Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Danh tiếng Kundera ngày nay ra sao? (*)

Jonathan Coe, The Guardian, thứ Sáu 22.5.2015
Hiếu Tân dịch
Trong những năm 1980 mọi người đều đọc Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being) và Cười cợt và quên lãng (The Book of Laughter and Forgetting). Nhưng, khi ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên sau hàng chục năm, danh tiếng của nhà văn gốc Tiệp này ngày nay ra sao – phải chăng nó đã bị hủy hoại không thể cứu vãn do cách miêu tả phụ nữ của ông?
clip_image001
Milan Kundera ở Praha, 1973. Ảnh: AFP/Getty Images

Ở trang đầu cuốn tiểu thuyết mới của Milan Kundera xuất bản ở Pháp năm ngoái khi tác giả 85 tuổi, một người đàn ông đang chậm rãi thả bộ dọc theo một đường phố Paris vào tháng Sáu, khi “mặt trời ban sớm ló khỏi những đám mây”. Tên anh ta là Alain. Chúng ta không biết tuổi của anh, hay anh trông ra sao, nhưng chúng ta biết rằng anh là một trí thức bởi vì cảnh hở rốn của các thiếu nữ mà anh đi ngang qua trên đường phố gợi hứng cho một loạt suy tư, “mô tả và định nghĩa đặc trưng” của những “khuynh hướng gợi tình” khác nhau.
Ai khác có thể viết những dòng trên đây nếu không phải Milan Kundera? Hai trong số những phép tu từ chủ yếu của các tiểu thuyết của ông có mặt ở đây và đúng, trong một trang rưỡi đầu tiên, trước hết là tính trội của nam giới/ cái nhìn đàn ông, gắn trên thân thể đàn bà, bị nó “quyến rũ”, và dệt nên một lý thuyết phức tạp, trên cơ sở những gì nó thấy ở đó. Thứ hai: tầm với cao ngạo của lý thuyết đó, nằm ở chỗ “trung tâm của sức quyến rũ của phụ nữ” được nhận thức không chỉ bởi “một người đàn ông”, mà còn bởi một “thời đại”: chứng tỏ tham vọng của một nhà tiểu thuyết coi công việc của đời ông là rèn những mối liên hệ giữa ý thức cá nhân và những dòng chảy thường xuyên biến đổi của lịch sử và chính trị.
Lễ hội vớ vẩn (The Festival of Insignificance) chắc chắn là một Kundera-điển-hình nếu không nói là Kundera-cổ-điển. Nó là một quyển sách của ông già, và trong khi có những dấu hiệu lấp lánh của một trí tuệ uyên thâm hóm hỉnh và thoải mái, sẽ là đáng ngạc nhiên nếu không có dấu vết gì của mùa thu cuộc đời. Liếc qua bìa sau các tiểu thuyết Kundera của nhà xuất bản Faber, ta sẽ thấy hàng đống những trích đoạn của những người như Ian McEwan, Salman Rushdie và Carlos Fuentes, phần lớn là từ hơn 30 năm, nhắc chúng ta rằng danh tiếng của ông lên đến đỉnh cao trong những năm 1980, cái thập niên mà người người đọc Đời nhẹ khôn kham và Cười cợt và quên lãng.
Tại sao những cuốn sách ấy lại khẩn thiết đến thế, lại không thể thiếu được vào thời gian ấy? Có phải vì nó trùng hợp với hệ tư tưởng thịnh hành lúc đó, hay nó thể hiện một cái gì đó cường tráng hơn, lâu bền hơn? Lịch sử sẽ phán xét nó thế nào? Nói cho công bằng, danh tiếng của ông sẽ còn lại trên ba tiểu thuyết lớn của “thời kỳ trung niên”: Cười cợt và quên lãng, Đời nhẹ khôn kham và Bất tử (Immortality). Trước đó chúng ta có bộ ba tiểu thuyết hài nhiều tập – Trò đùa (The Joke), Cuộc sống là ở nơi khác (Life Is Elsewhere) và Điệu van-xơ từ biệt (Farewell Waltz) – gợi lên một cách sống động hoàn cảnh của một Tiệp Khắc sau chiến tranh và trong thời kỳ cộng sản, mà không đòi hỏi tính độc đáo vể hình thức sẽ trở thành dấu hiệu nhận biết của Kundera sau này. Sau đó, chúng ta có ba tiểu thuyết ngắn, gọn và sơ sài – Chậm rãi (Slowness), Bản sắc (Identity) và Mù tịt (Ignorance) – ngay cái tít của chúng cũng nói lên sự nghèo nàn về triết lý cũng như tính chất hư cấu của chúng.
