóc của cậu.
-có cái gì đấy trên tóc cậu. – tôi nhanh nhảu lấp liếm.
Tiếp đến là tay.
Tay của Hoàng Bảo dài và xương xẩu, có thể nói là phần ít dễ thương nhất trên người cậu ta. Chúng nhanh và chính xác khủng khiếp khi cậu ta đánh máy, song phần lớn thời gian chúng khá lười nhác, y như chính cậu ta vậy. Hoàng Bảo chăm chỉ và dùng toàn bộ cơ thể mình khi học, nhưng chỉ cần rời ra là cậu ta lại biến thành một tấm ván gỗ có chân lờ đờ. Hoàng Bảo thích dành thời gian rảnh nằm ườn trên giường, vùi người trong cái chăn to nặng và xem đi xem lại tám tập Harry Potter. Có hôm cậu ta đổi món sang Chúa Nhẫn và Người Hobbit, hiếm khi nào tôi thấy cậu ta xem loại phim nào khác. Nếu xem phim xong vẫn còn thời gian, Hoàng Bảo lập tức đi tắm rồi đi ngủ. Hoạt động hàng ngày của cậu ta thảm hại đến mức không thể dùng từ để diễn tả. Nó giống cái vòng đời luẩn quẩn và ngắn ngủi của một loài thực vật bé tẹo nào đó sống trên đỉnh núi, bên cạnh một cái hồ quanh năm đóng băng và chẳng hề có cá. Sau này khi tôi đặt được một chân vào cái chuỗi ngày thường lệ của Hoàng Bảo, đời cậu ta thực ra cũng chẳng khác đi tí nào. Cuối tuần rảnh thì vào phố chơi, trong tuần rảnh thì đến McDonalds tán phét, và những buổi tối rảnh rỗi Hoàng Bảo từ chối mọi lời mời mọc của tôi mà dành riêng để thỏa mãn những thú vui tẻ nhạt của mình. Cậu ta từng nói với tôi, nếu không làm những việc như thế thì cậu ta cũng chẳng chết được, chỉ là cậu ta sẽ sống khác đi. Và khác đi không phải là điều cậu ta mong muốn. Hoàng Bảo kết bạn hay làm bất cứ điều gì đều không nhằm mục đích thay đổi hay để tạo ra điều gì khác biệt lớn lao trong đời mình, cũng chẳng phải để tìm kiếm những điều khác lạ kiểu phiêu lưu mạo hiểm. Hoàng Bảo thực lòng yêu thương cái đời ẩn dật của mình hơn rất nhiều thứ, bao gồm cả tôi hay những chuyến đi chơi vô bổ. Thậm chí có một lần khi tôi đánh liều thử nắm tay cậu ta, Hoàng Bảo lập tức rụt tay lại, nhanh đến mức điều đó khiến tôi đứng hẫng ra một hồi lâu, và tận sâu bên trong có cái gì từ từ vỡ vụn. Dù rằng tôi còn chưa bao giờ thực sự thấy nó, hay là biết đến sự tồn tại của nó.
-phải nói trước với tôi chứ. – Hoàng Bảo nói.
-hả, là thế nào? Chẳng lẽ tôi phải nói với cậu là tôi chuẩn bị nắm tay cậu à? – tôi vặn lại.
-nội cái việc đó thôi là đã không được rồi nhé. – Hoàng Bảo quay lại nhìn tôi chòng chọc. Lúc này chúng tôi đang đứng trong quán cà phê, định bụng ăn gì đó chờ tới giờ phim chiếu.
-thì sờ tí có chết ai đâu. – tôi nói.
Khi tôi nắm tay Hoàng Bảo, thực bụng tôi không có ý đồ gì, và thậm chí nắm được rồi tôi mới ý thức được rằng có một phần cơ thể cậu ấy đang nằm gọn trong tay tôi. Đôi tay của Hoàng Bảo, y như cậu ấy, nhỏ và gầy, mỏng tới độ có thể dễ dàng bóp vụn được. Đặc biệt chúng rất lạnh và thoảng mùi cam thảo. Ban đầu tôi không biết đó là mùi cam thảo, Hoàng Bảo luôn tỏa ra mùi này khi chúng tôi đứng gần nhau. Về sau khi tôi cùng mẹ đi mua đồ gia dụng mới vô tình bắt gặp mùi này ở quầy bán nến.Từ đó thi thoảng khi nhìn tay Hoàng Bảo tôi lại hình dung ra cảnh cậu ta thắp nến trong căn phòng tối om trên tầng hai của mình, thu người trong đống chăn và nhìn ra ngoài cửa sổ. Phía bên ngoài là thế giới của tôi. Cũng giống như những hình dung của tôi về Hoàng Bảo, tôi lờ mờ nhận ra sự hiện diện độc lập của một thế giới chỉ thuộc về cậu ấy, bên trong những bức tường dày chắc ở dưới sâu thẳm, trong đáy lòng của Hoàng Bảo. Tôi đứng từ xa nhìn theo đốm sáng chập chờn của ngọn nến phía ngoài cửa sổ, đắn đo tìm cách lại gần hơn. Nhưng rõ ràng là, để làm được điều đó, hoặc là tôi phải hủy hoại cậu ấy và tự làm đau mình, hoặc tôi phải chờ, không biết là bao lâu, cho tới khi cậu ấy hoàn toàn tự nguyện mở cánh cửa chính ra cho tôi vào.
Sau đó là vai.
Hoàng Bảo chả có phản ứng gì với chuyện tôi thường xuyên khoác vai cậu ấy, thế là tôi thừa thắng xông lên, hở ra là tôi bá vai bá cổ Hoàng Bảo vô tội vạ. Cậu ta nhỏ người nên thực lòng cũng có lần bảo tôi rằng vì tôi chả nhẹ chút nào nên vai cậu ta như sụm xuống, đấy là chưa kể cái ba lô cậu ta đeo cũng không nhẹ nhàng gì. Trái ngược với hình thể nhỏ nhắn, vai và lưng Hoàng Bảo khá rộng. Khi cậu ta đứng thẳng, khẽ cúi đầu, đường xương sống hơi nhô lên trông rất giống một con trăn nhỏ trong suốt đang bơi lội.
Cuối cùng là mặt.
Hoàng Bảo cực kỳ ghét bị sờ vào mặt. Đừng làm thế nữa, Hoàng Bảo cảnh cáo tôi sau khi bị tôi “thô bạo” đánh thức dậy. Cậu ta ngủ quên trên đường về sau một suất phim muộn. Lúc về tới ký túc xá, tôi nhân cơ hội thử chạm vào má cậu ta. Ai mà ngờ Hoàng Bảo thính ngủ như mèo, cậu ta mở trừng mắt và như mọi khi, nhìn như muốn đục toác hộp sọ tôi ra. Đừng làm thế nữa, cậu ta lặp lại rồi trèo ra khỏi xe, bước thẳng qua cánh cửa dẫn vào ký túc xá. Không nói tạm biệt, cũng không quay đầu.
Thôi, giận rồi, tôi vừa nghĩ vừa quay đầu xe. Tôi hoàn toàn tin rằng Hoàng Bảo sẽ ngó lơ tôi vào hôm sau nhưng không phải. Tôi đến gặp Hoàng Bảo như mọi khi trước giờ vào lớp của cậu ta để cùng ăn sáng, đinh ninh rằng cậu ta sẽ chẳng có ở đó mà đợi tôi. Vì thế khi trông thấy cái bóng đen tí xíu của Hoàng Bảo từ xa đang khoanh tay trước ngực như mọi khi, đứng dựa lưng vào tường, nhìn thẳng về phía trước, sự hiện diện tưởng chừng như đã quá quen thuộc vào mỗi sáng thứ hai ấy đập vào mắt tôi mạnh đến nỗi không kìm được bước chân, tôi rảo bước nhanh hơn về phía cậu. Hoàng Bảo đeo ba lô lên vai và bước theo tôi. Chúng tôi thường ăn sáng ở nhà ăn, hoặc ở quán cà phê nhỏ trong trường. Tôi mua bánh rán và cà phê, còn Hoàng Bảo, như mọi khi, lại cái hộp nhựa nhỏ đựng ba cái món nhàm chán đó. Chúng tôi kết thúc bữa ăn trong yên lặng. Thường thì chúng tôi cũng chẳng mấy khi nói gì nhiều. Dường như sự có mặt của mỗi bên là đủ, chẳng cần phải nói thêm gì nữa. Họa hoằn lắm Hoàng Bảo mới nói về bộ phim cậu ấy vừa xem, còn tôi thì sẽ rủ cậu ấy nghe một bài hát mà tôi vừa phát hiện. Nhưng hôm đó sự cân bằng thường có đã bị hụt đi ít nhiều, và tôi không ngừng ngọ ngoạy trên ghế, cố gắng tiêu hóa cái cảm giác nếu mình không nói một điều gì đó, mọi thứ sẽ chấm dứt tại đây. Dù thế, như mọi khi, tôi không bao giờ tìm được thứ mình cần vào những lúc cần thiết.
