Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (29)

Thụy Khuê

 Chương 22: Jean-Baptiste Chaigneau Nguyễn Văn Thắng (1769-1832)

Phần 1: Chaigneau dưới thời Gia Long

clip_image002

Chaigneau là người được giới nghiên cứu Pháp trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) dành cho những bài nghiên cứu kỹ càng và đúng đắn. Trong số những bài đã viết, đáng kể nhất là ba bài:

- La maison de Chaigneau (Nhà Chaigneau) của Cadière (BAVH, 1917, II, t.117-164).

- Les Diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau (Văn bằng và chỉ dụ sai phái của Vannier và Chaigneau), tài liệu André Salles do Cadière dịch và chú giải (BAVH, 1922, II). Những tài liệu này, rất quý, do Salles mua lại của một người đã mua từ vợ Michel Đức, con cả Chaigneau, sau khi ông Đức từ trần.

- Jean-Baptiste Chaigneau et sa famille (JB Chaigneau và gia đình) của André Salles (BAVH, 1923, I, cả quyển), sẽ dẫn là Salles.

André Salles, Thanh tra thuộc địa về hưu, đã sưu tầm tài liệu hộ tịch nhiều đời của các nhân vật chính trong số lính Pháp đến giúp Gia Long. Jean-Baptiste Chaigneau et sa famille được Salles viết xong lúc còn sống, nên đầy đủ nhất, nhưng đôi khi cũng có những lời bình chủ quan nhất, làm giảm giá trị cuốn sách; còn về Vannier, Barisy, Salles mới tìm xong hồ sơ hộ tịch, được Cosserat biên tập, gọi là Documents Salles, và cho in sau khi Salles qua đời, cho nên có tính cách khách quan hơn.

Ngoài ra còn phải kể cuốn Souvenirs de Hué (Cochinchine), Paris, Impérial, 1867, của Michel Đức Chaigneau. Cuốn sách này có giá trị về mặt miêu tả đời sống đương thời tại kinh đô, với những lễ nghi tập tục trong triều; ghi lại những kỷ niệm tuổi thơ của tác giả, đặc biệt lúc tám tuổi, được vào triều, ra mắt vua và hoàng hậu và khi ông theo cha trở lại Việt Nam dưới thời Minh Mạng, được vua gọi vào hỏi về đời sống bên Tây. Riêng phần viết về những gì xẩy ra trước khi Michel Đức ra đời, liên hệ đến Bá Đa Lộc và những người lính Pháp, có nhiều sai lầm, không thể dùng làm tài liệu lịch sử.

Những chi tiết về tiểu sử của Chaigneau mà chúng tôi sử dụng ở đây, phần lớn, rút trong Jean-Baptiste Chaigneau et sa famille của André Salles.

Chaigneau, thời trẻ

Jean-Baptiste Chaigneau, quê Lorient, xuất thân trong một gia đình có truyền thống thuỷ binh. Người cha, Alexandre Georges Chaigneau, vào lính thuỷ từ 13 tuổi, bắt đầu bằng chuyến đi Ile de France tháng 3/1740. Ông cưới vợ 2 lần, người vợ đầu sinh một con; người vợ kế, Bonne-Jacquette Perault, sinh 13 con. Ngày 16/11/1768, Alexandre Georges về hưu với chức vụ đại tá hải quân. Ông mất ở Lorient ngày 13/1/1786. (Salles, t. 7, 10).

Jean-Baptiste Chaigneau sinh ngày 8/8/1769. Salles cho biết không tìm được tài liệu nào về việc học, chỉ biết đến tuổi 12, lúc đó mẹ đã mất được 2 năm, Jean-Baptiste được xung vào lính thuỷ tình nguyện, chắc đã biết đọc, biết viết và biết làm bốn phép tính (Salles, t. 43, 44). Đi biển lần đầu ngày 14/4/1781, trên tàu Necker, đi Ile de France. Sáu tháng sau, tàu này phải "kiên trì chiến đấu" với tàu Petit Amibal ở mạn Mũi Hảo Vọng, và bị tàu Anh bắt ngày 25/10/1781, thủy thủ đoàn bị đưa về đảo Ste-Hélène, vài tháng sau Chaigneau mới được trở về Lorient. Xin nhắc lại: trong thời gian từ 1789 đến 1802, nước Anh cầm đầu cuộc chiến chống lại nước Pháp Cách Mạng, giáo hội Pháp ủng hộ nước Anh. Ngày 18/4/1782, Chaigneau lại theo tàu Ariel trong chiến dịch gần 2 năm, tới ngày 7/3/1784, mới trở về Brest, và bị giải giới.

Ngày 28/8/1784, Jean Baptiste Chaigneau lại khởi hành, cùng với em là Étienne, trên tàu Subtile, trong 43 tháng, tàu này trang bị vũ khí, đi đi về về trong vùng Ấn Độ Dương: Ile de France, Pondichéry, Mahé, Madagascar, Trinquemalay, Batavia, Canton và Manille, tới khi bị giải giới ở Brest ngày 10/4/1788.

Qua sự vụ lệnh của tàu Subtile, ngày 1/7/1787, Chaigneau được ghi tên vào danh sách binh nhì. Ngày 7/9/1787, ở Port-Louis (Ile de France), qua một kỳ sát hạch, được tăng lên binh nhất, nhưng trong hai năm, tất cả những cố gắng để vận động cho Chaigneau vào quân đội hoàng gia đều vô hiệu. Mặc dù ngày 14/11/ 1788, Chaigneau đã qua kỳ sát hạch về thủy đạo (nghiã là "biết cách tìm điểm nhắm, xác định vĩ độ, kinh độ, những biến đổi, định vị trí tàu trên bản đồ") (Salles, t. 148) và bà bá tước du Bourg đã can thiệp lên ông Bộ trưởng Thủy quân, cũng chỉ nhận được lời hứa suông (Salles, t. 45).