Những cuốn trong thời kỷ trung niên là những cuốn cho thấy Kundera đã tìm ra không chỉ giọng điệu riêng độc đáo mà cả hình thức hoàn thiện của ông. Đó là những tiểu thuyết lưu vong, viết trong thời kỳ lưu vong. Ông rời Tiệp năm 1975, sau khi bị sa thải khỏi cương vị giảng dạy, bị tước mất quyền làm việc, và thấy tiểu thuyết của mình bị cấm trong các thư viện công. Thời gian ông đến Paris cùng lúc với thay đổi đáng kể trong khuynh hướng sáng tác. Cười cợt và quên lãng tránh cách kể chuyện theo đường thẳng, thay vì thế, nó mở ra một mớ những câu chuyện tương liên với nhau, lồng vào nhau, kết lại với nhau, một phần bằng vài ba nhân vật xuất hiện nhiều lần, nhưng chắc chắn hơn bằng những chủ đề, những [cụm] từ, những môtip lặp lại. Dường như sự nhổ neo khỏi quê hương đối với Kundera cũng có nghĩa là ông đã giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc của ước lệ về hình thức. Cuốn tiểu thuyết có một độ linh động lạ thường, một sự thoải mái nhẹ nhàng đáng ao ước trong sự chuyển dịch qua lại giữa lối văn kể chuyện và lối văn tiểu luận.
clip_image003
Juliette Binoche trong phim Đời nhẹ khôn kham. Ảnh: Sportsphoto/Allstar/Cinetext Collection
Sự gắn kết không thể chia cắt giữa hình thức và nội dung: đây là một trong những điều mà tác phẩm của Kundera dạy chúng ta. Trong tiểu thuyết ngắn Chậm rãi, viết về cuốn sách nổi tiếng nhất của Pierre Choderlos de Laclos, Kundera nhận xét: “Dạng thư từ của “Những cuộc dan díu nguy hiểm” (Les Liaisons dangereuses), không chỉ là một thủ tục kỹ thuật có thể dễ dàng thay thế bằng cái khác. Hình thức này có khả năng biểu cảm mạnh mẽ trong bản thân nó, và nó nói với chúng ta rằng, dù các nhân vật có trải qua điều gì, họ cũng trải nghiệm để phục vụ cho việc kể về nó, để chuyển tải, thông báo, thú nhận, viết nó ra. Trong một thế giới như thế, nơi mà tất thảy được kể lại, thì thứ vũ khí vừa sẵn có lại vừa kinh khủng nhất là sự tiết lộ.”
Đương nhiên nhận xét này không đến từ một nhà văn học sử, mà từ một người đã từng sống dưới sự săm soi của công an mật. Viết lách, và những gì có thể “tiết lộ” về các tác giả, là một trong những chủ đề bức thiết trong sự nghiệp của Kundera, từ Trò đùa trở đi. Trong Cười cợt và quên lãng, Tamina, một người Tiệp lưu vong sống ở một thành phố không tên phương Tây, sẽ làm bất cứ điều gì để lấy lại được 11 cuốn sổ ghi chép bị thất lạc từ đất nước quê hương chị. Một trong những trở ngại mà chị gặp phải là sự không hiểu của những người phương Tây: “để làm cho người ở đây hiểu một điều gì đó về cuộc sống của chị, nó phải được đơn giản hoá” – bởi vậy chị mô tả những quyển sổ ghi chép đó cho mọi người như “những tài liệu chính trị”, mặc dù thật ra chúng chỉ là những quyển hồi ký, chị muốn lấy lại không phải vì lý do “chính trị chính em” gì, mà chỉ vì trí nhớ của chị về cuộc sống của chị hồi trước đã bắt đầu phai mờ, và “chị muốn đem lại cho nó cái hình thể đã mất của nó. Điều thúc giục chị không phải lòng ham cái đẹp, mà là lòng ham sống.”
