Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

TƯỜNG SẮT

Truyện

Tru Sa

Cha tôi mất từ lâu và tôi không mấy quan trọng rằng ông đã từng có mặt trong đời mình. Tôi chưa một ngày sống cùng cha và ông ấy cũng chưa một lần bế ẵm, hay cụ thể là chạm vào tôi. Như tôi nói, cha tôi mất sớm. Thế nên tôi được phép quên người cha này đi. Tuy nhiên trong lý lịch hoặc một lúc nào đấy, có thể là trong một bài tập làm văn cần đến bóng dáng người cha… thì tôi có thể họa lại trong đầu gương mặt mà tôi đã từng thấy trong gian nhà thờ họ Tru, rồi sau đó tôi sẽ phết lên lớp màu trầm đục do tôi nghĩ ra. Rằng cha tôi là người nhân hậu, rất hay cười, thường làm ngựa cho tôi cưỡi, dẫn tôi đi mua đồ chơi vào mỗi dịp trung thu… Chẳng khó gì.

Từ nhỏ tôi đã được nhiều người lớn yêu quý. Họ thường cho tôi bánh ăn, bế ẵm tôi trên tay và không tiếc lời khen với tôi. Thú thực, tôi không thích thú gì việc này, thậm chí còn kinh tởm lũ người đã bế, bẹo mặt, bóp mũi, rồi dốc tôi lên cao như một con búp bê. Mẹ tôi không thích thú gì nhưng lại hùa với họ bằng cách đi làm việc khác. Bánh kẹo họ tự bóc rồi nhét vào miệng tôi. Thật lòng khi đấy tôi đã muốn nhổ thẳng vào mặt họ nhưng vì lý do nào đấy tôi lại nhai sạch và toét miệng cười. Họ mến mộ nụ cười của tôi và hứa hẹn sẽ đến nữa.

“Ân sủng của loài người là nói và viết được…”.- Kể từ khi tôi biết thạo bảng chữ cái, chính tả và các loại cú pháp thì tôi gần như quyên sinh vào các con chữ. Mỗi tuần mẹ đã phải mua cho tôi rất nhiều vở và giấy nháp. Ông nội tôi hoàn toàn vui vì sự tự giác của một đứa trẻ mới đi học. Còn mẹ tôi? Bà chẳng phàn nàn gì và còn lấy làm tự hào. Mỗi cuốn sổ chi chít những cái tên, một mẩu câu tôi sao chép lại trong sách báo hoặc từ một tấm băng rôn tôi nhìn thấy khi trên đường về nhà.

Một lần, tôi thấy ông đã dùng chiếc gậy ba toong gỗ đánh một con chó hoang. Lúc đấy tôi ở ngoài nhà. Con chó rất gầy, cái bụng lép kẹp, hậu quả của một cơn đói từ nhiều tuần. Trên lưng, đầu và chân nó trầy trụa thương tật. Một vết thương khác đang rướm máu do cú đánh từ ông nội. Nó kêu ư ử, nghểnh đầu lên nhìn ông nội, rồi quẫy đuôi. Nhà tôi không nuôi chó, trước đấy tôi cũng không hề mẹ hay ông nội nhắc về chó. Con vật này, chỉ đang xin ăn vì đói.

“Đồ súc vật!”.

Ông nội vung chiếc ba toong. Một cú đánh, rồi cú nữa, thêm một cú nữa…Trong chớp mắt người con chó chi chít vết đánh. Máu văng be bét trên người con vật, trên batoong, dưới nền đất, trên mặt ông nội và mắt tôi nhức đỏ. Chỉ nghe tiếng ăng ẳng, rồi con chó lết đi mất. Không ai can ông nội, những kẻ ở gần đấy chỉ đứng nhìn, cười hoặc xót xa bằng thứ tình thương của kẻ thất phu. Ngày hôm sau, có người kháo nhau rằng con chó ông nội tôi đánh hôm qua đã chết. Một toán thợ xây đã phanh xác và nấu ăn. Tôi nói với ông nội về cái chết của con chó.

“Nó chết rồi cháu ạ”.- Ông nội nói.

“Ông đánh chết nó”.

“Ông không đánh chết nó”.

“Cháu thấy ông đánh nó”.

“Ông chỉ đuổi nó đi”.

“Nó đang đói mà ông”.

“Không nhà không cửa thì sống làm gì. Chết sẽ danh dự hơn”.