Đến tháng 6/1790, Chaigneau lại làm đơn nữa, được Thévenard, quản đốc quân nhu ở Lorient phò trợ, nhưng Bá tước Bộ trưởng Luzerne vẫn từ chối. Thậm chí ông còn khiển trách việc nhận Chaigneau vào lính tình nguyện (Salles, t. 45 và t. 149).

Như vậy, chứng tỏ việc xin vào quân đội chính quy là rất khó, mặc dầu Chaigneau đi biển từ tuổi 12 và việc xin lên chức sĩ quan càng khó hơn.

Không thể chờ đợi mãi một chỗ trong quân đội chính quy, ngày 9/9/1791, Chaigneau lên tàu Flavie, là tàu buôn tư, đi "vòng quanh thế giới". Trong tờ khai sự vụ tàu Flavie, ngày 3/6/1793, ghi Chaigneau là sĩ quan (1er enseigne), nhưng anh vẫn không phải sĩ quan thực thụ trong quân đội Pháp, vì tàu Flavie chỉ là tàu buôn tư. Salles cho biết, trong các giấy tờ hộ tịch sau này, Chaigneau không đề bất cứ chức vụ gì trong quân đội Pháp (Salles, t. 46). Người ta cũng không biết gì nhiều về tàu Flavie, chủ tàu là ai, buôn bán gì, đã có những hoạt động như thế nào trong những năm 1791-1794; dường như nó có dự vào cuộc tìm kiếm tàu La Pérouse bị mất tích. Tàu Flavie trở về Macao tháng 3/1794, nó bị chận lại ở đây, vì gặp cuộc đụng độ Anh-Pháp trên biển và bị một tàu Anh đuổi. Tàu Flavie bị giải giới ngày 24/3/1794 ở Macao. Chaigneau 25 tuổi.

Tại sao Chaigneau không trở về Pháp?

Câu trả lời có thể rất hiển nhiên: chế độ Kinh hoàng (La Terreur, 1792-1794) ở Pháp sau cách mạng 1789 đã làm cho những người Pháp ở ngoài nước không muốn trở về. Theo Salles (t.50), có thể vì Chaigneau biết quá ít tin tức về nước Pháp lúc đó, lại nghe các cha cố nói đến việc Nguyễn Vương đang trọng đãi người Pháp ở Nam Hà, và Laurent Barisy, bạn thủa nhỏ, cũng đang ở Sài Gòn với tư cách đại diện cho hãng buôn Anh ở Madras, mua bán cho nhà vua. Chaigneau, quyết định đi Nam Hà, đã lợi dụng ngay những ngày cuối cùng của gió mùa Đông-Bắc sắp chuyển sang Tây-Nam, và đã đến Sài Gòn đầu tháng 4/1794, (Salles, t. 51).

Nhưng Chaigneau không gặp được ai cả, giám mục Bá Đa Lộc đã theo Hoàng tử Cảnh đi trấn thủ Diên Khánh từ tháng 12/1793 đến tháng 8-9/1794 mới trở lại Sài Gòn. Còn Barisy đã nhận được chỉ dụ sai phái của vua ngày 17/12/1793 (Louvet, t. 545) đem hàng hoá, theo gió mùa Đông Bắc, đi Malacca và Poulo-Pinang bán để mua vũ khí cho vua; chỉ có thể trở về theo gió mùa Tây Nam, tức là vào khoảng tháng 5/1794.

Không biết Chaigneau làm gì trong thời gian từ tháng 4/1794, đến tháng 6/1795. Chắc chắn Chaigneau đã giao thiệp với giới giáo sĩ, nhất là giám mục Bá Đa Lộc khi ông trở về Sài Gòn, vì thấy trong thư từ của họ, anh được khen là người tốt.

Tháng 6/1795, Chaigneau xuất hiện trên tàu của Olivier. Olivier đi mua vũ khí ở Macao và chở anh em Dayot vừa trốn khỏi tù (vì làm đắm tàu Đồng Nai). Thư của M. Le Labousse gửi M. Létondal, quản thủ tu viện Macao ngày 22/6/1795, có câu: "Ông sẽ thấy M. Olivier tới Macao với M. Dayot, đã trốn từ tàu của ông ấy khi ra hàng ở Vũng Tàu [...] Trên tàu của Olivier còn có Chaigneau cùng quê với tôi [Le Labousse]. Tôi gửi gấm anh ta cho ông, anh ta là người rất tử tế [...] Tôi mong anh ta tìm thấy ở Macao cơ hội để về Pháp, sợ đi biển lâu, những tính tốt của anh ta sẽ bị đắm chìm như bao nhiêu người khác..." (Cadière, Doc Rel. t. 35).

Trong chuyến đi này, thế nào anh em Dayot chẳng kể chuyện bị "các quan vu cáo" và bị "kết án oan ức", nhưng Chaigneau vẫn trở về Nam Hà cùng với Olivier sau đó, và anh còn tiếp tục làm "áp-phe" giữa Sài Gòn-Macao trong vài chuyến nữa. Cuối 1796, đầu 1797 Chaigneau trở lại Sài Gòn và sau đó, mới chính thức gia nhập quân đội Nguyễn Ánh, được chức Cai Đội. Nhưng văn bằng thì không tìm thấy (Salles, t. 53). Lúc này Chaigneau 28 tuổi.