-đừng có sờ vào mặt tôi nữa đấy. – Hoàng Bảo lên tiếng trước.
-biết rồi, tôi sẽ không làm thế nữa. – tôi nói.
-trưa nay vẫn chỗ cũ hả? – Hoàng Bảo thu dọn vỏ hộp và giấy ăn bỏ đi rồi đứng lên. Tôi làm theo.
-ừ. – tôi đáp.
Hai đứa đi dọc hành lang. Khi Hoàng Bảo vào lớp thì tôi đi loăng quăng giết thời gian và chờ đợi. Sau đấy chúng tôi cùng ăn trưa ở nhà ăn, buổi chiều cả hai đều có lớp, lớp của tôi muộn hơn của Hoàng Bảo. Vào thứ hai, chúng tôi gặp nhau khoảng hai lần. Những ngày còn lại trong tuần cũng xêm xêm như vậy.
Khi tôi kể cho một người thứ ba về mối quan hệ của chúng tôi, họ thường tỏ ra ngạc nhiên, và lắm mồm hơn hẳn. Họ không thèm che giấu sự tò mò và quăng cho tôi cả ngàn câu hỏi. Có vẻ chuyện hai thằng đực rựa ngày nào cũng hẹn gặp nhau là một chuyện hay ho và khôi hài lắm. Nói một cách công bằng, thì đến tôi cũng phải thừa nhận là có hơi khác thường thật. Tôi và Hoàng Bảo rõ là chẳng hề chung ngành, cũng chẳng có sở thích chung, cũng không có quá nhiều đề tài để nói, và khi gặp thì chỉ thường yên lặng cùng ăn hoặc tranh cãi về những thứ nhỏ nhặt. Nhưng không ngày nào là tôi không chờ đợi tới lúc được gặp Hoàng Bảo, dù chỉ là để cùng ăn, cùng đi dọc hành lang, được nói thoải mái rồi đợi người kia trả lời.
Mẹ là người đầu tiên trong nhà gặp Hoàng Bảo. Hôm đó là một ngày chủ nhật thông thường như mọi khi, tôi và Hoàng Bảo đi lung tung trong trung tâm mua sắm, dán mắt vào mấy cái ti vi màn hình phẳng đang chiếu một cuộc thi lướt sóng, và Hoàng Bảo đột nhiên quay sang tôi hỏi hè này có kế hoạch gì không.
-thế đi biển không? – cậu ta hỏi tiếp, mắt vẫn nhìn chăm chú vào màn hình ti vi.
-biển á? Cậu thích biển à? – tôi hơi ngạc nhiên hỏi lại ngay tắp lự. Nào giờ có khi nào Hoàng Bảo chủ động rủ tôi đi chơi đâu, thế mà vừa mới nãy cậu ta đã rủ tôi đi biển đấy. Thật kỳ khôi hết sức, Hoàng Bảo chưa bao giờ ngừng làm tôi há hốc mồm.
-ờ thì mùa hè mà, thực ra tôi cũng không biết đâu. Tôi muốn đi đâu đó khỏi thành phố thôi. – Hoàng Bảo cuối cùng cũng rời mắt khỏi cái màn hình và quay sang tôi. Cậu ta trông thanh thản kỳ lạ, cái vẻ mặt lúc nào cũng cắm cảu như đang thù hằn ai đó bỗng dịu đi đôi chút. Tôi nhận ra Hoàng Bảo vừa mới hé cái cánh cửa đó ra và cho tôi xem phía bên trong của mình. Phía dưới thứ bóng tối dày đặc lúc nào cũng như đang lảng vảng quanh Hoàng Bảo bỗng từ từ giãn ra, và từng bước từng bước một tôi dò dẫm trong căn hầm nhỏ hẹp đen thẫm đó. Phải thận trọng và tập trung, tôi tự nhủ. Hoàng Bảo có thể đóng cánh cửa đó bất cứ lúc nào.
-ừ sao lại không, tôi thì tôi thích mấy cái vùng thôn quê ấy. Ái chà mấy cái quán ăn bán đồ đặc sản ấy mà, tôi là tôi mê lắm. – tôi chắp hai tay sau gáy, vừa đi song song cạnh Hoàng Bảo vừa nói một hồi cho cậu ta nghe.
Phải nói là trong mấy loại sách mà tôi hay đọc nhất thì đứng đầu là sách du ký. Có một lần hồi năm nhất, tôi đọc nhiều quá đến nỗi tẩu hỏa nhập ma, khăng khăng gọi điện về nhà đòi bỏ học một năm đi bụi cho đã. Tôi thậm chí còn mò lên tận phòng trưởng khoa để nộp đơn xin thôi học đấy chứ, thế mà đến phút chót rồi nghĩ thế nào tôi lại cất tờ đơn đi, đi học tiếp. Nhà tôi, khỏi phải nói, mừng muốn chết. Sém chút nữa là thằng con vứt hết cả tiền đồ sự nghiệp mà đi làm hippie trồng nho chăn cừu rồi. Nhưng mà, thi thoảng vào những buổi tối không ngủ được, tôi lại nhớ đến ngày hôm ấy. Cái cảm giác rạo rực chỉ muốn được đi ngay lập tức, bắt một chuyến xe đêm, xách theo độc một ba lô chứa cả gia tài, và đi tới những vùng đất mới, ăn những món ăn chưa bao giờ nhìn thấy, nói chuyện và làm bạn với những người không chung một màu da, ngôn ngữ, có cuộc sống và những truyền thống khác nhau, được hít thở bầu không khí dưới một bầu trời xa lạ, được nằm ngửa mặt trên những bãi cỏ và vách núi đá lởm chởm, và ở đâu đó rất xa nơi mà tôi đang đứng, tôi sẽ gặp và sống cuộc đời của những kẻ du mục, không bao giờ dừng lại ở một nơi nào đó quá lâu. Vào những đêm như thế, tôi nhắm mắt lại và quên hết tất cả những chuyện thường nhật đang xảy ra xung quanh mình. Trong những ảo tưởng như vậy, tôi chạy trên trần trên sa mạc, uống nước mát dưới cái nắng đổ lửa làm khô quắt cả da, hít chật căng lồng ngực mùi tảo biển ở những bến cảng, tai tôi thấm đẫm tiếng giòn rụm của bánh mì nướng mới ra lò; cứ thế tôi lướt qua các khung cảnh cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, đôi khi sự thèm khát vẫn còn nguyên.
-tôi thì thích kiểu đi du lịch không theo lịch trình ấy – Hoàng Bảo nói – chứ tôi ngán cái trò đi thành đoàn lắm rồi. Nhất là nếu mà phải chung với mấy ông bà già thì quá tệ.
-ờ thế thì hè này đi đâu đó hai đứa thôi. – tôi nói. Vừa nói xong tôi tự rủa mình luôn. Tôi nghe quá hồ hởi, quá hào hứng. Và điều đó không ổn. Tôi luôn tránh tỏ ra phấn khích hay vui vẻ quá đà trước mặt Hoàng Bảo. Vì một lý do nào đó, tôi học được rằng Hoàng Bảo luôn phản ứng tiêu cực với việc này. Tệ hơn, nó thậm chí có thể khiến cậu ta phản cảm ngay lập tức. Tôi len lén quan sát Hoàng Bảo. Mặt mũi bình thường, không có vẻ ghê tởm như mọi khi, thường thì lông mày cậu ta sẽ nhíu lại, rồi thì vai cậu ta sẽ rụt lại một chút. Nhưng lần này, không biết là may hay sao, Hoàng Bảo không đáp lại cũng không thấy ghét bỏ gì. Lần sau phải cẩn thận, tôi tự nhắc mình.
Đúng lúc đó thì tôi nghe tiếng mẹ gọi từ đằng xa.
-mẹ tưởng con đi xem phim chứ. – mẹ tôi tay xách nách mang đủ thứ vô thiên lủng. Lần nào cũng thế, cứ có dịp đi sắm sửa là y như rằng mua toàn đồ dùng một lần rồi bỏ xó đến mốc cả ra. Chính ra thì tôi giống mẹ ở điểm này.
-tụi con đang chờ tới giờ phim. Đây là Hoàng Bảo, Hoàng Bảo, đây là mẹ tôi. – tôi giới thiệu nhanh. Tôi có từng kể cho mẹ nghe là có một đứa bạn ở trường tôi chơi rất hợp. Mẹ bảo bao giờ dẫn về nhà đi. Tôi bảo có phải là sẽ cưới người ta đâu mà đòi xem mặt vậy.