Ông nội nhìn tôi. Đôi mắt đấy tôi không dám nhìn vào. Trong cặp mắt ông nội tôi chỉ thấy một màn đen đang bao trùm, một sức nặng đè lên cổ tôi và cặp mắt từ từ hướng lên cao. Tôi như bị đè bẹp, và bé nhỏ như con thạch sùng. Lúc ông nội xoay cây batoong, tôi thấy một lớp máu khô bám mũi gậy.

“Cháu phải nhớ, ông đã giải thoát con vật đáng thương”.

“Vâng ạ, cháu nhớ”.

“Nhớ thế nào?”.

“Ông đã đánh, để giải thoát con chó”.

“Ông đã giải thoát con vật đáng thương, nhắc lại ông nghe”.

“Ông đã giải thoát con vật đáng thương”.

“Phải, chính thế. Ông là người giải thoát”.

Lên phòng, tôi mở giấy và tự tay tổ chức lễ tang cho con chó. Lúc đấy, tôi chỉ biết rằng một đám ma cần có quan tài và vòng hoa. Người đi viếng chính là tôi. Sợ rằng con chó sẽ lẻ loi, tôi đã tạo thêm nhiều con chó khác. Đầu mỗi con đều được buộc khăn trắng. “Mong mày siêu thoát”. – Tôi viết lên giấy. Từng con chó sủa thành tiếng người. Vài chữ bị nhòe. Tôi đã viết ra một bát cơm đầy với đủ thịt thăn, sườn và đốt trước mộ địa. Tôi, và những phần tôi mang hình chó cùng đào đất bằng tay. Một hố huyệt vừa đủ. Đám kẻ tôi chậm chạp hạ huyệt, vùi đất lấp lên, cũng bằng tay. Cỗ quan tài trôi xuống đất.

Mẹ tôi như một cái bóng trăng. Không cáu giận ai, không vui đùa, không tán phét, và không một lần nói về mình. Bà vẫn dành tình thương cho tôi. Mẹ tôi vẫn nấu nướng, dạy tôi lễ độ với người lớn, làm việc nhà, hỏi han về các quan hệ trong lớp… Kỳ lạ là tôi chẳng cảm thấy chút xúc động nào. Ngay cả khi ôm chặt mẹ, úp mặt vào bầu vú bà tôi vẫn thấy thiếu thốn. Hơi ấm của bà không làm tôi mãn nguyện và thú thực tôi còn không tin được rằng mình đã từng sống trong bụng bà.

Tôi rơi đi trong vòng tay mẹ. – Đặt câu viết lên giấy, tôi thở phào. Trong đầu tôi lúc này đây chật cứng những chiếc quan tài bật nắp. Tình bạn, tình thầy trò, cái đẹp, cái tốt, tình thương… Tại sao bao lẽ phải mà tôi vẫn luôn nghe trên lớp lại không vào đầu. Trong lớp tôi là học sinh ngoan. Đi học đúng giờ, ghi bài đầy đủ và thân thiện với bạn cùng lớp. Ở nhà, tôi cũng là đứa con biết nghe lời. Tôi rất siêng đọc sách nhưng không phải sách học của nhà trường. Sách tôi đọc lấy từ nhà kho. Nhiều cuốn long bìa, rụng trang, bị mọt ăn thủng… Những cuốn sách và những cái tên lạ hoắc lần đầu tôi được biết. Đọc họ và tôi thấy huyết mạch tràn trề. Tôi thấy các vùng trời khô kiệt sắc nắng. Nhiều mầm cây đâm chồi từ xác người. Người ta cười ra máu, khóc ra bùn đen, và khi mở miệng tôi thấy trôi ra những bào thai không đầu, không tay chân đang giãy giụa. Chẳng có đạo đức sáng trong như pha lê, nhiều thứ còn đối nghịch với cái lẽ phải mà tôi biết đến. Đau đớn đến rã rời. Nhiều dòng viết còn thức tỉnh những cơn đau trong tôi. Chúng cứ thế chạy và khiến toàn thân tôi ê ẩm. Tôi tìm thấy nỗi thống khoái, sự mê đắm của một tâm hồn phục sinh từ những lần chết. Thứ sách này, tôi phải lén lút đọc, thậm chí che giấu bằng cách bọc lại bằng vỏ sách giáo khoa hoặc dán nhãn ngoài là sách tham khảo.