Chaigneau phục vụ Gia Long tới năm 1819, thì xin về xứ thăm gia đình ba năm. Khi ông trở lại Việt Nam, năm 1821, với sứ mệnh mới của chính phủ Pháp, thì Gia Long đã mất, ông ở lại triều Minh Mạng 4 năm nữa rồi về Pháp hẳn. Ông mất tại Lorient ngày 31/1/1832 ở tuổi 63 (Salles, t. 102).

Tình trạng gia đình

Chaigneau, từ khi lên tàu Flavie ngày 9/9/1791, không có tin tức gì của gia đình. Sau chiến tranh, quyết định ở lại Huế. Ngày 4/8/1802, mua căn nhà ở làng Dương Xuân, theo bản đồ của Cadière, nhà này ở trên bờ kinh Phủ Cam, khoảng giữa đường Nam Giao (nay là đường Điện Biên Phủ) và chợ Phủ Cam (nay là chợ Bến Ngự). Theo Đức Chaigneau, nhà Vannier và de Forçant ở Bao Vinh.

clip_image004

Năm 33 tuổi, Chaigneau cưới cô Hồ Thị Huề con ông Hồ Văn Hưng, một gia đình có đạo ở phường Thợ Đúc, cạnh Phủ Cam, do giám mục Labarlette làm lễ ngày 10/8/1802. Người chị/em gái là Hồ Thị Nhơn sẽ lấy de Forçant, có ba con (Salles t. 103-104).

Từ 1802 đến năm 1815, khi bà Huề mất trong lúc sinh nở, trong 13 năm, họ sinh được 11 con, nhưng 6 đứa trẻ mất sớm, chôn ở Phước Quả. Con cả sinh ngày 25/6/1803, là Michel Nguyễn Văn Đức (1803-1894) sống lâu nhất, tới 91 tuổi; làm công chức trong bộ tài chánh Pháp, có vợ, không con; ông viết cuốn Souvenirs de Hué (Cochinchine), Paris, Impérial, 1867. Từ 1873, dạy tiếng Việt ở trường Sinh ngữ Đông phương (École des Langues Orientales); Đức Chaigneau mất ngày 14/4/1894, tại nhà riêng 88 Avenue de Clichy, Paris (Salles, t. 111). Hai con trai thứ của Chaigneau là Pierre Địu và Francois-Xavier Ngãi, mất ở trạc tuổi 40, cũng không có con. Người con gái Anne Trinh, có một con gái, sau sinh thêm 4, 5 lần nữa đều không nuôi được. Như thế, các con của bà Hồ Thị Huề, không còn ai nối dõi.

Năm 1817, Chaigneau cưới Hélène Barisy làm kế (lai Việt, con gái Laurent Barisy, mất năm 1802; sau người mẹ cũng mất, Chaigneau đem về nuôi). Hèlène hơn Michel Đức ba tuổi. Lễ cưới ngày 15/1/1817 ở nhà thờ Phủ Cam, sinh 2 con tại Huế: Henri Quang, mất trong chuyến về Pháp năm 1819, và Louis Thương, mất ở Sài Gòn, trong chuyến về Pháp năm 1825 vì dịch tả. Tại Pháp, ngày 14/6/1820, sinh thêm bé gái Marie, cũng mất sớm. Trong thời gian ở Việt Nam lần thứ hai (1821-1825) Hélène sinh thêm Jean, con trai duy nhất có con nối dõi dòng Chaigneau. Gia đình về lại Lorient, sinh thêm hai con nữa: Marie, sau đi tu, và Edouard, mất sớm. Hèlène từ trần tại Lorient ngày 17/9/1853 (Salles, t. 118-119).

Thời điểm Chaigneau gia nhập quân đội Nguyễn Ánh

Chúng ta vẫn chưa xác định được chắc chắn thời điểm nào Chaigneau chính thức gia nhập quân đội Nguyễn Ánh.

Lá thư Chaigneau viết ngày 10/6/1798, tại Sài Gòn cho quản thủ tu viện Macao, trong có câu: "Tình trạng của nhà vua vẫn thế. Năm ngoái ông đã để lỡ dịp có thể chinh phục dễ dàng nước ông. Ông đã bất ngờ đến đất địch, họ đang chia rẽ và không phòng bị gì, vậy mà ông không biết lợi dụng hoàn cảnh. Cứ theo chiến dịch cuối cùng này thì con nghĩ nhà vua chẳng bao giờ làm chủ được đất nước ông." (Cadière, Doc. Rel.; t. 37-38).

Ở đây, Chaigneau muốn nói đến chiến dịch đánh Quy Nhơn lần thứ hai, bắt đầu từ tháng 5/1797 đến tháng 9-10/1797, và phê bình Nguyễn Vương qua chiến dịch đó.

Xin nhắc lại: Nguyễn Vương đến Quy Nhơn, thấy phòng thủ kỹ, không thể đánh được, bèn kéo quân ra Quảng Nam, thắng được vài trận, nhưng thiếu lương và thuyền lương tiếp tế gặp bão; quân sĩ bệnh tật nhiều; nên phải rút quân về. Lúc đó Lê Trung giữ vùng Quy Nhơn; Quảng Nam có Trần Quang Diệu, đều là kiện tướng của Tây Sơn.

Những lời trên đây của Chaigneau chứng tỏ: hoặc ông không dự chiến dịch này, hoặc ông dự mà không biết rõ tình hình. Nhiều người dựa vào lời này để xác định Chaigneau đã dự chiến dịch đánh Quy Nhơn 1797. Chúng tôi không chắc lắm, chiến dịch này chỉ có Olivier là đích thực tham dự và lập công ở Quảng Nam. Còn Vannier không biết lúc ấy ở trong đội ngũ nào. Riêng Chaigneau có thể đã tham dự, hoặc không, vì lời lẽ trong thư không xác định được gì cả. Sau đó Nguyễn Ánh nghỉ 2 năm để chấn chỉnh lực lượng. Tóm lại, không thể biết đích xác thời điểm Chaigneau gia nhập quân đội Nguyễn Ánh.