-chào con, con chịu được thằng này thì giỏi đấy. – mẹ tôi xởi lởi nói. Tôi biết tính mẹ dễ gần tới nỗi chưa biết gì mà đã coi người lạ thành quen. Thế thì cũng được thôi nhưng với Hoàng Bảo tôi lại sợ rằng sẽ chỉ làm cậu ta càng khép mình hơn nữa. Hơn một tháng chơi chung với nhau, tôi có thể tóm tắt trong vài câu và cũng có thể viết cả một bài luận mười trang về Hoàng Bảo. Nhưng gì thì gì, cậu ta là kiểu người nếu không chủ động đến gần thì sẽ chắc chắn sẽ chạy trốn nếu người khác tiếp cận. Quả là kỳ lạ khi nghĩ về lần đầu chúng tôi gặp nhau. Rõ ràng tôi là đứa tò tò bám theo cậu ta như vậy, và đáng lẽ thì cậu ta phải đi báo bảo vệ túm cổ tôi lại chứ không phải là chia đồ ăn và nói chuyện với tôi như thế. Dù sao thì, tôi chưa một lần hỏi Hoàng Bảo về điều này. Rằng, vì sao cậu lại nói chuyện với tôi? Và vì sao cậu không nói chuyện với những người khác?
-cậu ấy là người tử tế. – Hoàng Bảo nói mỗi thế.
Nói chuyện thêm một hồi thì mẹ tôi phải đến chỗ hẹn với mấy bà bạn khác, song trước khi đi còn kịp mời Hoàng Bảo tới chơi nhà. Mẹ tôi đi rồi tôi mới bảo cậu ta đừng bận tâm, tính mẹ tôi thế đấy. Hoàng Bảo nói lại với tôi rằng cậu ta thấy mẹ tôi rất tốt, cũng chỉ vỏn vẹn có mấy từ vậy thôi. Kiểu nhận xét cậu ta dành cho mẹ con tôi làm tôi không biết nên phản ứng thế nào cho phải.
Mẹ tôi, như mong đợi, đã miêu tả chi tiết “thằng bạn mới” của tôi cho cả nhà nghe, tức là bố và chị gái tôi. Thế là từ đấy trở đi cả nhà cứ liên tưởng Hoàng Bảo với một thằng nhỏ gầy gò suy dinh dưỡng và “trông nó cứ tồi tội thế nào ấy con ạ”. Bố tôi còn nói thêm là tôi nên đối xử với Hoàng Bảo tử tế một chút, chứ mà lỡ tay tôi đè cậu ta chết ngộp thì chả có tiền để mà bảo lãnh cho tôi ra.
Năm học chính thức kết thúc và mùa hè bắt đầu. Tôi nằm dài trên xô pha, xem hết chương trình này tới chương trình nọ trên vô tuyến, chai nước đá kè kè bên cạnh. Bố mẹ tôi vẫn đi làm bình thường, còn chị gái thì từ trước hè đã tham gia một hoạt động cứu gấu koala nào đó nên cũng chẳng mấy khi ở nhà. Thế là tôi cứ dật dờ từ phòng này sang phòng nọ, mặc độc cái quần đùi, ăn uống vô tội vạ, xem ti vi và ngủ cả ngày. Thi thoảng tôi muốn gọi điện cho Hoàng Bảo để hỏi xem cậu ta đang làm gì rồi rủ cậu ta đi đâu đó, thế mà cứ cầm điện thoại lên rồi lại thôi. Không phải tôi không biết nói gì, mà là kể từ khi không đến trường nữa, tôi có cảm giác rằng chẳng còn lý do nào để tôi gặp lại cậu ta. Ý tôi là, cuộc sống của hai chúng tôi ngoại trừ trường học ra thì không hề giao nhau ở bất cứ một điểm nào. Chõ mũi vào đời sống bình lặng của Hoàng Bảo trước giờ là việc tôi vẫn làm đều đặn, nhưng vào mùa hè, khi mà thời gian rảnh lên đến 24/24, thì quả tình tôi không biết mình có nên làm phiền cậu ta hay không nữa. Chừng một tuần nữa tôi sẽ bắt đầu làm thêm ở một cửa hàng băng đĩa gần nhà, từ thứ hai đến thứ sáu, chín giờ sáng tới hai giờ chiều. Vào buổi tối những mùa hè trước, tôi hay la cà khắp các quán cà phê, đi xem phim, hoặc đi nhậu cùng bọn bạn từ hồi trung học. Hè năm nay thì, tôi chưa có dự định gì hết.
Hoàng Bảo chủ động gọi điện cho tôi. Lúc đó là tầm mười giờ sáng, tôi đang ăn ngũ cốc trong nhà bếp và lướt mạng. Mắt nhắm mắt mở tôi không để ý tên người gọi mà cứ thế trả lời luôn. Khi nghe giọng Hoàng Bảo ở đầu dây bên kia, tôi có hơi lố một chút. Tôi kiểu như chết lặng.
-này đang làm gì đấy? – Hoàng Bảo hỏi. Không thấy tôi nói gì, cậu ta a lô a lô thêm một hồi rồi lầm bầm cái gì đó mà nghe như là “khùng hả” các kiểu rồi dập máy. Tôi gọi lại ngay sau đó.
-nãy con mèo nghe máy. – tôi thông báo luôn, nào có thể nói cho cậu ta hay là tại tôi nghe giọng cậu ta mà bay hết cả hồn vía như thế được.
-ờ thế đang làm gì đấy? – Hoàng Bảo lặp lại câu hỏi. Tôi cứ thắc mắc “kỳ ghê, kỳ ghê”, cậu ta tò mò đời sống riêng tư của tôi làm gì chứ.
-đang ăn sáng, sao mà hỏi vậy? – tôi hỏi lại cậu ta.
-tính rủ đi bơi. – Hoàng Bảo đáp gọn lọn. Tôi cứng cả họng, mắt thì trợn ngược lên. Có thể là tại mùa hè, cuối cùng tôi đi đến kết luận một cách tạm bợ.
-ở đâu? Gần đây đâu có cái bể nào. – tôi rà soát các khu thể dục thể thao gần nhà mà tôi biết, cả mấy khu gần chỗ cậu ta sống nữa, đâu có thấy cái bể bơi nào đâu.
-nói chơi thôi. – Hoàng Bảo nói. Nghe giọng thì đâu có giống nói chơi. Cậu ta có cái trò đùa bằng giọng nghiêm túc làm tôi không biết đâu mà lần.
-qua nhà tôi không? Bố mẹ đi làm hết rồi, chán quá. – tôi nói.
-tôi có biết nhà cậu ở chỗ nào đâu. – Hoàng Bảo nói.
Tôi đọc cho cậu ta địa chỉ rồi hướng dẫn bắt chuyến xe bus này rồi chuyến xe bus kia và đi bộ thêm một quãng nữa là tới. Tôi tả cho cậu ta nghe mấy cái biển chỉ đường và dặn dò kỹ lưỡng là phải để ý nhà cửa hai bên thì mới biết trạm nào mà xuống. Hoàng Bảo im lặng nghe tôi nói chán chê rồi nói: lằng nhằng quá, thôi nhé. Thế rồi cậu ta dập máy luôn. Tôi thậm chí đã nhìn cái điện thoại một lúc lâu, đến tận khi màn hình tự tắt tối om tôi mới tin là cậu ta đã thực sự tắt máy.
Đi làm độ một tuần, tôi lượn vào trường tìm Hoàng Bảo. Hè rồi mà thư viện vẫn mở cửa, và rất dễ dàng để tìm thấy Hoàng Bảo đang ngồi trong góc cạnh cửa sổ đọc cái gì đó. Khi thì về lịch sử phương tây, khi thì công thức nấu ăn thế kỷ mười sáu, khi thì truyện trinh thám, khi thì đọc thơ tình pháp cổ. Tôi không rõ cậu ta đọc theo sở thích hay là để phục vụ một công việc độc lập nào. Mãi tôi mới lôi được Hoàng Bảo ra khỏi thư viện. Tôi phải ngồi chờ cậu ta đọc cho xong một cuốn tuyển tập của Edgar Allan Poe, mà đọc như người bình thường thì phải xong rất nhanh, còn cậu ta thì vừa đọc vừa ghi chép. Mãi tới hơn tám giờ cậu ta mới chịu gập sách vào rồi đem trả thư viện, mà lý do chính là vì tôi ngáp nhiều quá làm cậu ta không tập trung đọc được. Hoàng Bảo đứng trước cửa thư viện làm mấy động tác giãn gân giãn cốt rồi quay sang hỏi tôi có muốn vào thành phố ăn mì không. Nghe vừa ngớ ngẩn vừa phi thường kiểu gì đó, tôi gật đầu ngay.