Mang chiếc đi-hia, tôi nương náu trong bóng Alice, chạy quanh các tầng nhà chật, rồi bị tống giam vào căn buồng số 6, gặp người gù treo cổ và đốt cháy mình trong chữ. Trong giấc mơ, tôi đi vào tầng tháp chật cứng những vỏ rượu và miểng chai, một cái xác ngồi gục đầu trong xó đang rữa từ từ, bầu trời lở loét nhiều vùng đen, đâu phải mây, chỉ là những bầy dơi, quạ đang bay toán loạn đấy thôi, ở nẻo phố nọ, một thằng nhóc đánh giầy bị giết nhiều lần(1), những kẻ đuôi lợn, ông cụ giáp chiến đàn cá mập bằng mái chèo,(2) viên thẩm phán không hốc mắt…Nhiều lần tôi bị ngã bật khỏi giường. Một lần khác, tôi tỉnh dậy và thấy tay mình còn đang viết. Giấy lem nhem, một phần vì tôi tẩy xóa, hoặc do viết đè lên.

Ông nội quản lý một cửa hàng đồ cổ trên phố. Ông cũng là nhân vật chủ chốt trong nhiều phường hội. Trải qua nhiều năm, ông nội tôi già đi, tóc bạc nhiều và rụng nhiều hơn. Người cha ngủ say dưới mười tầng đất và không một lần tìm thăm tôi dù là trong giấc mơ, một thoáng ảo ảnh bắt gặp trên đường hay một sự trục vớt khi diễn cảnh tủi thân trước mặt người khác. Miệng tôi gọi tên cha, mô tả khuôn mặt, mái tóc cha, rồi một kỷ niệm không hề có để tôi nhắc đi nhắc lại nhằm họ tin tuyệt đối vai diễn của mình. Tôi là con rối trong bàn tay mình. Sẽ chẳng cây đũa phép nào bao dung với tôi.

Ông nội tôi thường uống rượu, dạo phố một mình. Trong mọi cuộc họp tại nhà không ai dám chen lời khi ông nội nói. Họ chỉ biết tán dương, khúm núm và ra về. Ông nội độc thoại giữa đám đông, là con đại bàng già giữa bầy gà cụt chân. Ông nội thật quá cô đơn. Tuy vậy nỗi cô đơn này vẫn chưa uy hiếp được ông nội. Càng không thể làm đau ông nội đến mức phải mong ngóng một kì tích từ thằng người gỗ. “Ông nội em là người nhân hậu. Nếp nhăn trên mặt ông là nỗi nhọc nhằn, là tình thương dành cho em. Nội thường dỗ mỗi khi em khóc, đôi vai ông đã gánh hết sức nặng để lo cho em ăn học…”. – Trong bài văn lớp ba yêu cầu tả ông nội tôi đã viết vậy. Cô giáo đã rất xúc động vì bài văn của tôi. Những ai biết gia cảnh nhà tôi sẽ dễ dàng bóc mẽ được lời bịp bợm nhưng tôi không ngại gì. Chỉ cần ôm mặt khóc, mếu máo trong nước mắt rồi nói to trên lớp rằng “Đấy là ước mơ về ông em, một lúc nào đó sẽ bớt nghiêm khắc”. – Để cái chứng cứ giả mạo tồn tại và bảo vệ cho tôi như cái mặt thiên thần, tôi nhắc đến cha. Thân phận mồ côi cha dễ lấy lòng tin hơn gì hết. Họ dành cho tôi sự an ủi và chẳng ai ghét tôi cả. Tôi trở thành người đặc biệt. Được họ yêu quý và không tiếc giúp đỡ nếu tôi có ý nhờ. Mọi thứ thật hoàn hảo. Cái lốt người này…

***

Tôi không thích truyện cổ tích. Suy nghĩ này có từ khi tôi còn rất bé. (Trước cả khi tôi tìm được số sách ở nhà kho). Thế giới cổ tích chứa nhiều căn ác và sẽ dưỡng chết tuổi thần tiên. Những bài học về tính ác. Rằng muốn sống hạnh phúc phải biết đổ nước sôi và làm mắm thịt người, phép thần chỉ đến với kẻ nhược phu nhưng hiền lương, và chịu khó than khóc, mọi cuộc thi đều không công bằng và luôn có ưu tiên, tình yêu sẽ làm mù mắt và biến chúng ta thành bọt biển… Trong thế giới cổ tích, tôi chỉ thấy những cái sọ người bị chôn đang kêu khóc. Trước khi có phép màu ai cũng đều lương thiện. Cái ác sẽ bị giết bởi cái ác. Để sinh tồn và để chiến thắng thì phải ác hơn. Chân lí không thuộc về cái thiện, chân lí là ngai vàng của cái ác. Những điều này tôi ghi lại vào giấy và giấu thật kỹ.

