Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Hồ sơ Biên bản So sánh – bài 17: Thông điệp “Tôi là cột điện” của Lê Anh Hoài

Inrasara
clip_image002
1. Họa sĩ Như Huy được cho là người khơi mào cho thơ trình diễn Việt Nam, bằng một màn trình diễn thơ trước… ít khán giả, tại quán Cafe EraWine - TP Hồ Chí Minh, vào năm đầu tiên của thế kỉ XXI. Năm năm sau, Hà Nội mới biết đến loại hình nghệ thuật mới này qua chương trình “Chiều buông đầy những tiếng thở dài” của nhà thơ Dương Tường tại L’Espace. Để rồi qua sự kiện thơ trình diễn tại Sân Thơ Trẻ ở Văn Miếu vào năm 2008 và 2009, thơ trình diễn đã tiến một bước đáng kể(1).
Tuy thế, ở các cuộc trên, tương tác giữa nhà thơ và khán giả là điểm cốt tủy của thơ trình diễn lại hoàn toàn vắng mặt. Không ít nhà thơ biến thơ trình diễn thành thứ trình diễn thơ: cứ mang thơ loại nào bất kì lên sân khấu diễn, thì nghiễm nhiên trở thành thơ trình diễn!
Có thể do quan niệm [thơ trình diễn là trò chơi thuần túy], từ đó nảy sinh thái độ của nghệ sĩ [chưa quyết liệt trong khai phá thể loại nghệ thuật này], hoặc còn e dè trước công chúng quen thưởng thức các loại thơ truyền thống, hoặc giả do bất tài, nên thơ trình diễn dù qua bao thể nghiệm, vẫn cứ trôi đi tuồn tuột. Công chúng không hiểu, dị ứng đã đành, nhà phê bình dị ứng với cái mới, cũng ra sức mỉa mai nó(2).
Kệ! Lê Anh Hoài cùng các nghệ sĩ đậm tinh thần khai phá vẫn kiên trì thử nghiệm, lừng lững tiến tới. Lần nữa, tại Sân Thơ Trẻ ở Văn miếu, tháng 2-2010, thi sĩ - nghệ sĩ này đã làm bật lên tinh thần thơ trình diễn qua tác phẩm “Nhu cầu”. Với chiếc xe máy được viết, vẽ, dán, sơn, gắn cánh, được treo bằng xích trong chiếc lồng [sơn] vàng óng, được phủ vải đỏ trước khi mở ra cho khán giả xem... tạo được hiệu quả nghệ thuật khác lạ, thú vị.
Trước đó hai năm, Lê Anh Hoài với “Tôi là cột điện” đã đạt đến đỉnh của trình diễn. Ở đó, anh không còn chơi [như đa phần thi sĩ trẻ Việt Nam quan niệm] nữa, mà là làm thiệt.
2. “Tôi là cột điện” của Lê Anh Hoài – một buổi diễn đầy ngẫu hứng, trong không gian mở, người xem “vào cửa tự do”. Đây là một tác phẩm trình diễn (performance art)(3) nằm trong dự án “Ra đường” do Ngô Lực khởi xướng. Nghệ sĩ đứng trên vỉa hè làm cột điện, thêm những kẻ chứng kiến. Họ viết chữ, dán tờ quảng cáo, rao vặt, bên cạnh kẻ dựa lưng, rồi có cả một cháu bé đứng tè vào...
“Tôi là cột điện” gửi đi một thông điệp mới lạ.
Là cột điện, tôi đứng đó từ thời Pháp thuộc, Nhật chiếm đóng sang chiến tranh phá hoại miền Bắc của mấy trăm đợt máy bay B52 ném bom; từ giai đoạn đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, chính sách giá lương tiền cho đến chuyển đổi cơ cấu sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi vẫn là cột diện. Dù có đổi đời từ dây điện và dây điện thoại sang các loại dây vô tuyến truyền hình, đủ màu đủ cỡ; dù chịu bao nhiêu giăng, mắc, móc, nối, dọc và ngang, lui tới, chồng lên nhau, tôi vẫn là cột điện. Đôi lần tôi bị xiêu vẹo bởi cơn bão thốc qua nhổ bật gốc cây đè lên, hay có khi ngã đổ bởi xe tải tông vào, tôi lại được dựng lên, và gượng đứng dậy. Tiếp tục chương trình chịu trận.