Trên xe tôi mở nhạc của Black English. Ở tiệm băng đĩa tôi làm chung với một ông chú nữa chừng năm chục tuổi, không phải chủ cửa hàng mà là bạn của ông chủ. Ông khá tử tế, chỉ bảo tôi các thứ rất nhiệt tình. Ban đầu tôi thấy mừng hết xiết vì không phải làm chung với tụi lóc chóc như hồi trước, bọn này vừa cẩu thả vừa vô trách nhiệm; thế mà sau này tôi mới vỡ lẽ ra ông chú này dạy tôi hết các thứ là vì muốn tôi làm thay cho cả ông ấy nữa. Thực ra việc ở cửa hàng băng đĩa chả vất lắm, hay thậm chí có thể nói là khá nhàn. Công việc dễ, lại có máy điều hòa, lúc ít khách còn có thể xem đĩa thả giàn, lúc đông khách thì chịu khó hò hét là được. Ông chú này hôm nào cũng đi muộn, mà tới một cái lại bỏ vào phòng trong xem phim. Tôi làm hết ca thì đi về, vì cửa hàng cũng đóng cửa tầm năm giờ kém. Vào tầm đó chả mấy ai đi thuê băng đĩa làm gì, mà người ta đi hẳn ra rạp chiếu phim kia. Ông chú già thi thoảng ca cẩm với tôi già quá rồi mà chưa được đi Hawaii lần nào hết, tôi còn trẻ thế này thì phải đi cho biết mặt. Nói chuyện với ông chú thì cũng vui, và nhất là tôi hay được thửa lại mấy đĩa nhạc cũ.
Hoàng Bảo đen xì một cục như mọi khi, áo phông đen và quần jean tối màu, và miễn khoản nhìn xuống tôi cũng biết đôi giày cậu ta đang đi có bao nhiêu vết bẩn. Hoàng Bảo đang hát theo đoạn điệp khúc của bài Stay With Me. Vượt lên trên cả tiếng nhạc trong đĩa, tôi nghe thấy rõ mồn một giọng của Hoàng Bảo, nhỏ và kêu ken két như phát ra từ chiếc loa cũ kỹ, thứ âm thanh thuộc về một thế giới đã mất nào đó nhảy nhót trong tai tôi. Như tôi đã nói lần trước, Hoàng Bảo chưa bao giờ hết làm tôi ngạc nhiên. Vào cái lúc mà tưởng chừng như tôi đã nắm được phần nào đó của cậu ấy trong tay, thì tức khắc cậu ấy liền biến thành một vật gì đó khác. Khác tới mức tôi không thể nào biết được liệu đó có phải là cái mà tôi đã nắm lấy trong tay mình hay không. Stay with me Won’t you run away with me when life gets hard?
Ăn mì xong tôi rủ Hoàng Bảo đi uống. Nghe thấy đi uống cậu ta xua tay luôn. Hoàng Bảo không chịu được mùi cồn, thậm chí còn bài xích. Nhưng có lần tôi phát hiện trên người Hoàng Bảo có mùi thuốc lá.
-cậu không uống rượu mà lại hút thuốc à? – tôi hỏi.
-thì có sao? Ai cấm chứ? – Hoàng Bảo đáp, không thực sự quan tâm lắm. Chuyện Hoàng Bảo hút thuốc đối với tôi giống như bắt gặp thằng con đang tìm cách xem phim khiêu dâm trên điện thoại vậy. Tôi biết là mình chả có quyền gì với Hoàng Bảo, nhưng bản năng làm bố trong tôi đang kêu gào đòi cậu ta dừng lại.
-ờ nhưng thuốc lá đâu có tốt. Cậu quan tâm đến sức khỏe như thế mà hút thuốc là thế nào? – tôi không chịu thôi. Rốt cuộc Hoàng Bảo phải ngừng ăn mà ngẩng đầu nhìn tôi. Cậu ta trông có vẻ chán chường, không tỏ thái độ gì rõ rệt.
-hôm nay tôi mới hút. Chứ tôi bỏ lâu rồi. – Hoàng Bảo nói, nhìn tôi theo kiểu chuyện chỉ có thế thôi, cậu im đi được chứ. Nhưng tôi không chịu im.
-tôi ghét mùi thuốc lá. – tôi nói. Hay rồi, tôi nghĩ thầm, mình là cái thá gì chứ. Nhưng mặt tôi vẫn rắn đanh lại, không rõ là vì thẹn quá hóa trơ hay là tôi thực lòng thấy giận nữa.
-thì không hút nữa là được chứ gì. – Hoàng Bảo nói rồi cúi đầu ăn tiếp. Đây là lần đầu tiên cậu ta chịu nhượng bộ tôi trước một chuyện mang tính cá nhân. Dù thế tôi không xem đây là thắng lợi. Tôi bước chậm hơn, hít thở sâu hơn.
Vì Hoàng Bảo không thích mấy quán bar, thế là tôi nảy ra ý mua nước ngọt đóng lon rồi vừa đi bộ vừa uống. Thời tiết mát mẻ như thế này thì chẳng phải là rất thích hợp với một lon coke ướp đá hay sao. Hoàng Bảo không ừ hử gì thế là tôi mau mắn đi tìm máy bán hàng tự động rồi mua luôn hai lon coke lạnh rát tay. Thành phố về đêm đẹp như một lễ hội. Những cây đèn đường sáng trưng, các cửa hiệu tấp nấp người ra người vào. Khu phố mua sắm nhộn nhịp người qua kẻ lại, dân địa phương và khách du lịch đều mặc áo cộc tay, quần soóc; tiếng nói và tiếng cười không phân biệt ngôn ngữ tan lẫn vào nhau trở thành một phần của bầu không khí đặc quánh mồ hôi chỉ có vào mùa hè. Thứ mùi đặc trưng của sự cuồng loạn êm đềm, những cơn gió thốc tới chưa bao giờ được đón nhận dịu dàng đến thế, màu sắc rực rỡ của những mái tóc nhiều màu tung bay trong gió, mùi thơm của thức ăn, tiếng huýt sáo của những tay trẻ tuổi hòa vào tiếng động cơ của xe cộ nghiến trên mặt đường. Chúng tôi đi bộ dọc vỉa hè, uống coke lạnh và hòa vào nhịp thở dồn dập của thành phố. Có một điều gì đó rất bí mật và thầm kín của mùa hè được chia sẻ bởi những người xa lạ trên đường, khi họ nhìn vào mắt nhau. Dù chỉ kéo dài một giây nhưng những bóng sáng nhập nhoạng làm mắt mờ đi như khi nhìn thẳng vào mặt trời ấy khiến người ta chao đảo như đang say những đêm hè bất tận. Sự tỉnh táo đó không thể tìm được ở bất cứ thời khắc nào khác trừ mùa hè và điều đó càng làm người ta như phát điên lên vì niềm vui sống.
Tôi càng đi càng thấy khát mà lon coke thì đã hết từ đời nào, nên tôi nói Hoàng Bảo chờ trước một quán cà phê vẫn còn đông khách. Tôi len vào trong mua một cốc cà phê đá, lúc trở ra thì thấy Hoàng Bảo đứng cạnh cột đèn, hai tay cậu ta khoanh chặt trước ngực, mắt nhìn thẳng về phía trước. Hoàng Bảo đứng trong quầng sáng của ngọn đèn, vì thế nhìn cậu ta nổi bật hơn tất cả những người khác. Trái với những bộ cánh ngắn ngủn đang đi lại chung quanh, Hoàng Bảo nổi lên rõ nét hình ảnh của một cái cây mỏng, đen nhánh, liêu xiêu trong gió. Một toán du khách đi ngang qua chúng tôi, khi họ đi mất, tôi thấy Hoàng Bảo vùi mặt vào hai lòng bàn tay. Vai cậu ta rung lên, rồi rất nhanh, Hoàng Bảo lại đứng thẳng dậy như chưa có chuyện gì. Tôi cầm cốc cà phê trong tay, nước đá chảy đầy lòng bàn tay tôi, lạnh và nhớp nháp. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Hoàng Bảo cô đơn đến như vậy, dù cậu ta đang đứng giữa vô số người cười nói, vào mùa hè. Một thời khắc tuyệt diệu. Nhưng Hoàng Bảo đã khóc. Dù không có nước mắt nhưng tôi biết chắc rằng cậu ta đang đau khổ. Và vì sao đó, tôi đã không hề nhận thấy điều này.