Tháng 4/1799, trong chiến dịch Quy Nhơn lần thứ 3, lúc này Olivier đã mất (ngày 23/3/1799) chắc chắn Vannier và Chaigneau có tham dự, nhưng chưa được làm thuyền trưởng, nên Thực Lục không ghi tên họ trong các cuộc hành quân.

Phải đến tháng 2-3/1800, mới có ba người Pháp được quản tàu đại hiệu; Thực Lục việc tháng 2-3/1800, ghi: "Sai Khâm sai thuộc nội Cai đội Nguyễn Văn Chấn [Vannier] quản tàu đại hiệu Phượng Phi, Nguyễn Văn Thắng [Chaigneau] quản tàu đại hiệu Long Phi, Lê Văn Lăng [de Forçant] quản tàu đại hiệu Bằng Phi, theo Trung quân sai phái đánh giặc (bọn Chấn đều là người Phú Lang Sa)" (TL, I, t. 407).

Đây là lần đầu tiên, tên của Vannier, Chaigneau và De Forçant được ghi trên danh sách hành quân của Thực Lục. Đúng vào thời gian này, Chaigneau bị bệnh, được gửi đi Malacca điều trị. Đây là giấy phép:

"J. Chaigneau, Khâm sai Cai đội Thuộc nội Thắng Tài Hầu, đã dự nhiều trận đánh, mệt mỏi, hy sinh vì nước, bị mắc chứng bệnh hiểm nghèo; Công Đồng cho phép đi Malacca, trên chiếc thuyền chở hàng (lougre) với khâm sai cai đội Laurent Barisy. Phải trao lá thư của quan tham vụ ngoại giao Nam Hà gửi quan toàn quyền Malacca, thỉnh cầu quan toàn quyền vì lòng nhân từ, tìm thầy thuốc cho. Ngay sau khi khỏi bệnh, phải trở về để phò vua và làm công tác thường lệ. Công đồng báo trước để rõ ý vua". Công Đồng Chi Ấn [Tức là dấu ấn của Hội đồng các đại thần xét việc công. Định chế Công đồng có từ thời Quang Trung]. Ngày 24, tuần trăng thứ 2, Cảnh Hưng năm 61 [19/3/1800] (Dịch [theo bản Louvet, t. 558-559. Cadière có bản dịch khác trong Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau, BAVH, 1922, II, t. 140).

Theo giấy phép này của Công Đồng, thì Chaigneau đã dự "nhiều trận đánh". Như thế, chắc chắn Chaigneau đã tham chiến từ 1799, khi Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn lần thứ ba.

Đầu năm 1800, Chaigneau đi Malacca chữa bệnh và dưỡng bệnh. Theo lá thư Barisy viết ngày 28/12/1800 tại Sài Gòn, trong có câu:"Chúng tôi đang ngập đầu trong chiến tranh" (thư gửi đại tá Despinas ở Pondichéry, Salles, t. 55), thì ta có thể chắc chắn Chaigneau đã về lại Sài Gòn cuối năm 1800 cùng với Barisy và sẽ dự các chiến dịch, kể từ năm 1801 trở đi với tư cách thuyền trưởng tàu Long phi.

Thực Lục việc tháng 3/1801 ghi: "Sai Nguyễn Văn Trương điều bát thuỷ quân tiến ra Quảng Ngãi, Quảng Nam đánh giặc [...] các chúa tàu hiệu Long Phi, Phượng Phi, Bằng Phi, là bọn Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Thắng, Lê Văn Lăng đều thuộc quyền" (TL, I, t. 432).

Ba người Pháp này, sẽ dự các trận Thị Nại, Quảng Nam và Phú Xuân, như chúng ta đã biết. Ở trận Thị Nại, họ có nhiệm vụ hộ tống vua, nhưng không điều khiển các thuyền Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, vì vua đi ga-le (xem chương 20). Đến trận Phú Xuân họ ở dưới quyền điều khiển của tướng Phạm Văn Nhơn (xem chương 20). Sau khi vào Huế, trong dịp thăng thưởng quân sĩ, Vannier, Chaigneau và de Forçant đều được lên Cai Cơ.

Nhiệm vụ chuyên chở của các tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi

Trong trận Thị Nại 1801, ba tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, đóng ở vịnh Cù Mông; vì Nguyễn Vương dùng thuyền chiến ga-le. Sau đó Chaigneau cho biết vua thường dùng các tàu đại hiệu này để chở quân nhu, tiếp tế. Điều này phù hợp với chính sử và các chỉ dụ sai phái.

Trước hết, Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi không phải lúc nào cũng do Chaigneau, Vannier và De Forçant điều khiển, Liệt Truyện ghi: "Năm Tân Dậu [1801] Nguyễn Khắc Thiệu cùng với lưu thủ Vĩnh Trấn là Nguyễn Văn Thiệu sang Xiêm báo tin thắng trận [Thị Nại], khi về coi hai chiếc thuyền lớn bọc đồng là Bằng Phi, Phượng Phi, chở lương gạo ở Quảng Nam đến quân thứ Quy Nhơn" (LT, II, Nguyễn Khắc Thiệu, t. 344).

Thực Lục việc tháng 12/1801 ghi: "Sai chúa tàu Phượng Phi là Nguyễn Văn Chấn (Vannier) và chúa tàu Bằng Phi là Lê Văn Lăng (de Forcanz) chở 15.000 phương gạo từ Quảng Nam đến quân thứ Thị Nại" (Thực Lục I, t. 474). Hai thông tin này có thể chỉ cùng một nhiệm vụ của Bằng Phi và Phượng Phi mà cũng có thể là hai nhiệm vụ khác nhau trong năm 1801.