Thông qua chuyện này và những chuyện tương tự có nội dung liên quan, Cười cợt và quên lãng soi rọi một cách đẹp đẽ những điểm trong cuộc sống của chúng ta tại đó căn cước của chúng ta – chính cái cấu trúc của bản ngã chúng ta thông qua trí nhớ – đụng độ với các lực lượng chính trị xung đột với nó. Nó là một chủ đề không thể tách rời khỏi bối cảnh trong đó Kundera được nuôi dạy, thế giới của cộng sản kỷ nguyên Xô viết, một bối cảnh làm nhiều nhà quan sát phương Tây thập kỷ 70 và 80 thích thú, và trong chừng mực nào đó, bối rối; và trên bốí cảnh này những tiểu thuyết của ông dường như đã mở ra một cửa sổ duy nhất, đưa những rắc rối của nó vào cuộc sống với một sự trào lộng vô song, nỗi u uất và tính khắt khe trí tuệ. Chẳng đáng ngạc nhiên, những tiểu thuyết này dường như, trong lần xuất bản đầu tiên, nằm trong số những tài liệu văn học thiết yếu nhất của thời đại.
Theo sát gót những tiểu thuyết là một cuốn sách tìm kiếm trong những điều khác để giải thích chúng: Nghệ thuật của tiểu thuyết, một tập bảy tiểu luận trong đó Kundera trình bày quan niệm của ông về truyền thống tiểu thuyết châu Âu và vị trí của chính ông trong đó. Văn bản then chốt trong phân tích của ông là Những kẻ mộng du (The Sleepwalkers) của Hermann Broch, một bộ ba tiểu thuyết mà ít có bạn đọc Anh nào hồi đó làm quen và đến bây giờ lại càng ít người đọc hơn nữa (thật ra bản in trong nước [Anh] của cuốn này ngày nay không còn có bán). Trong những cuốn này, Broch cũng cố gắng tổng hợp những cách thức khác nhau nhưng theo Kundera, “nhiều yếu tố (thơ, kể chuyện, cách ngôn, phóng sự, tiểu luận) vẫn chỉ là đặt cạnh nhau chứ không phải pha trộn thành một thể thống nhất đa thanh thật sự”. Dưới ánh sáng của nó không thể không thấy tất cả tác phẩm sau lưu vong của Kundera là một cố gắng tiếp tục cái nhiệm vụ mà Broch mở đầu, một nhiệm vụ đắc thắng theo nghĩa sự pha trộn của riêng ông những yếu tố này cảm thấy chúng thật sự liền mạch và hữu cơ.
Liệu Kundera khi đạt tới điều này có phải hy sinh một điều cực kỳ thiết yếu, là sự thật tâm lý của đời sống hay không? “Những tiểu thuyết của tôi không phi [tiểu thuyết] tâm lý”, ông khẳng định trong Nghệ thuật tiểu thuyết. “Chính xác hơn, chúng nằm bên ngoài cái gu thẩm mỹ thường được gọi là tiểu thuyết tâm lý.” Đây là một tuyên bố phủ định rành mạch – tuyên bố tiểu thuyết của ông không phải là cái gì – nhưng đến khi cần định nghĩa chúng là cái gì, thì ông mơ hồ hơn. “Tất cả mọi tiểu thuyết, của mọi thời đại, đều băn khoăn với sự bí ẩn của bản ngã… Nếu tôi tự đặt mình đứng ngoài cái gọi là tiểu thuyết tâm lý, điều ấy không có nghĩa là tôi lấy đi khỏi các nhân vật của tôi đời sống nội tâm. Nó chỉ có nghĩa là có những điều bí ẩn khác, những vấn đề khác mà tiểu thuyết của tôi theo đuổi trước hết… Hiu bản ngã trong các tiểu thuyết của tôi có nghĩa là nắm được thực chất vấn đề sinh tồn của nó. Nắm được mật mã sinh tồn của nó.