Hoàng Bảo rõ ràng là không muốn tôi biết được, khi tôi lại gần vỗ vai cậu ta, Hoàng Bảo liền mỉm cười. Cậu ta hỏi tôi có muốn ngồi nghỉ ở đâu không, ngắm đường sá một lúc. Tôi gật đầu rồi đi lên phía trước một đoạn. Có một bậc tam cấp dẫn lên một tiệm giặt là nhỏ đã đóng cửa, chúng tôi liền ngồi xuống. Bậc tam cấp lùi hẳn vào trong so với bề mặt chung của các cửa hiệu, thành ra góc đó khá tối và không dễ gì để người đi đường có thể nhòm vào trong. Từ bên trong thì lại nhìn ra rất rõ. Mọi thứ đều sáng lấp lánh như trong một bức tranh, cảnh tượng trôi vùn vụt qua như những cánh rừng khi người ta ngồi trên tàu hỏa. Tôi uống cốc cà phê nhạt toẹt vì đá đã gần tan hết, không biết phải nói gì. Cậu vừa khóc đấy à, vì sao thế, cậu thấy buồn ư, sao cậu không nói với tôi, cậu có thể nói với tôi mà. Nhưng tôi không nói gì cả. Tôi yên lặng hít hà mùi cam thảo đang tỏa ra từ người Hoàng Bảo. Nếu đứng từ ngoài mà nhìn vào, có thể người ta sẽ thấy tôi nhờ cái áo phông trắng và đôi converse đỏ chói lọi. Nhưng tất nhiên họ sẽ không thể thấy Hoàng Bảo. Cậu ta đã tự biến mình thành đêm tối. Cậu ta luôn muốn sự hiện diện của mình biến mất vào bóng đêm. Tôi nhớ lại mấy lời mà Hoàng Bảo đã nói với tôi vào lần đầu tiên nói chuyện. “Nhưng xét cho cùng thì những khái niệm đó cũng giống như con người vậy, cậu hiểu chứ, cũng như tôi và cậu đang ngồi đây, chúng ta không thật sự tồn tại với những người không nhìn thấy, không biết đến. Nhưng như thế đâu có nghĩa là chúng ta không có thật đâu, phải không? Tôi đang nhìn vào mặt cậu, cậu đang nhìn vào mặt tôi đấy thôi”. Vào lúc này, ngoài tôi ra, không một ai biết đến sự tồn tại của Hoàng Bảo. Vào chính lúc này, nếu tôi bước ra khỏi đây một mình, Hoàng Bảo sẽ chết. Cậu ta sẽ bị lãng quên. Thứ bóng tối dày đặc đó một lần nữa khép vào xung quanh cậu ta, nuốt trọn mọi ánh sáng. Hoàng Bảo, ngay thời điểm này, không hề tồn tại.
-cậu đang nghĩ gì thế? – Hoàng Bảo lên tiếng. Trong cái hốc tối tăm ẩm ướt, giọng cậu ta lại càng dày hơn.
-không có gì. – tôi trả lời.
-tôi thì đang nghĩ đến những cuốn sách mà tôi sẽ chẳng bao giờ đọc được. Đơn giản là vì tôi sẽ chết trước cả khi biết đến chúng. – Hoàng Bảo nói.
-thế thì sao? Đâu có ai có đủ thời gian để làm tất cả mọi điều mình muốn. – tôi nói. Tôi đặt cốc cà phê sang một bên. Vị chua của cà phê đọng lại trong miệng tôi thật khó chịu. Tôi rà soát hàm răng bằng lưỡi, hy vọng làm thế thì có thể khử được bớt mùi đi.
-ừ thì tôi cũng đâu có phàn nàn gì, chỉ là khi nghĩ đến thì không sao dừng lại được. – Hoàng Bảo nói tiếp – và vì thế nên tôi đã khóc. Chắc cậu cũng thấy hả?
-thì cũng có chút chút. – thế là cậu ta biết, tôi nghĩ. Chắc là vì vẻ mặt tôi. Sự gượng gạo muốn ôm lấy cậu ta ngay lúc đó đã khiến các cơ bắp trên người tôi căng cứng lại.
-cậu thử nghĩ mà xem, ví dụ như cậu thích thu thập đĩa phim. Khi nghĩ rằng có vô số đĩa phim mà cậu sẽ chẳng bao giờ sờ tới được, điều đó có làm cậu thấy tuyệt vọng không? – Hoàng Bảo hỏi. Tôi im lặng một lúc. Đúng là có hơi đau đớn thật. Nhưng tôi không nói ra.
-ngoài sách ra, tôi còn thích nhiều thứ khác. Tôi đã từng nói với cậu rồi đấy, tôi cũng có những sở thích riêng. Những thú vui riêng. Làm được tới chừng nào thì làm, nhưng xét cho cùng chúng cũng không thực sự có nhiều ý nghĩa lắm. Vào một lúc nào đó người ta có thể bỏ hết mọi thứ chỉ để làm những điều mà mình thích, nhưng rồi sau đó khi sự hưng phấn đã qua đi thì còn lại được gì? Tôi hay nghĩ như vậy đấy. Vì thế những thú vui của tôi thường chỉ gói gọn trong đầu mà thôi. – Hoàng Bảo cứ nói một mình, chả cần biết tôi có đang nghe cậu ta hay không. Hoàng Bảo ít khi chủ động nói chuyện với tôi, đưa ra một vấn đề để làm đề tài thì hầu như chẳng bao giờ có. Tôi nghĩ có thể là vì bóng tối theo một cách lặng lẽ nào đó đã đem lại sự an toàn không tưởng cho những kẻ bất an.
-ngoài sách và Harry Potter ra, tôi chả biết còn cái gì có thể làm cậu thích nữa. – tôi nói. Và cả Chúa Nhẫn, và Người Hobbit. Và những cây nến nhỏ.
-tôi thích nhiều thứ lắm. Dù nhìn có không giống đến đâu tôi cũng vẫn là người mà. – Hoàng Bảo vừa nói vừa cười. Tiếng cười nhỏ nhẹ của cậu ta loang ra, chờn vờn trên cao rồi biến mất.
Khoảng hai giờ sáng, một số quán bar vẫn chưa tan. Trên xe, Hoàng Bảo co gối trên ghế ngủ quên mất. Thấy cậu ta ngủ say, tôi vặn nhỏ nhạc đi. Một lúc sau thì tắt hẳn. Đoạn đường về nhà vắng tanh, chiếc xe thùng của tôi lao đi vun vút. Có thể cứ thế này mà đi đến tận Hy Lạp thì hay, tôi nghĩ. Cùng Hoàng Bảo đến một nơi nào đó, một vùng quê thanh bình chẳng hạn, nuôi bò, trồng nho, ngày ngày làm việc, tối về đàn hát. Tôi cứ nghĩ miên man như thế mà lái về ký túc xá lúc nào không hay. Tôi lay Hoàng Bảo dậy, cậu ta mắt nhắm mắt mở bò ra khỏi xe, rồi chả thèm chào tôi hay gì, ngật ngừ đi vào trong. Chắc chả mấy khi thức muộn vậy, tôi nghĩ thầm. Về đến nhà, tôi không đánh răng rửa mặt gì mà đi thẳng vào giường. Vừa chạm gối một cái tôi liền rơi tõm vào cái bể rã rời của giấc ngủ. Đúng là phải nhìn thấy cái giường thì mới biết mình mệt đến mức nào. Tôi đã nghĩ như thế trước khi mất sạch hoàn toàn ý thức.
Tôi ngủ no mắt đến tận mười hai giờ trưa mới thèm dậy. Thế là toi một ngày làm việc, tôi nghĩ. Điện thoại báo ba cuộc gọi nhỡ của ông chú, chắc là điên lắm. Tôi kệ, định bụng ngày mai đi làm mua cái gì ngon ngon bồi thường sau. Tôi vừa gãi bụng vừa đi xuống nhà thì thấy chị gái đang làm gì đấy trong bếp. Chả mấy khi thấy mặt vì chị tôi đi miết, tôi liền lẻn ra đằng sau hù tí chơi. Ai dè chị tôi đang gọt cam, tay lăm lăm con dao quay ngoắt lại vì giật mình. Tôi cũng hết hồn chứ đùa. Ơn tổ tiên may mà dùng mấy đời chưa hết, con dao còn cách tôi một tị ti.
-lớn đùng rồi còn nghịch dại thế hả? – chị tôi ôm ngực, vẫn chưa hết sợ. Sợ vì bị giật mình thì ít mà sợ vì suýt đâm phải tôi thì nhiều.
-đã trúng đâu nào. – tôi bốc cam bằng mấy ngón tay. Chị tôi chúa ghét ăn các thứ bằng tay trần, không nói không rằng cấu tay tôi một cái đau điếng.
-dùng dĩa mà ăn chứ. - chị nói rồi bê đĩa cam ra phòng khách. Trên ti vi đang chiếu một phim slasher hạng ba nào đó, chị tôi vừa ăn vừa xem vừa nhắn tin vừa ngáp ngủ.