Sang năm 1802, tài liệu Salles do Cadières dịch và chú giải, in trong Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau, BAVH, 1922, II, trình bày những văn bản sau đây:

- Thư sai phái ngày 1/3/1802: Sai Chaigneau tải gạo từ Sài Gòn ra Huế. (t. 143)

- Lệnh cho Chaigneau ngày 19/4/1802: phải sửa soạn tàu, chờ, để cùng Liêm Chánh Hầu [Tôn Thất Liêm] hộ tống Từ Cung từ Gia Định về Huế (t. 145-146).

Liệt Truyện Trần Đại Luật ghi: "Năm Nhâm Tuất [1802], lấy lại được Bình Định, Luật cùng bọn Hoàng Viết Toản đem binh thuyền về Gia Định đón Từ giá về Kinh" (LT, II, Trần Đại Luật, t. 295). Và Thực Lục việc tháng 7/1802 ghi: "Hoàng Văn Toản, Trịnh Ngọc Trí và Tôn Thất Liêm rước Từ cung về kinh" (TL, t. 499). Như vậy, trong lúc Gia Long đánh ra Bắc, (khởi hành từ Huế ngày 20/6/1802, đến Thăng Long ngày 20/7/1802), có nhiều người được chỉ định đi đón Từ Cung về Huế: Từ tháng 4/1802, Gia Long đã chuẩn bị việc đón mẹ về Huế, và đến tháng 7 mới xong, điều này chứng tỏ đường biển từ Gia Định ra Huế còn nhiều khó khăn vì có tàn dư của quân Tây Sơn và giặc biển Tề Ngôi, do đó phải vận dụng thêm Hoàng Viết Toản, Trần Đại Luật.

Tháng giêng năm 1803, một nhiệm vụ chuyên chở khác được giao cho tàu Phượng Phi, ghi trong Thục Lục: "Sai Chưởng Cơ, quản tàu Phượng Phi là Nguyễn Văn Chấn chở súng đồng ở Gia Định đến Kinh" (TL, I, t. 539).

Vậy qua những gì được ghi lại, các tàu đại hiệu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, không phải lúc nào cũng do Chaigneau, Vannier và De Forçant điều khiển và còn có những nhiệm vụ khác, ngoài sự tham dự các chiến dịch.

Phái đoàn Roberts của Anh đến xin thông thương

Trong thời kỳ từ 1801 đến 1804, nước Anh đến xin thông thương ba lần:

1- Thực Lục tháng 5-6 /1801 ghi: "Nước Hồng Mao sai người đem thư đến dâng phương vật mà xin miễn thuế cảng cho thuyền buôn. Vua hạ lệnh cho lưu trấn Gia Định [Nguyễn Văn Nhơn] viết thư trả lời: đánh thuế theo như thể lệ thuyền buôn Quảng Đông" (TL, I, t. 438).

Lần này không rõ trưởng phái đoàn là ai, nhưng chính sách ngoại giao của Gia Long không thay đổi: không có đặc lệ cho người Âu.

2- Thực Lục tháng 7-8/1803 ghi: "Hồng Mao sai sứ đến hiến phương vật, dâng biểu xin lập phố buôn ở Trà Sơn, dinh Quảng Nam. Vua nói rằng: "Hải cương là nơi quan yếu, sao lại cho người ngoài được!" Không cho. Sai trả vật lại mà bảo về" (TL, I, t. 564). Lần này chính là phái đoàn Roberts đến xin thông thương, vua trả lời thẳng là không cho, nhưng Roberts còn kiên trì xin nữa, truyện sẽ kéo dài trong một năm.

3- Tháng 7/1804, Thực Lục ghi: "Nước Hồng Mao sai sứ đến dâng phương vật, dâng biểu xin thông thương. Lại xin cho người nước ấy ở lại Đà Nẵng, đi lại buôn bán. Vua nói: "Tiên vương kinh dinh việc nước, không để người Hạ lẫn với người Di, đó thực là cái ý đề phòng từ lúc việc còn nhỏ. Người Hồng Mao gian giảo, trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ hẳn khác, không cho ở lại, ban cho ưu hậu mà khiến về, khước từ những phương vật họ hiến". Rồi sau bọn Hội Thương Trọng (tên quan Hồng Mao) [chỉ Roberts] hai ba lần dâng thư yêu cầu. Cuối cùng vua cũng không cho." (TL, I, t.602)

Lần này cũng vẫn là phái đoàn Roberts; nhưng Thực Lục ghi như một phái đoàn khác, có thể Roberts không ở lại Việt Nam cả một năm, mà đã đi và sau quay lại; hoặc triều đình không biết rõ việc tàu Anh ở lại nước ta gần một năm trời.

Tóm lại, năm 1803, Roberts xin "lập phố buôn ở Trà Sơn" , năm sau xin "ở lại Đà Nẵng"; cả hai yêu cầu, đều bị vua từ chối. Nhưng giọng văn Thực Lục lần sau có vẻ gay gắt hơn, hẳn là phải có lý do. Chúng tôi sẽ giải thích rõ hơn vụ việc này trong chương viết về Các sứ bộ Anh và Pháp đến Việt Nam thời Gia Long và Minh Mạng. Ở đây chỉ bàn đến việc Chaigneau và Vannier được chỉ định tiếp đón phái đoàn Anh.