Đứng, cho lão ăn mày đến ngã lưng, cho từ thế hệ này sang thế hệ kia bọn người ngợm đến xổ bầu tâm sự lúc túng thế. Sao chỉ có mỗi trẻ con đến tè, mà không là người lớn? Hay các nhậu sĩ từ quán bia bên kia đường tiện thể đứng dựa cột? Cột điện, tôi là chốn lí tưởng cho mênh mông tờ quảng cáo, rao vặt dán lên, sơn và xịt lên, lớp mới đè lớp cũ. “Khoan cắt bê tông”, “Chữa bệnh yếu sinh lí”, “Tiếng Anh cấp tốc”, “Yoga cho phụ nữ sinh con đầu lòng”… trùng trùng điệp điệp. Các cặp tình nhân dựa vào tôi cho nhau nụ hôn vội, kẻ ăn cắp vặt núp sau tôi lấm lét đếm tiền vừa chôm được. Vân vân.
Cột điện, tôi là nguyên do dẫn đến các vụ kiện cáo nhì nhằng không biết bao giờ chấm dứt của các công ty. Bao nhiêu là công ty mới mọc lên thời hậu đổi mới! Là cột điện, tôi còn chứng nhân của ngàn muôn cuộc hí trường cùng tử biệt sinh li của khách thập phương hay kẻ cả đời không rời xa khu phố…
Cột điện vẫn đứng vững. Lê Anh Hoài vẫn tư thế đứng thẳng, hai tay giang ra, đôi mắt nhìn không chớp. Hệt cột điện! Nhưng tại sao hai mắt không chớp, đôi tay không đôi lúc buông thõng, thân mình không vài lần làm xiêu vẹo? Và tại sao cột điện - Lê Anh Hoài không dám gãi ngứa, khi bị tè? Nhất là khi ngứa hết chịu nổi bởi bợm nhậu làm một bãi quện cùng mùi bia nồng nặc của nó? Nên lắm chứ.
Thủ pháp nhân cách hóa đã được sử dụng từ rất lâu, trong văn chương, với bao nhiêu thành tựu to lớn. Tại sao “nghệ thuật thị giác” không có quyền vận dụng? Cột điện vẫn có thể đau, có thể ngứa, nổi nóng, hứng tình, và vẫn có thể… xấu hổ chuồn êm, nếu cuộc trình diễn kia bị người thưởng thức tạt ngang nhổ vào mặt: - “Cứt”!
3. Nó đứng đó, làm vô tri, mà không ai buồn nhớ đến sự hiện diện của nó. Chỉ khi có sự cố – bị xe tông hay cơn bão quật đổ – nó mới gây được sự chú ý nhất định. Cùng rất nhiều sự vật khác, cột điện vắng mặt dưới mắt con người. Đúng hơn, con người hiện đại bận bịu luôn làm vắng mặt với thế giới xung quanh.
Thông qua một vật rất phổ biến trong đời sống đô thị Việt Nam hiện đại, nghệ sĩ ý muốn con người ngoảnh lại cột điện, thay đổi cách nhìn về nó, phả vào nó cái nhân tính để đánh thức nhân tính con người.
Không vấn đề gì cả!