-hôm nay chị không phải ra ngoài à? – tôi ngồi xuống bên cạnh, không tập trung xem phim lắm. Đầu tôi vẫn còn mơ màng vì chưa tỉnh ngủ hẳn.
-hoạt động tình nguyện xong từ hôm qua rồi, tuần sau chị tham gia cái khác. – chị tôi nói.
-chăm ghê nhỉ, mà hình như chị bị cháy nắng à? – tôi giờ mới để ý mấy vết đỏ kéo thành từng mảng chạy dọc đùi và cánh tay chị. Da của tôi và chị giống da mẹ, rất dễ bắt nắng. Thường thì bôi kem chống nắng rồi tránh ra đường lúc nắng to thì chả sao, nhưng mà chắc là chị tôi lại lơ là rồi.
-ờ điên lắm, bận quá chả có hơi đâu mà bôi kem các thứ nữa. – chị tôi mặc kệ bộ phim, nằm thẳng ra chăm chú nhắn tin. Tin nhắn đến kêu liên tục làm tôi hơi bực mình.
-em ra ngoài đây. – tôi tính chuồn lên phòng thay quần áo rồi đến chỗ Hoàng Bảo. Giờ này chắc cậu ta đang chuẩn bị mò lên thư viện đây, nếu nhanh chân thì tôi có thể đến ngăn kịp cái tương lai đáng sợ đó.
-à hồi nãy có bạn gọi đến đấy. – chị tôi nói.
-ai cơ? Bạn nào? – tôi hỏi. Bạn gì mà lại gọi đến điện thoại bàn vậy?
-thằng bé suy dinh dưỡng ấy.  – chị tôi ngóc đầu về phía tôi nói.
-thật á? – tôi há hốc mồm.
Hoàng Bảo đâu có biết số điện thoại nhà tôi. Mà có di động đấy thôi sao không gọi? Tôi chạy thẳng về phòng, bấm số Hoàng Bảo. Chả ai nghe máy. Cái gì thế? Tôi không hiểu gì cả. Tôi chạy xuống phòng khách lần nữa hỏi chị gái xem cậu ta đã nói những gì. Chị tôi ậm ừ bảo lúc đó ồn ào quá nên nghe tiếng được tiếng mất. Cậu ta chỉ nhắn là khi nào tôi dậy thì báo là có Hoàng Bảo gọi đến, vậy thôi. Nói chung là thông tin chả có tí giá trị gì, tôi dựa lưng vào tường thở một hơi dài. Tôi thực sự không hiểu ra làm sao nữa. Cả ngày tôi cố liên lạc với Hoàng Bảo nhưng vô vọng. Điện thoại vẫn đổ chuông nhưng cậu ta chẳng hề nghe máy. Tôi nhắn mấy cái tin giống hệt nhau, đại khái là nếu đọc được tin nhắn này thì hãy gọi lại. Tôi chờ hai ngày liền cậu ta vẫn bặt vô âm tín. Cứ như là đang tìm cách liên lạc với một bóng ma. Kỳ quái làm sao, chuyện Hoàng Bảo luôn đưa tôi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Có phải là mùa hè đã làm cậu ta hỏng hóc rồi không?
Hoàng Bảo không hề liên lạc suốt mấy tuần sau đó. Điện thoại vẫn bình thường nhưng như thể đã bị ai đùa ác mà vùi xuống cả ngàn mét đất sâu. Cứ như vậy, từng bước một, mùa hè ngày càng nóng hơn, Hoàng Bảo dần biến mất. Đôi khi sức nóng của mùa hè tác động lên tôi một cách mãnh liệt, và khi ấy tôi tự hỏi phải chăng Hoàng Bảo thực ra chỉ là một ảo ảnh mà tôi đã nhìn thấy như người khách bộ hành bị gió cát làm cho tuyệt vọng? Cái ốc đảo màu xanh ngọc thanh bình với những cành cọ rợp bóng ấy tôi càng cố tới gần thì lại càng lùi xa. Thi thoảng tôi không thể ngăn dòng suy nghĩ rằng Hoàng Bảo có lẽ đã thực sự thành công trong nỗ lực xóa bỏ sự tồn tại của chính mình. Không chỉ là đêm, mà giờ đây ngay cả dưới ánh sáng ban ngày, tôi cũng không còn thấy cậu ta được nữa. Thậm chí đã có lúc tôi trở nên tức giận. Sự giận dữ đỉnh điểm đột ngột đến, cộng hưởng thêm thứ nắng nóng không ngừng thiêu đốt bầu không khí càng làm tôi ngạt thở. Ngay cả khi đứng bên trong tiệm băng đĩa, nơi điều hòa chạy ro ro tỏa ra khí mát lạnh cả ngày, tôi vẫn thấy khó chịu. Sự tức tối của kẻ bị bỏ rơi nhen nhóm trong lòng tôi như hàng chục cái gai nhọn hoắt đang từ từ trồi dậy. Chúng đâm thủng dạ dày tôi, chúng trườn lên cổ họng, chúng cuộn chặt quanh trái tim tôi. Vào ban ngày, tôi không thể hít thở một cách bình thường được. khi đêm xuống, mọi sự trở nên tồi tệ hơn. Tôi không thể ngủ, tôi lăn lóc trên giường suy đoán đủ mọi tình huống. Khi bình minh lên, cơn thiếu ngủ dày vò tôi như một bàn tay sắt khổng lồ đang nghiền nát hai con mắt tôi chậm rãi. Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, từ say xỉn với mùa hè tôi biến thành một gã hận thù ủ rũ, bị tiếng chuông điện thoại ám ảnh, và đặc biệt là tôi ăn ít đi. Tôi ăn không còn thấy ngon nữa. Và như thế có nghĩa là không thể tệ hơn.
Tuần thứ sáu tôi làm việc ở tiệm băng đĩa, một khách hàng nữ trong lúc chọn đĩa bị chảy máu cam. Tôi đỡ cô ta vào phòng trong ngồi một lúc để cầm máu. Sau đó tôi quay ra lau dọn chỗ máu vương trên sàn. Lúc hết ca, tôi đi bộ ra xe thì cô ta từ tiệm ăn nhanh bên cạnh tiến đến. Tên cô là Nana. Nana rủ tôi đi uống bia. Nghĩ cũng lâu rồi chưa vào bar, tôi nhận lời. Nana và tôi nói chuyện khá hợp gu, cùng thích đồ ăn thái, xem phim slasher và uống rượu mạnh. Trong quán bar, Nana nổi bật hẳn lên với mái tóc hung đỏ lượn sóng. Cô có nụ cười duyên dáng, có cảm giác của phụ nữ trưởng thành. Từ sau Hoàng Bảo, chưa có ai làm tôi thấy nhẹ nhõm khi ở bên như thế. Lẽ dĩ nhiên Nana mời tôi về nhà song tôi từ chối. Cũng chẳng hiểu sao hay ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại kiên quyết đòi về. Ngồi sau vô lăng rồi tôi vẫn còn dùng dằng giữa quay vào trong và phóng xe đi. Đúng lúc đó Hoàng Bảo băng qua trước mũi xe tôi.
Khỏi phải nói tôi lao ngay ra ngoài. Hoàng Bảo vẫn cái lối đi như bị ma đuổi ấy lăm lăm đi đằng trước. Một lần nữa tôi lại là người bám theo cậu ta. Hoàng Bảo có vẻ đang chăm chú đến một nơi nào đó mà cậu ta biết rõ, vì tôi khá vất vả để không mất dấu cậu ta. Hoàng Bảo đi xuyên qua một đống các lối rẽ ngoằn ngoèo mà rõ là đã từng đi nhiều lần rồi. Khu phố này chỉ toàn các quán bar. Một người mới ngửi mùi rượu đã say như cậu ta làm cái gì ở khu này chứ? Hoàng Bảo vẫn chỉ mặc toàn đồ đen, riêng lần này cậu ta đi một đôi adidas trắng. Nếu túm được cậu ta thì tôi sẽ hỏi cho ra nhẽ. Mà đương nhiên là tôi có cả tá câu hỏi không riêng chuyện đôi giầy. Đi thêm một đoạn nữa Hoàng Bảo đến trước một quán bar nhỏ hai tầng. Trước cửa quán treo một bảng đèn neon ghi vài chữ uốn éo mà tôi không tài nào đọc nổi. Trong lúc mải đánh vần mấy con chữ, tôi để lạc mất Hoàng Bảo. Đúng là chả đâu vào đâu. Tôi đành đi vào trong, hy vọng sẽ thấy được cậu ta ở đâu đó.
