Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

NGHỆ PHẨM

Truyện

Ngô Quốc Phương

Nghệ sỹ vứt cái điện thoại cục gạch xuống bàn phòng khách.

Anh trở lại studio.

Bức tranh đang mở ra chờ anh. Anh không cho nó nằm trên giá.

Không. Anh chán ngấy bọn hội họa giá vẽ rồi.

Anh treo cổ nó lên, dưới một cái móc trước đây là chỗ treo quạt trần.

Anh không quên dùng dao đâm rạch cho nó mấy nhát: cho mày chết chắc, nghệ thuật chó chết!

Rồi anh cũng thương nó, anh thay cho nó cái áo.

Anh chơi cả một chậu màu lẫn lộn, hắt thẳng vào thân xác nó.

Bị cú đập mạnh, nó bật ra đằng sau, rồi theo đà lắc dọc chán, lại lắc ngang, rồi đứng lại từ từ.

Lúc này nó đã có một tấm áo xanh đỏ tím vàng khắp nơi.

Tiện thể đang tự do một mình chẳng có ai.

- Ok, tao cho mày tí ảo ảo, mờ mờ nhé! Cho nó liêu trai, bồ tùng hả?

Nói đoạn, nghệ sỹ tung cả một túi bột thạch cao trắng xóa về phía bức họa.

Bột tung bụi khắp căn phòng, và dính tá lả vào bức tranh đang bị anh dằn vặt.

Nhưng khủng khiếp nhất, toàn bộ căn phòng trong giây lát bụi bay mờ mịt, phải mất khá lâu mới hạ cánh hết.

Các bức tượng thạch cao khác trong phòng chắc cũng cay mắt hoặc phải dụi mắt đến đỏ ngầu, may ra mới nhìn thấy được nhau hoặc thấy kẻ tội đồ kia.

Chưa hả, đang tiện tay ấy, anh cho cả một rổ lông gà, lông vịt vào nó.

Vậy là sau vải rách, màu loang, bột mù mịt, nay là lông gà tá hỏa.

Đoạn, anh lấy một chiếc giày ra, xỏ vào chân, và nhảy bật lên cao, đạp thẳng vào giữa lòng bức tranh, nó rách toạc rồi, nhưng cú đá làm cho chiếc giày không hiểu sao mắc lại.

Và chàng mất một lúc mới rút được chân ra

Ừ, mặc kệ cho nó dính vào nhau, quả đá đẹp, như thể ai đó đứng trên đạp thủng bụng của một kẻ đứng dưới.

Chỉ có điều, anh thực hiện theo chiều cú đá ngang.

Rồi, tương đối.

Lát nữa sẽ cho nó cú ân huệ.

Đoạn, anh lấy trong rổ đồ nghề ra một khẩu súng sơn đen.

Anh lên đạn roạch roạch và dí súng vào chỗ mà máu me của màu tá hỏa nhưng anh đoán là chỗ của cái thái dương kẻ tử tù trong tranh.

Và anh bóp cò.

"Đùng đùng đùng", là hô mồm thôi, làm chó gì có đạn, nhưng thế là oách.

Ô kê, quan tài đâu? Đội thi hành án đưa vô.

Anh hô to, và sau đó tự tay đẩy vào một cái quan tài màu đỏ, mà anh tự đóng, có lẽ là để cho vụ đọc thơ trình diễn của mình tuần sau, nhưng biết đâu đấy, lại cho cái khác, như cho thằng tội đồ tranh giá vẽ kia.

"Mẹ mày, hóa kiếp cho mày, nghệ thuật đểu, nghệ thuật được định hướng, nghệ thuật mất dạy", nói rồi anh cắt dây.

Cái tranh khốn khổ rơi lạc ra ngoài quan tài.

"Ồi, say quá, để lệch mẹ nó rồi, hây, bố trẻ chui vào đây, vào đây", vừa nói, chàng vừa nhét nhét bức họa, nay nằm trong khung xiêu vẹo, vứt tay, vứt chân nó vào trong quan tài.

"Còn thằng giày, mày cũng đi theo, mày đã xong nhiệm vụ, mày cũng đi".

Rồi chàng hô to:

"Khâm liệm đã xong, chuẩn bị đóng quan, phủ cờ!", nói đoạn, chàng tự cởi chiếc áo lấm lem của mình phủ lên thi thể và đóng nắp quan tài.

"Mẹ, bây giờ có hai màu cờ, lấy cái nào?", chàng tự hỏi.

"Thôi, không rõ gốc tích quê quán CV của nó, cho nó cả hai màu".

Và thế là chàng thực hiện nghi lễ, cẩn thận để một cái phủ từ đầu xuống, cái kia từ đít lên, trùm lên nhau.

Ấy, thế còn quốc ca, à quên, không phải cái đó, phải chơi bài tử sỹ, hay bài bệnh binh, hay bài dân vong, hay bài tử tù nhỉ....

Không, không có bài nào có vẻ ổn cả.

Vậy là ngài lấy từ điển âm nhạc định hướng ra, và chọn hú họa một bài.

Ngồi vào cây đàn piano đã hơn sáu tháng chưa lên dây, lấy vía, chàng bấm các phím.

Các phím trắng đen thụt lên, thụt xuống, còn miệng chàng thì méo xệch với ca từ và giai điệu bi hoành:

"Ồ, hóa ra cũng hợp, mà việc chó gì phải chọn trong đống đấy, bài nào rồi mà chẳng hợp với nghệ tử sỹ!".

Xong xuôi rồi, chàng quyết định treo quan tài lên và nói:

"Nay âm dương cách biệt, nhằm giờ độc ngày khắc, ta táng đứng ngươi để muôn đời làm gương cho bọn nghệ thuật chó chết, nghe chưa!".

Nói rồi, chàng lấy dây buộc đầu, buộc chân cái quan tài, và lật đật dựng nó lên giữa nhà...

Xong đâu đó rồi, chàng phun rượu lên chiếc quan tài đỏ rực, và không quên đóng một cái đinh, ở chỗ mà chàng đoán là đầu và mặt của tử thi, rồi treo lên một vòng hoa bằng sắt rỉ, lại có tua gai bao quanh.

"Rồi, đã xong, tử biệt sinh ly, cầu cho hồn phách về nơi tịnh độ!".

Nói xong, chàng bước ra chỗ đặt camera, tắt nút điểu khiển tự động, rồi tắt đèn trong studio và nói:

"Ok, quả trình diễn này đã xong, giờ xách em xe ra phố làm mấy xị rượu với đôi bát cháo lòng tiết canh với mấy thằng bạn và bọn fans cho đã".

"Nào phắn, chó chết, nghệ với chả thuật!", chàng vừa lầu bầu, vừa đá chân chống xe, đạp nổ, về ga, tốc khói rồi vút thẳng!

08/08/2013