Bài tập làm văn tôi đạt điểm tuyệt đối. Khi ấy tôi đã vắng mặt, và mấy kẻ tôi đang tranh nhau quyền sống trên thân xác tôi. Chúng ngấu nghiến não óc, hút hết huyết dịch và lùa rắn vào trong tôi. Mái tóc Gorgon phủ lên đầu tôi. Ngồi trên bàn, nọc rắn chảy qua ngòi bút, tôi thành kẻ mạo danh lẽ phải….

Mỗi khi ông nội hỏi tôi về lớp học, tôi đã nói rằng tất cả đều tốt. Rằng tôi ngồi cạnh bạn này, chơi với bạn này, rồi thì trò vật tay lúc nào tôi cũng được nhường… Sợ rằng ông nội phát giác ra cái mũi dài, tôi đã phải làm thân với hầu hết người trong lớp. Để họ chịu gọi điện, rủ đi chơi, đạp xe qua nhà chở tôi đi học. Tôi lấy lòng họ bằng quà vặt, học theo sở thích của họ, nếu một người sợ ếch thì không lý gì tôi lại hôn con vật đấy. Đây có thể là một tôi khác, lém lỉnh và dối trá. Nhìn thấy một người mù bị mất gậy đang loay hoay tìm đường, một tên trong nhóm cười. Một tên khác cười theo, thêm một tên nữa cười, chỉ trỏ tay. Người mù rõ ràng nghe thấy và đang chửi bới loạn lên. Đám bạn của tôi vẫn cười, trong tràng cười đấy có cả tiếng tôi. Người mù kia vấp ngã, cái mặt hắn ta mài xuống đường, dường như một vài cái răng đã gãy. “Crocuta crocuta”. – Đó là chúng tôi, và một tôi đáng hổ thẹn đang giễu nhại chính tôi.

Không người lớn nào quanh tôi răn dạy rằng bọn tôi là nhứng đứa trẻ hư và cần đánh roi vào đít. Tôi muốn làm cây gậy để người mù kia có thể chống dậy. Tôi không thể. Họ còn ở đây. Lúc này, tôi đóng vai lạ với chính tôi.

Về nhà, tôi giả bệnh để tối không phải cùng ông nội vào nhà Vòng. Mẹ tôi lấy thuốc cảm và hỏi đau ở đâu. Trán tôi không hề nóng, mặt mũi còn khá tươi tỉnh. “Ọe, ọe…”. – Mấy tiếng nôn này đã đánh lừa được mẹ. Sẽ không hay nếu ông nội tôi nhìn ra vai diễn của tôi. Và tôi đã phải tránh vào buồng tắm, lấy tay móc họng để tiếng nôn bật to hơn, đau đớn hơn. Chiếc batoong, thứ hung khí đã lấy nửa mạng con chó ngày nào gõ vài cái xuống đất. Tôi hoảng loạn, và suýt quên vai diễn...

“Cháu nghỉ ngơi đi. Nếu nặng, mai nghỉ học một hôm”.

Tiếng chiếc batoong lùi xa dần. Tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Phòng học, cũng là buồng riêng của tôi là một căn xép chật chội. Phía dưới là một phòng để trống. Ngày trước đấy là chỗ ở của cha. Từ khi cha qua đời nó bị bỏ quên, trở thành nơi chất đồ cũ, hỏng hoặc đang chờ thanh lý. Mẹ và ông nội ở tầng dưới cùng. Nơi ở của họ sạch sẽ, sáng sủa và luôn nồng nặc hơi người.

Vị đắng ngấm vào lưỡi tôi và đang tan dần. Lúc mẹ đi khỏi, tôi nhổ mấy viên thuốc trong miệng ra. Sau đấy tôi súc miệng rồi lên gác. Số giấy được lôi ra và tôi mở bút. Trước hết tôi phải lấy chữ rèn thành một cây roi để quất vào mình. Quất thật đau để máu tôi bắn ra ngoài. “Đấy là sự trừng phạt. Vì vai diễn vô lại trước người mù…”.

Trong các cuốn sách giáo khoa, từ lâu tôi chỉ ngửi ra mùi ẩm mốc. Mỗi khi giở trang sách, tôi luôn thấy các con chữ đang chuyển động. Một chữ cái, rồi một hàng chữ dài, ngay đến dấu phẩy cũng như đang chạy trên giấy. Những câu chữ bốc mùi và xám đen như những con gián…Tất cả chúng bò quanh trang giấy, thành từng đàn. Hàng chục cái râu ngoe nguẩy, rồi hếch lên như dò đường. Chúng bò lồm cồm quanh tôi và truyền đến tôi những cơn ngứa. Nếu tôi quăng cuốn sách lên cao chúng sẽ bay toán loạn, tạo thành một cơn mưa màu đen.