Chaigneau và Vannier được lệnh tiếp đón phái đoàn Roberts

Khi sứ bộ Roberts đến Đà Nẵng tháng 7-8/1803, vua đang chuẩn bị ra Bắc để nhận phong của nhà Thanh, sai Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Khiêm và Trần Văn Thái giữ kinh thành. Ngày 19/9/1803, vua rời Huế. Ngày 26/9/1803, đến Nghệ An; gọi Phạm Văn Nhơn ra Hà Nội dự lễ. Ngày 29/11/1803, đến Thăng Long; tháng 2/1804, làm lệ thụ phong; Nguyễn Văn Thành nhận sắc, Phạm Văn Nhơn nhận ấn. Ngày 2/3/1804, vua rời Thăng Long; ngày 19/3/1804, về tới Huế. Gia Long đặt tên nước là Việt Nam.

Đúng vào thời điểm này thì có vụ tàu Anh đến Đà Nẵng, trước khi Vua ra bắc. Vua từ chối, không tiếp. Tàu Anh vẫn đỗ lại ở Đà Nẵng trong nhiều tháng. Chaigneau và Vannier được lệnh thư của Công đồng [Hội đồng các quan đại thần] ra tiếp, thông báo cho đại diện Roberts những luật lệ của triều đình, nhận thư, dịch thư và đem thư đệ trình lên vua, trong khi vua đang trên đường ra Bắc. Tàu Anh kiên quyết chờ đợi vua về, để xin tiếp kiến lại, và chỉ nhổ neo ngày 14/8/1804. Khi đi, Roberts để lại một lá thư phản đối xấc xược, lời lẽ đe doạ: "Tôi còn phải báo cho Bệ hạ biết nếu ngài để cho kẻ thù của nước Anh [chỉ Pháp] mở một thương điếm hay dễ dàng buôn bán bất cứ thứ gì, thì ngài nên biết rằng, sự tiếp xúc với họ sẽ chuốc lấy hậu quả là mối hận thù của chính phủ Anh" (dịch theo bản dịch tiếng Pháp in trong La Cochinchine Religieuse của Louvet, quyển II, t. 496-498).

Qua lệnh thư của Công đồng gửi Vannier và Chaigneau, ngày 28/9/1803, chúng tôi xin tóm tắt tiến trình tiếp đón này như sau:

Thuyền trưởng Anh, khi đến Đà Nẵng, đã gửi thư cho Vannier và Chaigneau, báo cho biết là họ có đem thư đệ trình lên vua. Việc này vua Gia Long đã biết từ trước khi khởi hành ra Bắc.

Đến ngày 19/9/1803, Gia Long rời Huế, Công đồng, theo lệnh của vua, viết thư sai phái ngày 29/9/1803, lệnh cho Chấn Tài Hầu [Vannier] và Thắng Đức Hầu [Chaigneau] [trong thư nói rõ: Vannier đi hay không tuỳ ý, còn Chaigneau phải đi, như vậy có thể hiểu Chaigneau biết tiếng Anh] cùng với Thạnh Đức Hầu (chưa biết là ai) ra Đà Nẵng, lên tàu và nói với đại diện Anh như thế này:

"Theo tục lệ ở đây, khi có thuyền tàu ngoại quốc đem thư đến, thì ta gửi người đến xem chữ nghiã thế nào; sau khi đã dịch sang tiếng quốc âm, sẽ trình lên Hoàng Đế biết; và sau đó mới cho phép sứ giả đến chúc tụng". Phải nói rõ như thế, để cho họ hiểu. Rồi phải lấy thư của Trấn quan [quan trấn thủ Anh ở Pondichéry] dịch sang quốc âm, dịch cẩn thận, rõ và đúng. Còn phải nói thêm như thế này: hiện Hoàng Đế trên đường ra Bắc; mà đường biển lúc này khó khăn. Vậy họ phải cắm neo đợi, ở chỗ đang đỗ [nghiã là không được vào Huế]. Cho phép được mua bán tất cả các thứ, không giới hạn gì. Sau khi dịch xong thư thì trả lại cho họ. Thắng Đức Hầu đem bản dịch đến hành tại [chỗ vua đóng] dâng vua, và đợi thư trả lời.

Ngoài ra, Chấn Tài Hầu và Thắng Đức Hầu còn phải gặng hỏi và bắt họ phải khai chi tiết những điều sau đây: nước Anh còn gửi thêm tàu nào nữa hay không và đến với mục đích gì; để khi Thắng Đức Hầu đến gặp Hoàng đế, phải tâu cho rõ. Sau khi Chấn Tài Hầu và Thắng Đức Hầu tới Quảng Nam và giải quyết xong các vấn đề với tàu Anh, thì phải trình tâu ngay cho các quan phụ chính biết. Nhớ đem theo quân hộ tống, cho ăn mặc quần áo oai vệ, và đem theo văn kiện để trưng dụng phu khuân vác. Y lệnh. Sau khi dịch xong thư, không giữ mà phải trả lại họ; để khi họ đến Kinh, còn đệ trình lên Hoàng Đế. Còn bản dịch sang quốc âm, phải đưa người khẩn cấp mang đến hành tại dâng vua. Thắng Tài Hầu cũng lên đường theo sau, vì đường thì xa, mà hành trình của ông còn xa hơn.

Gia Long năm thứ hai, tháng 8, ngày 13 [28/9/1803] Công Đồng Chi Ấn. (Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau, BAVH, 1922, II, t. 155).

Đọc lệnh thư này, chúng ta biết rõ lề luật của triều đình khi có phái đoàn đem thư nước ngoài: Lá thư này, trước hết, phải được dịch ra quốc âm cho vua xem trước, sau đó bản chính sẽ trả lại phái đoàn, và nếu họ được vua tiếp, lúc đó sứ giả mới chính thức đưa thư lên triều kiến.