Ánh sáng duy nhất bên trong quán phát ra từ ánh đèn nhấp nháy trên sàn nhảy, thứ ánh sáng màu xanh pha hồng tạo ra một lớp màu tím nhạt nhức mắt. Một đám người tụ tập trên sàn nhảy lắc lư theo một bản nhạc sôi động đang thịnh hành gần đây. Tôi luồn lách qua hàng đống các cặp đôi đang quấn chặt lấy nhau, tay ai cũng ôm khư khư cốc rượu. Trời ạ tôi hình dung không ra Hoàng Bảo lại có thể làm cái gì ở đây được. Quán bar rất tối, tôi lò dò xung quanh như con dơi mù, chẳng nhìn ra mặt ai với mặt ai. Tiếng nhạc và mùi cồn làm đầu tôi hoa lên, tôi đành ngồi xuống cái ghế gần quầy bar, tính gọi một ly cho tỉnh người. Tôi ngồi đó khoảng mười lăm phút, uống hết ly vodka rồi thanh toán. Cậu ta đã biến mất đi đâu rồi.
Nana ghé tiệm băng đĩa vài lần một tuần. Cũng có lúc tôi ra ngoài cùng cô vào dịp cuối tuần, ăn tối rồi tiêu tốn thời gian ở các quán bar. Nana luôn mời tôi về nhà, để uống trà, cô nói, và lần nào cũng thế, tôi bảo tôi phải về thôi. Ông chú ở cửa hàng sáng nào thấy tôi mò đến cũng lắc đầu rồi lẩm bẩm một mình. Chắc ông thấy tiếc cho tôi trẻ thế này mà không được đi Hawaii. Mùa hè đang kết thúc. Tôi đã không hề rời khỏi thành phố dù chỉ một lần.
Vào thời gian đó tôi thường xuyên lặp đi lặp lại cùng một giấc mơ. Tôi nằm trên một mỏm đá, tận hưởng ánh nắng mặt trời. Không hề báo trước, mỏm đá tách ra khỏi vách núi rồi rơi thẳng xuống vực. Tôi luôn giật mình tỉnh dậy sau mỗi lần mơ như thế. Cũng chẳng phải ác mộng gì, chỉ đơn giản là những ngày đó tôi luôn có một thứ cảm giác tiền định rằng mình sẽ sớm trôi tuột đi mà chẳng có nơi nào bấu víu. Tôi đã trải qua mùa hè thứ hai mươi với cảm xúc như vậy.
Khi tôi lái xe về nhà từ thành phố trong đêm, trên những con đường vắng, tôi lại nghĩ về buổi tối mà ở đó tôi trông thấy Hoàng Bảo vùi mặt vào hai lòng bàn tay. Có lẽ đó là phần thành thật nhất của Hoàng Bảo, và cậu ấy, không rõ là hữu ý hay vô tình, đã để tôi nhìn thấy. Có rất nhiều người ở đó, song chỉ có tôi là biết được cậu ấy đang tồn tại mà thôi. Và ngược lại. Tôi đã luôn nghĩ rằng bản thân mình được tạo ra từ máu xương và da thịt, và như thế có nghĩa là tôi đang sống. Nhưng điều đó không đúng và Hoàng Bảo biết. Chừng nào chưa có ai nhìn thấy tôi giữa biển người, thì chừng đó tôi hãy còn chưa tồn tại. Ngay lúc này, tôi, chính tôi cũng không hề tồn tại.
Bên trong chiếc xe đang lao đi trên đường quốc lộ, tôi có thể cảm thấy một làn gió ẩm tràn qua, rõ tới nỗi tôi biết mình đã khóc.
Vào năm học mới độ mấy ngày, Hoàng Bảo đến gặp tôi ở quán cà phê. Công việc ở cửa hàng băng đĩa tôi chỉ làm trong dịp hè, đi học một cái là tôi lại quay về chỗ làm thêm cũ. Lúc Hoàng Bảo xuất hiện, tôi đang ngồi trên băng ghế ngoài cửa tiệm. Hoàng Bảo đứng lù lù một đống đen trùi trũi như cậu ta lúc nào cũng thế, đưa cho tôi một đĩa phim. Tôi thực sự chả biết cái mặt mình lúc đó nhìn ra sao, nhưng có vẻ như nó chẳng có phản ứng gì đặc biệt. Chính Hoàng Bảo mới tỏ ra ngạc nhiên, mặc dù không rõ lắm. Mắt cậu ta hơi giãn ra một chút khi tôi ngẩng đầu lên, dĩ nhiên là chúng biến mất rất nhanh, cậu ta mau chóng ngồi xuống ngay bên cạnh. Tôi chăm chú nhìn đĩa phim cậu ta đưa (một phim của Vương Gia Vệ), trong óc tôi xuất hiện cả ngàn câu hỏi muốn hỏi cậu ta, kiểu như vì sao cậu bỏ đi, hay đúng hơn, vì sao cậu không muốn gặp lại tôi nữa? Nhưng như mọi khi, tôi chẳng thốt ra dù chỉ một lời. Và đương nhiên Hoàng Bảo lại là người lên tiếng trước.
-xin lỗi nhé, đáng lẽ ra tôi phải gọi cho cậu trước khi đến. – Hoàng Bảo nói.
-không sao. – tôi đáp – dù gì thì nửa tiếng nữa tôi cũng mới phải làm.
-cậu ăn gì chưa? Qua McDonalds không? – Hoàng Bảo hỏi tiếp.
-đây được rồi, nếu cậu đói thì chúng tôi có xa lát đấy. – tôi nói.
Vốn dĩ định bảo cậu ta mua donut nhưng rồi tôi mới sực nhớ ra Hoàng Bảo đâu có ăn mấy cái đó bao giờ. Hay thật, mới không gặp một thời gian mà tôi đã quên mất vài thứ về cậu ta rồi. Kỳ lạ làm sao, tôi thấy hơi ngạc nhiên với chính mình, thường thì tôi mất khá lâu để bắt đầu quên đi một ai đó. Rõ ràng tôi đâu có ý định gạt bỏ Hoàng Bảo ra khỏi đầu mình đâu, vậy mà khi cậu ta đứng trước mặt tôi, tôi lại có thể quên béng đi những điều quan trọng với cậu ấy.
-chỉ là muốn quay lại chỗ cũ thôi, tôi đã ăn rồi. – Hoàng Bảo nói. Cậu ta im lặng một hồi lâu. Trong lúc đó tôi thấy đầu óc mình trống rỗng. Tôi cứ ngồi như vậy chờ cậu ta đặt câu hỏi, hoặc là nói vài câu chả ăn nhập gì, thế nào cũng được. Tôi muốn nghe giọng của cậu ấy biết bao.
-cậu đã làm gì suốt mùa hè vậy? – chờ mãi không thấy Hoàng Bảo có ý định nói gì thêm, tôi quyết định chủ động. Dù sao thì tôi cũng đã luôn giữ vai trò này từ hồi đánh bạn với cậu ta.
-đi loanh quanh. Tôi thậm chí còn không rời khỏi thành phố. – Hoàng Bảo đáp – cậu thì sao?
-cũng vậy thôi. Làm thêm suốt. – tôi nói – thế mà tôi cứ đinh ninh cậu đã biến đi đâu đấy rất xa cơ, như là Bồ Đào Nha hay là châu Úc ấy.
-phải mà có tiền thì tôi cũng đi thật đấy chứ. – Hoàng Bảo nói – tôi cứ đi hết từ chỗ này tới chỗ nọ trong thành phố, tiền tôi dành dụm suốt hồi đi học thì đem ra trả tiền trọ với tiền ăn, rồi tiền xe cộ nữa. Tôi cũng cắt cả dịch vụ điện thoại luôn.
Ra thế nên cậu ta mới không thèm gọi cho tôi, ra thế. Tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu vì sao cậu ta lại hứng lên đi lung tung như vậy. Cái thành phố buồn tẻ này thì có gì mà khám phá cơ chứ? Thú thực thì tôi cũng chẳng mấy khi đi đâu ngoại trừ vài tụ điểm quen, cứ nói là dân bản xứ mà kỳ thực bảo tôi chỉ đường cho khách du lịch cũng chẳng mấy khi tôi làm được. Từ đây đến kia tôi cứ thế mà đi theo trí nhớ, chứ tên đường, tên phố hay số nhà tôi đành chịu.
-thế giờ thì cậu làm gì tiếp? – tôi hỏi. Hoàng Bảo từng nói năm nay cậu ta sẽ bỏ ngành đang học mà chuyển sang cái khác. Có khi vì thế mà cậu ta mới quyết định gặp tôi.
-tôi không biết. – cuối cùng cậu ta nói.