Giờ Giáo Dục Công Dân, tôi được dạy về lòng nhân ái. Tất cả chúng tôi đều đọc đồng thanh. Tôi cũng đọc, nhưng một phút nào đó, khi cô giáo quay lên bảng và không ai nhìn sang tôi thì tôi sẽ tống khứ đi hết. Nhổ hết lẽ phải ra và mong đến một sự trừng trị nhưng bất thành. Chẳng đứa bạn nào của tôi là ghi nhớ bài học này. Chúng vẫn sẽ học thuộc vì đấy là trách nhiệm của học sinh. Trong vở nháp của tôi lúc nào cũng dày đặc chữ. Công thức toán, hình học, lịch học hoặc sinh hoạt lớp… Có đủ, và đấy chỉ là một thứ vỏ cho các hình mà tôi vẽ lên. Mấy mẫu vẽ đè lên chữ. Đáng ra tôi muốn viết ra nhưng nếu để ai đọc thấy thì thật không hay. Mẫu hình này, tôi sẽ tái tạo lại khi trở về tòa án của mình.

***

Càng lên lớp cao, tôi càng căm ghét trường học. Mỗi năm tôi đều chuyển lớp. Tôi có thầy cô mới, bạn mới, và một vai mới để diễn. Như mọi năm, tôi thường lấy lòng tất cả bạn bè trong lớp. Ngoại hình tôi nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành và mọi lúc đều có thể cười nên dễ lừa được thiện cảm của người khác. Hội nhóm nào cũng có mặt tôi. Một nhóm nữ, được gọi là kiêu căng cũng dành một chỗ trống cho tôi. Trong nhiều trường hợp tôi đã phải cố gây rắc rối để họ thấy rằng tôi cũng như họ. Hiểu nhưng không nói và hành xử như một kẻ ngốc nhưng chân thành, đấy là mã khóa để tôi có thể gia nhập và an toàn trong bọn họ. Từng năm trôi qua, tôi thấy mình phải viết ra nhiều thứ hơn. Đã có lúc tôi mất cả giờ để đọc, sửa lại những thứ mình viết lúc nhỏ. Ông nội không hề thích căn gác của tôi vì nó quá lộn xộn. Bàn ghế trong phòng đều cũ và bị mọt ăn, chưa kể phòng còn chật, trần thấp. Tôi luôn đóng nắp, rồi khóa lại để tránh mẹ trèo lên lúc tôi đi vắng. Sắp xếp lại mấy tờ giấy, tôi bắt đầu viết một trang mới. Lần này tôi muốn lập mộ cho mình. Những kẻ tôi mang một khuôn mặt với nhiều giọng nói. Chúng đều dí dỏm, ngoan ngoãn và nhiều khi ngờ nghệch tới mức không ai nỡ bắt tội nếu làm sai.

Tôi mặc chúng lên người.

Chúng trở thành vật sống, có tiếng nói khi tôi gặp gỡ con người. Khi còn lại một mình trên căn gác, mở cây đèn bàn, tôi cầm lấy bút. Tôi trút bỏ những kẻ tôi khỏi mình, và sau đấy cố gắng không nhớ lại những gì đã xảy ra khi cho chúng thế chỗ mình. Tôi sẽ bật khóc, hoặc tự vả gãy răng mình vì quá nhục nhã. Tôi chặt đầu bọn chúng rồi táng xuống mộ. Không có hương. Cũng chẳng có một cái vái cung kính theo nghi lễ. Đất sẽ nuốt chửng chúng. Nhưng chẳng chắc đâu. Khi tôi rời khỏi đây và gặp người khác, chúng sẽ chiếm đoạt lại tôi. Không khác được nhưng chí ít lúc này chúng đang chết…

Chiếc batoong của ông nội đã từng làm mẹ bị thương. Đấy là chuyện từ lâu và không ai còn muốn nhắc lại. Hẳn là mẹ đã cãi lại ông nội, hoặc làm gì đấy khiến ông nội quá tức giận. Cha tôi có bảo vệ mẹ không? Tôi nghĩ có, hoặc có thể là không nếu cha chết rồi. Tôi gọi gian phòng thờ họ Tru là nhà Vòng. Mỗi tuần tôi phải vào đấy để thắp hương cho cha và đấng tổ tiên. Ông nội tôi cũng ở đấy. Trần gian nhà ám đen bởi khói hương tích tụ từ nhiều năm. Bát hương dày kín que hương. Những tàn hương đâm chĩa sang hai bên hoặc uốn cong, xếp cạnh nhau như những nan quạt. Các đấng tổ tiên, đều mang họ Tru. Chẳng một gương mặt nào giống tôi. Tất cả lạ hoắc và dường như đang nhạo báng tôi từ cõi mù khơi nơi địa đàng.