Cái “mật mã sinh tồn” này, ông tiếp tục giải thích, có thể được biểu hiện bằng một loạt từ khóa. Đối với Tereza trong Đời nhẹ khôn kham chẳng hạn, đó là “thân thể, linh hồn, chóng mặt, nhu nhược, thơ mộng, Thiên đường”. Say mê vẻ lấp lánh triết lý của tiểu thuyết này, (và chắc chắn cả sự chao đảo, ở nhiều bạn đọc nam, vì tính dâm ớn lạnh của nó) những người ngưỡng mộ Kundera vui vẻ chấp nhận việc sử dụng cái mật mã sinh tồn này như một phương tiện để mô tả nhân cách, hay, dùng những thuật ngữ phê bình văn học truyền thống hơn, họ tha thứ cho sự sơ sài trong miêu tả tính cách. Nhưng các tính cách thường có chiều hướng sống lâu trong trí nhớ hơn là trong những ý tưởng. Cách đây ít năm, trên báo này [The Guardian – ND], John Banville đã viết một bài thú vị[1] đánh giá lại Đời nhẹ khôn kham hai mươi năm sau khi nó được xuất bản. Giọng của ông là ca ngợi nhưng hơi có chút hoài nghi. “Tôi kinh ngạc sao mình nhớ ít đến thế,” ông viết. “Trung thành với cái tựa đề của nó, cuốn sách đã bồng bềnh trôi ra khỏi tâm trí tôi như một quả bong bóng bơm khí nóng tuột khỏi dây buộc nó… Về các nhân vật tôi chẳng nhớ được gì cả, ngay cả tên của chúng.” Thừa nhận rằng cuốn tiểu thuyết vẫn còn tính xác đáng về chính trị, ông nói thêm: “Tuy nhiên, tính xác đáng ấy không là gì khi đem so với cái cảm giác về cuộc sống được cảm nhận, mà những nhà tiểu thuyết thực sự lớn truyền tải.”
 
“Ông có một độ linh động lạ thường, một sự thoải mái nhẹ nhàng đáng ao ước trong sự chuyển dịch qua lại giữa lối văn kể chuyện và lối văn tiểu luận.” Kundera năm 2010. Ảnh: Miguel Medina/AFP/Getty Images
Từ tác phẩm của chính ông, hình như Kundera không tự coi ông thuộc về cái truyền thống của các nhà văn “thực sự lớn” mà Banville ngụ ý. Nhiều nhà tiểu thuyết mà ông yêu thích – Sterne, Diderot, Broch, Musil, Gombrowicz – thực sự thuộc về cái nhánh mỉa mai châm biếm lập lờ nước đôi của văn chương, trong đó tác giả ý thức rõ về những mâu thuẫn, những cạm bẫy, những dối trá thủ đoạn vốn có trong hành vi hư cấu sáng tạo đến mức chính những cuốn sách của họ trở thành, ở mức độ nào đó, giễu nhại hoặc ít nhất là tự thẩm vấn. Vị trí của Kundera trong ngôi đền Pantheon đặc biệt ấy có vẻ vững chắc, với một lời cảnh báo quan trọng: không ở đâu cái ý nghĩa của “cuộc sống được cảm nhận” của Banville lại vắng mặt một cách bất tiện hơn trong cách Kundera mô tả những nhân vật nữ.