Vài ngày sau lệnh thư này của Công Đồng, Chaigneau nhận được lệnh thư của tướng Phạm Văn Nhơn, đệ nhất phụ chính, ngày 2/10/1803, như sau:

Khâm Sai, Chưởng Thần Võ Quân, Kiêm Giám Thần Sách Quân, Quận Công, Thị Trung Đô Thống Chế [tức Phạm Văn Nhơn]

Thông báo

Việc: Theo lệnh Hoàng Đế, chỉ thị cho Khâm Sai, Thuộc nội, Chưởng Cơ, Chính Quản Long Phi tàu, Thắng Đức Hầu [Chaigneau], kính cẩn tuân theo chỉ thị của Hoàng Đế, vì ân huệ đặc biệt, gửi 15 người lấy trong quân dưới quyền cai quản [của Chaigneau] và một cai đội và 40 người, hộ tống [Chaigneau] đi Đà Nẵng, để liên lạc với những người trên tàu Anh; dịch và viết lại lá thư do nước này gửi đến, mang lá thư dịch dâng lên Hoàng Đế...

Gia Long, năm thứ nhì... [2/10/1803], Thần Sách Túc trực Đô Thống Chế chi chương. (Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau, BAVH, 1922, II, t. 160).

Tóm lại, qua vụ này, chúng ta biết được tiến trình tiếp đón một tàu ngoại quốc đến xin tiếp kiến, theo quy luật của triều đình. Chaigneau và Vannier đưọc sai đi đón tàu Anh, nhưng Pháp và Anh là hai nước cừu địch, tất cả mọi khó khăn xẩy ra từ đó; phiá Pháp muốn tìm mọi cách ngăn ngừa Anh giao thương với Việt Nam, và phía Anh cũng muốn dùng mọi cách ngăn Pháp vào Việt Nam.

Vì những khó khăn đó, nên tàu Anh kiên trì đợi vua từ Thăng Long về, để sứ giả xin gặp trực tiếp. Ngày 19/ 3/1804, vua về đến Huế, nhưng công việc giao tiếp vẫn không tiến triển, vì bất đồng ngôn ngữ và vì quan điểm hai bên khác nhau: vua không chấp thuận nhượng bất cứ mảnh đất nào cho nước ngoài để mở thương điếm, có thể còn thêm ác cảm từ vụ tàu Anh bắt tàu Armide của vua và Anh bán khí giới cho Tây Sơn. Roberts ở lại Việt Nam đến ngày 14/8/1804, đệ thư nhiều lần, nhưng không đạt kết quả, nên khi đi, đã gửi lại lá thư lời lẽ hết sức xúc phạm. Chúng tôi sẽ dịch lá thư của Roberts và trở lại vần đề này trong chương Các sứ bộ Anh và Pháp đến Việt Nam thời Gia Long và Minh Mạng.

Vannier và Chaigneau bị giảm số quân trong thời bình

và các tàu Long PhiPhượng Phi không còn hoạt động

Theo tài liệu của Salles, do Cadières biên soạn, in trong Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau (BAVH, 1922, II), thì văn bằng Chưởng Cơ của Chaigneau ngày 19/12/1802 (t. 150-151), cùng một mẫu với văn bằng Chưởng cơ của Vannier ngày 6/12/1802 (t. 147-148), chỉ khác ở điểm: "Vannier... quản tàu Phượng Phi, điều khiển đội Tiệp Thủy". còn "Chaigneau... quản tàu Long Phi, điều khiển hai đội Kiên Thuỷ".

Điều đáng chú ý là: mặc dù được thăng chức Chưởng Cơ, nhưng Vannier chỉ được cai quản một đội Tiệp Thủy, tức là vào khoảng 50 người. Chaigneau được cai quản hai đội Kiên Thuỷ tức là vào khoảng 100 người, trừ khi hai đội của Chaigneau chỉ bằng một đội của Vannier. Quân số này không phù hợp với điạ vị Chưởng cơ, trên nguyên tắc, coi khoảng 5, 6 trăm người. Ngay trong chiến tranh, khi Chaigneau và Vannier còn làm thuyền trưởng, các tàu đại hiệu đều chở 300 quân, tức là họ đã từng có 300 quân trong tay.

Vậy, có thể hiểu: Vannier và Chaigneau, sau chiến tranh, chỉ nhận chức Chưởng cơ "danh dự", vua không để cho người ngoại quốc cầm quân?

Sự giảm thiểu này, còn tiếp tục nữa, chiếu theo lệnh Chaigneau nhận được ngày 15/1/1803:

"Công Đồng ra lệnh cho Chưởng Cơ Chánh quản Long Phi đồng tàu, phải thi hành: Chỉ giữ lại 50 quan, quân và phi tiêu, trong số cựu quân, để chăm sóc và bảo vệ tàu. Nếu cựu quân không đủ, thì thêm quân mới cho đủ số 50, còn lại bao nhiêu quân mới, cho về nghỉ. Tới ngày lĩnh lương, chỉ trình diện 50 người để lĩnh lương. Y lệnh."

Gia Long, năm thứ nhất, tháng 12, ngày 22 [15/1/1803] Công Đồng Chi Ấn ((Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau, BAVH, 1922, II, t. 154).

Theo chỉ thị này của Công Đồng, thì Chaigneau chỉ còn được giữ 50 quân để coi tàu, chứ không phải để làm người hầu như Michel Đức viết trong Souvenir de Huế.