Tôi không hỏi về cha, cũng không hỏi về bất kỳ ai trong gian thờ họ Tru. Đấy là chuyện từ ngày xưa. Và không gì dối trá bằng việc nói về quá khứ. Mọi bào chữa nhằm trục vớt một chân lý bị nhuốm bẩn đều vô nghĩa. Trên hết, chúng ta sẽ thấy rõ các anh hùng khi họ được cân cùng chiếc lông vũ. Căn gác của tôi là nơi rửa tội. Một pháp trường với ghế xét xử còn trống. Tôi tự định đoạt hình phạt cho mình. Giấy bút. Những kẻ tôi tứ chi bị buộc vào tảng đá nghìn cân và đang giãy dụa dưới đáy sông, bị tống vào chuồng cọp, đang giật đùng đùng trên ghế điện, hoặc bị trói vào cột, chờ đội súng đến… Trên bàn viết, tôi thú tội với chính tôi. Nơi đây, linh hồn tôi được ân xá. Chiếc batoong sẽ không vươn đến được.

Tôi không mang một người bạn nào trong đầu. Sống cùng, các cuộc họp mặt, dã ngoại hay đúng hơn là sự lừa đảo lòng tin nhằm tạo ra một đường tắt để tôi không bị tách khỏi cộng đồng. Không ít lần tôi đã lấy xương máu mình nặn thành vài mẫu người. Sau khi thiết kế cho những mẫu hình đấy một thân phận, tôi kể với hội bạn. Họ tin sái cổ và còn có ý định tìm gặp người đó. Cặp mắt chăm chú, chốc chốc lấy tay chấm nước mắt không nói được gì đâu. Chỉ cần một sự kiện lạ. Ai đó thấy một món tiền vô chủ, một nhóm người đánh nhau, tai nạn xe, một xích mích từ trong nhóm và bắt buộc phải có sự thanh toán… sẽ chia rẽ họ ngay tức khắc. Người cha đã nện vào mặt con mình khi bắt quả tang nó xem phim khiêu dâm ở tuổi dậy thì. Nhà thuyết pháp sẽ bị khâu miệng bằng dây thép nếu nói về một chủ nghĩa đói máu. Gặp một tội phạm trên đường, ai cũng có quyền cầm dao…

“Thoát khỏi vườn mù, loài người bị trục xuất vào trầm luân bởi đức cha đẻ toàn năng…”. – Câu cuối cùng cho tối nay. Sau đấy tôi đọc 1984. (3)

***

Tôi đã nổi sát cơ trong đầu và muốn đâm chết ông nội bằng chiếc batoong ông vẫn mang bên mình.

“Dọn sạch sẽ, sạch sẽ…”.

Tất cả sách ở nhà kho được chất đống và đang cháy đen trong ngọn lửa được đốt lên từ rác và lá cây.

“Ông làm gì thế này? Trời ơi! Sách của cháu…”.

Tôi vứt cặp vào lao vào ngọn lửa đang bốc ngày một cao. Từng tầng sách rụng tả tơi trong lửa. Chữ bay biến thành tro đen. Tay tôi quờ vào ngọn lửa. Khói từ lá cây xông lòa mắt tôi. Tôi không cứu được cuốn nào, còn bàn tay thì đã bị lửa làm bỏng.

“Cháu yêu, ra đây với ông”.

Đầu chiếc batoong gõ cồng cộc xuống nền đất.

Tiêu biến cả. Tòa án của tôi. Sảnh đường của tôi. Vị thầy thuốc nông thôn bị thiêu sống rồi. Đóa hoa đỏ trong tay chàng cũng trụi từng cánh rồi… Ngọn lửa chó má, mày đốt sống hết giống người rồi…

Ông nội xách cổ tôi lên. Mắt tôi vẫn nhìn vào đám cháy. Mùi sách lẫn vào lá cây và khói. Nhiều nền Văn Minh bị lửa đốt mù hết. Tôi thấy những linh hồn chưa kịp xưng tội đã tiêu vong. Không rõ ông nội nói gì. Dường như ông nói rất to. Tai tôi chỉ nghe thấy tiếng lửa cháy. Khói ngùn ngụt thành từng tầng. Mắt tôi cay xè, ướt nhẹp đi và đỏ tới mức lúc nào cũng có thể bắn ra máu.