Những vụ giới nữ quyền phản đối Kundera xảy ra thường xuyên, có lẽ không vụ nào thuyết phục hơn Joan Smith trong cuốn Những kẻ ghét phụ nữ (Misogynies) của bà, trong đó bà cho rằng “sự thù địch là nhân tố chung trong tất cả những gì Kundera viết về phụ nữ.” Bà đưa ra nhiều đoạn dẫn chứng, có đoạn hết sức khó chịu trích từ Cười cợt và quên lãng trong đó người kể chuyện có một cuộc hẹn gặp bí mật với một nữ biên tập viên một tờ tạp chí, người đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi đặt ông ta viết bài. Cô hết sức căng thẳng về cuộc gặp, diễn ra trong một căn hộ bí mật, đến nỗi mất cả kiểm soát bài tiết. Tuy nhiên, khi gặp cô, phản xạ chính, không thể giải thích được của người kể chuyện là “một thèm khát hoang dại cưỡng hiếp nàng... Tôi muốn chiếm lấy nàng hoàn toàn, với cả cứt của nàng và tâm hồn đầy húy kỵ của nàng.” (Chắc chắn đây là một đoạn văn gớm guốc, nhưng tôi thấy nó là một sự vu khống đàn ông, hơn mọi thứ khác.)
Chống lại những thí dụ lên án của Smith, chúng ta phải nêu lên một số nhân vật nữ – đặc biệt trong những tiểu thuyết sau này của Kundera – cuối cùng họ cũng được nhận thức lành mạnh như những nhân vật nam của ông. Mù tịt là một trong số tiểu thuyết gần đây mà tôi thích, ít nhất bởi vì nhân vật nữ của nó, Irena, là một tính cách phức tạp, dễ thương, thái độ nước đôi của cô về lưu vong được mô tả với giọng dí dỏm và thương cảm. Nhưng ngay cả ở đây, ngay trong đoạn kết của tiểu thuyết, hình ảnh cuối cùng của Irena là một kẻ tọc mạch, bất cần đời khi cô nằm ngủ trần truồng “dạng chân một cách hớ hênh,” trong khi người yêu của cô dán mắt vào cái ngã ba của cô, và “nhìn chằm chằm một lúc lâu vào cái chỗ buồn bã ấy.” Tại sao Kundera cảm thấy cần phải phơi bày những người phụ nữ của ông một cách cố tình và độc ác như vậy? Và, với vấn đề này, làm sao ông có thể viết một cuốn sách tiểu luận 150 trang về tiểu thuyết châu Âu mà không hề nhắc lấy một nhà văn nữ nào ngoài Agatha Christie?
Tôi không khỏi cảm thấy rằng, nếu có điều gì sẽ xói mòn danh tiếng lâu dài của Kundera, thì đó không phải là sự thiếu vắng “cuộc sống được cảm nhận” trong các tiều thuyết của ông, hay sự kiện là nghệ thuật của ông đã được phát triển trong một bối cảnh chính trị mà một ngày kia (sớm hơn chúng ta nghĩ) sẽ bị quên lãng, mà là cái tinh thần trọng nam, thiên về giống đực áp đảo trong ông. Tôi tránh dùng từ “ghét phụ nữ” bởi vì tôi không nghĩ rằng ông ghét phụ nữ, hoặc khăng khăng thù địch với họ, nhưng chắc chắn ông có vẻ như nhìn thế giới từ một điểm nhìn độc đoán của giống đực, và điều này chắc chắn hạn chế những thành tựu nếu không vì nó thì vô hạn của ông trong lĩnh vực tiểu thuyết và tiểu luận. May sao, Lễ hội vớ vẩn ít bị méo mó vì cái khuynh hướng này hơn hầu hết những cái khác mà ông đã viết; và như vậy, mặc dù có thể không phải là sự bổ sung trọng yếu vào sự nghiệp của ông, nó vẫn có thể là một điểm tốt để mở lối vào lại những nhân vật đã bị đào thải trong quá khứ, bởi những quan điểm tình dục gai góc đem đến những nếp nhăn bất an cho ngay cả những tác phẩm tuyệt vời nhất của ông.
______________________
(*) Nhan đề của người dịch. Nguyên văn “How important is Milan Kundera today?”