-tôi nghĩ là tôi đã từng nhìn thấy cậu. Hồi tháng bảy, ở quán bar gì đó, chỗ có cái bảng đèn neon ấy. – tôi nói. Giờ mới nhớ ra tôi phải hỏi cậu ta ngay. Chả biết cái tour khám phá của cậu ta có bao gồm mấy quán bar địa phương không nữa. Tôi mường tượng Hoàng Bảo là cái dạng khách du lịch thích đi thăm thú mấy viện bảo tàng với di tích lịch sử hơn.
-quán Con Mèo Bay thì phải. Đấy là bar duy nhất mà tôi vào. Tôi có người quen làm ở đó mà. Thế là cậu thấy tôi thật à? – Hoàng Bảo quay về phía tôi. Từ nãy đến giờ tôi chưa nhìn vào mắt cậu ta một lần nào.
-ừ nhưng cậu đi nhanh quá. – tôi nói, vẫn nhìn thẳng về phía trước. Trước mặt tôi lúc này là bãi đỗ xe dùng chung cho mấy quán ăn liền kề nhau. Một gia đình ba người đang tiến về khu siêu thị điện máy, đứa nhỏ mặc áo kẻ ô chạy loăng quăng trước ba mẹ nó, mồm không ngừng ríu ra ríu rít. Âm thanh tí hon ấy lịm dần đi khi họ biến mất khỏi tầm nhìn.
-cậu có tò mò vì sao tôi lại làm thế không? – Hoàng Bảo hỏi. Cậu ta đứng dậy, làm mấy động tác vươn vai. Có lẽ cậu ta đang chuẩn bị bỏ đi. Có lẽ cậu ta sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa.
-chịu – tôi nói – sao cậu lại làm thế? – tôi đứng lên theo.
Chúng tôi đều đang nhìn đi đâu đó chứ không phải nhìn vào mặt nhau, cũng không phải bãi đỗ xe, và càng không phải bầu trời với những đám mây đang từ từ rơi xuống. Tôi trông thấy một lần nữa, tối mùa hè hôm đó khi Hoàng Bảo đứng bên cạnh cột đèn. Hiện tại đã có thể khác đi nếu hôm đó tôi ôm lấy cậu ta, và nói với cậu ta rằng con người luôn có đủ thời gian để hoàn thành mọi việc. Và rằng tôi nhìn thấy cậu, sự tồn tại của cậu không hề vô nghĩa đâu. Nhưng như tất cả những điều mà chúng ta luôn hối tiếc, ngày hôm đó đã đi qua và sẽ không bao giờ trở lại. Mùa hè mà ở đó chúng tôi đã có thể cùng nhau ra biển, cùng lướt sóng, cùng uống những lon coke lăn ra từ máy bán hàng và ngắm nhìn đường phố lúc chạng vạng, tất cả những ảo tưởng đó đều đã nằm lại với thời gian.
-trên đường về hôm đó tôi thực ra đã không ngủ. Tôi chỉ muốn suy nghĩ một chút. Thực ra ngay chính lúc đó tôi đã quyết định mình phải đi, không thể làm khác được. Khi tôi nói với cậu về những thứ mà tôi thích trước cửa hiệu giặt là, có một sự thôi thúc mãnh liệt khủng khiếp chiếm trọn đầu óc tôi. Tôi không nghĩ được gì khác, ngoại trừ một hình ảnh duy nhất là đôi chân chạy không ngừng nghỉ, không cần cả đích đến. Lúc tôi về đến ký túc xá, việc đầu tiên tôi làm là thu dọn hành lý, rồi tôi bắt chuyến xe bus đầu tiên. Tôi đã gọi đến nhà cậu khi ngồi trong xe. – Hoàng Bảo nói. Những thứ cậu ta nói ra làm tôi bối rối tợn. Từng chi tiết đã dẫn dắt Hoàng Bảo tới những việc cậu ta làm khiến cho tôi càng thêm khó hiểu. Tôi không nắm bắt được tâm trí Hoàng Bảo, và có vẻ như tôi sẽ chẳng bao giờ làm được. Cõi lòng cậu ta quá xa lạ, đó là một lãnh địa biệt lập nằm sâu tít trong rừng, một khu rừng nhiệt đới. Dù tôi có bản đồ trong tay đi chăng nữa thì cũng chẳng thể nào với tới được nơi cậu ta đang đứng cả. Vì Hoàng Bảo hệt một con hoẵng nhỏ chẳng bao giờ ngừng chạy, không hề biết mệt và như cậu ta đã nói, thậm chí còn không có cả đích đến.
-tôi cảm giác như cậu đang chạy trốn. – cuối cùng tôi nói.
-tôi nghĩ cậu đúng – Hoàng Bảo tiếp lời – tôi cũng nghĩ như thế, rằng tôi đang chạy trốn chứ không phải là chỉ đi đâu đó đơn thuần. Bảo là đến nhiều nơi, nhưng thực ra tôi cũng chỉ thuê phòng rồi nằm đó cả ngày, chẳng mấy khi tới chỗ nào xa cả. Quán Con Mèo Bay là nơi duy nhất tôi tới. Một người bạn của gia đình tôi làm ở đó, chú ấy biết tôi được nghỉ hè nên gọi đến ôn chuyện cũ. Giờ tôi đang nghĩ nếu hôm đó mà cậu túm được tôi, có khi tôi sẽ rủ cậu cùng đi chưa biết chừng.
-thế sao từ đầu không rủ luôn cho rồi? – tôi nói. Nói ra khỏi mồm mới thấy nghe như là tôi đang giận dỗi.
-à xin lỗi nhé, thế nên tôi mới đến đây hôm nay. – Hoàng Bảo mỉm cười. Không cần nhìn cậu ta tôi cũng biết được. Hoàng Bảo chỉ cần cười thôi là đã rất khác với Hoàng Bảo mọi khi rồi.
-tôi đã gọi cho cậu suốt. – tôi nói.
-tôi cũng đoán là cậu sẽ làm thế, nhưng mà tiền điện thoại đắt quá, tôi thì lúc đó lại rất kẹt tiền. – Hoàng Bảo nói – dù sao thì tôi cũng muốn xin lỗi cậu. Tôi biết bỏ đi đột ngột như thế là rất tệ.
-ờ. - tôi chả nghĩ ra gì khác để đáp lại cậu ta. Suốt mùa hè khi nghĩ đến cảnh sẽ gặp lại Hoàng Bảo ở trường, tôi đã lên ý tưởng cho một đống màn đối đáp. Ngoài nỗi thống khổ bị bỏ rơi kia, thì những cảnh hội ngộ là những gì tôi nhai đi nhai lại trong cái nóng không ngừng tăng lên đó. Tôi sẽ nói thế này rồi nói thế kia, và tỏ ra mình chẳng hề quan tâm gì hết, và mình chẳng sao cả, và mình sẽ chứng tỏ cho cậu ta điều đó. Rằng sự hiện diện của cậu ta dù có hay là không thì đối với mình cũng chả ảnh hưởng gì. Thế mà lúc này bao nhiêu cái hay ho tôi ủ kín bấy lâu đều bốc hơi hết cả. Tôi ngó trân trân mấy cái xe, rồi thi thoảng nhìn đồng hồ.
-sắp phải vào làm rồi hả? - Hoàng Bảo hỏi, sau đó cậu ta tiến đến trước mặt tôi. Vì Hoàng Bảo thấp hơn tôi khá nhiều, khuôn mặt cậu ta khi ngẩng lên nằm gọn lỏn trong tầm nhìn của tôi. Không còn cách nào khác, tôi buộc mình nhìn thẳng vào mắt cậu ấy. Đồng tử của Hoàng Bảo có màu nâu sáng, chẳng mấy khi chớp mắt. Cậu ta chú mục vào tôi như cái cách mà cậu ta vẫn làm. Như muốn ghi nhớ thật lâu, khắc sâu vào trong trí nhớ mình.
-ừ, nhưng lát nữa – tôi chần chừ - có muốn đi ăn gì không? Sau khi tôi hết ca ấy?
-thế tôi ngồi nhìn cậu làm việc nhé? – Hoàng Bảo hỏi lại tôi.
Và tôi gật đầu. Rồi Hoàng Bảo nói thêm một điều nữa, mà tôi nghĩ rằng vào lúc đó ánh hoàng hôn đang rực rỡ kia bỗng chốc rời khỏi bầu trời mà kéo đến phủ đầy khuôn mặt tôi. Hoàng Bảo nói rằng, cứ đi mãi như thế rồi cũng chán, và thế là cậu ta nghĩ đến tôi. Và cậu ta quyết định cuối cùng thì cũng có một cái đích để về.
Khi đó điều duy nhất chạy qua óc tôi là, mùa hè tới tôi sẽ rủ Hoàng Bảo đến vườn nho. Những chùm nho xanh và mọng nước chậm rãi đổ đầy tâm trí tôi như những bọt nước li ti bật ra từ một lon coke lạnh.
08/04/2015  9:43 pm