“Tru Sa. Nghe ông nói đây! Tru Sa!”

“Ông đốt cả cháu rồi…”.

Mắt ông nội trợn trừng. Mái róc bạc rủ xuống, phất phơ từng lọn. Nhiều tro giấy bay lất phất. Mảnh to, mảnh nhỏ, mảnh vẫn còn cháy, bám vào áo quần, dính kẹt trong tóc, trên trán ông nội. Cây batoong của ông nội vung lên. Chỉ là cái đặt gậy lên vai nhưng tôi vẫn cảm thấy một sức nặng nghìn cân đang đè xuống. Năm quả núi, và một lá bùa. Tôi sụm xuống.

“Mấy thứ sách thế này nên đốt từ lâu”. – Ông nội nói.

“Người viết đều là những vĩ nhân. Cô giáo cháu vẫn dạy phải đọc các nhân vật tầm cỡ”.

Ông nội bật cười, cây gậy đè nặng hơn.

“Một đứa trẻ ngoan sẽ không cãi người lớn. Cháu sao thế này. Cháu mang họ Tru, là cháu ta”.

Tôi rất muốn cướp lấy cây batoong và đâm nhiều nhát lên ông mình. Ý nghĩ cháy rực lên và hoàn toàn tôi sẽ làm thế. Tiếng gằn giọng của ông, cái nhìn cau có, gằm ghè khiến tôi nổi gai ốc. Tuồng như ông nội đã đọc ra sát niệm của tôi nên đã nắm chặt cây batoong bằng hai tay. Nhìn số sách rữa thành vụn tro, tôi nghĩ đến phòng viết của mình. Căn gác riêng, phòng sám hối, là tường diện bích của tôi… Không xong rồi. Sách ở nhà kho tôi đã chuyển lên gác. Số nhét trong ngăn kéo, số đặt ở giá học tập, số kê làm gối, số thì được chồng thành tầng và nằm trên mặt bàn. Nếu chúng được chất hết ở đây nghĩa là ông nội tôi đã lên được căn gác. Mọi ổ khóa trong nhà trước khi đánh chìa đều phải hỏi qua ông nội. Không lạ nếu ông nội có một chìa dự phòng. Mọi giấy tờ của tôi. Trong vở ghi chép, sổ nhật ký. Trên kệ giá, trong hộc kéo, rồi thì nhiều tờ còn chưa xếp lại hẵng bừa bộn trên bàn… Lời than vãn, huyệt mộ của hàng chục kẻ tôi sẽ bị xới hết lên. Sẽ không gì cứu vãn được nếu ông nội mở chúng ra đọc. Một que diêm đánh xòe, và nơi nương thân cuối cùng, chốn rửa tội để tôi được làm người sẽ không còn nữa. Mồ hôi tôi túa nhễ nhại, từng đốt tay tê dần dần. Tôi thấy thở khó.

Lúc này đây tôi phải diễn trò. Tiêu hủy nỗi uất hận sâu trong mình bằng cách khoanh tay lại, cúi đầu thấp xuống, không quên sụt sịt cái mũi. Tôi vào với ông và nói rằng mình làm thế chỉ vì quá tiếc chỗ sách đấy. Ông nội đi một bước, tôi đi một bước. Ông nội đi hai bước, tôi đi hai bước. Tôi rót nước cho ông nội, tự nhận sai. Cái mặt tôi trông thật hướng thiện. Tôi còn gãi gãi đầu, cười hề hề để làm ông dịu xuống.

“Chỗ sách đấy là của cha cháu. Giờ thì ông đốt nó cho cha cháu”.

“Sao ông không giữ lại… Ý cháu là để làm kỷ niệm, sinh thời chắc cha cháu quý chúng lắm”.

“Khỉ gió. Ông đã đọc một vài cuốn rồi. Ba lăng nhăng cả. Làm gì có đứa trẻ nào lại không muốn lớn, rồi kẻ thấy mình không bằng cả chó, rồi lại cả chuyện súc vật nổi loạn nữa… Độc hại, quá độc hại…”.