Thế tại sao nhà văn [nghệ sĩ] sang trọng là vậy lại mang thân ra đứng làm cột điện chịu trận kiểu ấy? Lại với mục đích nghệ thuật, là điều còn quá ư lạ lẫm với giới thưởng ngoạn nghệ thuật Việt Nam? Tại sao không? Và, tại sao không dám làm khác? Cứ gì cao cấp với thấp cấp, cứ gì sang trọng hay thấp hèn, cứ gì tác phẩm phải triển lãm hay trưng bày trong bảo tàng mới là nghệ thuật! Sao không là một không gian mới, khác: công viên, công trường hay góc phố như ở đây chẳng hạn. Và tại sao phải nhờ đến mấy công cụ cổ điển, mà không thể sử dụng chính thân thể mình để làm nên một tác phẩm nghệ thuật? Cuối cùng, tại sao nghệ sĩ cứ hoài vọng một thứ vĩnh cửu mơ hồ nào đó, mà không là “ở đây và lúc này” để lay thức con người hôm nay trực nhận hiện thực trước mắt, rồi tiêu biến đi, như muôn vàn sự sự khác xung quanh?
4. Vậy đó, chỉ qua non nửa tiếng đồng hồ tồn tại trước mươi bằng hữu tương tác, cùng mấy ngàn người qua lại trong dòng xe cộ giữa thủ đô Hà Nội, “cột điện” của Lê Anh Hoài buộc họ ngoảnh về mình. Có thể họ hờ hững hay ngạc nhiên, nhưng chắc chắn không ít trong số đó khi về nhà, vẫn còn lưu nơi góc kí ức hình ảnh hè phố Lê Văn Lương nọ đã từng xuất hiện “cột điện”, và họ suy nghĩ.
Thế thôi, “Tôi là cột điện” đã thành công rồi. Nó tự hủy. Cho dẫu chẳng báo đài nào đưa tin, hay nếu không bác phó nhòm lập dị nào nổi hứng bấm vài pô chơi, hoặc thậm chí ngay kẻ tham gia “trình diễn” không chụp ảnh lưu giữ, tác phẩm vẫn “để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc”. Nửa giờ trình diễn, non vạn khách đi đường nhìn thấy và “đọc” nó, và gần phân nửa trong số đó “nhớ” nó. Lần sau họ đi qua, “Tôi là cột điện” đánh thức kí ức họ lượt nữa, và lượt nữa. Về chính nó cùng những sự thể nó gợi lên. Không hơn một tập thơ in dăm trăm bản không ai đọc rồi không ma nào nhớ sao?
Đứng làm “cột điện”, hành động nghệ thuật của Lê Anh Hoài mời gọi diễn giải mang tính xã hội và nghệ thuật, rộng và sâu. Còn bao nhiêu diễn giải khác nữa?...
___________
(1) Dẫn theo Tuấn Nhi, “Vụng về thơ trình diễn”, báo Thể thao & Văn hóa, 9-2-2009.
(2) Nguyễn Hòa: “Thơ: Sáng tạo mới và những “múa may” màu mè” được đưa lên trang báo điện tử của báo Công an nhân dân (4h:35, ngày 03/08/2008) viết:
“Đầu tháng 6/2008, tôi (Nguyễn Hòa) được mục kích tác phẩm nghệ thuật của một nhà văn tham gia dự án nghệ thuật trình diễn có tên là Nghệ sĩ với đường phố: cuộc đối thoại bất tận… Đem nghệ thuật ra đường, nhà văn mặc bộ quần áo bảo hộ lao động đứng trên vỉa hè phố Lê Văn Lương, biến mình thành… cột điện. Trên cái “cột điện” ấy, bạn bè của anh bôi sơn xanh đỏ lem luốc, dán lên mấy mẩu giấy ghi “khoan cắt bê tông”, “rơi giấy tờ”, thậm chí người ta “tè” cả vào cột điện.
Tôi không biết anh nghĩ gì khi đứng phơi mặt triển lãm bên đường, tôi cũng không biết anh nghĩ gì khi mấy cô gái vừa nhìn anh vừa khúc khích cười, còn nhiều người qua đường trố mắt như nhìn ai đó lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường? Còn tôi thì nghĩ, là nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa, chỉ còn là một trò lố lăng trong con mắt người đời. Thật là tội nghiệp cho một kiểu học mót không đến độ.”
(3) Ra mắt tác phẩm Tôi là cột điện, Vanchuongviet.org, 15-6-2008