Hai năm sau, một chỉ thị nữa cho Chaigneau ngày 21/2/1805, ghi:

"Công Đồng chỉ thị cho quản Long Phi đồng tàu, Khâm sai, Thuộc nội, Chưởng cơ, Thắng Đức Hầu, một lệnh cần biết: Gửi gấp 35 quân của tàu Long Phi cho tàu Phượng Phi mượn, khi tàu [Phượng] tới Sài Gòn, sẽ cho quân này trở về xứ. Y lệnh".

Gia Long năm thứ tư, tháng thứ 1, ngày 22 [21/2/1805] (Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau, BAVH, 1922, II, t. 161)

Theo lệnh này, Long Phi phải cho Phượng Phi "mượn" 35 lính trong số 50 lính, để lái Phượng Phi về Sài Gòn, sau đó Phượng Phi sẽ ở lại đây, và cho 35 người lính này "về xứ" tức là giải ngũ.

Tóm lại, đến 1805, cả Vannier lẫn Chaigneau đều không có tàu để làm thuyền trưởng nữa.

Có thể tất cả những sự giảm thiểu liên tiếp này đã khiến cho Chaigneau bất mãn.

Quyết định trở về Pháp

Ngay từ năm 1806, Chaigneau đã muốn bỏ đi, nhưng đã có vợ con, không biết đi đâu, đành ở lại Việt Nam, những lá thư năm 1807, 1808, 1812 gửi giáo sĩ Létondal, đều nói đến tâm sự này. Năm 1808, ông nhận được tin tức gia đình lần đầu, nhưng trong thư trả lời, ông không dám nói đến chuyện vợ con, có lẽ vì lấy vợ Việt. Mãi đến năm 1817, mới nói, khi đó vợ ông đã mất từ năm 1815, và ông vẫn lần lữa không trở về, viện lẽ có bổn phận với vua; đi thì vua sẽ buồn, vv... và thêm ăiều nữa, là ông rất gắn bó với giáo hội công giáo.

Tháng 9/1817, hai tàu Pháp La PaixHenri, cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng tàu Henri đề nghị chở ông và gia đình về Pháp không tốn tiền, nhưng ông vẫn không về, mặc dầu trong thư ông nói "ghê tởm cái xứ đang ở".

Hai tàu này đi được 6 ngày thì chiến thuyền Cybèle đến Đà Nẵng ngày 30/12/1817, chính thức muốn nối lại giao thương với Việt Nam.

Vannier được gửi ra Tourane đón (Chaigneau đau chân không đi được). Họ gặp nhau thường xuyên để bàn tính mọi chuyện. Thuyền trưởng Kergariou tin tưởng có Vannier vận động, sẽ được vua tiếp. Nhưng phái đoàn Kergariou cũng thất bại, vua Gia Long không tiếp, vì lý do: phái đoàn không có thư của vua Pháp [Louis XVIII, 1815-1824]. Cybèle rời Đà Nẵng ngày 22/1/1818. Chúng tôi sẽ trở lại việc này trong chương Các sứ bộ Anh và Pháp đến Việt Nam thời Gia Long và Minh Mạng.

Vannier viết trong thư ngày 15/6/1819 cho Baroudel, quản thủ tu viện Macao: "Chaigneau và tôi kinh tởm cái nước Nam này, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để đi thoát". Trong thư gửi cho Baroudel ngày 3/6/1819, Chaigneau kể vua Gia Long già yếu rồi, sẽ có nhiều thay đổi trong triều. Cùng dịp ấy, tàu La Rose đến Đà Nẵng (trước ngày 17/6/1819) và tàu Henri cũng trở lại Đà Nẵng ngày 10/7/1819. Một trong hai tàu này đã mang bản sao lá thư ngày 17/9/1817 của quận công de Richelieu, thủ tướng Pháp, viết cho Chaigneau, yêu cầu ông làm phúc trình về tình hình nước Nam, cùng với công văn ngày 26/8/1818: trao tặng Chaigneau và Vannier, Ngũ đẳng Bắc đẩu Bội tinh (Chevalier de la Légion d'honneur).

Theo Michel Đức, thì chính lệnh làm phúc trình cho chính phủ Pháp về tình hình Việt Nam đã thúc đẩy Chaigneau quyết định về Pháp. Rey, thuyền trưởng tàu Henri, vẫn giữ đề nghị chở cả gia đình ông về Pháp không tồn tiền.

Những yếu tố này, kèm thêm vấn đề thừa hưởng gia tài của cha, đã giúp ông quyết định trở về Pháp. Vườn nhà của ông ở Dương Xuân bán cho công chúa Bảo Thuận, con gái thứ năm của vua Gia Long, nhưng không rõ nhà bán cho ai. (Cadière, La maison de Chaigneau, BAVH, 1917, II, t. 128-129), và ngày 21/10/1819, Giám mục Véren [Labartette] làm giấy chứng thực khai sinh cho các con ông. Chaigneau xin phép vua Gia Long về nghỉ 3 năm ở Pháp, được vua chấp thuận.

Ngày 13/11/1819, Chaigneau cùng gia đình lên tàu Henri, gồm 5 con với bà Hồ Thị Huề, là Michel Đức, Joseph Nhàn, Pierre Địu, Francois-Xavier Ngãi, Anne Trinh, cùng hai con với với vợ sau Hélène Barisy là Louis Thương và Henri Quang (mất trên chuyến đi). Ngày 14/4/1820, tàu đến Bordeaux.

Chaigneau hy vọng được thừa hưởng gia tài của cha (giàu vì làm đại tá hải quân cho Công Ty Pháp Ấn) nhưng gia tài này phải chia cho sáu con, và qua các biến động ở Pháp, không còn lại gì.

Thụy Khuê

(Còn nữa)

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-28/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-27/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-26/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-25/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-23/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-22/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-21/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-20/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-19/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-18/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-17/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long-16/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-15/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-14/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html