“Ông không biết trong mỗi một người có bao nhiêu túi nọc đâu…”. – Tôi muốn hét to như thế vào mặt ông nội. Chiếc batoong vẫn trên tay ông. Khuôn mặt héo quắt, những nốt tàn nhang lõm sâu như ăn vào tận xương. Bởi tuổi tác, mắt ông nội mờ đục, nhưng không có nghĩa là nó kém tinh tường và dễ thỏa hiệp. Tôi cược rằng cả tuổi trẻ ông nội tôi đã uy hiếp người khác bằng việc nhìn chằm chằm họ.

“Ông ơi, ông lấy sách ở phòng cháu ra thì…Thì…”. – Tôi dịu giọng, vờ như ấp úng để dò xét ông nội.

“Buồng học của cháu…”. – Tôi rùng mình – “Nó…”.- Mồ hôi bắt đầu rịn, tôi cố làm vẻ tỉnh bơ – “Tối, chật nữa…”. – Tôi nuốt khan cả tiếng thở của mình– “Nhưng được cái gọn gàng”. – Tôi thở phào. Tiếng thở tôi đã cố không để lọt ra ngoài bằng cách nén lại trong họng rồi nuốt ngược. Rất có thể ông nội sẽ phát giác tôi đã không thành thật.

Giấy tờ của tôi đã được an toàn. “Gượm đã”.- Một nỗi lo sợ khác ló dần ra. Rõ ràng hiếm khi tôi dọn phòng. Trên bàn luôn vung vãi giấy nháp. Chưa kể là tối qua tôi viết đến mờ sáng, lúc đi học vẫn chưa kịp cất bản viết đi.

Lên trên phòng, tôi quên cả việc bật đèn khiến mình bị vấp ngã trong bóng tối. Tôi hối hả leo lên căn gác. Đèn bật sáng. Quả như lời ông nội, căn gác gọn gàng đến khó tin. Bụi bặm, mạng nhện đều được quét hết. Sàn nhà bóng loáng. Mùi thuốc diệt côn trùng vẫn còn nồng nặc. Tôi gần như ngã gục khi lỡ hít thở quá sâu. Lũ mối, gián, kiến hẳn đã chết sạch. Ra giường, gối cũng được thay mới. Sự sáng sủa, ngăn nắp trái lại khiến tôi thấy chơi vơi. Vở ở kia, bút ở kia. Những bản xưng tội mà tôi quên cất đều trong hộc kéo. Tôi mở ra, đọc rồi xem đã đủ chưa. Ơn trời là tất cả còn nguyên.

Không một ai trong số những khách khứa lui tới nhà tôi biết về căn gác. Khách của ông nội, mấy người hàng xóm chẳng một lần vào quá phòng khách. Không phải ông nội. Là mẹ. Hẳn mẹ đã quét dọn, rồi cất giấy tờ của tôi đi. Mẹ biết về những gì tôi viết ngoài bài học trên trường ư? Từ bao giờ? Mẹ có đọc chúng không? Hay mẹ chỉ lên dọn thôi? Mẹ…Tôi muốn ngừng mọi câu hỏi lại. Tẩy trắng mọi ngờ vực bằng niềm hân hoan được bảo vệ. Những bản viết vẫn chưa thất thoát ra ngoài. Với tôi thế là đủ.

Sáu giờ chiều, cả nhà tôi ngồi ăn cơm. Mẹ không nói gì với tôi ngoài hỏi chuyện học. Ông nội chỉ ăn lưng bát con rồi kết thúc bữa ăn bằng nửa cốc rượu cùng ít tôm khô, lạc sống. Xong bữa, mẹ bưng mâm xuống bếp. Tôi xuống bếp cùng mẹ. “Mẹ dọn gác của con phải không?”. – Tôi hỏi mẹ. Mẹ không đáp, chỉ gật.

“Lần sau con sẽ tự giác. Mẹ không cần phải lên dọn nữa đâu”.

“Đừng bao giờ để đồ đạc bừa bãi nữa”. – Mẹ tôi nói.

“Mẹ, tại sao ông nội lại đốt sách của cha?”.

“Mẹ không biết”.

“Mẹ có đọc chỗ sách đấy không?”.

“Mẹ không đọc”.

“Mẹ không thích đọc sách à”.

“Chắc vậy...”.

Sáng chủ nhật, ông nội dẫn tôi đi mua sách. Sách do ông nội chỉ định và tôi bắt buộc phải đọc. Hạt Giống Tâm Hồn, Đường Kách Mệnh, Tư Tưởng Mác-Lenin, một loạt những đầu sách tham khảo nhà trường. Tôi vẫn đọc chúng, như một bài tập thuộc lòng để lấy điểm mỗi khi ông nội đột xuất hỏi.

(Còn một kỳ nữa)